Trật Tự Thế Giới - Chương 10

Kết luận

TRẬT TỰ THẾ GIỚI TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA?

Nhiều thập kỷ sau Thế chiến II, một ý thức về cộng đồng thế giới dường như mấp mé hình thành. Các khu vực công nghiệp tiên tiến trên thế giới bị kiệt quệ do chiến tranh; các khu vực chưa phát triển đang bắt đầu quá trình giải thuộc địa và xác định bản sắc của họ. Tất cả điều này cần sự hợp tác hơn là sự đối đầu. Và Mỹ, giữ mình tránh khỏi sự tàn phá của chiến tranh – trên thực tế mạnh lên nhờ xung đột trong nền kinh tế và lòng tin quốc gia – đã tự mình khởi xướng việc thực hiện những lý tưởng và hiện thực mà nước này coi là có thể áp dụng với toàn bộ thế giới.

Khi Mỹ bắt đầu nắm ngọn đuốc lãnh đạo quốc tế, nó đã thêm một chiều hướng mới trong công cuộc tìm kiếm trật tự thế giới. Là một quốc gia được thành lập một cách rõ ràng dựa trên nền tảng tư tưởng về quản lý nhà nước tự do và đại diện, nó coi sự nổi lên của chính mình với sự truyền bá tự do dân chủ và thừa nhận những xung lực này có khả năng đạt được công bằng cùng nền hòa bình lâu dài mà từ trước đến nay luôn lẩn tránh thế giới. Cách tiếp cận truyền thống của châu Âu về trật tự coi các dân tộc và quốc gia vốn dĩ cạnh tranh với nhau; và để hạn chế tác động từ những tham vọng xung đột lẫn nhau của họ, châu lục này dựa trên sự cân bằng quyền lực và sự phối hợp của các chính khách khai sáng.

Quan điểm phổ biến của người Mỹ coi các dân tộc vốn dĩ thuần lý và thiên về thỏa hiệp hòa bình, nhận thức chung, và quan hệ công bằng; do đó sự truyền bá dân chủ là mục tiêu bao trùm đối với trật tự quốc tế. Thị trường tự do sẽ nâng vị thế các cá nhân, làm giàu cho xã hội và thay thế sự đối địch quốc tế truyền thống bằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Theo quan điểm này, Chiến tranh Lạnh là do các bên gây ra; sớm hay muộn, Liên Xô sẽ trở về cộng đồng các quốc gia. Sau đó, một trật tự thế giới mới sẽ bao gồm tất cả các khu vực trên thế giới; các giá trị và mục tiêu chung sẽ làm cho tình trạng ở mỗi quốc gia trở nên nhân đạo hơn, và xung đột giữa các quốc gia ít có khả năng xảy ra hơn.

Sự nghiệp thiết lập trật tự thế giới trong nhiều thế hệ sắp trở thành hiện thực theo nhiều cách. Thành công của nó được thể hiện ở số lượng lớn các quốc gia độc lập có chủ quyền quản lý hầu hết lãnh thổ trên thế giới. Sự truyền bá dân chủ và quản lý nhà nước có sự tham gia của người dân đã trở thành một khát vọng chung, nếu không nói là một thực tế phổ quát; truyền thông toàn cầu và các mạng lưới tài chính hoạt động trong thời gian thực, biến sự tương tác giữa con người lên mức độ quy mô vượt ngoài trí tưởng tượng của nhiều thế hệ trước đây; những nỗ lực chung về các vấn đề môi trường, hay ít nhất là động lực để thực hiện chúng, tồn tại; và một cộng đồng khoa học, y tế, và từ thiện quốc tế tập trung sự chú ý của mình vào các bệnh tật và tai họa sức khỏe từng được coi là sự tàn phá khó chữa khỏi của số phận.

Mỹ đã thực hiện một đóng góp đáng kể cho sự phát triển này. Sức mạnh quân sự của Mỹ mang lại một lá chắn an ninh cho phần còn lại của thế giới, dù cho đối tượng thụ hưởng của nó có yêu cầu hay không. Dưới chiếc ô Mỹ của sự bảo đảm quân sự, về bản chất là đơn phương, phần lớn các nước phát triển hình thành một hệ thống các liên minh; các nước đang phát triển được bảo vệ trước mối đe dọa đôi khi họ không nhận ra, chứ chưa nói đến việc thừa nhận nó. Một nền kinh tế toàn cầu phát triển mà ở đó Mỹ đóng góp tài chính, thị trường, và hàng loạt đổi mới sáng tạo. Từ năm 1948 cho tới khi chuyển giao thế kỷ có lẽ đã đánh dấu một khoảnh khắc ngắn ngủi trong lịch sử loài người, khi ta có thể nói về một trật tự thế giới toàn cầu mới phôi thai, bao gồm sự kết hợp giữa chủ nghĩa lý tưởng Mỹ và các khái niệm truyền thống về cân bằng quyền lực.

Tuy nhiên, chính thành công của nó khó tránh khỏi một điều rằng toàn bộ sự nghiệp này cuối cùng sẽ bị thách thức, đôi khi dưới chính danh nghĩa trật tự thế giới. Sự thích hợp phổ quát của hệ thống theo Hòa ước Westphalia bắt nguồn từ bản chất thủ tục của nó – nghĩa là, trung lập về giá trị. Bất kỳ nước nào cũng có thể tiếp cận các quy tắc của hệ thống này: không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác; không xâm phạm biên giới, chủ quyền của các quốc gia; khuyến khích áp dụng luật pháp quốc tế. Sự yếu kém của hệ thống theo Hòa ước Westphalia là mặt trái của sức mạnh của nó. Do các quốc gia kiệt quệ sau giai đoạn đầu rơi máu chảy thiết kế nên, hệ thống này không mang đến một cảm giác định hướng. Nó xử lý các phương pháp phân chia và duy trì quyền lực; chứ không đưa ra câu trả lời cho vấn đề làm thế nào để tạo ra tính chính danh.

Trong việc xây dựng một trật tự thế giới, một câu hỏi quan trọng chắc chắn liên quan đến bản chất của các nguyên tắc thống nhất của nó – trong đó có sự khác biệt chủ yếu giữa cách tiếp cận phương Tây và ngoài phương Tây về trật tự. Kể từ thời Phục hưng, phương Tây đã cam kết sâu sắc với quan niệm rằng thế giới thực là bên ngoài đối với người quan sát, rằng kiến thức bao gồm ghi nhận và phân loại dữ liệu – càng chính xác càng tốt – và rằng thành công của chính sách đối ngoại phụ thuộc vào việc đánh giá các thực tế và xu hướng hiện có. Nền hòa bình trong Hòa ước Westphalia tiêu biểu cho một phán xét thực tế – cụ thể là thực tế về quyền lực và lãnh thổ – như một khái niệm sắp đặt trật tự thế tục hơn là nhu cầu của tôn giáo.

Trong các nền văn minh vĩ đại đương thời khác, thực tế được coi là nội tại đối với người quan sát, được xác định bởi niềm tin tâm lý, triết học, hoặc tôn giáo. Khổng giáo sắp xếp trật tự thế giới thành những nước chư hầu trong một hệ thống tôn ti trật tự được xác định bằng sự tương quan với nền văn hóa Trung Quốc. Hồi giáo chia trật tự thế giới thành một thế giới hòa bình của Hồi giáo, và một thế giới chiến tranh, nơi những người theo thuyết vô thần sinh sống. Do đó, Trung Quốc cảm thấy không cần phải tiến ra ngoài để khám phá một thế giới mà quốc gia này coi là đã có trật tự, hay được sắp xếp trật tự tốt nhất bằng việc giáo hóa giáo lý trong nội bộ, còn Hồi giáo chỉ có thể đạt được trật tự thế giới trọn vẹn theo lý thuyết bằng cách chinh phạt hoặc cải đạo toàn cầu, trong khi các điều kiện khách quan không tồn tại. Hindu, tôn giáo xem các chu kỳ lịch sử và thực tế siêu hình vượt quá kinh nghiệm thế tục, coi thế giới đức tin của nó như là một hệ thống hoàn chỉnh không rộng mở đối với những người mới gia nhập do bị chinh phục hay cải đạo.

Cũng chính sự khác biệt này đã chi phối thái độ đối với khoa học và công nghệ. Phương Tây nhìn thấy sự toại nguyện trong việc làm chủ thực tế thực nghiệm, khám phá những phạm vi xa xôi của thế giới và thúc đẩy khoa học và công nghệ. Các nền văn minh truyền thống khác, mỗi trong số đó tự coi mình là trung tâm của một trật tự thế giới của riêng nó, không có động lực tương tự và tụt hậu về công nghệ.

Giai đoạn đó giờ đây đã kết thúc. Phần còn lại của thế giới đang đuổi theo khoa học và công nghệ, và do không bị những khuôn mẫu đã được thiết lập từ trước ngăn trở, có lẽ có nhiều năng lượng và sự linh hoạt hơn so với phương Tây, ít nhất là ở các nước như Trung Quốc và “Những con hổ châu Á.”

Trong thế giới của địa chính trị, trật tự do các nước phương Tây thiết lập và tuyên bố như là phổ quát đang đứng trước một bước ngoặt. Các giải pháp đơn giản của nó được hiểu trên toàn cầu, nhưng không có sự đồng thuận nào về việc áp dụng chúng; trên thực tế, những khái niệm như dân chủ, nhân quyền, và luật pháp quốc tế được gán nhiều cách hiểu khác nhau, đến mức các bên tham chiến thường xuyên viện dẫn chúng như là hiệu lệnh xung trận. Các quy tắc của hệ thống đã được ban hành nhưng tỏ ra thiếu hiệu quả nếu không có sự cưỡng chế thi hành tích cực. Cam kết quan hệ đối tác và cộng đồng ở một số khu vực đã được thay thế, hay ít nhất là đi kèm, bằng sự thách thức ở khía cạnh cứng rắn hơn của các giới hạn.

Một phần tư thế kỷ của những cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế được coi là bị gây ra, hay ít nhất là có sự tiếp tay, bởi những lời phủ dụ và các thông lệ của phương Tây – cùng với sự sụp đổ của các trật tự khu vực, sự tắm máu phe phái, chủ nghĩa khủng bố, và chiến tranh chấm dứt mà không bên nào chiến thắng – đã đặt nghi vấn về những giả thuyết lạc quan ngay sau thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh: rằng sự truyền bá dân chủ và thị trường tự do có tự động dẫn đến một thế giới công bằng, hòa bình, và toàn diện hay không.

Một động lực đối kháng đã nổi lên ở một số nơi trên thế giới, hình thành những bức tường thành chống lại những gì được coi là các chính sách vốn dĩ mang mầm mống khủng hoảng của các nước phát triển phương Tây, bao gồm cả các khía cạnh của toàn cầu hóa. Cam kết bảo đảm an ninh từng đứng vững như những giả định nền tảng, giờ đây đang bị đặt dấu hỏi, đôi khi bởi chính các nước mà những cam kết này thúc đẩy sự bảo vệ. Khi các quốc gia phương Tây giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân hay hạ thấp vai trò của vũ khí hạt nhân trong học thuyết chiến lược của họ, các quốc gia ở những nơi gọi là thế giới đang phát triển lại nhiệt thành theo đuổi chúng. Các chính phủ từng đón nhận (ngay cả đôi khi cảm thấy bối rối bởi) những cam kết của Mỹ đối với phiên bản của nước này về trật tự thế giới, đã bắt đầu đặt câu hỏi, rằng liệu nó có dẫn đến những kế hoạch mà Mỹ cuối cùng không đủ kiên nhẫn để chứng kiến sự kết thúc của chúng. Theo quan điểm này, việc chấp nhận các “quy tắc” của phương Tây về trật tự thế giới bị gài thêm các yếu tố trách nhiệm không thể đoán trước – một sự diễn giải là động cơ rõ ràng dẫn đến việc một số đồng minh truyền thống tách xa khỏi Mỹ. Trên thực tế, ở một số khu vực, sự chế giễu các chuẩn mực phổ quát (như nhân quyền, tiến trình phù hợp, hay bình đẳng cho phụ nữ) rõ rệt như các ưu tiên Bắc Đại Tây Dương được coi là đức tính tích cực và là trọng tâm của các hệ thống giá trị thay thế. Thêm nhiều loại hình bản sắc căn bản được ca ngợi như là cơ sở cho những phạm vi quan tâm loại trừ nhau.

Kết quả không đơn giản chỉ là đa cực quyền lực mà là một thế giới của những thực tại ngày càng mâu thuẫn nhau. Không thể giả định rằng nếu để nguyên không giám sát, tại một điểm nào đó, các xu hướng này sẽ tự động tương thích thành một thế giới của sự cân bằng và hợp tác – hay thậm chí là một trật tự.

TIẾN TRÌNH CỦA TRẬT TỰ QUỐC TẾ

Mỗi trật tự quốc tế, sớm hay muộn, phải đối mặt với tác động của hai xu hướng thách thức sự gắn kết của nó: hoặc xác định lại tính chính danh, hoặc một sự thay đổi đáng kể trong cân bằng quyền lực. Xu hướng đầu tiên xảy ra khi những giá trị là nền tảng thỏa thuận quốc tế đang thay đổi căn bản – bị những người chịu trách nhiệm duy trì chúng từ bỏ, hoặc bị sự áp đặt có tính cách mạng của một khái niệm thay thế về tính chính danh làm đảo lộn. Đây là tác động của thế giới phương Tây đầy uy thế đối với nhiều trật tự truyền thống ở thế giới ngoài phương Tây; của Hồi giáo trong làn sóng bành trướng ban đầu của nó vào thế kỷ 7 và 8; của Cách mạng Pháp đối với ngoại giao châu Âu vào thế kỷ 18; của chế độ độc tài toàn trị trong thế kỷ 20; và các cuộc tấn công Hồi giáo vào cấu trúc nhà nước mong manh ở Trung Đông trong thời đại chúng ta.

