Thanh Vân Đài - Chương 200
Thanh Vân Đài
Chương 200
Chính là cây quạt mà Thanh Duy đã chặt trúc tương phi ở sân sau Giang gia để đền cho Tạ Dung Dữ.
Nhìn thấy cây quạt, Thanh Duy không nghi ngờ gì, “Mời ngài dẫn đường.”
Mọi người lên ngựa, cấm vệ quân của Điện Tiền Ti vừa dẫn đường vừa nói: “Mọi ngõ ngách trong thành đều đã bị chặn, cũng không thể đi qua phố Chu Tước được, chúng ta phải đi vòng từ cửa Bắc.”
Khu vực cửa Bắc ít nhà lại còn thưa, chỉ cần thuận lợi đi vòng qua đám đông, nửa canh giờ sau ắt có thể đến được hoàng cung.
Tệ một nỗi là ở trong thành, từ đầu đường đến ngõ hẻm chật kín không chỗ dừng chân, liên tục có người gia nhập đội ngũ biểu tình, trong số đó có người yêu cầu triều đình công khai chân tướng, có người hiểu biết nửa vời cho rằng đang bênh vực công lí, thậm chí cũng có người chẳng biết gì, chỉ đơn giản hùa theo tham gia.
Hôm nay không có buổi chầu, các triều thần đến phiên trực muộn hơn thường lệ, bọn họ hoặc là bị chặn đường, hoặc là kinh hãi trước cảnh tượng này, không dám bước ra ngoài..
Kinh Triệu Phủ doãn nghe bổ đầu bẩm báo xong, lập tức điều động: “Nhanh lên! Tập trung tất cả nha sai trong thành, nhất thiết không được để xảy ra tai nạn!”
Kỳ Minh nhìn đám đông ngùn ngụt, xoay đầu ngựa lại nói với Huyền Ưng vệ, “Xem ra không về cung được rồi, các ngươi theo ta đến tòa tháp ở Bắc thành đợi lệnh, nếu thấy trong cung báo hiệu thì lập tức tới Bắc đại doanh điều binh!”
Cùng lúc đó, cửa phủ thái phó ở phía Nam được đẩy ra, Trương Viễn Tụ nhìn người dân sĩ tử kéo nhau đi ngoài đường, nói: “Đến lúc rồi, chúng ta đi thôi.”
Nhưng y còn chưa bước xuống bậc thềm thì sau lưng đưa tới tiếng chống trượng dồn dập, lão thái phó đuổi theo, “Vong Trần, con định đi đâu?!”
“Đến điện Tuyên Thất.” Trương Viễn Tụ xoay người, từ tốn mỉm cười, “Có thể đi đường sẽ mất thời gian, nhưng chắc chắn vẫn sẽ kịp lúc.”
Giọng y bằng phẳng không cảm xúc, như thể đang nói một chuyện rất bình thường, vậy mà lão thái phó vẫn nghe ra sự khác thường.
Ông ném gậy đi, tập tễnh đuổi theo, đôi mắt đục ngầu ngấn lệ, “Vong Trần, nghe vi sư khuyên một câu, rời khỏi kinh thành đi, đi ngay bây giờ! Đừng cố chấp nữa, cũng đừng nghĩ tới việc xây Tiển Khâm Đài nữa! Cứ giao hết mọi việc còn lại cho vi sư, nếu truy cứu ngọn nguồn thì chuyện này vốn do vi sư…”
“Những năm qua thầy ẩn cư trong núi không màng thế tục, sao biết được bên ngoài thay đổi ra sao? Giao tất cả cho thầy, thầy có thể đưa ra câu trả lời làm hài lòng mọi người được không?” Trương Viễn Tụ ngắt lời lão thái phó, đoạn hạ giọng, “Thầy yên tâm, chờ đến sáng mai mây mù sẽ tản, tháp cao trong núi Bách Dương sẽ tồn tại mãi mãi ở thế gian, mọi việc sẽ kết thúc.”
“Không phải, không phải thế!” Lão thái phó đuổi theo Trương Viễn Tụ xuống thềm, nhưng ông đã già, bậc thềm ẩm ướt khiến ông suýt ngã, may có người hầu chạy đến đỡ. Chỉ là Trương Viễn Tụ đã đi xa, lão thái phó gọi với theo, “Vọng Trần, con quay lại đi, thật ra, thật ra huynh trưởng con không muốn con…”
Nhưng bóng dáng Trương Viễn Tụ đã biến mất ở đầu phố.
