Từ Bờ Bên Kia - Chương 01

ALEXANDER HERZEN - NHÀ TƯ TƯỞNG NGA LỖI LẠC THẾ KỈ XIX

Thời kì Xô viết, hình tượng của Alexander Ivanovich Herzen (1812-1870) được tôn vinh như một nhà cách mạng tiền bối có nhiều ảnh hưởng trong thế kỉ XIX. Lenin nhận xét việc Herzen lập ra cơ quan ngôn luận tự do ở nước ngoài là một "công lao vĩ đại". Tuy nhiên, giá trị các trước tác của Herzen không được đề cao so với nhiều trước tác của các danh nhân khác cùng thời với ông. Ở phương Tây, một thời gian dài Herzen chỉ được biết đến như một người cấp tiến với niềm tin không-tưởng vào một hình thức cổ xưa của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, triết gia Anh Isaiah Berlin (1909- 1997), bằng những tiểu luận nổi tiếng của mình, đã làm thay đổi sự hiểu biết ở phương Tây về Herzen: Berlin khẳng định "Alexander Herzen là nhà văn chính trị Nga hấp dẫn nhất trong thế kỉ XIX", là "một trong ba người thuyết giảng đạo đức thiên tài của nước Nga", và là tác giả của một số trước tác sâu Sắc và hiện đại nhất về chủ đề tự do. Nhiều nội dung trong bài viết này được rút ra từ những tiểu luận của I. Berlin.

Alexander Ivanovich Herzen sinh ra Ở Moscow năm 1812, không bao lâu trước lúc Napoleon chiếm đóng thành phố. Cha ông là Ivan Yakovlev, một nhà quý tộc dòng dõi và giàu có, thuộc nhánh thứ của vương tộc Romanov. Trong một chuyến du lịch châu Âu, Ivan Yakovlev đã đưa về nước Nga một phụ nữ người Đức. Đó là Luiza Haag, một cô gái dịu dàng quê ở Stuttgart vùng Wurttemberg, con của một viên chức cấp thấp. Ivan Yakovlev đưa cô tới Moscow, lập địa vị bà chủ cho cô ở trong gia đình, nhưng không làm lễ cưới chính thức. Luiza Haag sinh cho ông một cậu con trai, ông đặt họ cho cậu là Herzen để bày tỏ rằng ông coi cậu như đứa con của trái tim ông, nhưng vì cậu không phải là con chính thức, nên không mang họ của ông. Herzen đã nhận được một sự giáo dục đầy đủ của một nhà quý tộc vào thời của ông từ những gia sư người Đức, người Pháp mà cha ông đã lựa chọn rất khe khắt. Herzen sớm tỏ ra là một cậu bé hiếu động và thông minh. Cha ông yêu ông theo một cung cách riêng, yêu nhiều hơn cả người con trai chính thức. Herzen được học văn chương và lịch sử Nga từ một sinh viên trẻ tuổi đầy nhiệt tình, được học tiếng Pháp (mà cha ông viết thạo hơn tiếng Nga) và tiếng Đức (là ngôn ngữ Herzen nói chuyện với mẹ ông). Herzen học lịch sử châu Âu từ một gia sư người Pháp tị nạn sang Nga sau cách mạng Pháp. Herzen thường chúi mũi vào vô số sách báo trong thư viện của cha ông, say mê đọc những tác phẩm của Pháp thời Khai sáng. Khi Herzen mười bốn tuổi, xảy ra sự kiện Nga hoàng Nicholas I xử tử các lãnh tụ cuộc Khởi nghĩa tháng Chạp. Sau này, Herzen tuyên bố sự kiện ấy là bước ngoặt trong cuộc đời ông; kí ức về những quý tộc tuẫn đạo vì một nền chính trị theo hiến pháp của nước Nga trở thành biểu tượng thiêng liêng đối với ông và nhiều người cùng thế hệ ông cho đến suốt đời.

Theo năm tháng, ông trở thành sinh viên trường Đại học Tổng hợp Moscow. Ông đọc Schiller và Goethe, lao vào nghiên cứu siêu hình học Đức - Kant và đặc biệt là Schelling, tiếp đó là trường phái lịch sử mới ở Pháp - Guizot, Augustin Thierry và cả những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng - Saint Simon, Fourier, Leroux. Herzen tham gia vào nhóm sinh viên đọc các sách bị cấm và thảo luận những ý tưởng bị chính quyền Nga hoàng xem là nguy hiểm. Vì chuyện này ông đã bị bắt cùng nhiều sinh viên khác và bị kết án tù. Cha ông đã phải sử dụng ảnh hưởng của mình để cứu, nhưng Herzen vẫn bị lưu đày tới một nơi xa xôi gần biên giới ở châu Á. Ông lập gia đình trong thời gian này.

Năm 1842, ông được phép trở về Moscow, được xem như thành viên chính thức của giới trí thức trẻ cấp tiến và bắt đầu viết bài cho những tạp chí tiến bộ thời đó. Herzen luôn tập trung vào chủ đề chính: sự đàn áp con người cá nhân; sự hạ nhục và làm mất phẩm giá con người bởi chuyên chế chính trị và cá nhân; cái ách của tập quán xã hội, sự cai trị sai trái man rợ và tùy tiện cùng với sự ngu dốt tăm tối gây tàn phế và hủy hoại con người trong đế chế Nga tàn bạo và bỉ ổi.

Năm 1847, Ivan Yakovlev qua đời, để lại phần lớn tài sản cho Luiza Haag và Herzen. Với niềm tin vô bờ bến vào năng lực của mình cùng với quyết tâm làm được điều gì đó đáng kể cho thế giới, Herzen quyết định đi ra nước ngoài. Ngay trong năm đó Herzen rời nước Nga cùng với vợ ông, mẹ ông và hai người bạn, đi thăm nhiều nước châu Âu; cuối năm 1847 họ đến Paris, thủ đô của thế giới văn minh. Tại đây, Herzen lao vào cuộc sống của những người lưu vong cấp tiến và có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đến từ nhiều quốc gia. Herzen cùng với Bakunin và Proudhon đứng ở phe cực tả cách mạng. Tiếng đồn về hoạt động của ông loan đến chính phủ Nga hoàng, và Herzen được lệnh phải lập tức trở về nước, nhưng ông đã từ chối. Cuộc sống của ông ở Pháp bị chấn động bởi những bi kịch gia đình: vụ ngoại tình của vợ ông và sau đó là cái chết của bà, vụ tai nạn đắm tàu do bão ở gần Marseille gây nên cái chết của mẹ ông và một người con. Herzen bị suy sụp nặng. Năm 1851, ông chuyển tới sống ở London.

Cái chết của Nga hoàng Nicholas I tạo điều kiện cho người bạn thân thiết nhất của ông là Nikolay Ogarev có thể rời nước Nga đến với ông. Họ cùng nhau ra một tạp chí tiếng Nga lấy tên là Ngôi sao Bắc cực - cơ quan ngôn luận đầu tiên chuyên cổ động không khoan nhượng chống lại chế độ chuyên chế Nga hoàng. Những chương đầu của tác phẩm mang tính tự truyện Quá khứ và suy tư (Boloe i đumo) được công bố trên tạp chí này. Hoạt động chính mà vì nó Herzen hiến dâng cả cuộc đời, đó là báo chí cách mạng. Phần chủ yếu của hoạt động ấy là tạp chí Quả chuông (Kolokol) được Herzen và Ogarev thực hiện, lúc đầu ở London sau đó ở Geneva, từ năm 1857 đến 1867. Tạp chí đã thành công rất lớn. Đây là một công cụ có tính hệ thống của tuyên truyền cách mạng nhằm chống lại chế độ chuyên chế Nga hoàng, được viết với sự hiểu biết đầy thuyết phục. Herzen sử dụng những thông tin phong phú từ những nguồn cá nhân bí mật chuyển đến ông, để mô tả những hành vi tội ác của bộ máy quan liêu Nga. Tờ báo Quả chuông gọi đích danh các thủ phạm, đưa ra những bằng chứng không thể phủ nhận, đặt ra những câu hỏi hóc búa và vạch trần những mặt khuất của đời sống Nga. Nhiều du khách Nga đến thăm London chỉ để đuợc gặp những người làm báo Quả chuông. Cả những vị tuớng cùng các quan chức cao cấp của Đế chế cũng đến để được nhìn thấy Herzen tận mắt; một số vì tò mò, số khác đến bắt tay ông để bày tỏ cảm tình. Tờ báo đạt đỉnh cao thành công cả về chính trị lẫn văn chương sau cái chết của Nga hoàng Nicholas I năm 1855. I.Berlin đã nhận xét về thành công của tờ Quả chuông như sau: "Trong tạp chí nổi tiếng nhất của Herzen tên là Quả chuông, ông đề cập đến tất cả mọi chuyện có tính thời sự. Ông vạch trần, ông tố cáo, ông chế giễu, ông thuyết giảng, ông trở thành một Voltaire của nước Nga giữa thế kỉ XIX. Ông là một nhà báo thiên tài, và các bài báo của ông được viết với sự xuất sắc, tươi tắn và đầy cảm xúc, dẫu bị cấm đoán chính thức, nhưng vẫn lưu hành ở nước Nga và được đọc bởi cả những người cấp tiến lẫn những người bảo thủ. Quả thực người ta có nói là chính Nga hoàng cũng đọc chúng; chắc chắn là một số viên chức của Nga hoàng đã đọc; vào thời vàng son của đỉnh cao danh tiếng, Herzen đã tạo nên một ảnh hưởng đích thực trong bản thân nước Nga - một hiện tượng chưa từng nghe tới của một người sống lưu vong - bằng cách vạch trần những lạm dụng xấu xa, gọi tên đích danh các thủ phạm, nhưng trên hết cả là bằng sự viện dẫn đến tình cảm tự do vẫn chưa hoàn toàn chết hẳn, ngay cả ở chính trong giới quan liêu của Nga hoàng, ít nhất cũng trong khoảng thời gian từ 1850 đến I860."

