Thiện Ác và Smartphone - Chương 09

50 SẮC THÁI CỦA CĂM GHÉT

“Phần lớn sự căm ghét là dựa trên sợ hãi, kiểu này hay kiểu khác. Đúng vậy, tôi quấn quanh mình sự giận dữ, với một chút căm thù, và ở dưới đáy tất cả là trung tâm băng giá của nỗi khiếp sợ thuần khiết.”- Laurell K. Hamilton

“Thú vị không, tôi thưởng thức sự căm ghét của mình còn nhiều hơn bất cứ khi nào tôi thưởng thức tình yêu. Tình yêu thất thường. Mệt mỏi. Đòi hỏi. Tình yêu sử dụng chúng ta, nó hay thay đổi. Nhưng sự căm ghét, đó là một thứ mà bạn có thể sử dụng. Nhào nặn nó. Dùng nó. Nó cứng, nó mềm, tùy như bạn cần. Tình yêu làm bạn xấu hổ, nhưng sự căm ghét nâng niu bạn.” - Janet Fitch

Tiến trình căm ghét bảy bước của John Schafer và Joe Navarro không chỉ giải thích cho những gì xảy ra trong giới đầu trọc. Người ta có thể quan sát nó ở nhiều môi trường và tập thể khác nhau: ở học đường, trong cơ quan, trong một làng hay một dòng họ. Hai tác giả đưa ra một ví dụ trong môi trường văn phòng.102 Tất cả bắt đầu bằng việc một vài nhân viên ghét một đồng nghiệp của mình và bắt đầu đi tìm đồng minh, rỉ tai người khác rằng anh đồng nghiệp kia là khó ưa (bước một).

Họ bắt đầu xác lập một bản sắc riêng thông qua ký hiệu, ngôn ngữ, hay hành vi: một cái cười đầy ngụ ý chỉ người trong cuộc hiểu, một mật mã để loại người bị ghét ra khỏi bữa trưa chung, các hành vi khác để cô lập anh ta. Có thể họ tạo một cái tên riêng cho nhóm (bước hai). Ở thời điểm này, họ mỉa mai đối tượng bị ghét bên trong nội bộ nhóm minh (bước ba), rồi tiến tới trực tiếp hay gián tiếp lăng mạ đối tượng, cố tình để đối tượng nghe thấy những lời thóa mạ (bước bốn).

Một buổi sáng, người nhân viên kia thấy bàn làm việc của mình bị xáo trộn, và tấm ảnh gia đình trên bàn bị dán đè lên (bước năm). Đây là bước bạo lực đầu tiên. Ở bước tiếp theo, bước sáu, những người căm ghét phá đám công việc của đối tượng, hạ thấp uy tín của anh ta bằng nói xấu và tin đồn. Với thời gian, môi trường làm việc trở nên nghẹt thở với người nhân viên này, anh ta bị phá hủy (bước bảy).

John Schafer và Joe Navarro không nói tới các phong trào căm ghét trên mạng, liệu chúng có tuân theo trình tự này? Đi tìm câu trả lời, tôi nhìn vào một trong những phong trào căm ghét lớn nhất trên mạng trong những năm qua, phong trào tẩy chay Hồ Ngọc Hà.

“HÓA ĐƠN KHÔNG HÀ”

Scandal của Hồ Ngọc Hà bắt đầu vào cuối tháng 5 năm 2015, khi trên Internet bắt đầu trôi nổi một bức ảnh được cho là chụp cô người mẫu - ca sĩ này trong tư thế âu yếm với một người đàn ông trong không gian quán bar hay cà phê nào đó. Cộng đồng mạng bắt tay vào điều tra và nhanh chóng đitới kết luận người đàn ông này là một đại gia trẻ có quá khứ buôn bán ngà voi, sừng tê giác và kim cương ở Nam Phi, và quan trọng hơn, đã có vợ và ba con. Trong những tháng tiếp theo, một cơn phẫn nộ có một không hai hình thành, lên án hành vi “vô đạo đức”, “cướp chồng” của Hồ Ngọc Hà, đi kèm với một chiến dịch dữ dội tẩy chay những mặt hàng được cô quảng cáo.

Nhìn vào chiến dịch này, ta có thể thấy đầy đủ các bước mà John Schafer và Joe Navarro mô tả, tuy chúng không có trình tự rõ ràng mà có độ giao thoa lớn.

Trước hết, những người căm ghét tụ tập lại. “Lần đầu tiên trên webtretho mình tham gia chung 1 phong trào với các mẹ, trong đây gặp toàn tai to mặt lớn, cà những người mình thích lẫn mình ghét, vui phết.” Mục đích chung, đánh Hồ Ngọc Hà, có thể làm người ta vượt qua những mối thù cũ. Kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta.

Họ hình thành một nhóm người và đặt tên cho nó. Gọi là nhóm thì không đúng - riêng trang Facebook Hóa đơn không Hà (hàm ý không mua những mặt hàng được Hồ Ngọc Hà đại diện) đã có hơn 40 ngàn thành viên - và họ xây dựng một bản sắc riêng của nhóm. “#hoadonkhongha là một chiến dịch kết nối những con người biết yêu sự bình yên, biết mình đang làm gì với túi tiền của mình.”

