Thiên Cổ Hận - Chương 20: Lật tay làm mưa
Đại nội thị Trương Thái lên tiếng cắt đứt dòng suy nghĩ vẩn vơ của vị vua trẻ:
- Bệ hạ, Thái thượng hoàng và Thái sư còn đang đợi người.
Đế vương khẽ nhướng mày nhìn về phía nội thị:
- Trương Thái, nhà ngươi nên rõ bổn phận của mình.
Trương Thái nhìn vị vua trẻ tuổi trước mặt, khuôn mặt già cứng đờ giây lát lại nhanh chóng trở về bộ dáng không ngạo mạn không nịnh bợ, y quỳ gập xuống đất nhưng bóng lưng thẳng tắp cất giọng the thé:
- Bệ hạ, Trương Thái một lòng một dạ vì bệ hạ lo lắng. Cẩn xin bệ hạ minh xét!
Nhìn tới một bộ mặt thấy chết không sờn của y, Trần Thái Tông lại thấy phiền lòng. “Kẻ này mặt mày khôn khéo, đuôi mắt xếch bảy phần lọc lõi, mũi khoằm như mỏ quạ, răng khít như Thiềm thừ ắt kẻ bội bạc nhiều bề gian manh” lời nhận xét của Thái phó khi nhìn thấy Trương Thái lần đầu tiên khiến Trần Thái Tông càng thêm chán ghét kẻ này. Trương Thái được Thái sư Trần Thủ Độ đưa đến bên người Trần Thái Tông hai năm về trước, chuyên trách theo hầu vua Trần Thái Tông. Bề ngoài là người hầu nhưng ai mà không biết kẻ này là tai mắt mà Thái sư đặt cạnh hoàng đế.
Trần Thái Tông đưa mắt nhìn cửa cung Trường Xuân đã khép lại, nghĩ tới ánh mắt nàng mang ý cười nhàn nhạt lướt qua lúc kia mà thỏa mãn rời đi.
Trong điện Tuyên Hòa.
Thái Thượng Hoàng nâng chén trà lên nhấp một ngụm nhỏ, trầm ngâm:
- Đại Tống sai người đưa tin hỏi Đại Việt ta nếu cử người đi sứ chúc mừng vị Đại Hãn mới của Mông Cổ thì có thể hợp đường đi cùng với đoàn sứ thần của họ. Chẳng hay Thái sư có ý hay gì?
Trần Thủ Độ vuốt vuốt ống tay áo thùng thình, cúi mặt nhìn chăm chú vào đôi hia dưới chân nhìn không rõ thần sắc:
- Hai năm trước, trận Hoàng Hà diệt ba mươi vạn quân Tây Hạ lại làm rung động hai nước Tống, Kim. Đất Cam Túc giữ được một Thành Cát Tư Hãn nhưng không ngăn được đạo quân Mông Cổ. Nay con thứ ba của ông ta là Oa Khoát Đài kế thừa ngôi vị thật đáng nghiền ngẫm.
Thái thượng hoàng đưa mắt nhìn về phía hai thiếu niên, trong lòng bỗng dưng nổi lên sự tức giận vô hình. Nhìn xem Trần Bất Cập 21 tuổi như thanh kiếm sắc mới tuốt ra khỏi vỏ, chàng thiếu niên mặt mày tuấn ngạn, quanh thân lạnh nhạt trầm ổn như có như không. Cạnh đó là Thái Tông Trần Cảnh hai mắt phượng đào hoa liễm diễm, tinh thần hồn đã thả trôi qua mấy tầng cửa cung bay đến nơi nào đó rồi đi. Ngài nặng nề vỗ tay lên thư án:
- Thái Tông!
Thái Tông giật mình thảng thốt vội vàng thưa lại:
- Con ở.
Thái thượng hoàng nhướn mày ý bảo:
- Nói xem con đã nghe được những gì?