Năm 1858, Herzen kêu gọi Nga hoàng mới, Alexander II, tiến hành cải cách từ bên trên, hợp tác với những người đối lập để mở ra một kỉ nguyên mới cho nước Nga. Nhưng niềm hi vọng này của Herzen đã nhanh chóng tan biến trước sự tàn nhẫn của chế độ Nga hoàng. Trung thực với những lí tưởng chính trị chống áp bức của mình, Herzen đã không do dự bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với cuộc khởi nghĩa ở Ba Lan năm 1863, dù ông ý thức được những hậu quả nguy hại cho ông từ phía những người Nga yêu nước quá khích. Làn sóng dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi ở Nga đi kèm với cuộc đàn áp của quân đội Nga hoàng dập tắt cuộc khởi nghĩa, đã khiến Herzen mất đi cảm tình của công chúng Nga, ngạy cả ở những người thuyết giảng tự do. Tờ Quả chuông mất đi nhiều độc giả. Thế hệ mới những người cách mạng trẻ tuổi ở Nga không còn ngưỡng mộ ông nữa. Herzen rời London vào cuối những năm 60 và trở về Pháp. Ông quay lại Paris và mất ở đó vì bệnh viêm màng phổi vào năm 1870. Thi hài ông được đưa về Nice, được thiêu và chôn cất bên cạnh vợ ông.

***

Herzen thuộc về một thế hệ nhân tài đặc biệt trong lịch sử văn hóa châu Âu thế kỉ XIX. Đa số những người này sinh trưởng trong giới quý tộc, nhưng bản thân họ vươn tới tầm cao vượt trên giai cấp của mình, đạt tới một khuynh hướng tự do và cấp tiến trong tư duy và hành động. Nhà văn Turgenev gọi họ là "những người thừa". Trong tự truyện của mình, Herzen cũng mô tả tình cảnh những người trẻ tuổi Nga bị kích thích bởi những ý tưởng mới mẻ đến từ nhiều nguồn: những thuyết giảng chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp, triết học Đức, những sách báo đến từ phương Tây, những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên... Nhưng họ lại phải sống trong một xã hội ngột ngạt khiến cho ngay cả việc mơ mộng tạo cho đất nước mình những định chế ôn hòa, vô hại, vốn từ lâu đã trở thành nếp sống ở phương Tây, cũng trở thành chuyện lố bịch tức cười. Tình trạng khủng hoảng tinh thần như vậy đã khiến cho nhiều người trong số họ khi bước vào tuổi trung niên thường trở thành những điên chủ bất mãn ôn hòa, sống bằng tài sản của mình, mỗi ngày lần giở từng trang tạp chí gửi về từ nước ngoài với sự nuối tiếc những mộng mơ tuổi thanh xuân. Đó là những mẫu hình hay gặp trong các tiểu thuyết Nga thời kì này. Herzen quyết tâm không để mình rơi vào tình trạng ấy; ông khao khát làm được điều gì đó đáng ghi nhớ cho bản thân mình và cho đất nước mình.

Giống như nhiều sinh viên cùng thời, Herzen chịu nhiều ảnh hưởng của Hegel trong thời kì học Đại học Tổng hợp Moscow. Thế nhưng ông đã chuyển học thuyết của Hegel thành một thứ gì đó đặc biệt, riêng cho bản thân ông, rất khác với những kết luận lí thuyết mà những đầu óc nghiêm chỉnh và nệ quy tắc cùng thời với ông đã diễn dịch ra từ học thuyết nổi tiếng ấy. Có vẻ như học thuyết Hegel đã khiến Herzen tin rằng không có một lí thuyết chuyên biệt nào hay học thuyết đơn lẻ nào, không có một diễn giải cuộc sống nào, và trên hết, không có một sơ đồ đơn nhất, mạch lạc, hoàn hảo nào, lại có thể được quan niệm là những lời giải đích thực cho những vấn đề hiện thực. Ông là người hoài nghi, dường như ông đã tin rằng về nguyên tắc không thể có được lời giải đáp chung cuộc đơn giản nào cho bất cứ vấn đề đích thực nào của con người; rằng nếu một câu hỏi là nghiêm chỉnh và thực sự đau đớn khắc khoải, thì lời giải đáp không bao giờ có thể là rõ ràng và rành mạch, giống như các kết luận rút ra bằng cách diễn dịch từ một tập hợp các tiên đề hiển nhiên tự thân. Dường như Herzen tin rằng nếu người ta nghiên cứu cuộc sống một cách đúng mực, không thiên kiến và khách quan, rất có thể người ta có khả năng tạo ra được một độ căng nào đó, một thứ thỏa hiệp biện chứng giữa những lí tưởng đối lập nhau; bởi vì nếu như không có lí tưởng nào có thể được thực hiện thật đầy đủ và trọn vẹn, thì cũng không có lí tưởng nào đáng bị bỏ rơi hoàn toàn; chỉ có như vậy người ta mới có thể hiểu được cuộc sống một cách sâu sắc hơn so với trường hợp cứ cam kết liều lĩnh đi theo một thứ cực đoan nào đó.

Herzen nhìn thấy sự nguy hiểm của việc lạm dụng những khái niệm đao to búa lớn nhằm kích động con người lao vào những xung đột bạo lực vô nghĩa - những thần tượng mới được đặt lên bàn thờ tương lai sẽ đòi hiến tế máu người một cách phi lí giống như máu của những nạn nhân trước đây đã bị hi sinh cho nhà thờ hay nền quân chủ phong kiến. Mọi mưu toan hiến dâng con người cho bất cứ khái niệm trừu tượng nào, dẫu cho nó thật cao quý - công bằng, tiến bộ, dân tộc - ngay cả khi nó được thuyết giảng bởi những người thật vị tha như Mazzini hay Louis Blanc hay Mill, cũng sẽ luôn luôn dẫn đến kết cục của việc đàn áp và hi sinh con người. Cuộc sống của con người và các mối quan hệ là quá phức tạp cho một công thức chuẩn mực và những lời giải rành mạch. Những toan tính làm cho các cá nhân thích ứng và khớp vào một sơ đồ duy lí lí thuyết, dù có đầy thiện ý, thì cuối cùng cũng dẫn đến việc gây tàn tật cho con người, dẫn đến việc giải phẫu sinh thể chính trị con người với quy mô ngày càng tăng. Herzen luôn cho rằng mục đích của cuộc sống chính là bản thân cuộc sống; hi sinh hiện tại cho một tương lai mơ hồ không thể tiên liệu được chính là một hình thức của ảo tưởng dẫn đến hủy hoại tất cả những gì là giá trị duy nhất nơi con người và xã hội - dẫn đến sự hi sinh vô cớ máu thịt của đời sống con người trước bàn thờ của những khái niệm trừu tượng của lí tưởng. Herzen nổi loạn chống lại những gì đang được thuyết giảng bởi những người tốt đẹp nhất và có trái tim trong sạch nhất ở thời đại ông, đặc biệt là những nhà xã hội chủ nghĩa và công lợi chủ nghĩa. Các vị này cho rằng những đau khổ to lớn hiện nay phải được vượt qua vì hạnh phúc lớn lao không sao diễn tả nổi trong tương lai, cho nên hàng ngàn người vô tội có thể buộc phải bị chết để cho hàng triệu người có thể được hạnh phúc; họ khẳng định có một tương lai tuyệt đẹp sắp xảy ra cho loài người và điều đó được lịch sử đảm bảo, cho nên điều đó biện minh cho những sự tàn ác kinh khủng thời hiện tại - cái thuyết mạt thế chính trị quen thuộc dựa trên niềm tin vào sự tiến bộ tất yếu, đối với Herzen có vẻ như là một học thuyết đầy tai họa nhằm chống lại cuộc sống nhân bản.

Những ý tưởng trên của Herzen về chủ đề này được viết một cách sâu sắc nhất và lỗi lạc nhất trong tác phẩm Từ bờ bên kia. I. Berlin đã nhận định về tác phẩm này như sau: "Tuyệt tác vĩ đại mang tính bút chiến ấy là những tuyên ngôn trung thành và lời di chúc chính trị của ông. Giọng điệu và nội dung của nó được truyền tải rõ ràng trong trích đoạn đặc trưng (và nổi tiếng), ở đó ông tuyên bố rằng không được bắt một thế hệ phải đóng vai trò đơn thuần là phương tiện cho hạnh phúc của những con cháu xa xôi của họ, cái hạnh phúc không chắc chắn chút nào. Một mục tiêu xa vời là trò lừa bịp và lời dối trá. Những mục tiêu thực sự phải gần hơn cái - "ít nhất cũng là tiền lương hay khoái cảm trong lao động". Mục đích của mỗi thế hệ là ở trong bản thân thế hệ ấy - mỗi cuộc đời có trải nghiệm độc đáo riêng của nó; sự thực hiện những nhu cầu của nó tạo nên những nhu cầu mới, những yêu sách mới, những hình thức mới của cuộc sống."

Những suy tuởng của Herzen trong tác phẩm Từ bờ bên kia xoay quanh các biến cố lịch sử quan trọng ở châu Âu năm 1848 mà ông đuợc chứng kiến ngay tại Paris: cách mạng nổ ra ở hàng loạt các nước châu Âu như Pháp, Ý, Đức nhưng sau đó đều bị thất bại. Những biến cố ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến Herzen cũng như toàn bộ phong trào cách mạng ở Nga, dẫn đến một khuynh hướng tìm kiếm con đường riêng cho nước Nga. Họ cho rằng các đảng phái theo chủ nghĩa tự do ở phương Tây đã không hiểu và không quan tâm đến những lợi ích cơ bản của dân chúng bị áp bức. Dân chúng đói khổ cần được ăn no mặc ấm, còn các quyền chính trị và các định chế cộng hòa đều vô nghĩa đối với những con người ngu tối, man rợ và đói rách. Tuy nhiên, nhận thức của Herzen rất khác biệt với những nhà cách mạng trẻ Nga theo chủ nghĩa hư vô sau này.