Song song, đúng theo John Schafer và Joe Navarro, người ta dè bỉu, nói xấu đối tượng bị căm ghét. “‘Nữ hoàng giải trí’> ’Nữ hoàng chỉ gi...’ ha ha” và “Dạng háng từ năm 15 tuổi, đến lúc háng mọc chai thì cũng có một gia đình hạnh phúc, chồng giỏi con ngoan. Vậy mà đang tâm vứt bỏ, chạy theo kim cương...”Hồ Ngọc Hà được ma quỷ hóa thành Hồ Ly Tinh.

Mức độ miệt thị, chế nhạo, lăng mạ tăng dần. Bạo lực bắt đầu nhen nhóm. “Mà tưởng nó là người mẫu, sao vếu bé thế nhỉ? Hay bị bóp nát rùi?????”và “Cho xin hai cái gạch chéo hoặc đống shit vào mặt nó với bạn ơi, nhìn thế này e đau mắt lắm.”

Và rồi, sự tấn công bằng ngôn ngữ, bạo lực ngôn từ ở mức cao nhất, thể hiện mong muốn cháy bỏng gây hại, phá hủy đối tượng bị ghét, cũng xuất hiện. Bình luận này xuất hiện tám tháng sau khi scandal nổ ra: “Bó chiếu quăng xuống hố luôn”.

Tiếp theo: “HNH (Hồ Ngọc Hà) và NT (Ngọc Trinh) cả hai con phò này đều đáng cho lên máy chém hét”. Một đề nghị cụ thể khác: “Con hồ ly này cứ phải ăn trọn gáo Axit thì thật yomosst”.

Tất nhiên, không phải ai trong số 40 nghìn thành viên của phong trào cũng giận dữ, căm ghét, nhiệt tình như nhau. Nhưng ở trên mạng, những người ghét Hồ Ngọc Hà cực đoan nhất đã đi hết các cung bậc bạo lực mà họ có thể đi.

50 SẮC THÁI CỦA CĂM GHÉT

Có nhiều cách hiểu về bản chất của căm ghét. Người thì cho rằng căm ghét gần với sợ hãi và khiến người ta muốn tránh đi, người thì lại nói nó liên quan tới thịnh nộ và khiến người ta muốn tấn công. Người khác nữa thì cho rằng căm ghét là một nỗi đau và khiến người ta muốn tiêu hủy đối tượng bị ghét, hoặc nhìn thấy nó bị phá hủy.103

Nền tảng của căm ghét là niềm tin rằng bản chất của đối tượng bị ghét là cái ác. Nếu như khinh bỉ tới từ ý nghĩ rằng người kia không có giá trị, thì căm ghét tới từ ý nghĩ rằng người kia là quỷ, một cái xấu không thể tha thứ được.

Niềm vui của căm ghét trái ngược với niềm vui của yêu thương. Nếu như sự nảy nở và khỏe mạnh của người ta yêu làm ta hạnh phúc, thì những điều tốt lành đến với người ta ghét lại khiến ta u sầu và đau đớn. Ta sung sướng khi bên cạnh người yêu, ghê tởm và giận dữ khi ở gần kẻ ta ghét. Người căm ghét mong muốn đối tượng của họ đau khổ, bị hại, bị mất mát quyền lực, bị hạ uy tín, và khổ sở khi thấy người kia hạnh phúc và mạnh mẽ. Tình huống này trong tiếng Việt được mô tả là “nó cứ nhơn nhơn”. Nó giải thích vì sao những người ghét Hồ Ngọc Hà lại phát khùng lên khi thấy cô ta tiếp tục biểu diễn hay lên hình quảng cáo.

Cuối cùng, căm ghét là khởi nguồn của bạo lực, người ghét thường không còn một chút thương cảm hay trắc ẩn gì với đối tượng mình ghét, và họ có thể vạch ra những kế hoạch rõ ràng, hoàn hảo để tiêu diệt đối tượng, hoàn toàn lạnh lùng và không có cảm xúc.

Năm 2003, cùng năm John Schafer và Joe Navarro đề xuất tiến trình bảy bước của căm ghét, nhà tâm lý học người Mỹ Robert Steinberg đưa ra một bảng phân loại căm ghét thú vị. Theo ông, “căm ghét nguội” (cool hate) được cấu thành chủ yếu bằng sự ghê tởm, còn “căm ghét nóng” (hot hate) mang trong mình sự căm giận. Đầu bên kia, còn nguội hơn nguội, chúng ta có “căm ghét lạnh” (cold hate), hay là sự khinh miệt. Đầu bên này, ở hai nấc tiếp theo của trạng thái nóng, chúng ta có “căm ghét sôi sục” (seething hate), và cuối cùng là “căm thù cháy bỏng” (burning hate), tổng hợp của tất cả các yếu tố trên: kinh tởm, khinh bỉ, căm giận, và sợ hãi.

