Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Chương 57-58-59-60

57. thằng Dưa

Những gì ba đứa tôi nghe thấy trong ngày hôm đó giống như một mồi lửa, rất thích hợp để châm ngòi cho một cuộc tranh cãi.

Thằng Tường hỏi ngay, khi thầy Nhãn vừa ra khỏi nhà:

- Anh tin chuyện đó không, anh Hai?

- Chuyện gì?

- Chuyện chú Đàn và chị Vinh rủ nhau trốn khỏi làng.

Tôi chưa kịp đáp, con Mận đã giành trả lời:

- Mình không tin. Thằng Dưa bảo chính mắt nó trông thấy chị Vinh bị lũ cuốn mà.

- Nhỡ thằng Dưa bịa chuyện thì sao?

- Nó bịa chuyện để làm gì?

Tường xộc mười ngón tay vào mái tóc, bối rối đáp:

- Làm sao em biết được.

Nó nói tiếp, khẽ liếc con Mận bằng ánh mắt của người vừa biết mình phạm sai lầm:

- Em chỉ nói “nhỡ” thôi mà.

Con Mận tặc lưỡi, giọng khôn ngoan:

- Nếu thằng Dưa bịa chuyện, thầy Nhãn đã biết rồi. Thầy gạn hỏi nó hàng buổi mà có phát hiện điểm gì khả nghi đâu.

- Thầy Nhãn không nghi nhưng tao nghi. - Tôi nhún vai, cảm thấy mình không thể làm thinh được nữa - Nếu chị Vinh bị lũ cuốn thật thì chú Đàn không tươi tỉnh đến vậy.

Có vẻ trí nhớ của con Mận bị câu nói của tôi đánh thức. Nó nhanh nhẩu phụ họa, quên ngay nhận định hùng hồn của mình vừa rồi:

- Ờ há! Mình nhớ tối hôm đó chú Đàn chẳng tỏ ra đau khổ chút xíu nào hết.

Thằng Tường nghệt mặt nhìn tôi:

- Vậy là thằng Dưa bịa chuyện hở anh?

- Tao không biết. Tao và mày đi kiếm nó hỏi xem!

Tôi và Tường bắt gặp thằng Dưa bên bờ suối Lồ Ồ. Nó đang chí chóe giành nhau với mấy đứa nhóc trong làng vị trí gần bờ suối nhất để đứng xem người ta đắp đường.

Trong khi chờ sửa cầu, cần có một con đường vắt qua suối để giải quyết chuyện lưu thông trên đường lộ. Xe đò phía trong chạy ra, phía ngoài chạy vô, đổ khách và hàng hóa xuống bên này đầu cầu. Hành khách mang đồ đạc theo con đường đất tạm bợ lội bộ qua đầu cầu bên kia, leo lên xe đò đi tiếp, gọi là “sang xe”.

Con đường đất lúc này đắp đã gần xong, người lớn trẻ con đứng trên bờ xem như xem hát.

Tôi vòng ra sau lưng thằng Dưa, đập tay lên vai nó:

- Nè.

Dưa quay lại, thấy tôi, liền gầm gừ:

- Tao xí chỗ trước, mày không được giành à nghe!

Tôi bĩu môi:

- Tao thèm giành.

Tôi giật áo nó:

- Mày ra đây tao nói chuyện này hay lắm.

- Chuyện gì vậy? - Cặp mắt thằng Dưa láo liên, vẻ cảnh giác.

- Thì mày ra đây đi!

Sau một thoáng ngần ngừ, Dưa bước theo tôi lại chỗ bờ ruộng thằng Tường đang ngồi đợi. Nhác thấy Tường, thằng Dưa lập tức khựng lại, lo lắng:

- Hai anh em mày định làm gì?

- Mày yên tâm đi! - Tôi trấn an thằng Dưa - Tao dắt em tao tới đây để làm nhân chứng thôi.

