Thiết Huyết Đại Minh - Chương 252-1

Thiết Huyết Đại Minh
Chương 252-1: Thái tử thật giả (1)
gacsach.com

Không đợi Tôn Truyền Đình và các huân thích Nam Kinh rục rịch, thành Nam Kinh lại xảy ra một việc lớn!

Gần như trong vòng một đêm, trong ngoài thành Nam Kinh dán cáo thị truy nã, trên đó viết mấy chữ to tướng Phúc Vương có "Bảy điều không thể lập", "Bất hiếu, ngang ngược, can dự triều chính, tham, dâm loàn, say rượu". Trong nhất thời, toàn bộ thành Nam Kinh đều truyền đi những lời xì xầm bàn tán, đến người buôn bán nhỏ và vũ nữ thoát y trong Tiêu Dao Tiên Cảnh cũng đàm luận chuyện này.

Việc này lập tức chĩa mũi dùi về phía Phúc Vương Chu Do Tung.

Trong tài liệu xưa có nói, vào thời Minh, ngôn luận rất tự do, lời nói trong dân gian chỉ trích triều chính là chuyện thường có, hiện tượng này đặc biệt phổ biến ở Giang Nam văn phong cường thịnh. "Bảy điều không thể lập" của Phúc Vương liền truyền sang Dương Châu, Thường Châu, Hàng Châu, Tô Châu, Tung Giang và những nơi lân cận khác.

Có sự nhúng tay của phục xã Đông Lâm, sỹ tử các nơi đều liên danh dâng thư, phản đối lập Phúc Vương.

Lời nói của một sỹ tử có lẽ không đủ để thay đổi đại cục, nhưng hàng ngàn hàng vạn sỹ tử dâng thỉnh nguyện thư, sức ảnh hưởng đó không phải là nhỏ. Sử Khả Pháp cũng là người đọc sách, đương nhiên là y coi trọng thái độ của toàn bộ sỹ lâm đối với việc này, thái độ của y lập tức chuyển biến một trăm tám mươi độ, thiên về phía Lộ Vương.

Mấy lần Sử Khả Pháp hẹn gặp Mã Sỹ Anh, thử thương thảo về việc đổit hành lập Lộ Vương, nhưng thái độ của Mã Sỹ Anh lại rất kiên quyết, cho rằng hiền danh của Phúc Vương không dưới Lộ Vương. "Bảy điều không thể lập" chính là chuyện ăn không nói có, nên do phủ Ứng Thiên lập án điều tra, kiên quyết nghiêm trị kẻ đặt điều gây sự.

"Bảy điều không thể lập" của Phúc Vương xảy ra được ba ngày, Sử Khả Pháp lại triệu tập quan viên Nam Kinh bàn về việc lập tân quân. Điều khiến người phục xã Đông Lâm bất ngờ là, lần này Cao Hoằng Đồ và Tôn Truyền Đình cũng đến, còn có những huân thích trong thành Nam Kinh cũng không mời mà đến.

Sử Khả Pháp liền nhanh chóng sai người thêm ghế ngồi, mời Kiến An Vương Chu Thống Phả và các huân thích an tọa.

Chờ mọi người đã ngồi xuống, Sử Khả Pháp mới đứng dậy nói:

- Thường nói rằng nước không thể một ngày không có vua, nhu cầu cấp bách của bách tính Giang Nam là có một tân hoàng dẫn dắt mọi người chống chọi với lưu tặc, khôi phục Trung Nguyên. Hôm nay, các quan viên trong quan trường lưu đô từ lục phẩm trở lên đều đã đến đông đủ, các vị Vương gia, Hầu gia, Công gia và Bá gia cũng đều có mặt, vừa đúng lúc việc lập tân quân cần quyết định.

Vừa dứt lời, Binh bộ Tả thị lang Lữ Đại Khí liền đứng dậy nói:

- Hạ quan cho rằng đương nhiên là phải lập Lộ Vương.

Hộ bộ Thượng thư Cao Hoằng Đồ đột nhiên đứng dậy, phản bác:

- Bổn quan cho rằng phải lập Phúc Vương!

Lại bộ Thị lang Trương Phổ nói:

- Phúc Vương "Bất hiếu, ngang ngược, can thiệp triều chính, tham, dâm loàn, say rượu", có bảy điều không thể lập!

Tổng đốc Phượng Dương Mã Sỹ Anh vỗ án, giận dữ nói:

- Đó là việc ăn không nói có.

Lễ bộ Chủ sự Chu Tiêu nói:

- Trời yên há có thể nổi gió? Việc này há là chuyện muốn bịa đặt là có thể bịa đặt được hay sao?