Bản chất của những biến động đó là trong khi chúng thường được củng cố bởi vũ lực, lực đẩy chính của chúng là tâm lý. Những quốc gia bị tấn công đứng trước thách thức phải bảo vệ không chỉ lãnh thổ, mà cả những giả thiết cơ bản của họ về cách sống, quyền đạo đức để tồn tại và hành động theo cách được coi là ai cũng biết cho tới khi có thách thức này. Khuynh hướng tự nhiên, đặc biệt là của các nhà lãnh đạo từ các xã hội đa nguyên, là cam kết với các đại diện của cuộc cách mạng, với hy vọng những gì họ thực sự muốn là thương lượng thiện chí trên các tiền đề của trật tự hiện có và đi đến một giải pháp hợp lý. Trật tự bị nhận chìm chủ yếu không phải do thất bại quân sự hay một sự mất cân bằng về nguồn lực (dù điều này thường xảy ra), mà là từ việc không hiểu rõ bản chất và phạm vi của thách thức dàn trận chống lại nó. Theo ý nghĩa này, phép thử cuối cùng của các cuộc đàm phán hạt nhân Iran là liệu những lời tuyên bố của Iran về việc sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua đàm phán là một sự thay đổi chiến lược, hay một phương sách chiến thuật – nhằm theo đuổi chính sách phổ biến từ lâu – và liệu phương Tây có xử lý vấn đề chiến thuật đó như thể nó là một sự thay đổi chiến lược về hướng đi hay không.

Căn nguyên thứ hai của khủng hoảng trong một trật tự quốc tế là khi nó tỏ ra không còn đủ khả năng điều chỉnh một sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa các cường quốc. Trong một số trường hợp, trật tự sụp đổ vì một trong các thành tố chính không duy trì được vai trò hoặc không còn tồn tại – như đã xảy ra với trật tự quốc tế cộng sản ở gần cuối thế kỷ 20 khi Liên Xô tan rã. Hay cách khác là, một cường quốc đang lên có thể chối bỏ vai trò được phân chia bởi một hệ thống mà quốc gia đó đã không góp phần thiết kế và các cường quốc lâu đời tỏ ra không thể thích ứng với trạng thái cân bằng của hệ thống để kết hợp với sự trỗi dậy của cường quốc mới nổi. Sự trỗi dậy của Đức đặt ra một thách thức như vậy đối với hệ thống ở châu Âu trong thế kỷ 20, gây ra hai cuộc chiến tranh thảm khốc mà từ đó châu Âu đã không bao giờ hoàn toàn hồi phục. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra một thách thức tương tự về cấu trúc trong thế kỷ 21. Những nhà lãnh đạo quốc gia của hai đối thủ cạnh tranh trong thế kỷ 21 – Mỹ và Trung Quốc – đã tuyên bố tránh lặp lại thảm kịch của châu Âu thông qua “hình thức mới về quan hệ giữa các cường quốc lớn.” Khái niệm này đang chờ đợi nỗ lực nghiên cứu chung. Nó có thể đã được một hoặc cả hai cường quốc này đưa ra như một quân bài chiến thuật. Tuy nhiên, nó vẫn là con đường duy nhất để tránh lặp lại những bi kịch trước đó.

Tạo được sự cân bằng giữa hai khía cạnh của trật tự – quyền lực và tính chính danh – là bản chất của nghệ thuật quản lý nhà nước. Những tính toán quyền lực mà không tính đến phương diện đạo đức sẽ biến mọi bất đồng thành thử thách về sức mạnh; tham vọng sẽ không có điểm dừng; các quốc gia sẽ bị đẩy vào những thành tựu không bền vững từ các phép tính khó nắm bắt liên quan đến sự thay đổi hình dạng của quyền lực. Mặt khác, loại trừ đạo đức mà không tính đến trạng thái cân bằng, có xu hướng hướng tới hoặc là những cuộc thánh chiến, hoặc là một chính sách không có hiệu lực mời gọi những thách thức, hoặc là những rủi ro cực đoan gây nguy hiểm cho sự gắn kết của chính trật tự quốc tế.

Trong thời đại chúng ta – một phần vì những lý do công nghệ đã được thảo luận ở Chương 9 – quyền lực thay đổi liên tục chưa từng có, trong khi những tuyên bố về tính chính danh sau mỗi thập kỷ lại gia tăng phạm vi của chúng lên nhiều lần theo những cách không thể tưởng tượng được từ trước đến nay. Khi các vũ khí trở nên có khả năng xóa sổ một nền văn minh, và sự tương tác giữa các hệ thống giá trị được thực hiện tức thời với mức độ xâm nhập chưa từng có, các tính toán đã được thiết lập từ trước về việc duy trì sự cân bằng quyền lực hay một cộng đồng các giá trị có thể trở nên lỗi thời. Khi những mất cân bằng này phát triển, cấu trúc của trật tự thế giới trong thế kỷ 21 đã cho thấy thiếu các phương diện quan trọng.

Thứ nhất, chính bản chất của quốc gia độc lập có chủ quyền – đơn vị cơ bản chính thức của đời sống quốc tế – đã phải chịu vô số áp lực: bị tấn công và xóa bỏ bởi thiết kế, ở một số khu vực còn bị xói mòn vì bị phớt lờ, thường xuyên bị các sự kiện cuốn trôi, nhấn chìm. Châu Âu đã bắt đầu vượt xa hơn khái niệm quốc gia có chủ quyền, đưa ra một chính sách đối ngoại chủ yếu dựa vào sức mạnh mềm và các giá trị nhân đạo. Nhưng không chắc các tuyên bố về tính chính danh tách ra từ bất kỳ khái niệm chiến lược nào có thể duy trì một trật tự thế giới. Và châu Âu vẫn chưa tự cho mình các thuộc tính của vị thế quốc gia độc lập có chủ quyền, dẫn đến một khoảng trống quyền lực nội tại và sự mất cân bằng quyền lực dọc biên giới của nó. Các vùng của Trung Đông đã tan rã thành các phe phái và các thành phần dân tộc xung đột lẫn nhau; những phiến quân tôn giáo và các cường quốc yểm trợ chúng cố tình xâm phạm biên giới và chủ quyền. Thách thức ở châu Á ngược với của châu Âu. Các nguyên tắc cân bằng quyền lực theo Hòa ước Westphalia thịnh hành không liên quan đến khái niệm đã được tán thành về tính chính danh.

Và ở một số nơi trên thế giới mà chúng ta đã chứng kiến, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hiện tượng “các quốc gia thất bại” và “vùng không được cai quản,” hay các quốc gia mà hầu như không xứng đáng với từ này, không có độc quyền sử dụng vũ lực hay chính quyền trung ương hiệu quả. Nếu các cường quốc lớn thi hành chính sách đối ngoại bằng cách thao túng nhiều thực thể dưới-nhà-nước theo những quy tắc mơ hồ và thường là bạo lực, nhiều quy tắc trong đó dựa trên các kinh nghiệm văn hóa đa dạng, khác biệt rõ ràng tới mức cực đoan, tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ chắc chắn xảy ra.

Thứ hai, các tổ chức chính trị và kinh tế trên thế giới không ăn khớp với nhau. Hệ thống kinh tế quốc tế đã trở thành toàn cầu, trong khi cơ cấu chính trị của thế giới vẫn dựa trên nhà nước quốc gia. Động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu là tháo gỡ những rào cản đối với dòng chảy hàng hóa và vốn. Hệ thống chính trị quốc tế vẫn chủ yếu dựa trên những ý tưởng trái ngược về trật tự thế giới và hài hòa các khái niệm về lợi ích quốc gia. Về bản chất, toàn cầu hóa kinh tế bỏ qua biên giới quốc gia. Chính sách quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của biên giới, ngay cả khi nó tìm cách hài hòa các mục tiêu quốc gia xung đột lẫn nhau.

Động lượng này đã dẫn đến nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững, xen giữa đó là những cuộc khủng hoảng tài chính định kỳ với cường độ dường như tăng dần: ở Mỹ La-tinh những năm 1980; ở châu Á năm 1997; ở Nga năm 1998; ở Mỹ năm 2001 và một lần nữa bắt đầu từ năm 2007; ở châu Âu sau năm 2010. Những người thắng cuộc – những người có thể vượt qua cơn bão trong thời gian hợp lý và tiến bước – không có chút nghi ngại nào về hệ thống. Nhưng những kẻ thua cuộc – chẳng hạn như những nước bị mắc kẹt trong cấu trúc bị thiết kế sai, như trường hợp các nước ở phía nam Liên minh châu Âu – tìm cách khắc phục bằng những giải pháp phủ nhận, hay ít nhất là cản trở, sự vận hành của hệ thống kinh tế toàn cầu.

Trong khi mỗi cuộc khủng hoảng có một nguyên nhân khác nhau, đặc điểm chung của chúng là đầu cơ quá mức và đánh giá thấp các rủi ro hệ thống. Các công cụ tài chính được phát minh che giấu bản chất của các giao dịch có liên quan. Những người cho vay cảm thấy khó khăn trong việc ước tính mức độ cam kết của mình, và những người đi vay, kể cả các nước lớn, cảm thấy khó có thể hiểu được ý nghĩa các khoản nợ của họ.

Do đó, trật tự quốc tế đối mặt với một nghịch lý: sự thịnh vượng của nó phụ thuộc vào sự thành công của toàn cầu hóa, nhưng quá trình này lại gây ra một phản ứng chính trị thường trái với nguyện vọng của nó. Các nhà quản lý kinh tế của toàn cầu hóa ít có cơ hội để tham gia vào các tiến trình chính trị. Các nhà quản lý của các tiến trình chính trị ít có động cơ để mạo hiểm với sự ủng hộ trong nước, khi lường trước các vấn đề kinh tế hoặc tài chính mà sự phức tạp của chúng vượt quá tầm hiểu biết của tất cả mọi người, trừ các chuyên gia.

Trong những điều kiện như vậy, thách thức chính là sự quản trị. Các chính phủ đang phải chịu áp lực tìm cách điều chỉnh quá trình toàn cầu hóa theo hướng nghiêng về lợi thế hay lợi ích quốc gia. Do đó, ở phương Tây, các vấn đề của toàn cầu hóa với các vấn đề của việc thi hành chính sách ngoại giao dân chủ là một. Hài hòa các trật tự quốc tế về chính trị và kinh tế thách thức những quan điểm bất di bất dịch: công cuộc tìm kiếm trật tự thế giới vì nó đòi hỏi một sự mở rộng khuôn khổ quốc gia; tuân thủ toàn cầu hóa vì những thông lệ bền vững bao hàm một sự điều chỉnh những khuôn mẫu truyền thống.

Thứ ba, là sự thiếu vắng một cơ chế hiệu quả để các cường quốc lớn tham vấn và có thể hợp tác về những vấn đề quan trọng nhất. Đây có vẻ là một lời chỉ trích kỳ quặc nếu xét đến rất nhiều các diễn đàn đa phương hiện có nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – có thẩm quyền chính thức hết sức hấp dẫn nhưng bế tắc ở những vấn đề quan trọng nhất – tiếp theo là các hội nghị thượng đỉnh thường xuyên của các nhà lãnh đạo Đại Tây Dương trong NATO và Liên minh châu Âu, của các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương trong APEC và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, của các nước phát triển trong nhóm G7 hay G8, và của các nền kinh tế lớn trong nhóm G20. Mỹ là một thành viên quan trọng ở tất cả các diễn đàn này. Tuy nhiên, bản chất và tần suất của các cuộc họp này đi ngược với việc xây dựng chiến lược dài hạn. Các thảo luận về lịch trình và thỏa thuận về chương trình nghị sự chính thức chiếm phần lớn thời gian chuẩn bị; một số diễn đàn trên thực tế xoay quanh lịch của các nhà lãnh đạo vì khó tập hợp họ ở bất kỳ một nơi nào theo lịch thường xuyên. Vì bản chất vị trí của họ, những nguyên thủ quốc gia tập trung vào các tác động đối với công chúng về hành động của mình tại cuộc họp; do đó họ bị cám dỗ trong việc nhấn mạnh những ý nghĩa chiến thuật hay các khía cạnh quan hệ công chúng. Quá trình này không cho phép điều gì lớn hơn ngoài một thông cáo chung chính thức – tốt nhất là một thảo luận về các vấn đề chiến thuật đang tồn đọng, và tệ nhất là một hình thức mới của hội nghị như là sự kiện “truyền thông xã hội.” Một cấu trúc hiện đại của các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, nếu tỏ ra có liên quan, không thể chỉ đơn thuần được khẳng định bởi những tuyên bố chung; mà phải được thúc đẩy như một vấn đề đạt được sự tin tưởng chung.

Trong suốt quá trình này, vai trò lãnh đạo của Mỹ là không thể thiếu, ngay cả khi được thực hiện nước đôi. Nước này tìm kiếm sự cân bằng giữa ổn định và việc giương cao ngọn cờ các nguyên tắc phổ quát, không phải lúc nào cũng hài hòa với nguyên tắc không can thiệp chủ quyền hay kinh nghiệm lịch sử của các nước khác. Công cuộc tìm kiếm sự cân bằng đó, giữa tính độc đáo duy nhất của Mỹ và niềm tin lý tưởng vào tính phổ quát của nó, giữa các thái cực quá tự tin và tự xem xét nội tâm, vốn dĩ là bất tận. Điều nó không được phép là sự thoái lui.

CHÚNG TA SẼ ĐI TỚI ĐÂU?

Thiết lập lại hệ thống quốc tế là thử thách cao nhất đối với nghệ thuật quản lý nhà nước trong thời đại chúng ta. Hình phạt cho thất bại sẽ không phải là một cuộc chiến tranh lớn giữa các quốc gia (dù trong một số khu vực, không loại trừ khả năng này) khi những cấu trúc trong nước và hình thức quản trị cụ thể phát triển vào các khu vực gây ảnh hưởng – ví dụ, mô hình Hòa ước Westphalia đối nghịch với phiên bản Hồi giáo cực đoan. Tại vùng biên của nó, mỗi khu vực sẽ bị cám dỗ thử thách sức mạnh của mình chống lại các chủ thể khác của những trật tự được coi là không chính danh. Chúng sẽ được kết nối mạng để giao tiếp tức thời và liên tục tác động lẫn nhau. Theo thời gian, những căng thẳng của quá trình này sẽ biến thành những thao túng giành vị thế hoặc lợi thế ở quy mô lục địa hay thậm chí trên toàn thế giới. Một cuộc chiến giữa các khu vực thậm chí có thể còn tàn phá hơn cuộc chiến từng có giữa các quốc gia.

