Thiên Huyền Địa Hoàng - Chương 174
Thiên Huyền Địa Hoàng
Cổ Cổ
www. gacsach. com
Chương 174
Âu Tử Dạ đi rồi tôi lân la tới chỗ Phong Linh, nghe thấy chuông điện thoại của gã khẽ vang. Là Hoa Thiếu Thiên gọi lại, ban nãy sóng mạng chập chờn, thông tin cung cấp nửa vời, khiến cho đôi bên đều nôn nóng sốt ruột.
Nói chung là đường truyền tín hiệu vẫn kém lắm, câu được câu không lại “alô, alô... ” cuối cùng đành chán ngán tắt đi.
Tôi đứng dựa vào thân cây mai cổ, đột nhiên bên tai vang lên tiếng “híc híc” rất nhỏ, như tiếng kim giây di chuyển, tíc tắc chậm chạp, đều đặn vô hồn. Tôi nghiêng đầu nghi ngờ, hay tiếng dế kêu nhỉ? Không đúng, tiếng côn trùng kêu to hơn cơ. Ngó trái nhìn phải, hay tiếng đồng hồ đeo tay của Phong Linh. Nếu thế cũng quá vang đi, mà hình như không nghe thấy nưã.
Lại dựa lưng vào thân cây, “híc híc” âm thanh giống tiếng mạch đập khi áp tai vào gối ngủ, dây thần kinh bên thái dương biểu tình vì bị đè nén. Tôi không nhúc nhích, bất động hồi lâu, tập trung lắng nghe thật kỹ.
“Híc híc... hức hức hức... ” âm thanh quanh quẩn bên tai, thủy chung không chịu biến mất, như thể phát ra ngay trong não. Tâm cố gắng ổn định, hít sâu thở đều.
Âm thanh nỉ non da diết như tiếng đàn nhị, réo rắt thê lương, ai ai oán oán khiến người ta giật mình hoang mang.
Tôi rời xa thân cây, nhìn thế mọc nghiêng nghiêng như sắp ngã đổ, vặn xoắn như hai con mãng xà quấn quýt không rời, khô quắt queo như hai cái xác ướp mới lôi ra từ hố băng, càng nhìn quả thật đỡ chẳng được, da gà dà vịt ở đâu cứ thế thi nhau nổi loạn.
Tôi lắc lắc đầu, lôi điện thoại ra thử khởi động lại, nhưng vô ích, coi bộ thật sự hết pin sập nguồn chứ không phải do thứ bên ngoài tác động.
Công nhận túi chống thấm chống va đập rất tốt, đồ vật bên trong như cuốn bút ký hay máy chụp ảnh của bố, lăn lộn dưới nước mấy lần, coi như không tồi.
Tôi nghịch ngợm máy ảnh. Cảnh đẹp thế này, không lưu lại thật quá uổng phí, thế là giơ máy lên, tùy tiện bấm, miệng cũng lơ đãng hỏi.
- Thế nào?
Phong Linh phẩy phẩy cái áo, mặc lại.
- Đại khái chúng ta vốn đang ở Nguyên Thị của Thạch Gia Trang, có biết hôm nay là mùng mấy không?
Tôi lắc lắc, lơ đễnh đáp.
- Cùng lắm qua hai ba ngày là nhiều?
Phong Linh một bên vuốt vuốt di động, một bên bốc bánh quy bơ trong cái lọ nhựa có dán nhãn không ăn khớp, chắc lại bánh tự làm của tiểu Quang Quang nào đó.
- Cậu có muốn nạp chút dinh dưỡng?
Tôi từ chối theo phản xạ.
- Không, cảm ơn!
Phong Linh vừa ăn vừa đáp.
- Hiện giờ chúng ta chạy sang tận Hình Đài, trấn Long Nghiêu, nơi này gọi là Thiên Hộ Doanh.
Tôi cũng không nhiều bận tâm.
- Wuầy, có vẻ lần mò đi khá xa nha mặc dù tôi chẳng rõ cái Thiên Hộ Doanh xa cỡ nào, ở tận đâu.