Herzen nhìn thấy mô thức xã hội phương Tây hiện hữu ở thế kỉ XIX đã bước vào thời kì suy tàn vì những mâu thuẫn nội tại của nó. "Chúng ta đau lòng thú nhận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đã trở nên lẩn thẩn, già nua, tàn tạ, rõ ràng đã mất hết sức lực và tư cách để vươn lên tầm cao tư tưởng của chính nó...". Nhưng ông đánh giá cao những thành tựu của văn minh phương Tây trong quá khứ, mặc dù nó đã đạt được trên cơ sở bất công xã hội: "Toàn bộ học vấn của chúng ta, sự phát triển văn chương và khoa học của chúng ta, tình yêu của chúng ta đối với cái đẹp, những công việc bận rộn của chúng ta đòi hỏi phải có môi trường luôn được dọn sạch bởi những người khác; cần có lao động của ai đó để cho chúng ta có được sự thư nhàn, cần thiết cho sự phát triển tâm lí của chúng ta, cái sự thư nhàn ấy, cái vô tích sự đầy hoạt động ấy, vốn làm cho nhà tư tưởng có khả năng tập trung bản thân, làm cho thi sĩ mơ mộng, làm cho người hưởng lạc được tận hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển rực rỡ, đỏng đảnh, thơ mộng, phong phú của các cá nhân quý tộc chúng ta." Ông tin rằng những định chế bất công của xã hội sẽ bị xóa bỏ, nhưng ông tiếc thương cho nền văn minh xưa cũ vì ông biết rằng đám quần chúng sẽ không tiếc thương nó; bởi nó chẳng đem lại gì cho họ ngoài nước mắt, sự thiếu thốn và sự hạ nhục. Những nhà cách mạng Nga dân túy theo chủ nghĩa hư vô sau này sẽ không còn tiếc thương nền văn minh xưa cũ bởi vì nó đã không phục vụ cho quần chúng nhân dân; xét từ quan điểm chủ nghĩa công lợi bị thổi phồng thì nền văn minh đỉnh cao ấy chẳng có giá trị gì. Nhà cách mạng Pisarev sẽ nói rằng toàn bộ các vở kịch của Shakespeare không có giá trị bằng một đôi ủng. Những người trong phong trào "Prolekult" (Văn hóa vô sản) sau cách mạng 1917 sẽ đòi đoạn tuyệt với di sản văn hóa của bọn bóc lột để xây dựng một nền văn hóa riêng cho những người vô sản.

Herzen không tôn quần chúng nhân dân lên vai trò của Thượng Đế như các nhà cách mạng dân túy sau này. Ông phê phán những người thuyết giảng tự do đã "bịa đặt ra dân chúng hơn là nghiên cứu dân chúng". Ông tỉnh táo nhận xét: "Các khối quần chúng muốn chặn bàn tay trâng tráo giật miếng bánh mì mà họ làm ra, - đó là nhu cầu chủ yếu của họ. Họ thờ ơ với tự do cá nhân, độc lập ngôn luận; quần chúng ưa thích quyền uy, sự choáng lộn đầy nhục nhã của quyền lực vẫn còn làm cho họ lóa mắt, con người đứng độc lập vẫn còn sỉ nhục họ; họ hiểu bình đẳng là cái ách chia đều; trong khi e ngại độc quyền và đặc quyền, họ vẫn lườm nguýt tài năng và bắt ép người ta phải làm theo những gì mà đám quần chúng đang làm. Quần chúng mong muốn một chính phủ xã hội cai trị họ vì họ, chứ không chống lại họ như chính phủ hiện nay. Tự quản lí bản thân là chuyện họ chưa hề nghĩ tới". Ông còn nhận xét: "Người ta cứ tưởng rằng chỉ cần chứng minh chân lí, như chứng minh định lí toán học, là người ta sẽ tiếp thu nó; chỉ cần tự mình tin tưởng là những người khác cũng tin tưởng. Hóa ra hoàn toàn khác, một số người nói một điều, còn những người khác lắng nghe họ và hiểu ra điều khác, bởi vì sự phát triển của họ khác nhau. Những người Kitô giáo đầu tiên đã rao giảng cái gì và đám đông đã hiểu thành cái gì? Đám đông đã hiểu tất cả những gì không thể hiểu được, tất cả những gì phi lí và huyền bí; nhưng tất cả những gì là sáng tỏ và giản dị thì nó không tiếp thu được; đám đông tiếp nhận tất cả những gì ràng buộc lương tâm nhưng không tiếp nhận những gì giải phóng con người. Cũng theo cách thức như vậy mà sau này nó đã hiểu cách mạng chỉ là một cuộc trừng phạt đẫm máu, là máy chém, là sự trả thù..."

Herzen bác bỏ mọi quan niệm cứu cánh luận về lịch sử - những quan niệm cho rằng lịch sử loài người hướng tới một mục đích nào đó. Ông đặt ra câu hỏi: Giả sử một sao chổi đâm vào chúng ta và kết liễu cuộc sống trên trái đất thì sao? Liệu lịch sử có không là vô nghĩa nữa chăng? Liệu đó sẽ không phải là một lời nhạo báng độc ác cho tất cả những nỗ lực của chúng ta, tất cả những máu, mồ hôi và nước mắt của chúng ta hay chăng? Herzen đáp lại rằng suy nghĩ theo dạng thức ấy là một sự thô thiển rất lớn, sự thô thiển của những con số đơn thuần. Cái chết của một con người đơn lẻ cũng phi lí và không thể hiểu nổi như cái chết của toàn thể loài người; đây là sự huyền bí mà chúng ta chấp nhận; đơn thuần nhân nó lên thật lớn và hỏi "giả sử như hàng triệu con người chết đi?" thì cũng không làm nó huyền bí hơn nữa hay đáng sợ hơn nữa. Ông viết: "Trong thiên nhiên cũng giống như trong tâm hồn con người có vô số những sức mạnh, những khả năng đang lim dim ngủ; chỉ cần hội đủ những điều kiện, chúng phát triển và sẽ phát triển đến cực độ, chúng sẵn sàng tràn ngập thế giới, nhưng chúng cũng có thể vấp ngã giữa đường, chuyển sang hướng khác, dừng lại, bị hủy diệt... Thiên nhiên thì thế nào cũng vậy thôi... [Nhưng anh có thể hỏi] tất cả những thứ ấy để làm gì vậy? Cuộc sống của các dân tộc trở thành một trò chơi vớ vẩn, kết nặn lại, kết nặn lại từng viên đá một, từng hạt cát một, rồi ngay sau đó mọi thứ lại đổ sập xuống đất, người ta bò lê lết dưới đống đổ nát, bắt đầu dọn dẹp đất trống để dựng những túp lều bằng lau sậy, từ những tấm ván và cây cột đã đổ, bằng lao động dài lâu nhiều thế kỉ - rồi lại sụp đổ. Không phải ngẫu nhiên mà Shakespeare đã nói rằng lịch sử là một câu chuyện tẻ nhạt do một gã ngốc kể lại.[1]

... [Đáp lại điều này tôi nói rằng] anh giống những con người đa cảm không cầm được nước mắt nói rằng "con người sinh ra là để chết đi". Cứ nhìn vào sự kết thúc mà không nhìn vào sự việc - ấy là sai lầm to lớn nhất. Vành hoa kia rực rỡ, hương thơm kia ngây ngất mà để làm gì, khi nó vô ích? Thế nhưng thiên nhiên đâu có buồn tẻ đến thế và cũng chẳng coi thường người đi ngang qua đích thực, thiên nhiên ở mỗi điểm đều đạt được tất cả những gì khả dĩ đạt được... Ai mà lại giận dữ thiên nhiên vì những bông hoa sớm nở tối tàn, vì hoa hồng và hoa huệ không có sự bền chắc của đá lửa? Và chúng ta còn muốn đưa cái nhìn tầm thường thảm hại ấy sang thế giới lịch sử nữa! ... thế nhưng cuộc sống không có bổn phận phải thực hiện những điều tưởng tượng và những ý tưởng [của nền văn minh]... cuộc sống ưa thích điều mới lạ...

... Lịch sử hiếm khi lặp lại, nó sử dụng đủ thứ bất ngờ, cùng lúc gõ vào cả ngàn cánh cửa... những cánh cửa nào sẽ mở ra... ai mà biết được?"

Rồi ông lại viết: "Con người có tình yêu bản năng với chuyện duy trì mọi thứ anh ta thích; sinh ra là muốn sống trường thọ; có tình ý là muốn yêu và được yêu suốt đời, cứ mãi như giây phút tỏ tình đầu tiên... cuộc sống không bảo đảm cả cuộc sống lẫn khoái cảm, không có trách nhiệm kéo dài chúng mãi. Vì thế mà mỗi giây phút lịch sử đều đầy đặn, khép kín theo cách thức của nó, giống như năm nào cũng có mùa xuân và mùa hạ, mùa đông và mùa thu, với dông bão và trời đẹp. Vì thế mà mỗi thời kì đều mới mẻ, tinh khôi, chan chứa những hi vọng của mình, tự mang trong nó niềm hạnh phúc và nỗi đau buồn, hiện tại thuộc về nó, nhưng người ta vẫn thấy thế còn ít, người ta còn muốn cả tương lai cũng là của họ nữa...

Thế mục đích của bài ca mà cô ca sĩ đang hát là gì?... Nếu như anh, ngoài việc tận hưởng chúng, lại kì vọng sau khi ca sĩ hát xong anh vẫn còn lại hoài niệm và nỗi ân hận, nếu anh thay vì lắng nghe lại cứ chờ đợi điều gì đó... Những phạm trù đánh lạc hướng anh, chúng nắm bắt cuộc sống rất tệ. Anh hãy suy nghĩ xem: cái mục đích ấy là gì, [ông có ý nói Mazzini, những người thuyết giảng tự do và những người xã hội chủ nghĩa] là cương lĩnh, là mệnh lệnh chăng? Ai đã soạn ra nó, nó tuyên cáo cho ai, nó có nhất thiết phải vậy hay không? Nếu đúng vậy thì chúng ta là gì, là những con rối hay là người, là những, hữu thể tự do về đạo đức hay là những bánh xe trong cỗ máy? Đối với tôi thì sẽ dễ dàng hơn, nếu xem cuộc sống, và do đó cả lịch sử nữa, là mục đích đã thành tựu chứ không phải là phương tiện cho thành tựu."

Và còn nữa: "Chúng ta cứ tưởng mục đích của trẻ con là tuổi thành niên, trong khi mục đích của trẻ con có lẽ là chơi đùa, tận hưởng, làm trẻ con. Nếu như nhìn vào giới hạn, thì mục đích của mọi sự sống là cái chết."

Đây là luận đề chính trị và xã hội chủ yếu của Herzen, và do đó nó đi vào dòng chảy của tư duy cấp tiến Nga như một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa công lợi bị thổi phồng. Goethe đã bảo chúng ta rằng không có đảm bảo, không có an toàn. Đáng lẽ con người phải hài lòng với hiện tại, nhưng con người lại cứ muốn sở hữu cả tương lai nữa. Đó là câu trả lời của Herzen cho Mazzini, hay những nhà xã hội chủ nghĩa vào thời của ông, kêu gọi những hi sinh và đau khổ cao nhất vì dân tộc, vì nền văn minh nhân bản, vì chủ nghĩa xã hội, công bằng, nhân đạo - nếu chưa phải cho hiện tại, thì cũng cho tương lai.