- Nhân chứng? - Dưa mở to mắt, vẫn chưa hiểu tôi muốn nói gì.

Tôi đá chân vào bờ thửa, cười khảy:

- Tao nói cho mày biết, em tao là “chim xanh” của chị Vinh và chú Đàn tao đó.

- Chim xanh? - Thằng Dưa ù ù cạc cạc, cái cách nó nhìn tôi như thể tôi vừa nói tiếng Ả Rập.

- “Chim xanh” tức là người đưa thư đặc biệt. - Tôi nhếch mép giải thích - Xưa nay chú Đàn tao và chị Vinh gửi thư cho nhau, toàn do một tay thằng Tường.

Tới đây, Dưa bắt đầu ngờ ngợ, có vẻ nó đã đoán được mối quan tâm của tôi. Mặt nó bất giác lộ vẻ xao xuyến:

- Nhưng chuyện đó thì liên quan gì tới tao?

- Liên quan hay không thì mày tự hiểu. - Tôi hừ mũi - Tao chỉ muốn cho mày biết là bất cứ bí mật gì chú Đàn tao cũng kể cho thằng Tường nghe hết á.

Thằng Dưa tránh ánh mắt của tôi. Nó nhìn lên trời, nói “Ờ há”.

Lần này tôi không sút vào bờ đất. Tôi đá vào chân thằng Dưa:

- “Ờ há” cái gì! Mày khai thật đi! Tại sao mày bịa ra chuyện chị Vinh chết đuối?

Dưa bị tôi bắt nọn, mặt bợt đi:

- Tao nói, tụi mày không được kể lại với ai đấy nhé!

Tôi mừng rơn, nhưng ngoài mặt vẫn ra vẻ bất bình:

- Chuyện này liên quan đến chú tao, ngu gì tao kể!

Chính quan hệ “chú cháu” này đã dọa thằng Dưa sợ đến mất trí. Nó quên rằng nếu có chuyện gì chú Đàn cũng tâm sự với thằng Tường thì hai anh em tôi chẳng cần phải nhọc công tra hỏi nó làm chi.

Bữa đó có bao nhiêu bí mật thằng Dưa dốc tuột ra hết. Như thể nó đang lộn trái một cái túi và giũ mạnh. Tôi và thằng Tường nhặt nhạnh những mẩu bí mật đang tung tóe của nó và ghép lại thành câu chuyện động trời này: Chị Vinh đã cho thằng Dưa tiền để nó phao tin chị chết đuối. Chị Vinh giữ vai trò tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, thằng Dưa là diễn viên, chỉ lặp lại những gì chị mớm cho nó. Hèn gì cả làng bị lừa và thầy Nhãn xoay thằng Dưa như đèn cù vẫn không tìm ra sơ hở trong những lời bịa đặt của nó!

Lúc này lòng tôi đã nhẹ nhõm lắm.

- Chị Vinh cho mày nhiều tiền không? - Tôi nhìn thằng Dưa, cười hỏi.

- Tao giúp chị Vinh không phải vì tiền. - Thằng Dưa ngoảnh mặt đi - Chị Vinh thương tao nhất. Tao cũng thương chị Vinh nhất.

- Ai bảo mày vậy? - Tôi đập tay lên ngực - Chị Vinh thương tao nhất. Mày chỉ được thương nhì thôi!

Dưa tính ngoác miệng cãi, tôi nhìn thấy quai hàm nó động đậy, nhưng rồi nó chẳng nói gì, chỉ làm thinh chạy về phía bờ suối. Chắc nó sực nhớ ra tôi là cháu của chú Đàn. Chị Vinh thương chú Đàn, đương nhiên thương cháu của chú nhất.

 

58. những ngày đói

Sau lũ, làng lâm vào đói kém.

