Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 10

19

Cảnh báo

TẤT CẢ NAM GIỚI GIÚP ĐỠ - TRỰC TIẾP HAY GIÁN TIẾP - CÁC NHÂN VIÊN TRÊN MÁY BAY KẺ THÙ NHẢY DÙ XUỐNG HOẶC BẮT BUỘC PHẢI TIẾP ĐẤT, GIÚP TRỐN THOÁT, CHE GIẤU HOẶC GIÚP ĐỠ HỌ DƯỚI BẤT CỨ HÌNH THỨC NÀO, SẼ BỊ BẮN NGAY TẠI CHỖ. PHỤ NỮ GIÚP ĐỠ TƯƠNG TỰ SẼ BỊ ĐƯA ĐẾN CÁC TRẠI TẬP TRUNG Ở ĐỨC.

“Mình thật may mắn vì là phụ nữ,” Isabelle tự nhủ, “Sao đến lúc này - tháng Mười năm 1941 - mà bọn Đức không nhận ra Pháp đã trở thành một đất nước của phụ nữ nhỉ?”

Ngay cả khi nói ra những lời đó, nàng đã nhận ra sự can đảm giả tạo bên trong. Lúc này, nàng muốn mình can đảm - như Edith Cavell đã liều cả mạng sống - nhưng ở đây, trong ga tàu hỏa bị lính Đức tuần tra này, nàng đâm sợ.

Không thể lùi lại hay thay đổi ý định được nữa. Sau nhiều tháng lập kế hoạch và chuẩn bị, nàng cùng bốn phi công đã sẵn sàng thử nghiệm kế hoạch trốn thoát.

Trong buổi sáng tháng Mười giá lạnh, cuộc sống của nàng đã biến đổi. Ngay khi lên chuyến tàu chạy tới Saint-Jean-de-Luz, nàng không còn là Isabelle Rossignol, cô gái trong hiệu sách, sống ở đại lộ La Bourdonnais nữa.

Từ giờ trở đi, nàng là Juliette Gervaise, bí danh là Sơn ca.

- Đi thôi. - Anouk khoác tay Isabelle, dẫn nàng tách khỏi tờ cảnh báo và tới quầy bán vé.

Họ đã tập dượt nhiều lần để Isabelle nắm vững kế hoạch. Hạn chế duy nhất là mọi nỗ lực liên hệ với bà Babineau đều thất bại. Bà sẽ là nhân tố chủ chốt đóng vai trò người dẫn đường, vì thế Isabelle sẽ phải tự làm việc này. Trung úy MacLeish ăn vận như một người nông dân đứng cách xa bên trái Isabelle, đợi tín hiệu của nàng. Mọi đồ lề anh giữ cho cuộc chạy trốn này là hai viên Benzedrine* , một la bàn nhỏ xíu trông giống cái nút bấm gắn vào cổ áo. Anh được cấp giấy tờ giả - bây giờ anh là tá điền người Bỉ. Anh có một thẻ căn cước, một giấy phép làm việc, nhưng cha nàng không bảo đảm giấy tờ này sẽ qua được sự kiểm tra gắt gao. Anh đã cắt phần trên đôi ủng bay và cạo bộ ria.

Tên một loại thuốc kích thích.

Isabelle và Anouk đã mất rất nhiều giờ đồng hồ huấn luyện cho anh hành xử sao cho thật đúng. Họ cho anh mặc cái áo choàng rộng thùng thình, cái quần lao động đầy vết bẩn, cũ sờn. Họ tẩy sạch những vết ố trên ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải, dạy anh hút thuốc như một người Pháp khi dùng ngón cái và ngón trỏ. Anh biết phải nhìn sang trái trước khi băng qua đường - chứ không nhìn sang phải -, không bao giờ được đến gần Isabelle trừ khi nàng đến gần anh trước Nàng dạy anh giả câm, điếc và đọc báo trong lúc ở trên tàu, trong suốt chuyến đi. Anh cũng mua vé riêng và ngồi cách xa Isabelle. Cả bọn đều phải làm thế. Khi xuống tàu ở Saint-Jean-de-Luz, các phi công phải đi sau Isabelle, cách xa một khoảng hợp lý.

Anouk quay sang Isabelle. Cô sẵn sàng chưa? Chị hỏi bằng ánh mắt. Nàng chậm rãi gật đầu.

- Anh họ Etienne sẽ lên tàu ở Poitiers, chú Emile ở Ruffec và Jean-Claude ở Bordeaux.

- Rõ. - Các phi công đồng thanh đáp.

Isabelle xuống tàu ở Saint-Jean-de-Luz với bốn phi công - hai người Anh và hai người Canada, và tất cả sẽ vượt núi vào Tây Ban Nha. Khi đến đó rồi, nàng sẽ gửi một bức điện. “Sơn ca vẫn hót” nghĩa là đã thành công.

Nàng hôn lên từng bên má Anouk và thì thầm Tạm biệt, rồi đi nhanh đến cửa bán vé.

- Saint-Jean-de-Luz, - nàng nói và đưa tiền. Nhận vé, nàng đến sân ga C. Nàng không ngoảnh lại lần nào, tuy rất muốn.

Đoàn tàu hú còi.

Isabelle lên tàu, ngồi ở ghế bên trái. Các hành khách khác đi vào, nhận chỗ. Vài lính Đức lên tàu, ngồi đối diện với nàng.

MacLeish là người lên tàu sau cùng. Anh vào toa, len qua nàng mà không hề liếc nhìn, anh khom vai xuống để thu người lại. Lúc cửa đóng, anh ngồi vào ghế ở đầu kia toa tàu và mở báo ra ngay lập tức.

Đoàn tàu hú còi lần nữa, các bánh xe đồ sộ bắt đầu quay, rồi chậm rãi tăng dần tốc độ. Toa tàu sập một cái khá mạnh, nâng trái rồi phải, sau đó ổn định vào chuyển động lắc lư đều đều, các bánh xe kêu lách cách-lạch cạch trên đường ray.

Tên lính ngồi đối diện với Isabelle liếc nhìn về cuối toa. Cái nhìn chòng chọc của hắn đọng lại nơi MacLeish. Hắn gõ vào vai bạn và cả hai dợm đứng lên.

Isabelle ngả tới trước.

- Xin chào* , - nàng nói và mỉm cười.

Tiếng Pháp trong nguyên bản.

Bọn lính ngồi xuống ngay lập tức.

- Chào cô* , - bọn chúng đồng thanh.

Tiếng Pháp trong nguyên bản.

- Các anh nói tiếng Pháp giỏi lắm, - nàng nói dối. Một người phụ nữ trông cứng cỏi trong bộ quần áo nông dân dặng hắng ghê tởm và nói thầm bằng tiếng Pháp: “Cô nên xấu hổ vì bản thân mới phải”.

Isabelle cười duyên dáng.

- Các anh đi đâu vậy? - Nàng hỏi tốp lính. Họ sẽ phải ở trên chuyến tàu này nhiều giờ. Tốt hơn hết là thu hút sự chú ý về phía nàng.

- Tours, - một tên đáp, tên còn lại nói, - Onzain.

- Chà. Các anh có muốn chơi bài giết thời gian không? Tôi có mang theo cỗ bài đây.

- Có. Có chứ! - Tên trẻ hơn nói.

Isabelle thò tay vào xắc tìm cỗ bài. Nàng đang chia các quân và cười thì người phi công tiếp theo lên tàu, đi qua chỗ bọn Đức.

Sau đó, người soát vé tới, nàng giơ vé. Anh ta bấm vé và đi tiếp.

Lúc nhân viên soát vé tới chỗ MacLeish, anh làm đúng như được dặn - đưa vé của mình trong lúc vẫn đọc. Người phi công kia cũng làm y như thế.

Isabelle thở hắt ra, nhẹ người và ngồi yên trên ghế của mình.

+++++

Isabelle cùng bốn phi công tới Saint-Jean-de-Luz bình an vô sự. Họ phải đi bộ - tất nhiên là tách rời nhau - qua hai trạm kiểm soát của Đức. Bọn lính gác chỉ ngó qua một loạt giấy tờ giả, nói cảm ơn* mà không ngước nhìn. Bọn chúng chẳng nghĩ gì đến những phi công bị bắn rơi và hình như không lường đến một kế hoạch táo bạo như thế này.

Tiếng Đức trong nguyên bản.

Lúc này, nhóm của Isabelle đã đến gần các quả núi. Ở chân núi, Isabelle bước đến một công viên nhỏ ven sông và ngồi xuống chiếc ghế dài nhìn xuống nước. Các phi công cũng đến đó theo đúng dự kiến, từng người một, MacLeish là người đầu tiên. Anh ngồi xuống cạnh nàng.

- Anh có tấm biển của mình chưa? - Nàng hỏi.

MacLeish rút một mảnh giấy trong túi áo sơmi ra: ĐIẾC VÀ CÂM. ĐANG ĐỢI MẸ TÔI ĐẾN ĐÓN. Các phi công khác cũng y như vậy.

- Nếu một tên Đức làm phiền anh, anh đưa giấy tờ và tấm biển này ra. Không nói gì hết.

- Nếu tôi đóng vai ngớ ngẩn, thì càng dễ cho tôi. - MacLeish cười toét.

Isabelle quá lo lắng nên không thể cười nổi.

Nàng tháo ba lô bằng vải bạt của mình và đưa cho MacLeish. Trong đó có vài đồ dùng thiết yếu - một chai vang, ba xúc xích heo, hai đôi tất len nặng và vài quả táo.

- Ngồi lại nơi nào có thể ở Urrugne. Tất nhiên là không đi cùng nhau. Cúi đầu xuống và giả vờ đọc sách. Đừng ngước lên cho đến khi nghe thấy tôi nói: “Anh đấy ư, anh họ, bọn em tìm anh mãi”. Hiểu chưa?

Cả nhóm gật đầu.

- Nếu đến sáng tinh mơ mà tôi không quay lại, hãy đi tách nhau tới Pau và đến khách sạn tôi đã dặn. Một phụ nữ tên là Eliane sẽ giúp các anh.

- Cẩn trọng nhé, - MacLeish nói.

Hít một hơi sâu, Isabelle rời khỏi nhóm và đi bộ ra đường cái. Đi khoảng một dặm, và lúc màn đêm bắt đầu buông, nàng băng qua một cây cầu lung lay. Con đường đã biến thành đường cho xe bò, bẩn thỉu và chật hẹp, còn nàng cứ trèo lên, lên mãi, tới chân núi xanh ngát. Ánh trăng như trợ giúp nàng, chiếu sáng hàng trăm đốm nhỏ trắng toát - những con dê. Ở trên cao này không có nhà, chỉ có các chuồng gia súc.

Cuối cùng, nàng nhìn thấy nó: một ngôi nhà hai tầng, khung gỗ, mái đỏ đúng như cha nàng tả. Cũng chẳng có gì lạ khi họ đã không thể liên lạc được với bà Babineau. Hình như ngôi nhà này được thiết kế để làm nản lòng mọi người, cũng giống như con đường dẫn lên nó. Lũ dê kêu be be lúc nàng tới, con nọ xô vào con kia, vẻ lo sợ. Ánh sáng tình cờ lọt qua các cửa sổ bị bôi đen, và luồng khói vui vẻ phụt ra khỏi ống khói, tỏa mùi trong không khí.

Sau tiếng gõ của nàng, cánh cửa gỗ nặng trịch hé mở chỉ đủ lộ ra một con mắt và cái miệng gần như giấu trong bộ râu điểm bạc.

- Xin chào, - Isabelle nói. Nàng đợi một lát xem ông ta có vui lòng đáp lại không, nhưng ông ta không nói gì. - Cháu đến gặp bà Babineau.

- Vì sao? - Ông già hỏi.

- Julien Rossignol cử cháu đến.

Ông già tặc lưỡi và mở cửa.

Điều đầu tiên đập vào mắt Isabelle là món thịt hầm đang sôi trong một cái nồi to màu đen, treo vào móc trên cái lò sưởi khổng lồ, các mặt lò đều bằng đá.

Một người phụ nữ ngồi bên cái bàn đồ sộ, sứt sẹo ở cuối căn phòng rộng có rầm gỗ. Nhìn từ góc này trông như thể bà mặc quần áo rách đen màu than, nhưng khi ông già thắp một ngọn đèn dầu, Isabelle thấy bà ăn vận như đàn ông trong trang phục quần dài bằng vải thô, sơmi lanh có diềm cổ bằng da. Mái tóc bà có màu như vỏ bào sắt và bà đang hút thuốc.

