Thi Nhân Việt Nam - 17. Đoàn Văn Cừ
17. Đoàn Văn Cừ
Những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời này chẳng bao lâu nữa sẽ mất hết. Nếu ta không gấp gấp ghi chép lấy thì còn biết tìm kiếm vào đâu. Gần đây đã có một ít nhà văn viết tiểu thuyết truyện đồng quê, nơi nương náu cuối cùng của dĩ vãng. Nhưng đời sống ở đồng quê có một nhịp nhàng riêng, thể văn tiểu thuyết không diễn ra được. Phải có thơ. Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ.
Những bức tranh trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như các bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt. Người xem tranh hoa mắt vì những nét những màu hình như rối rít cả lại; nhưng nhìn kỹ thì màu nào nét nào cũng ngộ nghĩnh vui vui.
Đây, trong chợ Tết, bên cạnh thầy khoá đương gò lưng viết:
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ
Kia, giữa đám hội nhà quê;
Chiếc ô đen lẳng lặng bước ra cầu,
Tìm đến chiếc san màu bay trước gió.
Đoàn Văn Cừ đã biết nhận xẻt rất tinh lại sẵn hồn thơ phong phú, hai điều thường ít đi với nhau. Phải có hồn thơ mới thấy được dưới ánh bình minh.
Tia nắng nháy hoài trong ruộng lúa.
Thỉnh thoảng giữa những câu chặt chẽ, chen vào một câu bất ngờ, vụt ngời lên như một luồng sáng giữa bức tranh:
Bà cụ bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tắc trắng phau phau.
Và bao giờ cuối bài thơ cũng có một vài câu khêu gợi. Cuối bài "Chợ tết":
- Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rơi rụng tơi bời trên quán chợ.
Cuối bài thơ: "Đám cưới mùa xuân":
Chỉ nghe văng vẳng tiếng chim xuân
Ca ánh ỏi trên cành xanh tắm nắng.
Những câu ấy đều khép lại một thế giới và mở rộng ra một thế giới: khép một thế giới thực, mở một thế giới mộng. Cảnh trước mắt vừa tan thì tình trong lòng cũng vừa nhóm. Mắt ta không thấy gì nữa nhưng lòng ta bâng khuâng.
Đoàn Văn Cừ trước sau đăng báo chỉ có sáu bảy bài thơ. Bài nào cũng hay. Cũng có bài đăng "Ngày nay" số thường, nhưng nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến cái Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với màu bánh trưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng. Cứ mỗi lúc xuân về người lại gửi trên báo một chuỗi cười ngũ sắc. Tiếng cười ta còn nghe văng vẳng thì người đã biến đâu rồi và ta đành chờ mùa xuân khác. Thế rồi báo chết, tăm tích người cũng mất. Cho đến hôm nay, viết mấy lời giới thiệu thơ Đoàn Văn Cừ, tôi vẫn chưa biết gì thêm về con người ấy.
Tháng 10- 1941