I. Berlin đã bình luận về lập trường của Herzen trong vấn đề này như sau: "Herzen bác bỏ kịch liệt điều này. Mục đích của cuộc đấu tranh cho tự do không phải là cho tự do của ngày mai, đó là tự do của hôm nay, tự do cho những cá nhân đang sống với những mục đích riêng của họ, những mục đích mà họ vận động và đấu tranh và có thể chết vì chúng, những mục đích là thiêng liêng đối với họ. Nghiền nát tự do của họ, những mưu cầu của họ, phá hủy những mục đích của họ vì một hạnh phúc lớn lao mơ hồ nào đó trong tương lai, là thứ không thể đựợc đảm bảo, chúng ta không biết gì về nó, nó chỉ đơn thuần là sản phẩm của một tòa nhà siêu hình khổng lồ nào đó mà chính tòa nhà ấy cũng chỉ đứng trên cát, không có một đảm bảo logic, hay đảm bảo thường nghiệm, hay bất cứ đảm bảo duy lí nào - làm như thế trước hết là mù quáng, bởi vì tương lai là bất định, thứ nữa làm như thế là xấu xa độc ác, bởi vì nó vi phạm vào những giá trị đạo đức duy nhất mà chúng ta biết; bởi vì nó giẫm đạp lên những nhu cầu nhân bản nhân danh những khái niệm trừu tượng - tự do, hạnh phúc, công bằng - là những khái quát cuồng tín, những âm thanh huyền bí, những tập hợp ngôn từ được sùng bái."

Herzen cho rằng một trong những tai họa sâu sắc nhất thời hiện đại là bị kẹt vào những khái niệm trừu tượng thay cho hiện thực. Và ông giữ quan điểm này chủ yếu để chống lại người bạn thân của ông là Bakunin, người kiên trì kích động nổi loạn bạo lực, lôi kéo theo sự tra tấn và tuẫn đạo vì những mục tiêu lờ mờ, lộn xộn và xa xôi. Đối với Herzen, một trong những tội ác lớn nhất mà con người có thể phạm phải, ấy là trút gánh nặng trách nhiệm đạo đức từ vai của chính mình sang vai của một trật tự tương lai không thể tiên đoán, và nhân danh một thứ gì đó có khi chẳng bao giờ xảy ra, phạm những tội ác mà ai cũng cho là ghê tởm nếu nó làm vì một mục đích vị kỉ nào đó, nhưng lại không phải thế chỉ vì nó được chuẩn y bởi lòng tin vào một Không tưởng xa xôi, không ai hiểu thấu. Vì tất cả sự căm ghét của ông đối với nền chuyên chế, nhất là chế độ chuyên chế Nga, suốt cuộc đời mình, Herzen đã nhận ra rằng, những nguy cơ đầy tai họa đe dọa cũng đến từ phía các đồng minh xã hội chủ nghĩa và cách mạng của chính ông. Vì rằng chính Herzen cũng đã có lần tin vào những nền tảng ấy (dù chưa bao giờ với niềm tin đơn giản và tuyệt đối) và bởi vì niềm tin ấy đã đổ nhào và bị phá hủy hoàn toàn trong những biến cố khủng khiếp của năm 1848 và 1849, trong những biến cố ấy hầu như mọi thần tượng của ông đều chứng tỏ họ có chân bằng đất sét. Ông nhận xét: "Khổ nỗi là ý tưởng luôn chạy lên trước, dân chúng không theo kịp các ông thầy của mình; lấy ví dụ như thời bây giờ: một vài người đề cập đến cuộc lật đổ mà cả chính họ lẫn dân chúng đều không đủ sức làm. Những người tiên tiến cứ tưởng rằng chỉ cần họ hô lên: "Hãy vùng lên và đi theo chúng tôi" - thế là mọi sự chuyển động; họ đã lầm, nhân dân ít hiểu họ cũng hệt như họ ít hiểu nhân dân, người ta không tin họ. Không nhận ra là chẳng có ai đi theo mình, những người này cầm đầu, tiến lên phía trước; khi chợt tỉnh ra, họ la hét những người ở lại sau, vẫy tay, kêu gọi, trách móc họ - nhưng đã muộn rồi, khoảng cách quá xa, tiếng nói không tới được, ngôn ngữ lại cũng không phải là thứ mà quần chúng vẫn nói." Ông còn nói: "Các anh cứ tưởng rằng ngoài những con đường do các anh phát hiện ra thì thế giới không sao cứu rỗi được; các anh muốn vì sự tận tụy của các anh thì thế giới phải nhảy múa theo điệu nhạc của cây sáo mà các anh thổi, và chỉ vừa thấy nó có bước đi và có nhịp điệu khác là các anh nổi giận, các anh tuyệt vọng, các anh thậm chí không thèm tò mò nhìn điệu nhảy múa của nó." Ông kết luận: "Căm ghét vương miện còn chưa đủ, cần phải không kính trọng cả kiểu mũ Phrygie nữa..."[2]

Ông khiếp hãi những kẻ đàn áp, nhưng ông cũng khiếp hãi cả những người giải phóng nữa. Ông khiếp hãi những người giải phóng bởi vì đối với ông, họ là những người kế thừa thế tục của những kẻ mang niềm tin tôn giáo mù quáng ở thời đại của đức tin - những kẻ duy có một sơ đồ khô cứng, một cái áo trói buộc muốn áp đặt lên loài người như một phương thuốc duy nhất khả dĩ chữa mọi bệnh tật. Ông cũng biết rằng lời biện minh không ngớt của chính ông cho tự do cá nhân, chứa đựng những mầm mống của việc biến xã hội thành tập hợp các nguyên tử, rằng một thỏa hiệp cần phải có cho hai nhu cầu xã hội vĩ đại - cho sự tổ chức và cho tự do cá nhân - một sự cân bằng không bền vững nào đó khả dĩ gìn giữ được một không gian tối thiểu mà ở trong đó cá nhân có thể tự thể hiện mình mà không bị "nghiền nát thành bột". Và ông đã phát biểu rất lôi cuốn về cái mà ông gọi là giá trị của thói vị kỉ. Cái mà những người giảng đạo đức cố sức phủ nhận chính là cái thành trì nội tâm vĩ đại của nhân phẩm con người. "Họ muốn... biến con người thành những tạo vật mau nước mắt, ủy mị, tẻ nhạt, cầu xin được làm nô lệ... Thế nhưng lấy đi thói vị kỉ khỏi trái tim con người là đánh cắp những nguyên tắc sống của anh ta, làm mất đi hương thơm và vị mặn nơi bản ngã của anh ta".

Những vấn đề nhân bản quá ư phức tạp để có thể đòi hỏi những lời giải giản đơn, ngay cả công xã nông dân ở Nga mà Herzen đã từng tin tưởng sâu sắc như một "lối thoát sáng sủa", bởi vì ông đã tin rằng những người nông dân Nga ít nhất cũng không bị nhiễm những thói xấu méo mó của đô thị như là giai cấp vô sản và tư sản châu Âu. Ông chỉ ra rằng công xã nông dân cũng không giữ nổi nước Nga khỏi tính cách nô lệ: "Xin đừng quên rằng con người ưa thích tuân phục, nó luôn luôn tìm đến dựa dẫm vào cái gì đó, núp sau một thứ gì đó, trong nó không có bản sắc kiêu hãnh của thú dữ. Con người lớn lên trong sự phục tùng gia đình, bộ tộc; các nút thắt của đời sống xã hội ràng buộc nó theo cách càng phức tạp, khắc nghiệt hơn, thì nó càng rơi vào tình trạng nô lệ nhiều hơn; người ta đã bị đè nén bởi tôn giáo - thứ đã siết họ lại do tính hèn nhát của họ, và bởi những người cao tuổi nhất - thứ đã siết họ lại theo tập quán."

Tự do không phải là sở thích của số đông mà chỉ là sở thích của những người đã được giáo dục. Ông nhận xét: "Sự phụ thuộc của con người vào môi trường, vào thời đại là chuyện không còn ai hoài nghi nữa... Môi trường, nơi con người sinh ra và thời đại mà con người sống trong đó, sẽ lôi kéo con người tham gia vào những gì xảy ra xung quanh anh ta, tiếp tục làm những gì mà những người cha đã khởi đầu; một cách tự nhiên anh ta quyến luyến với những gì vây quanh anh ta, bản thân anh ta không thể nào lại không phản ánh thời đại của mình, môi trường sống của mình. Thế nhưng chính trong hình tượng của sự phản ánh hiện ra tính độc đáo. Phản ứng đối kháng lại được kích thích" nên trong con người đối với những thứ xung quanh, ấy là câu trả lời của bản ngã anh ta đáp lại ảnh hưởng của môi trường. Câu trả lời ấy có thể đầy những cảm thông cũng như đầy những đối kháng. Tính độc lập về nhân cách của con người cũng là chân lí và thực tại hiển nhiên, không khác gì sự phụ thuộc của con người vào môi trường, điểm khác biệt là nó ở trong quan hệ ngược lại với môi trường: càng nhiều ý thức thì tính độc đáo càng lớn; càng kém ý thức thì sự ràng buộc với môi trường càng chặt chẽ hơn, môi trường càng nuốt mất bản ngã nhiều hơn."

Thế hệ thanh niên cách mạng "mới" ở nước Nga những năm 60 đã tấn công gay gắt tất cả "những người của năm 40" và đặc biệt là nhắm vào Herzen, người mà họ đánh giá là đại diện xuất chúng nhất và ghê gớm nhất. Những nhà cách mạng mới đầy hung bạo đã đả kích ông vì tình yêu luyến tiếc phong cách sống cũ xưa, vì ông là nhà quý tộc, giàu có, sống đầy đủ tiện nghi, và ngôi ở London mà quan sát từ xa cuộc đấu tranh cách mạng của nước Nga, vì ông thuộc thế hệ chỉ đơn thuần nói chuyện ở các phòng khách, rồi suy tưởng và triết lí, trong khi khắp xung quanh họ là tình cảnh bẩn thỉu và khốn khổ, rét mướt và bất công. Họ trách cứ ông đã không tìm kiếm sự cứu rỗi trong một công việc lao động chân tay nghiêm chỉnh nào đó - như đốn cây hay đóng giày, hay làm việc gì đó "cụ thể" để đồng hóa bản thân mình với quần chúng đang đau khổ, thay cho việc nói chuyện không dứt trong những phòng khách của các quý bà phong lưu với những người trẻ tuổi khác sinh ra trong gia đình quý tộc, được học cao, và cũng vô trách nhiệm như thế - tự buông thả và thoát li thực tế, nhắm mắt làm ngơ trước những điều kinh khủng và sự thống khổ của thế giới.