Thái Tông chột dạ, bàn tay giấu trong tay áo lén lút kéo kéo người bên cạnh. Trần Bất Cập cảm giác bên hông trái bị người níu kéo, môi mỏng thoáng hiện ý cười nhưng không tỏ ý kiến. Thái Tông thấy vậy trong bụng đã tức điên lên rồi. Trần Bất Cập kẻ này đúng là sợ uy quên bạn mà. Thái Tông chân trái tiến lên phía trước nửa bước, hướng lên bề trên khom lưng hành lễ rồi mới thưa:
- Thưa, Mông Cổ thực chất cũng không yên bình như bề ngoài. Lãnh thổ Mông Cổ nay chia ra bốn miếng bánh cho con trưởng Truật Xích, con thứ hai là Sát Hợp Đài, con thứ ba là Oa Khoát Đài và con thứ tư là Đà Lôi. Chưa kể con trai của vị khả hãn này đông đảo, lãnh thổ không ngừng mở rộng lẽ nào không có lấy một khe hở ư? Vì vậy nước ta tuy rằng còn non yếu nhưng chưa chắc đã phải là mục tiêu mà quân Mông Cổ nhìn đến. Thiết nghĩ lần này có thể bang giao cũng là cơ hội tốt thể hiện tinh thần hữu nghị của nước ta. Tông nghĩ nên phái sứ thần phía ta hội họp cùng đoàn nước Tống.
Trần Bất Cập không cho là đúng bèn nói:
- Oa Khoát Đài người này thể lực hơn người, thông minh tuyệt đỉnh, ý chí kiên định lại khiêm tốn. Đặc biệt biết trọng dụng người tài, ngay từ nhỏ liền được Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân chú ý bồi dưỡng làm người kế vị. Nghe nói trong hội nghị “Khố lý Nhĩ Đài” được các bộ hạ thân tín của Thành Cát Tư Hãn ủng hộ thừa kế. Hai năm nay chúng án binh bất động e rằng chỉ là tạm thời nghỉ ngơi lấy lại sức mà thôi.
Trần Bất Cập cất bước đi về phía tấm bản đồ da dê treo trên tường, ngón tay thon dài chậm rì rì chỉ theo nét vẽ trên bản đồ. Hai mắt sáng ngời có thần bừng bừng phấn khích:
- Trước mắt đại quân Mông Cổ tham vọng điên cuồng đánh chiếm các vùng châu thổ, mà nay diệt Tây Hạ, thắng Đại Kim thì không có lý do nào bỏ qua Tống và ngừng lại kế hoạch thôn tính Cao Ly. Phía đông nếu một khi trở thành vật trong túi áo thì phía Nam chúng ta còn có thể giữ được hay không cũng thật khó nói. Thần cho rằng nếu đi cùng đoàn sứ thần nhà Tống thì Đại Việt ta chẳng khác gì đám lâu la trợ uy cho Tống. Huống chi bên Mông Cổ chưa chắc xem chúng ta vào mắt, hà tất phải tự mình tìm thẹn?
Thái Tông mặt nhiễm sắc đỏ có chút không phục:
- Diệt Tây Hạ sở dĩ cho Tây Hạ đàn áp nô dịch nhiều năm, đánh Kim hòng bóp nát mối họa đe dọa lãnh thổ mà thôi. Đại Việt ta phía Nam địa hình hiểm trở lại là nước nhỏ sẽ không gây trở ngại đối với Mông Cổ. Nay nước còn non yếu nên lấy dĩ hòa vi quý, mở rộng sức dân mà không phải có ý tưởng trứng chọi đá.
Trần Bất Cập cảm nhận được bầu không khí trong đại điện đột nhiên lạnh đi vài phần, quả nhiên kẻ ngốc này bị vo tròn bóp méo quá lâu rồi không biết chính mình là hình dạng gì nữa chăng? Chim khôn biết chọn cành mà đậu, nhưng cành ấy toàn là sâu mọt e có ngày lộn cổ cũng không biết sống chết. Xem ra một chân này quả thật bước không sai chút nào. Trần Bất Cập xoa tay lên trán, giọng điệu bất đắc dĩ:
- Bệ hạ, nhà Tống hiện nay khác nào cây mục. Dựa núi núi đổ mà dựa người người chạy chi bằng dựa chính mình. Nếu ngày nay ta dựa vào Tống thì không khỏi quá thẹn với cổ nhân. Xưa có Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Bắc chinh Châu - Ung - Liêm, Nam phạt Chiêm Thành để người đời lấy gương sáng soi thân. Chính trị cốt lõi lấy mềm hóa cứng nhưng cũng phải biết dùng cứng đối cứng, thần kiến nghị chuyến này ta vẫn nên bình tĩnh ngồi núi xem hổ đấu.
