Thiện Ác và Smartphone - Chương 07

CÁI GIÁ CỦA SỰ THÔ LỖ

“Chúng ta đang ở trong một vòng xoáy nguy hiểm. Càng click vào các câu chuyện phiếm, chúng ta càng chai lì trước những số phận đằng sau chúng. Càng chai lì, chúng ta lại càng click. Trong lúc đó, người ta kiếm bội tiền trên lưng của những người đang bị hành hạ.” - Monika Lewinsky

“Một thực tế rõ ràng đáng kinh hãi là công nghệ của chúng ta đã vượt xa nhân tính của chúng ta.”-Albert Einstein

Chúng ta đang sống trong một văn hóa của căm ghét và lăng nhục. Những chúng ta đã tới đây như thế nào? Mấy thập kỷ trước, người ta vẫn còn hoan hỉ với hình dung về “ngôi làng toàn cầu” và sự tự do mà nó đem lại: truyến thông và công nghệ thông tin rút ngắn khoảng cách, trái đất trở nên nhỏ bé như một ngôi làng thân thiện. Ai cũng có thể làm hàng xóm của ai.

Nhưng hóa ra, ngôi làng này được ngự trị bởi “sự soi mói và những lời đồn đại độc ác được nhai đi nhai lại.” Nhà làm phim và phê bình Guy Debord bình luận vậy khi nói về mặt tối của cỗ máy truyền thông vào cuối thập kỷ 1980. “Đây là một sự mô tả chính xác cho sự thô tục hiện nay của điện cảnh toàn cầu.”79

Trong thời đại của Internet, đánh giá này vẫn nguyên giá trị. Còn hơn cả báo chí và ti vi lá cải truyền thống của cuối thế kỷ 20, mạng xã hội có khả năng kết hợp một cách tài tình sự chật chội của tỉnh lẻ, nơi người ta bị soi mói, theo dõi, xì xào, đặt chuyện, với sự ẩn danh của một siêu đô thị.

ẨN DANH VÀ VÔ HÌNH

Rheingold Howard, nhà tiên phong về công nghệ mạng mà chúng ta đã nhắc tới từ chương đầu tiên, đã nhầm khi cách đây hai thập kỷ ông tin tưởng rằng Internet sẽ là miền đất của tình bằng hữu, sự công bằng và không kỳ thị, bởi người ta không nhìn được màu da và xuất xứ của nhau. Chính sự ẩn danh trên mạng khuyến khích người ta bỏ qua các chuẩn mực xã hội, giống những người vượt đèn đỏ lúc nửa đêm vì xung quanh không có ai nhìn. Trong một thí nghiệm kinh điển của nhà tâm lý học Phillip Zimbardo, các nữ sinh viên tham gia thí nghiệm được chia làm hai nhóm để giám sát và trừng phạt người khác bằng cách giật điện. Một nhóm được cho mặc áo choàng phòng thí nghiệm rộng quá khổ, đội mũ kín đẳu, và đeo biển số thay cho tên. Nhóm kia đeo biển tên để dễ dàng được xác định danh tính. Kết quả là nhóm nữ sinh ẩn danh giật điện nhiều gấp đôi nhóm kia, các cú giật cũng dài hơn và mức độ cao hơn. Khi ẩn danh, người ta có xu hướng nới lỏng kiểm soát cá nhân và mở lồng cho phần xấu của mình ra ngoài.80

Vậy vì sao nhiều người dùng tên thật trên Facebook nhưng vẫn thô tục? Thoạt tiên điều này khó hiểu, nhưng theo Danielle Keats Citron, khi người ta không nhìn thấy người đối diện, họ có cảm giác rằng họ vẫn ở trạng thái ẩn danh, và tin rằng phát ngôn của mình sẽ chìm đi trong hàng trăm bình luận khác.

Không nhìn được vào mắt nhau khiến người ta dễ dàng lăng nhục hơn. Trong một thí nghiệm của các nhà nghiên cứu Israel, người tham gia được chia thành từng đôi để cùng đàm phán về một vấn đề. Có đôi không nhìn thấy nhau, có đôi chỉ nhìn nghiêng được nhau, và có đôi nhìn được vào mắt nhau. Kết quả là ở những đôi nhìn được vào mắt nhau ít xảy ra mạt sát và miệt thị nhất.81

Sự vô hình của những cư dân mạng khác cũng làm chúng ta có xu hướng thờ ơ với nỗi đau của họ. Chúng ta không hình dung ra đằng sau cái bình luận hay cái avatar đó là một con người bằng xương bằng thịt. “Ta cho rằng người khác chỉ là những mẩu thông tin,” phó chủ tịch Quỹ Tự do Điện tử (Electronic Freedom Foundation), John Perry Barlow, nhận xét. “Khi bạn đâm chém số liệu, chúng không chảy máu. Bạn muốn làm gì người khác thì làm, bởi họ không là người mà chỉ là cái ảnh.”82 Tôi cũng đã từng hỉ hả đọc tất cả các truyện cười về Lewinsky mà không nghĩ tới thân phận cô gái 25 tuổi đằng sau.