Nhìn vào những cung bậc căm ghét của Steinberg, tôi cho rằng tôi đã là đối tượng chủ yếu của “ghét nguội” và “ghét lạnh”, một hỗn hợp của coi thường và kinh tởm. Phản xạ của người ghét trong trường hợp này là nhổ nước bọt và xa lánh. Những người như hai cô bảo mẫu, hai người ăn cắp kính ở Thụy Sĩ và Dương Tường đã trải qua những cơn bão của “ghét nóng” và “ghét sôi sục”. Còn Hồ Ngọc Hà, cô là đối tượng của mức độ ghét cao nhất, “ghét cháy bỏng”, thứ căm ghét có thể đun sôi bốc hơi cả biển nước La Vie và nước gội đầu mà cô làm đại sứ quảng cáo. Trong cái căm ghét đó có tất cả mọi thứ, từ tởm lợm tới hận thù, và đặc biệt nhuốm màu sắc sợ hãi. Không phải vô cớ mà những người ghét cô gọi đối tượng của cảm xúc của mình là Hồ Ly Tinh. Với họ, cô ta là ma quỷ, một quyền lực tối tăm, một đối thủ xứng tầm với điệp viên 007, chứ không chỉ là cái mà người ta có thể chà đạp dưới chân như hai cô bảo mẫu.

Các tác giả Edward Royman, Clark McCauley và Paul Rozin lại chia người ghét ra làm hai loại, phụ thuộc vào thái độ của họ với cái căm ghét mà họ có trong người, vào mức độ họ ôm ấp, bao bọc và nhập thân với nó. Một loại là những người mà ta có thể gọi là “những người ghét yếu duối” (các tác giả dùng chữ “faint-hearted” - có trái tim mong manh). Những người này bị sốc và hổ thẹn khi bắt gặp bản thân vừa căm ghét một ai đó. Trong một cuộc cãi vã ta có thể sinh ghét bà mẹ chồng hay một người bạn, cảm giác đó thoáng qua đầu, sau đó ta hối hận và xấu hổ về điều này. Nhà tâm lý học, xã hội học người Đức, Erich Fromm, gọi loại căm ghét này là căm ghét có tính phản ứng, hay là ghét theo tình huống.104 Nó nảy sinh từ một hoàn cảnh nhất định, khi cá nhân, sự an toàn, hay một giá trị của người ghét bị tấn công, nhưng rối người ta nhanh chóng tìm đến với yêu thương và thân thiện.

Nhóm kia là những người căm ghét “chuyên nghiệp”. Họ ghét với tất cả trái tim, ghét với sự đam mê, thích thú, cộng với tự hào, và họ nỗ lực nuôi dưỡng để cái căm ghét này nảy nở hết cỡ.105 Trong trường hợp này, người ta không những không xấu hổ vì sự căm ghét của mình, mà nó còn được tôn thờ - nó đã trở thành một thái độ, một phần của hệ giá trị. Với Erich Fromm, đây là cái ghét thuộc về bản chất, nó ngự trị bên trong con người ta, luôn tìm một cái cớ đế được thể hiện ra bên ngoài. Những con người này không muốn yêu thương, họ cương quyết khước từ tình yêu. Họ hiến thân trọn vẹn cho căm ghét.

KHI CÁI GHÉT TRỞ NÊN VÔ BIÊN

Nhưng vì sao người ta lại trở thành một người căm ghét chuyên nghiệp? Điều gì khiến người ta xua đuổi tình thương ra khỏi trái tim mình, khiến họ trở nên hằn học?

Hai nhà nghiên cứu Vitz và Mango chỉ ra rằng căm ghét là một cơ chế bệnh lý phục vụ cho cái tôi của người ghét ở nhiều khía cạnh. Trước hết, căm ghét ngăn cản người ta sống lại những ký ức và cảm xúc đau khổ trong quá khứ. Không phải vô cớ mà trong những phát ngôn đầy căm thù dành cho Hồ Ngọc Hà, nhiều bà mẹ bỉm sữa kể rằng tuổi thơ của mình đã trải qua nhiều đau khổ vì có một người bố ngoại tình, làm gia đình điêu đứng.

Căm ghét hay đi liền với các tưởng tượng về phục thù, và nó làm người ta cảm thấy phấn khích và mạnh mẽ. Vì thế, tha thứ thường được coi là hành động của một kẻ yếu đuối, thậm chí hèn nhát, bởi anh ta đã buông thả quyền lực mà căm ghét và trả thù đem lại.106

Một trong những “phần thưởng” lớn nhất tới từ căm ghét là cảm giác ưu việt về mặt đạo đức. Căm ghét ngăn cản người ta nhận ra những khiếm khuyết của bản thân, cũng như che mắt người ta trước những ưu điểm của đối tượng bị ghét. Căm ghét làm mù lòa. Người ta bám vào cái căm ghét của mình để cảm thấy bản thân có giá trị. Hai nhà nghiên cứu John Schafer và Joe Navarro mà ta đã biết tới từ chương trước trích lời của một thiếu niên đầu trọc 15 tuổi, thành viên của một băng đảng phát xít ở California: “Nếu tôi không phải là một đầu trọc nữa thì tôi không còn là gì cả. Tôi không có lựa chọn gì khác ngoài việc là một tay đầu trọc. Tôi biết là mình sẽ chết một cái chết sớm và tàn nhẫn.” Khi một thanh niên đầu trọc dừng căm ghét, bản sắc của anh ta bị phá hủy.