Herzen hiểu được những người phản bác ông và ông khước từ thỏa hiệp. Ông thừa nhận rằng ông không thể thay đổi được bản tính ưa thích sạch sẽ hơn bẩn thỉu, ưa thích sự tề chỉnh, phong nhã, đẹp đẽ tiện nghi hơn là bạo lực và khắc khổ, ưa thích văn chương hay hơn là văn chương dở, ưa thích thi ca hơn là văn xuôi. Ông khước từ việc thừa nhận rằng chỉ có những tên vô lại mới có thể thành công, rằng để đạt được cuộc cách mạng giải phóng loài người và tạo nên hình thức mới mẻ và cao quý hơn cho cuộc sống trên trái đất thì người ta phải nhếch nhác, bẩn thỉu, hung bạo và đầy bạo lực, rồi giẫm đạp lên nền văn minh và các quyền con người. Ông không tin điều đó, và không thấy có lí do nào để ông phải tin vào điều đó cả.

I. Berlin nhận xét: "Về phần thế hệ mới của các nhà cách mạng, họ cũng không phải bỗng nhiên bật dậy từ hư không: họ là lầm lỗi mà thế hệ của ông đã sản sinh ra bằng những cuộc nói chuyện vô bổ trong những năm 40 - "thứ bệnh giang mai đối với những đam mê cách mạng của chúng tôi". Thế hệ mới rồi sẽ nói với thế hệ cũ: "các anh là bọn đạo đức giả, chúng tôi sẽ vô liêm sỉ; các anh ăn nói giống như bọn giảng đạo đức, chúng tôi sẽ ăn nói như bọn vô lại; các anh lễ độ đối với cấp trên, vô lễ đối với cấp dưới của các anh; chúng tôi sẽ vô lễ đối với tất cả; các anh khom lưng mà trong lòng không có cảm xúc kính trọng, chúng tôi sẽ xô đẩy và chen lấn mà chẳng xin lỗi..." Ông đã cảnh báo: Thói côn đồ có tổ chức chẳng giải quyết được chuyện gì hết. Chỉ khi nào gìn giữ được văn minh - thừa nhận sự khác biệt giữa tốt và xấu, cao quý và đê tiện, xứng đáng và không xứng đáng - chỉ khi nào có được những người nào đó vừa tinh tế vừa can đảm, được tự do nói ra những gì họ muốn nói, không hi sinh cuộc đời của họ dưới một bàn thờ nào đó to lớn và vô danh, và không làm đắm chìm bản thân vào một đám đông rộng lớn, vô bản diện, tẻ nhạt của những kẻ man khai đang tiến đều bước đi phá hủy. Ý nghĩa của cách mạng là gì? Cách mạng có thể đến, dù chúng ta thích hay không thích. Thế nhưng vì sao chúng ta phải hoan nghênh, rồi lại còn phải làm việc cho sự thắng lợi của những kẻ man khai, là những kẻ sẽ quét sạch cái thế giới cũ xấu xa tội lỗi chỉ để bỏ lại những đống hoang tàn và nỗi thống khổ mà ở trên đó chẳng thể xây dựng nên cái gì ngoài một nền chuyên chế mới? "Bản cáo trạng to lớn mà nền văn học Nga đã thảo ra chống lại đời sống Nga" không hề đòi hỏi một tình trạng thô kệch ngu đần mới thay chỗ cho cái cũ. "Đau buồn, hoài nghi, châm biếm... ba sợi tơ đàn của cây đàn Nga" gần gũi với hiện thực nhiều hơn cái chủ nghĩa lạc quan thô kệch và tầm thường của những kẻ theo chủ nghĩa duy vật mới."

Mục tiêu không thay đổi của Herzen là gìn giữ tự do cá nhân. Điều làm cho ông trở thành nhân vật độc đáo của thế kỉ XIX, ấy là sự phức tạp trong cách nhìn của ông. Ông đã hiểu quá rõ sự áp bức, vô nhân đạo, nỗi thống khổ, những tiếng gào thét cay đắng đòi công lí ở nơi những phần tử dân chúng bị nghiền nát dưới chế độ cũ, đồng thời ông cũng biết rằng cái thế giới mới đã đứng lên trả thù cho những sai trái ấy, nếu để cho nó được tùy ý, sẽ lôi cuốn hàng triệu người vào việc tiêu diệt lẫn nhau. I. Berlin đã bình luận như sau: "Tính chất hai chiều thật lạ kì, sự đan xen của việc bênh vực đầy phẫn nộ cho cách mạng và dân chủ chống lại việc lên án sự tự mãn của những người thuyết giảng tự do và những người bảo thủ, cùng với những đả kích không kém phần say mê chống lại những nhà cách mạng, nhân danh tự do cá nhân; việc bảo vệ cho những yêu sách của cuộc sống và nghệ thuật, cho sự tề chỉnh của con người, cho sự bình đẳng và nhân phẩm, với sự ủng hộ cho một xã hội mà ở đó con người sẽ không bóc lột và giẫm đạp lên nhau, ngay cả nhân danh công bằng hay tiến bộ hay văn minh hay dân chủ hay các khái niệm trừu tượng nào khác đi nữa - cuộc chiến trên hai mặt trận, đôi khi còn nhiều mặt trận hơn nữa, dù là ở đâu, dù ai là kẻ thù của tự do đi nữa, rốt cuộc có thể đã biến Herzen thành một chứng nhân hiện thực nhất, cảm thông sâu sắc nhất và thuyết phục nhất đối với cuộc sống và những vấn đề xã hội ở thời đại của ông. Tài năng lớn nhất của ông nằm ở sự thấu hiểu không bị ràng buộc: ông thấu hiểu giá trị của những người Nga được gọi là những người "thừa" đầy lí tưởng của những năm 40, bởi vì họ được tự do một cách khác thường, đầy hấp dẫn về đạo đức, và tạo thành một giới xã hội giàu trí tưởng tượng, tự phát, tài năng, văn minh và rất lí thú mà ông chưa từng biết đến. Đồng thời ông cũng hiểu được sự phản đối chống lại họ của những thanh niên cấp tiến nổi loạn, khó chịu vì những lời huyên thuyên thiếu suy nghĩ và vô trách nhiệm nơi các quý tộc vô công rồi nghề, không biết đến sự tức tối to lớn của đám quần chúng đầy ảm đạm nơi những người nông dân bị áp bức và các viên chức cấp thấp, mà một ngày nào đó sẽ quét sạch họ và thế giới của họ trong một con sóng thủy triều của lòng căm thù đầy bạo lực, mù quáng, nhưng được biện minh, lòng căm thù ấy là công việc của cuộc cách mạng đích thực gây kích động và trực tiếp. Herzen đã hiểu rõ sự xung đột ấy, và tự truyện của ông truyền tải sự căng thẳng giữa các cá nhân và các giai cấp, các nhân vật và các ý kiến cả ở nước Nga và ở phương Tây, với sự sinh động và chính xác tuyệt vời."

NGUYỄN VĂN TRỌNG

GỬI CON TRAI TÔI ALEXANDER[3]

Xasha[4] của cha,

Cha tặng cho con cuốn sách này là vì cha đã không viết được gì hay hơn nó, và có lẽ cũng sẽ chẳng viết được gì nữa hay hơn; là vì cha yêu cuốn sách này như yêu kỉ niệm của cuộc đấu tranh mà ở đó cha đã phải hi sinh nhiều thứ nhưng không hi sinh sự can đảm của tri thức; cuối cùng là vì cha không chút e sợ trao vào bàn tay niên thiếu của con lời phản kháng, đôi chỗ khá táo tợn, của một bản ngã độc lập chống lại quan điểm lạc hậu, mang tính nô lệ và đầy dối trá, chống lại những thần tượng xằng bậy thuộc về một thời khác biệt đang sống nốt những ngày tàn vô nghĩa giữa chúng ta, gây trở ngại cho một số người này, gây sợ hãi cho một số người khác.

Cha không muốn lừa dối con, con hãy biết chân lí như cha hằng biết; dẫu cho con có được chân lí ấy không phải trải qua những sai lầm đau đớn, những nỗi thất vọng tê dại, mà chỉ đơn giản là theo quyền thừa kế.

Trong cuộc đời con sẽ có những câu hỏi khác, những cuộc đụng độ khác... sẽ chẳng thiếu những đau khổ và công việc. Con mới 15 tuổi - nhưng con đã nếm trải những đòn đánh kinh hoàng.

Con đừng tìm những lời giải đáp trong cuốn sách này - không có chúng ở trong đó và nói chung con người đương đại không có lời giải đáp. Cái đã giải đáp rồi thì đã kết thúc, cuộc biến chuyển lớn cho mai sau chỉ vừa mới bắt đầu.

Chúng ta không xây dựng, chúng ta đang đập vỡ, chúng ta không tuyên cáo mạc khải mới mà chỉ xóa bỏ sự dối trá xưa cũ. Con người đương đại, người dựng những cây cầu vĩ đại[5] buồn bã, chỉ dựng nên cây cầu - một người khác, người còn chưa ai biết, người thuộc tương lai sẽ đi trên cây cầu ấy. Có thể con sẽ được nhìn thấy... Con đừng ở lại nơi bến bờ cũ... Thà chết cùng nó còn hơn là được cứu thoát trong sự che chở của phản động.

Tôn giáo cải tạo lại xã hội mai sau - tôn giáo mà cha di chúc lại cho con, tôn giáo ấy không có thiên đường, không có đền đáp, chỉ có ý thức của chính mình, chỉ có lương tâm... Đúng thời cơ con hãy về quê nhà thuyết giảng tôn giáo ấy; ở đó người ta đã từng yêu mến ngôn ngữ của cha, có thể sẽ còn nhớ tới cha.

... Cha chúc phúc cho con trên con đường ấy nhân danh lí trí con người, nhân danh tự do cá nhân và tình thương yêu huynh đệ!

Cha của con

Twickenham, ngày 01 tháng 01 năm 1855.

[DẪN NHẬP][6]

Từ bờ bên kia[7] - là cuốn sách đầu tiên tôi xuất bản ở phương Tây; một loạt các bài báo soạn thành cuốn sách ấy đã được viết bằng tiếng Nga vào các năm 1848 và 1849. Tôi đã tự đọc chúng cho nhà văn trẻ F. Kapp bằng tiếng Đức.