“THẾ GIỚI NÀY KO DÀNH CHO NGƯỜI YẾU BÓNG VÍA, KAKA”

Có hai lý do khác nữa khiến văn hóa lăng nhục dần dần leo thang trong xã hội, và ở những điểm này, nó vận hành giống tham nhũng ở Việt Nam. Thứ nhất, mọi người quen dần, trở nên chai sạn và thờ ơ với nó. Thứ hai, thủ phạm không bị làm sao cả.

Tháng 3 năm 2016, chương “Bảy bước đi của căm ghét” của cuốn sách này mô tả lại trải nghiệm bị lăng nhục cá nhân của tôi được đăng trên Tuổi trẻ Cuối tuần và thu hút nhiều sự chú ý. Nhiều người nói rằng họ cũng đã từng là nạn nhân của một cơn bão căm ghét như tôi. Nhiều người khác giật mình nhận ra rằng họ đã từng tham gia vào bảy bước đi của căm ghét. Nhưng nhiều người khác nữa thì cho rằng điều mà tôi đã trải qua là bình thường. “Có gì lạ đâu” và “Thế giới này ko dành cho người yếu bóng vía, kaka” và “Đã lên mạng thì phải chấp nhân”. Một số người còn tự hào rằng mình đã được tôi luyện trong sỉ nhục từ lúc mạng xã hội còn ở tuổi ấu thơ - họ “không ngán thằng nào” - cứ như lăng mạ là một cuộc thi ai bịt mũi lặn xuống sình lầy được lâu hơn. Một số khác nữa thì cho rằng lăng nhục tập thể là để giúp “xã hội tiến lên”, bởi vì “đám đông lúc nào cũng có lý”.

Nhiều vụ xô xát trên mạng được sung sướng chờ đợi. Một người tiên đoán: “Sắp tới là vài anh nữa, cứ gọi là chết như giun như dế trên luống cày của dư luận. Có con tan xác, có con banh xác, có con đứt đôi, có con què chân, có con mất râu...” Trong một vụ khác, một Facebooker có ảnh hưởng kết thúc bài viết của mình: “Chửi xong sướng cả cái lỗ mồm”. Một fan bình luận ở dưới: “Đọc xong mà nghe sướng cả lỗ tai.”

Sự sung sướng này có thể giải thích được. Cơ thể chúng ta vẫn giữ phản xạ thèm khát đường và mỡ bởi ở thời nguyên thủy chúng ta cần tích trữ chúng để sống sót qua những lúc khó khăn. Tương tự, về mặt tâm lý, chúng ta cũng bị thu hút bởi những tin giật gân, bạo lực, những lời đồn thổi, lăng mạ để tránh những mối nguy tiểm ẩn. Nếu không cẩn trọng, chúng ta cũng lâm vào tình trạng phì nộn về tinh thần, giống như cơ thể của những người triền miên ăn mỡ.

Xã hội vẫn lên án bạo lực học đường hoặc sự vô cảm của người qua đường khi gặp người bị nạn, nhưng dường như bạo lực trên mạng lại được chấp nhận với một cái nhún vai. Đây là một điều nguy hiểm, vì khi quen với nó, không bị khó chịu bởi nó, người ta được chuẩn bị cho một mức bạo lực cao hơn. Nhìn thấy bạo lực không bị lên án, dần dần tất cả, kể cả nạn nhân, sẽ cho rằng nó là bình thường, chấp nhận được, là một cách hành xử thông dụng, thậm chí hiệu quả.

Khác với bạo lực học đường hay trong gia đình, văn hóa làm nhục trên mạng còn được nuôi dưỡng bằng một yếu tố đặc biệt khác: lợi nhuận. Càng có nhiều view, nguồn thu từ quảng cáo cho các trang mạng và các diễn đàn lại càng lớn. Mục tiêu của các công ty là tăng tối đa thời gian người dùng lưu lại trên ứng dụng của mình. Với họ, các cơn bão căm ghét có giá trị, giống ảnh “mát mẻ” có giá trị với các báo in lá cải trước kia, hay giống một đám đánh nhau ngoài đường: nó gây chú ý, nó thu hút người xem.