Làng tôi là làng nghèo, ba tôi không kiếm được việc làm phải bỏ đi làm ăn xa. Ở thành phó công việc của ba tôi cũng rất bấp bênh. Toàn việc thời vụ, bữa có bữa không, lương công nhật chỉ đủ cho ba tôi sống qua ngày để chờ thời.

Nghe tin lũ, ba tôi về nhà vài ngày, lợp lại mái tranh, đắp lại cái nền, dựng lại giàn mướp. Rồi vội vã đeo túi ra đi, chẳng thiết tha đặt vè cho con nít hát trêu hay la cà nhà này nhà nọ kể chuyện Tiết Đinh San và Phàn Lê Huê như trước nữa.

Tôi có thể nhìn thấy sự đói kém hiển hiện từng ngày trong mâm cơm. Nồi cơm lưng hơn. Thức ăn ít đi. Cá thịt thưa thớt dần, có hôm mất tích hẳn. Thỉnh thoảng có bữa tôm rang thì con nào con nấy mặn chát, muối bám quanh con tôm trắng xóa như tuyết. Chỉ với một “con tôm tuyết” đó, tôi có thể ăn ba chén cơm.

Dĩ nhiên tôi, thằng Tường và con Mận không hề than vãn nhưng nhìn vẻ mặt kém tươi của tụi tôi, có lẽ mẹ tôi nghe được những tiếng thở dài chạy quanh mâm cơm và cảm giác đó khiến bà vô cùng xót ruột.

Đó là lý do ông Tư Cang rủ mẹ tôi theo xe tải đi buôn, mẹ tôi đồng ý ngay.

Những ngày này người có vốn liếng kha khá thì dựng lều hai bên đầu cầu bán nước ngọt, trứng gà, bánh mì, bánh ít, bánh ú, kẹo mè, kẹo đậu phộng cho khách sang xe. Người ít vốn hơn thì trải tấm ni-lông bên vệ đường hoặc cắp thúng vô nách đi bán rao dọc các dãy xe đậu nối đuôi nhau.

Một hôm thằng Tường đi hái măng tre ngoài suối, lượm được một miếng kim loại màu vàng, chạy ù về khoe tôi với con Mận.

- Em nhặt được cái này nè, anh Hai!

Tôi cầm lấy miếng kim loại săm soi, rú lên:

- Đây là vàng! Vàng mày ơi!

Mặt thằng Tường sáng trưng:

- Vàng thật hả anh?

- Thật mà. - Tôi gật đầu, hân hoan - Tao đã thấy vàng một lần rồi. Thằng Sơn từng đánh cắp vàng của ba nó cho tao xem. Đây đúng là vàng!

Đôi mắt Tường long lanh:

- Miếng vàng này nhiều tiền lắm hả anh?

- Nhiều lắm! Rất, rất là nhiều!

- Một triệu không?

Tường lại hỏi, trong ý nghĩ của nó, một triệu là số tiền hết sức khổng lồ. Tôi cũng vậy thôi, chỉ đọc thấy số tiền triệu ghi đằng sau tờ vé số chứ chưa nhìn thấy bằng mắt bao giờ.

- Ờ, một triệu. - Tôi tặc lưỡi nói thêm - Có khi nhiều hơn!

- Mười triệu hở anh?

- Ờ, mười triệu.

Tường vỗ tay reo, cứ như thể nó đang bỏ số tiền đó trong túi áo:

- Hay quá! Vậy là nhà mình hết nghèo rồi!

Tôi sung sướng không kém gì nó:

- Ừ, từ nay nhà mình giàu to. Giàu hơn nhà ông Ba Huấn. Tao sẽ nói ba mình xây nhà ba tầng, cao hơn nhà thằng Sơn.

- Mua xe ôtô nữa anh há? Nhà thằng Sơn không có ôtô. - Tường háo hức phụ họa.

Tôi hào phóng:

- Dĩ nhiên rồi. Sẽ mua ôtô.