Tương tự như vậy, sự căm ghét những người “giật chồng” cấu thành một phần cơ bản của bản sắc các “mẹ”. Họ chỉ có thể dừng sự thù ghét nếu như họ chấp nhận từ bỏ cái tôi hiện nay, trở thành con người khác, tự tin hơn, độc lập hơn, vững vàng hơn. Nếu không làm được điều đó, họ cần tiếp tục căm ghét để tồn tại.

Họ chắc hẳn cũng cảm nhận được điều này. Hành vi của Hồ Ngọc Hà đe dọa thế giới của họ, nhưng cũng cho họ một cơ hội để trở thành một ai đó, cho họ một chỗ đứng, một giá trị. Nếu không, cuộc đời họ sẽ trống rỗng, hình ảnh của họ sẽ sụp đổ và trở về nguyên gốc buồn bã của mình.

Trong rất nhiều trường hợp, người căm ghét coi chính mình là nạn nhân. Họ thấy mình bị tấn công, và bắt buộc phải tự vệ. Những thanh niên đầu trọc cho rằng cuộc đời họ sẽ thật là tốt đẹp nếu phụ nữ da trắng không cặp với người nước ngoài. Tương tự, người ta thù ghét hai cô bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý hay hai anh em ăn cắp kính Dũng và Phương, vì họ cho rằng thế giới của họ bị xâm hại, họ phải tấn công những người này để khôi phục lại trật tự và các giá trị của mình. Những người ghét Hồ Ngọc Hà và Ngọc Trinh cho rằng thế giới của họ sẽ thật là bình yên nếu như những kẻ “xâm lăng” kia bị triệt hạ. Chúng ta sẽ phân tích sâu hơn về cái chủ nghĩa lý tưởng cuồng tín này ở chương sau.

Cuối cùng, thể hiện căm ghét một đối tượng đã được cộng đồng duyệt là đáng căm ghét là một hành vi nhằm giảm thiểu sự cô đơn và tăng giá trị bản thân. Người ta xuống tay với kẻ cắp để chứng tỏ phẩm chất đạo đức của mình, cùng nhau hành hạ đối tượng đó để cảm nhận được tình đoàn kết trong nhóm và để yên tâm là cộng đồng chấp nhận mình. Giống như trong các xung đột giữa các dòng tộc hay giữa các băng đảng, thể hiện sự căm thù với kẻ bên ngoài là một cách để người ta bảo đảm có được sự yêu thương ở bên trong.

Ngắn hạn, người ta có thể thầy khoái cảm khi căm ghét, nó xuất hiện khi sự bất lực chuyển hóa sang khinh bỉ. Nhưng rồi căm ghét sẽ đầu độc bạn, nó bám cứng vào não bạn, khiến bạn đánh mất bình an trong tư tưởng. Bạn sẽ đau khổ.

Trong các tài liệu tôi đọc về căm ghét, chữ pathology, bệnh lý, thường xuyên xuất hiện. Căm ghét cực đoan có thể là một trạng thái, một cảm xúc, một thái độ, nhưng điểm chung là nó cần được chữa trị. Khi căm ghét lên tới đỉnh điểm, những người ghét cũng bị phá hủy theo, trên cả bình diện tâm lý và vật lý.

Nhà tâm lý học hàng đầu Paul Ekman, người có công lớn trong việc vẽ bản đồ các vi chuyển động của các cơ mặt ứng với các cảm xúc, đã từng căm ghét bố đẻ của mình trong 50 năm. Khi ông tha thứ được cho người bố, bỗng nhiên trong ký ức của ông xuất hiện lại những chi tiết tích cực về người bố mà trước đó ông không nhớ tới. Giống bản thân Eckman, bố ông đã từng tích cực hoạt động vì quyền của người da màu, điều mà ông đã quên. Căm ghét đã chặn những kỷ niệm này lại và làm méo mó cái nhìn của ông về người bố.107

Nhiều thập kỷ trước, Martin Luther King đã nói về điều này: “Bạn không nhìn rõ nữa khi bạn ghét, bạn không đi thẳng được nữa khi bạn ghét. Bạn không đứng thẳng được, cái nhìn của bạn bị méo mó. Không có gì bi kịch hơn là chứng kiến một con người với trái tim đầy căm ghét. Anh ta trở thành một con bệnh.”

Căm ghét, giống như tình yêu, là những trải nghiêm thông thường của con người. Nhưng trong những trường hợp bệnh lý, căm ghét trở nên bao trùm, nuốt chửng tất cả, trở thành một cái hố đen tiêu thụ toàn bộ tâm trí của người ghét. Chúng ta nhớ lại một status của một “mẹ” gửi tới đám báo chí đang được cho là chế nhạo các chị không đủ lực để chiến với Hồ Ngọc Hà:

“Chị dù quản lý doanh nghiệp nhá, nhưng chị đây cũng 2 tay 3 máy, trong đó 1 máy chuyên dùng để f5 cái topic này để không sót bài nào nhá (...) Thậm chí đêm đến chị vỗ đít cho con ngủ, chị nằm cạnh nó chị vẫn lướt webtretho, face vèo vèo vèo để check k sót tí nào nhá. Chị rảnh cực! Cứ comment xong thấy mệt mệt chị lại tu 1 hớp sữa, 1 hớp trà sâm, 1 hớp tổ yến chưng đường phèn, 1 hớp sinh tố, và 1 viên đa vitamin. Chị khỏe cực!”

