Thề ước Đỗ Quyên - Chương 08

Chương 8: Vị hôn phu

Thuở xa xưa từ thời hồng hoang, trời và đất đang hòa làm một, vũ trụ chìm trong đêm đen, chỉ tồn tại hai loài Thần và Quỷ. Thần và Quỷ vốn sống bình yên, không liên quan đến thế giới của nhau.

Bấy giờ, các vị Thần cùng góp sức để tạo nên một thế gian nhiều màu sắc và có phần sinh động đỡ nhàm chán hơn. Mỗi vị Thần sẽ có một nhiệm vụ của riêng mình, tự đặt tên cho thứ mà mình sinh ra. Từ đó muôn loài mới bắt đầu xuất hiện. Thần Gió tạo ra gió, thần Mưa sinh ra mưa, thần Mây tạo ra mây, thần Cây tạo ra cây cối…

Nữ thần Mặt Trời vốn có nguồn sức mạnh lớn lao nên mang một nhiệm vụ đặc biệt là sinh ra ánh sáng cho muôn loài. Thần Mặt Trời làm tốt nhiệm vụ của mình, ánh sáng rạng rỡ có mặt ở khắp mọi nơi, chiếu sáng ngày này qua ngày khác. Nhưng điều đó lại gây ra sự bất lợi, các vị Thần trở nên ngày càng mệt mỏi, họ không thể nghỉ ngơi khi ánh sáng cứ rực rỡ tỏa ra xung quanh như vậy. Loài Quỷ cũng bắt đầu khó chịu và có ý kiến về thứ ánh sáng mà chúng không thể thích nghi đó. Thần Bóng Đêm liền có nhiệm vụ mới, tạo ra bóng đêm để thay phiên xen kẽ với ánh sáng của Mặt Trời. Từ đó vũ trụ sinh ra ngày và đêm. Và một cách tự nhiên nhất, nữ thần Mặt Trăng từ lâu đã say mê ngưỡng mộ thần Bóng Đêm lạnh lùng, bí ẩn. Nàng tạo ra mặt trăng để chiếu sáng trong bóng đêm, để cho người nàng thương không bị cô đơn mỗi khi các vị Thần đều đã nghỉ ngơi. Ánh trăng tròn hay khuyết, tỏ hay mờ đều phụ thuộc vào sức lực còn lại của thần Mặt Trăng sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Bên cạnh đó, việc sinh ra các loài vật thật sự sống động và có linh hồn cũng là một trọng trách to lớn, các Thần đều phải góp sức tạo nên. Mỗi vị thêm thắt một ý tưởng, mọi nguồn tiên pháp tụ hội lại, đầy đủ các loài động vật lần lượt được tạo ra. Cây cối của thần Cây cũng được phát triển thêm phong phú và đa dạng hơn.

Bấy giờ Ngọc Hoàng là nam thần trẻ trung, sôi nổi, giỏi giang và có tài lãnh đạo nhất. Tất cả các vị Thần đều thống nhất chọn ra Ngọc Hoàng là người đứng đầu, chịu trách nhiệm theo sát và chỉ đạo mọi nhiệm vụ.

Khi tất cả các vị Thần đều đã làm tốt phần việc của mình, đang góp sức để hoàn thiện muôn loài dần trở nên tốt đẹp, sung túc hơn. Lúc này tới nhiệm vụ của nữ thần xinh đẹp Âu Cơ. Vị nữ thần tài giỏi và khéo léo ấy sẽ sinh ra loài người là loài đẹp đẽ nhất, hoàn thiện nhất, có trái tim, có cảm xúc, có tâm hồn. Nữ thần Âu Cơ đã chọn cách dùng chính cơ thể của mình để hoài thai, mang bầu và tự mình nuôi nấng con người. Nữ thần Âu Cơ kết hôn với người mà nàng yêu - thần Lạc Long Quân mạnh mẽ, anh dũng - trong sự chúc phúc của mọi người và sự tiếc nuối của không ít nam thần. Trong thời gian thần Âu Cơ mang thai, nàng không quên góp tay vào việc gây dựng muôn loài. Thần Lạc Long Quân thì vẫn miệt mài làm nhiệm vụ cùng với thần Nước và các vị Thần khác để tạo ra biển cả.

