Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Chương 17-18-19-20

17. em ơi nếu mộng không thành thì sao?

Sau tai nạn đó, tôi giận con Xin cả tháng trời.

Vô lớp tôi không nhìn mặt nó, nói chuyện lại càng không. Ngồi chép bài, nó vô tình chạm khuỷu tay tôi, tôi lập tức hất tay nó ra một cách lạnh lùng, thô bạo.

Tôi cũng không đến nhà nó chơi nữa, dù nhà nó có cái sân phơi thóc lớn gần bằng cái sân gạch nhà chị Vinh. Đó là một trong hai sân chơi của bọn trẻ con trong làng. Những đêm trăng sáng, nếu không qua nhà chị Vinh, tôi và lũ bạn lại tụ tập ở sân nhà con Xin chơi u, chơi bịt mắt bắt dê, chơi cướp cờ, chơi thả đỉa ba ba… đến khuya lơ khuya lắc, lần nào cũng đợi ba mẹ xách roi đi tìm, tụi tôi mới co giò chạy tứ tán và men theo các bờ giậu chuồn về nhà.

Con Xin biết tôi giận nó, nó buồn lắm.

Thỉnh thoảng liếc qua bên tay phải, tôi hả hê thấy mặt nó như sắp khóc, những nốt tàn nhang lấm tấm trên gò má nó như đang run lên.

Đôi lúc nhìn vẻ thẩn thờ của nó, lòng tôi không nén được cảm giác nao nao nhưng tôi nhất quyết không chịu làm hòa.

Lúc tôi vác bộ mặt đẫm nước mắt quay về chỗ ngồi sau khi bị thầy Nhãn trừng phạt, con Xin đã lo lắng quay sang tôi, giọng ngập tràn hối hận:

- Mình xin lỗi bạn nhé. Mình không ngờ thầy Nhãn lại phạt bạn.

- Xin lỗi cái đầu mày! - Tôi điên tiết - Mày nghĩ sao mà đem lá thư của tao nộp cho thầy vậy hả?

- Mình có nghĩ gì đâu. Mình tưởng bạn chọc phá mình nên mình méc với thầy thôi.

- Mày đui hả? - Tôi càng cáu - Tao chọc phá mày hồi nào?

Con Xin sợ xanh mặt, chắc nó thấy quai hàm tôi bạnh ra như sẵn sàng nhai xương nó. Nó cụp mắt xuống, ấp úng:

- Thế bạn gửi lá thư đó cho mình làm gì?

Tới đây thì tôi tắc tị. Tôi không biết phải giải thích với nó như thế nào. Tôi đoan chắc chị Vinh không bao giờ hỏi chú Đàn một câu ngu ngốc như thế.

- Mày đúng là đồ con nít! - Cuối cùng, tôi thở hắt ra, giận dỗi tuyên bố - Tao không chơi với mày nữa!

Đúng ra thì tôi không giận con Xin lâu như thế. Tôi biết nó không cố tình hãm hại tôi. Nhưng những lời chọc ghẹo của lũ bạn trong lớp khiến tôi không thể ép mình làm hòa với con Xin được.

Gặp tôi ở đâu là những cái mồm độc địa lại nghêu ngao: “Bà già lấy le ông già / Chiều chiều dắt ra bờ sông…”.

Ngay cả thằng Sơn cũng ra rả khoét vào vết thương lòng của tôi: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao / Mu chai thuốc chuột uống vô cho rồi đời”.

Suốt một thời gian dài như vậy.

 

18. thầy Nhãn

Tôi chỉ hết giận con Xin từ ngày thầy Nhãn xách con roi mây đi lùng sục chú Đàn và chị Vinh.

Thầy đi lòng vòng ngoài hè nhà tôi, miệng sang sảng:

- Thằng Đàn đâu, ra đây tao bảo!

Lúc đó là buổi tối, tôi và thằng Tường đang ngồi chồm hổm dưới nền nhà.

Cả hai đang ngóc đầu nhìn vô gầm giường gọi con Cu Cậu ra ăn cơm vãi thì giọng thầy Nhãn bất thần dội vào tai rào rào như vãi đạn.

Ăn cơm xong, mẹ tôi qua nhà bà tôi để bàn chuyện chuẩn bị đám giỗ ông nội tôi nên chỉ có hai anh em tôi ở nhà.

Bụng thắt lại, hai đứa tôi sợ hãi ngó nhau.

- Mày biết chú Đàn ở đâu không? - Tôi thì thầm.

Tường lo lắng không kém gì tôi. Giọng nó bẹt đi như phát ra từ một cái loa bị hỏng:

- Giờ này chắc chú Đàn và chị Vinh đang ngồi ngoài bờ mương.

Cái mương Tường nói nằm ngay sau nhà thầy Nhãn, kế ruộng lúa. Tôi và nó thỉnh thoảng vẫn qua đó câu cá và soi bờ chắn giữa các đám ruộng để đặt lờ.

Tôi nói, và nghe ruột gan đang tan ra:

- Ngồi chơi ngoài đó, thầy Nhãn bắt gặp thì chết!