Isabelle nhận ngay ra bà dù đã mười lăm năm trôi qua. Nàng nhớ lại lúc ngồi trên bãi biển Saint-Jean-de-Luz, nghe thấy tiếng cười nói của những người phụ nữ. Bà Babineau nói “Con bé xinh đẹp này sẽ gây rắc rối khôn cùng cho cậu đấy, Madeleine ạ, rồi sẽ có ngày bọn con trai vây quanh nó từng đàn", - và mẹ nàng đáp, “Nó quá khôn, sẽ không chịu phí đời mình vì bọn con trai đâu, đúng không Isabelle của mẹ?" - Giày của cô đất đóng thành bánh rồi kìa.

- Cháu đã đi bộ từ ga tàu hỏa ở Saint-Jean-de-Luz đến đây.

- Thú vị thật. - Bà đưa bàn chân đi giày ống đẩy cái ghế cho nàng. - Tôi là Micheline Babineau. Ngồi đi.

- Cháu biết bà là ai, - Isabelle chỉ nói mỗi thế. Thời buổi này thông tin rất nguy hiểm. Phải trao đổi hết sức thận trọng.

- Còn cô?

- Cháu là Juliette Gervaise.

- Tại sao ta phải lo việc này nhỉ?

Isabelle lo lắng liếc nhìn ông già đang cảnh giác theo dõi nàng.

Nàng không thích quay lưng lại phía ông, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Nàng ngồi xuống, đối diện bà Babineau.

- Cô muốn hút thuốc không? Gauloise xanh đấy. Ta phải trả ba franc và một con dê, nhưng cũng đáng lắm. - Bà khoan khoái rít một hơi dài và thở ra làn khói màu xanh lơ. - Tại sao ta phải lo cho cô?

- Julien Rossignol tin là cháu có thể trông cậy vào bà.

Bà Babineau rít một hơi thuốc nữa rồi dụi điếu thuốc dưới đế giày. Bà bỏ phần còn lại vào túi ngực.

- Ông ấy nói có vợ là bạn thân của bà. Bà là mẹ đỡ đầu cho con gái lớn của ông ấy. Ông ấy là cha đỡ đầu cho con trai út của bà.

- Từng là. Bọn Đức đã giết cả hai đứa con trai ta ở tiền tuyến. Và chồng ta đang trong cuộc chiến trước đây.

- Gần đấy ông ấy đã viết nhiều thư gửi bà...

- Hồi này bưu điện làm ăn như cứt. Ông ấy muốn gì vậy?

Điểm yếu là đây. Sai sót lớn nhất trong kế hoạch này. Nếu bà Babineau là chỉ điểm của địch, tất cả sẽ chấm hết. Isabelle đã hình dung khoảnh khắc này đến một ngàn lần và tưởng tượng kế hoạch sụp đổ tan tành. Nàng đã nghĩ ra nhiều cách để tự vệ.

Lúc này nàng thấy tất thảy thật là nực cười, vô ích. Nàng phải dấn tới thôi.

- Cháu đã để bốn phi công bị bắn hạ ở Urrugne, đang đợi cháu. Cháu muốn đưa họ tới tòa lãnh sự Anh ở Tây Ban Nha. Bọn cháu hy vọng nước Anh có thể đưa họ về, để họ có thể bay thêm nhiều chuyến trên đất Đức và ném thêm bom.

Trong khoảng im lặng tiếp theo, Isabelle nghe thấy tiếng tim mình đập, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ trên mặt lò sưởi, tiếng một con dê ở đâu đó kêu be be.

- Và? - Cuối cùng bà Babineau nói, nhỏ đến mức gần như không nghe thấy.

- Và cháu cần một người Basque dẫn đường, giúp cháu vượt qua dãy Pyrénées. Julien cho rằng bà có thể giúp cháu.

Lần đầu tiên, Isabelle biết mình thu hút được sự chú ý của người phụ nữ.

- Gọi Eduardo, - bà Babineau nói với ông già, ông ta vội vã làm theo lệnh. Cánh cửa đóng sập lại mạnh đến mức trần nhà kêu lạch cạch.

Bà Babineau lấy nốt nửa điếu thuốc trong túi ra, châm lửa và lẳng lặng hít vào, thở ra vài hơi trong lúc quan sát Isabelle kỹ càng.

- Bà làm gì... - Isabelle bắt đầu hỏi.

Người đàn bà ép một ngón tay đầy vết thuốc lá lên môi nàng.

Cánh cửa mở tung và một người đàn ông ào vào. Isabelle chỉ kịp nhận ra đôi vai rộng, tấm áo bằng vải bao bì và mùi rượu.

Ông ta chộp lấy cánh tay nàng và nhấc bổng nàng khỏi ghế, ném nàng đập vào bức tường lởm chởm. Nàng thở hổn hển vì đau và cố giằng ra, nhưng ông ta ghìm chặt nàng tại chỗ, chèn đầu gối mình vào giữa hai chân nàng.

- Cô có biết bọn Đức làm gì những người như cô không? - ông ta rít lên, gí mặt sát vào mặt nàng, gần đến mức nàng không thể tập trung, không thể nhìn thấy gì ngoài cặp mắt đen và diềm mi đen, dày của ông ta. Ông ta sặc mùi thuốc lá và brandy. - Cô có biết chúng sẽ trả chúng tôi bao nhiêu vì cô và những phi công của cô không?

Isabelle quay đầu, tránh hơi thở chua lòm của ông ta.

- Các phi công của cô ở đâu?

Những ngón tay của ông ta bấm sâu vào da thịt trên bắp tay nàng.

- Họ ở đâu?

- Phi công nào? - Nàng thở hổn hển.

- Những phi công mà cô đang giúp trốn thoát.

- Phi công gì kia? Tôi không biết ông đang nói về cái gì.

Ông ta gầm lên và lại đập đầu nàng vào tường.

- Cô đã nhờ chúng tôi đưa các phi công vượt dãy Pyrénées.

- Tôi, một phụ nữ lại băng qua được rặng Pyrénées ư? Chắc ông đang đùa. Tôi không biết ông đang nói về chuyện gì.

- Ý cô là bà Babineau nói dối sao?

- Tôi không biết bà Babineau. Tôi chỉ tạt vào đây hỏi thăm đường. Tôi bị lạc.

Ông ta cười, để lộ những cái răng ám khói thuốc và rượu vang.

- Cô gái thông minh đấy, - ông nói và buông Isabelle ra. - Đầu gối không hề run.

Bà Babineau đứng dậy.

- Cô khá lắm.

Người đàn ông lùi lại, nhường chỗ cho bà.

- Tôi là Eduardo. - Ông ta quay sang bà già. - Thời tiết tốt. Ý chí của cô ấy mạnh mẽ. Những người đàn ông có thể ngủ ở đây tối nay. Trừ khi họ yếu sức, ngày mai tôi sẽ dẫn họ đi.

- Ông sẽ dẫn chúng tôi đi? - Isabelle nói. - Tới Tây Ban Nha ư?

Eduardo nhìn bà Babineau lúc này đang ngắm Isabelle.

- Chúng tôi sẵn lòng giúp cô, Juliette. Bây giờ các phi công của cô ở đâu?

+++++

Trước bình minh rất lâu, bà Babineau đánh thức Isabelle và đưa cô vào bếp của nông trại, ở đó lửa đang cháy sáng rực trong lò sưởi.

- Cà phê nhé?

Isabelle đưa các ngón tay chải tóc và chít chiếc khăn quàng bằng vải bông quanh đầu.

- Không ạ, cảm ơn bà, thế thì cầu kỳ quá.

Bà tặng nàng một nụ cười.

- Không ai nghi ngờ một phụ nữ ở tuổi tôi. Nó giúp tôi kinh doanh thuận lợi. Đây này, - bà đưa cho Isabelle một chiếc ca gốm rạn đầy cà phê đen bốc khói nghi ngút. Cà phê thật.

Những ngón tay của Isabelle nắm chặt quanh cái ca, nàng hít sâu mùi thơm quen thuộc, chưa bao giờ-được-xem-như- một-ân huệ.

Bà Babineau ngồi xuống cạnh nàng.

Nàng nhìn vào cặp mắt đen của bà và thấy sự thương cảm khiến nàng nhớ tới mẹ mình.

- Cháu sợ, - Isabelle thừa nhận. Lần đầu tiên nàng nói câu này với người khác.

- Cháu nên biết sợ. Vì tất cả chúng ta phải biết sợ.

- Nếu xảy ra chuyện gì, bà sẽ nhắn tin cho Julien chứ? Ông ấy vẫn ở Paris. Nếu chúng cháu... không hoàn thành việc này, bà nói với ông ấy: “Sơn ca không hót”.

Bà Babineau gật đầu.

Lúc họ ngồi đó, các phi công bước vào phòng, từng người một. Đã quá nửa đêm, trông mọi người đều như mất ngủ. Vẫn chưa đến giờ hẹn cho họ khởi hành.

Bà Babineau dọn một bữa ăn gồm bánh mì, mật ong oải hương ngọt ngào, thơm phức và pho mát dê mịn màng. Cánh đàn ông ngồi trên những chiếc ghế bành cọc cạch và nhích vào gần bàn, cùng trò chuyện và ăn ngấu nghiến mọi thứ ngay lập tức.

Cửa mở đánh sầm, mang theo luồng khí lạnh ban đêm. Những chiếc lá khô ào ào bay thẳng vào trong, nhảy múa trên sàn, dính vào những tảng đá lò sưởi như những bàn tay bé tí, đen sì. Ngọn lửa trong lò run rẩy và yếu dần. Cánh cửa đóng sập lại.

Eduardo đứng đó, nom như một gã khổng lồ lếch thếch trong căn phòng trần thấp. Ông là một người Basque điển hình - đôi vai rộng đủ vác một người băng qua luồng nước dữ dội của dòng sông Bidassoa và một khuôn mặt như tạc vào đá bằng một lưỡi dao cùn. Chiếc áo khoác ông mặc quá mỏng so với thời tiết và vá víu nhiều chỗ.

Ông đưa cho Isabelle một đôi giày Basque, gọi là “giày vải bạt”, đế quấn dây, rất thích hợp đi đường núi.

- Thời tiết ra sao, Eduardo? - Bà Babineau hỏi.

- Giá lạnh đang đến. Chúng ta không được nấn ná. - Ông bỏ cái ba lô đeo trên vai và để nó xuống mặt đất. Ông nói với cánh đàn ông:

- Đây là giày vải bạt. Chúng sẽ giúp các anh di chuyển. Tìm lấy một đôi vừa chân. - Isabelle đứng cạnh ông, phiên dịch.

Các phi công làm theo, họ ngồi xổm quanh ba lô, rút những chiếc giày ra và chuyền tay nhau.

- Chẳng có đôi nào vừa với tôi, - MacLeish nói.

- Cứ làm những gì có thể, - bà Babineau bảo. - Buồn thay, chúng tôi không phải hiệu giày.

Khi các phi công đi xong giày, Eduardo bảo họ đứng thành một hàng. Ông ngắm nghía lần lượt, kiểm tra quần áo và cái túi nhỏ của từng người.

- Lấy mọi thứ trong túi ra và để túi lại đây. Chính quyền Tây Ban Nha sẽ bỏ tù các anh chẳng vì tội gì, và các anh không muốn trốn thoát khỏi tay bọn Đức để rồi lại ở trong nhà tù Tây Ban Nha chứ? - Ông đưa cho mỗi người một cái túi bằng da dê đựng đầy rượu vang và một cành cây xù xì, bám rêu làm gậy. Khi đã xong xuôi, ông vỗ vào lưng họ, mạnh đến mức khiến tất cả nhao về phía trước.

- Im lặng, - Eduardo dặn. - Mọi lúc.

Họ rời khỏi ngôi nhà và đi hàng một trên nền đất bên ngoài, lởm chởm cỏ xanh. Bầu trời được ánh trăng xanh yếu ớt chiếu sáng.