Thế giới các vị Thần tạo ra đẹp và hấp dẫn đến nỗi loài Quỷ đã bắt đầu dòm ngó và nổi lòng tham, muốn chiếm lĩnh nơi tràn đầy sinh lực đó.

Một vấn đề phát sinh thêm là khoảng không gian ngày càng trở nên chật hẹp, các vị Thần đều cảm thấy bức bối, không thoải mái. Sau khi bàn bạc lại đi đến thống nhất sẽ chia tách ra trời và đất, để cho muôn loài mới sinh ra được phát triển trong một không gian rộng lớn hơn. Tuy nhiên việc chia tách nói thì đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp. Tất cả các vị Thần đều hợp nhất về một chỗ, tập trung dồn hết toàn bộ sinh lực và tiên pháp mà bản thân đang có để thực hiện sứ mệnh này. Ngọc Hoàng, Tây Vương Mẫu cùng một số vị thần được giao nhiệm vụ bảo vệ muôn loài vừa được sinh ra. Nữ thần Âu Cơ đang mang thai nên cũng được bảo vệ. Lạc Long Quân vốn dĩ nằm trong số đội quân bảo vệ, nhưng người anh hùng ấy đâu chịu ngồi yên, tình nguyện rời xa người vợ và những đứa con chưa kịp chào đời, tham gia vào nhóm Thần chia tách vũ trụ. Việc chia tách diễn ra năm này qua năm khác, bầu trời lúc nào cũng rền rĩ, ủ ê. Chỗ này rách nát, chỗ kia bị vùi dập, các vị Thần lại hớt hải kéo nhau đi vá. Đến khi sức cùng lực kiệt, việc phân chia đất trời cuối cùng cũng hoàn thành. Còn chưa kịp làm lễ ăn mừng, loài Quỷ đã lập tức thừa cơ kéo đến, hòng cướp lấy mọi thứ mà các vị Thần đã tạo ra. Lúc này phần lớn tiên pháp đã bị rút kiệt đi, các vị Thần chiến đấu rất kiên cường nhưng không thể thắng được đám Quỷ hung tợn đó. Đám Quỷ kéo đến vòng bảo vệ, cùng với đội quân do Ngọc Hoàng cầm đầu chiến đấu hàng năm trời, một sống hai chết. Nhóm bảo vệ hoàn thành được nhiệm vụ, giữ an nguy cho chúng sinh, lũ Quỷ bị đánh bại te tua chạy về địa bàn của chúng và không dám bén mảng đến nữa, tuy nhiên tổn thất đám Quỷ gây ra quá nặng nề, những vị Thần còn sống sót chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Âu Cơ khóc ngất đi bên đống cát bụi còn lại của các vị Thần đã hy sinh, trong đó có cả Lạc Long Quân chồng nàng, cha của các con nàng. Các linh hồn bị xé thành hàng ngàn hàng vạn mảnh, trôi nổi vô định trong không trung. Sau đó nữ thần Âu Cơ gạt đi nước mắt đau thương, sử dụng cơ trí và sự khéo léo của mình, trích ra một phần linh hồn, một phần trái tim và phần lớn tiên pháp còn sót lại để tạo ra ngọc Cầu Hồn.

Ngọc Cầu Hồn được sinh ra để tụ hội toàn bộ những phần linh hồn còn vương vất, trôi nổi ở khắp nơi về một chỗ. Lúc này Ngọc Hoàng, Tây Vương Mẫu và các vị Thần sống sót dốc hết phần sinh lực và tiên pháp còn sót lại để hồi sinh các vị Thần đã hy sinh. Phần linh hồn của Thần Lạc Long Quân cảm nhận được trái tim vợ mình nên tập trung được nhiều nhất, hồi sinh một cách kỳ diệu, mạnh mẽ và hoàn chỉnh trong sự mừng mừng tủi tủi của nữ Thần Âu Cơ. Một số vị Thần khác cũng đã sống lại hoàn thiện hoặc một phần. Lúc này các Thần lại cùng nhau dời mọi sinh vật vừa được tạo ra xuống đất và biển để sinh sống.