- Còn không phải? Nửa tháng cơ mà.
- Cái gì?
Tôi sửng sốt. Sao có thể tới mức đó. Tôi quay lại, nhìn đồng hồ hiển thị trên góc điện thoại của gã.
- Là A Hoa nói, tôi cũng không tin, đồng hồ hiển thị trên di động hay trên cổ tay đều không khớp với tên nhóc đó tiết lộ. Cậu nói xem, cảm giác của chúng ta sai thì cũng thôi đi, ngay đến máy móc cũng không đúng.
- Có nghĩa là, thời gian ở dưới lòng đất tách biệt với trên này?
Phong Linh uống hớp nước rồi thong thả đáp.
- Hờ hờ! Là chậm hơn nha, chúng ta nếu mà ở dưới đó 1 năm, trên này phỏng chừng đã qua chục năm có lẻ?
- Thôi đi, chui xuống dưới đó ăn giun thay cơm à?
Phong Linh vừa nhai bánh rộp rộp vừa nói.
- Giống như là lỗ hổng thời gian? Những vụ nạn nhân vô tung vô ảnh mất tích hoặc thậm trí cả một du thuyền, máy bay, hay một tiểu đội đột ngột bốc hơi khỏi thế giới, báo trí ghi nhận khá nhiều. Sau khi chui vào đó mọi liên lạc với thế giới bên ngoài bị cắt đứt. Tiếp theo thứ đó chu du bên trong sau khi ra được, bên ngoài thời gian đã trôi qua vài chục năm, nhưng vẻ ngoài hoàn toàn không bị biến đổi, không bị ảnh hưởng của thời gian bào mòn, cứ như là thời gian quanh nó ngừng lại, hoặc thực chất nó chỉ lạc trong nó mấy ngày ngắn ngủi. Có điều, chỉ có "vật chết" là quay trở lại được, còn "thứ sống" thì không. Chẳng ngờ chính mình được kiểm chứng? Liệu có thật?
Phong Linh lầm bà lầm bầm, cười nhếch mép xem nhẹ, lại vươn tay lấy bánh.
- Cậu chắc không cần bổ sung?
Tôi lắc lắc, thuận miệng hỏi.
- Vậy chờ tới khi nào?
- Ít nhất 3 tiếng nữa.
3 tiếng là một con số ước lượng không chắc chắn, rất có thể vì lý do gì đó như là xe không thể chạy vào tận nơi núi hiểm rừng sâu, phải quốc bộ, thế thì có mà ngóng dài cổ.
Tôi đi vòng vòng chụp một lượt, cứ thấy thuận mắt là bấm máy.
Đột nhiên dừng lại ở khối đá, một đống chữ bị gió mưa xóa mờ, không biết là viết cái gì. Tôi vẫy tay gọi Bạch Ngân xuống, nhờ cô dịch hộ.
Bạch Ngân nhìn dòng chữ, nhíu mày, không vui vẻ gì nói.
- Chữ Triện... phần lớn đã bị mờ, có lẽ lâu lắm rồi... Huyết nguyệt dạ vũ... hắc khí cuồng phong... ma quỷ hỉ nộ... trừng phạt tội lỗi... luân thường đạo lý... cấm luyến chi ái... hiến tế chôn đứng... song thi dưỡng thụ... hồn phách giam cầm... canh giữ cửa ngục... trăm năm đau đớn... luân hồi đứt đoạn...
- Rốt cục là nói về cái gì?
- Đại để đây là tảng đá ghi lại giai đoạn u tối trước kia... dân làng sợ hãi tà khí nơi này vào những đêm trăng tròn... chôn sống một cặp uyên ương không được công nhận chúc phúc...
- Cái gì?
Tôi giật mình hoảng hốt. Chôn sống? Bố của con ơi! Người đối với người cũng không cần tuyệt tình tới mức đó đi.