Lúc đó tôi vẫn chưa biết được cảm giác của con nhà giàu là như thế nào, nhưng nghĩ đến cái gì cũng hơn nhà thằng Sơn tôi thấy lòng lâng lâng khó tả.

Tường đặt tay lên vai con Mận:

- Mình chia tiền cho chị Mận nữa chứ anh? Để nhà chị Mận cũng giàu như nhà mình.

À, tôi quên khuấy mất chuyện đó. Đề nghị của Tường hết sức hiển nhiên. Lẽ ra tôi đã gật đầu ngay và hớn hở nói “Đúng rồi”. Nhưng tôi bỗng cụt hứng khi ánh mắt tôi bắt gặp bàn tay thằng Tường trên vai con Mận.

Cứ như có một mũi dao vừa chọc thủng quả bóng mộng mơ trong tôi khiến niềm vui nhà giàu xẹp đi nhanh chóng. Tôi để rơi ánh mắt xuống mũi chân, gượng gạo nói:

- Ừ.

Con Mận hiểu thái độ của tôi theo cách của nó, giọng nó buồn thiu:

- Mình không cần đâu. Mẹ mình vừa bán nhà, mẹ mình có tiền rồi.

- Mày ngu quá! - Tôi quắc mắt, nổi giận một cách vô cớ - Tiền bán nhà thì đâu có bao nhiêu. Miếng vàng này thừa sức mua mười căn nhà của mày.

Thằng Tường nơm nớp hỏi:

- Thế mình vẫn chia tiền cho chị Mận phải không anh?

Tôi nổi điên lên với cả thằng Tường, mặc dù lúc này nó đã bỏ tay khỏi vai con Mận:

- Lại thêm một đứa ngu nữa! Không chia tiền cho nó thì chia cho ai!

 

59. vàng

Như thỉnh thoảng vẫn xảy ra, ngày hôm đó tự nhiên dài lê thê. Mặt trời dường như đứng yên.

Thằng Tường chốc chốc lại chạy ra giữa sân, đứng đo bóng nắng, rồi chạy vô thông báo:

- Bóng em dài thêm một khúc nữa rồi. Chắc mẹ sắp về.

Còn tôi cứ vài phút lại chạy ra đường lộ, ngóng từng chiếc xe tải. Nhưng mẹ tôi vẫn không thấy tăm hơi.

Ông Tư Cang buôn quế, nhờ vốn liếng của một người quen cũng đang buôn loại hương liệu này. Mẹ tôi không có tiền, chỉ buôn củi.

Mẹ tôi theo xe đi từ sáng sớm, chiều tối lại theo xe về.

Mẹ tôi ra các vựa củi miệt ngoài, mỗi lần về chở theo một mét khối củi nguyên. Sau đó, mẹ tôi, thằng Tường và con Mận hì hục chẻ từng súc củi lớn thành những thanh nhỏ, nhiệm vụ của tôi là bó lại từng bó, bán cho các nhà trong làng.

Từ ngày mẹ tôi theo ông Tư Cang đi buôn, bữa ăn đã có thêm thịt. Cứ vài ngày, mẹ tôi lại xách về một con gà. Có thể đó là toàn bộ số tiền lãi của mẹ tôi. Đi buôn như vậy chẳng khấm khá gì, chỉ là lấy công làm lời. Nhưng mẹ tôi có lẽ chỉ mong có thế. Ngắm những cặp mắt sáng rực của ba đứa tôi trước đĩa thịt gà bày giữa mâm cơm, đó là niềm hạnh phúc của bà trong những ngày khó khăn đó.

Nhưng hôm nay tụi tôi ngóng mẹ không phải để chờ nghe tiếng gà kêu quang quác trong tay bà như mọi lần.