Công cuộc tìm kiếm trật tự thế giới hiện nay sẽ đòi hỏi một chiến lược chặt chẽ để thiết lập một khái niệm về trật tự trong các khu vực khác nhau, và gắn kết những trật tự khu vực này với nhau. Những mục tiêu này không nhất thiết giống hệt nhau hoặc tự hài hòa: thành tựu của một phong trào cấp tiến có thể mang lại trật tự cho một khu vực này, nhưng lại gây ra tình trạng hỗn loạn tại và với tất cả các khu vực khác. Một quốc gia thống trị một khu vực bằng quân sự, kể cả nếu có mang lại trật tự bề ngoài, có thể gây ra khủng hoảng đối với phần còn lại của thế giới.

Việc đánh giá lại khái niệm về sự cân bằng quyền lực là ở trật tự. Về lý thuyết, sự cân bằng quyền lực đáng lẽ có thể tính toán được; còn trên thực tế, rất khó có thể hài hòa các tính toán của một quốc gia với tính toán của các quốc gia khác và đạt được một sự thừa nhận chung về các giới hạn. Yếu tố phỏng đoán của chính sách đối ngoại – nhu cầu cần phải hành động theo một đánh giá mà không thể biết là đúng hay sai vào thời điểm phán đoán – là đúng hơn bao giờ hết trong thời kỳ biến động. Do đó, trật tự cũ thay đổi liên tục trong khi hình hài của một trật tự mới hết sức không rõ ràng.

Vì thế, tất cả mọi điều phụ thuộc vào một số quan niệm về tương lai. Nhưng những thay đổi cấu trúc nội tại có thể dẫn đến những đánh giá khác nhau về tầm quan trọng của xu hướng hiện tại, và quan trọng hơn, là các tiêu chí mâu thuẫn trong việc giải quyết những khác biệt. Đây là vấn đề tiến thoái lưỡng nan của thời đại chúng ta.

Một trật tự thế giới của các quốc gia khẳng định phẩm giá cá nhân cùng nền quản trị tham gia, và hợp tác quốc tế theo những quy tắc được thỏa thuận, có thể là niềm hy vọng và nên là nguồn cảm hứng của chúng ta. Nhưng quá trình hướng tới một trật tự như vậy sẽ cần phải được duy trì thông qua một loạt các giai đoạn trung gian. Tại bất kỳ khoảng thời gian nhất định nào, chúng ta thường sẽ được đáp ứng tốt hơn, như Edmund Burke đã từng viết, “chấp nhận một kế hoạch đủ điều kiện ở mức độ nào đó dù chưa đủ sự hoàn hảo như lý thuyết, còn hơn là cố đòi hỏi hoàn hảo hơn nữa,” và chịu nguy cơ bị khủng hoảng hoặc tan vỡ ảo tưởng khi ngay lập tức nhất quyết theo đuổi mục tiêu cuối cùng. Mỹ cần có một chiến lược và chính sách ngoại giao chấp nhận tính phức tạp của cuộc hành trình này – tính cao thượng của mục tiêu, cũng như những bất toàn vốn có ở các nỗ lực của con người trong việc tiếp cận nó.

Để đóng một vai trò có trách nhiệm trong quá trình phát triển của một trật tự thế giới trong thế kỷ 21, Mỹ phải sẵn sàng tự trả lời một số câu hỏi sau:

Chúng ta muốn, và nếu cần thiết phải đơn phương, ngăn chặn điều gì, dù nó sẽ xảy ra như thế nào? Câu trả lời xác định điều kiện tồn tại tối thiểu của xã hội.

Chúng ta muốn đạt được điều gì, kể cả nếu không được ủng hộ bởi bất kỳ nỗ lực đa phương nào? Những mục đích này xác định các mục tiêu tối thiểu của chiến lược quốc gia.

Chúng ta muốn đạt được, hay ngăn chặn, điều gì, nếu chỉ có một liên minh ủng hộ? Điều này xác định ranh giới ngoài của các nguyện vọng chiến lược của đất nước như là một phần trong một hệ thống toàn cầu.

Chúng ta không nên tham gia vào vấn đề gì, ngay cả khi một nhóm đa phương hay một liên minh thúc giục? Điều này xác định điều kiện hạn chế sự tham gia của Mỹ trong trật tự thế giới.

Trên hết, bản chất của các giá trị mà chúng ta tìm cách thúc đẩy là gì? Những sự áp dụng nào phụ thuộc một phần vào hoàn cảnh?

Về mặt nguyên tắc, các câu hỏi tương tự cũng áp dụng với những xã hội khác.

Đối với Mỹ, công cuộc tìm kiếm một trật tự thế giới vận hành trên hai cấp độ: việc tôn vinh các nguyên tắc phổ quát cần phải được kết hợp với sự thừa nhận thực tế lịch sử và văn hóa của các khu vực khác. Kể cả khi bài học của nhiều thập kỷ đầy thử thách được xem xét, phân tích, việc khẳng định bản chất biệt lệ của Mỹ cần phải được duy trì. Lịch sử không bỏ qua cho các quốc gia gạt sang một bên cam kết hay ý thức về bản sắc của mình để theo đuổi một tiến trình dường như ít cam go hơn. Như một tuyên bố rõ ràng dứt khoát của thế giới hiện đại về cuộc theo đuổi của con người tìm đến tự do, và là một sức mạnh địa chính trị không thể thiếu cho sự xác minh của các giá trị nhân đạo, Mỹ phải giữ được ý thức về hướng đi của mình.

Một vai trò có chủ đích của Mỹ sẽ là bắt buộc về triết lý và địa chính trị đối với những thách thức trong thời đại chúng ta. Tuy nhiên, trật tự thế giới không thể đạt được bởi bất kỳ một quốc gia nào hành động đơn lẻ. Để đạt được một trật tự thế giới thực sự, các thành phần của nó, trong khi duy trì các giá trị riêng của chúng, cần phải có được một nền văn hóa thứ hai mang tính toàn cầu, tính cấu trúc và tính pháp lý – một khái niệm về trật tự vượt lên trên những quan điểm và lý tưởng của bất kỳ một khu vực hay quốc gia nào. Tại thời điểm lịch sử này, đây sẽ là một sự hiện đại hóa của hệ thống theo Hòa ước Westphalia sau khi được cập nhật những thực tế hiện thời.

Liệu nó có thể chuyển các nền văn hóa khác nhau vào một hệ thống chung? Hệ thống theo Hòa ước Westphalia đã được dự thảo bởi khoảng hai trăm đại biểu, những người đã gặp nhau ở hai thị trấn của Đức cách nhau 40 dặm (một khoảng cách đáng kể vào thế kỷ 17) và tách thành hai nhóm riêng biệt, không ai trong số họ đi vào biên niên sử như một nhân vật chính. Họ đã vượt qua những trở ngại vì cùng chịu sự tàn phá của cuộc Chiến tranh Ba mươi năm, và quyết tâm ngăn chặn sự tái diễn của nó. Thời đại của chúng ta, đối mặt với những viễn cảnh thậm chí còn nghiêm trọng hơn, cần phải hành động đối với những tình thế cấp thiết của thời đại trước khi bị những tình thế này nhấn chìm.

Những mảnh vỡ bí ẩn từ thời cổ đại xa xôi cho thấy một cái nhìn về tình trạng con người, bị đánh dấu bởi thay đổi và xung đột, tới mức không thể chữa nổi. “Trật-tự-thế-giới” giống như lửa, “nhen nhóm và tắt trong dự liệu,” với chiến tranh như “Cha và Vua của tất cả” dẫn đến thay đổi trên toàn thế giới. Nhưng “sự hợp nhất mọi thứ nằm dưới bề mặt; nó phụ thuộc vào phản ứng cân bằng giữa các cực đối lập.” Mục đích của thời đại chúng ta là phải đạt được trạng thái cân bằng đó trong khi kiềm chế bóng ma chiến tranh. Và chúng ta phải làm như vậy giữa dòng chảy vũ bão của lịch sử. Câu ẩn dụ nổi tiếng được trích dẫn cho điều này là “không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông.” Lịch sử có thể được coi như một dòng sông, nhưng nước của nó sẽ luôn thay đổi.

Cách đây đã lâu, khi còn trẻ, tôi đã đủ tự phụ để nghĩ bản thân mình có thể tuyên bố về “Ý nghĩa của Lịch sử.” Giờ đây, tôi hiểu rằng ý nghĩa lịch sử là một vấn đề phải được phát hiện, chứ không phải được tuyên bố. Đó là một câu hỏi chúng ta phải cố gắng trả lời tốt nhất như có thể, trong khi thừa nhận rằng câu hỏi này sẽ vẫn để ngỏ trong tranh luận; rằng mỗi thế hệ sẽ được đánh giá bởi việc đối mặt và giải quyết những vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất về điều kiện sống của con người, và những quyết định để đáp ứng những thách thức này phải được thực hiện bởi các chính khách trước khi có thể biết kết quả ra sao.

HẾT

• Chú thích •

[1] Chủ yếu diễn ra ở vùng nay là Đức và bao gồm hầu hết các cường quốc của Châu Âu lục địa lúc bấy giờ. Mặc dù trên danh nghĩa là cuộc xung đột tôn giáo giữa những người Tin Lành và những người Thiên Chúa giáo, nhưng thật ra, động cơ chính của cuộc chiến bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa gia tộc Habsburg và các cường quốc khác ở Châu Âu. (DG)

[2] Đề cập đến hai hòa ước Osnabrück và Münster được lần lượt ký ngày 15 tháng Năm và 24 tháng Mười năm 1648, kết thúc cuộc Chiến tranh Ba mươi năm ở nước Đức và cuộc Chiến tranh Tám mươi năm giữa Tây Ban Nha và Hà Lan. Các hòa ước này liên quan đến Hoàng Đế La Mã Thần thánh, Ferdinand III (Habsburg), vua Tây Ban Nha, Pháp và Thụy Điển, Cộng hòa Hà Lan và các đồng minh riêng rẽ trong số các hoàng tử của Đế quốc La Mã Thần thánh. Hòa ước Westphalia đạt được từ một hội nghị ngoại giao hiện đại và đã đưa đến một trật tự mới ở Trung Âu dựa trên ý niệm quốc gia và chủ quyền. (DG)

[3] Phong trào Đại kết được phát sinh từ các Giáo hội Tin Lành đầu thế kỷ 20, nhằm nỗ lực liên kết, cải thiện tình trạng hiệp thông giữa các Ki-tô hữu thuộc các Giáo hội Tin Lành, Thiên Chúa giáo, Chính Thống giáo – nhằm cổ vũ sự thống nhất đức tin và hiệp thông giữa các cộng đồng Ki-tô giáo bị chia rẽ. (DG)

[4] Một giai đoạn loạn lạc của Nga vào đầu thế kỷ 17, khi nước này bị Thụy Điển, Lithuania, Đức và Ba Lan thống trị trong 15 năm (1598 – 1613). (DG)

[5] Thời kỳ hậu Cộng Hòa của nền văn minh La Mã cổ đại. La Mã từng là một đế quốc rộng lớn tồn tại từ khoảng thế kỷ 1 TCN cho đến khoảng thế kỷ 5 hay thế kỷ 6, gồm phần đất những nước xung quanh Địa Trung Hải ngày nay. Đế quốc La Mã kiểm soát gần 6,5 triệu km2 . Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngôn ngữ, tôn giáo, kiến trúc, triết học, luật pháp trong những vùng mà nó cai trị, đặc biệt là Châu Âu, và nhờ vào chủ nghĩa bành trướng của Châu Âu mà sau này lan ra toàn thế giới hiện đại. (DG)

[6] Gāius Julius Caesār (100 – 44 TCN) một lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã. Ông đóng vai trò then chốt trong sự chuyển đổi Cộng hòa La Mã thành Đế chế La Mã. Một trong những chiến tích quang vinh nhất của ông - cuộc chinh phục xứ Gaules (bao gồm Pháp, Bắc Ý, Bỉ, Tây Thụy Sĩ,… ngày nay) mở cho La Mã con đường tiếp cận Đại Tây Dương. Sau đó, Caesār đã phát động cuộc xâm lăng của La Mã vào xứ Britannia (Anh ngày nay) cũng như đã cho xây cầu sông Rhein vào năm 55 TCN, trở thành người La Mã đầu tiên vượt qua Eo biển Manche cũng như qua bờ phải sông Rhein. Caesār được xem là một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất, chính trị gia xuất sắc nhất và là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của lịch sử thế giới thời La Mã cổ đại. (DG)

[7] Thánh Peter (khoảng năm 1 - 64 sau CN): tông đồ trưởng trong số các tông đồ của Jesus, được Chúa trao quyền cai quản Hội Thánh. Ông là Giám mục La Mã và là Giáo hoàng đầu tiên. (DG)

[8] Tức Thánh Augustino (354 - 430), một trong những nhân vật quan trọng nhất đóng góp cho sự phát triển của Ki-tô giáo phương Tây. Trong cộng đồng Tin Lành, nhiều người xem thần học Augustine là một trong những nhân tố khởi nguyên của hệ tư tưởng nền tảng cho cuộc Cải cách Tin Lành, đặc biệt là trong giáo lý cứu rỗi và ân điển. Augustine cũng là nhà thần học xây dựng các khái niệm về nguyên tội và chiến tranh chính đáng. Khi Đế quốc La Mã bắt đầu suy sụp ở phương Tây, ông phát triển khái niệm Hội Thánh, như là Thành phố Thần thánh (City of God) của Thiên Chúa để phân biệt với Thành phố Thế tục (The City of the World) của con người. (DG)