“Tôi không muốn ai phải tự tử”, tay quản lý một trang mạng chuyên đăng các video sex để trả thù sau khi các cặp đôi chia tay nhau (revenge porn) phát biểu, rồi đế thêm là nhưng nếu chuyên đó có xảy ra thì anh ta cũng không phàn nàn, vì anh ta sẽ được nhiều view hơn.83

Tác giả Whitney Phillips, người đã bỏ ra ba năm nghiên cứu hiện tượng du côn trên mạng, cho rằng sự độc ác và thô tục trên mạng là tấm gương phản chiếu sự độc ác của truyền thông chính thống trong xã hội, của báo chí lá cải, của truyền hình. Trong sự thèm khát chú ý của mình, trolling hoạt động theo cùng một logic và chiến lược như truyền thông chính thống.84 Trolling là một sản phẩm của cả xã hội, không phải của một nhóm nhỏ nào đó.

Nhiều người tự an ủi rằng phần lớn chỉ mạt sát và lăng nhục trên mạng, còn ở ngoài đời họ vẫn “bình thường”. Nhưng liệu người ta có thể phân thân dễ dàng như vậy? Một người mẹ trẻ có thể vừa gọi người khác bằng tên những con vật thấp kém nhất trên mạng, vừa có thể ở ngoài đời truyền tải cho đứa con ba tuổi tinh thần khoan dung và nhân ái? Một ông bố đã quen hung hăng tấn công các ý kiến trái chiều trên các diễn đàn có thể kiên nhẫn lắng nghe đứa con mình một cách tôn trọng?

Và trẻ em sẽ nhận ra rất nhanh bố mẹ chúng đang tương tác với thế giới, và với chúng, như thế nào. Chúng sẽ cho rằng mạt sát để giải quyết xung đột là bình thường. Để mất kiểm soát bản thân khi bị khiêu khích cũng vậy. Rằng tấn công cá nhân và hăm dọa là cách tốt để đạt được mục tiêu. Rằng bạo lực là công cụ đầu tiên người ta nên dùng tới. Chúng không được học cách giải quyết vấn đề nào khác.

Bên ngoài gia đình, ngôn ngữ bạo lực hàm chứa những đe dọa vật lý, trực tiếp hay gián tiếp, còn có một ảnh hưởng lớn hơn tới môi trường xã hội. Chuyên gia chống khủng bố và về những nhóm Do Thái cực đoan, Ehud Sprinzak, cho rằng bạo lực ngôn từ được dùng để thay thế bạo lực vật lý, và việc diễn giải căm hận qua ngôn ngữ làm tăng khả năng bạo lực vật lý xảy ra.85 Và do đó, những lời kêu gọi bạo lực trên mạng như “Tao không biết mày là ai, nhưng mày cùng tao đi xử hai con bảo mẫu nhé” (về hai bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý), hay “Loại này đập chết chôn ngay k nó lại đẻ chứng” (về Tiến Dũng và Hồng Phương), không chỉ mang tính “chợ búa”, chúng có liên kết chặt chẽ với công lý bầy đàn và những vụ đánh trộm chó tàn khốc ngoài đời.

HIỆU ỨNG THÔ TỤC VÀ CÁI GIÁ CỦA SỰ THÔ LỖ

Chúng ta khó chịu khi gặp những bình luận thô tục và tấn công cá nhân ở các diễn đàn hay dưới các bài báo. Những bình luận loại này khiến chất lượng của cuộc tranh luận đi xuống, những người bị lăng mạ thì bị tổn thương, những người ôn hòa khác thì không dám hay không muốn lên tiếng nữa.

Nhưng các bình luận thô lỗ này còn có một hệ quả trầm trọng hơn, chúng tạo cái mà một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison gọi là “hiệu ứng thô tục”. Hiệu ứng thô tục gây hậu quả gì? Các nhà nghiên cứu chia hơn 1,000 người ra hai nhóm để đọc và thảo luận về một bài báo khoa học về lợi và hại của công nghệ nano. Họ chọn chủ đề này vì nó còn khá mới mẻ, và chưa tạo ra các cuộc thánh chiến gây chia rẽ xã hội như chủ đề biến đổi khí hậu hay kiểm soát sở hữu súng ở Mỹ. Cùng với bài báo, một nhóm đọc được các bình luận trái chiều, nhưng ôn hòa. Nhóm kia đọc thấy những bình luận thô tục, lăng mạ, kiểu “Thế mà cũng nói được, não chó à?.

