Trái Tim Không Cần Lý Lẽ - Chương 56
Chương 56
Chúng tôi mạo muội dẫn ra đây một đoạn trong bản tin chính thức đăng trên báo ngày 20 tháng 4 năm 1851 để giúp hình dung rõ khởi đầu của cuộc khởi nghĩa.
"Các toán nổi loạn của đại tá Uriola, xuất phát từ quảng trường Armas, đã chiếm được đồn lính chỉ có ba người. Số binh lính còn lại như thường lệ đều ở trong các doanh trại. Những kẻ nổi loạn cũng chiếm được các trại lính và phân tán vũ khí cướp được cho dân chúng, số lính vệ binh và số lính của binh đoàn Trakabuko đã chạy sang phía khởi nghĩa"
Trên thực tế, những đơn vị đóng trong trại lính chỉ chống cự một cách yếu ớt, và quân khởi nghĩa quay lại quảng trường cùng với những lính bộ binh đã hàng phục.
Nhưng tại đây một tin tức bất ngờ và đau buồn ghê gớm chờ đón họ, hai trung sĩ thuộc binh đoàn Valdivia nằm trong thành phần những toán quân tiên phong có nhiệm vụ chiếm trại lính của binh đoàn thứ 3 cận vệ quốc gia đã không chịu phục tùng sĩquan chỉ huy và đã bắn lại, một sĩ quan chết ngay lập tức, một người khác bị thương, còn binh lính thì theo hai trung sĩ sát nhập vào các đơn vị trung thành với chính phủ.
Tin đó làm cho những thủ lĩnh quân khởi nghĩa vô cùng lo ngại và tràn đầy linh cảm u ám. Họ e rằng có thể còn những tên phản bội khác trong binh đoàn Valdivia – đơn vị quân thường trực duy nhất tham gia nổi dậy.
Tin tức về cuộc khởi nghĩa lan truyền khắp thành phố và từng đoàn dân chúng dồn tới quảng trường Armas, song các thủ lĩnh cuộc nổi dậy không đủ vũ khí để phân phát ch otc những ai muốn tham gia trận đánh. Trong khi đó những kẻ tận tuỵ đã cấp báo cho chính phủ về những lộn xộn bắt đầu xảy ra và chính quyền liền tận dụng cho việc chuẩn bị phản công những giây phút quý báu mà quân khởi nghĩa đã tiêu phí cho việc tranh cãi vô ích và đợi chờ vô bổ. tất cả các trại lính kể cả pháo binh đều nổi hiệu báo động, các đội quân cận vệ quốc gia được vũ trang và tập hợp ở quảng trường La Monda, còn quân đội chính phủ thì chiêm trận tuyến trên đồi. San Louis khống chế những đường phố lân cận.
Chôn chân ở quảng trường Armas hơn một tiếng đồng hồ, cuối cùng quân khởi nghĩa tin rằng không còn đội quân nào sát nhập thêm nữa mà vẫn chưa có gì để vũ trang cho dân chúng nên quyết định mở màn tấn công các trại phân binh – một kho khổng lồ vũ khí quân trang và là trận địa quan trọng then chốt có thể quyết định cục diện khởi nghĩa.
"Các trại pháo binh – bản tin chính thức mà chúng tôi đã nói – nằm trong một toà nhà lớn dưới chân đồi Santa Lucia, giữa hai đường Angotade las Retokhidas và Kanhiada. Theo quan điểm quân sự, chúng ở vị trí bất lợi cho việc phòng thủ, phía trước và hai bên sườn là khoảng trống, còn trong vòng bảy mét kể từ cổng chính là một con đường chạy ngang qua nên những kẻ tấn công có thể tập trung tại đây để bất ngờ cướp lấy những khẩu súng mà khi bắn thò ra tận ngoài cổng. Đối diện với cổng chính là đường phố San Isidro tạo nên mối hiểm hoạ bị công phá bởi những lực lượng tinh nhuệ của đối phương"
Để đến gần những trại lính mà bạn đọc vừa được chúng tôi cho biết vị trí, quân khởi nghĩa từ đường phố Estado tiến thẳng đến Kanhiada.