- Đêm che chở chúng ta, - Eduardo nói. - Màn đêm, tốc độ và yên lặng. - Ông quay người, giơ tay ngăn họ. - Juliette sẽ ở cuối hàng. Tôi ở đầu hàng. Khi tôi đi, các anh đi. Các anh đi hàng một. Không nói chuyện. Không một ai. Các anh sẽ bị lạnh - đêm nay có băng giá -, đói và sẽ chóng mệt. Cứ đi tiếp.

Eduardo quay lưng lại các phi công và bắt đầu lên núi. Ngay lập tức, Isabelle cảm thấy cơn rét, giá lạnh cắn vào đôi má và luồn qua những đường may của chiếc áo choàng len trên người nàng. Nàng dùng bàn tay đi găng khép cổ áo lại và bắt đầu chuyến đi bộ dài, vất vả lên sườn núi.

Khoảng ba giờ sáng, đi bộ trở thành một cuộc hành quân. Địa hình dốc, mặt trăng lẩn sau những đám mây và ánh trăng lung linh đã tắt hẳn, để mặc họ trong bóng tối gần như hoàn toàn. Isabelle nghe thấy tiếng thở của những người đàn ông ngay phía trước mình trở nên nặng nề. Nàng biết họ rét lắm, hầu hết không có đủ quần áo ấm cho tiết trời buốt giá này, và ít người có giày vừa chân. Những cành con gẫy dưới chân họ, những hòn đá lăn khỏi họ, tạo nên âm thanh như mưa rơi lên mái tôn lúc chúng rơi xuống sườn núi dốc đứng. Cơn đói vặn xoắn dạ dày trống rỗng của họ.

Trời bắt đầu mưa. Một cơn gió lộng từ thung lũng bên dưới cuốn lên, đập vào cả nhóm đang đi thành hàng một. Nó biến cơn mưa thành những mảnh băng buốt giá, quất vào những chỗ hở ra trên cơ thể họ. Isabelle bắt đầu run rẩy dữ dội, hơi thở của nàng trở thành những tiếng hổn hển to, nặng nề, song nàng vẫn trèo. Lên, lên cao, cao nữa, qua hàng cây.

Đằng trước, ai đó kêu to và ngã rất mạnh. Isabelle không thể nhận ra là ai, đêm tối mịt mùng vây quanh họ. Người đi trước nàng dừng lại khiến nàng va phải lưng anh ta và anh trượt sang một bên, ngã vào một tảng đá mòn và nguyền rủa.

- Đừng dừng lại, các anh, - Isabelle nói, cố giữ vững tinh thần trong giọng nói.

Họ trèo cho đến khi Isabelle thở dốc theo từng bước, nhưng Eduardo không cho phép họ nghỉ. Ông chỉ dừng lại đủ để biết họ vẫn ở sau mình rồi lại bước tiếp, trèo lên sườn núi lổn nhổn đá như một con dê.

Chân Isabelle nóng rát, đau dữ dội và dù có giày vải bạt, chân nàng vẫn bị phỏng rộp nhiều chỗ. Mỗi bước đi trở thành nỗi đau đớn cực độ và là một thử thách của ý chí.

Nhiều giờ, rồi nhiều giờ nữa trôi qua. Isabelle nghẹn thở đến nỗi nàng không sao thốt nên lời để xin một cốc nước, nhưng nàng biết dù thế nào đi nữa, Eduardo cũng không nghe nàng. Nàng nghe thấy tiếng MacLeish thở hổn hển ở ngay trước nàng, nguyền rủa mỗi lần anh trượt chân, hét lên đau đớn, nàng biết những nốt rộp đã làm chân anh nhức nhối vô cùng tận.

Nàng không thể nhận ra con đường mòn nữa. Nàng chỉ lê bước trèo lên cao, cố hết sức giữ cho mí mắt mở.

Đi xiên chiều gió, nàng kéo khăn quàng che kín mũi miệng, và vẫn cứ đi. Hơi thở của nàng trở thành những tiếng hổn hển, sưởi ấm khăn quàng. Mặt vải trở nên ẩm ướt, rồi sau đó đóng băng thành những nếp gấp cứng nhắc, giá buốt.

- Chỗ này. - Giọng nói trầm, vang của Eduardo từ trong bóng tối vọng đến nàng. Họ đã leo lên núi, đủ cao để biết chắc không có quân Đức hoặc Tây Ban Nha đi tuần. Ở đây, mạng sống của họ phụ thuộc vào tình hình thời tiết.

Isabelle ngã sụp lên một tảng đá, đủ mạnh khiến nàng kêu thét nhưng nàng quá mệt nên chẳng cần.

MacLeish gục xuống cạnh nàng, thở hổn hển: “Lạy Chúa toàn năng” và đổ xuống. Nàng vồ lấy tay anh, giữ anh lại lúc anh bắt đầu trượt xuống.

Nàng nghe thấy nhiều âm thanh hỗn loạn sau đó “Ơn Chúa... mãi rồi cũng được nghỉ”... rồi nghe thấy tiếng các thân người đập xuống đất. Họ ngã xuống thành một nhóm, như thể chân họ không thể giữ nổi nữa.

- Không phải ở đây, - Eduardo nói. - Ở lều của người chăn dê, trên kia kìa.

Isabelle lảo đảo đứng lên. Đứng vào cuối hàng, nàng đợi, run rẩy, cánh tay ôm chặt lấy người như có thể giữ ấm bên trong, nhưng chẳng có hơi ấm nào. Nàng cảm thấy mình như một mảnh băng, giòn và giá lạnh. Đầu óc nàng chống chọi với tình trạng mụ mị, choáng váng và muốn đi tiếp. Nàng phải tiếp tục lắc lư đầu để giữ cho ý nghĩ sáng sủa.

Nàng nghe thấy tiếng chân và biết Eduardo đang đứng cạnh mình trong bóng tối, khuôn mặt họ bị màn mưa lạnh giá trút xuống ào ào.

- Cô có ổn không? - Ông hỏi.

- Tôi lạnh cứng người. Và tôi sợ nhìn xuống chân.

- Phồng rộp phải không?

- To bằng cái đĩa, tôi chắc thế. Tôi không biết mưa làm ướt giày hay máu đang thấm qua vải nữa.

Nàng cảm thấy những giọt lệ cay xè mắt và đóng băng ngay lập tức, làm lông mi bết lại.

Eduardo cầm bàn tay nàng và dẫn nàng tới lều của người chăn dê, rồi ông bắt đầu nhóm lửa. Băng trong tóc nàng tan chảy và rỏ giọt thành vũng dưới chân nàng. Nàng quan sát cánh đàn ông đổ sụp xuống chỗ họ đứng, đập lưng vào bức tường gỗ thô ráp lúc họ kéo ba lô vào lòng và bắt đầu lục tìm đồ ăn. MacLeish vẫy nàng tới.

Isabelle len qua tốp phi công và sụp xuống cạnh MacLeish. Nàng lặng lẽ ăn pho mát và táo mang theo, nghe thấy tiếng họ nhai, ợ to và thở dài quanh nàng.

Nàng không hề biết mình ngủ thiếp đi lúc nào. Một phút trước nàng còn thức, đang ăn những thứ được coi là bữa tối trên núi, và việc tiếp theo nàng biết là Eduardo đang đánh thức họ dậy. Ánh sáng xam xám đè lên cửa sổ cáu bẩn của túp lều. Họ đã ngủ suốt một ngày và thức dậy khi đã chiều muộn.

Eduardo bắt đầu nhóm lửa, pha một bình cà phê thế phẩm và đưa cho họ. Bữa sáng là bánh mì cũ và pho mát cứng - một bữa ngon, dẫu vậy cũng không làm thỏa cơn đói vẫn cồn cào từ hôm qua.

Eduardo đi bộ rất nhanh, trèo lên một tảng đá phiến sét đông giá, trơn nhẫy trên con đường mòn xảo trá như một con dê đực.

Isabelle là người cuối cùng ra khỏi lều. Nàng ngước nhìn con đường. Những đám mây xám che mờ đỉnh núi và những bông tuyết làm cho vạn vật lặng thinh, cho đến khi không còn âm thanh trần tục nào ngoài tiếng thở của họ. Cánh đàn ông biến mất trước nàng, thành những đốm đen nhỏ trên nền tuyết trắng. Nàng lao vào giá lạnh, theo chân người đi trước. Nàng chỉ trông thấy mỗi anh ta trong màn tuyết rơi.

Nhịp đi của Eduardo khiến mọi người mệt nhoài. Ông trèo lên con đường quanh co mà không hề dừng lại, hình như không biết tới cái lạnh bỏng, buốt, biến mỗi hơi thở thành một ngọn lửa nổ tung trong phổi. Isabelle thở dốc và vẫn đi, cổ vũ những người đàn ông khi họ bắt đầu tụt lại, nàng tán tỉnh, trêu đùa và thúc giục họ bước tiếp.

Khi bóng tối lại bao trùm, Isabelle nỗ lực gấp đôi để giữ vững tinh thần. Dù cảm thấy nôn nao tận gan ruột vì mệt lử và khô nẻ vì khát, nàng vẫn đi. Nếu bất kỳ người nào trong bọn đi cách người trước hơn vài bước là có thể bị lạc mãi mãi trong bóng tối đông giá này. Rời khỏi con đường vài bước là chết.

Nàng đi, loạng choạng suốt đêm.

Người đi trước nàng ngã, buột ra một tiếng kêu. Isabelle lao tới, phát hiện ra một trong các phi công Canada khuỵu trên đầu gối, thở khò khè, hàng ria đóng băng.

- Tôi đầu hàng thôi, cô bé xinh đẹp, - anh ta nói và gượng cười.

Isabelle trượt xuống cạnh anh, lập tức cảm thấy mông mình lạnh buốt.

- Là Teddy phải không?

- Cô bắt được tôi rồi đấy. Tôi xong rồi. Cứ tiếp tục tiến lên đi.

- Teddy, anh có vợ và một con gái ở Canada phải không?

Nàng không thể nhìn thấy gương mặt anh, nhưng nghe thấy anh hít vào một hơi vì câu hỏi.

- Cô chơi không công bằng, cô bé ạ.

- Chẳng có gì công bằng trong việc sống và chết cả, Teddy ạ. Chị ấy tên gì?

- Alice.

- Teddy, vì Alice hãy đứng lên nào.

Nàng cảm thấy anh nhấc toàn bộ sức nặng cơ thể lên, để lại đứng dậy. Nàng nghiêng người một góc, để anh dựa vào nàng.

- Ổn rồi, - anh nói và rùng mình dữ dội.

Nàng buông Teddy ra, nghe thấy tiếng anh tiến về phía trước.

Isabelle thở nặng nhọc, run rẩy. Cơn đói gặm nhấm dạ dày nàng. Nàng nuốt khan, ước giá được dừng lại một phút. Thay vào đó, nàng buộc mình bước tiếp theo hướng những người đàn ông. Tâm trí nàng lại rối ren, ý nghĩ mờ mịt. Nàng chỉ có thể nghĩ đi bước này, rồi bước tiếp và bước tiếp nữa.

Gần rạng đông, mưa tuyết khiến áo choàng len của họ trở nên nặng trịch, ướt sũng. Isabelle hầu như không nhận ra họ bắt đầu đi xuống. Sự khác biệt duy nhất là những người đàn ông ngã, trượt trên các tảng đá ướt và sụp xuống sườn núi xảo trá, lổn nhổn những đá. Không có cách gì chặn họ lại, nàng chỉ quan sát họ ngã và giúp họ đứng lên khi họ dừng lại, thở không ra hơi. Tầm nhìn tệ đến nỗi họ luôn sợ không trông thấy người đi trước và chệch đường.

Lúc tảng sáng, Eduardo dừng lại và chỉ vào một cái hang đen ngòm, há hoác lẩn vào sườn núi. Cánh đàn ông kéo vào bên trong, thở hổng hộc lúc họ ngồi và duỗi chân ra. Isabelle nghe thấy họ mở gói, lục lọi tìm mẩu thức ăn cuối cùng. Ở đâu đó sâu trong hang, một con vật chạy nháo nhào, cào nhẹ móng lên mặt đất nén chặt.

Isabelle theo họ vào trong, nhiều rễ cây rủ xuống từ trần hang toàn đá-và-bùn ướt đẫm. Eduardo quỳ gối, dùng rêu nhặt sáng nay ông nhét vào cạp quần để nhóm một đống lửa nhỏ.