- Ngươi!

Mã Sỹ Anh giận dữ nói:

- Bổn quan đề nghị, lập tức giao việc này cho phủ Ứng Thiên điều tra rõ, nhất định phải tra ra manh mối, tra ra kẻ đứng sau vụ việc này.

- Mã đại nhân!

Chu Tiêu dùng giọng điệu chính nghĩa, nói:

- Mười vạn sỹ tử Giang Nam đã liên danh dâng thư, kiến quyết chủ trương ủng hộ lập Lộ Vương, Mã đại nhân nói chuyện "Bảy điều không thể lập của Phúc Vương là có người sau lưng thao túng, hạ quan muốn hỏi ngược lại một câu, ai có năng lực này, có thể khiến cho mười vạn sỹ tử Giang Nam cúi đầu nghe theo?

- Chư vị đại nhân!

Chu Tiêu nói tiếp:

- Lòng dân là gì? Đây chính là lòng dân! Ý trời là gì? Đây chính là ý trời! Lòng dân không thể nghịch, ý trời không thể trái! Phúc Vương tham lam, dâm loàn, bất hiếu, ngang ngược, say rượu. Nếu để cho người như vậy ngồi trên giang sơn, Đại Minh chúng ta xong đời rồi!

- Khốn kiếp!

Mã Sỹ Anh giận dữ nói:

- Bổn quan sớm đã nói, "Bảy điều không thể lập" là chuyện ăn không nói có!

Tôn Truyền Đình đột nhiên đứng dậy, không để lỡ thời cơ, liền nói:

- Mã đại nhân nói phải, chuyện "Bảy điều không thể lập" của Phúc Vương quả là kỳ lạ. Nếu như Phúc Vương thật sự có làm những chuyện xấu đó, tại sao trước giờ chưa từng nghe phong thanh? Nếu người dán cáo thị không phải là kẻ có ý đồ khác, sao lại phải dùng trò tiểu xảo quỷ mị không thể cho người khác biết này?

Thần sắc của Sử Khả Pháp bỗng chốc trở nên ngưng trọng. Mã Sỹ Anh và Tôn Truyền Đình liên thủ, việc này không dễ xơi rồi.

Cao Hoằng Đồ vỗ án, trầm giọng nói:

- Bổn quan đề nghị, do phủ Ứng Thiên điều tra vụ việc này, bổn quan muốn xem xem, rốt cuộc là ai đứng sau lưng châm lửa thổi gió, làm bại hoại thanh danh của Phúc Vương/ Ngoài ra, trước khi điều tra ra manh mối của vụ án này, bổn quan đề nghị tạm hoãn tiến hành việc lập tân quân.

Mã Sỹ Anh nói:

- Bổn quan đồng ý với đề nghị của Cao đại nhân.

Tra rõ án này, khôi phục thanh danh của Phúc Vương có lợi đối với Mã Sỹ Anh, đương nhiên là y sẽ không phản đối.

Điều nằm ngoài dự liệu của Mã Sỹ Anh là, người trong phục xã Đông Lâm do Lữ Đại Khí, Tiền Khiêm Ích dẫn đầu cũng tỏ vẻ đồng ý. Kỳ thực điều này cũng không kỳ lạ, người của phục xã Đông Lâm đang âm thầm liên hệ với Tổng binh ba trấn Lưu Trạch Thanh, Cao Kiệt, Lưu Lương Tá, chuẩn bị chơi Mã Sỹ Anh một chiêu rút củi dưới đáy nồi, nên tạm hoãn việc lập tân quân có lợi đối với bọn họ.

Sử Khả Pháp bất đắc dĩ, cũng đành phải đồng ý tạm hoãn việc lập tân quân.

Ban đêm, nơi ở của Trương Phổ, người trong phục xã Đông Lâm lại hội họp lần nữa.

Trương Phổ giận dữ với Chu Tiêu:

- Trọng Ngự, đều là cái chủ ý quèn của ngài, khiến cho người ta đi dán cái cáo thị gì mà "Bảy điều không thể lập" của Phúc Vương. Giờ thì tốt rồi, Mã Sỹ Anh và Tôn Truyền Đình lại đi liên thủ với nhau, vạn nhất thật sự phải để cho phủ doãn phủ Ứng Thiên điều tra ra điều gì, thì thanh danh của phục xã Đông Lâm chúng ta xong cả rồi!

- Thiên Như (tự của Trương Phổ) huynh, đừng nóng nảy.