Thế nhưng trước khi mô tả trận đánh đẫm máu diễn ra gần mấy trại pháo binh, chúng tôi cho rằng sẽ hợp lý nếu kể lại những điều xảy ra tại nhà ngài Ensina đúng vào giờ đó.
Ngôi nhà nằm trên một trong những đường phố chính của Santiago và do đó, tin tức về cuộc khởi nghĩa đã lan tới đây từ sớm tinh mơ, lúc mọi người còn chìm sâu trong giấc ngủ.
Thoáng nghe hai tiếng "cách mạng" do một người hầu nào đó kêu to, ông Damasso sợ hãi nhảy khỏi giường rồi vừa tìm quần áo vừa gào lên:
-Dậy đi em ơi! Cách mạng! cách mạng!
Bà Engracia nhảy khỏi giường mình với sự lanh lẹ chưa từng thấy, hai tiếng ghê rợn vang lên trong đêm tối làm cho bà sợ muốn chết, mà ngay bản thân ông Damasso cũng cảm thấy càng sợ hãi hơn vì chính tiếng kêu gào của mình. Run rẩy bởi kinh hoàng, hai vợ chồng chạy lung tung khắp phòng tìm kiếm mớ quần áo mà tiện thể xin nói, vẫn ở nguyên chỗ mọi khi.
-Đôi ủng của tôi đẩu – ông Damasso chạy từ góc nọ qua góc kia gào thét.
-Trời ơi, ông mặc lộn cái váy lót của tôi rồi! – bà Engracia rên rỉ khi cuối cùng nảy ra được ý nghĩ tốt lành là đốt nến lên.
Bà mệnh phụ khả kính đứng cạnh ngượng ngùng che đậy sự loã lồ. dưới ánh nến ông Damasso phát hiện ra rằng đúng là mình đã vội vã chui đầu vào chiếc váy lót của phu nhân. Ông giận dữ giật tung ra ném cho vợ và chiếc váy hầu như trùm kín đầu bà. Một tay vẫn còn giữ tấm áo phủ trên ngực, bà Engracia định dùng tay kia đón bắt chiếc váy nhưng lại ngoắc ngay vào cây nến làm cho nó đổ xuống thảm trải sàn nhà và bốc cháy.
Sự cố ấy làm cho sự hỗn loạn trong căn phòng tăng lên, hai ông bà la hét cố át giọng nhau, rồi con Diamela quá sợ hãi cũng sủa thất thanh hoà theo.
Cuối cùng nến lại được đốt lên, ông Damasso tìm ra đôi ủng còn bà vợ đã mặc xong váy xống, về phần Diamela, nó bình thản nằm trên chiếc giường mà bà chủ của nó rời bỏ vào cái giờ chẳng thích hợp chút nào.
-phải mặc quần áo nhanh lên – ông Damasso vừa nhắc nhở vừa vội vàng túm lấy mớ áo quần cứ chực rơi khỏi tay.
Bỗng có tiếng gõ mạnh ngoài cửa.
-Ai thế? Cần gì? – ông Damasso kêu to, mặt trắng bệch.
-Ba ơi! Ba ơi! – tiếng Agustin vọng vào – Dậy đi, cách mạng nổ ra rồi.
-Ba ra bây giờ đây – ông Damasso mở cửa rối rít.
Vừa cuống cuồng trang điểm cho xong, phu nhân ngài Ensina vừa đổ lên đầu cậu con cưng hàng đống câu hỏi. Song Agustin chẳng biết gì hơn cha mẹ nên cũng chỉ đoán mò.
-Thế còn Leonor? – cuối cùng ông Damasso hỏi khi đã tin chắc là cậu con trai không thể thoả mãn nỗi tò mò của mình, cũng chẳng giúp gì cho nỗi lo âu giảm bớt.
Cả ba kéo đến phòng cô gái, nàng đã mặc quần áo và bình tĩnh ngồi ở bàn.
-Con nghe chứ, con gái? Cách mạng trong thành phố! – ông Damasso kêu to.
-Con nghe nói thế - Leonor điềm nhiên trả lời.
-Thế bây giờ phải làm gì hả? – ông bố hét lên trước vẻ bình thản của con gái.