- Ăn và ngủ, - ông nói lúc ngọn lửa nhảy múa. - Ngày mai các bạn sẽ đi chặng cuối cùng. - Ông với cái túi da dê, uống một hơi dài rồi rời hang.

Gỗ ẩm kêu lách tách, nổ lốp bốp, giống như bắn súng trong hang, nhưng Isabelle và tốp phi công quá kiệt sức chẳng thể giật mình. Isabelle ngồi xuống cạnh MacLeish và mệt mỏi dựa vào anh.

- Cô là một điều kỳ diệu, - anh nói khe khẽ.

- Người ta bảo tôi không có những quyết định khôn ngoan. Có

lẽ lần này là một bằng chứng. - Nàng rùng mình, không biết vì lạnh hay vì mệt lử.

- Ngu xuẩn nhưng can đảm, - anh nói và mỉm cười.

Isabelle cảm kích.

- Chính là tôi đấy.

- Tôi không biết phải cảm ơn cô thế nào... vì đã cứu tôi.

- Tôi chưa thể tin là đã cứu anh, Torrance.

- Cứ gọi tôi là Torry, - anh nói. - Bạn bè tôi đều gọi thế.

Anh kể điều gì đó - có lẽ về một cô gái đang đợi anh ở Ipswich - nhưng nàng quá mệt không còn nghe thấy gì nữa.

Lúc nàng thức giấc, trời đang mưa.

- Khốn kiếp, - một người trong họ nói. - Trời mưa như trút.

Eduardo đứng ngoài hang, đôi chân khỏe khoắn của ông dang rộng, mặt và tóc ông ướt sũng nước mưa nhưng hình như ông không hề đề ý. Đằng sau ông là bóng tối.

Các phi công mở ba lô. Không cần ai bảo ăn nữa, họ đã biết lề thói hàng ngày. Khi được phép dừng là uống, ăn rồi ngủ, cứ trình tự ấy mà theo. Khi thức dậy, ăn và uống rồi đứng lên, dù có đau đớn đến mấy cũng phải làm.

Lúc họ đứng dậy, tiếng rên rỉ lan từ người này sang người kia. Vài người nguyền rủa. Đêm ấy trời mưa và không trăng. Hoàn toàn tối đen.

Đêm trước họ đã vượt qua một quả núi cao gần một ngàn mét, và xuống sườn núi bên kia được nửa đường, nhưng thời tiết đang xấu đi.

Lúc Isabelle ra khỏi hang, những cành cây ướt đập vào mặt nàng. Nàng đưa bàn tay đeo găng gạt chúng ra và đi tiếp. Cây gậy chống của nàng đập mạnh theo từng bước. Mưa chảy thành dòng dọc theo họ, làm đá phiến sét trơn như băng. Nàng nghe thấy những người đàn ông càu nhàu ở phía trước. Nàng lê bước trên bàn chân nhức nhối, phồng rộp. Tốc độ mà Eduardo đặt ra làm tất cả kiệt sức. Không gì ngăn được hoặc làm ông chậm lại, và các phi công rất vất vả mới theo kịp.

- Nhìn kìa! - Nàng nghe thấy có người nói.

Xa xa, nhiều ngọn đèn nhấp nháy, một mạng nhện những chấm trắng kéo dài trong bóng tối.

- Tây Ban Nha, - Eduardo nói.

Cảnh tượng làm cả tốp khỏe lại. Họ đi tiếp, gậy chống đập mạnh, bàn chân đặt vững vàng vì mặt đất dần dần bằng phẳng.

Đã bao nhiêu giờ trôi qua trên quãng đường này? Năm? Sáu? Nàng không biết. Đủ để chân nàng bắt đầu đau và eo lưng nàng nhức nhối. Nàng khạc nước mưa và liên tục lau mắt, dạ dày nàng rỗng tuếch và quặn thắt. Một tia nắng ban ngày như một lưỡi sáng màu tím nhạt bắt đầu xuất hiện ở chân trời, rồi biến thành màu hồng, sau đó là màu vàng lúc nàng đi xuống con đường mòn ngoằn ngoèo. Bàn chân nàng đau đến mức nàng phải nghiến chặt răng mới nén được tiếng kêu.

Hoàng hôn ngày thứ tư, Isabelle đã mất mọi cảm giác về thời gian và không gian. Nàng không biết họ ở đâu hoặc nỗi thống khổ này còn kéo dài bao lâu nữa. Ý nghĩ của nàng chỉ còn là một lời cầu xin đơn giản, lặp đi lặp lại trong đầu nàng theo nhịp của những bước đi đau nhức nhối. Tòa lãnh sự, tòa lãnh sự, tòa lãnh sự.

- Dừng lại, - Eduardo nói, giơ bàn tay lên.

Isabelle vấp phải MacLeish. Má anh đỏ ửng vì rét, môi anh nứt nẻ và hơi thở rời rạc.

Cách đấy không xa, qua sườn núi xanh tươi lờ mờ, nàng trông thấy một tốp lính tuần tra mặc quân phục màu xanh lá cây nhạt.

Ý nghĩ đầu tiên của nàng là Chúng ta đang ở Tây Ban Nha, lúc đó Eduardo xô cả hai người vào sau một đám cây.

Họ nấp một lúc lâu rồi lại lên đường.

Nhiều giờ sau, nàng nghe thấy tiếng nước chảy ào ào. Họ đã ở gần một con sông, âm thanh ấy xóa mờ mọi thứ khác.

Cuối cùng, Eduardo đứng lại và tập hợp những người đàn ông lại gần nhau. Ông đứng trong một vũng bùn, đôi giày vải bạt của ông chìm nghỉm. Đằng sau ông là vách núi đá màu xám dựng đứng, bên trên mọc những cây cối khẳng khiu, bất chấp các quy luật về trọng lực. Những bụi cây nhô ra như người chăn gia súc quanh các tảng đá xám khó vượt qua.

- Chúng ta nấp ở đây đến lúc sẩm tối, - Eduardo nói. - Qua đỉnh núi kia là sông Bidassoa. Bờ bên kia là Tây Ban Nha. Chúng ta đang ở gần - nhưng gần chưa là gì. Giữa con sông và tự do là lính tuần tra và chó. Bọn lính gác sẽ bắn vào bất cứ thứ gì chúng thấy động đậy. Đừng di chuyển.

Isabelle theo dõi Eduardo tách ra khỏi nhóm. Lúc ông đi khỏi, nàng và các phi công ngồi xuống sau những tảng đá mòn khổng lồ và bên trong đám cây đổ khuất gió.

Nhiều giờ sau, mưa trút xuống họ, biến bùn bên dưới họ thành đầm lầy. Nàng rét run, phải thu đầu gối lên tận ngực và nhắm mắt lại. Nàng chìm vào giấc ngủ sâu và mệt lả quá nhanh.

Nửa đêm, Eduardo đánh thức nàng.

Điều đầu tiên Isabelle nhận ra khi mở mắt là mưa đã tạnh. Bầu trời bên trên rải rác những vì sao. Nàng mệt mỏi đứng lên và ngay lập tức, nhăn mặt vì đau. Nàng chỉ có thể hình dung chân của các phi công đau đớn biết chừng nào, nàng còn may mắn có đôi giày vừa chân.

Họ lại lên đường trong màn đêm, tiếng dòng sông chảy ầm ầm át tiếng bước chân của họ.

Rồi họ đến đó, đứng giữa đám cây ở rìa một hẻm núi khổng lồ. Cách xa bên dưới, nước đổ ào xuống, đục ngầu và bắn tung tóe quanh các gờ đá.

Eduardo bảo họ bước đến gần.

- Chúng ta không thể bơi qua. Mưa đã biến dòng sông thành một con ác thú, nó sẽ nuốt chửng tất cả chúng ta. Đi theo tôi.

Họ đi men sông khoảng một hoặc hai dặm, rồi Eduardo bảo mọi người dừng lại. Nàng nghe thấy tiếng cót két như dây chão thuyền căng ra vì triều cường đang dâng, và thỉnh thoảng có tiếng lách cách.

Lúc đầu, họ không nhìn thấy gì. Rồi những ngọn đèn pha sáng trắng rọi từ bờ bên kia chiếu sáng dòng sông đang chảy ào ào, chiếu lên cây cầu treo lung lay nối hẻm núi bên này với bờ bên kia. Cách đó không xa có một trạm kiểm soát của Tây Ban Nha, nhiều lính gác đi lại.

- Lạy Đức Mẹ, - một trong các phi công cầu khấn.

- Mẹ kiếp, - người khác nói.

Isabelle lom khom tới nhập bọn với họ, quan sát ánh đèn pha đan chéo nhau qua sông.

Cuối cùng, lúc hơn hai giờ sáng, Eduardo gật đầu. Bờ bên kia đối diện hẻm núi không hề có động tĩnh. Nếu họ đủ may mắn - hoặc không một chút nào - bọn lính gác đã ngủ say trong đồn.

- Đi thôi, - Eduardo thì thào, bảo cả tốp đứng dậy. Ông dẫn họ đến đầu cầu, cây cầu võng xuống, hai bên có dây chằng và sàn lát những thanh gỗ mỏng, qua các khe có thể trông thấy dòng sông trắng xóa, chảy ào ào rõ mồn một. Vài thanh gỗ bị mất. Cây cầu đung đưa từ bên này sang bên kia trong gió, tạo thành một âm thanh rền rĩ, cót két.

Isabelle nhìn tốp phi công, hầu hết nhợt nhạt như ma.

- Mỗi lần một bước, - Eduardo nói. - Các thanh gỗ trông yếu vậy nhưng sẽ đỡ nổi trọng lượng của các bạn. Các bạn có sáu mươi giây qua cầu - đó là khoảng thời gian giữa hai đợt đèn pha. Ngay khi sang đến bến kia, hãy quỳ xuống và bò dưới cửa sổ của bốt gác.

- Trước đây cô đã làm việc này rồi chứ? - Teddy nói, tiếng anh đứt quãng ở từ “trước đây”.

- Nhiều lần rồi, Teddy ạ, - Isabelle nói dối. - Và nếu một cô gái có thể làm được, thì một phi công lực lưỡng như anh sẽ chẳng có vấn đề gì. Đúng không?

Teddy gật đầu.

- Đương nhiên rồi.

Isabelle quan sát Eduardo qua cầu. Lúc ông đã sang tới bờ bên kia, nàng tập hợp các phi công đến gần. Từng người một, đếm khoảng thời gian sáu mươi giây, nàng hướng dẫn họ bước lên cầu treo và quan sát họ băng qua, nàng nín thở và nắm chặt bàn tay cho đến khi mỗi người tiếp đất ở bờ đối diện.

Cuối cùng đến lượt nàng. Nàng hất cái mũ trùm ướt đẫm khỏi đầu, đợi ánh sáng quét qua nàng và bước lên. Trông cây cầu mỏng manh và yếu ớt. Nhưng nó chịu được sức nặng của những người đàn ông, sẽ chịu được trọng lượng của nàng.

Nắm lấy sợi dây bên cạnh, nàng bước lên thanh gỗ đầu tiên. Cây cầu đung đưa quanh nàng, hết nghiêng trái lại nghiêng phải. Nàng liếc nhìn xuống và thấy những dải nước trắng xóa hung hãn khoảng ba chục mét bên dưới. Nghiến răng, nàng tiến lên đều đặn, bước từ thanh gỗ này sang thanh gỗ kia cho đến khi sang tới bờ, nàng khuỵu gối ngay lập tức. Đèn pha quét qua trên đầu nàng. Nàng bò lên con đường đắp cao rồi chui vào bụi cây ở bên kia, nơi các phi công đang núp cạnh Eduardo.

Eduardo dẫn họ tới một mô đất kín đáo và để họ ngủ.

Khi mặt trời mọc, Isabelle chớp chớp mắt, đờ đẫn tỉnh dậy.

- Ở đây cũng không tệ, - Teddy thì thầm cạnh nàng.

Isabelle nhìn quanh, mắt nàng nhòe nhoẹt. Họ đang ở trong một cái mương bên trên con đường đất, được một đám cây che khuất.

Eduardo đưa rượu vang cho họ. Nụ cười của ông rạng rỡ như ánh mặt trời trong mắt nàng.