Chu Tiêu hớp ngụm trà, lạnh lùng nói:

- Trước hết đừng nói đến phủ doãn phủ Ứng Thiên nho nhỏ có lá gan để tra rõ việc này hay không, cho dù là có cái lá gan này, chờ đến lúc y tra ra chân tướng, thì khi đó đại cục đã định, ai còn dám giúp Phúc Vương lật lại bản án, hả?

Lời nói của Chu Tiêu không phải là không có lý, chỉ cần Lộ Vương lên ngôi, việc "Bảy điều không thể lập" của Phúc Vương dù là giả cũng trở thành sự thật!

Tiền Khiêm Ích nói:

- Trọng Ngự nói chí phải, việc cấp bách là phải nhanh chóng liên lạc với Tổng binh ba trấn Lưu Trạch Thanh, Cao Kiệt, Lưu Lương Tá, tạo áp lực đối với Mã Sỹ Anh và quan trường Nam Kinh!

- Còn có một chuyện, không thể không đề phòng.

Chu Tiêu đột nhiên nói:

- Hôm nay, Cao Hoằng Đồ, Tôn Truyền Đình có thái độ khác thường, còn tụ tập các huân thích trong thành đàm luận văn chương, khiến cho ta nghĩ đến một việc, đó chính là Thái Tử!

Trương Phổ nói:

- Sao lại nhắc đến Thái Tử?

Chu Tiêu nói:

- Thiên Như huynh, Mục Lão, các ngài nghĩ xem, Cao Hoằng Đồ và Tôn Truyền Đình vốn dĩ kiên trì muốn đợi Thái Tử về nối ngôi, nhưng hôm nay bọn họ sao lại nói giúp Phúc Vương vậy? Y đề xuất việc tạm hoãn lập tân quân, có lợi đối với kế hoạch của chúng ta, cho nên chúng ta đồng ý, nhưng các ngài có nghĩ thử chưa, giả như bọn họ đã ngấm ngầm nghe ngóng được hành tung của Thái Tử, mà còn đang phái người đưa Thái Tử về Nam Kinh thì sao? Các ngài ngàn vạn lần đừng có quên, có một nhân vật mấu chốt đến giờ vẫn chưa lộ diện!

Tiền Khiêm Ích tỏ vẻ sợ hãi, nói:

- Ý ngài nói là Đề đốc Nam Kinh Vương Phác!?

- Việc này không có khả năng lắm đâu nhỉ?

Trương Phổ không đồng ý, nói:

- Lưu tặc vào Kinh, làm sao có thể buông tha cho Thái Tử? Nếu như trước lúc lưu tặc vào Kinh, tiên đế đã có an bài, vậy thì Thái Tử cung đã sớm phải đến Nam Kinh rồi, nhưng sự thật là mãi đến hôm nay vẫn không có tin tức của Thái Tử. Điều này chỉ có một khả năng, đó chính là Thái Tử đã gặp chuyện bất hạnh rồi.

- Không, không sợ nhất vạn chỉ sợ vạn nhất!

Chu Tiêu lắc đầu nói: L

- Giả như Cao Hoằng Đồ và Tôn Truyền Đình thật sự mang Thái Tử trở về Nam Kinh, vậy thì tất cả nỗ lực của chúng ta đều sẽ đổ sông đổ biển hết. Đến lúc đó người của phục xã Đông Lâm chúng ta đừng nói đến chuyện nhập các phong tướng, chủ trì triều chính nữa, xử lý không tốt còn có thể bị thanh bại danh liệt cũng không biết chừng.

Trương Phổ nói:

- Vậy thì phải làm thế nào?

Chu Tiêu nói:

- Nếu như Cao Hoằng Đồ và Tôn Truyền Đình thật sự muốn mang Thái Tử về Nam Kinh, ắt sẽ đi theo đường thủy, chúng ta có thể âm thầm thông báo với Hoài An Lưu Trạch Thanh, và Dương Châu Cao Kiệt, bảo bọn họ giữa đường chặn lại, lúc cần thiết thì

Nói đoạn, Chu Tiêu đưa tay làm điệu bộ cắt cổ, đám người Tiền Khiêm Ích, Trương Phổ, Lưu Tông Chu đều biến sắc. Bất kể là thế nào, bọn họ đều chịu sự giáo dục của Nho giáo từ nhỏ, tín điều của Nho gia chính là tam cương ngũ thường. Đối với những thần tử như bọn họ mà nói, việc giết Thái Tử là đồng tội với hành thích vua, là tội tru di cửu tộc!

Nhưng đúng như lời của Chu Tiêu nói, chuyện đến nước này phục xã Đông Lâm cũng không còn lựa chọn nào khác.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3