-Thực ra thì phải làm gì ạ? – cô gái hỏi lại – theo con thông minh nhất là chờ đợi.
Nhưng ông Damasso không thể chấp nhận điều đó, đơn thuần là đầu óc không yên được nếu phải ngồi khoanh tay trong giờ phút thế này. Ông chạy ra khỏi phòng gọi những người hầu, ra lệnh đóng kín các cửa và cài hết then rồi mới quay vào phòng con gái.
-Họ đã đưa chúng ta đến cái gì, bọn khố rách áo ôm ấy! Lũ tự do bẩn thỉu! Chúng nó thì chẳng mất gì cả thế cho nên mới bày ra cách mạng. Giá như tôi ở trong chính phủ, tôi cứ là bắn hết tại chỗ! – ông Damasso bực bội.
Rồi dường như một lời đáp, mấy tiếng súng vang lên, nhà tư sản đáng kính nghẹn lời và đổ vật xuống ghế dài, chút xíu nữa thì bất tỉnh. Bà Engracia kinh hãi nhào tới trên ngực chồng, quên cả việc vẫn ôm con Diamela trong tay. Bị kẹp cứng, con chó bất hạnh rên lên đau đớn.
-Ba! Mẹ! Hãy bình tĩnh lại đi chứ! Im ngay, Diamela! – Agustin hét lên, cố hết sức giữ bê ngoài bình thản mặt hai chân cứ run rẩy vì sợ hãi.
Chỉ một mình Leonor không hề mất tự chủ và kiên nhẫn thuyết phục cha mẹ đừng quá xúc động.
Cuối cùng trời sáng hẳn và mọi người trấn tĩnh lại đôi chút. Một người hầu gái bước vào, cố nén căng thẳng nói:
-Thưa ngài, có ai gõ cổng ạ.
Nhìn ông Damasso có thể nghĩ là cả trận mưa trái phá vừa rơi xuống mái nhà, ông tuyệt vọng, hai tay ôm đầu gào la:
-họ đến cướp nhà! Nhà chúng ta bị cướp!
không hề để tâm đến tiếng cha kêu gào, Leonor bảo anh trai:
-Sao anh không ra xem ai ngoài đó?
-Anh ư? Em thì nói dễ lắm! Thế nhỡ đấy là bọn khố rách áo ôm có vũ trang thì sao hả? Không, không! Anh sẵn sàng bảo vệ mọi người, nhưng chúng ta sẽ không mở cổng.
-Một cách bảo vệ thật độc đáo – Leonor cười mỉa mai rồi ra khỏi phòng, nàng tiến về phía cổng đang vang lên những tiếng gõ khẩn cấp.
Té ra đó là ngài Elias đến cùng vợ, Matilda và lũ trẻ nhỏ. Vừa bước qua ngưỡng cửa, họ tranh nhau kể những việc diễn ra ngoài phố. Khi khách đã vào nhà, người gác cổng đến gần Leonor:
-Thưa tiểu thư, có thư gửi đến cho tiểu thư đây ạ.
Cô gái cầm phong bì và mở ra một cách vô ý thức. Lúc nhìn thấy chữ ký của Martin, mọi thứ hoa lên trước mắt nàng.
-Được rồi, ra cổng đi, và nếu có ai gõ cổng thì báo cho tôi – cô gái nói một cách khó nhọc.
Nhưng ngay lập tức nàng lấy lại tự chủ, vẻ mặt nàng trở lại thản nhiên và chỉ có một chút nhợt nhạt tố cáo sự bối rối trong lòng.
Không rẽ vào phòng khách, l bước vào một phòng trống, khóa cửa lại, lấy bức thư trong túi áo ra và đọc vội vàng. Giây phút trôi qua và vẻ bình thản khác biệt với tất cả mọi vật của cô gái đã rời bỏ nàng, gương mặt nàng nhợt hẳn, đôi mắt đẫm lệ. Nàng thở dài đứt quãng và cố nén nhịp đập của trái tim một cách vô vọng.