Nữ Thần Âu Cơ hạ sinh được trăm trứng, nở ra trăm con. Nàng và Thần Lạc Long Quân cùng nhau nuôi dạy loài người mọi thứ có thể dạy. Những cung bậc cảm xúc, tình yêu thương, hỉ nộ ái ố là những thứ ngày càng được hoàn thiện hơn. Việc sinh tử của loài người được Ngọc Hoàng giao phó cho Nam Tào, Bắc Đẩu cai quản.

Khi có quá nhiều việc phải quản lý mà số lượng các vị Thần còn lại không quán xuyến được, Đức Mẹ Âu Cơ nảy ra ý tưởng mọi vật đều có thể tu thành Tiên, nếu có đủ lòng tin tập trung đủ sinh lực và trải qua đủ kiếp nạn. Muốn tu thành Tiên đương nhiên cũng không phải chuyện đơn giản, phải trải qua tu luyện khổ sai, đầy đủ cấp bậc, vượt qua các kỳ thi. Đầu tiên là sơ tiên, trung tiên, thượng tiên, cuối cùng là cấp đại tiên. Sau đó lại có thể tiếp tục tu lên thành Thần, bao gồm các bậc sơ thần, thượng thần và cao nhất là đại thần, bỏ qua cấp trung. Cấp cao nhất đương nhiên sánh ngang hàng với các vị Thần thuở khai thiên lập địa, tuy nhiên chưa từng có vị Tiên nào có thể đạt đến cấp cao nhất này. Khi đó Tiên giới bắt đầu được hình thành, vạn vật đã đi vào quỹ đạo ổn định, các vị Thần giao lại nhiệm vụ trông nom dương gian cho các vị Tiên và lui về nghỉ ngơi.

Do không thích nghi về môi trường sống, Đức Mẹ Âu Cơ và Đức Cha Lạc Long Quân đành phải hai người chia ra hai ngả. Đức Mẹ được Ngọc Hoàng mời lên ngự tại cung xây riêng trên Thiên Đình. Lạc Long Quân trở về biển, nơi mà Người có thể thỏa sức vẫy vùng, không vướng bận điều gì.

Khi ta được Đức Mẹ Âu Cơ nhận làm con nuôi, thỉnh thoảng vẫn gặp Đức Cha Lạc Long Quân lên thăm Người. Thoạt nhìn thì Đức Cha là một người nghiêm khắc, nhưng lại rất vui vẻ và chiều chuộng ta. Người sảng khoái gọi ta một tiếng “con gái”, sau đó vỗ bịch bịch lên đầu khiến ta hoa cả mắt.

Sau này để cho Đức Mẹ thoải mái, Đức Cha xây riêng cho Người cung Âu Lạc cách Thiên Đình không xa. Ngày ta xách đồ theo Đức Mẹ dọn về cung mới, Bắc Đẩu và Nam Tào đứng xa xa nhìn theo, mắt ngân ngấn lệ làm ta muốn cười mà không dám cười. Hai bọn họ khóc cái khỉ khô gì chứ, không phải là ở rất gần nhau sao, muốn gặp lúc nào chả được.

Cung Âu Lạc này ta đã khám phá khắp nơi, trừ căn phòng xử án vừa nãy. Ta biết Ngọc Cầu Hồn luôn được Đức Mẹ để trong phòng ngủ của Người, nếu là cung nữ không thân thiết thì không thể ra vào nơi ấy. Ngọc Cầu Hồn có chứa một phần linh hồn và trái tim của Đức Mẹ Âu Cơ, nó có thể cầu được hồn vía từ khắp nơi quy về một chỗ, có thể cứu sống được mọi vật. Nếu Đức Mẹ và Ngọc Cầu Hồn cách xa nhau quá lâu, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của Người. Nếu Ngọc bị ai đó phá vỡ, ta không dám tưởng tượng tiếp…

Ta cũng biết Đức Mẹ thích nhất là đầm sen trắng ngay sau phòng của Người. Đầm sen được Đức Cha làm phép nở hoa suốt bốn mùa để cho Đức Mẹ ngày nào cũng có thể ngắm sen. Dùng bữa xong, ta và Đức Mẹ Âu Cơ ngồi thưởng trà bên đầm sen, thảnh thơi trò chuyện. Ta hỏi:

- Đức Mẹ, hôm nay con không nhìn thấy Đức Cha?