Sau thí nghiệm, các tác giả nhận thấy có một sự dịch chuyển trong quan điểm của nhóm thứ hai. Họ trở nên cực đoan hơn, phản đối công nghệ này một cách gay gắt hơn. Lưu ý là sự thay đổi này không phải do nội dung bài báo gây ra, vì nó không xảy ra ở nhóm thứ nhất. Nó được kích hoạt bởi những bình luận thô thiển.86 “Chỉ cần thêm vào một bình luận tấn công cá nhân đã đủ để những người tham gia thí nghiệm cho rằng mặt tiêu cực của công nghệ lớn hơn rất nhiều so với trước đó,” các tác giả viết trên New York Times.87

Ai cũng thích nghĩ rằng quan điểm của mình về một vấn đề nào đó, từ chính sách bảo hiểm xã hội tới án tử hình, từ hôn nhân đồng giới tới hợp pháp hóa mại dâm, từ cấm xe máy tới học chữ Hán trong trường phổ thông, được xây dựng dựa trên chứng cứ khách quan, logic, lý luận chặt chẽ. Khó mà ngờ được là quan điểm của ta được định hình một phần bởi ta va chạm với sự lăng mạ khi ta đọc tin tức trên mạng.

Trớ trêu là chỉ một thập kỷ trước, người ta tin tưởng rằng một trong những ưu thế của báo mạng mà báo in và ti vi không thể có được là sự tham gia của bạn đọc vào cuộc thảo luận, tạo ra một không khí thực sự dân chủ, trong đó bạn đọc được lên tiếng chứ không chỉ là người tiêu thụ thông tin thụ động. Năm 2008, trong một bài báo mang tên “Cuộc cách mạng của giai cấp bình luận online”, nhà phân tích chính trị Peter Daou ca ngợi: “Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta nói to ra điều mình nghĩ, không bị kiểm soát bởi các kẻ canh cửa của truyền thông đại chúng. Chưa bao giờ diễn ngôn toàn cầu lại dễ tiếp cận và bền vững như thế này.”88 Năm 2009, biên tập viên của báo Washington Post phụ trách mục bình luận của bạn đọc tự hào là mục này nhắc nhở các nhà báo rằng “bạn đọc không phải lúc nào cũng đồng ý về việc điều gì là quan trọng”.89 Năm 2010, Georgina Henry, một biên tập viên của The Guardian, một tờ báo lớn của Anh, nhận xét: “Với tôi, báo chí mà thiếu phản hồi, sự tham gia, tranh luận và ý kiến của bạn đọc ở phần cuối bài thì không còn đầy đủ nữa.”90

Ngày nay, các báo lớn nhỏ phải bỏ ra một nguồn lực đáng kể cho việc lọc, chặn và xóa các bình luận trên mạng mang tính quấy rối, lăng mạ, hăm dọa, tấn công cá nhân, phân biệt chủng tộc và kỳ thị. The Guardian phải xử lý từ 50 nghìn tới 70 nghìn bình luận mỗi ngày. Cuối năm 2014, trang công nghệ WIRED ước tính toàn cầu các công ty tin học phải dùng tới hơn một trăm nghìn nhân lực để xử lý các nội dung vi phạm trên mạng (ảnh bộ phận sinh dục, video sex với trẻ em, clip chặt đầu hay hành hạ động vật, các lời đe dọa giết, các mời chào làm tình), gấp 14 lần lượng nhân lực của Facebook.91 Quy trình xử lý thường được chia thành hai nấc, nấc cơ bản, dễ hơn, được đặt ở các nước đang phát triển và có nhân công rẻ hơn, như là Philippines. Nấc thứ hai cần hiểu biết sâu hơn về văn hóa và xã hội để có thể đánh giá một bức ảnh hay một post có vi phạm hay không, và được làm ở Mỹ.

