Trường Ca Achilles - Chương 09
CHƯƠNG CHÍN
SÁNG HÔM SAU TÔI BỊ TIẾNG THẦY CHIRON nhẹ nhàng chuẩn bị bữa sáng đánh thức. Nệm rơm êm ái dưới thân tôi; tôi đã ngủ rất ngon, và sâu. Tôi vươn vai, hơi giật mình khi chân tay tôi chạm vào Achilles, cậu vẫn còn say ngủ bên cạnh tôi. Tôi ngắm nhìn cậu trong phút chốc, má hây hây hồng và nhịp thở đều đặn. Có gì đó nhói lên trong tôi, ngay dưới da, nhưng rồi thầy Chiron giơ tay lên chào từ phía bên kia hang, và tôi ngại ngùng giơ tay lên chào lại, và thứ nhoi nhói kia đã bị lãng quên.
Hôm đó, sau khi ăn sáng, chúng tôi giúp thầy Chiron làm việc vặt. Đó là những công việc đơn giản, khoan khoái: thu hoạch quả mọng, bắt cá cho bữa tối, đặt bẫy chim cút. Bước đầu trên con đường học tập của chúng tôi, nếu có thể gọi những việc ấy như vậy. Vì thầy Chiron thích dạy dỗ, không phải bằng những bài giảng cố định, mà là theo từng dịp thích hợp. Khi những con dê lang thang quanh vách núi bị ốm, chúng tôi học cách trộn thuốc xổ để chữa cái bụng đau của chúng, và khi chúng đã khỏe lại, thì học cách làm cao dược để chống rận trên người chúng. Khi tôi rơi xuống một khe núi, gãy tay và rách đầu gối, chúng tôi học cách cố định các mảnh xương vỡ, lau rửa vết thương, và đắp loại dược thảo nào để chống nhiễm trùng.
Vào một lần đi săn, sau khi chúng tôi vô tình lùa một con gà nước ra khỏi ổ, ông dạy chúng tôi cách di chuyển không gây tiếng động và cách nghe tiếng con mồi di chuyển. Và khi chúng tôi đã tìm thấy con gà, thì là bài học về cách giương cung hay ná chuẩn nhất để con mồi chết nhanh chóng.
Nếu chúng tôi khát và không mang theo túi nước, ông sẽ dạy chúng tôi về những loại cây có rễ mang hạch trữ nước. Khi một cây tần bì núi bị đổ, chúng tôi học nghề mộc, xẻ cành cây, mài giũa và đẽo gọt số gỗ còn lại. Tôi làm ra một cái cán rìu, còn Achilles làm cán giáo; thầy Chiron nói rằng chúng tôi sẽ sớm học cách rèn lưỡi cho hai thứ này.
Mỗi tối và mỗi sáng chúng tôi giúp chuẩn bị bữa ăn, gạn sữa dê đặc để tạo sữa chua và phô mai, hoặc làm cá. Đó là những việc chúng tôi chưa bao giờ được phép làm trước kia, khi là những hoàng tử, và chúng tôi bị cuốn vào đến hăng say. Theo hướng dẫn của thầy Chiron, chúng tôi kinh ngạc nhìn bơ được tạo thành trước mắt mình, nhìn trứng chim trĩ cháy xèo xèo và đông lại trên đá nung trong lửa.
Một tháng sau, vào bữa sáng, thầy Chiron hỏi còn gì chúng tôi muốn học nữa không. “Những đồ kia ạ.” Tôi chỉ vào các dụng cụ trên vách hang. Dùng để phẫu thuật, ông đã nói vậy. Ông gỡ chúng xuống cho chúng tôi, từng cái một.
“Cẩn thận. Lưỡi dao rất sắc. Dành cho lúc có chỗ thịt hoại tử cần phải cắt bỏ. Khi ấy ấn vào vùng da quanh vết thương, và các con sẽ nghe thấy tiếng lách tách.”
Rồi ông dạy chúng tôi sờ nắn các xương trong cơ thể, vuốt dọc cột sống gập ghềnh trên lưng mỗi đứa. Ngón tay ông chỉ vào, giảng giải những chỗ sau da thịt nơi có các cơ quan nội tạng.