[9] Cũng gọi là Đế quốc Byzantine, tồn tại từ năm 330 đến năm 1453. Trước khi thành lập, phạm vi của Đế quốc Đông La Mã nằm trong lãnh thổ của Đế quốc La Mã. Năm 330, khi Constantinus I nắm quyền trị vì và dời đô từ thành La Mã về Constantinopolis, được xem là thời điểm thành lập Đế quốc Đông La Mã. Khi ông qua đời, đế quốc bị các con trai ông phân chia thành Đông và Tây. Sau khi hoàng đế cuối cùng của đế quốc phía tây là Romulus Augustus bị một thủ lĩnh người German hạ bệ, Đế quốc Tây La Mã sụp đổ. Nhưng Đế quốc Đông vẫn tiếp tục phát triển, trở thành một cường quốc có vai trò quan trọng ở Châu Âu và được xem là một trong những trung tâm Ki-tô giáo lúc bấy giờ. (DG)

[10] Giáo hoàng thứ 96 của Giáo hội. Niên giám tòa thánh năm 1806 cho rằng ông đắc cử Giáo hoàng vào năm 795 và cai quản Giáo hội trong hơn 29 năm. Ông đã được phong thánh sau khi qua đời. (DG)

[11] Charlemagne (742 hoặc 747 - 814): Hoàng đế đầu tiên của Đức. Ông đã chinh phục Ý và lấy vương miện sắt của Lombardia năm 774. Ông là một Quốc vương vĩ đại của Vương quốc Frank, một trong những Hoàng đế vĩ đại nhất của Đức. Là một Hoàng đế La Mã Thần thánh, triều đại huy hoàng của ông kéo dài 14 năm, mang lại sự phục hưng cho Đế quốc La Mã cổ đại và Giáo hội La Mã. Trong danh sách các vua Đức, Pháp và Đế quốc La Mã Thần thánh, ông được ghi là Charles I (theo tiếng Pháp) hay Karl I (theo tiếng Đức). (DG)

[12] Người thuộc những dân tộc ở dọc thung lũng Rhine trước khi tiến sang phía Tây vào thế kỷ 4 (các dân tộc này chiếm được nhiều vùng ở Tây Âu, thôn tính xứ Gaules, và làm chủ một vùng rộng lớn ứng với miền Tây nước Đức ngày nay.) (DG)

[13] Thành phố Hy Lạp cổ đại (Istanbul ngày nay), hình thành từ thế kỷ 7 TCN, bị La Mã chinh phục năm 196, rồi được Constantine I tái thiết năm 330 và đổi thành Constantinople, kinh đô của Đế quốc Đông La Mã cho đến năm 1453. (DG)

[14] Cũng được gọi là Thánh chế La Mã, hình thành năm 962 từ Vương quốc Frank Đông thuộc dòng họ Karolinger dưới quyền cai trị của Hoàng đế Otto I Đại đế (962 - 973) thuộc dòng họ Liudolfinger. Vào thời kỳ thịnh vượng trong thế kỷ 12, đế quốc này bao gồm lãnh thổ rộng lớn của các nước Đức, Áo, Thụy Sĩ, miền Đông nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, miền Tây Ba Lan, Cộng hòa Séc và Ý hiện nay. Trong thế kỷ 15 và thế kỷ 16 danh hiệu được bổ sung thêm dòng Dân tộc Đức, trở thành Đế quốc La Mã Thần thánh Dân tộc Đức. Đế quốc La Mã Thần thánh Dân tộc Đức tan vỡ khi Hoàng đế Franz II (1792 - 1806) thuộc dòng họ Habsburg từ bỏ vương miện đế chế năm 1806, trở thành hoàng đế đầu tiên của Đế quốc Áo. (DG)

[15] Phẩm chức tôn giáo tối cao của Hồi giáo. Trong nhiều thế kỷ, Caliph giữ vai trò Hoàng đế chung của tất cả các quốc gia Hồi giáo. Từ Caliph có nghĩa là “người kế tục”, chỉ người kế tục Đấng tiên tri Muhammad của Hồi giáo. (DG)

[16] Voltaire (1694 - 1778): tên thường gọi của François-Marie Arouet. Ông là nhà tư tưởng dân chủ Pháp, thường dùng ngòi bút châm biếm để chỉ trích Giáo hội và Nhà nước Pháp thời đó. (DG)

[17] Một trong những hoàng tộc có thế lực nhất trong lịch sử châu Âu thời cận đại. Dòng dõi Habsburg đã cai trị Áo, Bohemia và Hungary trong nhiều thế kỷ. Rất nhiều thành viên của gia tộc này đã lần lượt cai trị Bohemia, Anh, Đức, Hungary, Croatia, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả các quốc gia nhỏ độc lập tại Hà Lan và Italy. (DG)

[18] Flanders là xứ thuộc Vương quốc Bỉ, có mật độ dân đông bậc nhất châu Âu. (DG)

[19] Ferdinand Magellan (1480 - 1521): nhà thám hiểm hàng hải người Bồ Đào Nha nhưng nhập quốc tịch Tây Ban Nha nhằm mục đích phục vụ cho vua Carlos I của Tây Ban Nha trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ cho chuyến đi về hướng tây đến “Quần đảo Gia vị” (nay là quần đảo Maluku ở Indonesia). Dù Magellan không hoàn thành chuyến đi do bị giết trong Trận chiến Mactan ở Philippines, chuyến hải hành trong khoảng thời gian 1519 - 1522 của Magellan đã đi vào lịch sử như là chuyến đi đầu tiên bằng đường biển của con người từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và là chuyến đi đầu tiên vòng quanh Trái Đất thành công. (DG)

[20] Hernán Cortés de Monroy y Pizarro, Đệ nhất Hầu tước Valle de Oaxaca (1485 - 1547): một Conquistador (từ chỉ người Tây Ban Nha đi xâm chiếm Trung và Nam Mỹ) phục vụ cho Tây Ban Nha, người đã chỉ huy một đoàn thám hiểm gây ra sự sụp đổ của Đế chế Aztec và đã chiếm được phần lớn đất đai Mexico cho Quốc vương Castilla trong những năm đầu thế kỷ 16. Cortés là một trong những người đi đầu của thế hệ thực dân Tây Ban Nha đầu tiên đã thực hiện cuộc thuộc địa hóa châu Mỹ. (DG)

[21] Các tộc người Turk được các sử liệu Trung Quốc cổ gọi chung là rợ Đột Quyết, là các dân tộc nói nhóm ngôn ngữ Turk, thuộc hệ dân Á-Âu, định cư ở miền Bắc, Trung và Tây lục địa Á-Âu. Các dân tộc này có chung nhiều đặc trưng văn hóa và bối cảnh lịch sử ở các mức độ khác nhau, bao gồm người Kazakh, Uzbek, Kyrgyz, Uyghur, Azerbaijan, Turkmen, Tatar, Qashkai, Bashkir, Chuvas, Afshar và người Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các dân tộc từng tồn tại trong lịch sử như Hung, Bulgar, Kuman, Avar, Seljuk, Khazar, Ottoman, Mamluk và có thể cả Hung Nô. (DG)

[22] Một quốc hiệu của Thổ Nhĩ Kỳ đã tồn tại từ năm 1299 - 1923. Đế quốc Ottoman chiếm một vùng có diện tích khoảng 5,6 triệu km², dù vùng ảnh hưởng thực tế của đế quốc rộng hơn nhiều nếu tính cả các vùng lân cận do các bộ lạc du mục cai quản, nơi quyền bá chủ của đế quốc này được công nhận. Thời đỉnh cao quyền lực ở thế kỷ 16 và thế kỷ 17, các lãnh thổ của Đế quốc Ottoman gồm các vùng Tiểu Á, Trung Đông, nhiều phần ở Bắc Phi và đa phần Đông nam Châu Âu. (DG)

[23] Nguyên văn: shepherd (người chăn cừu, mục tử), Thiên Chúa giáo coi Chúa Trời là Đấng chăn chiên và tín đồ Thiên Chúa giáo là các con chiên của Chúa. Shepherd còn được dùng để chỉ các linh mục, mục sư. (DG)

[24] Nguyên văn: caliphate, thể chế Hồi giáo được lãnh đạo bởi một lãnh tụ tôn giáo (và thường cả chính trị) tối cao là Caliph. Do Caliph là chúa tể của một Đế quốc Hồi giáo, thuật ngữ caliphate trong lịch sử thường dùng để chỉ các đế quốc như vậy ở Trung Đông và Tây Nam Á. (DG)

[25] Tức Tiziano Vecelli hay còn gọi là Tiziano Vecellio (khoảng 1490 - 1576): danh họa Italy, người lãnh đạo trường phái Venice thế kỷ 16 của phong trào Phục hưng ở Italy. (BTV)

[26] Nguyên văn: States General of the Netherlands, cơ quan lập pháp của Hà Lan, bao gồm Thượng viện và Hạ viện. (BTV)

[27] Hòa ước Augsburg năm 1555 do Charle V ký kết với Liên minh Schmalkaldic của các hoàng thân theo Giáo hội Luther; theo hiệp ước này mỗi hoàng thân đều có quyền chọn lựa tôn giáo cho lãnh thổ của mình, Ki-tô giáo, hoặc Giáo hội Luther, hoặc Thần học Calvin theo nguyên tắc: cuius regio, eius religio - “lãnh thổ của ai tôn giáo của người đó". (DG)

[28] Nguyên văn: Inquisition, tổ chức do Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã thành lập từ thế kỷ 13, chuyên điều tra, thẩm vấn và kết án những ai không theo tín ngưỡng mà nó coi là chính thống. (DG)

[29] Nguyên văn: the Pillars of Hercules, chỉ hai mũi đất ở bên đầu phía đông Eo biển Gibraltar và cửa Địa Trung Hải, tương truyền là các cột chống trời do Hercules tạo ra trên đường đến khu vườn táo vàng của các tiên nữ Hesperides, được cho là Mỏm Gibraltar (thuộc địa của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland) và núi Jebel Musa ở Morroco, châu Phi. (DG)

[30] Trịnh Hòa (1371 - 1433): nhà hàng hải và nhà thám hiểm nổi tiếng người Trung Quốc. Ông gốc người Hồi, bị quân Minh bắt rồi hoạn đưa vào cung làm thái giám triều Minh từ lúc còn bé, sau ông phụng chỉ của Minh Thành Tổ bảy lần xuất sứ xuống Tây dương, các chuyến thám hiểm này được gọi chung là “Thái giám Tam Bảo hạ Tây dương” tức “Thái giám [Trịnh Hòa] đến biển Tây” từ năm 1405 đến năm 1433. Tạp chí Life xếp Trịnh Hòa đứng thứ 14 trong số những người quan trọng nhất trong thiên niên kỷ vừa qua. (DG)

[31] Cải cách Tin Lành (Protestant Reformation): phong trào khởi phát vào thế kỷ 16 như một chuỗi các nỗ lực nhằm cải cách Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã. Phong trào được khởi xướng với 95 luận đề của Martin Luther (phê phán Giáo hội và Giáo hoàng, tập trung vào việc ban phép ân xá, quan điểm của Giáo hội về Luyện Ngục, những hiện tượng gây bất mãn trong Thiên Chúa giáo...) và kết thúc với Hòa ước Westphalia năm 1648. (DG)

[32] Hồng y Richelieu (1585 - 1642): được coi là một trong những chính trị gia lỗi lạc nhất của Pháp và là người có công đầu trong việc thống nhất Pháp. Ông được bổ nhiệm làm Hồng y vào năm 1622 và Thủ tướng của vua Louis XIII vào năm 1624. Bằng cách hạn chế quyền lực của giới quý tộc, ông đã đưa Pháp trở thành một nhà nước tập quyền cao độ. Mục tiêu trọng tâm của chính sách đối ngoại do ông đưa ra là làm suy yếu quyền lực của triều Habsburg đang cai trị Áo và Tây Ban Nha. Sự kiện quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông là việc can thiệp vào Chiến tranh Ba mươi năm vốn đã nhấn chìm châu Âu trong cảnh loạn lạc. (DG)

[33] Một thị trấn ở miền Trung tây nước Pháp, thuộc tỉnh Vendée, xứ Loire. (DG)

[34] Trong thế kỷ 16 - 17, chỉ những người thuộc Giáo hội Cải cách Tin Lành tại Pháp, là những người Pháp chấp nhận nền thần học Calvin. (DG)

[35] Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (1469 - 1527): nhà ngoại giao, nhà triết học chính trị. Ông là nhân vật trung tâm của bộ máy chính trị Italy thời Phục Hưng. Ông được biết đến với các luận thuyết về chủ nghĩa hiện thực chính trị (tác phẩm Quân Vương) và chủ nghĩa cộng hòa (tác phẩm Đàm luận về Livy). Ông được xem là một trong những người Sáng lập ra nền khoa học chính trị hiện đại. (DG)

[36] Raison d'état (tiếng Pháp): lợi ích quốc gia. (DG)

[37] Otto Eduard Leopold von Bismarck (1815 - 1898): chính khách Phổ, Thủ tướng Đế quốc Đức (1871 - 1890), người đã chi phối tình hình Đức và châu Âu với chính sách bảo thủ kể từ những năm 1860 cho đến năm 1890. Vào năm 1871, sau thắng lợi toàn diện của Phổ trong các cuộc chiến tranh với Đan Mạch (1864), Áo (1866) và Pháp (1870 - 1871), ông đã thống nhất Đức (ngoại trừ Áo) thành một Đế quốc Đức hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của Phổ. Sau đó, ông hình thành một cục diện cân bằng quyền lực, duy trì sự ổn định của Đức và gìn giữ thành công nền hòa bình ở châu Âu kể từ năm 1871 cho đến năm 1914. Gần đây, trong cuốn tiểu sử Bismarck: A Life, sử gia Mỹ Jonathan Steinberg nhìn nhận ông là “thiên tài chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ 19”. (DG)

[38] Một hội nghị của các đại sứ các quốc gia châu Âu dưới sự chủ trì của Klemens Wenzel von Metternich được tổ chức tại Vienna (thủ đô Áo) từ tháng Chín năm 1814 đến tháng Sáu năm 1815. Mục tiêu của nó nhằm giải quyết nhiều vấn đề phát sinh từ cuộc chiến tranh Cách mạng Pháp, các cuộc Chiến tranh Napoléon và sự giải thể của Đế chế La Mã Thần thánh. Mục tiêu này dẫn đến việc vẽ lại bản đồ chính trị của châu lục, thiết lập ranh giới của Pháp, Công quốc Warsaw của Napoléon, Hà Lan, các Liên bang sông Rhine, tỉnh Saxony và những khu vực khác của Ý và tạo thành các khu vực ảnh hưởng, thông qua đó Pháp, Áo, Nga và Anh làm trung gian cho các vấn đề địa phương và khu vực. Hội nghị thành Vienna là một mô hình cho Hội Quốc Liên và Liên Hợp Quốc do mục tiêu của nó nhằm tạo thành hòa bình của tất cả các bên. (DG)