Y vẫn nghe thấy lời lão thái phó nói, song chẳng hề ngoái đầu.
Đôi khi chuyện đời nực cười thế đó, kể từ khi y được đặt tên Vong Trần, chấp niệm cứ mãi quanh quẩn trong lòng, chưa từng có ngày quên đi thế tục.
***
Thanh Duy theo cấm vệ quân đi qua ba lớp cửa cung, đến ngoài Huyền Minh Chính Hoa đợi lệnh. Thị vệ ở cửa cung đã nhận được lệnh của Triệu Sơ, giữ nhuyễn ngọc kiếm và ám khí của Thanh Duy rồi cho nàng vào.
Đây là lần đầu tiên Thanh Duy vào đến cấm cung, Phất Y Đài kéo dài một trăm lẻ tám bậc khảm ngọc, nối đến điện Tuyên Thất trên cao.
Thanh Duy bước từng bước mà lên, đến cửa điện Tuyên Thất, cấm vệ quân ra hiệu lùi về sau đợi lệnh.
Thanh Duy không thấy được trong điện, song vẫn loáng thoáng nghe thấy người bên trong đang báo cáo.
“… Ban đầu các sĩ tử này tụ tập trong một quán trà ở bắc thành, bàn bạc với nhau nên cứu Thái tiên sinh như thế nào, rồi không biết đã nghe được gì mà bắt đầu nghi ngờ quyết sách của triều đình đối với cô nhi Cật Bắc…”
Một người khác nói tiếp: “Bố trí di dân Cật Bắc, khai thông thương lộ phục hưng Cật Bắc là thành tích đầu tiên khi tiên đế lên ngôi, còn trước đó, Cật Bắc không tai hoang thì cũng chiến tranh, tình trạng loạn lạc nào chỉ một năm hai năm, lí ra mà nói sách lược của triều đình có công hơn tội, nhưng bây giờ đám người biểu hành ngoài kia lại cho rằng nỗi khổ Cật Bắc phải chịu có liên quan đến chiến dịch sông Trường Độ, bảo là chính vì đánh trận nên Cật Bắc mới càng thêm khổ. Thế vẫn chưa đủ, bọn họ còn bảo đã tìm được nhân chứng là cô nhi Cật Bắc, nói rằng vào hơn sáu năm trước, để xây dựng Tiển Khâm Đài mà tiên đế đã xử lý nhóm sĩ tử dám nói lên sự thật, sau đó xâu chuỗi những sự kiện này lại với nhau, làm như thể triều đình thực sự che đậy giấu giếm!”
Dường như có người thấp giọng đề nghị gì đó, người vừa nói chuyện cao giọng nói, “Giải thích? Giải thích thế nào? Rằng trận chiến sông Trường Độ là sai, cô nhi Cật Bắc bị ngược đãi, để bịt miệng người dân nên triều đình đã bí mật xử quyết thương nhân chứ không công bố tội trạng, mấy năm sau, tiên đế muốn xây Tiển Khâm Đài, có sĩ tử đứng ra nói ra sự thật, tiên đế lại xử lý bọn họ?! Đó mới là ‘sự thật’ bọn họ muốn tin! Thứ đáng sợ nhất không phải là lời đồn vô căn cứ, mà là có kẻ cố tình bóp méo sự thật! Huống hồ vụ án mua bánh danh sách quá chấn động, thật sự có nhảy xuống Hoàng Hà cũng không rửa sạch!”
Lời ấy vừa thốt ra, trong điện Tuyên Thất nhất thời chìm vào yên lặng.
Triệu Sơ hỏi: “Có phải nữ Ôn thị đã đến không?”
Cấm vệ quân đáp một tiếng, dẫn Thanh Duy vào điện.
Tuy không ít người gọi Thanh Duy là vương phi, nhưng Thanh Duy biết mình vẫn là trọng phạm, không thể tự xưng vương phi, cho nên lúc bước vào điện, nàng dập đầu với Triệu Sơ thưa, “Tội nhân Ôn thị bái kiến Quan gia.”
Triệu Sơ cho nàng bình thân, “Ngươi có thể sớm nhận ra hành động của Đôn Tử, cảnh báo triều đình bắt giam Tào Côn Đức, có phải đã điều tra được gì rồi không?”