“Vết thương ở bất kì bộ phận nào cuối cùng cũng gây tử vong. Nhưng nhanh nhất là khi ở đây.” Ngón tay ông điểm lên vết hõm nhẹ trên thái dương Achilles. Một cơn ớn lạnh chạy khắp người tôi khi thấy nơi ấy bị chạm vào, nơi mà sinh mạng của Achilles được bảo vệ mong manh đến vậy. Tôi vui mừng khi chúng tôi nói sang những chuyện khác.
Về đêm chúng tôi nằm trên bãi cỏ mềm mại trước hang, và thầy Chiron chỉ cho chúng tôi những chòm sao, kể những câu chuyện về chúng - Andromeda, co rúm trước hàm răng của thủy quái, và Perseus bất động trong tư thế giải cứu nàng; thần mã bất tử Pegasus, bay lượn bằng đôi cánh, sinh ra từ cái cổ đứt lìa của Medusa. Ông cũng kể với chúng tôi về Heracles, về công lao của chàng, và về sự điên loạn đã chiếm lấy chàng. Trong cơn điên, chàng đã không nhận ra vợ con mình, và giết họ vì lầm tưởng là kẻ thù.
Achilles hỏi, “Làm sao anh ấy có thể không nhận ra vợ mình chứ?”
“Đó là bản chất của sự điên loạn,” thầy Chiron nói. Giọng ông nghe trầm lắng hơn bình thường. Tôi nhớ ra, ông đã từng biết con người ấy. Đã từng biết vợ chàng.
“Nhưng tại sao sự điên loạn lại tới với anh ấy?”
“Thánh thần muốn trừng phạt chàng,” thầy Chiron trả lời.
Achilles lắc đầu, sốt ruột. “Nhưng đây còn là hình phạt nặng hơn cho người vợ. Điều này không công bằng với họ.”
“Không có luật nào nói rằng các vị thần phải công bằng, Achilles à,” thầy Chiron nói. “Và có lẽ, việc bị bỏ lại một mình trên cõi trần khi người kia đã ra đi còn gây đau đớn hơn nhiều. Con có nghĩ vậy không?”
“Có lẽ vậy ạ,” Achilles công nhận.
Tôi ngồi nghe và không lên tiếng. Mắt Achilles lấp lánh trong ánh lửa, nét mặt cậu được khắc họa sắc nét trong bóng tối bập bùng. Tôi vẫn sẽ nhận ra gương mặt ấy trong bóng tối hay dưới lớp ngụy trang, tôi tự nhủ. Tôi vẫn sẽ nhận ra nó kể cả trong cơn điên dại.
“Nào,” thầy Chiron nói. “Ta đã kể cho các con truyền thuyết về Asclepius, và cách chàng biết được những bí mật trong việc chữa bệnh chưa?”
Ông đã kể rồi, nhưng chúng tôi muốn nghe lại, câu chuyện về người anh hùng, con trai thần Apollo, đã tha mạng một con rắn. Con rắn đã liếm sạch tai chàng để trả ơn, để chàng có thể nghe tiếng nó thì thầm với chàng bí mật về các loại thảo dược.
“Nhưng thầy mới là người đã thật sự dạy anh ta cách chữa bệnh,” Achilles nói.
“Là ta.”
“Thầy không để bụng chuyện con rắn giành hết tiếng thơm sao?”
Hàm răng thầy Chiron hiện ra đằng sau bộ râu đen. Ông cười. “Không đâu, Achilles, ta không để bụng.”
Sau đó Achilles chơi đàn lia, trong khi thầy Chiron và tôi ngồi nghe. Cây đàn lia của mẹ tôi. Cậu đã mang theo nó.
“Ước gì mình biết vậy,” tôi nói vào ngày đầu tiên, khi cậu khoe nó với tôi. “Suýt nữa mình đã không đi, vì mình không muốn bỏ lại nó.”
Cậu mỉm cười. “Giờ thì mình đã biết cách khiến cậu theo mình đi khắp nơi rồi.”
Mặt trời khuất bóng sau những vách đá của núi Pelion, và chúng tôi đều hạnh phúc.