- Kia rồi, - ông nói và chỉ một phụ nữ trẻ đạp xe cách đấy không xa. Đằng sau cô, một thành phố lấp lánh màu ngà trong nắng, trông như trong truyện tranh thiếu nhi, đầy những tháp canh, tháp đồng hồ và tháp nhà thờ nhọn hoắt. - Almadora sẽ đưa các bạn tới tòa lãnh sự ở San Sebastian. Chào mừng đến với Tây Ban Nha.

Ngay lập tức, Isabelle quên biến ngay sự nhọc nhằn để tới được đây, sự sợ hãi bám theo từng bước đi.

- Cảm ơn ông, Eduardo.

- Lần sau sẽ không dễ thế đâu, - ông nói.

- Lần này có dễ đâu, - nàng đáp.

- Bọn chúng không ngờ có chúng ta. Chẳng mấy chốc, chúng sẽ ngờ.

Tất nhiên là ông nói đúng. Họ đã không phải trốn nấp lính tuần tra Đức và che giấu mùi khỏi chó săn, còn lính canh Tây Ban Nha lại lơ là, sao nhãng.

- Nhưng khi cô trở lại lần nữa với các phi công, với nhiều phi công nữa, tôi sẽ ở đây, - ông hứa.

Nàng gật đầu cảm kích và quay sang các chàng phi công xung quanh, trông họ mệt lả chẳng kém nàng.

- Đi thôi các bạn, chúng ta đi nào.

Isabelle cùng tốp phi công lê bước xuống con đường, tới chỗ cô gái đứng bên cái xe đạp cũ han gỉ. Sau những lời giới thiệu giả, Almadora dẫn họ xuống một mê lộ những con đường đất và ngõ hẻm rối rắm, qua nhiều dặm cho đến khi họ đứng bên ngoài một tòa nhà đẹp đẽ màu nâu nhạt ở Parte Viejo - khu phố cổ của San Sebastian. Isabelle nghe rõ tiếng sóng vỗ vào đập ngăn nước biển ở xa xa.

- Cảm ơn* , - Isabelle nói với cô gái.

Tiếng Pháp trong nguyên bản.

- Không có gì*

Tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản.

.

Isabelle ngước nhìn cánh cửa bóng loáng màu đen.

- Đi thôi, các anh, - nàng nói và bước lên các bậc đá. Đến cửa, nàng gõ mạnh ba lần rồi nhấn chuông. Khi một người đàn ông mặc com lê đen bảnh bao trả lời, nàng nói:

- Tôi đến gặp ngài lãnh sự Anh.

- Ông ấy có đợi cô không?

- Không.

- Thưa cô, ngài lãnh sự rất bận...

- Tôi đưa bốn phi công RAF từ Paris đến.

Anh ta trố mắt nhìn. MacLeish tiến tới.

- Trung úy Torrance MacLeish. RAF.

Những người khác làm theo, họ đứng vai sát vai trong lúc tự giới thiệu mình.

Cửa mở. Giây lát sau, Isabelle thấy mình ngồi trong chiếc ghế bọc da không thoải mái, đối diện với một người đàn ông trông mệt mỏi ở bên kia cái bàn rộng. Các phi công đứng nghiêm đằng sau nàng.

- Tôi đưa bốn phi công bị bắn rơi từ Paris đến gặp ngài, - Isabelle tự hào nói. - Chúng tôi đi tàu hỏa về phương Nam, sau đó đi bộ vượt dãy Pyrénées...

- Đi bộ ư?

- Vâng, có lẽ đi bộ đường dài là từ chính xác hơn.

- Mọi người đi bộ đường dài vượt dãy Pyrénées từ Pháp rồi vào Tây Ban Nha. - Ngài lãnh sự ngồi yên trên ghế, mọi dấu vết của nụ cười đã biến mất.

- Tôi có thể làm lại việc đó, thưa ngài. Với những trận ném bom của RAF tăng lên, các phi công bị bắn rơi sẽ nhiều hơn. Để cứu giúp họ, chúng tôi sẽ cần được hỗ trợ về tài chính. Cần tiền mua quần áo, lo giấy tờ và thực phẩm. Và chút gì đó cho những người đã có lòng tốt giúp chúng tôi trú ngụ dọc đường.

- Ngài sẽ gọi điện cho MI9. - MacLeish gợi ý. - Họ sẽ trang trải mọi chi phí mà nhóm của Juliette cần.

Ngài lãnh sự lắc đầu, buột ra một âm thanh chán chường:

- Một cô gái đưa các phi công vượt qua dãy Pyrénées. Những điều kỳ diệu sẽ không bao giờ hết sao?

MacLeish cười với Isabelle, tươi tắn:

- Đúng là điều kỳ diệu, thưa ngài. Tôi đã nói với cô ấy y như thế.

20

Ra khỏi vùng chiếm đóng ở Pháp là việc khó khăn và nguy hiểm. Còn trở về - với một cô gái hai mươi tuổi có nụ cười thường trực trên môi - lại là việc dễ dàng.

Chỉ vài ngày sau khi đến San Sebastián, sau những cuộc gặp gỡ và bàn bạc triền miên, Isabelle lên tàu về Paris, ngồi trên ghế gỗ trong toa hạng ba - chỗ ngồi duy nhất có thể khi đặt trước gấp như thế -, ngắm thung lũng sông Loire chạy qua. Toa tàu giá buốt và chật ních những lính Đức ba hoa, những đàn ông và đàn bà Pháp sợ hãi, cứ cúi gằm mặt xuống và hai tay đặt trên lòng. Nàng có một mẩu pho mát cứng và một quả táo trong xắc, nhưng mặc dù rất đói - thực ra là gần chết đói - nàng vẫn không mở xắc.

Nàng cảm thấy mình dễ bị chú ý trong trang phục quần nâu rách tả tơi và áo choàng len. Má nàng bỏng rát vì gió, xây xước và môi nàng nứt nẻ, khô khốc. Nhưng những thay đổi thực sự lại là ở bên trong. Niềm tự hào vì việc đã hoàn thành ở Pyrénées đã biến đổi nàng, khiến nàng trở nên chín chắn. Lần đầu tiên trong đời, nàng biết chính xác mình muốn gì.

Nàng đã gặp một đặc vụ của MI9 và chính thức vạch ra con đường trốn thoát. Nàng là đầu mối liên lạc chủ chốt của họ - họ gọi nàng là Sơn ca. Trong xắc của nàng có một trăm bốn mươi ngàn franc giấu trong lớp vải lót. Khoản tiền đủ để dựng những nơi trú ẩn an toàn và mua đồ ăn, quần áo cho các phi công và những người mạo hiểm cho họ trú ngụ dọc đường. Nàng đã hứa với liên lạc của mình là Ian (bí danh là Thứ Ba) rằng sẽ có nhiều phi công tiếp theo. Gửi lời nhắn cho Paul: “Sơn ca vẫn hót” có lẽ là khoảnh khắc tự hào nhất trong đời nàng.

Lúc nàng xuống tàu ở Paris đã sắp đến giờ giới nghiêm. Thành phố mùa thu run rẩy dưới bầu trời lạnh giá, tối tăm. Gió thổi lồng lộng qua các cây cối trơ trụi, làm các làn hoa rỗng va vào nhau lách cách, khiến những tấm vải bạt che mái hiên gợn sóng và xôn xao.

Nàng rẽ và lúc đi qua căn hộ cũ của mình ở đại lộ La Bourdonnais, nàng thấy trào lên một cảm giác... có thể gọi là nhớ nhung. Lúc đến gần căn hộ, nàng nhớ ra mình đã không bước vào trong, hoặc gặp cha nàng từ nhiều tháng nay. Không phải từ khi bắt đầu con đường trốn thoát. Sẽ không an toàn nếu họ gặp nhau. Thay vào đó, nàng đến một căn hộ nhỏ, xám xịt và đó là ngôi nhà gần đây nhất của nàng. Một bộ bàn ghế cọc cạch, một tấm đệm trải trên sàn, một thùng lạnh đã hỏng. Tấm thảm dày trải sàn nặc mùi thuốc lá của người thuê trước và các bức tường đầy vệt nước.

Nàng dừng lại ở cửa trước, liếc quanh. Đường phố im ắng, tối tăm. Nàng cắm chiếc chìa khóa vạn năng vào ổ và xoay nhẹ. Nghe tiếng cách, nàng cảm thấy mối nguy. Một cái gì đó không ổn, một cái bóng ở nơi không nên có, một tiếng kim loại lách cách từ quán rượu ngay bên cạnh đã bị chủ bỏ từ nhiều tháng trước.

Nàng từ từ quay lại, nhìn chăm chú vào đường phố tối tăm, yên tĩnh. Nhiều xe tải kín đáo đỗ đó đây, vài hiệu cà phê nhỏ buồn bã hắt những tam giác ánh sáng ra hè, trong ánh đèn dìu dịu, những tên lính là những hình bóng gầy gò, chuyển động tới lui. Một bầu không khí bị ruồng bỏ lơ lửng ở nơi trước kia vui vẻ là thế.

Bên kia đường, một ngọn đèn không thắp như một vạch chéo đen sẫm trong màn đêm quanh nó.

Anh ở đó. Nàng biết dẫu không thể nhìn thấy anh.

Nàng đi xuống các bậc, chầm chậm, mọi giác quan đều tập trung cao độ mỗi lần nàng thận trọng bước một bậc. Nàng chắc chắn có thể nghe thấy tiếng anh thở cách đó không xa. Đang quan sát nàng. Theo bản năng, nàng biết anh đang lo lắng đợi nàng trở về.

- Gaëton, - nàng nói dịu dàng, để quyến rũ, cố níu giữ anh. - Anh đã theo em cả tháng. Vì sao vậy?

Không có gì. Sự im lặng hòa trộn vào làn gió quanh nàng, nhức nhối và lạnh lẽo.

- Lại đây đi, - nàng nghiêng cằm, cầu xin.

Vẫn không có gì.

- Bây giờ ai không sẵn sàng nào? - Nàng nói. Sự im lặng đó làm tổn thương nàng, nhưng nàng cũng hiểu. Với mọi việc mạo hiểm họ đang làm, tình yêu chắc chắn là một lựa chọn nguy hiểm nhất.

Có thể nàng nhầm, anh không ở đây, và chưa bao giờ ở đây, quan sát nàng, chờ đợi nàng. Có lẽ nàng chỉ là một cô gái ngốc nghếch, đứng một mình trên đường phố vắng vẻ, khao khát người đàn ông không muốn có nàng.

Không.

Anh đã ở đó.

+++++

Mùa đông năm ấy còn khắc nghiệt hơn mùa đông năm trước. Chúa Trời giận dữ trừng phạt cả châu Âu bằng bầu trời xám xịt, nặng như chì, và tuyết rơi hết ngày này sang ngày khác. Cái rét là thứ bổ sung tàn khốc cho một cõi trần vốn đã ảm đạm và đang bị đe dọa.

Như nhiều thành phố nhỏ trong Vùng Chiếm đóng, Carriveau trở thành một hòn đảo tuyệt vọng, bị cắt rời khỏi các vùng xung quanh. Dân làng biết rất ít thông tin về những sự việc diễn biến trong xã hội quanh họ, không ai có thời giờ xem xét báo chí tuyên truyền để tìm ra sự thật, trong khi họ phải nỗ lực rất nhiều để sống sót. Họ chỉ thực sự biết là bọn Đức Quốc xã trở nên giận dữ hơn, tàn ác hơn từ khi nước Mỹ tham chiến.

Một sáng tinh mơ ảm đạm và giá buốt đầu tháng Hai năm 1942, khi những cành cây gãy tách và các ô kính cửa sổ trông như mảng băng nứt, Vianne thức dậy sớm và nhìn trừng trừng lên trần nhà dốc trong phòng ngủ. Cơn đau đầu đập thình thịch đằng sau mắt chị. Chị toát mồ hôi và đau nhức nhối. Lúc chị hít vào, phổi bỏng rát và làm chị ho rũ rượi.

Ra khỏi giường cũng chẳng có gì sung sướng, nhưng còn hơn là chết đói. Mùa đông năm nay, các phiếu phân phối ngày càng trở nên vô dụng, vì chẳng có thực phẩm, chẳng có giày dép, vải vóc hoặc đồ da mà mua. Vianne đã hết củi đốt lò và tiền để trả tiền điện từ lâu. Khí đốt rất đắt, và một nhu cầu đơn giản là tắm cũng biến thành một sự cam chịu. Khi đi ngủ, chị và Sophie cuộn vào nhau như những con cún, dưới một núi chăn và tấm đắp, khăn phủ. Trong vài tháng qua, Vianne bắt đầu đốt mọi thứ bằng gỗ và bán đi các đồ quý giá.