Chuyện này thật thà mà nói cũng không có gì bất ngờ, ngày xưa con người vẫn thường mê tín dị đoan một cách tiêu cực như vậy. Nhất là những vùng sâu vùng xa hẻo lánh thế này, trưởng làng hay thầy pháp là quyền uy nhất. Họ nói phải làm như thế, chả ai dám phản đối.
- Đây là cấm thuật Phong Nhân Thụ, tựa như cổ thuật Phong Linh mà lão Dương thị trưởng đối với thi thể cô em gái, đều là khiến linh hồn không thể siêu thoát... Nhưng có chút khác biệt, oán khí của vong linh càng mạnh, đám hắc khí ở dưới lòng đất càng không có cơ hội thoát ra gào rú quẫy nhiễu dân làng... Bắt hai người đang sống hạnh phúc, cưỡng ép tử vong, thê thảm thể xác, thống khổ tinh thần. Linh hồn bị nguyền chú trói buộc, mãi ở trong cây kia.
Bạch Ngân nói tới đó, vung tay chỉ vào mai thụ.
- Ở nơi này bất đắt dĩ trở thành ma thần bảo vệ... dù ở bên nhau cũng chỉ là đau đớn tang thương... yêu hận dai dẳng thì oán nộ mãi không dứt... cầu không được, buông không đành... cứ vậy cay đắng đi qua vài trăm năm... Không, có khi hai ngàn năm rồi cũng nên... phải biết một khí “Huyệt” trở thành “Âm Huyệt” tức là đã được kiếm cổ trấn yếm, lượng tà niệm thoát ra là cực nhỏ, dù là vào đêm Huyết Nguyệt chăng nữa cũng không lan chàn tới mức đe dọa được mạng sống của dân làng phụ cận. Cho nên, rất có thể bia đá kia đã sớm có mặt, lúc mà Huyệt còn đang hình thành ra một đống Oan Nhai, mới khiến dân chúng kinh hồn bạt vía...
Bạch Ngân nói tới đây chợt dừng lại, trầm ngâm, sắc mặt phủ một tầng u ám ảm đạm.
- Có muốn tôi tiết lộ chút thông tin ghi trên bia đá?
Tôi lập tức gật gật, im lặng chăm chú nghe cô tường thuật.
Tướng Nhạc Dương nước Ngụy mang 10 vạn quân gây chiến với tiểu quốc Trung Sơn, Hoàn Công trốn trong núi, kháng cự 20 năm, xác lính chết trận nằm la liệt dải dác... oan hồn vất vưởng khắp nơi, không ai siêu độ.
Sau khi đuổi Ngụy, Trung Sơn lại bị Triệu Vũ Linh Vương đích thân đem 20 vạn quân tới tiêu diệt. Núi Thái Hành sơn nhiều năm trời cỏ mọc không nổi, thú rừng tuyệt tích, đất bạc mênh mông, ruộng đồng vắng bóng, oán khí dày đặc, sinh linh lầm than.
Trung Sơn Vương Thượng chết, nước diệt vong.
Có lẽ, “Huyệt” là hình thành giai đoạn này. Cũng là giai đoạn hai con người xấu số bị đem làm vật hiến tế cho quỷ chú. Ái biệt ly, cầu bất đắc. Nếu được anh lôi hai thi thể đó lên.
Cô vừa nói vừa chỉ vào hai vị trí trái phải, lấy gốc mai làm trung tâm, mỗi bên cách 2m.
- Chộn họ chung huyệt nằm ngang, như vậy Phong Nhân Thụ sẽ bị phá vỡ, linh hồn sớm yên nghỉ đầu thai.
Tôi gật bừa, tại giọng Bạch Ngân nghe ngậm ngùi tha thiết quá, không đành lòng từ chối. Cô thấy tôi đồng ý, kể tiếp.
Triệu Vũ Linh Vương liên minh với Hàn, Ngụy, chống Tần, thất bại tại Hoa Dương, bị tướng Tần là Sư Lý Tật đánh bại, tám vạn quân chư hầu bị giết.