- Anh đừng lo! - Tường trấn an tôi bằng giọng run run - Thầy Nhãn làm ầm thế này, chú Đàn và chị Vinh đã kịp bỏ chạy rồi.

- Thằng Đàn nấp đâu? - Tiếng thầy Nhãn lại vang lên lồng lộng ngoài sân - Tao mà tóm được thì mày chết với tao!

Tôi rúm người lại, tâm trạng lúc đó chẳng khác nào một anh lính nhút nhát đang bị bao vây. Đã thế, súng hết đạn, dao găm lại rơi đâu mất trong khi quân địch loa kèn ầm ĩ, sắp sửa tấn công.

Quân địch tấn công thật. Hò hét một hồi không thấy động tĩnh gì, thầy Nhãn ập vào nhà như một cơn bão. Giọng thầy ầm ầm, có cảm giác mái nhà rung rinh sắp sập xuống:

- Mày dắt con Vinh trốn đâu rồi hả Đàn?

Thầy đứng giữa nhà, giận dữ quét mắt sang phải sang trái, tôi thấy rõ gò má thầy giần giật, và nếu lúc đó người thầy đột ngột bốc khói tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.

Bắt gặp tôi và Tường đang ngồi thu lu dưới đất, thầy gằn giọng:

- Hai đứa bây ngồi đây làm gì? Có đứa nào thấy thằng Đàn đâu không?

Tôi nuốt nước bọt, cố tỏ ra ngoan ngoãn:

- Thưa thầy, con không biết ạ.

- Hừm, không biết!

Gầm gừ một câu, nhác thấy thằng Tường thầy sực nhớ ra tội đồng lõa của thằng này, liền cáu tiết vung roi vụt lên lưng nó:

- “Chim xanh” nè!

Thầy ra tay nhanh và mạnh đến mức Tường không kịp né. Tôi nghe một tiếng “bộp” và thấy thằng Tường giật nảy một cái, nó không kêu lên tiếng nào nhưng trông bộ tịch biết là đau lắm.

Đang điếng người, tôi chợt thấy thầy lia mắt sang tôi. Trong ánh đèn, tôi vẫn kịp thấy mắt thầy vằn những gân đỏ. Nhờ vậy tôi kịp vọt mình ra cửa trước khi ngọn roi của thầy quất xuống kèm theo tràng mắng mỏ:

- Còn thằng này nữa! “Gió mưa là bệnh của trời” nè!

Sau lần đó, tôi hiểu ra hôm trước thầy Nhãn bẹo tay tôi đau điếng không phải vì thầy ghét bỏ gì tôi mà vì thầy đang tức chú Đàn.

Chắc thầy đã đọc được hai câu thơ Nguyễn Bính trong lá thư chú Đàn gửi cho chị Vinh. Hành động của con Xin chỉ vô tình kích nổ quả bóng giận dữ trong lòng thầy thôi.

 

19. thầy Nhãn đánh chú Đàn

Tôi nhớ hồi tôi tám tuổi, có một lão thầy bói ghé vào nhà tôi xin nước uống.

Áo quần bạc phếch, dáng người gầy gò khắc khổ, râu cằm ngắn và thưa, mặt mày xám xịt như suốt đời chỉ xực củ cải muối, lão ngồi tréo chân trên ghế uống từng ngụm nước trong chiếc ca nhựa vừa đưa mắt ngắm nghía hai anh em tôi.

Ca nước đó tôi chỉ uống vài tợp là hết, nhưng lão ngồi uống tì tì cả buổi. Trong khi uống, lão chẳng hé môi tiếng nào.

Nhưng trước khi đi, lão chỉ tay vào tôi, gật gù nói với mẹ tôi:

- Thằng bé này cẩn thận kẻo sau này chết đuối!

Tôi nghe lão phán, chẳng có cảm xúc gì nhưng mẹ tôi mặt xanh như tàu lá. Trán mẹ tôi chỉ giãn ra khi lão nói thêm:

- Qua mười tám tuổi, nếu không chết sông chết suối thì nó sẽ sống rất thọ.

Lão quay sang thằng Tường, ngoẹo cổ nhìn:

- Còn thằng bé này đẹp quá, nên bị con tạo ganh ghét. Số nó vất vả, nhưng có quý nhân phò trợ. Bà đừng lo, đời nó gặp nhiều tai nạn nhưng rốt cuộc đều vượt qua được hết.

Tôi chẳng biết những gì lão thầy bói phán chính xác được bao nhiêu phần trăm. Nhưng riêng chuyện thằng Tường gặp nhiều tai nạn thì bây giờ nhớ lại, tôi công nhận là lão nói đúng.

Thằng Tường hết bị ba tôi vụt gậy vô người đến bị tôi ném đá vỡ đầu, bây giờ lại bị thầy Nhãn nổi cộc quất roi lên lưng, toàn tai bay vạ gió.

Tôi nghịch ngợm hơn nó, quậy phá hơn nó, lại chuyên bày trò, nhưng nhờ nhanh chân nên hầu như trận đòn nào tôi cũng thoát.