Giờ đây nhiều thứ trong đó không còn mới mẻ nữa[8]. Năm năm khủng khiếp đã dạy được đôi điều cho những người bướng bỉnh nhất, cho những kẻ tội lỗi không hối cải nhất bên bờ của chúng ta. Vào đầu năm 1850 cuốn sách của tôi đã gây xôn xao ở nước Đức; người ta khen ngợi nó và phê phán nó gay gắt, bên cạnh những ý kiến nhận xét còn hơn cả lời tán dương của những người như Julius Frobel, Jacoby, Fahnereyer thì những người đầy tài năng và tận tụy lại phẫn nộ đả kích nó.

Người ta đã buộc tội tôi là thuyết giảng sự tuyệt vọng, là không hiểu biết nhân dân, là hờn giận[9] chống lại cách mạng, là thiếu tôn trọng nền dân chủ, thiếu tôn trọng quần chúng, thiếu tôn trọng châu Âu...

Ngày 02 tháng 12 đã trả lời họ còn lớn tiếng hơn cả tôi[10].

Năm 1852, ở London tôi được gặp đối thủ sắc sảo nhất của tôi là Solger; - ông ta đang sắp xếp để mau chóng đi Mĩ; ông ta thấy mình chẳng có việc gì để làm ở châu Âu cả. Tôi nhận xét: "Tình hình có vẻ như đã thuyết phục được ông rằng tôi cũng không hoàn toàn sai phải không?". Solger hiền hậu cười đáp lại: "Tôi không cần nhiều đến như thế này để nhận ra rằng những điều tôi đã viết ra hồi ấy thật quá nhảm nhí".[11]

Mặc dù có lời thú nhận dễ thương này, kết luận chung của những phán xét vẫn nghiêng về phía chống lại tôi. Liệu có phải điều này biểu lộ cảm giác tức giận - sự cận kề với nguy hiểm, nỗi sợ hãi trước tương lai, mong muốn che giấu sự yếu ớt của mình, tuổi già đỏng đảnh và chai cứng?

... Số phận kì lạ của những người Nga - nhìn xa hơn các láng giềng, nhìn u ám hơn và dũng cảm nói ra ý kiến của mình, - những người Nga, "những người câm lặng" ấy, như Michelet nói.[12]

Đây là những gì đã được viết ra trước tôi bởi một trong những đồng bào của chúng ta:

"Ai là người đã tán dương hơn chúng ta về ưu điểm của thế kỉ XVIII, về ánh sáng của triết học, về sự dịu bớt của các tập quán, về sự truyền bá khắp nơi tinh thần xã hội, về sự ràng buộc chặt chẽ và thân ái nhất của các dân tộc, về sự dịu hiền của việc cai trị? ... Dù cho vẫn còn những đám mây đen nào đó ở chân trời của nhân loại, nhưng tia sáng rạng rỡ của hi vọng đã nhuộm vàng những miền biên khu ấy. Chúng ta tôn kính sự kết thúc của thế kỉ này như sự kết thúc những tai họa chủ yếu nhất của loài người và đã tưởng rằng tiếp đến sẽ là sự kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, giữa những suy luận và hành động... Cái hệ thống làm yên lòng ấy nay ở đâu rồi? Nó đã bị phá hủy đến tận gốc; thế kỉ XVIII đang kết thúc và lòng bác ái khốn khổ đang sắp bước xuống nấm mồ của nó, nằm xuống đấy với trái tim xé nát bị lừa dối của mình và nhắm mắt lại vĩnh viễn.

Ai mà ngờ được, dự đoán được, thấy trước được? Ở đâu rồi, những người mà chúng ta đã từng yêu mến? Thành quả của khoa học và sự minh triết đang ở đâu? Thế kỉ của khai sáng, ta không nhận ra mi; những lá cờ đẫm máu ở giữa những giết chóc và tàn phá, ta không nhận ra mi.

Bọn người lãnh cảm hân hoan. ''Đây là thành quả khai sáng của các anh đấy - chúng nói - thành quả khoa học của các anh đấy; triết học hãy chết đi!" - và con người khốn khổ không chốn nương thân, không có cha, không có con hay bạn bè, đang lặp lại: hãy chết đi!

Cuộc đổ máu không thể kéo dài mãi. Tôi tin là cánh tay vung gươm chém giết rồi sẽ mỏi, lưu huỳnh thuốc súng sẽ cạn trong lòng đất, và sấm sét rồi sẽ im tiếng, sớm muộn gì sự tĩnh lặng sẽ đến, nhưng nó sẽ như thế nào? - liệu nó có chết chóc, lạnh lẽo, u ám...

Sự sa sút của khoa học tôi thấy không những là khả dĩ mà còn là không tránh khỏi, thậm chí đã cận kề rồi. Khi các khoa học sa sút, khi tòa nhà tuyệt diệu của chúng sụp đổ, những cây đèn thánh thiện tắt đi - điều gì sẽ đến? Tôi kinh hoàng và cảm thấy trái tim mình run rẩy; cứ cho là một vài đốm lửa còn sống sót dưới tro tàn; cứ cho là có một số người sẽ tìm thấy chúng và sẽ dùng chúng để chiếu sáng cho những túp lều hẻo lánh lặng lẽ của họ, - thế nhưng thế giới này rồi sẽ ra sao?

Tôi lấy tay che mặt!

Không lẽ loài người lúc này đã đi đến bậc tột cùng của sự khai sáng và sẽ phải chìm đắm một lần nữa vào tình trạng dã man để rồi lại lần từng bước mà đi ra khỏi nó, giống như tảng đá mà Sisyphus (là thần nhân trong thần thoại Hi Lạp - ND) vần lên đỉnh núi, khi gần tới đỉnh lại tuột khỏi tay lăn xuống do sức nặng của nó và rồi bàn tay của người lao động vĩnh hằng lại đưa nó lên đỉnh núi hay chăng? - Một hình tượng thật buồn bã!

Giờ đây tôi cảm thấy tựa như bản thân sử biên niên đang chứng minh cho ý kiến này. Chúng ta hầu như không biết đến tên tuổi của các dân tộc châu Á cổ đại và các vương quốc, nhưng qua một vài giai đoạn lịch sử rời rạc chúng ta có thể thấy rằng những dân tộc này đã từng không phải là man khai... Các vương quốc sụp đổ, các dân tộc biến mất, từ tro bụi của họ lại sinh ra các bộ tộc mới, sinh ra trong bóng tối lờ mờ, trong ánh sáng chập chờn, lớn lên thành hài nhi, học hỏi và kết hợp lại. Có lẽ những kỉ nguyên lịch sử chìm đắm trong cõi vĩnh hằng, một đôi lần bừng sáng ban ngày trong trí tuệ người ta, một đôi lần đã phủ bóng tối ban đêm vào tâm hồn, trước khi Ai Cập tỏa sáng.

Khai sáng Ai Cập kết hợp với Hi Lạp. Những người La Mã đã học hỏi trong ngôi trường vĩ đại này.

Cái gì sẽ tiếp theo sau thời đại sáng chói này? Tình trạng dã man nhiều thế kỉ.

Từ từ giảm bớt đi, bóng tối dày đặc từ từ tan dần. Cuối cùng mặt trời bừng sáng, những con người tốt bụng và cả tin thu được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhìn thấy mục tiêu hoàn thiện đã cận kề và sung sướng reo lên: đến bờ rồi! nhưng đột nhiên bầu trời mây kéo đến và số phận loài người lại lẩn vào đám mây đen của dông tố! Hỡi các hậu thế! số phận nào đang đợi các người?

Đôi khi nỗi buồn không sao chịu nổi siết chặt trái tim tôi, đôi khi tôi sụp quỳ xuống dang tay hướng tới vô hình... Không có lời đáp! - đầu tôi gục xuống trái tim.

Chuyển động vĩnh cửu trong một vòng tròn, lặp lại mãi mãi, vĩnh viễn hết ngày lại đêm và hết đêm lại ngày, một giọt niềm vui và một biển nước mắt. Bạn của tôi ơi! Tôi, bạn và mọi người sống vì điều gì đây? Tổ tiên chúng ta đã sống vì điều gì? Con cháu chúng ta sẽ sống vì điều gì?

Tinh thần của tôi đầy chán nản, yếu đuối và buồn bã!"[13]

Những dòng chữ đau đớn, bốc lửa và tràn đầy nước mắt ấy được viết ra vào cuối những năm chín mươi [thế kỉ XVIII] bởi N.M. Karamzin.

Trong lời dẫn nhập bản viết tay tiếng Nga, tôi đã có đôi lời gửi tới các bạn bè ở nước Nga - những lời ấy như sau:

VĨNH BIỆT!

(Paris, ngày 01 tháng 03 năm 1849)

Sự li biệt của chúng ta sẽ còn kéo dài - có thể là mãi mãi.

Lúc này tôi không muốn trở về, sau này thì tôi không biết liệu điều đó có khả dĩ hay không. Các bạn đã chờ đợi tôi, lúc này đang chờ đợi, cần phải giải thích chuyện là thế nào. Nếu như có ai đó buộc tôi phải tường trình về sự vắng mặt của mình, về các hành động của mình, thì người đó, tất nhiên rồi, chính là các bạn, những bạn bè của tôi.

Sự kinh tởm không chế ngự nổi và một giọng nói mạnh mẽ từ bên trong vang lên như lời tiên tri, không cho phép tôi vượt qua biên giới nước Nga, đặc biệt là vào lúc này, khi đế chế trở nên hung hãn và hoảng sợ trước tất cả những gì xảy ra ở châu Âu, với sự nhẫn tâm gấp đôi bóp nghẹt mọi phong trào trí tuệ và thô bạo tách rời sáu mươi triệu người khỏi nhân loại đang giải phóng, dùng bàn tay sắt đen đúa ngăn chặn ánh sáng yếu ớt cuối cùng chiếu xuống một số ít trong họ, bàn tay ấy đã nhuốm máu của người Ba Lan. Không đâu, các bạn của tôi, tôi không thể bước qua biên giới vương quốc của bóng tối, của chuyên quyền độc đoán, của sự bóp chết lặng lẽ, của cái chết vô tung tích, của sự tra tấn với miệng bị nhét giẻ. Tôi sẽ đợi chờ cho tới lúc chính quyền mệt mỏi, bị suy yếu bởi những nỗ lực không có kết quả và bởi sự phản ứng lại do bị kích động, sẽ phải thừa nhận điều gì đó xứng đáng với sự kính trọng trong con người Nga!