Lúc này, chị mặc gần như tất thảy mọi thứ quần áo chị có - quần flanen, đồ lót đan lấy, áo dài tay bằng hàng len cũ, cổ quấn khăn, vậy mà chị vẫn run khi rời khỏi giường. Lúc đặt chân xuống sàn, chị nhăn nhó đau đớn vì bị cước. Chộp lấy chiếc váy len, chị tròng ra ngoài quần. Mùa đông năm nay Vianne sụt cân nhiều đến nỗi chị phải khâu lại váy áo nơi eo. Vừa ho, chị vừa xuống gác. Hơi thở của chị là những luồng trắng xóa trước mặt gần như tan biến ngay lập tức. Chị lê bước qua cửa phòng khách.

Viên Đại úy đã đi vắng nhiều tuần nay. Tuy không thích, song Vianne phải thừa nhận rằng trong những ngày này, sự vắng mặt của anh ta còn tệ hơn là có mặt. Ít ra khi Beck ở đây, còn có đồ để ăn và củi đốt lò sưởi. Anh ta không để căn nhà lạnh ngắt. Vianne ăn ít hết mức có thể đồ ăn anh ta cung cấp - chị tự nhủ đói là bổn phận của chị, - nhưng có người mẹ nào nỡ để con mình bị đói? Vianne có thực sự phải để Sophie chết đói nhằm chứng tỏ lòng trung thành của chị với nước Pháp không?

Trong bóng tối, chị đi thêm đôi tất thủng lỗ chỗ ra ngoài hai đôi đang đi ở chân. Rồi quấn mình trong tấm chăn và đi đôi găng hở ngón mà chị vừa đan từ cái chăn cũ của Sophie hồi bé.

Trong căn bếp buốt giá, chị thắp ngọn đèn dầu và mang ra ngoài, chị đi chậm rãi, thở khó khăn lúc trèo lên sườn đồi đóng băng trơn nhẫy tới nhà kho. Chị trượt chân hai lần và ngã lên lớp cỏ đóng băng.

Tay cầm bằng kim loại ở cửa nhà kho lạnh buốt, rát bỏng dù qua lớp găng dày. Chị phải lấy hết sức mới đẩy được cánh cửa. Vào trong, chị đặt cái đèn xuống. Nghĩ đến việc di chuyển cái ô tô gần như quá sức chịu đựng của chị trong tình trạng ốm yếu này.

Chị hít một hơi đau đớn, cứng rắn lại và đi tới cái xe. Xe đang để ở số 0, chị cúi xuống cái thanh cản và dùng hết sức đẩy nó. Chiếc xe từ từ lăn tới trước, đúng như mong muốn.

Khi cái cửa sập lộ ra, chị cầm đèn dầu và từ từ trèo xuống thang. Trong những tháng dài dặc, đen tối từ khi bị thải hồi và hết nhẵn tiền nong, chị đã phải bán những vật quý của gia tộc, từng thứ một với giá rẻ mạt: một bức tranh đổi lấy thức ăn nuôi thỏ và gà suốt mùa đông, một bộ đồ trà Limoges được một bao bột mì, muối mỏ, và một máy xay hạt tiêu được một đôi gà mái dai nhách.

Mở hộp nữ trang của mẹ, chị nhìn chằm chặp vào lớp nhung lót. Cách đây không lâu có nhiều thứ ghim ở đây, và còn thêm vài thứ quý giá: đôi hoa tai, vòng tay bạc mảnh nhẹ, một cái trâm cài bằng hồng ngọc và kim loại dát mỏng. Giờ chỉ còn lại những hạt ngọc trai.

Vianne tháo một bên găng và chạm xuống những viên ngọc trai, vốc nó lên lòng bàn tay. Chúng sáng rực trong ánh đèn, rạng ngời như da thiếu nữ.

Chúng là vật nối cuối cùng với mẹ chị, và với di sản của gia tộc họ.

Giờ đây Sophie sẽ không còn được đeo chúng trong ngày cưới hoặc chuyển cho các con gái nó được nữa.

- Nhưng nó sẽ có cái ăn trong mùa đông này, - Vianne nói. Chị không biết chắc sự tiếc nuối, nỗi buồn hay sự khuây khỏa làm tiếng chị run rẩy. Chị may mắn còn có thứ để bán.

Chị chằm chằm nhìn xuống những viên ngọc trai, cảm thấy sức nặng của chúng trong lòng bàn tay mình, cách chúng hút hơi ấm từ người chị. Trong giây lát, chị thấy chúng nóng rực. Rồi, dứt khoát, chị đi găng vào và trèo lên thang.

+++++

Ba tuần nữa trôi qua trong cái rét tiêu điều, không có dấu hiệu gì của Beck. Một buổi sáng sương giá cuối tháng Hai, Vianne thức giấc, đầu nhức như búa bổ và lên cơn sốt. Chị vừa xuống giường vừa run rẩy, từ từ kéo một cái chăn khỏi giường. Chị quấn chăn quanh người nhưng chẳng ăn thua gì. Chị run, không sao kìm lại được, dù đã mặc quần, hai áo len và đi ba đôi bít tất. Bên ngoài gió hú từng cơn, đập vào các cánh chớp lách cách, làm thủy tinh sáng như băng dưới tấm che cửa sổ.

Chị chậm rãi làm các việc thường lệ buổi sáng, cố không thở quá sâu vì sợ cơn ho bật ra từ lồng ngực. Sự đau đớn lan khắp bàn chân bị cước theo từng bước đi, chị làm bữa sáng đạm bạc cho Sophie, chỉ có cháo bột ngô loãng toẹt. Sau đó, cả hai mẹ con đi ra ngoài, dấn thân vào màn tuyết đang rơi.

Họ lặng lẽ lê bước tới thành phố. Tuyết rơi không ngừng, làm con đường trước mặt họ trắng xóa, phủ lên cây cối.

Nhà thờ nằm trên mảnh đất nhỏ, nhô ra ở rìa thành phố, tiếp giáp với bờ sông và đằng sau là các bức tường đá vôi của một tu viện cổ.

- Mẹ ơi, mẹ có ổn không?

Vianne lại gập người về phía trước. Chị xiết chặt tay con gái, chẳng cảm thấy gì ngoài những lớp găng. Hơi thở lập bập trong phổi, bỏng rát.

- Mẹ ổn mà.

- Mẹ nên ăn sáng.

- Mẹ không đói, - Vianne đáp.

- Chà, - Sophie nói và chậm chạp lê bước qua màn tuyết dày.

Vianne dẫn Sophie vào trong nhà thờ. Bên trong đủ ấm để họ không còn nhìn thấy hơi thở của mình nữa. Mái của gian giữa tạo thành một vòm cong duyên dáng, giống như hai bàn tay chắp lại cầu nguyện, cố định bằng những rầm gỗ thanh nhã. Các cửa sổ lắp kính màu lấp lánh nhiều mảnh. Hầu hết các hàng ghế đã kín, nhưng không ai nói chuyện, trong một ngày giá lạnh như thế này, trong một mùa đông khắc nghiệt như thế này.

Chuông nhà thờ đánh từng hồi, tiếng vang lanh lảnh vọng vào chính điện, những cánh cửa đồ sộ đóng chặt, làm mờ hẳn chút ánh sáng tự nhiên có thể lọt qua màn tuyết.

Cha Joseph, một linh mục già tốt bụng đã trông coi nhà thờ này suốt đời Vianne, bước lên bục giảng.

- Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người đàn ông của chúng ta đã ra đi. Chúng ta cầu nguyện cho cuộc chiến này không kéo dài thêm nữa... và chúng ta cầu cho có sức mạnh để chống lại kẻ thù và gìn giữ sự đúng đắn cho những con người như chúng ta.

Đây không phải là bài thuyết giáo mà Vianne muốn nghe. Chị đến nhà thờ - bất chấp giá lạnh - để được an ủi bằng bài giảng của cha vào ngày Chủ nhật này, được truyền cảm hứng bằng những từ “danh dự”, “bổn phận” và “lòng trung thành”. Nhưng hôm nay, những quan niệm này dường như thật xa vời. Làm sao chị có thể nghĩ đến những lý tưởng đó khi chị đang ốm yếu, rét mướt và đói gần chết? Chị có thể nhìn những người hàng xóm sao được, khi chị nhận đồ ăn của kẻ thù, dù rất ít ỏi? Những người khác đang đói hơn kìa.

Mải suy nghĩ, một lúc sau chị mới nhận ra buổi lễ đã kết thúc. Vianne đứng dậy, cảm thấy cử động ấy làm chị hoa mày chóng mặt hơn. Chị nắm lấy cái ghế dài cho vững.

- Mẹ ơi?

- Mẹ không sao.

Trong lối đi chính nằm bên trái họ, các giáo dân - phần lớn là phụ nữ - đi hàng một. Trông ai cũng ốm yếu, gầy gò và nhợt nhạt y như chị, quấn trong nhiều lớp vải len và giấy báo.

Sophie cầm tay Vianne và đưa chị tới cánh cửa kép mở rộng. Tới ngưỡng cửa, Vianne dừng lại, run rẩy và ho. Chị không muốn ra ngoài, bước vào cõi thế trắng xóa, lạnh lẽo ấy lần nữa.

Chị bước qua ngưỡng cửa (nơi Antoine đã bế chị sau lễ cưới của họ... à không, đó là ngưỡng cửa ở Le Jardin, chị nhầm lẫn lung tung cả rồi) và rơi vào cơn bão tuyết. Vianne quấn cái khăn quàng len nặng trịch lên đầu, thắt chặt lại nơi cổ. Gập người tới trước, đi nghiêng nghiêng trong gió, chị vất vả lê bước qua lớp tuyết ướt và nặng.

Lúc về tới cái cổng xiêu vẹo ở sân nhà, Vianne thở nặng nhọc và ho như cuốc kêu. Chị đi vòng quanh cái mô tô gắn súng máy phủ đầy tuyết rồi rẽ vào vườn cây ăn quả trơ trụi. Anh ta đã về, chị đờ đẫn nghĩ, bây giờ Sophie sẽ được ăn... Lúc đến gần cửa trước, chị cảm thấy bắt đầu ngã.

- Mẹ ơi!

Chị nghe thấy tiếng Sophie, nghe thấy sự sợ hãi trong giọng con gái và nghĩ, Mình đang làm nó sợ, và chị thấy ân hận, nhưng chân chị quá yếu không giữ nổi nữa, và chị mệt... mệt quá thể...

Chị nghe thấy tiếng cửa mở từ xa, nghe thấy con gái chị hét lên: “Ông Đại úy!” rồi nghe thấy tiếng gót ủng gõ trên sàn gỗ.

Vianne đập mạnh xuống đất, đầu chị đập đánh cạch vào bậc thềm phủ tuyết, và nằm đó. Chị nghĩ Mình sẽ nghỉ ngơi chút ít, rồi mình sẽ dậy và làm bữa trưa cho Sophie... nhưng có gì để ăn nhỉ?

Việc tiếp theo chị biết, là chị đang trôi dạt, không, có lẽ chị đang bay. Chị không sao mở được mắt - chị rất mệt và đau đầu - nhưng chị cảm thấy mình đang di chuyển, đang lắc lư. Antoine, anh đấy ư? Anh đang ôm em ư?

- Mở cửa, - tiếng ai đó nói, rồi có tiếng răng rắc của gỗ và rồi, - tôi sẽ cởi áo khoác của mẹ cháu. Đi gọi bà de Champlain ngay, Sophie.

Vianne cảm thấy mình được đặt nằm trên một thứ gì mềm mại. Một cái giường.

Chị liếm đôi môi khô, nứt nẻ và cố mở mắt. Phải nỗ lực đáng kể, nỗ lực gấp đôi. Cuối cùng khi chị gắng sức làm được, mọi thứ quanh chị mờ mịt.

Đại úy Beck đang ngồi cạnh chị, trên giường chị, trong phòng ngủ của chị. Anh ta đang cầm tay chị và cúi xuống, mặt sát gần mặt chị.