Đỉnh điểm trong trận Trường Bình. Quân Triệu do Triệu Quát chỉ huy bị quân Tần do Bạch Khởi chỉ huy, 45 vạn quân tiêu diệt hoàn toàn.
Đầu lâu chất thành đống núi, thi thể đắp thành trường thành, máu chảy lênh láng thành sông. Mùi hôi tanh nồng nặc mấy tháng không tiêu tán, oán vong rên siết kêu gào suốt ngày đêm. Trăm dặm tà khí như giòi độc điên cuồng tàn phá, cỏ cây khiếp đảm không thể nảy mầm, sương mù gió lạnh như cánh tay rét buốt của ác ma, che lấp dương quang, phủ tràn bóng tối, dân chúng sợ hãi, lánh xa vạn dặm, vạn dặm trong núi, như u linh quỷ giới.
Đại Vu Hích theo lệnh Tần Vương, đưa tất cả xác lính vào lòng núi Thái Hành Sơn. Lập trận thu hồn, phá núi phong bế. Lại ban kiếm báu Ngư Trường làm vật trấn yểm, từ đấy núi Thái Hành sương tan gió giảm, có mưa có nắng, cỏ nảy thú về, dân chúng trở lại, an cư định nghiệp.
Bạch Ngân dứt lời toàn thân có chút suy kiệt, tựa như hao tốn khá nhiều tinh lực. Gương mặt đẹp phủ một lớp sương mờ u tối, vừa ảm đảm bi thương lại có chút sắc lạnh cô tịch. Toàn thân lởn vởn hắc khí, trong một thoáng, cảm tưởng mệt mỏi ngàn cân bao phủ thân hình mong mảnh của cô, là thân bất do kỷ, đồng dạng giống Âu Tử Dạ.
Đột nhiên Phong Linh đi tới bên tôi nhìn ngó tảng đá, hiếu kỳ hỏi nãy giờ nói chuyện với ai.
- Cậu lầm bà lầm bầm cái gì?
Hỏi xong gã lại xoay đầu nhìn bốn bề.
- Một mỹ nữ rất đẹp, nào, chụp cho tôi với cô ấy một tấm.
Dứt lời tôi đưa máy ảnh cho Phong Linh. Sau đó phẩy phảy tay ý bảo gã lùi lại, lại ngoắc ngoắc tay ra hiệu cho Bạch Ngân lại gần.
- Cậu không đùa đất chứ? Giai nhân mà tôi không thể nhìn thấy chẳng lẽ ám chỉ...
Tôi mỉm cười.
- Cứ chụp thử xem, coi trên hình có lưu được bóng dáng.
Phong Linh nhún vai chép miệng, ý là, được thôi.
- Vậy tôi chụp nhé?
Tôi không đáp, chỉ ra dấu OK.
Rất nhanh chụp xong, Bạch Ngân có chút kiệt sức, hóa thành làn khói chui vào con búp bê rối gỗ, âm thanh lục lạc nhẹ ngân nga bên khóa kéo túi xách.
Phong Linh xem ảnh trong máy, “Ồ” một tiếng kinh ngạc rồi tiến về phía tôi trả lại máy. Tôi cũng tò mò, không biết ảnh hiện ra thứ gì?
- Thế nào?
- Tự xem.
Tôi cầm lấy, trong ảnh cảnh đẹp như tranh, sắc trời xanh biếc, sắc nước long lanh, ngân quang loáng loáng, mai bay gió lùa.
Tôi thì không có gì phải nói, cái cần để ý là khối khí hắc ám lơ lửng kế bên. Căng mắt thì cũng nhìn ra đó là một cô gái, có điều mông mông lung lung như sương mờ khói ảnh, tụ tụ tan tan. Mặc dù biết bên cạnh là Bạch Ngân, cũng không tránh khỏi cảm giác không lạnh rét run.
Tôi vẫn giữ lại tấm ảnh, đổi chủ đề.
- Biết nước Trung Sơn cổ đại?