Đức Mẹ Âu Cơ đặt chén trà xuống bàn:

- Ông ấy còn bận đi tìm Ngọc Cầu Hồn.

Ta xót xa nhìn bàn tay gầy gộc xanh xao của Người, hẳn là Ngọc Cầu Hồn đã bị đánh cắp một thời gian không ngắn:

- Đức Mẹ, con tưởng Người vẫn luôn xác định được vị trí của hồn Ngọc.

Đức Mẹ Âu Cơ nhấp một ngụm trà rồi mỉm cười:

- Ta cũng có chút tuổi rồi, không còn được nhanh nhẹn như xưa nữa.

Ta nhìn ra đầm sen, nhìn những cánh hoa sen trắng muốt, tinh khôi rồi quay sang nhìn Đức Mẹ. Mái tóc đen mượt như nhung được bối tỉ mỉ và cài đan xen bằng trâm ngọc màu xanh biếc. Đường nét khuôn mặt thanh cao, tất cả đều toát lên vẻ thánh thiện, làn da trơn mịn hơn cả những cánh hoa sen. Chén trà đào trên tay ta bỗng trở nên đắng ngắt. Đức Mẹ à, nếu Người có chút tuổi mà đã khiến Hồ Ly con cảm thấy choáng váng như thế này, thì khi Người xuân xanh còn khiến trời đất đảo điên như thế nào nữa.

- Dạo gần đây con có gặp thằng bé Quang Ly không?

Câu hỏi của Đức Mẹ làm ta nhớ lại một chuyện liên quan đến “thằng bé” đã năm mươi ngàn tuổi ấy đang khiến ta băn khoăn:

- Hôm trước đại huynh có ghé qua chỗ am Uyển con đang tu luyện.

- Ồ! - Đức Mẹ hơi ngạc nhiên sau đó im lặng một lúc rồi thở dài khẽ nói. - Duyên phận đúng là trêu ngươi người ta!

Ta chưa kịp hiểu gì thì Đức Mẹ lại nói tiếp:

- Nếu con gặp Quang Ly, nhắn với nó lời của ta: “Đừng cố chấp tìm kiếm nữa, đến lúc buông bỏ được rồi!”

- Dạ, Đức Mẹ! - Ta cung kính đáp mà lòng thắc mắc vô vàn điều.

Không để ta kịp suy nghĩ, Đức Mẹ Âu Cơ lại nói:

- Thiên con, cũng nên về sớm đi thôi, kẻo có người lại chờ lâu.

- Dạ, Đức Mẹ! Con xin phép!

Ta hành lễ chào từ biệt Đức Mẹ sau đó rảo bước rời khỏi cung Âu Lạc, lòng tự nhủ hẳn là Minh Sương đang chờ.

Không ngờ lại là Phượng Điểu Hoàng Niên, ta trợn mắt nhìn khuôn mặt hoàn mỹ phía trước:

- Sơ thần vẫn chưa xong việc ở cung Âu Lạc sao?

Hoàng Niên từ tốn đáp:

- Ta đang chờ nàng!

- Chờ ta? Sơ thần có chuyện gì cần chỉ bảo, xin cứ nói!

- Ta đưa nàng về.

Ta chưa kịp định thần thì Hoàng Niên đã gọi mây kéo cả ta và hắn bay lên, hướng về phía am Uyển. Ta yên lặng ngó nghiêng ngắm mây xung quanh, không dám nhìn về phía hắn, sợ tâm hồn bị xáo trộn. Hoàng Niên cảm nhận được sự lạnh nhạt của ta, khẽ nói:

- Nàng quả thực đã quên mất ta!