Bữa đó tôi nấp ngoài hè một lúc lâu, đợi thầy Nhãn ra về mới rón rén chui vô.

Thằng Tường vẫn ngồi dưới đất. Nó và con Cu Cậu đang đối diện nhau. Con cóc mải đớp mồi còn nó mải khóc.

Nhìn nó thút thít, tôi cầm lòng không đậu. Tôi ngồi xuống bên cạnh, ôm vai nó, dỗ:

- Nín đi, em!

Xưa nay tôi vẫn gọi Tường bằng “mày”. Tự nhiên nghe tôi gọi nó bằng tiếng “em” ngọt lịm, Tường mủi lòng lại càng nức nở.

Tôi rờ tay lên lưng nó, nhẹ nhàng và thận trọng như chạm vào thứ gì dễ vỡ:

- Đau lắm hả em?

- Bớt đau rồi, anh Hai. - Tường sụt sịt.

- Thế sao em khóc hoài vậy?

- Ai biểu thầy Nhãn vô cớ đánh em. - Tường ngước gương mặt nhòe nhoẹt lên nhìn tôi, nó chùi nước mắt bằng cả hai tay, ấm ức đáp - Khi bắt quả tang em đem thư cho chị Vinh, sao lúc đó thầy Nhãn không đánh em, bây giờ lại đánh?

Tôi thờ dài:

- Không phải thầy Nhãn đánh em đâu. Thầy đánh chú Đàn đó.

 

20. mùa bắt ve sầu chưa tới

Thầy Nhãn đánh chú Đàn nhưng chú Đàn chẳng hề hấn gì. Trong khi đó lưng thằng Tường bầm tím.

Sáng hôm sau tôi vén áo nó lên xem, thấy vết bầm đã nhạt đi nhưng vẫn còn con lươn xanh mờ vắt ngang lưng nó.

- Tường nè. - Giọng tôi chùng xuống.

- Gì hở anh?

- Sắp đến mùa hè rồi đó.

- Dạ.

- Khi nào mùa hè tới, lũ ve sầu trở lại, tao sẽ dẫn mày đi rình bắt ve ve.

- Ôi, thích quá! Bắt bằng mủ mít hả anh?

- Ờ, bằng mủ mít. Tao sẽ vót hai cái que thật dài. Mày một cái, tao một cái. Rồi mình bôi mủ mít lên đầu que.

- Em biết rồi. Như năm ngoái chứ gì!

Năm ngoái hai anh em tôi trưa nào cũng dọ dẫm ven bờ rào rình bắt ve ve dưới cái nắng chói chang. Nắng mùa hè rơi xuống từng bưng, hong vàng lá gòn nhà ông Ba Huấn, lá nhãn lồng nhà thầy Nhãn, lá vú sữa trong vườn nhà bà tôi và hong vàng tóc hai anh em tôi.

Chiều nào đi bắt ve về, mặt mày tôi và Tường cũng đỏ lơ đỏ lưỡng, đầu tóc xác xơ và đỏ quạch như hai cây chổi rơm. Mẹ tôi la một trận, dọa méc ba khiến tôi và Tường sợ xanh mặt nhưng qua hôm sau hai anh em lại trốn ngủ trưa lẻn ra sau hè cầm que đi rảo dọc các bờ rào để ngóng tìm lũ ve đang đồng ca râm ran trên các tàng cây.

Nhưng mùa hè năm nay không hoàn toàn giống hệt mùa hè năm ngoái. Năm ngoái, và những năm trước nữa, người vót que luôn luôn là thằng Tường.

“Anh Hai học bài đi, để em làm cho!”, thằng Tường luôn nói thế khi vung vẩy cây rựa trên tay. Những lúc như vậy tôi sung sướng để mặc nó lo liệu mặc dù thi học kỳ hai xong, tôi chẳng còn bài gì để học, chỉ mải chơi.

Nhưng mùa hè năm nay, tôi sẽ giành phần vót que. Tôi muốn bù đắp cho nó. Thầy bói đã nói rồi, số nó vất vả, gặp nhiều tai nạn. Tôi muốn gánh cho em tôi một phần vất vả, và trong những chuyện vất vả thì chuyện ít vất vả nhất là vót que đi rình bắt ve sầu.

Nhưng cây phượng trước sân nhà chị Vinh chưa trổ hoa, mùa hè còn lâu mới đến. Tôi tặc lưỡi nhìn Tường:

- Bây giờ tao sẽ đi tìm cỏ gà giùm mày.

- Chơi đá gà hở anh?

- Ừ.

- Em biết chỗ nè. - Tường reo lên - Để em dẫn anh đi.

Nói xong, Tường nắm tay tôi kéo ra khỏi nhà, lần về phía giếng đá sau vườn.

Tôi lẽo đẽo đi theo nó, lòng buồn thỉu buồn thiu. Bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần tôi động lòng định giúp Tường điều gì thì y như rằng người được giúp cuối cùng lại là tôi. Hoài hoài như vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3