Phải xem những nội dung như vậy tám giờ một ngày, hết ngày này qua ngày khác tạo ra áp lực tâm lý khủng khiếp cho những người làm công việc này, và trung bình sau ba tới năm tháng người ta bắt đầu bị trầm cảm hay bất ổn tâm lý. Thật khó hình dung ra những tổn thất và chi phí con người để hằng ngày, hằng giờ đưa những nội dung đáng sợ ra khỏi Internet.Không chịu đựng được sự độc hại và không thấy việc bỏ ra nguồn lực để giữ các diễn đàn trong sạch là có ý nghĩa nữa, nhiều báo đã đóng phần bình luận. Popular Science là một trong những báo đầu tiên làm việc này, vào cuối năm 2013, với lý do các bình luận méo mó có thể làm ảnh hưởng tới cái nhìn của bạn đọc với khoa học. Đây là một quyết định khó khăn và gây sốc toàn cầu vào thời điểm đó, đặc biệt vì nó tới từ một tờ báo khoa học thường thức. Là một phần của một tạp chí khoa học và công nghệ với lịch sử 140 năm, chúng tôi cam kết truyền bá tri thức khoa học và xây dựng một văn hóa tranh luận sống động và trí thức.” Ban biên tập trần tình. “Nhưng các du côn trên mạng không cho phép chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ này.”92 Họ bổ sung: “Chỉ một nhóm nhỏ đã có thể nắm quyền lực tới mức họ làm biến dạng cái nhìn của bạn đọc về một tin khoa học.”93

Năm sau, Chicago Sun-Times noi theo, vì “chất lượng và cung cách phát ngôn” của các bình luận. Cuối năm 2014 có vẻ như là thời điểm nhiều báo đồng loạt tuyên bố thua cuộc: Reuters, Recode, The Week, CNN với phần lớn nội dung, rồi The Verge, WIRED, The Daily Dot, Bloomberg94. Danh sách ngày càng dài và không chỉ ở Mỹ. Cuối 2015, hai trang thời sự lớn nhất Nam Phi, 24News và IOL, cũng đầu hàng.95 Trước đó vài tháng, BBC đặt câu hỏi liệu chúng ta đang chứng kiến thời điểm bắt đầu của cái chết của bình luận online, rằng đó có còn là những cộng đồng mạng nhiều sức sống hay thực ra là những bể phốt chứa sự xỉ vả.96

Cá biệt, có trang đi con đường mới, khiến người ta không biết nên cười hay nên khóc: tạp chí Tablet cho bạn đọc truy cập miễn phí nội dung, nhưng lại phải trả tiền để có thể bình luận. 2 đô la cho 24 giờ, 18 đô la cho một tháng và 180 đô la cho cả năm.97 Nhiều diễn đàn bắt đầu học tập theo với sự lạc quan khiên cưỡng. Nhưng không thể phủ nhận không khí buồn bã và vỡ mộng. Một giấc mơ đẹp về bình đẳng, dân chủ, về trải nghiệm cộng đồng của báo mạng mà báo in không thể có được, đã tan vỡ.

Sự thô lỗ không chỉ giới hạn tác động của nó ở phần bình luận của bạn đọc, mà còn tới bản thân các tác giả. Một cuộc khảo sát ẩn danh với các tác giả viết cho tạp chí Time cho thấy 80% tránh tranh luận về một đề tài nhất định vì họ ngại những phản ứng trên mạng. Gần một nửa các tác giả nữ đã từng tính tới chuyện nghỉ việc vì sự căm ghét online mà họ đã gặp phải.98

Trên tờ WIRED, nổi tiếng với các phân tích về tác động của công nghệ tới văn hóa, chính trị và xã hội, tác giả Laura Hudson tóm tắt lại: “Lúc tốt nhất, mạng xã hội đem lại tiêng nói cho những người yếm thế, cho phép họ đi qua những kẻ canh cửa của quyền lực và đưa những bất công ra ngoài ánh sáng. Lúc tệ nhất, nó là vũ khí hủy diệt thanh danh hàng loạt, có khả năng khuếch đại những phỉ báng, bắt nạt, và sự ngu ngốc vô tình ở mức độ chưa từng có.”99

Sau khi phải ra một quyết định cực chẳng đã, chia bạn đọc ra làm hai “giai cấp”, những người được kiểm chứng là “đứng đắn” để có thể bình luận mà không bị kiểm duyệt, và những kẻ còn lại, trang tin Jezebel gửi tâm thư tới các du côn trên mạng: “Các anh đã gây ra bao nhiêu đau đầu, bao nhiêu phiền toái. Xin gửi tới các anh một lời chúc mừng miễn cưỡng: các anh đã cho chúng tôi một ví dụ đáng kinh ngạc là Internet có thể xấu xí một cách khủng khiếp như thế nào.”100

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3