Ta vội quay sang hắn, thấy đôi mắt phượng đang đau lòng nhìn ta, tim đánh thịch một cái:

- Ta và ngài đúng là chưa từng gặp nhau. Nếu đã gặp thì làm sao ta quên được!

Đúng, nếu đã gặp, làm sao ta quên được đôi mắt sâu thăm thẳm như nhìn thấu hết tâm can người khác kia, đôi mày sắc nét hơi cau lại mà cũng đẹp đến mê hồn, chưa kể đến chiếc mũi cao cao hơi hếch lên hoàn mỹ, cặp môi… Ta đang nghĩ cái gì thế này?... Nếu có Minh Sương ở đây, nàng ta sẽ tha hồ mà mắng mỏ về cái tội háo sắc của ta mất. Ta lập tức quay đi vừa ngắm cảnh xung quanh vừa nói:

- Tam huynh kể ta từng có khoảng thời gian bị trúng kịch độc nên trí nhớ có một chút vấn đề, chuyện nhớ chuyện quên. Có khi ta đã quên mất cái lần chúng ta gặp nhau. Không biết lần đó… E… hèm… Ta có mất kiểm soát làm gì mạo phạm… đến ngài…

Hoàng Niên hình như không chú ý đến câu lảm nhảm phía sau của ta, cặp mày của hắn hằn sâu hơn, hắn nói:

- Hai chúng ta không phải chỉ mới gặp nhau một vài lần. Hai chúng ta… đã từng có hôn ước…

Ta loạng choạng, suýt nữa thì ngã lộn cổ xuống cánh rừng đỗ quyên vàng bên dưới. May mà Hoàng Niên nhanh nhẹn kéo mây đón lấy thể xác ta, còn linh hồn ta dường như đã lạc mất đâu đó giữa rừng hoa.

Hoàng Niên kéo ta hạ xuống một khoảng rừng trống, xung quanh rải đầy sắc vàng của cánh hoa đỗ quyên. Hắn nói rất nhiều, tất cả đều khiến ta mơ mơ hồ hồ không rõ nghĩa. Hắn nói:

- Nàng đã chạy trốn ta bảy nghìn năm, ta cũng trọn bảy nghìn năm tìm kiếm nàng. Chúng ta đừng chơi trò trốn tìm nữa được không? Hãy nghĩ đến lời “thề ước Đỗ Quyên” năm xưa.

Mỹ nam à, ta không rõ tuổi tác ngươi ra sao nhưng ta quả thực đã hết tuổi chơi trò trốn tìm từ lâu rồi. Ta cũng không biết gì về “thề ước Đỗ Quyên” mà ngươi vừa nhắc đến, có phải ngươi tìm nhầm người rồi không? Tiểu Thiên trên đời này nhiều lắm, gia tộc hồ ly bọn ta cũng không thiếu Hồ Thiên Ly. Nhất định là vị sơ thần tuấn tú này tìm nhầm người rồi.

Mặc kệ vẻ ngơ ngác của ta, hắn lại nói tiếp:

- Nếu quả thật nàng đã quên, ta sẽ làm cho nàng nhớ lại. Nhớ lại ta, Phượng Điểu Hoàng Niên, chính là vị hôn phu đã cùng nàng lập lời “thề ước Đỗ Quyên” mười ngàn năm trước.

Một cơn gió xuân ùa đến, thổi tung những cánh hoa đỗ quyên đã tàn trên cành rơi xuống, cơn mưa màu vàng bay lả tả xung quanh dáng người thanh tao của Hoàng Niên. Ta nhìn vào cặp mắt ngời sáng quật cường của hắn, nhìn những cánh hoa vương trên mái tóc nửa buộc nửa buông hững hờ trên vai hắn, lòng dấy lên cảm xúc khó tả. Được rồi, ta cũng sẽ cố gắng hết sức để nhớ ra vị hôn phu này…