Tôi và thằng Tường thay phiên nhau chạy ra chạy vô vì nóng lòng khoe với mẹ tôi gia tài to lớn thằng Tường vừa nhặt được. Miếng vàng mỏng manh đó trong hình dung của tôi cũng lung linh và màu nhiệm chẳng khác nào chiếc đũa phép của các bà tiên trong những câu chuyện cổ tích thằng Tường hay kể tôi nghe. Ai được chiếc đũa đó chạm vào người, cuộc đời sẽ lập tức thay đổi, ba tôi sẽ không còn lang thang một cách vô vọng trên thành phố và mẹ tôi không phải sớm tối vất vả đi về.

Tôi chạy ra đường lộ đến lần thứ ba mươi hay hơn một chút gì đó thì chiếc xe tải quen thuộc đỗ lại trước cổng và mẹ tôi bước xuống với chiếc lồng gà trên tay. Ông Tư Cang và chú tài xế giúp mẹ tôi lăn những khúc củi tròn xuốn vệ đường.

Mẹ tôi nhìn thấy tôi, bây giờ đã có thêm thằng Tường và con Mận đứng nhấp nhổm bên cạnh sau khi tôi quay mặt vào nhà hét lớn “Tường ơi, Mận ơi! Mẹ về”.

- Tụi con ra đây làm gì vậy? - Mẹ tôi hỏi, giọng trách móc nhưng ánh mắt lại lộ vẻ trìu mến.

- Mẹ ơi! Nhà mình sắp giàu rồi! - Tôi chưa kịp đáp thì thằng Tường đã hớn hở la lớn, vừa nói nó vừa giơ miếng kim loại lên khỏi đầu khua rối rít.

Tiếng động cơ xe tải nổ ầm ĩ khi phóng đi át tiếng hét của thằng Tường nên mẹ tôi không nghe rõ thông báo quan trọng của nó.

Chỉ đến khi đi vào trong sân, mẹ tôi mới biết lý do tại sao ba đứa tôi nôn nao chờ bà về đến vậy khi tôi hào hứng lặp lại câu nói của Tường:

- Nhà mình sắp giàu rồi, mẹ ơi!

Tôi nghĩ là lần này mẹ tôi nghe rõ nhưng có lẽ bà chưa chuẩn bị tinh thần để đón nhận một tin vui bất ngờ như vậy nên trông bà có vẻ ngơ ngác. Hình như bà nghĩ tôi nói nhầm hoặc là bà nghe nhầm.

- Con nói gì hả con? - Mẹ tôi nhìn tôi, mắt nheo lại như chói nắng.

Tôi nói, mặt tươi hơn hớn:

- Hồi trưa thằng Tường lượm được cục vàng ngoài suối.

- Mẹ xem này! - Tường sung sướng đặt miếng kim loại vào tay mẹ tôi - Nhà mình sắp tới giàu hơn nhà ông Ba Huấn, mẹ há!

Mẹ tôi cầm lấy miếng kim loại, đưa lên mắt quan sát trong khi tụi tôi hồi hộp quan sát sự quan sát của bà.

- Nhà mình chia tiền cho nhà chị Mận nữa nha mẹ.

Thằng Tường nhắc, có vẻ nó không quên được con Mận, điều đó làm tôi thấy tưng tức.

- Ừ. - Mẹ tôi đưa miếng kim loại lại cho Tường, mỉm cười - Nhưng đây là đồng chứ không phải vàng, con à. Bán không ai mua đâu!

Có lẽ mãi mãi về sau này tôi không bao giờ quên được cảm giác hụt hẫng của tôi (và của cả thằng Tường lẫn con Mận nữa) lúc đó. Cứ như thể tụi tôi sắp đến được thiên đường mơ ước thì cửa thiên đường đột ngột đóng sập lại.

Ba đứa thẫn thờ quay sang nhìn nhau và y như nhìn vào gương, mỗi đứa này đều bắt gặp vẻ đau khổ, bẽ bàng của mình trên gương mặt của những đứa kia và tâm trạng tồi tệ đó kéo dài trong nhiều ngày liền.