- Chị Mauriac?

Chị cảm thấy hơi thở ấm áp của anh ta trên mặt mình.

- Vianne! - Rachel nói và chạy vào phòng.

Đại úy Beck lập tức đứng dậy.

- Chị ấy bị ngất trên tuyết, và đập đầu lên bậc. Tôi đã bế chị ấy lên đây.

- Tôi rất biết ơn, - Rachel nói và gật đầu. - Bây giờ tôi sẽ chăm sóc cô ấy, thưa Đại úy.

Beck vẫn đứng đó.

- Chị ấy không ăn gì, - anh ta nói, chua chát. - Mọi đồ ăn đều dành cho Sophie. Tôi đã thấy chị ấy làm như vậy.

- Đó là tình mẹ trong chiến tranh, Đại úy ạ. Bây giờ... xin ông thứ lỗi... - Rachel đi ngang qua anh ta và ngồi xuống giường, cạnh Vianne. Anh ta đứng đó thêm lúc nữa, bối rối, rồi ra khỏi phòng. - Thế đấy, cậu đã cho con bé mọi thứ, - Rachel nói dịu dàng và vuốt mái tóc ướt của Vianne.

- Mình có thể làm gì nữa? - Vianne nói.

- Không được chết, - Rachel đáp. - Sophie cần cậu.

Vianne thở dài nặng nề và nhắm mắt lại. Chị rơi vào giấc ngủ sâu, mơ thấy mình đang nằm trên một thứ mềm mại là một cánh đồng màu đen, hết mẫu này đến mẫu khác, trải ra khắp mọi phía quanh chị. Chị nghe thấy nhiều người gọi chị từ trong bóng tối, nghe thấy họ đi đến chỗ chị nhưng chị không muốn nhúc nhích, chị chỉ ngủ, ngủ và ngủ. Lúc tỉnh dậy, chị thấy mình nằm trên đi văng trong phòng khách nhà mình, một ngọn lửa reo trong lò sưởi cách đó không xa.

Chị từ từ ngồi dậy, cảm thấy yếu ớt và lảo đảo.

- Sophie?

Cửa phòng khách mở, Đại úy Beck xuất hiện. Anh ta mặc bộ pyjamas bằng flannel xám, áo len đan và đi ủng. Anh ta chào:

- Chào chị, - và mỉm cười. - Thật tốt là chị đã tỉnh lại.

Chị đang mặc quần flannel, hai áo len dài tay và đội mũ đan. Ai đã mặc cho chị?

- Tôi ngủ bao lâu rồi?

- Chỉ một ngày thôi.

Beck đi qua chỗ chị và vào bếp. Lúc lâu sau, anh ta trở lại với một tách cà phê sữa bốc hơi nghi ngút, một miếng pho mát xanh, một miếng giăm bông và một khúc bánh mì. Không nói gì, anh ta đặt đồ ăn xuống cái bàn cạnh chị.

Nhìn thấy nó, dạ dày chị quặn lên đau đớn. Rồi chị ngước nhìn viên Đại úy.

- Chị bị đập đầu và có thể chết đấy.

Vianne sờ lên trán, cảm thấy một khối sưng mềm mềm.

- Nếu chị chết thì Sophie sẽ ra sao đây? - Beck hỏi. - Chị có nghĩ đến điều này không? - Anh ta tiến đến chỗ chị.

- Anh đi vắng lâu quá. Không còn đủ đồ ăn cho hai mẹ con tôi.

- Chị ăn đi, - anh ta nói và đăm đăm nhìn chị.

Chị không muốn ngoảnh đi. Cảm giác nhẹ nhõm vì Beck đã về khiến chị xấu hổ. Cuối cùng, khi lướt cái nhìn chằm chặp sang bên, chị trông thấy đồ ăn.

Chị vươn tay và cầm lấy cái đĩa, đưa nó tới gần mình. Mùi giăm bông hun khói mằn mặn hòa với hương vị đặc trưng của pho mát làm chị say sưa, át cả những ý định tốt đẹp hơn của chị, cám dỗ chị hoàn toàn đến mức chị không còn lựa chọn.

+++++

Đầu tháng Ba, mùa xuân vẫn còn xa. Đêm qua Đồng minh đã ném bom tàn phá nhà máy Renault ở Boulogne-Billancourt, giết chết hàng trăm người ở ngoại ô Paris. Nó làm cho dân chúng Paris - kể cả Isabelle - lo lắng và giận dữ. Nước Mỹ tham chiến ở mức độ cao hơn mong đợi, những cuộc không kích hiện giờ là một thực tế của cuộc sống.

Trong chiều mưa giá lạnh này, Isabelle đạp xe xuống con đường nông thôn lầy bùn, đầy vết bánh xe trong màn sương mù nặng trĩu. Mưa khiến tóc bết dính vào mặt nàng và làm mờ tầm nhìn. Trong màn sương mờ, các âm thanh được khuếch đại, tiếng kêu của một con gà lôi bị tiếng bánh xe của nàng trong bùn quấy rầy, tiếng o o của các máy bay trên đầu gần như liên miên, tiếng rống của gia súc trên một cánh đồng nàng không thể nhìn thấy. Cái mũ trùm bằng len là thứ bảo vệ duy nhất của nàng.

Dường như được một bàn tay ngập ngừng vẽ bằng chì than trên loại giấy hảo hạng, đường phân chia ranh giới từ từ hiện ra trong tầm nhìn. Nàng trông thấy những cuộn dây thép gai trải dài ở bên kia cổng một trạm kiểm soát. Cạnh đó, một tên lính Đức ngồi trên ghế, súng trường để trên lòng. Lúc Isabelle đến gần, hắn đứng lên và chĩa súng vào nàng.

- Dừng lại!

Nàng đạp chậm lại, các bánh xe lún trong bùn và nàng suýt bay khỏi yên. Nàng xuống xe, bước vào một đống lầy lội nhớp nháp. Năm trăm franc khâu trong lớp lót áo khoác của nàng, cũng như bộ giấy tờ giả cho người phi công giấu trong một chỗ an toàn gần đó.

Nàng mỉm cười với tên Đức, dắt chiếc xe đạp đến chỗ hắn, lội bì bõm qua những vũng bùn.

- Giấy tờ, - hắn nói.

Nàng đưa cho hắn giấy tờ giả mang tên Juliette.

Hắn liếc xuống, chỉ vừa đủ quan tâm. Nàng có thể thấy hắn chẳng thích thú gì khi phải đứng gác ở một nơi biên giới yên bình như thế trong mưa.

- Cho qua, - hắn nói, vẻ ngán ngẩm.

Nàng đút giấy tờ vào túi và trèo lên xe, đạp đi nhanh hết mức có thể trên con đường ướt át.

Một giờ rưỡi sau, nàng tới ngoại ô của thành phố Brantôme. Nơi đây thuộc Vùng Tự do, không có lính Đức, nhưng gần đây cảnh sát Pháp đã chứng tỏ nguy hiểm không kém gì bọn Đức Quốc xã, nên nàng không được lơ là cảnh giác.

Từ nhiều thế kỷ nay, thành phố Brantôme được coi là một nơi thiêng liêng, vừa chữa khỏi bệnh cho thể xác, vừa khai sáng cho tâm hồn. Sau bệnh dịch Đen* và Chiến tranh Trăm năm* tàn phá miền quê này, các tu sĩ dòng Benedicte* đã xây dựng một tu viện bằng đá vôi rộng mênh mông, một bên dựa vào những vách đá xám cao vút, bên kia là dòng sông Drone bao la.

Bệnh dịch truyền nhiễm vào thế kỷ 14, đã làm chết 50 triệu người châu Á và châu Âu.

Chiến tranh giữa Pháp và Anh (1337-1453), Pháp lấy lại được các vùng trước kia Anh đã chiếm đóng (trừ Calais).

Dòng tu Biển Đức thuộc Thiên Chúa giáo.

Bên kia thành phố, đối diện với các hang động là một trong những nơi trú ngụ an toàn mới nhất: một căn phòng bí mật ăn sâu trong cối xay gió hoang phế, dựng trên mảnh đất hình tam giác giữa các hang động và dòng sông. Cánh cối xay cổ bằng gỗ quay nhịp nhàng, những gầu và bánh xe của nó mọc đầy rêu. Các ô kính cửa sổ đã bịt kín bằng ván và những hình vẽ chống Đức phủ kín các bức tường bằng đá.

Isabelle dừng lại trên đường phố, liếc nhìn cả hai phía để biết chắc không bị theo dõi. Không có ai hết. Nàng khóa xe vào một cái cây rồi băng qua đường phố và cúi xuống cửa tầng hầm, khẽ mở nó ra. Tất cả các cửa vào cối xay đều bịt ván kín, đóng đinh, đây là lối vào duy nhất.

Nàng trèo xuống tầng hầm tối om, mốc meo và với tìm cây đèn dầu đã để sẵn trên giá. Thắp đèn lên, nàng theo một lối đi bí mật, trước kia dành cho các thầy tu Benedicte trốn khỏi những tộc người man rợ. Những bậc thang hẹp, dựng đứng dẫn vào bếp. Mở cửa, nàng lẻn vào một căn phòng bụi bặm, mạng nhện chăng đầy rồi trèo lên cầu thang tới căn phòng bí mật khoảng chừng ba mét vuông, xây ở đằng sau một trong các phòng kho cũ.

- Cô ấy đến rồi! Vui lên nào, Perkins.

Trong căn phòng nhỏ, chỉ có một ngọn nến duy nhất chiếu sáng hai người đàn ông bật dậy, đứng nghiêm. Cả hai đều ăn vận như nông dân Pháp, trong những bộ quần áo chẳng vừa người.

- Đại úy Ed Perkins, thưa cô, - người to lớn hơn nói. - Còn anh chàng vụng về này là Ian Trufford hoặc tên gì na ná thế. Anh ta là người xứ Wales. Tôi là người Mỹ. Cả hai chúng tôi rất vui được gặp cô. Chúng tôi sắp phát điên trong cái nơi bé tí này rồi.

- Chỉ sắp điên thôi ư? - Nàng hỏi. Nước rỏ ròng ròng từ cái mũ trùm đầu tạo thành vũng dưới chân nàng. Nàng chẳng muốn gì hơn là được cuộn tròn trong túi ngủ và ngủ một giấc, nhưng nàng có việc phải làm trước đã.

- Anh là Perkins?

- Vâng, thưa cô.

- Từ đâu tới?

- Bend, bang Oregon. Cha tôi là thợ sửa ống nước, còn mẹ tôi làm bánh táo ngon nhất trong bốn hạt đấy.

- Vào thời gian này trong năm, thời tiết ở Bend ra sao?

- Thời gian này là gì? Giữa tháng Ba ư? Rét, tôi đoán thế. Có lẽ không còn tuyết, nhưng chưa có nắng.

Nàng xoay cổ và xoa bóp đôi vai đau nhức. Lúc nào cũng đạp xe, rồi nằm và ngủ trên sàn khiến cơ thể nàng nhức mỏi.

Nàng chất vấn hai người đàn ông cho đến khi biết chắc chắn họ đúng là hai phi công bị bắn rơi, đã đợi nhiều tuần lễ chờ cơ hội ra khỏi nước Pháp. Cuối cùng nàng mở ba lô lấy ra bữa tối, nếu có thể gọi thế. Ba người ngồi trên tấm thảm trải sàn chuột gặm tả tơi, ngọn nến đặt ở giữa. Nàng mang theo một cái bánh mì que, một miếng pho mát Camembert và một chai vang, họ chuyền tay nhau.

Người Mỹ - Perkins - nói chuyện gần như không ngừng, trong khi anh chàng người xứ Wales lặng lẽ nhai, nhã nhặn từ chối khi được mời rượu vang.

- Chắc cô phải có một người chồng ở đâu đó rất lo cho cô, - Perkins nói lúc nàng đóng ba lô. Nàng mỉm cười. Đây là một câu hỏi phổ biến, đặc biệt là của những người đàn ông trạc tuổi này.

- Còn anh chắc phải có một người vợ đang đợi tin tức, - nàng nói. - Đây là câu nàng luôn nói. Một lời nhắc nhở sắc sảo.

- Không, - Perkins nói. - Tôi không có. Một người bình thường như tôi không có nhiều cô gái xếp hàng đâu. Còn bây giờ...