-Lạy Chúa lòng lành! Làm sao bây giờ? – nàng kêu lên và trong tiếng kêu ấy vang lên nỗi lo sợ khủng khiếp cho số mệnh của Martin đang bị nguy hiểm chết chóc đe doạ.
Rồi đột nhiên dường như bị tiếng dội ghê gớm tận sâu thẳm con tim làm cho thương tổn, nàng nhảy dựng lên.
-Thế nhỡ chàng bị thương thì sao? hoặc thậm chí chàng bị giết? – Leonor thầm thì, ngước nhìn lên trời với đôi mắt tuyệt trần lần đầu tiên bị nhoà lệ tình yêu.
Cô gái nhiệt thành cầu Chúa che chở cho Martin và dù cho những lời nguyện cầu lộn xộn chẳng có đầu có đuôi, chúng vẫn cao quý và đầy ý nghĩa bởi lẽ được phát ra từ một tấm lòng tha thiết. Lần đầu tiên người đẹp kiêu sa hiểu ra được sự vô bổ nhảm nhí của thói quen tự đắc để rồi khóc nức nở như một đứa trẻ, quên hết mọi thứ trên đời ngoài tình yêu của mình.
Nhiều phút trôi qua, cuối cùng bằng tất cả nghị lực của ý chí, Leonor nén tuyệt vọng, sửa lại tóc và giấu bức thư trong ngực, nàng ra khỏi phòng.
Cần phải nói rằng việc ông Fidel đến thăm đã tác động rất tốt đến ông Damasso và làm cho những suy nghĩ của ông đổi hướng. vừa bước vào phòng khách, ngài Elias lập tức thông báo những tin tức nghe được ngoài đường phố mà chủ yếu nhất là việc quân khởi nghĩa hình như đã chiếm hết các trại lính và đang tiến về dinh tổng thống, thành lũy cuối cùng của chính phủ.
-có thể chính giây phút này cuộc lật đổ đã hoàn thành – ông Fidel kết thúc.
Theo yêu cầu của ông, mọi người rời phòng khách lên tầng hai để nhìn từ ban công xem điều gì diễn ra ngoài phố.
-Này ông bạn thân mến! Sự thể thế nào rồi? – ông Fidel gọi một người nào đó đang chạy qua.
-Nhân dân chiến thắng! Đại tá Uriola đã chiếm lại được đại bác – người ấy đáp.
-Nhân dân muôn năm! – một người chạy phía sau hô to.
-Muôn năm! – ông Damasso, kẻ luôn đứng về phía chiến thắng, gào lên hết cỡ. Sau đó, sực nhớ ra, ông nói thêm để thanh minh – nói gì thì nói, những kẻ nghèo khổ này cũng có lý theo kiểu của họ. Họ thường xuyên bị ức hiếp mà.
-Hãy coi chừng, kẻo họ bỗng nảy ra ý định ức hiếp chúng ta đấy – run lẩy bẩy chỉ vì hai tiếng "nhân dân", ông Fidel đối đáp.
-Sẽ chỉ là công bằng nếu nhân dân giành lại được những quyền đã bị tước đoạt – ông Damasso cắt ngang.
Thốt ra những lời ấy, ông tự cảm thấy là người yêu nước chân chính và hoàn toàn quên rằng chỉ mới nửa giờ trước ông vừa gọi quân khởi nghĩa là bọn khố rách áo ôm.
Trong lúc hai ngài của chúng ta hăng hái bàn luận các sự kiện, Leonor ngồi lại trong căn phòng trước đây Rivas từng sống. Mọi thứ ở đây đều làm nàng nhớ đến chàng và run rẩy ép chặt bức thư nơi trái tim, nàng cầu xin Chúa cứu chàng.
Đúng lúc ấy, một loạt tiếng nổ lớn vang lên báo hiệu cuộc chiến gần các trại pháo binh bắt đầu. Mấy kẻ mưu lợi khả kính từ bỏ ngay thói tò mò, vội vàng rời ban công lao vùn vụt xuống cầu thang để tìm nơi ẩn núp an toàn hơn.
Chúng ta sẽ không dõi theo họ vì đã đến lúc quay lại chiến trường, nơi trong số những kẻ tham chiến có cả nhân vật chính của cuốn truyện này.