Phóng mắt nhìn khắp non sông gấm vóc này xem, có mấy kẻ không sinh tham vọng hùng bá một phương. Nhưng là một cây làm chẳng nên non, phương Nam nhỏ bé sao chịu được gót ngựa của dã quân phương Bắc? Nếu như bày ra đủ thành ý hữu hảo đôi bên coi nhau như huynh đệ thì còn sợ gì bị đánh chiếm, có cầu phải có cung mới giữ được cân bằng cho đại cục. Một mặt âm thầm phát triển binh lực quốc phòng nuôi dưỡng bên trong, mặt khác đẩy đi mũi nhọn chiến tranh thử hỏi có gì thiệt hại. Thái Tông nghĩ vậy lập tức phản bác:
- Đại Việt ta bảo vật nhiều vô kể, lụa là gấm vóc thiếu mấy sấp có sao? vàng bạc thiếu vài gánh lại thế nào? mỹ nữ đưa đi mấy người có gì không thể? Ý trẫm muốn để những kẻ phương Bắc biết được chúng ta là hào phóng muốn cùng với họ bang giao, cũng là thể hiện thiện chí kết làm hữu hảo.
Trần Bất Cập cười lạnh, quay đầu truy hỏi:
- Ý bệ hạ muốn Đại Việt ta cúi đầu xưng thần trước Mông Cổ, hàng năm cống nộp đồ tốt cho chúng? Xưa kia dân ta ngàn năm bị giặc phương Bắc uống máu gặm xương còn chưa đủ kể tội? Vàng bạc gấm vóc là do dân ta làm ra, mỹ nữ cũng là con dân của ta. Nếu dâng những thứ ấy chỉ mong đổi lấy thái bình một ngày thì quả thật đã coi thường chúng tướng sĩ trung tâm hộ quốc.
Thái Tông luống cuống xua tay lảo đảo ngồi thụp xuống đất, sắc mặt tái nhợt :
- Không, không!... ý ta không phải vậy!
- Ha ha… - tiếng cười lớn đột ngột vang lên trong điện Tuyên Hòa.
Trần Thủ Độ hờ hững lau lau đao Hựu Loan bên hông, giọng nói mang ba phần giễu cợt:
- Bệ hạ, xem ra Trịnh Như Vân quản ngài ở Ngọa Tâm các đã lâu lắm rồi cũng nên? Lão cổ hủ kia suốt cả ngày niệm ba thứ văn chương đạo lý rách nát làm sao biết chiến trường da ngựa bọc thây là cỡ nào phấn khích. Ngài quá ngây thơ rồi đó, nếu Đại Việt ta không mau vựng dậy binh lực thì sớm muộn gì cũng trở thành quả trứng trong ổ đợi quân Mông Cổ tới dày xéo thôi chứ nói gì tới bang giao dĩ hòa. Chiến tranh là kết cục tất yếu, chỉ là đợi đến khi nào mà thôi.
Thái Tông mặt mày tái nhợt, hết nhìn về phía Thái thượng hoàng lại nhìn Trần Bất Cập. Trần Bất Cập vẫn là dáng vẻ thờ ơ lạnh nhạt, còn Thái thượng hoàng trong ánh mắt lộ rõ sự thất vọng cực kỳ.
Đại điện yên tĩnh lạ thường, Thái Tông buồn đến hoảng. Con em hoàng tộc mười hai tuổi không còn nhỏ, Thái Tông trời sinh thông minh hiếu học lại mấy năm nay kế vị có Thái phó tài bồi lại được sự đốc thúc của Thái thượng hoàng và Thái sư càng trở nên ưu tú. Hà cớ vua còn nhỏ tuổi chưa thể tự mình lo chuyện triều chính, Thái thượng hoàng ủy quyền cho Thái sư giám quốc còn mình ngự tại cung Phụ Tuyên bên trái phường Hạc Kiều, chỉ khi có chuyện quan trọng mới vào cung Tuyên Hòa nghị sự. Trịnh Thái phó sắp xếp nghiệp học cũng đều nghe theo ý của Thái sư chỉ dạy địa chí, sử ký, đạo quân thần. Bày binh bố trận cái gì? mưu sâu kế hiểm lại tính là gì? Thái Tông không dám quên đi ánh mắt khinh miệt cười nhạo của Trần Thủ Độ khi nhìn thấy dáng vẻ chật vật của mình trong trận thi võ của Cấm quân và những lần lén nhìn trộm Trần Thủ Độ đi mấy bài đường quyền.
