Thanh Vân Đài - Chương 203
Thanh Vân Đài
Chương 203
Đại điện lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng kim rơi.
Khai hết đầu đuôi câu chuyện, Khúc Bất Duy như thả lỏng toàn bộ. Mới một chớp mắt đấy thôi mà ông ta già đi trông thấy, cột sống thẳng đứng một đời nay đã bị tà đạo và tội lỗi bẻ cong, trở nên khòm hẳn.
“Bổn vương còn có điều muốn hỏi, Khúc Hầu có biết Chương Hạc Thư lấy được danh sách từ đâu không?”
Khúc Bất Duy lắc đầu: “Ta không hỏi.”
Ông ta vắt óc nhớ lại, “Ta và Chương Hạc Thư chỉ đơn giản làm giao dịch, ta cứu nhân sĩ bị lưu đày giúp ông ta, ông ta cho ta suất lên Tiển Khâm Đài, hai bên không nợ nần nhau, còn về phần ‘bạc’ từ đâu ra, nếu Tiển Khâm Đài không sập thì đó chỉ là chuyện nhỏ, ta không cần phải biết. Nhưng Tiển Khâm Đài lại sập, sự tình quá lớn, đôi khi biết nhiều chưa chắc đã tốt, nên ta mới không hỏi. Nhưng theo ta đoán, có vẻ liên quan đến các sĩ tử bị lưu đày hồi trước.”
Triệu Sơ hỏi Thượng thư bộ Hình: “Đã ghi lại lời khai chưa?”
“Bẩm Quan gia, ghi lại rồi ạ.” Thượng Thư bộ Hình dâng lời khai lên ngự tiền để Triệu Sơ xem.
Triệu Sơ đọc lướt qua, im lặng một lúc rồi nói, “Điện Tiền Ti nghe lệnh, lập tức đưa binh đến Chương phủ, tróc nã Chương Hạc Thư về quy án.”
Cấm vệ quân dẫn Thanh Duy vào cung nhận lệnh, đang định rời đi thì Triệu Sơ gọi lại. Chàng ngồi trên long ỷ, trong mắt như có làn sương chìm nổi, “Hành sự kín đáo vào, tạm thời chuyện này… không được để hậu cung biết.”
Cấm vệ quân lui xuống, Khúc Bất Duy cũng bị dẫn đi, Đường chủ sự ở bộ Hình tiến lên, “Hồi bẩm Quan gia, nếu Khúc Bất Duy đã thừa nhận danh ngạch của Tiển Khâm Đài là do Chương Hạc Thư cung cấp, chứng tỏ danh ngạch này bị tuồn ra từ trong kinh, chắc chắn Hàn Lâm Viện không thoát khỏi liên đới, thần nghe nói lão thái phó đã hồi kinh, giờ có cần triệu ông ấy vào cung không?”
Lúc trước Khúc Bất Duy không chịu khai ra Chương Hạc Thư, triều đình không có bằng chứng, phần nữa cũng vì nể mặt lão thái phó nên mới không triệu ông ấy, còn bây giờ đã có lời khai, cũng có lí do chứng cứ để truyền thẩm.
“Bẩm Quan gia.” Lúc này, một đại quan trên điện chắp tay thưa, “Dù sự thật Khúc Bất Duy khai ra có khủng khiếp đến đâu, thậm chí liên đới cả phó Chưởng sứ Xu Mật Viện đương triều, thì chư vị chớ có quên, điều cần giải quyết bây giờ là cho các sĩ tử bách tính ở cửa cung câu trả lời như thế nào. Trong lòng nhân sĩ, lão thái phó có địa vị ra sao? Triều đình triệu thẩm phó sứ Xu Mật Viện đã đành, nếu bây giờ còn đến phủ thái phó bắt người, tất sẽ khiến nhân sĩ xôn xao, sự tình sẽ càng gay gắt hơn!”