THỜI GIAN TRÊN NÚI PELION nhanh chóng trôi, ngày nối tiếp ngày đi qua trong thơ mộng. Giờ đây khí trời trên núi đã trở lạnh khi chúng tôi thức dậy, và chỉ miễn cưỡng ấm lên trong ánh nắng mong manh lọt qua tán lá úa vàng. Thầy Chiron mang lông thú tới cho chúng tôi mặc, và treo da thú ngoài cửa hang để giữ hơi ấm ở bên trong. Ban ngày chúng tôi nhặt củi để đốt lửa sưởi, hay ướp muối thịt để bảo quản. Muông thú chưa lui hết về tổ, nhưng sắp rồi, thầy Chiron nói vậy. Vào buổi sáng, chúng tôi trầm trồ trước những chiếc lá đông cứng sương giá. Chúng tôi biết về tuyết qua những bài ca và chuyện kể; chúng tôi chưa bao giờ thấy tuyết.
Một buổi sáng nọ, tôi tỉnh giấc và thấy thầy Chiron đã rời đi. Chuyện này chẳng bất thường. Ông thường dậy trước chúng tôi, để vắt sữa dê hay hái hoa quả cho bữa sáng. Tôi rời hang để Achilles có thể ngủ tiếp, và ngồi đợi thầy Chiron ngoài khoảng đất trống. Tro tàn của đống lửa hôm qua đã trắng bệch và nguội lạnh. Tôi lơ đễnh lấy que gảy nó, lắng nghe khu rừng xung quanh mình. Một con chim cút rì rầm trong bụi cây tầng thấp, và một con chim cu gáy kêu lên. Tôi nghe tiếng sột soạt của nền lá, do gió hoặc sức nặng của một con thú bất cẩn. Lát nữa tôi sẽ kiếm thêm củi và châm lại lửa.
Cảm giác khác lạ bắt đầu râm ran trên da tôi. Đầu tiên rồi đến con cu gáy. Lá cây lặng im, và gió ngừng thổi, không con thú nào di chuyển trong bụi rậm. Có gì đó trong sự im lặng này giống như người ta nín thở vậy. Như thỏ non dưới bóng chim ưng. Tôi có thể cảm nhận được nhịp đập thình thịch dưới da mình.
Tôi tự nhủ, đôi khi thầy Chiron cũng làm các phép màu đơn giản, những trò thần bí, như đun nước hay trấn an muông thú.
“Thầy Chiron ạ?” Tôi gọi. Giọng tôi run rẩy, mong manh. “Thầy Chiron ơi?”
“Ta không phải Chiron.”
Tôi quay lại. Thetis đứng ở rìa khu đất, da trắng nhởn như xương và tóc đen bóng như hàng trăm ánh chớp. Làn váy bà mặc dính sát vào người và lấp loáng như vảy cá. Hơi thở của tôi tắc nghẹn nơi cổ họng.
“Ngươi lẽ ra không được ở đây,” bà nói. Như tiếng mỏm đá lởm chởm nghiến lên mạn thuyền.
Bà bước tới trước, và cỏ dại dường như héo rũ dưới chân bà. Bà là một tiên biển, và những sinh vật trên đất liền không ưa bà.
“Tôi xin lỗi,” tôi cố nói ra, giọng tôi như lá khô, lạo xạo trong cổ.
“Ta đã cảnh báo ngươi,” bà nói. Màu đen trong mắt bà như tràn sang tôi, dâng đầy trong cổ đến nghẹn ứ. Kể cả có dám thì tôi cũng không thể hét lên nổi.
Có tiếng động đằng sau tôi, và rồi giọng thầy Chiron, âm vang giữa sự im lặng. “Xin chào, Thetis.”
Hơi ấm thấm ngược lại vào trong da tôi, và tôi hô hấp trở lại. Suýt nữa tôi đã chạy tới bên thầy. Nhưng cái nhìn của bà giữ tôi tại chỗ, bất động. Tôi chắc chắn rằng bà có thể túm lấy tôi nếu muốn.
“Ngài đang làm thằng bé sợ đấy,” thầy Chiron nói.
“Nó không thuộc về chốn này,” bà nói. Môi bà đỏ như máu tươi.
Tay thầy Chiron vững vàng đặt lên vai tôi. “Patroclus,” thầy nói. “Con vào trong hang đi. Ta sẽ nói chuyện với con sau.”