- Hả, tiểu vương quốc đó sao? Hình như chính là Hà Bắc bây giờ đó, như là năm 414 TCN Vũ Công dẫn dắt bộ tộc Tiên Ngu và Bạch Địch tới Thái Hành Sơn lập nước, đến năm 295 TCN thì bị Triệu quốc thôn tính.
Tôi gật gù, hỏi tiếp.
- Vậy còn Triệu Vũ Linh Vương?
- Ông ta hả, là người biến nước Triệu yếu ớt nhất trong lục quốc phân tranh thành cường quốc có khả năng uy hiếp Tần quốc.
- Trận Trường Bình?
- Trận Trường Bình? Là một trong những trận đánh lớn nhất thời Chiến Quốc, có thể nói là vụ thảm sát lớn chưa từng có trong lịch sử cổ đại Trung Hoa.
Quân Tần cắt đứt đường vận lương và chặn luôn viện binh của quân Triệu từ Hàm Đan tới tiếp ứng. Trong 46 ngày bị bao vây kín kẽ, quân Triệu không còn lương, quân sĩ tự giết hại lẫn nhau để tranh đoạt thức ăn.
Triệu Quát đường cùng, dùng một cánh quân tinh nhuệ phá vòng vây, bị quân Tần mai phục, cung nỏ như mưa bắn chết hết.
Quân Triệu không còn tinh thần chiến đấu, đều buông vũ khí đầu hàng.
Quân Triệu đầu hàng quá đông, Bạch Khởi và Vương Hột lập mưu lừa giết toàn bộ số quân hàng.
Sử sách nhận xét Bạch Khởi xông pha trận mạc suốt 37 năm, bách chiến bách thắng, trước sau đánh phá 4 nước chư hầu, chém đầu gần 100 vạn quân địch, hạ hơn 73 thành, đưa nước Tần trở thành nước bá chủ thời Chiến Quốc, khởi đầu cho việc thôn tính hoàn toàn 6 nước chư hầu, đi đến thống nhất Trung Hoa.
Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, rất ít tướng lĩnh nào có được tố chất khiển quân kiệt suất như ông, là tài năng quân sự phi thường. Các danh tướng đời sau chỉ có một người duy nhất có thể so sánh là Hoài Âm hầu Hàn Tín.
Phong Linh thao thao bất tuyệt xong, dừng lại nhìn tôi.
- Đang khảo nghiệm kiến thức lịch sử của tôi à? Liên quan tới cái hồ chàn lan thi thể, và cái hố chất đống xác lính như núi?
Tôi gật nhẹ xác nhận, nói với gã ta.
- Tôi có đọc một cuốn sách viết tay, của một lão quái nhân thích đi lang thang, sưu tầm điển tích trong thiên hạ. Lão cổ nhân ghi:
Công Tôn Khởi hành quân đánh trận hay làm trái nhiều điều trong binh pháp, thế nhưng quân Tần không hề bị suy giảm nhuệ khí mà luôn trong tình trạng hăng hái cuồng nhiệt.
Tính cả dân thường bị liên lụy thì ông ta đã giết hơn 200 vạn người. Quá hiếu sát tàn độc, trong các chiến dịch do ông chỉ huy hầu như quân địch không có người sống sót trở về.
Có một loại tà chú cổ xưa gọi là Qủy Tâm chú. Khi sử dụng lên thân thể những người có tà niệm cực mạnh, có thể ma hóa nó, trở thành công cụ thao túng đồng hóa được kẻ khác.
Ma tính của Công Tôn Khởi cường liệt tới mức, có thể tác động tới đám binh lính thân cận xung quanh, tựa như dịch bệnh. Sau mỗi trận chém giết, sự tàn ác được ma hóa như virút phát tán trong không khí, lại lan chàn xa hơn, mạnh hơn, chích độc tố vào đám binh sĩ, cuối cùng trở thành một đội quân chỉ biết giết chóc làm thú vui, cuồng tính chẳng khác ma quỷ nhập xác, phôn thệ linh hồn.