“Từ đại nhân nói có lí.” Một đại quan khác bước ra, “Có thể thấm vấn lão thái phó, nhưng tuyệt đối không thể đến cửa tróc nã, trừ khi thái phó bằng lòng tự vào cung, còn không phải gác chuyện này lại. Thứ cho thần nói thẳng, vừa rồi Chiêu vương điện hạ có nói, muốn xua tản dân chúng chỉ có cách tìm được chân tướng, trả lại sự thật. Nhưng sự thật ấy – theo những gì Khúc Hầu đã khai – lại quá khủng khiếp, dù bất đắc dĩ đến đâu thì đúng là triều đình đã phụ người dân Cật Bắc, và đúng là tiên đế đã xử lý các sĩ tử lên tiếng vì Cật Bắc, bao gồm cái chết của Mao tướng quân, nhân quả thật sự của việc Khúc Bất Duy mua bán danh sách, quốc trượng đương triều thao túng tất cả, nếu công bố những chuyện đó thì sẽ khiến lòng dân càng thêm căm phẫn, lúc đó xoa dịu thế nào đây?”
Ông ta vừa dứt lời, Tạ Dung Dữ còn chưa kịp nói gì thì ngoài điện đưa tới tiếng bước chân dồn dập.
Đại Lý Tự khanh đã thẩm vấn Tào Côn Đức xong, chạy ùa vào suýt đập trúng cửa điện, vái lạy Triệu Sơ, “Bẩm Quan gia, Tào Côn Đức khai rồi… không hẳn khai, mà ông ta đã nói ra hết rồi.”
Trên đỉnh đầu y lâm râm mảng trắng từa tựa tuyết, mọi người đưa mắt nhìn ra ngoài cửa điện, bấy giờ mới thấy tuyết đã rơi chẳng biết tự lúc nào.
Đại Lý Tự khanh không biết phải nói ra sao, dứt khoát quỳ xuống: “Thần dựa theo cách Chiêu vương điện hạ chỉ, dùng gia đình Bàng thị để kích động Tào Côn Đức. Hóa ra từ hơn mười năm trước, sau khi Tào Côn Đức biết được cảnh ngộ của vợ con Bàng thị, ông ta đã ủ mưu cho ngày hôm nay! Ông ta nói, nếu tiên đế muốn xây dựng Tiển Khâm Đài, muốn để người đời ghi nhớ chiến công của mình, ghi nhớ các sĩ tử nhảy sông và tướng sĩ đã hi sinh, vậy thì ông ta cũng thế, ông ta muốn tất cả mọi người phải nhớ tới những nỗi khổ mà người Cật Bắc đã chịu. Ông ta còn nói… còn nói…”
“Còn nói gì nữa?”
“Ông ta nói là đã thu xếp xong xuôi, trong nhân sĩ có người của ông ta, sáng nay Đôn Tử đã đi gặp bọn họ, hơn nữa cũng nói với họ triều đình đã biết tất cả, chẳng qua cố tình giấu giếm mà không công bố.”
Đường chủ sự nổi đóa: “Triều đình biết tất cả lúc nào, không phải triều đình cũng đang điều tra…”
“Triều đình có biết hay không không quan trọng, quan trọng là vì những lời đó, sĩ tử bách tính mới kéo đến cửa cung, đòi triều đình một câu trả lời.” Không đợi Đường chủ sự nói hết, Thượng Thư bộ Hình đã thở dài, “Vừa rồi lão thần còn nghĩ, nếu hôm nay thật sự không tìm được đối sách thì cứ phái người ra cửa cung hòa giải, xem có thể kéo dài được ít bữa không, nhưng giờ xem ra, nước đi này cũng không được rồi…”
Ông ta vừa dứt lời, lòng Thanh Duy chợt lạnh.
Từ lâu nàng đã biết Tào Côn Đức căm ghét Tiển Khâm Đài, vẫn luôn điều tra âm mưu của ông ta, tiếc thay vẫn chậm một bước.