Tôi đứng dậy, có phần lảo đảo, và làm theo.
“Ngươi đã sống cùng con người quá lâu rồi, nhân mã,” tôi nghe thấy bà nói trước khi mấy tấm da thú khép lại sau lưng. Tôi mềm oặt dựa vào vách hang; cảm giác tanh nồng trong họng.
“Achilles ơi,” tôi gọi.
Mắt cậu mở ra, và cậu đã tới bên tôi trước khi tôi có thể nói gì tiếp.
“Cậu không sao chứ?”
“Mẹ cậu đang ở đây,” tôi nói.
Tôi thấy cơ bắp căng cứng dưới da cậu.
“Bà có làm cậu đau không?”
Tôi lắc đầu. Tôi không nói thêm rằng tôi đã nghĩ bà sẽ làm vậy. Rằng bà có thể đã làm vậy, nếu thầy Chiron không xuất hiện.
“Mình phải ra đó,” cậu nói. Những tấm da khẽ cọ vào nhau khi tách ra để cậu ra ngoài, rồi lại khép kín.
Tôi không nghe được họ nói gì ở ngoài bãi đất. Họ thấp giọng, hoặc là đã đi đâu đó nói chuyện rồi. Tôi đợi, tay vẽ vòng tròn trên nền đất nện. Tôi không lo lắng, không còn nữa, cho bản thân mình. Thầy Chiron muốn giữ tôi lại, và thầy lớn tuổi hơn bà, đã trưởng thành khi các vị thần còn đang nằm nôi, khi bà vẫn chỉ là một quả trứng trong lòng đại dương. Nhưng có một cảm giác khác, khó gọi tên hơn. Sự mất mát, hay thiếu hụt, mà tôi sợ rằng sự xuất hiện của bà có thể gây ra.
Khi hai người trở về thì đã gần trưa. Mắt tôi nhìn lên khuôn mặt Achilles đầu tiên, kiếm tìm đôi mắt cậu, bờ môi cậu. Tôi chẳng thấy được gì trừ có lẽ là một tia mệt mỏi. Cậu ngã người xuống nệm rơm bên cạnh tôi. “Mình đói,” cậu nói.
“Dĩ nhiên là con sẽ đói,” thầy Chiron nói. “Đã qua bữa trưa lâu rồi.” Thầy bắt tay chuẩn bị ngay đồ ăn cho chúng tôi, di chuyển dễ dàng trong lòng hang bất chấp cơ thể đồ sộ.
Achilles quay sang tôi. “Ổn cả rồi,” cậu nói. “Mẹ chỉ muốn nói chuyện với mình thôi. Muốn gặp mình.”
“Bà ấy sẽ tới gặp Achilles nhiều nữa,” thầy Chiron nói. Và như thể ông biết tôi đang nghĩ gì, ông thêm vào, “Hợp tình hợp lí thôi. Bà ấy là mẹ cậu bé mà.”
Nhưng trước hết bà ấy vẫn là một nữ thần, tôi thầm nghĩ.
Vậy mà khi chúng tôi ăn trưa, nỗi sợ hãi của tôi dần tan biến. Tôi đã hơi lo rằng bà sẽ kể với thầy Chiron về ngày hôm ấy trên bãi biển, nhưng thầy không tỏ ra khác thường với đứa nào, và Achilles vẫn y như trước. Tôi đi ngủ, nếu không phải là trong thanh thản thì chí ít cũng được an tâm.
Sau hôm đó bà tới thăm thường xuyên hơn, như thầy Chiron đã nói. Tôi đã học cách lắng nghe bà tới - sự im lặng phủ xuống như một tấm màn - và biết phải ở gần thầy Chiron vào lúc đỏ, gần cái hang nữa. Sự can thiệp của bà không đáng kể, và tôi tự nhủ rằng tôi không ghét bà. Nhưng tôi luôn luôn vui mừng khi bà đi khỏi.
MÙA ĐÔNG TỚI, và dòng sông đóng băng. Achilles và tôi mạo hiểm bước lên băng, trượt chân lên xuống. Sau đó chúng tôi khoét những lò tròn trên mặt băng và thả dây câu cá. Đó là thứ thịt tươi duy nhất chúng tôi có được; những cánh rừng giờ vắng tanh, ngoại trừ chuột và thi thoảng là chồn mactet.