Xin các bạn đừng vội nhầm lẫn; tôi chẳng tìm ở đây một niềm vui, một sự khuây khỏa, một sự nghỉ ngơi, thậm chí cả sự an toàn cho cá nhân nữa; mà tôi cũng không biết liệu có ai lúc này tìm được ở châu Âu một niềm vui, một sự nghỉ ngơi, - nghỉ ngơi trong thời gian đang động đất, niềm vui trong lúc tranh đấu tuyệt vọng. - Các bạn đã nhìn thấy nỗi buồn trên mỗi dòng chữ trong các bức thư của tôi; cuộc sống ở đây rất nặng nề, sự độc ác cay nghiệt hòa lẫn vào tình yêu, sự tức giận hòa lẫn với nước mắt, sự bất an đầy căng thẳng hành hạ toàn bộ cơ thể. Thời kì những ngộ nhận và hi vọng [hão huyền] trước đây đã qua rồi. Tôi chẳng tin vào bất cứ cái gì ở đây ngoài một nhúm người, một ít các ý tưởng và tính bất khả của việc dừng lại phong trào; tôi nhìn thấy cái chết không tránh khỏi của châu Âu già nua và tôi chẳng tiếc thương một thứ gì đang hiện tồn, kể cả học vấn đỉnh cao, cả những định chế của nó... tôi chẳng yêu mến gì trong thế giới này ngoài những gì thế giới này đang theo đuổi, tôi chẳng kính trọng điều gì ngoài thứ thế giới này đang khai tử, - và tôi ở lại... tôi ở lại đau khổ gấp đôi, đau nỗi đau của mình và đau nỗi đau của thế giới này, có lẽ tôi sẽ chết trong sự tàn phá và hủy hoại hết tốc lực của cái thế giới này.

Tôi ở lại làm gì?

Tôi ở lại vì cuộc đấu tranh là ở đây, vì bất chấp máu và nước mắt, ở đây đang giải quyết những vấn đề xã hội, vì ở đây những khổ đau là quá mức, là nóng bỏng, nhưng công khai, cuộc đấu tranh là không che đậy, không ai ẩn nấp. Đau khổ cho những kẻ bại trận, nhưng họ không vì bại trận mà không chiến đấu, không bị cắt lưỡi trước khi nói ra lời; bạo lực là ghê gớm, nhưng phản kháng cũng vang dội, các chiến sĩ thường bước lên thuyền chiến với chân tay bị trói, nhưng đầu ngẩng cao và lời nói tự do. Nơi nào lời nói chưa bị hủy diệt, nơi đó sự nghiệp còn chưa tiêu vong. Vì cuộc đấu tranh công khai ấy, vì lời nói ấy, vì sự công khai ấy - tôi ở lại đây; vì nó tôi hiến dâng tất cả, tôi hiến dâng các bạn cho nó, một phần tài sản của tôi, và có thể, tôi sẽ hiến sinh mạng trong hàng ngũ của thiểu số đầy năng động, "bị truy đuổi nhưng không thể bị quật ngã".

Vì lời nói [tự do] ấy tôi tạm thời cắt đi, hay nói đúng hơn, tạm thời dằn nén lại mối liên hệ máu thịt của tôi với nhân dân, trong nhân dân ấy tôi tìm được thật nhiều lời nhận xét về những mặt sáng cũng như những mặt tối của tâm hồn tôi, bài ca và ngôn ngữ của nhân dân ấy là bài ca và ngôn ngữ của tôi, và tôi ở lại cùng nhân dân mà trong cuộc sống của nhân dân ấy tôi cảm thông sâu sắc với tiếng khóc cay đắng của một người vô sản và sự dũng cảm tuyệt vọng của bạn bè anh ta.

Tôi đau xót rất nhiều khi phải quyết định... các bạn biết rõ tôi mà... và xin hãy tin tôi. Tôi dằn nén nỗi đau bên trong mình lại, tôi đã trải qua nhiều đau đớn trong tranh đấu và tôi quyết định không phải như cậu thiếu niên đang phẫn nộ, mà như một con người đã suy xét kĩ việc mình làm, những mất mát nào mình phải chịụ... Tôi đã cân nhắc nhiều tháng ngày, đã từng dao động và cuối cùng tôi hi sinh tất cả cho:

Phẩm giá con người,

Tự do lời nói.

Tôi không bận tâm tới những hậu quả, chúng không ở trong quyền lực của tôi, chắc là chúng ở trong quyền lực của sự đỏng đảnh tùy tiện đã lơ đãng đến nỗi dùng compa vẽ ra không chỉ những lời chúng ta nói mà cả những bước chúng ta đi. Không tuân phục theo là ở trong quyền lực của tôi - và tôi đã không tuân phục theo.

Tuân phục theo mà chống lại niềm tin của mình (trong khi có cơ hội để không tuân phục theo), ấy là vô đạo đức. Sự tuân phục đầy khổ đau hầu như bất khả. Tôi đã có mặt ở hai cuộc chính biến, tôi đã sống thật tự do rồi lại có thể để cho người ta trói buộc mình; tôi đã trải nghiệm những làn sóng phản đối của nhân dân, tôi đã quen với tự do ngôn luận và tôi không thể lại biến mình thành nô lệ nữa, ngay cả để cùng đau khổ với các bạn. Nếu giả sử như cần phải tự giết mình cho sự nghiệp chung, có lẽ tôi cũng đủ sức làm; nhưng ngay lúc này thì sự nghiệp chung của chúng ta đang ở đâu? Ở quê nhà nơi các bạn không có miếng đất để con người tự do có thể đứng được. Liệu như thế thì các bạn còn có thể kêu gọi được ư? ... Đi tranh đấu - chúng ta đi; nhưng đi chịu hành hạ, đi chịu sự im lặng vô ích, đi tuân phục theo - thì không chấp nhận dưới bất cứ hình thức nào. Hãy đòi hỏi ở tôi bất cứ điều gì, nhưng xin đừng đòi hỏi tôi sống hai mặt, xin đừng bắt tôi phải giả bộ làm một thần dân trung quân, xin hãy tôn trọng sự tự do nhân bản ở bên trong tôi.

Tự do của một bản ngã cá nhân - là điều vĩ đại nhất; dựa trên nó, và chỉ trên nó mà thôi, mới có thể vun đắp nên ý chí thực sự của nhân dân. Mỗi con người phải kính trọng tự do của mình và kính trọng nó như [kính trọng tự do] trong những người thân cận và trong nhân dân. Nếu như các bạn cũng tin vào điều này thì các bạn phải đồng ý rằng ở lại nơi đây là quyền của tôi, là nghĩa vụ của tôi; đây duy nhất là sự phản kháng có thể tạo nên một bản ngã nơi chúng ta, vật hi sinh ấy phải hiến dâng cho nhân phẩm của mình. Nếu các bạn gọi sự đi xa của tôi là cuộc chạy trốn thì xin các bạn thứ lỗi nhân danh tình yêu của các bạn, điều đó có nghĩa là các bạn vẫn còn chưa hoàn toàn tự do.

Tôi biết tất cả những phản đối từ quan điểm của chủ nghĩa yêu nước lãng rhạn và sự gượng gạo công dân, nhưng tôi không thể chấp nhận những quan điểm cổ hủ ấy; tôi đã trải qua chúng rồi, tôi đã đi ra từ chỗ chúng và tôi đang tranh đấu chống lại chúng. Những tàn tích được hâm nóng lên ấy của các hồi ức La Mã và Kitô giáo gây cản trở nhiều nhất cho việc tiếp thu những khái niệm đích thực về tự do, - những khái niệm lành mạnh, sáng rõ, đã trưởng thành. May thay, ở châu Âu những tập quán và sự phát triển lâu đời đang bù đắp phần nào cho những lí thuyết và luật lệ xằng bậy. Những con người ở đây đang sinh sống trên miếng đất được bồi đắp bởi hai nền văn minh; con đường mà tổ tiên của họ đã đi hai nghìn rưỡi năm không phải vô ích, rất nhiều nhân tính đã được hun đúc nên, không phụ thuộc vào cấu trúc bề ngoài và trật tự chính thống.

Vào những thời kì tồi tệ nhất của lịch sử châu Âu, chúng ta vẫn thấy có sự kính trọng nào đó đối với bản ngã cá nhân, một sự thừa nhận nào đó đối với tính độc lập - những quyền nào đó được nhân nhượng cho tài năng. Bất chấp tất cả sự xấu xa của chính quyền Đức hồi đó, người ta đã không bắt Spinoza đi đày, không cắt cổ Lessing hay tống ông vào quân ngũ. Ở trong sự tôn kính ấy, không phải đối với một sức mạnh vật chất mà đối với sức mạnh đạo đức, ở trong sự thừa nhận không chủ tâm ấy đối với bản ngã cá nhân - là một trong những nguyên lí nhân bản vĩ đại nhất của đời sống châu Âu.

Ở châu Âu, người ta không bao giờ coi một người sinh sống ở nước ngoài là tội phạm và một người di cư sang Mĩ là kẻ phản bội.

Ở nước ta chẳng có gì giống như thế cả. Ở nước ta bản ngã cá nhân lúc nào cũng bị đè nén, bị nuốt chửng, thậm chí không cố bộc lộ ra. Lời nói tự do ở nước ta lúc nào cũng bị coi là táo tợn, tính đặc sắc - là nổi loạn chống đối; con người mất hút trong nhà nước, tiêu tan trong công xã. Cuộc lật đổ của Piôt I đã thay thế sự cai trị nước Nga theo kiểu địa chủ lạc hậu bằng một trật tự thư lại kiểu châu Âu; tất cả những gì có thể sao chép lại từ các bộ luật của Thụy Điển và của Đức đều được sao chép hết, tất cả những gì có thể chuyển sang từ kiểu [quản trị] thị chính của nước Hà Lan tự do đều được chuyển sang hết; thế nhưng cái quyền lực bất thành văn, mang tính kiềm chế về mặt đạo đức, sự thừa nhận mang tính bản năng các quyền của bản ngã cá nhân, quyền được tư duy, những chân lí, thì không thể chuyển sang được và đã không được chuyển sang. Tính nô lệ ở nước ta gia tăng thêm cùng với học vấn; nhà nước lớn mạnh lên, được cải thiện hơn, nhưng bản ngã cá nhân không được lợi lộc gì; ngược lại, nhà nước càng mạnh lên thì bản ngã cá nhân càng suy yếu đi. Những hình thức cai trị và tòa án, các định chế quân sự và dân sự theo kiểu châu Âu ở nước ta đã phát triển lên thành một thứ chuyên chế kinh khủng, không lối thoát.