Bên ngoài gió tuyết gào thét, trong điện Tuyên Thất, người nào người nấy vô cùng sốt ruột, thính giác của Thanh Duy rất nhạy, trong gió tuyết, nàng như nghe thấy tràng cười gàn dở của Tào Côn Đức, là sự đắc ý không ai có thể ngăn cản.
“Hèn gì nhân sĩ lại bỗng dưng tụ tập, hóa ra ông ta đã cài cắm người vào!”
“Lão thái giám này điên thật rồi!”
“Ngoài đường quá loạn, nếu Điện Tiền ti không tìm được Đôn Tử, bức huyết thư rơi vào tay nhân sĩ thì phải làm sao đây? Chờ tới khi chúng ta tra được chân tướng thì hoa cúc cũng héo mất!”
“Ta thấy không phải lão ta muốn để thiên hạ biết nỗi khổ của dân Cật Bắc, lão ta muốn thiên hạ đại loạn thì có!”
Ngoài điện lại vang lên tiếng bước chân dồn dập, một tiểu hoàng môn thưa: “Bẩm quan gia, Trương đại nhân đang ở Phất Y Đài thỉnh cầu diện kiến.”
Hôm nay không có buổi chầu, các đại thần đang trực ra về trễ hơn so với mọi khi, không phải bị chặn nửa đường thì cũng là không bước nổi ra cửa. Các viên quan có mặt ở điện Tuyên Thất bây giờ đều ở lại trong cung trực từ đêm qua, ai có cách gì đều đưa ra hết, nên dù trọng phạm như Thanh Duy có lên đại điện cũng không người phản đối – nàng ta biết rõ về vụ án Tiển Khâm Đài, ít nhiều gì cũng đưa ra được vài biện pháp.
Đương khi mọi người thắc mắc không biết vì sao Trương Viễn Tụ lại vào cung lúc này, thì tiểu hoàng môn ở ngoài điện bổ sung, “Trương đại nhân nói, ngài ấy có cách… khuyên được các sĩ tử đang tụ tập ngoài cửa cung.”
Tuyết rơi phất phơ, chốc lát sau, một người mặt mũi hiền từ đứng trên đại điện bái lạy, ánh mắt y không nhiễm gió tuyết, thong dong hơn bất cứ ai ở đây.
Đường chủ sự nóng tính, hỏi thẳng: “Trương đại nhân nói có cách khuyên được nhân sĩ, rốt cuộc là biện pháp thần kì nào thế?”
“Đúng thế, Trương đại nhân, bọn họ đã tụ tập trước cửa cung nửa ngày rồi, lỡ như không khuyên được bọn họ, trời lạnh thế này, nếu có người chết thì hậu quả rất khôn lường!”
Trương Viễn Tụ bình tĩnh nói: “Bẩm Quan gia, biện pháp của thần không dám xưng là thần kì, nếu xét kĩ thì còn rất vụng. Thực ra thần cũng nghĩ giống Chiêu vương điện hạ, chính là cho các nhân sĩ ấy một câu trả lời. Nhưng… Câu trả lời ấy ra sao, nói thế nào, quan trọng là cách thức.”
“Thần cho rằng, ít nhất trong vụ án Tiển Khâm Đài, sự tin tưởng của nhân sĩ và bách tính đối với triều đình bắt nguồn từ sự tin tưởng của đối với ‘sông Thương Lãng rửa sạch cổ tà’, bọn họ biết sự hi sinh oanh liệt của sĩ tử nhảy sông năm xưa, nên mới ủng hộ xây dựng Tiển Khâm Đài; bây giờ bọn họ lại biết những nhơ nhớp liên quan đến nó, nên cật lực phản đối việc tái thiết Tiển Khâm Đài, đòi lại thứ gọi là công lý. Nhưng sự thật vốn có nhiều mặt, chân tướng thế nào cũng rất khó nói, muốn khuyên được bách tính nhân sĩ ở cửa cung, chi bằng trở về căn bản, tìm con đường đơn giản nhất, đó là để hai chữ ‘Tiển Khâm’ trở về trong tim thiên hạ bách tính.”