Thái thượng hoàng bên trên lên tiếng phá vỡ bầu không khí trầm mặc:
- Thái sư nói không sai, từ hôm nay bệ hạ nên tự mình cấm túc kiểm điểm nửa tháng, sau này đọc nhiều binh pháp rồi đến Cấm quân luyện võ cường thân kiện thể. Tuy chú trọng an dân là cốt lõi nhưng binh lực hùng hậu mới là áo giáp vững chắc nhất bảo vệ non sông này.
Trần Thủ Độ phớt lờ như không nghe thấy, giọng thản nhiên:
- Ta thấy chuyện này không có gì tranh luận nữa, thay vì mang cống phẩm đi Mông Cổ còn không bằng ta đem chiêu mộ binh lính sẵn sàng đối chiến. Thái thượng hoàng còn chưa nói ý kiến của người là đi hay không đi với nước Tống đâu?
Thái thượng hoàng khẽ nhăn mày, phất phất ống tay áo.
- Đều theo ý kiến của Thái sư đi.
Trần Thủ Độ đứng lên, tay phải vuốt ve vết sẹo đã kết vảy trong lòng bàn tay trái nhưng mắt vẫn là không nhìn đến Thái thượng hoàng. Giọng nói lạnh băng:
- Thái thượng hoàng sáng suốt, nếu vậy Độ xin đi trước.
Không đợi Thái thượng hoàng gật đầu đồng ý, Trần Thái sư sải chân ra khỏi đại điện. Trần Bất Cập chỉ kịp khụy gối hành lễ với Thái thượng hoàng và Thái Tông đã vội đuổi theo bóng dáng đĩnh bạt thân cao năm thước phía trước đang bước đi như bay.
Điện Tuyên Hòa rộng lớn chỉ còn lại Thái thượng hoàng và Thái Tông, Thái thượng hoàng thở dài vươn tay đi đỡ lấy Thái Tông đứng lên. Trong mắt tràn ngập sự lo âu:
- Cảnh à, những năm này con phải chịu khổ cha đây đều biết đến. Chỉ trách cha xuất thân hương bần lại làm quan văn không có trí dũng nên không thể bảo hộ được anh em các con. Nâng đỡ con tới ngày hôm nay cũng đều là công của chú Thủ Độ cả, con phải biết kính trọng nể vì.
Thái Tông ngước mắt lên nhưng không dám nhìn thẳng Thái thượng hoàng, nhỏ giọng yếu ớt:
- Nhưng thưa cha, những năm này chú Thủ Độ khác quá làm cho con trẻ càng sợ hãi.
Ánh mắt Thái thượng hoàng chợt lạnh đi ba phần, nhưng ý trong lời càng là biểu hiện sự lo lắng bất an.
- Con trai, cha sợ rằng khi cha trăm tuổi không thể nhìn thấy một ngày con ngồi thẳng lưng trên ngôi báu. Nếu biết sẽ có ngày cha con ta khắp nơi bị kìm kẹp như vậy thì khi xưa dù có bị bọn Nguyễn Nộn đánh giết cả họ thì ta cũng không muốn ngồi lên vị trí này.
Thái Tông ấp úng bày tỏ nghi vấn bấy lâu nay vốn không có lời giải:
- Ngày trước sao chú Thủ Độ không tự mình lên ngôi hoàng đế mà lại nhường cho một đứa vô dụng như con ạ?
Thái thượng hoàng đăm chiêu, khóe môi khẽ nhếch. Năm ấy Trần Thủ Độ một tay nắm binh quyền làm tới Điện tiền chỉ huy sứ còn không phải cũng do một tay Ngài bày mưu đặt kế dùng sắc dụ đó sao. Một kẻ thất phu một chữ bẻ đôi không biết có tài cán gì trị quốc bình thiên hạ. Chê cười làm sao là một con chó giữ nhà đột nhiên lại muốn phản chủ cắn lại một miếng. Những năm gần đây Ngài không làm chuyện gì kinh thiên động địa cả, chỉ là muốn bẻ bớt một số cái răng nanh mọc sai chỗ mà thôi.