 

60. miếng vỏ quế

Tôi có ra nhà con Xin chơi một lần, trong những ngày u ám đó.

Bọn trẻ con thiếu ăn, lười chạy nhảy nên khoảng sân gạch nhà con Xin dạo này thưa người hẳn.

Tôi ghé nhà con Xin cũng không phải để chơi u, chơi thả đỉa ba ba như mọi lần. Tôi muốn tặng cho nó một miếng vỏ quế.

Đối với tụi tôi, được ngậm một miếng vỏ quế thơm lừng là điều tuyệt vời, không dễ gì có được. Mỗi lần ai cho một miếng vỏ quế, tôi chỉ dám cắn từng mẩu be bé rồi ngậm thật lâu trong miệng để hít hà. Vị quế cay cay, hăng hăng, ngòn ngọt, ăn xong hơi thở vẫn còn thơm ngát.

Được ông Tư Cang cho một mẩu vỏ quế, tôi bỏ trong túi áo định để dành cho con Mận. Nhưng thèm quá, tôi không nhịn được, cứ chốc chốc lôi ra gặm một tí. Tôi chỉ gặm ngoài rìa thôi. Gặm vòng quanh một hồi, đến lúc mẩu vỏ quế tròn quay như đồng xu, tôi quyết địh chạy đi kiếm con Mận.

Tôi ra sau hè, thấy nó và thằng Tường đang vai kề vai chúi đầu vào một cuốn sách gì đó. Hình ảnh đó khiến tôi tức sôi, mẩu vỏ quế đã lấy ra cầm tay rồi, tôi nhét vào lại túi áo.

Tôi chẳng thèm tặng con Mận nữa.

Chiều đó tôi hậm hực chạy ra nhà con Xin.

Lúc tôi đến, con Xin cùng mấy đứa nhóc đang chơi trò rồng rắn lên mây. Tôi nhanh nhẹn chạy lại nhập bọn, cố tình đứng ngay sau nó.

Chạy qua chạy lại một lát, tôi khều nó:

- Xin nè.

- Gì hở Thiều?

Con Xin hỏi, từ đầu đến cuối nó không hề quay đầu lại mà vẫn nhận ra tôi. Con gái hay ghê!

- Tao cho mày cái này nè.

- Gì vậy?

- Mày đưa tay ra sau lưng đi!

Con Xin đưa tay ra phía sau và tôi rón rén nhét mẩu vỏ quế vô tay nó. Trước đây tôi từng gửi thư cho con Xin. Nhưng lần đó tôi không dám đưa tận tay phải nhờ thằng Sơn đưa giùm nên không biết được cảm giác hồi hộp xen lẫn thích thú khi tự mình đặt vào tay một đứa con gái thứ mà nhờ đó nó có thể biết được mình thích nó như thế nào.

Tôi nín thờ nhìn con Xin cẩn thận mân mê miếng vỏ quế bằng cả tay lẫn mắt, và sướng ran cả người khi nó kê món quà của tôi vào mũi và reo lên:

- Ôi, quế! Ở đâu Thiều có vậy?

- Ông Tư Cang cho tao nhưng tao không ăn. Tao để giành cho mày. - Tôi sung sướng kể công.

Nhịn thèm để tặng vỏ quế cho người khác đối với bon trẻ con chúng tôi chẳng khác nào đem tặng một gia tài. Trong khi tôi đinh ninh con Xin sẽ cảm động cảm ơn tôi rối rít thì nó bỗng làm một chuyện mà giàu tưởng tượng đến mấy tôi cũng không nghĩ nó sẽ làm là quay phắt lại và trước vẻ mặt ngẩn ngơ của tôi, nó nhét trả mẩu vỏ quế vào lại trong tay tôi, kèm theo một câu nói lạnh ngắt:

- Mình không lấy đâu! Thiều đem về tặng cho bạn Mận đi!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3