Y vừa dứt lời, mọi người trên điện đưa mắt nhìn nhau.
Nhưng làm cách nào mới có thể khiến hai chữ ‘Tiển Khâm’ quay về trong tim dân chúng đây?
“Thật ra làm chuyện đó không hề phức tạp, bước khó khăn nhất là khiến nhân sĩ chịu nghe chúng ta nói chuyện.
Thần vốn bất tài, nhưng vì xuất thân nên có quan hệ tốt với nhân sĩ trong kinh. Lần này sau khi hồi kinh, thần nhận lệnh của triều đình điều tra nguyên nhân sĩ tử biểu tình, nhờ vậy mới biết có kẻ tuyên truyền về ẩn tình đằng sau chiến dịch sông Trường Độ năm xưa. Thế là thần đã sai người điều tra xem ai đang tung tin thất thiệt, kích động lòng dân.”
“Sao Trương đại nhân không nói sớm?”
Trương Viễn Tụ từ tốn giải thích: “Lúc đó Trương mỗ cũng không ngờ chuyện lại ầm ĩ đến mức độ này, huống hồ thần chỉ vừa điều tra, tới tận đêm qua mới có được bằng chứng, phát hiện do một nhóm nhân sĩ cầm đầu là Viên Tứ gây rối.”
Nói đoạn, y dâng lên một bức thư, “Đây là thư tay lục soát được ở nhà của Viên Tứ, trao đổi với một người khác về bắt thương nhân Cố Phùng Âm như thế nào, ép ông ấy phải viết huyết thư, làm chứng chiến dịch Cật Bắc có nội tình khác ra sao. Người kia là ai vẫn chưa rõ, nhưng lúc nãy khi thần đứng dưới Phất Y Đài chờ diện kiến, nghe người của Đại Lý Tự nói, việc sĩ tử gây rối rất có thể là âm mưu của Tào Côn Đức, mà hôm qua nội thị Đôn Tử đã bỏ trốn, vậy xem ra người liên lạc với Viên Tứ chính là Đôn Tử.
Chỉ cần dùng phong thư này làm chứng bắt Viên Tứ, nói với nhân sĩ ngoài kia thật ra bọn họ đã bị xúi giục làm loạn, thì chí ít bọn họ sẽ bình tĩnh nghe chúng ta nói chuyện. Đó là bước đầu tiên.
Nhưng, vẫn còn có rất nhiều bách tính tụ tập ngoài cửa cung, triều đình không cho câu trả lời hợp lí thì không được, theo như thần đoán, tuy những bức thư này có thể khiến đa số mọi người bình tĩnh lại, nhưng cũng sẽ có một ít bộ phận vì thế mà trở nên tức giận hơn, dẫu sao việc Cật Bắc rơi vào cảnh khổ là sự thật, mua bán danh ngạch cũng là sự thật, triều đình muốn trấn an nhân sĩ, phải lập tức công khai sự thật.”
“Vậy thì sự thật là gì?” Trương Viễn Tụ dừng một lúc, gỡ lấy bông tuyết đọng trên vạt áo, từ tốn nói, “Ví dụ như vật trong tay thần đây, nhìn xa là tuyết, nhìn gần là băng, một lúc sau lại sẽ hóa thành nước, khi rơi xuống đất, nửa ngày sau sẽ bốc hơi hoàn toàn, hóa thành hư vô. Có người hỏi thần vừa lấy gì từ vạt áo xuống, câu trả lời là tuyết, nhưng thần muốn nói nó là băng, là nước, thậm chí không phải gì hết, thì có được xem là sai không?”
“Sự thật cũng biến hóa giống như thế, phải xem đứng ở góc độ nào để mà giải thích.