[39] Hòa ước chính thức chấm dứt Thế chiến I giữa Đức và các quốc gia thuộc phe Hiệp Ước. Nội dung Hòa ước được soạn thảo bởi Georges Clemenceau Thủ tướng Pháp, cùng với Mỹ và Anh là ba nước thắng trận. Nó đặt ra những điều khoản khe khắt lên Đức bại trận. Sau khi Nhà nước Đức Quốc xã được thành lập với sự lãnh đạo của Adolf Hitler, nó đã bị Hitler xóa bỏ vào những năm 1930. (DG)

[40] Hugo Grotius (1583 - 1645): luật gia Hà Lan. Từ nhỏ đã nổi tiếng là một thần đồng; vì tham gia vào các tranh chấp trong nội bộ phái Calvin của nước Cộng hòa Hà Lan, ông đã bị bắt giam và sau đó trốn thoát. Ông đã viết hầu hết các tác phẩm lớn của mình khi lưu vong ở Pháp. Cùng với Alberico Gentili và Francisco de Vitoria, ông đã đặt nền móng cho Luật quốc tế dựa trên Luật tự nhiên. (DG)

[41] Henry John Temple, Tử tước Palmerston (1784 - 1865): một chính khách Anh đã hai lần làm Thủ tướng vào giữa thế kỷ 19. Ông được nhớ đến nhiều nhất về sự chỉ đạo của mình đối với chính sách đối ngoại của Anh khi quốc gia này ở đỉnh cao quyền lực. Một số hành động hiếu chiến của ông, giờ đây đôi khi được gọi là chủ nghĩa can thiệp tự do, đã gây nhiều tranh cãi vào thời điểm đó và cho đến tận ngày nay. (DG)

[42] Thomas Hobbes (1588 - 1679): nhà triết học lỗi lạc của nước Anh thời Phục hưng. (DG)

[43] Louis XIV (1638 - 1715) lên ngôi khi mới bốn tuổi, là vua của Pháp và của Navarre, còn được gọi là Louis Đại đế hay vua Mặt Trời. Triều đại của ông kéo dài 72 năm, dài nhất trong lịch sử Pháp. Ông được xem là một trong những nhà chinh phạt lớn trong lịch sử Pháp. (DG)

[44] Friedrick II (1712 - 1786): thành viên của Hoàng tộc Hohenzollern, vị vua nổi tiếng của Phổ trị vì 46 năm (1740 - 1786). Ông là vị thống soái và nhà chính trị kiệt xuất nhất trong lịch sử châu Âu ở thời đại mình, một trong những người góp phần kiến lập nước Đức hiện đại. (DG)

[45] John Churchill (1650 - 1722): lãnh đạo quân sự và chính khách Anh mà sự nghiệp trải qua năm triều đại. Xuất thân từ người hầu trong Hoàng tộc Stuart, ông phục vụ Công tước James xứ York trong những năm 1670 và đầu những năm 1680, nhanh chóng thăng tiến trong cả quân đội lẫn chính trường nhờ lòng quả cảm và năng lực ngoại giao. Vai trò của Churchill trong việc đánh bại cuộc Khởi nghĩa Monmouth năm 1685 đã giúp đảm bảo ngai vàng cho James, nhưng chỉ 3 năm sau ông từ bỏ nhà bảo trợ theo Thiên Chúa giáo này để phụ tá một tín đồ Tin Lành Hà Lan là William xứ Orange. Được tưởng thưởng bằng danh hiệu bá tước vùng Marlborough vì đã giúp William đăng quang. Ông phục vụ với thành tích xuất sắc những năm đầu Chiến tranh Chín năm, nhưng những cáo buộc ông theo phái Jacobite đã khiến ông mất chức và bị tạm giam tại Tháp Luân Đôn. Chỉ đến khi Nữ hoàng Anne lên ngôi năm 1702, bá tước vùng Marlborough mới trở lại đỉnh cao quyền lực và đảm bảo được danh vị. Trở thành tổng chỉ huy trên thực tế của quân đội Liên minh trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, những chiến thắng của ông tại một loạt các trận chiến quan trọng đưa ông lên hàng những vị tướng vĩ đại nhất của lịch sử châu Âu. (DG)

[46] Một trong những con sông dài và quan trọng nhất ở Ba Lan, bắt nguồn từ Barania Góra miền Nam Ba Lan, có độ cao 1.220 m trên mực nước biển ở vùng Beskid Silesia (phần bắc của dãy núi Carpath), với chiều dài 1.047 km. Diện tích lưu vực là 194.424 km², trong đó 168.699 km² nằm trong lãnh thổ Ba Lan (bao phủ trên một nửa diện tích quốc gia). (DG)

[47] Gia tộc Brandenburg chỉ dòng họ Wilhelm của vua Friedrich Wilhelm được đề cập ở trên, nhiều thế hệ cha truyền con nối tước Tuyển hầu xứ Brandenburg. (DG)

[48] Tiến sĩ Paul Joseph Goebbels (1897 - 1945): Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã. Sau khi Hitler tự sát, ông giữ chức Thủ tướng Đức trong một ngày, chấp thuận việc hạ sát sáu đứa con của mình rồi tự sát. Goebbels góp công rất lớn cho sự đi lên của Quốc xã, nhờ nghệ thuật tuyên truyền của ông qua việc áp dụng “Chân lý là hàng ngàn lần nói dối”. (DG)

[49] Phòng khách lớn trong một dinh thự, nơi các chính khách hoặc văn nghệ sĩ thường tụ họp. (DG)

[50] Nam tước vùng La Brède và xứ Montesquieu (1689 - 1755): nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị Pháp trong thời đại Khai sáng. Ông nổi tiếng với lý thuyết tam quyền phân lập. (DG)

[51] Immanuel Kant (1724 - 1804): được xem là một trong những triết gia quan trọng nhất của Đức, và là một trong những triết gia lớn nhất của thời cận đại. Sự nghiệp triết học của ông được biết đến qua hai giai đoạn “tiền phê phán” và sau năm 1770 là “phê phán.” Học thuyết triết học siêu nghiệm (Transzendentalphilosophie) của Kant đã đưa triết học Đức bước vào một kỷ nguyên mới. “Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và toả sáng lên trên những gì đi sau,” như nhận xét của triết sử gia J. Hirschberger. (DG)

[52] Jean-Jacques Rousseau (1712 - 1778): nhà tư tưởng dân chủ thuộc trào lưu Khai Sáng ở Pháp. (DG)

[53] Phó Đô đốc Horatio Nelson, tử tước Nelson thứ nhất (1758 - 1804): một đô đốc người Anh, trở nên nổi tiếng trong cuộc Chiến tranh Napoleon, đặc biệt là trận chiến Trafalgar, một chiến thắng quyết định của Anh, đồng thời cũng là nơi ông hy sinh năm 1805. Nelson trở thành anh hùng dân tộc và được đưa tang theo nghi lễ quốc gia. (DG)

[54] Trận Trafalgar (21-10-1805): một trận hải chiến giữa Hải quân Hoàng gia Anh và liên hạm đội Hải quân Pháp và Tây Ban Nha, là một phần của cuộc chiến tranh Liên minh thứ ba, một trong những cuộc chiến tranh của Napoléon. Chiến thắng lừng lẫy trong trận Trafalgar đã mở ra thời kỳ bá quyền của nước Anh trên biển cả và mở đường cho cả dân tộc lên đỉnh cao vinh quang trong triều đại Nữ hoàng Victoria sau này. (DG)

[55] Trận Leipzig hay còn có tên gọi khác là Trận Liên Quốc gia (16 - 19/10/1813): một trận đánh lớn trong những cuộc chiến tranh của Napoléon, giữa một bên là Liên minh thứ sáu do Đại tướng Barklay-de-Tolli, Bá tước von Bennigsen, Công tước Schwarzenberg, Thái tử Karl Johan và Thống chế Gebhard von Blücher chỉ huy, và một bên là Quân đội Đế chế Pháp do Hoàng đế Napoléon Bonaparte chỉ huy. Với hơn 60 vạn quân lính của khoảng 10 quốc gia tham chiến, đây được xem là trận đánh có quy mô lớn nhất trước Thế chiến I. (DG)

[56] Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763): cuộc chiến xảy ra giữa hai liên quân gồm có Vương quốc Anh, Vương quốc Hanover, Vương quốc Phổ ở một phía và Pháp, Áo, Nga, Thụy Điển, và Vương quốc Saxony ở phía kia. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau này cũng bị cuốn vào chiến tranh, trong khi một lực lượng của nước trung lập Hà Lan bị tấn công tại Ấn Độ. Với quy mô toàn cầu, một số nhà sử học gọi Chiến tranh Bảy năm là cuộc “Chiến tranh thế giới lần đầu tiên”. Từ 900.000 tới 1.400.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến và nhiều thay đổi quan trọng với cán cân quyền lực cũng như phân bố lãnh thổ đã diễn ra. (DG)

[57] Karl XII (1682 - 1718): thành viên của Hoàng tộc Deux-Ponts, làm vua của Đế quốc Thụy Điển từ năm 1697 đến lúc tử trận khi tiến hành vây hãm một pháo đài của quân Đan Mạch vào năm 1718. Là một trong những vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ chuyên quyền Thụy Điển, ông được mệnh danh là “Hùng sư của phương Bắc”. Tuy là một trong những vị thống soái lỗi lạc nhất của châu Âu trong thời đại xưng hùng xưng bá của vua Pháp Louis XIV, ông cũng bị oán ghét do chiến bại về sau và làm kiệt quệ Thụy Điển (từ một cường quốc đã bị xuống dốc rõ rệt, mất nhiều đất đai và tạo cơ hội cho Đế quốc Nga vươn lên). (DG)

[58] Peter Đại đế (1672 - 1725): Sa hoàng của nước Nga cũ và sau đó là Hoàng đế của Đế quốc Nga (từ năm 1721). Peter Đại đế đã tiến hành cuộc cải tổ lớn lao. Dưới triều ông, Nga có nền kinh tế phát triển và thành lập thể chế nghị viện, trở thành một đế quốc hùng cường trên thế giới thời đó, đủ sức giành chiến thắng trước hai cựu thủ thời đó là Đế quốc Ottoman và Thụy Điển, nhằm tái chiếm các lãnh thổ đã mất và lấy đường thông ra biển. Ông được xem là một trong những nhà cải cách kiệt xuất trong lịch sử Nga. Người ta đã ca ngợi ông như “Cha của Tổ quốc”. (DG)

[59] Astolphe-Louis-Leonor, Marquis de Custine (1790 - 1857): quý tộc Pháp và nhà văn nổi tiếng về các tác phẩm du ký, đặc biệt là ghi chép của ông trong chuyến thăm Nga năm 1839 Empire of the Czar: A Journey Through Eternal Russia (Đế chế của Sa hoàng: Hành trình qua nước Nga bất diệt). Tác phẩm này ghi chép không chỉ các chuyến đi của Custine qua Đế quốc Nga mà cả những cơ cấu xã hội, kinh tế và lối sống dưới sự trị vì của Nicholas I. (DG)

[60] Người thuộc các dân tộc ở Scandinavia thường hay cướp bóc trên biển và xâm chiếm nhiều vùng thuộc miền tây bắc châu Âu từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11. (DG)

[61] Trong thế kỷ 15, các đại công tước Moscow tiến hành tập hợp các vùng đất Nga để tăng dân cư và tài sản dưới sự cai trị của họ. Người thi hành thành công nhất chính sách này là Ivan III, người đặt nền móng cho nhà nước dân tộc Nga. Thông qua sự ly khai cuả một số công tước, các cuộc giao tranh biên giới và cuộc chiến tranh kéo dài với Cộng hòa Novgorod, Ivan III đã sáp nhập cả Novgorod lẫn Tver. Kết quả là Đại công quốc Moscow đã tăng ba lần về diện tích dưới thời ông. (DG)

[62] Vương triều thứ hai và cuối cùng trong lịch sử Nga, trị vì hơn 300 năm, từ năm 1613 cho đến khi cuộc Cách mạng tháng Hai phế bỏ nền quân chủ chuyên chế Sa hoàng vào năm 1917. Quận công xứ Holstein-Gottorp, bản thân là thành viên một nhánh thứ của Nhà Oldenburg, kết hôn với thành viên Nhà Romanov vào đầu thế kỷ 18 và tất cả các Sa hoàng nhà Romanov kể từ giữa thế kỷ 18 cho đến khi cuộc Cách mạng năm 1917 bùng nổ đều là hậu duệ của cuộc hôn nhân này. Người ta tin là gia tộc này đã tuyệt diệt, khi Hoàng đế Nikolai II của Nga và nhiều thành viên trong gia đình ông bị phe Bolshevik xử bắn vào năm 1918. (DG)

[63] Aleksey Mikhailovich Romanov (1629 - 1676): con trai của Sa hoàng Michael và Eudoxia Streshneva, lên ngôi ở tuổi 16 sau cái chết của cha mình vào ngày 12/07/1645, là Sa hoàng trong một vài thập kỷ sôi động nhất vào giữa thế kỷ 17. Triều đại của ông chứng kiến các cuộc xâm lược của Nga vào Ba Lan và chiến tranh với Thụy Điển trong các chiến dịch Deluge, sự ly giáo Raskol trong Giáo hội Chính Thống Nga và các cuộc nổi dậy của quân Cossack do Stenka Razin lãnh đạo. Vào đêm trước khi qua đời năm 1676, lãnh thổ của ông kéo dài hơn 8,1 triệu km². (DG)