Tạ Dung Dữ đứng dưới đài, Thanh Duy nhìn y, thấy y gật đầu thì mới đáp: “Hồi bẩm Quan gia, thảo dân không điều tra được nhiều lắm, chỉ biết vợ con của ân nhân của Tào Côn Đức đã chết thảm ở Cật Bắc, Tào Côn Đức quy hết sai lầm trách nhiệm lên đầu Cố thúc… lên đầu thương nhân Cố Phùng Âm. Trong lúc cứu Cố Phùng Âm, thảo dân mới nhận ra hành động của Đôn Tử. Nghe Cố Phùng Âm nói, Đôn Tử, hay chính là Tào Côn Đức, đã cài tai mắt vào giới nhân sĩ từ rất lâu, bọn họ kích động sĩ tử viết ra hịch văn, còn lợi dụng mong muốn giải cứu Thái tiên sinh của bọn họ, tiết lộ triều đình đã mắc sai lầm trong trận chiến năm xưa, kể cả Tiển Khâm Đài, giật dây bách tính đòi triều đình trả lại chân tướng… Quan trọng hơn hết, sau khi Đôn Tử bắt Cố Phùng Âm, hắn đã ép ông ấy viết một bức huyết thư. Đúng như vị đại nhân vừa rồi mới nói, Đôn Tử đã liên hệ sự bất hạnh cô nhi Cật Bắc, sự che giấu của triều đình, bao gồm cả sự phản đối của các sĩ tử khi bắt đầu xây Tiển Khâm Đài với trận chiến sông Trường Độ, cùng với nhiều “bằng chứng” được chuẩn bị trước, dẫn dắt mọi người nghĩ đến một khả năng khác.”
Cấm vệ quân dẫn Thanh Duy tiến cung đáp: “Mạt tướng đã tăng cường nhân lực truy lùng Đôn Tử, một khi phát hiện sẽ lập tức tróc nã, nhưng đến hiện tại vẫn chưa tìm thấy tung tích của hắn ta.”
Rất đông người đã tụ tập trước cửa cung, quốc lấy dân làm gốc, nước nâng được thuyền nhưng cũng có thể làm lật cả thuyền*, nếu để Đôn Tử công khai bức huyết thư, hậu quả rất khó tưởng tượng.
(*“Quân chủ như thuyền, dân chúng như nước” – đây là đạo lý trị quốc và xử thế được Hoàng đế Đường Thái Tông nhắc tới từ hơn 1000 năm trước.)
Xét cho cùng không phải ai cũng giống Thanh Duy hay Tạ Dung Dữ, hiểu rõ về quá khứ “Thương Lãng rửa tà”, miệt mài truy tìm chân tướng nhiều năm; mà đa số chỉ là nghe đồn vu vơ trong những ngày dài bận bịu, để rồi giờ đây khi có kẻ cố tình hé lộ một góc chân tướng – mà khéo sao lại là bí mật hãi hùng nhất, khiến bọn họ lầm tưởng đấy chính là toàn bộ sự thật, xổ Nho chỉ trích cái gọi là bất công.
Trên điện Tuyên Thất, ai ai cũng lo sốt vó, bức huyết thư kia như một nhúm lửa bén vào dây dẫn, khắc nào còn chưa tìm ra Đôn Tử thì khắc ấy ngòi lửa sẽ càng rút ngắn, cho tới lúc chạm vào cửa cung Tử Tiêu, “thuốc nổ” bùng cháy, thứ bị nghiền nát sẽ không phải là máu xương nát thịt của vạn người, mà đấy chính là lòng dân.
Lòng dân tan thì nền nước lung lay, dẫu có được chắp nối thì cũng để lại sẹo.
Triệu Sơ nhìn Tạ Dung Dữ: “Chiêu vương có đề nghị gì không?”
Ánh mắt Tạ Dung Dữ vô cùng bình tĩnh, cứ như đã có sẵn đáp án trong lòng. Y sắp xếp mạch suy nghĩ, đoạn nói: “Hồi bẩm Quan gia, thần cho rằng sở dĩ dân tâm dao động là vì hiểu sai sự thật, còn nguyên nhân khiến triều đình không tìm được biện pháp đối phó là do… thực ra đến nay chúng ta vẫn chưa biết rõ toàn bộ chân tướng, rốt cuộc danh sách bọn họ dùng để giao dịch từ đâu mà ra? Liệu có nội tình nào đằng sau việc tiên đế quyết định xây dựng Tiển Khâm Đài? Theo thần thấy, thay vì tạm thời tìm cách xua đuổi dân chúng hay thiết quân luật, thì tốt hơn hết là nên tìm ra đầu đuôi sự thật, trả lại chân tướng.”