Trong trường hợp bệnh lý, cái ghét trở nên vô biên, nó thành điều duy nhất để qua đó người ta định nghĩa chính mình. Cái ghét bệnh lý, theo tác giả Kernberg, được viện tới như một vũ khí để tự vệ. Ông viết “Đó là hình ảnh của một bản thể đói khát, nổi giận, trống rỗng, đầy sự giận dữ bất lực, bực bội và sợ hãi trước một thế giới mà nó cho là cũng hằn học và hiềm thù như chính bản thân nó.”108

TÀN NHẪN TỚI TỪ ĐÂU:

KHI CÁI THIỆN CUỒNG TÍN VÀ CÁI TÔI BỊ ĐE DỌA

“Tất cả sự độc ác bất nguồn từ sự bất lực.”- Seneca

“Tôi cho rằng độc ác chỉ là sự cô đơn được hóa trang thành cay đắng” - Tom Hiddleston

Một trong những cảnh lưu lại trong đầu tôi lâu nhất trong tất cả các clip đánh trộm mà tôi đã xem trên YouTube là cảnh một thanh niên to cao nhảy một bước dài từ đằng sau tới để đạp vào lưng cô gái ăn trộm quần áo đã bị bắt, trong khi cô ta đang quỳ xuống và chắp tay lia lịa van xin đám đông vây xung quanh cô. Một hành động tàn nhẫn.

Sự tàn nhẫn này, và sự tàn nhẫn mà ta thấy trong những câu chuyện từ trước tới giờ, là từ đâu tới? Cái gì sản sinh ra nó?

Một lý do cơ bản của sự tàn nhẫn ở đây, trớ trêu thay, lại tới từ cảm giác vì công lý. Những người ghét Dương Tường trăn trở trước thời cuộc: “Thử nghĩ xem liệu có một tương lai tốt đẹp nào không cho một xã hội mà đến cả một lão già vẫn được coi là dịch giả số một Việt Nam rốt cuộc hóa ra lại là một thằng ăn cắp, ngu dốt và đê tiện?” Vì những giá trị gia đình, người ta đòi “đưa hai con phò Hồ Ngọc Hà và Ngọc Trinh lên máy chém”. Chúng ta có quyền độc ác, nhiều người dường như lý luận như vậy, vì chúng ta ở phe chính nghĩa. Tự hào rằng mình đang bảo vệ một thế giới đang xuống cấp về đạo đức, người ta đánh mất ý thức về một tương quan đúng mực giữa mức độ của tội lỗi và mức độ của hình phạt. Đi theo lý tưởng một cách cuồng tín, người ta trở thành những tín đồ cực đoan. Coi những người khác họ là những kẻ tấn công vào các giá trị thiêng liêng của mình, họ truy đuổi và phá hủy những người kia với lòng quyết tâm cao độ.

TÀN NHẪN VÌ LÝ TƯỞNG

Cái ác mang tính lý tưởng, cái ác cuồng tín, khác với cái ác mang tính phương tiện như thế nào? Mục đích của cái ác phương tiện thường là lợi ích kinh tế, mang tính thực dụng: tiền mặt, đất đai, dầu mỏ, quyền lực chính trị. Một tay cướp cần tiền sẽ chỉ nhắm tới cái dây chuyên của nạn nhân, và không có khao khát gây hại hay hành hạ nạn nhân ngoài mức cần thiết để sở hữu được cái dây chuyền đó. Trong các ví dụ cụ thể của chúng ta, hai anh em Dũng và Phương muốn sở hữu máy cái kính mà không mất tiền. Hai bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý hành hạ trẻ vì họ muốn nhanh chóng kết thúc công việc cho trẻ ăn của họ. Họ không gán cho các hành động của mình một triết lý (chiếm đoạt kính từ người giàu cho một xã hội công bằng hơn), cho mục đích của mình một lý tưởng (roi vọt cần thiết cho sự phát triển của trẻ). Trong những khoảnh khắc sai trái của mình, họ là cái ác mang tính phương tiện.

Còn những người phát động những chiến dịch hủy hoại những người phạm chuẩn kia, ngược lại, tàn nhẫn nhân danh một lý tưởng. Như những chiến binh của một cuộc Thập tự chinh, họ thấy mình có nghĩa vụ đem ánh sáng đẩy lùi bóng tối của ma quỷ. Trong trường hợp này, việc hành hạ nạn nhân nhiều khi được coi như một minh chứng cho cái thiện đang chiến thắng, và do đó không có lý do gì để họ dừng tay. Nếu như “vấn đề” cần phải được giải quyết với cái ác mang tính phương tiện là làm thế nào để chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân, thì vấn đề cần phải giải quyết của cái ác cuồng tín (mà lại đang nghĩ mình là thiện) là làm thế nào để tiêu hủy nạn nhân. Nhà nghiên cứu Roy Baumeister dẫn ra nạn diệt chủng ở Campuchia như một ví dụ rõ nhất của cái ác mang tính lý tưởng. Chính quyền Pol Pot thảm sát trí thức Campuchia không phải chỉ để đạt được những mục đích mang tính thực tế: dập tắt sự phản kháng, trưng dụng tài sản v.v. mà còn vì họ tin rằng trí thức là kẻ thù về ý thức hệ của họ, và do đó cần phải bị tiêu diệt bằng mọi giá, cho dù có tốn kém bao nhiêu chăng nữa. Khi Khmer Đỏ mới lên cầm quyền, họ kêu gọi trí thức Campuchia ở hải ngoại trở về để “xây dựng đất nước”. Khi hạ cánh, nhiều người trong số những người trở về này được chở thẳng từ sân bay tới trại giam và phòng tra tấn. Vì sao lại phải lập mưu để giết một bác sĩ nha khoa đang sống ở Paris, dường như không có một lý do kinh tế và thực dụng nào để giải thích cho việc vô nghĩa này. Người ta chỉ có thể giải thích nó bằng việc Khmer Đỏ coi việc triệt tiêu những người trí thức này là một mục tiêu thiêng liêng. Trong cuốn Ác quỷ - Bên trong sự tàn nhẫn và bạo lực của con người, Baumeister viết về cái ác mang tính lý tưởng:

“Điều khiến cho cái ác mang tính lý tưởng đặc biệt tệ hại là lương tâm và sức mạnh trong tính cách của thủ phạm đẩy anh ta tới những hành động quyết liệt hơn, nghiêm trọng hơn. Không chỉ đơn giản là việc làm hại người khác được cho là chấp nhận được, nó trở thành một bổn phận. Khi hành vi gây bạo lực cho người khác không những được nhìn nhận như một quyền, mà còn là một nghĩa vụ, thì bạo lực sẽ trở nên gay gắt và không thương xót.”109

Những người cuồng tín có một thế giới quan đơn giản. Ai không đồng ý với họ nghĩa là đi ngược với họ, hoặc do ngu dốt, không biết phải trái là gì, hoặc vì về phe những người kia, và do đó cũng xấu xa như chúng. Liệu sự lăng nhục Dương Tường có quá đà không? Câu hỏi này chỉ có thể đến từ tụi cùng một giuộc. “Đâu phải chi bọn ăn cắp mới bênh thằng ăn cắp, bọn có ý định ăn cắp cũng bênh thằng ăn cắp nữa kìa, nhất là với CỤ ĂN CẮP, chúng lại càng bênh tợn, hihi.” Nhà văn Phạm Thị Hoài, sau một bài nhận xét về sự độc ác người ta dành cho Hồ Ngọc Hà, nhận được bình luận: “Tóm lại là con tác giả này muốn thoải mái ngoại tình, muốn tình dục, muốn buông thả như súc vật.”

Thế giới quan trắng đen như của các Hồng vệ binh này cho người ta một công thức để căm ghét và tàn nhẫn một cách tiện lợi, không bị sao nhãng bởi băn khoăn, do dự, hoài nghi, xung đột nội tâm. Xung đột nội tâm là kẻ thù của sự tàn nhẫn, nó làm người ta mềm lòng, thương cảm đối phương. “Họ cũng chỉ là người thôi”, “ai chả có lúc này lúc kia” là những câu tối kỵ với những người cuồng tín khi họ nói về kẻ thù của mình. Cái ác, giống như trong các phim Hollywood, cần phải bị phá hủy, hoàn toàn và triệt để. Để tàn nhẫn, người ta phải căm ghét. Càng căm ghét, người ta càng dễ tàn nhẫn. Những cuộc thánh chiến thường tàn bạo hơn các xung đột loại khác. Trong cuộc chiến chống lại quỷ dữ, người ta cho rằng không cần phải quân tử. Trong công cuộc diệt tà, không có biện pháp nào là quá cực đoan. Một kẻ hiếp dâm vì căm thù phụ nữ sẽ tàn nhẫn hơn rất nhiều một người hiếp dâm vì anh ta không kiểm soát được thôi thúc tình dục của bản thân.

Những người tàn nhẫn vì lý tưởng cũng chối từ thấu hiểu nạn nhân, không muốn đặt mình vào vị trí của họ, không muốn tìm hiểu những vận hành tình cảm và tư duy của họ. Với họ, các bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý đánh trẻ vì bản chất ma quỷ bên trong họ, chứ không phải, không thể bởi họ bất lực trước công việc của mình, bởi họ không được đào tạo để có thể chịu được áp lực tinh thần, bởi cuộc sống vật chất và tinh thần nghèo nàn của họ, bởi quy trình quản lý của cơ quan hữu quan có vấn đề, v.v. Họ khước từ cho đối phương một cơ hội để lý giải, bởi qua lý giải, đối phương có thể sẽ hiện ra như những con người. Và khi đó, những người cuồng tín sẽ không biện minh cho sự tàn nhẫn của mình được nữa.

CÁI TÔI BỊ TỔN THƯƠNG

Nhưng sự cuồng tín không giải thích được hết mọi chuyện. Nó không giải thích được sự độc địa người ta quăng vào nhau khi tranh luận trên mạng về những điều bình thường nhất như cách thức nuôi dạy con, bú sữa mẹ hay uống sữa bò, về một chương trình ăn kiêng tinh bột, về việc một nghệ sĩ hủy chuyến đi Trường Sa, về điệu bộ “đúng mực” mà một ca sĩ phải có khi hát nhạc Trịnh. Trong những câu chuyên này, không có ai bị hại, không có luật nào bị vi phạm. Phải có một lý do khác khiến họ nổi giận.