[64] Henry Brooks Adams (1838 - 1918): sử gia người Mỹ và là thành viên của gia đình chính trị Adams, hậu duệ của hai đời tổng thống Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Harvard, ông làm thư ký cho cha mình, Charles Francis Adams - Đại sứ Mỹ tại London dưới thời Tổng thống Abraham Lincoln, vị trí có ảnh hưởng rất nhiều đến ông, cả kinh nghiệm ngoại giao thời chiến và hấp thu văn hóa Anh, đặc biệt là các tác phẩm của John Stuart Mill. Hồi ký được xuất bản sau khi ông mất, The Education of Henry Adams, đã đoạt giải Pulitzer và được The Mordern Library ghi nhận là cuốn sách phi hư cấu tiếng Anh hàng đầu của thế kỷ 20. (DG)

[65] Ekaterina II (1729 - 1796): cai trị toàn bộ lãnh thổ Đế quốc Nga từ 28 tháng Sáu năm 1762 cho tới khi qua đời. Có thể nói bà là hiện thân của chế độ quân chủ chuyên chế Sa hoàng, có công lớn trong việc đưa Nga thực sự trở thành một cường quốc ở châu Âu vào thế kỷ 18. Dưới triều đại của bà, quân đội Nga đã đánh tan quân Thổ Ottoman. (DG)

[66] Nikolai Mikhailovich Karamzin (1766 – 1826): nhà văn, nhà sử học Nga, thành viên danh dự của Viện Hàn lâm Khoa học Saint Petersburg, tác giả của bộ Lịch sử Nhà nước Nga gồm 12 tập, một trong những công trình sử học tổng hợp đầu tiên của Nga. (DG)

[67] Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821 - 1881): nhà văn nổi tiếng người Nga, cùng với Lev Tolstoy, Dostoevsky được xem là một trong hai nhà văn Nga vĩ đại thế kỷ 19. Các tác phẩm của ông như Anh em nhà Karamazov hay Tội ác và hình phạt đã khai thác tâm lý con người trong bối cảnh chính trị, xã hội và tinh thần của xã hội Nga thế kỷ 19. Ông được giới phê bình đánh giá rất cao, phần lớn xem ông là người sáng lập hay là người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ 20. Tuy nhiên ở Liên Xô, sau Cách mạng tháng Mười, người ta hầu như phủ nhận toàn bộ các sáng tác của Dostoevsky. Từ năm 1972, các tác phẩm của Dostoevsky mới được nhìn nhận lại và đánh giá đúng mức ở quê hương của mình. (DG)

[68] Nằm giữa mũi Dezhnev, điểm cực đông của châu Á và mũi Prince of Wales (Hoàng tử xứ Wales), điểm cực tây của châu Mỹ, là eo biển phân cách châu Á và Bắc Mỹ. Nó được đặt tên theo Vitus Bering, nhà thám hiểm người Nga gốc Đan Mạch là người đã vượt qua Eo biển này năm 1728. (DG)

[69] Một con sông ở Trung Âu, khởi nguồn từ Cộng hòa Séc và chảy xuyên qua phía Tây Ba Lan, sau đó trở thành biên giới tự nhiên dài 187 km giữa Ba Lan và Đức. (DG)

[70] Một tộc người Iran cổ đại gồm những người chăn thả gia súc, sống du mục, cưỡi ngựa; dân tộc bách chiến bách thắng thống trị vùng thảo nguyên Hắc Hải trong thời kỳ cổ đại từ khoảng thế kỷ 8-7 TCN. (DG)

[71] Chateaubriand François-René, Tử tước của Chateaubriand (1768 - 1848): nhà văn, chính trị gia và nhà ngoại giao người Pháp. Ông được coi là người sáng lập ra trào lưu lãng mạn trong văn học Pháp. (DG)

[72] Một hiệp ước được Anh, Áo, Phổ và Nga ký tại Paris ngày 20/11/1815, gia hạn thỏa thuận liên minh ban đầu vào năm 1813 và sửa đổi mục tiêu của liên minh từ việc đánh bại Napoleon Bonaparte sang việc duy trì các dàn xếp sau các cuộc chiến tranh của Napoleon. (DG)

[73]Chiến tranh Crimea (1853-1856): giữa hai lực lượng quân sự châu Âu, phe đồng minh gồm Đế quốc Pháp, Đế quốc Anh, Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và Sardegna chống lại Đế quốc Nga. Một trong những lý do gây ra cuộc chiến là việc chính phủ Sa hoàng bảo hộ cho các thần dân Chính thống giáo nằm dưới ách thống trị của Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến tranh tàn khốc này mở đầu với việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên chiến với Nga vào năm 1853, sau đó Anh và Pháp lần lượt tuyên chiến với Nga. Năm 1856, quân đội Nga - đội quân tinh nhuệ nhất của châu Âu trong con mắt của Sa hoàng Nikolai I - đã đại bại. Nga bị mất chủ quyền ở biển Đen, một thành quả của Nữ hoàng Ekaterina II Đại đế năm xưa. (DG)

[74] Sông Rhine dài 1.233 km, bắt nguồn từ hồ Tomasee trên dãy núi Alps thuộc địa phận Thụy Sĩ, chảy vào hồ Bodensee rồi hướng lên phía bắc tới biên giới Đức-Pháp; chảy qua Strasbourg (Pháp), chảy vào lãnh thổ Đức bắt đầu từ Karlsruhe qua Bonn, Köln, Dusseldorf,... Sông Rhine là một trong những con sông lớn và quan trong nhất Châu Âu. (DG)

[75] Benjamin Disraeli (1804 - 1881): Bá tước thứ nhất của Beaconsfield, Hiệp sĩ dòng Garter, Ủy viên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh, thành viên Hội Hoàng gia Luân Đôn, từng giữ các chức Thủ tướng Anh, Nghị sĩ và cũng là thành viên chủ chốt Đảng Bảo thủ. Ông đóng vai trò then chốt trong việc hình thành nên Đảng Bảo thủ Anh hiện đại sau sự kiện thay đổi luật nhập khẩu ngô năm 1846. (DG)

[76] Alfred Graf von Schlieffen (1833-1913): Thống chế Đức, từng tham gia trong các cuộc chiến tranh thống nhất Đức và là Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức từ năm 1891 cho đến năm 1906. Tên tuổi ông gắn liền với Kế hoạch Schlieffen năm 1905, một kế hoạch chiến lược để giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hai mặt trận chống lại Đế quốc Nga ở phía đông và Đệ tam Cộng hòa Pháp ở phía tây. Ông được coi là nhà chiến lược nổi tiếng và gây tranh cãi trong thời đại của ông. (DG)

[77] Konrad Hermann Josef Adenauer (1876-1967): chính trị gia Đức. Dù có cuộc đời chính trị kéo dài 60 năm, bắt đầu từ năm 1906, nhưng ông được biết đến nhiều nhất với vai trò là Thủ tướng đầu tiên của Tây Đức từ 1949 - 1963 và Chủ tịch của Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo từ 1950 tới 1966. Ông bắt đầu giữ chức từ năm 73 tuổi và rời cương vị năm 87 tuổi, là thủ tướng già nhất từng giữ nhiệm kỳ thủ tướng Đức. (DG)

[78] Jean-Baptiste Nicolas Robert Schuman (1886-1963) hai lần là Thủ tướng Pháp, ông có công lớn trong việc xây dựng các thể chế châu Âu và xuyên Đại Tây Dương sau chiến tranh, được coi là một trong những người sáng lập Liên minh châu Âu, Hội đồng châu Âu và NATO. (DG)

[79] Alcide Amedeo Francesco De Gasperi (1881 - 1954): chính khách Ý, người thành lập Đảng Dân chủ Ki-tô giáo. Từ năm 1945 đến 1953. ông là thủ tướng của tám chính phủ liên minh. Nhiệm kỳ tám năm của ông là một bước ngoặt về tuổi thọ chính trị cho một nhà lãnh đạo trong nền chính trị hiện đại Ý. Cùng Altiero Spinelli, Konrad Adenauer và Robert Schuman, ông là một trong những người sáng lập Liên minh châu Âu. (DG)

[80] Được gọi theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, với tên chính thức là Kế hoạch Tái thiết châu Âu (European Recovery Program), được xây dựng trong cuộc họp giữa các quốc gia châu Âu ngày 12/07/1947, là một kế hoạch trọng yếu của Mỹ nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu nhằm đẩy lùi chủ nghĩa Cộng sản sau Thế chiến II. (DG)

[81] Con sông phía đông thuộc hai con sông lớn phân định nền văn minh Lưỡng Hà, Tigris chảy từ các khu vực núi của Thổ Nhĩ Kỳ qua Iraq. Tiếng Việt gọi sông này là Tích Giang. (DG)

[82] Con sông phía tây thuộc hai con sông lớn phân định nền văn minh Lưỡng Hà, khởi nguồn từ Anatolia. Thế kỷ 17, sách chữ Nôm tiếng Việt gọi sông này là Uông Phát hay Yêu Phách. (DG)

[83] Nguyên văn: Zoroastrianism, một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại, do nhà tiên tri Ba Tư Zoroaster sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại, chủ trương thờ phụng Ormazd trong cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái thiện và cái ác trên toàn vũ trụ. (DG)

[84] Một thành phố ở vùng Hejaz và là thủ phủ của tỉnh Makkah & Ả-rập Saudi. Mecca được coi là thánh địa Hồi giáo và bất kỳ người Hồi giáo nào cũng bắt buộc phải hành hương tới đây ít nhất một lần trong đời. (DG)

[85] Nguyên văn: Mogul, một đế quốc Hồi giáo (chịu ảnh hưởng văn hoá Ba Tư) ở Tiểu lục địa Ấn Độ ra đời vào năm 1526, nắm quyền kiểm soát trên phần lớn tiểu lục địa trong các thế kỷ 17 và 18, và cáo chung vào giữa thế kỷ 19. Các vua Mông Cổ đều thuộc dòng dõi nhà Timur có dòng máu Đột Quyết, Mông Cổ, Rajput và Ba Tư. Khi ở đỉnh cao vào khoảng năm 1700, Đế quốc này trị vì trên phần lớn Tiểu lục địa trải dài từ Bangladesh ở phía đông tới Balochistan ở phía tây, Kashmir ở phía bắc tới lòng chảo Kaveri ở phía nam, với lãnh thổ rộng đến 4 triệu km². (DG)

[86] Reconquest (tiếng Anh): chỉ một loạt các chiến dịch của các quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thời Trung cổ, nhằm giành lại lãnh thổ từ người Hồi giáo (Moors), những người đã chiếm hầu hết bán đảo Iberia vào đầu thế kỷ 8. (DG)

[87] Eo biển chia cắt phần thuộc châu Âu (Rumeli) của Thổ Nhĩ Kỳ với phần thuộc châu Á (Anatolia) của nước này. Nó nối biển Marmara với biển Đen. Eo Bosphorus dài 30 km, với chiều rộng lớn nhất 3,7 km ở lối vào phía bắc và chiều rộng nhỏ nhất 0,75 km nằm giữa hai pháo đài Anadoluhisari và Rumelihisari. (DG)

[88] Một triều đại đã cai trị lãnh thổ Iran ngày nay, cũng nhiều vùng phụ cận từ khoảng năm 1501 đến năm 1736. Họ thường hay giao chiến với nhà Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ và người Uzbek. Vị vua nổi tiếng nhất của Đế quốc Safavid là Abbas I, người đã khuyến khích giao thương với châu Âu, đánh thắng người Thổ, Uzbek và mở mang bờ cõi. Tuy nhiên, đế chế suy yếu sau khi Abbas I qua đời vào năm 1629, và cuối cùng phải chịu quy phục người Afghanistan vào năm 1722. (DG)

[89] Hòa ước cuối cùng trong hệ thống Hòa ước Versailles, được ký ngày 10 tháng Tám năm 1920 tại Sèvres, Pháp, giữa nước bại trận trong Thế chiến I là Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thắng trận thuộc phe Hiệp ước. Theo Hòa ước này, Đế quốc Ottoman mất đi 80% lãnh thổ và chính thức chấm dứt sự tồn tại, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn giữ lại phần Tiểu Á và một vùng thuộc châu Âu trong đó có Istanbul. (DG)

[90] Tiếng Ả-rập: nhà quý tộc lãnh đạo xứ Hồi giáo. (DG)

[91] Nguyên văn: Muslim Brotherhood, được thành lập năm 1928 tại Ai Cập như một phong trào xã hội, chính trị và tôn giáo, là phong trào Hồi giáo lâu đời nhất, có ảnh hưởng nhất và là tổ chức chính trị đối lập lớn mạnh nhất tại nhiều quốc gia Ả-rập. Mục đích của tổ chức này được tuyên bố là truyền dẫn Kinh Quran và Sunnah như “điểm tham chiếu duy nhất để… dẫn dắt cuộc sống cho gia đình, cá nhân, cộng đồng,... và quốc gia Hồi giáo”. Phong trào này được cho là có liên quan đến bạo lực chính trị, nhận trách nhiệm trong việc thành lập Hamas. (DG)

[92] Cũng gọi là Chiến tranh Ả-rập-Israel hay Chiến tranh tháng Sáu, là cuộc chiến giữa Israel và các nước láng giềng Ả-rập: Ai Cập, Jordan, và Syria. Tháng Năm năm 1967, Ai Cập đã trục xuất Lực lượng Khẩn cấp của Liên Hợp Quốc (UNEF) khỏi Bán đảo Sinai, nơi đội quân này đã đồn trú kể từ năm 1957 (sau cuộc khủng hoảng Suez) và tạo thành một vùng đệm gìn giữ hòa bình ở đây. Ai Cập phong tỏa Eo biển Tiran (cửa ngõ vào Vịnh Aqaba) đối với các tàu mang cờ Israel hoặc các tàu chở hàng chiến lược, và kêu gọi các nước Ả-rập thống nhất lại để cùng hành động đối phó với Israel. Ngày 5 tháng Sáu năm 1967, Israel đã tấn công phủ đầu đánh vào không lực Ai Cập. Kết thúc cuộc chiến, Israel giành được quyền kiểm soát Đông Jerusalem, Dải Gaza, Bán đảo Sinai, Bờ Tây, và Cao nguyên Golan. Kết quả của cuộc chiến này ảnh hưởng đến địa thế chính trị của khu vực này cho đến ngày nay. (DG)