Nói rồi, y chắp tay, “Tối qua thần đã có được manh mối quan trọng nhất, đã cử Vệ Quyết đi điều tra, nếu mọi việc suôn sẻ, ngay tối nay sẽ có bằng chứng mới. Ưu tiên hàng đầu bây giờ là, thần đề nghị, về đối ngoại, trước tiên cần cử người tìm hiểu xem những sĩ tử diễu hành này đã nghe được gì, có gì khác với sự thật mà chúng ta biết, sau đó giao cho Hàn lâm soạn công văn làm sáng tỏ; thứ hai, tìm ra ai là người kích động nhân sĩ, cố ý làm loạn, và quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân tại sao người đó làm như vậy, chỉ khi biết tường tận mới có thể dập tắt được ngòi lửa này.”
“Còn về đối nội, Lưu đại nhân,” Tạ Dung Dữ xoay người, thi lễ với Đại Lý Tự khanh, “Tình hình đang vô cùng cấp bách, xin ngài đích thân thẩm vấn Tào Côn Đức, tốt nhất là moi ra được kế hoạch của ông ta. Xin ngài ghi nhớ ông ta là kẻ gian xảo, nếu hỏi trực tiếp thì chưa chắc ông ta đã tiết lộ, cũng may ông ta luôn cảm thấy có lỗi với gia đình Bàng thị, nếu lấy đó làm điểm đột phát thì có thể mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra…”
Tạ Dung Dữ dừng lại một lúc, “Thần còn có một yêu cầu quá đáng, thần hi vọng khi thẩm vấn Khúc Bất Duy, lấy tiền đề dù xảy ra chuyện gì thì Khúc Mậu cũng vô tội, yêu cầu ông ta khai ra toàn bộ. Lúc đặc biệt cần hành sự đặc biệt, mong được Quan gia phê chuẩn.”
Tạ Dung Dữ vừa bẩm xong, có người ngờ vực mà hỏi, “Làm thế liệu có được không? Khúc Bất Duy quá kín miệng, gần một tháng qua ông ta không hề hé răng nửa lời, ngay đến bộ Hình tra khảo mà vẫn không được.”
“Đúng thế, rồi lỡ như Khúc Đình Lam thật sự có tội, thẩm vấn như thế khác gì mất cả chì lẫn chài? Mong Quan gia xét kỹ.”
Nhưng chưa đợi Triệu Sơ trả lời, đường chủ sự của bộ Hình ở ngoài xin được cầu kiến.
Dường như Đường chủ sự có chuyện gấp muốn tâu, vừa hành lễ vừa báo, “Quan gia, bẩm Quan gia, Khúc Bất Duy mới nói, ông ta đồng ý khai!”
Triệu Sơ ngạc nhiên, song chàng chỉ ra lệnh: “Dẫn ông ta đến điện Tuyên Thất.”
Có người trên điện lấy làm bất ngờ, thấp giọng nói, “Sao đột nhiên lại chịu khai thế, hay vì biết sĩ tử bao vây cửa cung nên muốn lấy công đền tội?”
Đường chủ sự chạy ra ngoài điện, nhưng nghe được lời đó lại không khỏi cười khẩy, “Động tĩnh bên ngoài làm gì truyền được đến trong cung, ông ta biết kiểu gì?” Sau đó xoay người vái lạy, “Muôn tâu Quan gia, thần cũng không hiểu vì sao Khúc Bất Duy chịu cung khai, chỉ nghe gác ngục nói, tối qua Khúc Bất Duy nhìn chằm chằm miếng ngọc như ý cả đêm, đến sáng nay thì đột nhiên nghĩ thông.”
Không lâu sau, vị Quân hậu trải qua bao gió sương được dẫn lên đại điện.
Tay chân ông ta bị xiềng xích, mái tóc hoa râm rối bù lất phất trong gió lạnh, ấy nhưng bước đi vẫn vững vàng. Ông ta quỳ rạp xuống ngoài cửa điện, “Quan gia, chỉ cần Quan gia bảo đảm Đình Lam con trai tội thần không bị liên lụy, tội thần sẵn sàng khai ra tất cả những gì mình biết.”