Rồi tuyết rơi, như thầy Chiron đã hứa. Chúng tôi nằm trên đất và để những bông tuyết phủ lên người, thổi phù phù cho tới khi chúng tan chảy. Chúng tôi không có ủng, hay áo choàng ngoài những tấm lông thú của thầy Chiron, và chúng tôi thấy mừng vì sự ấm áp trong hang. Thậm chí thầy Chiron cũng khoác lên người một tấm áo xộc xệch, may từ thứ mà thầy bảo là da gấu.
Chúng tôi đếm ngày kể từ sau trận tuyết đầu mùa, đánh dấu bằng những vạch trên đá. “Khi các con đếm đến vạch năm mươi,” thầy Chiron nói, “băng trên sông sẽ bắt đầu nứt.” Sáng ngày thứ năm mươi chúng tôi đã nghe thấy, một tiếng động kì lạ, như cây đổ. Một rãnh nứt chia đôi mặt băng gần như từ bờ này sang bờ kia. “Từ giờ mùa xuân sẽ tới sớm thôi,” thầy Chiron nói.
Không lâu sau đó cỏ bắt đầu mọc lại, đám sóc trông mảnh mai và gầy nhom dần chui ra khỏi tổ. Chúng tôi nhìn theo chúng, ăn sáng trong không khí tươi mới của mùa xuân. Vào một trong những buổi sáng như thế, Achilles đã hỏi thầy Chiron liệu thầy có thể dạy chúng tôi chiến đấu không.
Tôi không biết điều gì đã khiến cậu nghĩ tới chuyện này lúc đó. Có thể là cả mùa đông trong hang, không vận động đủ, hay chuyến viếng thăm của mẹ cậu, tuần trước đó. Có thể là chẳng gì cả.
Thầy sẽ dạy chúng con chiến đấu chứ?
Có một khoảng lặng ngắn đến nỗi tôi gần như đã nghĩ mình chỉ tưởng tượng, trước khi thầy Chiron trả lời, “Nếu con muốn, ta sẽ dạy cho con.”
Ngay hôm đó, thầy dẫn chúng tôi tới một bãi đất, nằm trên vách núi cao. Ông mang theo giáo và hai thanh kiếm dùng để luyện tập cho chúng tôi, lấy từ cái kho ở góc nào đó trong hang. Ông bảo chúng tôi biểu diễn cho ông xem những bài thao luyện đã biết. Tôi thực hiện, chậm rãi, những cú chặn, đánh và di chuyển mà tôi đã học ở Phthia. Bên cạnh tôi, ngay trong rìa tầm nhìn, chân tay Achilles vung lên và đánh xuống. Thầy Chiron mang theo một cây gậy bọc đồng, và thi thoảng ông xen vào các cử động của chúng tôi, cầm gậy chọc, kiểm tra phản ứng.
Chuyện này như kéo dài vô tận, cánh tay tôi nhức mỏi vì nâng và điều khiển mũi kiếm. Cuối cùng thầy Chiron cũng ra lệnh ngừng. Chúng tôi cầm túi nước uống không ngừng và nằm lại xuống cỏ. Ngực tôi phập phồng lên xuống. Ngực Achilles thì vẫn đều đặn.
Đứng trước chúng tôi, thầy Chiron im lặng.
“Thầy thấy sao ạ?” Achilles hào hứng, và tôi nhớ rằng thầy Chiron mới chỉ là người thứ tư được nhìn cậu chiến đấu.
Tôi không biết mình đã nghĩ ngài nhân mã sẽ nói điều gì. Nhưng hẳn không phải là những điều sau đây.
“Ta chẳng có gì để dạy con hết. Con biết tất cả những thứ mà Heracles biết, và còn hơn thế nữa. Con là chiến binh vĩ đại nhất của thế hệ này, và cả mọi thế hệ sau.”
Sắc đỏ hồng bừng lên trên gò má Achilles. Tôi không rõ đó là do xấu hổ hay vui sướng hoặc là cả hai.
“Người ta sẽ nghe danh tài năng của con, và họ sẽ muốn con chiến đấu cho họ.” Ông ngừng lời. “Con sẽ trả lời ra sao?”