[93] Từ viết tắt cho Harakat al-Muqawama al-Islamiyya (Phong trào Kháng chiến Hồi giáo). Ngày 14 tháng Mười hai năm 1987, chỉ ít ngày sau khi cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel (còn được gọi là Intifada lần thứ nhất) bùng nổ, Phong trào Hồi giáo Sunni vũ trang Hamas đã được thành lập với mục tiêu dài hạn là thành lập một quốc gia Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948. Khẩu hiệu của Hamas là “Allah là mục tiêu, Đấng Tiên tri Muhammad là hình mẫu, Kinh Quran là hiến pháp, Thánh chiến là con đường duy nhất và được chết vì Allah là sự thể hiện lòng trung thành”. Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel. Và để thành lập một nhà nước Palestine Hồi giáo, đối với họ không có con đường nào khác ngoài việc tiến hành thánh chiến. (DG)

[94] Có nghĩa là “Đảng của Thượng đế”, được thành lập năm 1982 nhằm phản ứng trước sự kiện Israel xâm lược Lebanon để đẩy Tổ chức Giải phóng Palestine (PLC) của Yasser Arafat ra khỏi Lebanon. Hezbollah được thành lập từ sự hợp nhất ba tổ chức dân quân của người Hồi giáo theo hệ phái Shiite ở Lebanon là phong trào Hồi giáo Amal, tổ chức Daw’ah và tổ chức Ulema. Hezbollah được sự hỗ trợ tài chính của Iran và Syria, được xem như kẻ thù không đội trời chung của Israel. (DG)

[95] Lưu ý của tác giả: tác giả không khẳng định bất kỳ vị thế lập trường nào để xác định những chân lý cốt lõi của các học thuyết và giáo phái mà những mâu thuẫn căng thẳng giữa chúng hiện đang sắp xếp lại thế giới Hồi giáo. Nhiều người Hồi giáo, ở nhiều quốc gia là đa số, đã đạt đến những lý giải ít đối đầu và đa nguyên hơn về đức tin của họ so với những lý giải được trích dẫn ở những trang sách này. Tuy nhiên, những quan điểm được trình bày ở đây hiện có ảnh hưởng quyết định đáng kể đối với hướng đi của nhiều quốc gia Trung Đông quan trọng và gần như tất cả các tổ chức phi nhà nước. Những quan điểm này đại diện cho sự khẳng định về một trật tự thế giới riêng biệt theo định nghĩa cao hơn và không tương thích với hệ thống theo Hòa ước Westphalia hoặc các giá trị của chủ nghĩa quốc tế tự do. Khi một ai đó tìm hiểu chúng, cần phải trông cậy đến từ vựng tôn giáo do các bên tranh chấp viện dẫn.

[96] Tên theo bản ngữ Hausa: Cấm nền giáo dục phương Tây, là một nhóm vũ trang Hồi giáo, bị coi là phiến quân vì tổ chức các hoạt động khủng bố, giết người tàn bạo ở Nigeria. Nhóm này truyền bá tư tưởng thù địch phương Tây, cho rằng giáo dục của người phương Tây là một tội lỗi đáng nguyền rủa. Phiến quân này thể hiện sức mạnh thông qua các vụ bắt cóc, giết người, và đánh bom trường học, nhà thờ. Các tín đồ của Boko được rèn luyện trong một môi trường khắc nghiệt, họ sẵn sàng dâng hiến bản thân để phá hoại chính quyền nhằm tạo lập một nhà nước mới, tạo nên một thế đối lập không thể cân bằng giữa cộng đồng người Hồi giáo ở phía Bắc và người Thiên Chúa giáo ở phía Nam Nigeria. (DG)

[97] Tiếng Ả-rập “Mặt trận Yểm trợ cho nhân dân Al-Sham” là một chi nhánh của al-Qaeda hoạt động ở Syria và Lebanon. Nhóm tuyên bố thành lập ngày 23 tháng Một năm 2012 trong cuộc nội chiến Syria. Kể từ đó đến nay, nó được miêu tả như là “hiếu chiến và thành công nhất” và là “một trong những lực lượng nổi dậy có hiệu quả nhất” ở Syria. Nhóm này bị Liên Hợp Quốc, Australia, Canada, New Zealand, Nga, Anh, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố. (DG)

[98] Một thành phố ở vùng Hejaz và là thủ phủ của tỉnh Al Madinah. Thành phố này là nơi chôn cất Đấng Tiên tri Muhammad và là thành phố linh thiêng thứ ba của Hồi giáo sau Mecca. (DG)

[99] Một học thuyết Hồi giáo do Muhammad ibn Abd al-Wahab (1703-1791) đưa vào Bán đảo Ả-rập từ thế kỷ 18. Nó cho rằng Hồi giáo, từ sau thế kỷ thứ ba theo lịch Hồi (tức là khoảng từ năm 960 trở đi) đã phát triển nhiều hình thức sai lạc, cần phải được thanh lọc. Theo học thuyết Wahhabi, Allah là Chúa trời, là đấng sáng tạo duy nhất mà mọi người phải dốc lòng trực tiếp thờ phụng, không qua một trung gian nào (tượng, hình ảnh…). Do vậy, sự phô trương trong cách hành lễ và sống xa hoa là tội lỗi lớn, vì nó chứng tỏ tín đồ còn có những mối quan tâm khác ngoài Allah. Xuất phát từ điều này, các thánh đường Hồi giáo Wahhabi đều được thiết kế đơn giản, không xây tháp, tín đồ ăn mặc xuềnh xoàng và không được hút thuốc. Có thể xem đây là một trường phái Cải Cách trong Hồi giáo. (DG)

[100] Khsayarsha/Xerxes I của Ba Tư - Xerxes Đại đế là vị vua Ba Tư (trị vì: 485 - 465 TCN) thuộc nhà Achaemenid, trong tiếng Ba Tư cổ có nghĩa là vua của các anh hùng. Xerxes là con của Darius Đại đế và Atossa, con gái của Cyrus Đại đế. (DG)

[101] Cyrus Đại đế (khoảng 600 - 530 TCN): vị hoàng đế khai quốc của Đế quốc Ba Tư dưới triều đại nhà Achaemenes. Là một vị vua vĩ đại, sau cuộc chinh phạt Đế quốc Tân Babylon, ông xưng là vua của các vua. Dưới triều đại ông, Đế quốc Ba Tư chiếm được tất cả những nền văn minh trước đây của vùng Cận Đông cổ đại, bành trướng đáng kể và cuối cùng đã chinh phạt phần lớn vùng Tây nam Á và nhiều phần đất của vùng Trung Á thậm chí những phần đất của châu Âu và vùng Kavkaz. Từ bờ biển Địa Trung Hải và biển Hellespont ở phía Tây cho tới sông Ấn ở phía Đông, Cyrus Đại Đế đã gây dựng nên một đế quốc rộng lớn nhất mà trước đây không có đế quốc nào bì kịp trên thế giới. (DG)

[102] Darius Đại đế (khoảng 549 - 485 TCN): vua của Ba Tư cổ đại từ năm 522 TCN đến 485 TCN. Ông lên ngôi sau khi giết chết vua Gaumata trong cuộc nội chiến và xây dựng lại nhà Achaemenes. Darius là một quân vương sáng suốt và mạnh mẽ. Ông tiếp tục và mở rộng chính sách khuyến khích văn hóa địa phương của Cyrus Đại đế trong đế quốc, cho phép họ được theo tín ngưỡng riêng và giữ các phong tục riêng. Darius cũng gây ra nhiều cuộc chiến tranh để mở mang đế quốc và chiếm được những vùng đất xa xôi như Ấn Độ hay Thrace. Với sự anh minh của mình, ông đã đưa nước Ba Tư lên tới cực điểm thịnh vượng. Cho đến khi ông băng hà, Ba Tư có lãnh thổ rộng lớn nhất. (DG)

[103] Alexander Đại đế, (356 - 323 TCN): quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở Vương quốc Macedonia (336 - 323 TCN). Sau khi thống nhất các thành bang Hy Lạp cổ đại dưới sự cai trị của vua cha Philipos II, Alexandrer chinh phục Đế chế Ba Tư, bao gồm cả Tiểu Syria, Phoenicia, Gaza, Ai Cập, Bactria, Lưỡng Hà và mở rộng biên cương đế chế đến tận Punjab thuộc Ấn Độ ngày nay. Chiến thắng của ông trước quân Ba Tư trong trận Gaugamela - chiến thắng quyết định thứ ba của ông trước vua Ba Tư Darius III - được xem là chiến công hiển hách nhất trong thời kỳ cổ đại; không những thế ông còn đánh tan tác người Scythia - một dân tộc bách chiến bách thắng thời bấy giờ. Ông đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời, và vì thế ông thường được xem là một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử. (DG)

[104] Sách dài thứ nhì của Kinh Thánh. Nội dung sách được trình bày theo chủ đề chứ không theo thứ tự thời gian, thuật lại những gì bản thân Jeremiah trải nghiệm khi ông trung thành thi hành thánh chức trong 67 năm. (DG)

[105] Một vị tiên tri được mô tả trong Kinh Thánh tiếng Do Thái. Ngày nay, mộ của Rachel nằm giữa hai thành phố Jerusalem và Bethlehem. Ngày 21 tháng Hai năm 2011, chính phủ Israel đã thông qua đề nghị của Thủ tướng Netanyahu về việc đưa mộ của Rachel ở Bethlehem và mộ các Trưởng lão ở Hebron thuộc khu Bờ Tây vào danh sách di sản quốc gia của nước này. Việc này được phía Palestine coi là kích động tôn giáo. (DG)

[106] Thuật ngữ phương Tây chỉ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam. (BTV)

[107] Một vương quốc thống trị phần lớn Quần đảo Ryukyu từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Các vua Lưu Cầu đã thống nhất Đảo Okinawa và mở rộng lãnh địa vương quốc đến Quần đảo Amami là một phần của Kagoshima ngày nay và Quần đảo Yaeyama gần Đài Loan. (DG)

[108] Cũng gọi là Washiba Hideyoshi (1537 - 1598): daimyo (lãnh chúa) của thời kỳ Sengoku. Thời kỳ nắm quyền của ông thường được gọi là thời kỳ Momoyama, theo tên lâu đài của ông. Ông nổi tiếng với những di sản văn hóa của mình, bao gồm đặc quyền mang vũ khí của tầng lớp samurai. Toyotomi Hideyoshi thường được coi là người thứ hai có công thống nhất Nhật Bản. (DG)

[109] Lý Thuấn Thần (1545 - 1598): vị tướng nổi tiếng, một trong số ít đô đốc hải quân toàn thắng. Hy sinh do trúng đạn trong trận Lộ Lương. Trước khi tắt thở, ông nói “đừng để người ta biết tôi chết” (vì sợ rằng quân mình mất tinh thần, còn quân địch thêm phấn chấn). Tượng đài của ông được đặt giữa quảng trường Quang Hóa Môn ở trung tâm Seoul đã khiến ông trở thành người anh hùng bất tử đối với người Hàn Quốc. (DG)

[110] Bắt nguồn từ độ cao 2.500 m của ngọn Bạch Đầu trên dãy Trường Bạch, có chiều dài 790 km, lưu vực rộng 30.000 km², là con sông hình thành biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tên của con sông bắt nguồn từ tiếng Mãn (Yaluula) có nghĩa là sông biên giới. (DG)

[111] Hay Chiến dịch Hawaii theo cách gọi của Bộ Tổng tư lệnh Nhật Bản, là một đòn tấn công quân sự bất ngờ được Hải quân Nhật Bản thực hiện nhằm vào căn cứ hải quân của Mỹ tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) thuộc tiểu bang Hawaii (ngày 7 tháng Mười hai năm 1941), được trù tính sẽ ngăn ngừa và giữ chân Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ không can thiệp đến cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định nhằm xâm chiếm Đông Nam Á, chống lại Anh, Hà Lan, và Mỹ. Cuộc tấn công này dẫn đến việc Mỹ sau đó quyết định tham chiến trong Thế chiến II. (DG)

[112] Cải cách Minh Trị (1866 - 1869): một chuỗi các sự kiện cải cách dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị Nhật Bản, mở đường cho việc biến Nhật Bản phong kiến thành nước tư bản chủ nghĩa, thoát khỏi số phận một nước thuộc địa/nửa thuộc địa, tiến hành công nghiệp hóa khiến nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong 30 năm cuối của thế kỷ 19, trở thành một cường quốc quân sự năm 1905 sau khi đánh bại Hải quân Hoàng gia Nga và trước đó là chiến thắng trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (1894 - 1895) với nhà Thanh. (DG)

[113] Sông Ấn Độ gọi tắt là Sông Ấn, dài 2.900 km bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy từ Dãy núi Himalaya, là con sông chính của Pakistan. Trước năm 1947 khi xảy ra việc Ấn Hồi phân chia thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan, thì đây là con sông lớn thứ hai sau Sông Hằng ở vùng Nam Á. Con sông này có vai trò quan trọng về mặt văn hóa lẫn thương mại của cả khu vực. Địa danh "Ấn Độ" cũng xuất phát từ tên của con sông này. Sông Ấn là cái nôi của một nền văn minh cổ đại nơi đã sớm xuất hiện những đô thị đầu tiên trên thế giới. (DG)

[114] Dài 2.510 km bắt nguồn từ Himalaya, là con sông quan trọng nhất của Ấn Độ, Thủ phủ của các đế quốc trước đây (như Pataliputra, Kannauj, Kara, Kashi, Allahabad, Murshidabad, Munger, Baharampur, Kampilya, và Kolkata) nằm dọc theo bờ sông này. Sông Hằng là sông linh thiêng nhất đối với Hindu giáo, tên của sông được đặt theo tên vị nữ thần Hindu là Ganga (tiếng Phạn). (DG)

[115] Bhagavad Gita: văn bản cổ bằng tiếng Phạn gồm 700 câu của bộ trường ca Mahabharata, sử dụng dạng thơ mỗi câu có năm âm tiết Sanskrit với nhiều so sánh và ẩn dụ, mang nhiều tính thơ ca; và do đó tựa đề, dịch ra đầy đủ là “Bài hát của Đấng Tối cao” Bhagavan dưới hình dạng của Krishna. (DG)