Tôi có cảm giác điểm chung ở đây là cái tôi của họ đã bị tổn thương. Họ có những phản ứng dữ dội nhất trước những “khiêu khích” có thể là nhỏ nhất. Vì sao họ lại làm vậy? Dường như vì họ luôn ở trong trạng thái lo lắng rằng cái tôi của mình bị đe dọa. Họ thường xuyên sợ mình bị hạ bệ, bị nhìn xuống, hình ảnh mình bị hoen ố. Họ có thái độ phòng vệ và thù địch, phản ứng nhạy cảm với những tấn công từ bên ngoài. Họ không tự ti - những người tự ti luôn nghĩ mình không có giá trị gì, và do đó cũng không phẫn nộ khi bị coi thường. Họ cũng không tự tin - những người tự tin vững vàng vế giá trị của bản thân, dù có bị công kích ra sao. Trong những trường hợp này, họ cho rằng giá trị bản thân của mình rất cao, nhưng lại luôn lo sợ bị những người khác coi thường.

Tâm trạng này khiến họ nhìn thầy sự tấn công ở những nơi mà người khác không nhìn thấy. Một cái cười mỉm, một ánh mắt lạ đểu có thể được hiểu là một sự khiêu khích. Đó là lý do người ta đâm nhau khi thấy bị rót rượu không đều trong bữa tiệc, lý do một người vợ nổi cơn ghen tam bành khi thấy chồng thân thiện với một phụ nữ khác, lý do một người đàn ông đâm vợ khi cô ta chê cái xe máy minh mới mua. Đó là lý do người ta dùng ngôn từ đâm chém hai người ăn cắp kính ở Thụy Sĩ, vì họ đã làm “nhục quốc thể”.

Đâu đó đằng sau cái tôi dễ bị tổn thương là một sự bất lực, một cảm giác bất đắc chí, một sự chua chát về một cuộc đời không được toại nguyên. Để giải quyết cái bất hạnh và bất lực bên trong, người ta đi tìm một lý do bên ngoài để trừng phạt. Chân dung của các ông chồng bạo lực hiện ra qua các nghiên cứu xã hội như những người cho rằng mình không được cuộc đời đánh giá đúng. Đặc biệt họ nhạy cảm khi người vợ có vị trí xã hội cao hơn họ. Điều này đe dọa cái tôi của họ. Để phòng ngừa vợ mình không kính nể đúng mức, họ dùng vũ lực để tạo uy quyền.

Trong nhiều trường hợp, cái lý tưởng cuồng tín mà chúng ta bàn tới bên trên là một tấm voan khoác lên cái tôi bị tổn thương và đe dọa. Cái căm ghét và tàn nhẫn dành cho Hồ Ngọc Hà đến từ sự sợ hãi. Nếu cô người mẫu gây tai nạn vì vượt ẩu, người ta có thể sẽ dành hai phút để phẫn nộ, nhưng sẽ không đòi đưa cô ta lên máy chém vì tội thiếu trách nhiệm khi tham gia giao thông. Nhưng hành động “cướp chồng”, dù là chồng của người khác, là tiếng chuông nhắc nhở rằng chồng của họ luôn có thể bị “cướp” như vậy. Vì tuyệt vọng, họ tấn công. Họ lăng nhục và tàn nhẫn để có được cảm giác mạnh mẽ, mình đang kiểm soát đời mình.

Do đó, cũng hiểu được khi nhiều phụ nữ, ngoài những lúc lên mạng làm nhục những người “cướp chồng, thì bận bịu tìm danh sách nhân viên trong công ty của chồng, đánh dấu những cô độc thân hay bỏ chồng để theo dõi đặc biệt, và cài cắm người theo dõi từ ngõ tới cổng công ty. Trên trang mạng Webtretho, chủ đề chia sẻ kinh nghiệm gài phần mềm gián điệp vào điện thoại của chồng để đọc lén tin nhắn dài mấy chục trang, với hàng nghìn ý kiến. Một mẹ tường thuật lại công doạn cài đặt phần mềm cuối, sau quá trình hàng tháng trời tìm cách quay lén video để mò ra được mật khẩu điện thoại của chồng: “Em bấm chốt cửa, để sẵn quần áo mới trên giường, cởi quần áo đang mặc ra, để lão lên bất thình lình, sẽ bao biện là chốt cửa để thay quần áo. Em giữ nguyên hiện trạng 'chỉ mặc bra và chip’ vồ lấy máy lão. Tay vừa mở khóa vừa run lập cập...” Một mẹ khác dặn dò: “Nàng nào muốn theo dõi điện thoại chồng, phải đảm bảo tỉnh như 1 quả táo tàu cơ, mới ko lộ mà hỏng chuyện. Như em đây, biết là lão sắp đi hẹn hò với bé kia mà em vẫn binh tĩnh là lượt quần áo phẳng phiu để cho ‘đẹp zai mới có nhiều đứa yêu’ cơ.”