Nếu giả sử như nước Nga không rộng mênh mông đến thế, nếu giả sử như định chế quyền lực theo kiểu nước ngoài không được thiết lập mù mờ đến thế và không được hoàn tất một cách vô tô chức đến thế, thì sẽ không quá lời nếu nói rằng ở nước Nga không một người nào hiểu biết đôi chút về nhân phẩm lại có thể sống nổi.

Chính quyền được nuông chiều, không gặp bất cứ phản kháng nào, đôi khi không còn chút kiềm chế nào, tình trạng này chưa từng thấy bao giờ trong lịch sử. Các bạn biết được chừng mức của tính được nuông chiều ấy từ các trần thuật về nhà thơ - Nga hoàng Pavel. Hãy loại bỏ đi những thứ đỏng đảnh, hoang đường ở Pavel và các bạn sẽ nhìn thấy ông ta chẳng độc đáo gì, và cái nguyên lí cổ súy ông ta chỉ duy nhất là cùng một thứ, vốn có trong mọi triều đại, trong mỗi viên tỉnh trưởng, trong mỗi viên xã trưởng, trong mỗi tên địa chủ. Say đắm quyền chuyên chế bao trùm lên tất cả cái tôn ti lừng danh gồm mười bốn bậc. Trong mọi hành động của chính quyền, trong mọi quan hệ của cấp trên đối với cấp dưới đều bộc lộ tính ngạo mạn vô liêm sỉ, thói khoe khoang trâng tráo, tính vô trách nhiệm của mình, ý thức mang tính lăng nhục cho rằng bản ngã cá nhân sẽ chịu đựng được hết thảy: quân dịch ba lần, luật về cấp giấy thông hành đi nước ngoài, phạt đánh roi trong trường dạy nghề. Cứ như thế, vùng Tiểu Nga chịu đựng tình trạng nông nô ở thế kỉ XVIII; cứ như thế, toàn bộ nước Nga cuối cùng đã tin rằng có thể mua bán con người, mà chẳng bao giờ có ai hỏi cơ sở pháp luật nào cho phép việc làm này, - ngay cả những ngươi bị bán đi cũng không hỏi. Chính quyền ở nước ta tự tin hơn, phóng túng hơn so với [chính quyền] ở Thổ Nhĩ Kì và Ba Tư, nó chẳng từ việc gì mà không dám làm; nó chối bỏ truyền thống của mình, châu Âu không liên quan gì đến nó, nó chẳng thèm tôn trọng tính nhân dân, nó không biết đến tính nhân bản toàn nhân loại, nó chỉ chiến đấu với hiện tại. Trước kia chính phủ ít nhất cũng còn xấu hổ với các láng giềng, còn chịu học hỏi họ, giờ đây thì nó tự xem mình được trao sứ mệnh làm gương cho tất cả lũ áp bức; giờ đây nó dạy dỗ kẻ khác.

Tôi và các bạn đã nhìn thấy sự phát triển kinh khủng nhất của đế chế. Chúng ta lớn lên dưới sự khủng bố, dưới những cặp cánh đen của mật vụ, ở trong móng vuốt của chúng; chúng ta bị làm cho què quặt đi dưới cái ách vô vọng và chỉ nhờ vào may rủi mà được lành lặn. Thế còn chưa đủ hay sao? Chẳng phải đã đến lúc tháo bở sự trói buộc đôi tay và lời nói để hành động, để nêu gương, chẳng phải đã đến lúc thức tỉnh ý thức đang ngủ say của nhân dân hay sao? Nhưng lẽ nào chúng ta có thể thức tỉnh nhân dân bằng những lời nói thì thầm, những lời bóng gió xa xôi, khi mà ngay cả tiếng thét và lời nói thẳng họ cũng hầu như chẳng nghe thấu được? Cần những hành động công khai, thẳng thắn; ngày 14 tháng Chạp[14] đã lay chuyển toàn thể nước Nga non trẻ mạnh đến thế là bởi vì nó xảy ra ở quảng trường Isaakievskaja. Bây giờ thì chẳng những quảng trường mà ngay cả sách, bục giảng cũng không thể có ở nước Nga nữa. Chỉ còn lao động cá nhân trong lặng lẽ hay phản kháng cá nhân từ nơi xa mà thôi.

Tôi ở lại đây không phải chỉ vì tôi kinh tởm việc vượt qua biên giới để đeo gông cùm một lần nữa, mà còn là vì để làm việc. Khoanh tay mà sống thì ở đâu cũng được; ở đây tôi không có công việc gì khác ngoài sự nghiệp của chúng ta.

Người nào suốt hơn hai mươi năm mang trong lòng một ý tưởng, người nào đau khổ vì ý tưởng ấy, lang thang trong các nhà tù và những nơi lưu đày, người nào đã tìm được những phút giây tốt đẹp nhất trong đời mình, những cuộc gặp gỡ xán lạn nhất, người ấy sẽ không bỏ lại ý tưởng ấy, người ấy sẽ không để nó phụ thuộc vào tất yếu ngoại tại và đường kinh tuyến vĩ tuyến địa lí. Hoàn toàn ngược lại, tôi ở đây có ích hơn, tôi ở đây là phát ngôn không bị kiểm duyệt của các bạn, là cơ quan [ngôn luận] tự do của các bạn, người đại diện tình cờ của các bạn.

Tất cả những điều này chỉ có chúng ta là thấy có vẻ mới mẻ và kì lạ, thực ra ở đây chẳng có gì là chưa hề có tiền lệ cả. Ở tất cả các nước vào lúc khởi đầu cuộc chính biến, khi ý tưởng vẫn còn yếu ớt, còn chính quyền vật chất đang lúc [như con ngựa] bất kham, thì những người hoạt động tận tụy đã đi ra nước ngoài, tiếng nói tự do của họ vang lên từ phương xa, và chính cái từ phương xa ấy đem lại sức mạnh và quyền uy cho lời nói, vì đằng sau lời nói ấy ta thấy rõ được những hành động và sự hi sinh. Sức mạnh diễn từ của họ tăng lên theo khoảng cách, giống như lực cắm xuống tăng theo viên đá buông từ tháp cao. Di cư ra nước ngoài là dấu hiệu đầu tiên của cuộc chính biến đang tiến lại gần.

Những người Nga ở nước ngoài còn có một sự nghiệp nữa. Đã đến lúc phải giới thiệu nước Nga với châu Âu. Châu Âu không biết chúng ta; châu Âu biết chính phủ của chúng ta, cái bộ mặt của chúng ta và ngoài ra không biết gì hơn; hoàn cảnh để giới thiệu đang rất thuận lợi, châu Âu giờ đây có vẻ như không còn dáng vẻ kênh kiệu, oai nghiêm cuốn mình trong chiếc áo khoác không thèm biết đến ai; châu Âu không còn hợp với bộ mặt cao ngạo coi thường[15] nước Nga kể từ khi nó được nếm trải thói chuyên chế quê mùa và đám lính Kozak hoang dã, kể từ khi nó lâm vào tình thế bị vây hãm từ sông Danube cho đến Đại Tây Dương, kể từ khi các nhà tù, các thuyền chiến đầy những người bị xua đuổi vì chính kiến... Hãy để châu Âu biết nhiều hơn về một dân tộc mà châu Âu đã đánh giá được sức mạnh niên thiếu của nó trong chiến trận, khi nó là người chiến thắng; chúng ta sẽ kể cho châu Âu về dân tộc hùng mạnh và khó đoán định này, một dân tộc đã lặng lẽ tạo thành nhà nước sáu mươi triệu dân, một dân tộc đã mạnh mẽ lớn lên kì diệu mà không đánh mất đi khởi nguyên công xã và là dân tộc đầu tiên giữ được nó trải qua những cuộc chính biến sơ kì của sự phát triển nhà nước; về một dân tộc đã giữ được bản sắc một cách diệu kì dưới ách của bầy Mông cổ và bọn thư lại Đức, dưới cây gậy cai đội của kỉ luật trại lính và dưới ngọn roi nhục nhã của bọn Tartar; một dân tộc đã giữ được những nét oai nghiêm, trí tuệ sinh động và tính phóng khoáng rộng rãi của một bản chất phong phú dưới ách của tình trạng nông nô và để đáp lại lệnh của Nga hoàng trau dồi học vấn - đã trả lời sau một trăm năm bằng hiện tượng vĩ đại Pushkin. Hãy để cho những người châu Âu nhận biết người láng giềng của họ; họ mới chỉ sợ hãi anh ta, họ cũng cần biết họ sợ hãi điều gì.

Cho đến nay chúng ta đã tỏ ra khiêm tốn một cách không thể tha thứ được, trong khi ý thức rõ về tình trạng nặng nề vô pháp luật của mình, chúng ta đã quên mất tất cả những gì tốt đẹp, đầy hi vọng, đã quên mất đời sống nhân dân là thế nào. Chúng ta phải chờ một người Đức để giới thiệu mình với châu Âu[16], chẳng phải là đáng xấu hổ hay sao?

Liệu tôi có kịp làm được điều này hay không?.. Tôi không biết, tôi hi vọng!

Như vậy, xin vĩnh biệt các bạn, vĩnh biệt mãi mãi... xin các bạn đưa tay cho tôi, cho tôi sự trợ giúp, tôi cần cả hai thứ ấy. Chuyện sau này thế nào, ai mà biết được, vừa mới đây chúng ta cũng đã thấy đủ mọi chuyện đó thôi! Biết đâu cái ngày chúng ta sẽ lại hội họp cùng nhau như đã từng làm thế ở Moscow, cũng không phải là xa xôi nữa và chúng ta sẽ cùng nhau cụng li hô vang không e sợ: "Vì nước Nga, vì ý chí thiêng liêng!"

Trái tim tôi khước từ việc tin rằng ngày ấy sẽ không đến, chết lặng đi trong ý nghĩ xa cách vĩnh viễn. Tựa hồ như tôi sẽ không còn được nhìn thấy những đường phố tôi đã hằng đi qua, lòng tràn đầy những mộng ước tuổi thanh xuân; những căn nhà ấy gắn bó thân thuộc với những kí ức, những làng quê Nga của chúng ta, những người nông dân của chúng ta mà tôi - ở tận niềm Nam nước Ý đang thương nhớ? Không thể nào như thế được! - Còn nếu như? - Khi đó tôi sẽ di chúc lại cho con cái tôi chén rượu mừng ấy, trong khi nhắm mắt nơi quê người tôi vẫn giữ niềm tin vào tương lai của nhân dân Nga và chúc phúc cho họ từ chốn lưu đày tự nguyện xa xăm của tôi!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3