Nàng cau mày:

- Bây giờ thì sao?

- Tôi biết bây giờ không phải lúc nghĩ đến những chuyện phi thường, nhưng tôi có thể ra khỏi ngôi nhà bịt ván kín mít này, trong thành phố có cái tên không thể phát âm được này và bị một thằng cha nào đấy bắn mà chẳng có gì chống lại. Tôi có thể chết khi đang cố đạp xe vượt qua những quả đồi của các vị...

- Những quả núi.

- Tôi có thể bị người Tây Ban Nha hoặc bọn Đức Quốc xã bắn khi đang đi bộ vào Tây Ban Nha. Quái quỷ, tôi hoàn toàn có thể bị chết cóng trên những quả đồi của nợ của các vị.

- Những quả núi, - nàng chỉnh lại, cái nhìn chòng chọc của nàng không rời anh ta. - Sẽ không xảy ra chuyện đó đâu.

Ian thở dài.

- Cậu thấy chưa, Perkins. Sai lầm của cô gái này là đến cứu chúng ta. - Anh chàng xứ Wales tặng nàng một nụ cười mệt mỏi. - Tôi mừng vì cô đến đây, cô gái ạ. Anh chàng này cứ bắt tôi phải nghe những lời huyên thuyên của anh ta mãi.

- Anh cứ để anh ta nói, Ian ạ. Vào giờ này ngày mai, mọi công sức của các anh sẽ chỉ dùng vào việc hít thở.

- Những quả đồi? - Perkins hỏi, mắt anh ta mở to.

- Phải, - nàng đáp và mỉm cười. - Những quả đồi.

Những người Mỹ. Họ chẳng chịu lắng nghe gì hết.

+++++

Cuối tháng Năm, mùa xuân đem lại sự sống, màu sắc và hơi ấm cho thung lũng sông Loire. Vianne tìm được sự thanh thản trong khu vườn. Hôm nay, lúc chị làm cỏ và trồng rau, một đoàn xe tải, binh lính và xe Mecedes-Benz chạy qua Le Jardin. Trong năm tháng qua, từ khi nước Mỹ tham chiến, quân Đức Quốc xã đã mất hết vẻ giả vờ lịch sự. Hiện giờ chúng luôn bận rộn, hành quân, tập hợp và thu thập hàng đống quân trang, vũ khí. Gestapo và SS ở khắp mọi nơi, lùng sục những người phá hoại và chống lại chúng. Bạn dễ dàng bị gọi là khủng bố - chỉ cần một lời thì thầm tố cáo. Tiếng gầm rú của máy bay gần như không ngừng, cũng như các trận ném bom.

Mùa xuân này, rất nhiều lần có người lén tới chỗ Vianne trong lúc chị đang xếp hàng mua thực phẩm hoặc đi qua thành phố hay lúc đợi ở bưu điện, hỏi chị tin tức mới nhất của đài BBC?

Tôi không có radio. Họ không cho phép luôn là câu trả lời của chị, và đó là sự thật. Dù vậy, mỗi lần bị hỏi, chị cảm thấy run rẩy vì sợ. Họ đã học được một từ mới: bọn chỉ điểm. Những người đàn ông và đàn bà Pháp làm công việc bẩn thỉu cho bọn Đức Quốc xã, do thám bạn bè và hàng xóm rồi báo với quân thù, bịa ra mọi vi phạm có thật hoặc tưởng tượng. Theo báo cáo của họ, dân chúng bắt đầu bị bắt giam vì những việc nhỏ, nhiều người bị triệu đến Sở Chỉ huy rồi không bao giờ gặp lại nữa.

- Cô Mauriac! - Sarah chạy qua cái cổng xiêu vẹo vào sân. Trông nó ốm yếu và gầy guộc quá thể, nước da nhợt nhạt lộ rõ các mạch máu. - Cô giúp mẹ cháu với.

Vianne ngồi lên gót chân và hất cái mũ rơm ra sau đầu.

- Có chuyện gì thế? Mẹ cháu nghe được tin của cha cháu sao?

- Cháu không biết có chuyện gì không ổn. Mẹ không chịu nói. Lúc cháu nói Ari đói và cần thay đồ, mẹ cháu nhún vai rồi bảo: “Việc ấy có quan trọng gì đâu?”. Mẹ cháu ở lì trong sân sau và cứ nhìn chằm chặp vào món đồ khâu.

Vianne đứng dậy, tháo găng làm vườn nhét vào trong túi bộ quần áo lao động bằng vải bò.

- Cô sẽ kiểm tra xem sao. Cháu đi tìm Sophie và chúng ta sẽ tới đó.

Trong lúc Sarah vào nhà, Vianne rửa tay và mặt ở cái máy bơm bên ngoài và bỏ mũ ra. Chị buộc một băng đô lên đầu. Ngay khi mấy cô bé chạy tới, Vianne cất dụng cụ làm vườn vào trong lều rồi cả ba sang nhà bên.

Lúc Vianne mở cửa, chị thấy bé Ari lên ba đang ngủ trên tấm thảm trải sàn. Chị bế bé lên, thơm vào má nó và quay sang mấy đứa con gái:

- Sao các con không chơi trong phòng Sarah nhỉ? - Chị vén tấm che cửa sổ và thấy Rachel ngồi một mình trong sân sau.

- Mẹ cháu có ổn không? - Sarah hỏi.

Vianne lơ đãng gật đầu.

- Bây giờ chạy đi. - Bọn con gái vừa vào phòng bên cạnh, chị bế Ari vào phòng Rachel và đặt thằng bé vào cũi. Chị không cần đắp cho bé, vì hôm nay rất ấm áp.

Bên ngoài, Rachel ngồi trên cái ghế gỗ ưa thích của chị, dưới gốc cây dẻ. Bên chân chị là làn đồ khâu. Chị mặc bộ áo liền quần bằng vải ka ki màu nâu, đầu quấn khăn turban có họa tiết hình cánh hoa. Chị đang hút một điếu thuốc nhỏ tự cuốn. Một chai brandy để cạnh chị và một tách cà phê đã cạn.

- Rach?

- Mình thấy Sarah đã tìm được tiếp viện rồi.

Vianne đến đứng cạnh Rachel. Chị đặt bàn tay lên vai bạn. Chị có thể cảm thấy Rachel đang run.

- Tin của Marc phải không?

Rachel lắc đầu.

- Tạ ơn Chúa.

Rachel với sang bên tìm chai brandy, rót cho mình một cốc. Chị uống cạn một hơi rồi đặt cốc xuống.

- Bọn chúng vừa đưa ra một quy chế mới, - cuối cùng, Rachel nói. Chậm rãi, chị mở bàn tay trái, để lộ những mẩu vải màu vàng nhàu nhĩ, cắt thành hình ngôi sao. Trên mỗi mảnh viết chữ DO THÁI màu đen. - Bọn mình phải đeo những cái này, - Rachel nói. - Chúng mình phải khâu chúng lên quần áo, phải khâu lên ba món trang phục mặc ngoài, và đeo chúng mọi lúc ở những nơi công cộng. Mình phải mua chúng bằng phiếu phân phối. Có lẽ mình không nên đăng ký. Nếu bọn mình không đeo, sẽ bị “những hình phạt nghiêm khắc”. Cái đó có thể mang bất kỳ ý nghĩa nào.

Vianne ngồi xuống ghế, cạnh bạn.

- Nhưng...

- Cậu đã thấy những áp phích dán khắp thành phố rồi đấy, sao bọn chúng lại coi người Do Thái chúng mình như rác rưởi cần phải quét sạch và là những kẻ xoay xở làm giàu, muốn có đủ mọi thứ? Mình có thể đối phó với việc này, nhưng... Sarah thì sao? Nó cảm thấy rất xấu hổ... thật khó cho một con bé mười một tuổi, Vianne ạ.

- Đừng đeo nó.

- Nếu không đeo, sẽ bị bắt giữ ngay lập tức. Và bọn chúng biết mình. Mình đã đăng ký. Còn... Beck nữa. Hắn biết mình là người Do Thái.

Trong sự im lặng tiếp theo, Vianne biết cả hai đang nghĩ về những vụ bắt giữ diễn ra khắp Carriveau, về những người “mất tích”.

- Cậu có thể ra Vùng Tự do, - Vianne nói nhẹ nhàng. - Chỉ cách đây bốn dặm thôi.

- Người Do Thái không thể lấy được giấy thông hành, và nếu mình bị bắt thì...

Vianne gật đầu. Đó là sự thật, chạy trốn là việc vô cùng nguy hiểm, nhất là đi cùng trẻ con. Nếu Rachel bị bắt khi đang vượt biên giới mà không có giấy thông hành, chị sẽ bị bắt giam. Hoặc bị bắn chết.

- Mình sợ, - Rachel nói.

Vianne vươn tay nắm lấy bàn tay bạn. Họ đăm đăm nhìn nhau. Vianne cố nói điều gì đó, cho thấy một chút hy vọng, nhưng không sao thốt nên lời.

- Tình hình rồi sẽ còn tệ hại hơn.

Vianne cũng đang nghĩ y hệt.

- Mẹ ơi?

Sarah nắm tay Sophie chạy vào sân sau. Hai cô bé trông sợ hãi và bối rối. Trong những ngày này, chúng hiểu thế sự rất bất ổn và cả hai đã học được một loại sợ hãi mới. Chứng kiến bọn trẻ bị chiến tranh biến đổi đến thế khiến trái tim Vianne tan nát. Chỉ ba năm trước, chúng là những đứa trẻ bình thường, cười nói, chơi đùa và thách đố mẹ cho vui. Giờ đây chúng đi đứng một cách thận trọng, như thể có bom chôn dưới bàn chân. Cả hai đều gầy gò, tuổi dậy thì của chúng như lùi lại vì thiếu dinh dưỡng. Mái tóc đen bóng của Sarah vẫn dài nhưng nó bắt đầu giật mạnh tóc trong giấc ngủ nên đã có những vệt hói ở đây đó, còn Sophie không bao giờ đến bất cứ nơi nào mà không có Bébé. Con gấu bông màu hồng tội nghiệp bắt đầu bị rứt bông tứ tung khắp nhà.

- Lại đây, - Rachel nói. - Lại đây.

Hai cô bé lê bước tới, nắm tay nhau chặt đến mức như nhập vào nhau. Cung cách của bọn trẻ y hệt Rachel và Vianne, kết thân bằng một tình bạn mạnh mẽ đến mức có thể mọi người không tin. Sarah ngồi vào ghế cạnh Rachel, còn Sophie rốt cuộc đã buông tay bạn ra. Nó đến đứng cạnh Vianne.

Rachel nhìn Vianne. Trong cái liếc nhìn ấy là nỗi buồn chan chứa giữa họ. Họ phải nói với các con chuyện này như thế nào đây?

- Những ngôi sao màu vàng này, - Rachel nói và xòe tay ra, để lộ những bông hoa vải độc địa nham nhở, với những chữ màu đen. - Bây giờ chúng ta phải đính chúng lên quần áo mọi lúc.

Sarah nhăn mặt:

- Nhưng... vì sao ạ?

- Chúng ta là dân Do Thái, - Rachel nói. - Chúng ta tự hào vì điều đó. Con phải nhớ chúng ta đã tự hào như thế nào, cho dù có những người...

- Bọn Đức Quốc xã, - Vianne nói, sắc gọn hơn dự định.

- Bọn Đức Quốc xã, - Rachel nói thêm, - muốn làm chúng ta cảm thấy... xấu hổ vì việc này.

- Mọi người đùa con chắc? - Sarah hỏi, mắt nó mở to.

- Mình cũng sẽ đeo một cái, - Sophie nói.

Nghe thế, nom Sarah tràn đầy hy vọng.

Rachel vươn tay tìm bàn tay con gái và nắm lấy.

- Không, con yêu. Đây là việc mà con và bạn thân nhất của con không thể làm cùng nhau.

Vianne hiểu rõ nỗi sợ, sự lúng túng và bối rối của Sarah. Nó cố hết sức làm một đứa con gái ngoan, nó mỉm cười và tỏ ra mạnh mẽ mặc dù những giọt lệ làm mắt nó mờ đi.

- Vâng, - cuối cùng, nó nói.

Đây là âm thanh buồn nhất mà Vianne nghe thấy trong gần ba năm bất hạnh này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3