- Thủ Độ nắm trọng binh trong tay vì thế sinh kiêu, những năm này hoành hành ngang ngược hết chỗ nói. Tiếng đồn trong cung con có nghe cả rồi chứ?
- Cảnh có nghe.
Nhắc tới tin đồn, cũng từng có lúc Thái Tông chính tai nghe thấy cung nhân thầm nghị luận vài chuyện không hay ho lắm về Thái sư nắm binh quyền trong tay như nắm Long mạch của vương triều, có thể hô mưa gọi gió đi ngang đi dọc. Bọn họ nói không sai, là Thái sư một tay nắm Hựu Loan đao chặt đứt vương triều nhà Lý một tay dựng lên cơ đồ họ Trần. Đùa nghịch càn khôn trong tay có ai là kẻ tầm thường đây? Thái Tông lúc ấy thực sự hoài nghi cớ gì Trần Thủ Độ không tự mình đăng cơ làm vua, ngược lại dùng một con rối là một đứa hôi ranh như mình. Cứ như vậy Thái Tông mịt mờ lớn lên lại mịt mờ tiếp nhận hết thảy.
- Cha, phải chăng chúng ta vô hình bị biến thành con rối gỗ mặc người thao túng?
Thái thượng hoàng tỏ vẻ giật mình, đưa tay bụm miệng Thái Tông:
- Chớ nói ra lời ấy mà có ngày rước họa vào thân.
Ngài nháy mắt ra hiệu ý bảo có kẻ vẫn đứng bên ngoài. Nhận thấy Thái Tông biết ý gật gật đầu Ngài mới buông lỏng tay. Giọng nói chợt trở nên nghiêm nghị hẳn lên:
- Thái Tông, con nghe cha nói đây. Mưu sự tại nhân mà thành sự cũng tại nhân, con hôm nay nên nhìn rõ cục diện trước mắt tránh cho sau này một bước đi sai tất thành thiên cổ hận. Từ ngày mai tại giờ Tý một khắc, một mình con đi tới cung Thái Thọ bái một người tên Thi Quỷ, người này trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giỏi về bày binh bố trận, lại thiện dùng âm kế dương mưu. Đây là chuyện duy nhất cha có thể làm vì con.
Thái Tông mắt sáng rực nhìn Thái thượng hoàng, lời ít ý nhiều không khó đoán ra. Thái Tông không hề quên lời hứa hẹn với Lý Chiêu Hoàng 5 năm về trước. Chàng phải trở lên mạnh mẽ mới có thể bảo vệ được nàng, bảo vệ được những người nàng yêu quý mà không phải như ngày ấy chỉ có thể bất lực nhìn quận chúa Huy Chi bị bắt gả cho tộc trưởng người Man, còn hại Thái Tông bị Lý Chiêu Hoàng giận dỗi thật lâu.
Thái Tông lưu lại một lúc lâu mới bái hạ rời đi.
Thái thượng hoàng một mình ngồi trầm lặng trên ghế, cung nữ thay hai bình trà Mi Sơn mà Ngài vẫn chưa hề có ý hồi cung của mình. Sự tình hai năm trước có bao nhiêu phức tạp Ngài không muốn Thái Tông được biết, ngày trước mượn sức giành lấy ngôi báu để hai tay không dính máu Ngài đã làm một cách thật đẹp. Ngày ấy nữ đế tiền triều nhường ngôi cho cho con trai mình ngài cũng không có mặt mà cáo bệnh nặng ở nhà, triều thần dân chúng đều coi kia là một tay Thái sư Trần Thủ Độ lật mây rẽ sóng. Một hạt giống mang tên “nghi ngờ” gieo vào lòng người chẳng mấy chốc lớn thành dây leo quấn quanh thít chặt lấy cả thể xác và tinh thần, đâm rễ ăn sâu vào trí óc. Ngài muốn đứa con ưu tú do chính mình tài bồi bấy lâu nay trở thành một thanh gươm sắc bén, mà lúc mài giũa tốt nhất đó chính là nung nó trên lửa đỏ của thù hận và bất lực, giáng thật mạnh xuống nó những cú đập chí mạng của sự phản bội lừa gạt, ném nó vào sự lạnh lẽo của nhân tình thế thái.