“Con không biết,” Achilles nói.
“Đó là câu trả lời của hiện tại. Sau này con sẽ không nói như vậy được nữa đâu,” thầy Chiron nói.
Có một khoảng lặng lúc ấy, và tôi cảm nhận được không khí căng cứng xung quanh chúng tôi. Mặt Achilles, lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi tới đây, trông nhăn nhó và nghiêm trọng.
“Còn con thì sao ạ?” Tôi hỏi.
Đôi mắt sẫm màu của thầy Chiron chuyển sang nhìn tôi. “Con sẽ không bao giờ nổi danh nhờ khả năng chiến đấu của mình. Điều này có làm con ngạc nhiên không?”
Giọng ông rất thẳng thắn, và bằng cách nào đó khiến nỗi đau đến từ sự thật này dịu đi đôi chút.
“Dạ không,” tôi thành thực trả lời.
“Nhưng con đủ khả năng để làm một người lính cừ khôi. Con có muốn học cách chiến đấu không?”
Tôi nghĩ về đôi mắt vô hồn của thằng bé nọ, máu của nó đã nhanh chóng thấm đẫm mặt đất ra sao. Tôi nghĩ về Achilles, chiến binh vĩ đại nhất thế hệ này. Tôi nghĩ về Thetis, người sẽ cướp cậu khỏi tôi, nếu bà có thể.
“Không ạ,” tôi trả lời.
Và đó là kết thúc cho việc học chiến đấu của chúng tôi.
XUÂN QUA HẠ TỚI, khu rừng ấm áp và sinh động hẳn lên, tươi tắn đầy những trò giải trí và hoa quả. Achilles bước sang tuổi mười bốn, và những người đưa tin mang quà của Peleus tới cho cậu. Thật kì lạ khi thấy họ đứng ở đây, trong sắc phục và gam màu của cung điện. Tôi thấy mắt họ, liếc nhanh sang tôi, sang Achilles, và chủ yếu là sang thầy Chiron. Chuyện ngồi lê đôi mách rất quý giá trong cung điện, và những người này sẽ được đón chào như vua chúa khi họ trở về. Tôi vui mừng khi thấy họ vác rương rỗng lên vai và đi khỏi.
Những món quà rất được yêu thích - dây đàn mới và tunic mới, dệt từ thứ len hảo hạng nhất. Có cả một cánh cung mới tinh, cùng những mũi tên đầu bịt sắt. Chúng tôi mân mê thứ kim loại ấy, các đầu nhọn sắc cạnh sẽ hạ gục bữa tối của chúng tôi trong những ngày tới.
Một số thứ khác lại ít hữu ích hơn - những tấm áo choàng cứng đơ vì nạm vàng sẽ khiến người mặc nổi bần bật trong phạm vi năm mươi bước, và một chiếc thắt lưng khảm đá quý, quá nặng để đeo một cách thực dụng. Có cả một tấm phủ lưng ngựa, thêu chi chít, dành để trang trí cho ngựa của hoàng tử.
“Ta mong rằng cái đó không phải là dành cho ta,” thầy Chiron nói, nhướn một bên mày. Chúng tôi xé nhỏ nó ra làm gạc, vải băng và giẻ lau; chất vải thô ráp rất hợp dùng để chà bay đất cát và thức ăn bám cứng.
Chiều hôm đó, chúng tôi nằm trên bãi cỏ trước hang. “Đã gần một năm kể từ lúc chúng ta tới đây rồi,” Achilles nói. Gió mát lành mơn trớn trên da chúng tôi.
“Cảm giác không lâu đến vậy,” tôi đáp. Tôi đang gà gật, tầm mắt lạc lối trên nền xanh chao đảo của trời chiều.
“Cậu có nhớ cung điện không?”
Tôi nghĩ về chỗ quà cáp của cha cậu, về đám người hầu và cái nhìn của họ, về những chuyện tầm phào rỉ tai nhau mà họ sẽ mang về cung điện.
“Không,” tôi trả lời.
“Mình cũng không,” cậu nói. “Mình đã nghĩ là mình sẽ nhớ, nhưng giờ lại không.”
Ngày cứ thế trôi, rồi vài tháng, rồi hai năm qua đi.