[116] Chānakya hay Kautilya, Vishnugupta (khoảng 350 - 283 TCN): một quan lại cao cấp và nhà triết học trong triều Chandragupta, Vương triều Maurya (thế kỷ 4 TCN). Trong tác phẩm Arthashastra (Luận về bổn phận) của ông, viết: “Vua chúa nên tìm hiểu cho tốt, không phải vẽ những gì ông ta muốn mà là người dưới quyền ông ta muốn gì” và “Vua chúa là một đầy tớ được trả lương và chia sẻ tài nguyên quốc gia chung với mọi người”. (DG)

[117] Đế quốc Maurya hay Đế quốc Khổng Tước là một thế lực hùng mạnh vào thời Ấn Độ cổ đại, do Vương triều Maurya cai trị từ năm 321 đến 185 TCN, kinh đô đặt tại Paraliputra (nay là Pama). Đế quốc được Chandragupta Maurya thành lập vào năm 322 TCN. Ông đã lật đổ vương triều Nanda và nhanh chóng mở rộng thế lực của mình về phía tây đến vùng Trung và Tây Ấn Độ. Năm 320 TCN, đã hoàn toàn kiểm soát được vùng Tây bắc Ấn Độ, đánh bại và chinh phục các satrap (phó vương Ba Tư) do Alexander để lại. Với diện tích 5 triệu km², Maurya là một trong các đế quốc lớn nhất thế giới lúc đó và là đế quốc lớn nhất từng tồn tại trên Tiểu lục địa Ấn Độ. (DG)

[118] Carl Philipp Gottfried von Clausewitz (1780 - 1831): vị tướng của Vương quốc Phổ, nhà lịch sử học quân sự, lý luận học quân sự có tầm ảnh hưởng lớn. Ông được biết đến nhiều nhất với luận thuyết Bàn về chiến tranh (Vom Kriege). (DG)

[119] Tần Thủy Hoàng (259 - 210 TCN): tên thật là Doanh Chính, là vua của nước Tần ở Trung Quốc từ năm 246 - 221 TCN trong thời Chiến Quốc, và trở thành vị Hoàng đế sáng lập ra nhà Tần, đồng thời là Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất vào năm 221 TCN sau khi tiêu diệt các nước chư hầu khác, mở ra gần hai thiên niên kỷ của hoàng gia cai trị Trung Quốc. Để đảm bảo sự ổn định, ông đặt ra ngoài vòng pháp luật và đốt cháy nhiều cuốn sách và chôn sống nhiều học giả. Ông đã tiến hành nhiều dự án khổng lồ bao gồm việc xây dựng và hợp nhất các đoạn Vạn Lý Trường Thành và một hệ thống đường quốc gia lớn, với cái giá của rất nhiều mạng người. (DG)

[120] Người trị vì Đế quốc Khổng Tước (maurya, nghĩa là “con công”) từ năm 273 - 232 TCN, một trong những Hoàng đế Ấn Độ kiệt xuất, ông toàn thắng trong một loạt các cuộc chinh phạt và đã cai trị phần lớn vùng Nam Á. Là một quân vương ủng hộ Phật giáo, ông đã lập nhiều bia để ghi lại những thành tích trong cuộc đời Phật Thích-ca Mâu ni, và theo truyền thống Phật giáo, tên ông gắn liền với việc lưu truyền Phật giáo. Ông là vị quân vương đầu tiên của nước Ấn Độ cổ đã thống nhất được một lãnh thổ vĩ đại, lớn hơn cả Ấn Độ ngày nay. (DG)

[121] Một thành phố cảng Yemen, ở phía lối vào phía đông đến Biển Đỏ (Vịnh Aden). Đây là thành phố lớn thứ 4 và là thủ đô tạm thời của Yemen. (DG)

[122] Cao 1.070 m, một đèo quan trọng của ngọn núi giữa hai quốc gia Afghanistan và Pakistan. (DG)

[123] Nguyên văn: The Great Game, thuật ngữ chính trị do Huân tước Rediard Kipling, nhà văn và là nhà tình báo Anh đưa ra lần đầu tiên trong thế kỷ 19 khi bàn về sự đối đầu chiến lược giữa Đế quốc Anh và Nga ở Trung Đông. Người Nga gọi là Turniry Teney. Tạm dịch là Trận thư hùng Bóng đêm. (DG)

[124] Jawaharlal Nehru (1889 - 1964): Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ từ năm 1947 - 1964, một trong những nhân vật trung tâm của chính trị Ấn Độ ở phần lớn thế kỷ 20. Ông nổi lên như là lãnh đạo tối cao của phong trào độc lập Ấn Độ dưới sự giám hộ của Mahatma Gandhi. Nehru được coi là kiến trúc sư của nhà nước hiện đại Ấn Độ: một nước cộng hòa có chủ quyền, thế tục, và dân chủ. Nehru cũng là nhà văn, là sử gia không chuyên và là tộc trưởng của gia tộc Nehru-Gandhi, dòng họ chính trị nổi tiếng nhất ở Ấn Độ. (DG)

[125] Indira Priyadarsinī Gāndhī (1917 - 1984): Thủ tướng Ấn Độ giai đoạn 1966 - 1977, và lần thứ hai từ năm 1980 cho đến khi bị ám sát năm 1984. Là con gái của Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru, và là mẹ của Thủ tướng Rajiv Gandhi, Indira Gandhi là một trong những chính khách nổi bật nhất sau khi Ấn Độ giành độc lập. Bà không có quan hệ họ hàng gì với Mahatma Gandhi. (DG)

[126] Được đưa ra vào lúc hầu hết các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại châu Mỹ La-tinh đã giành được độc lập ngoại trừ Cuba và Puerto Rico, đây là một chính sách của Mỹ được Tổng thống Mỹ James Monroe trình bày trước Nghị viện ngày 2 tháng Mười hai năm 1823. Theo đó những nỗ lực trong tương lai của các nước Âu châu đã lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở Bắc hay Nam Mỹ sẽ bị xem là hành động xâm lược và như vậy đòi hỏi sự can thiệp của Mỹ. (DG)

[127] The Horn of Affrica: bán đảo ở Đông bắc châu Phi, nhô hàng trăm cây số ra biển Ả-rập và nằm dọc theo phía nam của Vịnh Aden. Khu vực này là cực Đông của lục địa châu Phi gồm các nước Eritrea, Djibouti, Ethiopia, Somalia. (DG)

[128] Nguyên văn: Anglosphere, thuật ngữ dùng để chỉ các quốc gia mà tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất. Đặc biệt, thuật ngữ này còn dùng để chỉ các nước có đặc trưng văn hóa nào đó dựa trên một di sản ngôn ngữ, thường các nước này từng là thuộc địa của Anh. Cụ thể, các nước này gồm Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Úc, Canada (trừ Québec), New Zealand, Cộng hòa Ireland, Nam Phi, và Mỹ. (DG)

[129] Khu vui chơi giải trí nổi tiếng dành riêng cho hoàng gia của các triều đại Trung Quốc, có lịch sử tồn tại trên 800 năm với nhiều tên gọi khác nhau. Đầu đời nhà Tấn, một cung điện tên là Kim Sơn Cung đã được xây dựng tại nơi này. Năm 1750, vua Càn Long xây Thanh Y Viên tại khu vực này để mừng sinh nhật mẹ ông. Năm 1860, trong Chiến tranh Nha phiến, liên quân Anh-Pháp bắn phá khiến Thanh Y Viên bị hư hại nặng. 28 năm sau, Từ Hi Thái Hậu lấy ngân quỹ vốn dùng để hiện đại hóa hải quân ra trùng tu hoa viên trong vòng 10 năm và đặt tên là Di Hòa Viên (nghĩa là “Vườn nuôi dưỡng sự ôn hòa”). (DG)

[130] Một nhà nước trong lịch sử Trung Quốc (1851 - 1864) được hình thành từ cuộc nổi dậy của nông dân do Hồng Tú Toàn cầm đầu vào giữa thế kỷ 19, có lãnh thổ trải rộng từ sông Dương Tử xuống phía nam Trung Quốc với trên 16 tỉnh và hơn 600 thị, có thủ đô là Thiên Kinh (Nam Kinh). Cuộc chiến tranh giữa Thái bình Thiên quốc và các thế lực đối kháng (Chống lại sự cai trị của nhà Thanh và sự xâm lăng của các thế lực phương Tây) được coi là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong thế kỷ 19 ở Trung Quốc. (DG)

[131] Nguyên văn: Manifest Destiny, niềm tin rằng Mỹ có vận mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương trong thế kỷ 19. Những người cổ vũ cho khái niệm Vận mệnh hiển nhiên tin rằng mở rộng lãnh thổ không chỉ tốt đẹp mà còn là “hiển nhiên” và là “vận mệnh”. Trong thế kỷ 20, một số nhà bình luận tin rằng một số khía cạnh của Vận mệnh hiển nhiên, đặc biệt là niềm tin về sứ mệnh Mỹ là làm thăng tiến và bảo vệ nền dân chủ khắp thế giới, tiếp tục có một ảnh hưởng đến ý thức chính trị của người Mỹ. (DG)

[132] Edmund Burke (1729 - 1797); chính khách, nhà văn, nhà hùng biện, nhà chính trị học và nhà triết học người Ireland. Ông được nhớ đến chủ yếu như người đã ủng hộ những nhà cách mạng Mỹ và sau đó là phản đối cuộc Cách mạng Pháp. Edmund Burke được xem là nhà sáng lập tư tưởng của chủ nghĩa bảo thủ hiện đại và là đại diện của chủ nghĩa tự do cổ điển. (DG)

[133] Alexis-Charles-Henri Maurice Clérel de Tocqueville (1805 - 1859): Phó Chủ tịch Nghị viện và Bộ trưởng Ngoại giao (1849) của Pháp. Tác phẩm Nền dân trị Mỹ là một trong những khảo luận đầu tiên và sâu sắc nhất về hệ thống chính trị Mỹ, phân tích hệ thống lập pháp và hành pháp của Mỹ cùng ảnh hưởng của những định chế xã hội và chính trị đối với thói quen và cách hành xử của dân chúng. Ông cũng phê phán mạnh mẽ một số khía cạnh của nền dân chủ Mỹ, khi cho rằng ý kiến quân chủng có xu hướng tạo tình trạng chuyên chế, và chế độ cai trị theo đa số có thể cũng có tính chất đàn áp như là chế độ của một kẻ chuyên quyền. Ông được cho là người thành lập môn chính trị học so sánh. (DG)

[134] Phúc âm Matthew 5: 14, “Các con là ánh sáng cho thế gian. Một cái thành xây trên đồi thì không thể bị che khuất được.” (DG)

[135] Cuộc cách mạng tại Havana đã khiến Mỹ gửi chiến hạm USS Maine đến Cuba để tỏ thái độ quan tâm cao của Mỹ (đòi hỏi giải pháp cho vấn đề đòi độc lập của Cuba mà Tây Ban Nha đã khước từ). Ngày 15 tháng Hai năm 1898 lúc 9:40 tối, chiến hạm Maine chìm trong cảng Havana sau một vụ nổ làm chết 266 thủy thủ. Người Tây Ban Nha cho rằng sự kiện này xảy ra là do một vụ nổ từ bên trong chiến hạm, nhưng theo một bản báo cáo của phía Mỹ thì cho rằng nó bị mìn đánh chìm. (DG)

[136] Andrew Carnegie (1835 - 1919): Doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là vua Thép. Ông là người giàu thứ hai trong lịch sử thế giới, chỉ sau John D. Rockefeller. Ông là người đã góp phần làm cho ngành công nghiệp sản xuất thép của Mỹ phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19. (DG)

[137] Dean Gooderham Acheson (1893 - 1971): Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Harry S. Truman từ 1949 đến 1953, đóng vai trò trung tâm trong việc xác định chính sách ngoại giao của Mỹ trong suốt Chiến tranh Lạnh, đóng góp trong việc thiết kế kế hoạch Marshall đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển Chủ thuyết Truman và sáng lập ra NATO. Quyết định nổi tiếng nhất của Acheson là thuyết phục Tổng thống Truman can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên tháng Sáu năm 1950. Ông cũng thuyết phục Truman gửi viện trợ và cố vấn hỗ trợ cho quân Pháp ở Đông Dương dù rằng rốt cuộc năm 1968 ông đã khuyên Tổng thống Lyndon B. Johnson đàm phán hòa bình với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa .(DG)

[138] Đưa ra những giới hạn rất nghiêm ngặt trong việc chế tạo thiết giáp hạm và tàu chiến-tuần dương, được định nghĩa như là những tàu chiến có trọng lượng rẽ nước lớn hơn 10.000 tấn hoặc vũ khí có cỡ nòng lớn hơn 203 mm. (DG)

[139] Do Ngoại trưởng Mỹ Frank Billings Kellogg (đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1929) và Ngoại trưởng Pháp Atistide Briand đề xướng, Hiệp ước này nhằm “từ bỏ chiến tranh như một phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế”. (DG)

[140] Kẻ càng có quyền cao chức trọng thì càng phải cư xử đàng hoàng. (DG)

[141] Tác giả trình bày theo quan điểm của Mỹ. Sự thực thì thắng lợi của Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 là một trong những yếu tố quyết định buộc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris tháng 1 năm 1973. (BTV)

[142] Chỉ một tập hợp các robot phần mềm hoặc các con robot hoạt động một cách tự chủ. Từ này còn được dùng để chỉ một mạng các máy tính sử dụng phần mềm tính toán phân tán. (DG)

[143] John Locke (1632 - 1704): Triết gia theo chủ nghĩa kinh nghiệm và nhà hoạt động chính trị người Anh. Ông phát triển lý thuyết về khế ước xã hội, vai trò của nó đối với chức năng và nguồn gốc nhà nước. Qua các tác phẩm của mình, ông luôn đấu tranh chống lại chủ nghĩa chuyên chế và có những đóng góp lớn cho chủ nghĩa tự do cả về mặt cá nhân và thể chế. Ông trở thành nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai sáng và có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc Cách mạng Mỹ và bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. (DG)

[144] Thomas Stearns Eliot (1888 - 1965): nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học Anh gốc Mỹ. Đoạt giải Nobel Văn học năm 1948. (DG)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3