Tiển Khâm Đài cũng vậy. Năm Xưa Tiển Khâm Đài mà mọi người nhìn là sự oanh liệt của sĩ tử đã nhảy sông, sự anh dũng của tướng sĩ đã hi sinh. Còn hôm nay mọi người tụ tập ở cửa cung, Tiển Khâm Đài mà bọn họ thấy lại là tội ác mua bán danh ngạch, là nỗi khổ của người dân Cật Bắc sau chiến tranh. Nên điều chúng ta cần làm rất đơn giản, đó là xóa bỏ tội ác mua bán danh sách và nỗi khổ của người Cật Bắc ra khỏi Tiển Khâm Đài, để hai chữ Tiển Khâm không vấy bẩn về lại lòng người, thậm chí còn cao hơn vị trí cũ, cao đến mức không thể hồ nghi, chỉ thế mà thôi.
Vậy cần làm thế nào? Thứ nhất, vụ án mua bán danh sách nặng ở chữ mua bán, theo thần biết, người mua bán chỉ có một mình Khúc Bất Duy, còn về việc sau lưng ông ta có ai, tạm thời triều đình khoan truy cứu đã, chỉ cần nói Khúc Bất Duy lạm dụng phạm pháp, cố ý bôi bẩn hai chữ Tiển Khâm.”
Đường chủ sự ngơ ngác: “Ý của Trương đại nhân là dừng truy cứu Chương Hạc Thư Chương đại nhân?”
Trương Viễn Tụ nhìn ông ta, không trả lời mà nói tiếp: “Thứ hai, nỗi khổ của cô nhi Cật Bắc là thật, dù triều đình nói thế nào cũng không thay đổi được sự thật, chỉ có thể thừa nhận. Nhưng muốn thừa nhận cũng phải có cách, vừa nãy thần đã nói, năm ấy dân chúng ủng hộ xây dựng Tiển Khâm Đài, ủng hộ quyết nghị của triều đình là vì sự oanh liệt của các sĩ tử nhảy sông. Nỗi khổ của cô nhi Cật Bắc có lẽ nằm ngoài tầm tay của triều đình, hoặc là do quan phủ địa phương quản lý không chặt, nhưng sĩ tử lên Tiển Khâm Đài thì không. Nói cách khác, triều đình có thể sai, còn Tiển Khâm, dù thế nào đi chăng nữa cũng không lấm bẩn.
Thần còn giữ bức thư tay của gia huynh hồi còn sống, là bức thư dâng lên triều đình thỉnh cầu trấn an cô nhi Cật Bắc, còn có cả bằng chứng gia huynh và những người bạn cũ lên đài chi tiêu tằn tiện để cứu tế nạn dân Cật Bắc.
Nếu trận chiến sông Trường Độ là sự lựa chọn giữa chủ chiến và chủ hòa, thì những việc làm về sau của gia huynh và các sĩ tử lên đài là nỗ lực ít ỏi của các hậu duệ Thương Lãng Tiển Khâm dành cho Cật Bắc. Triều đình có thể đã phụ dân Cật Bắc, nhưng những hậu duệ đó thì không.
Vì quá tức giận mà mọi người đã quên rằng không thể truy ngược quá khứ, chỉ có thể thay đổi hiện tại tương lai. Những người chịu khổ ở Cật Bắc đã không còn, và những đau khổ ở nơi đó cũng đã qua. Những gì họ có thể đổi lấy và muốn đổi lấy chính là cái cúi đầu của triều đình. Bọn họ muốn cúi đầu, vậy triều đình cứ cho họ. Cúi đầu xong, Tiển Khâm lại càng sạch sẽ, cũng chứng minh quyết sách tái thiết Tiển Khâm Đài của triều đình không hề sai, đó không những là sự quyết tâm mà còn là sự tỉnh ngộ của triều đình, cho nên triều đình mới xây đài cao, tế vong linh của các sĩ tử nhảy sông, thậm chí còn dựng bia kỷ niệm, khắc tên những sĩ tử đã gieo mình xuống sông, những sĩ tử đã bước lên đài, để thế nhân luôn ghi nhớ về họ.”