Thi Nhân Việt Nam - 21. J. Leiba

21. J. Leiba

Chính tên là Lê Văn Bái. Sinh năm 1921 ở Yên Bái. Chánh quán: làng Nam Trực, phủ Nam Trực (Nam Định). Học trường Bảo hộ Hà Nội đến năm thứ ba rồi bỏ đi theo một bon giang hồ mãi võ chót một năm. Sau về quê học chữ Hán. Năm 1935 đậu thành chung, rồi vào ngạch thư ký toà sứ Bắc kỳ. Vì đau nặng nên được nghỉ phép dài hạn (Đã mất rồi)

Đã viết giúp: Ngọ báo, Loa, Tin văn, L'Annam Nouveau, Tiểu thuyết thứ bảy. Ích hữu, Việt Báo, Nam Cường (ký Thanh Tùng Tử và sau J. Leiba)

Thơ dăng báo Loa với một tên ký chẳng Việt nam tí nào, thế mà vừa ra đời Leiba liền được người ta thích.

Người ta thích người vần thơ có giọng Đường rõ rệt, mà lại nói được nỗi lòng riêng của người thời nay. Trong khuôn khổ xưa, cái hương vị mới ấy rất dễ say người. Thơ Leiba ra đời (1934) giữa lúc ai nấy đều cảm thấy mình như trẻ lại. Các nhà thơ đương thời, Thế Lữ, Đông Hồ, Thái Can, kẻ trước người sau, đều tả bằng người nét âu yếm nỗi lòng của người thiếu nữ lúc mới bén tình yêu. Nhưng không ai nói được đầy đủ như tác giả bài "Năm qua" người giai đoạn của một cuộc yêu đương nhóm lên từ hồi tóc còn xoã bỏ vai. Ít ai nói được như Leiba những vui buồn của người xuân nữ. Những câu như:

Hoa tặng vừa tàn bông thược dược,

Tìm chàng bỗng vắng, bóng chàng xa...

hay là:

Sầu đối gương loan, bóng lạ người,

Chàng không lại nữa, đẹp cùng ai?

có thể để ngang những câu tuyệt hay trong thơ cổ.

Hồi ấy là hồi đẹp nhất trong lời thơ Leiba. Về sau thơ Leiba không được hồn nhiên như thế nữa. Không rõ những gì đã đến trong đời thi nhân. Nhưng lời thơ như vương tí cặn của những đêm phóng túng. Hình như Leiba đã đau khổ nhiều lắm. Người tức tối lúc nghĩ đến nấm cỏ đương chờ mình:

Ví biết phù sinh đời có thế,

Thông minh, tài bộ, thế gia chi!

Học thành, danh đạt, chung quy hão:

Mắt nhắm, tay buông, giữ được gì?

Thà chọn sinh vào nhà ấu phụ,

Cục cằn, mất dạy, lại ngu si.

Leiba là một người bao giờ cũng có dáng điệu quý phái, ưa cái không khí quý phái, tin ở tài năng, ở dòng dõi mình, và rất tự trọng, cả trong những lúc buông tuồng. Một người như thế mà nói những lời như thế hẳn phải chán nản lắm.

Chán nản đưa người về tôn giáo. Thơ Leiba hồi sau có bài đượm mùi Phật, mặc dầu chưa đúng hẳn với tinh thần đạo Phật. Bài ''Bến giác'' chẳng hạn có một giọng lạnh lùng, chua chát chưa phải là giọng của kẻ đã dứt hết trần duyên. Cho đến cái bình tĩnh của nàng Kiều khi ở trong am Giác Duyên lần thứ hai, Leiba cũng chưa có (1). Tuy thế người gần đạo Phật hơn hết các nhà thơ bấy giờ.

Thơ Leiba đã thay đổi theo một hai điều thay đổi trong tâm trí thanh niên khoảng bảy tám năm nay. Xem thơ ta có thể thấy khi tỏ khi mờ hình ảnh của thời đại.

Tháng 10-1931

Chú thích

(1) Xin nhắc lại Kiều nói với Vương ông khi tái hợp:

Mùi thiền, đã bén muối dưa

Màu thiền, ăn mặc đã ưa nâu sồng.

Sự đời đã tắt lửa lòng.

Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3