Đằng sau những nụ cười đắc thắng kia là cuộc sống đáng buồn của những con người đầy sợ hãi và đầy căm ghét, sẵn sàng nhảy xổ vào những kẻ vô tình hay có ý nhắc nhở họ rằng hạnh phúc của họ là một lâu đài xây trên cát, vì chính họ cũng dang hoài nghi vào giá trị của bản thân. Nhiều khi người ta làm nhục người khác không phải vì một đông cơ cao cả hay một lý tưởng tốt đẹp gì, nữ tác giả Marta Nussbaum viết trong cuốn Nhục, ghê tởm và luật pháp, mà nó chỉ thể hiện sự giận dữ của họ trước những giới hạn của cuộc đời mình. Sự phẫn nộ của họ không hẳn, hoặc ít ra là không chỉ hướng tới cái vô đạo đức hay những thói tật xấu của người khác. Đằng sau tấm màn đạo đức là một cái hoang sơ hơn rất nhiều: họ làm nhục người khác bởi đó là cách duy nhất để họ bảo vệ cái tôi mỏng manh, dễ đổ vỡ của mình.110 Trớ trêu thay, sự tàn nhẫn của những phụ nữ này xuất phát từ nhu cầu được yêu thương.

CUỒNG TÍN NHƯ TRIỀU DÂNG

Một yếu tố quan trọng nữa là những người “thiện” cuồng tín và những cái tôi bị đe dọa kia không đơn lẻ, họ hành động trong một đám đông. Nếu như ở thời kỳ tiền Internet, đám đông thường chỉ hình thành khi có người hô lên “Trộm!” thì ngày nay, đám đông cũng rất nhanh chóng xuất hiện từ hư không khi ai đó kêu lên “Đạo văn!”, hay “Cướp chồng!”, hay “Có đứa chửi phương Tây!”

Đám đông của những người “thiện” cuồng tín như triều dâng. Một cá nhân có thể sẽ suy nghĩ xem co nến dùng bạo lực để trừng phạt người phạm chuẩn hay không, nhưng khi một đám đông hình thành, sẽ không có thời gian cho các suy nghĩ. Chúng ta cần người khác ủng hộ niềm tin của mình để biến nó thành hành động.

Đám đông khiến người ta đánh mất cảm giác mình là một cá thể. Trăm người như một. Không còn ý thức về bản thân, các thành viên của đám đông không còn khả năng đánh giá các hành vi của mình một cách thấu đáo, và qua đó, khả năng kiềm chế bản thân. Lúc đó, dường như người ta bị một thế lực bên ngoài sai khiến.

Trong một đám đông, các cá nhân cũng dễ trở nên tàn nhẫn vì họ đánh mất cảm giác về trách nhiệm của bản thân. Không thấy có trách nhiệm thì không cảm thấy có lỗi; không cảm thấy có lỗi thì cơ chế tự kiểm soát và ngăn cản những hành vi gây hại không được kích hoạt. Điều này có thể thấy rõ nhất qua việc hàng trăm ngàn người chia sẻ clip sex của nữ sinh T. 15 tuổi. Kể cả khi tin về cái chết của T. loang ra, người ta cũng không hình dung ra là mình có một phần trách nhiệm trong đó. Sự liên quan giữa hành động đơn lẻ của một cá nhân và tác hại do cả một tập thể gây ra quá trừu tượng. Ai chịu trách nhiệm cho cái chết của T.? Câu trả lời của cộng đồng mạng là “Tự làm thì ráng chịu, giờ còn trách ai?” Tương tự, ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết của người ăn trộm chó: người hô hoán có trộm? những người đuổi theo trộm? những người quây trộm lại? những người đấm đầu tiên? những người đạp sau cùng? Có bao nhiêu người trong đám đông đó coi mình là kẻ giết người?

Cuối cùng, tập thể khiến các cá nhân ngại bày tỏ các hoài nghi của mình. Có thể một số đang tự hỏi “liệu mình có đang đi quá đà không, liệu có cần phải nhục mạ người ta như vậy không?” nhưng trong một tập thể giận dữ, ít người có đủ dũng cảm để lên tiếng kêu gọi sự tỉnh táo. Không những im lặng “cho lành”, người ta bóp chết những hoài nghi của mình, thậm chí xấu hổ vì mình là một kẻ yếu đuối. Kết quả là trong nhiều trường hợp, quan điểm và phát ngôn của những kẻ cực đoan nhất trở thành quan điểm của tập thể. Trong vụ Dương Tường, người ta thấy hai, ba cái tên nổi lên, luôn luôn và bền bỉ theo đuổi mục đích làm nhục và đâm chém Dương Tường bằng ngôn từ, cứ như đó là mục đích sống của họ. Khi một đám đông tự trao cho mình quyền để tàn nhẫn, những người hằn học nhất, thù hận nhất thường hay nổi lên như những người cầm đầu. Lúc đó, theo tác giả Roy Baumeister, những người cuồng tín nhất hay được đưa vào những vị trí lãnh đạo vẻ đạo đức. “Tập thể sẽ bạo lực hơn các thành viên cấu thành nên nó,” ông viết, “và khi tay của các thành viên đã nhuốm máu, đã quá muộn để họ đặt câu hỏi về mục đích chung của cả nhóm, khả năng lớn hơn là họ sẽ tiếp tục xuống tay.”111

I

1,1

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3