Từ Bờ Bên Kia - Chương 03
II
SAU CƠN DÔNG TỐ
Hãy cứ tiêu vong đi![43]
Phụ nữ khóc cho nhẹ đi nỗi lòng; chúng ta không biết khóc. Thay cho nước mắt tôi muốn viết - không phải để mô tả, giải thích những biến cố đẫm máu, mà chỉ đơn giản nói về chúng để được mặc sức nói ra, khóc thương, suy tư, trút cơn giận dữ. Ở đây còn gì mà mô tả, thu thập dữ liệu, thảo luận nữa! - Bên tai còn vang rền tiếng súng, tiếng vó ngựa của kị binh đang lao đi, tiếng động trầm trầm, nặng nề của bánh xe kéo pháo trên những đường phố chết chóc; trong trí nhớ thấp thoáng những chi tiết rời rạc - người bị thương nằm trên cáng tay giữ lấy cạnh sườn, một vài giọt máu chảy trên đó; những chiếc xe ngựa chất đầy tử thi, những tù nhân tay bị trói, những khẩu pháo trên quảng trường Bastille, trại lính ở cổng St. Denis, trên đại lộ Champs Élysées và tiếng thét u ám "Lính gác - hãy cảnh giác!..."[44] Mô tả cái gì ở đây nữa, đầu óc quá kích động, máu dồn lên gay gắt.
Ngồi khoanh tay trong phòng, không có cơ hội ra khỏi cửa và nghe ngóng ở gần đó, khắp xung quanh, ở phía xa là những tràng súng nổ, pháo sáng, tiếng la hét, tiếng trống trận và biết rằng ở gần đó máu đang đổ, đang đâm chém nhau, rằng ở gần đó người ta đang chết, - tôi có thể chết đi được, phát điên lên được, vì tất cả những chuyện đó. Tôi đã không chết, nhưng tôi già hẳn đi, tôi bình phục lại sau những ngày tháng Sáu như là sau cơn bệnh nặng.
Mọi chuyện khởi đầu rất trang nghiêm. Ngày hai mươi ba, khoảng bốn giờ trước bữa ăn trưa, tôi đã đi dọc bờ sông Seine đến Tòa thị chính[45], các cửa hàng đều đóng cửa, những đoàn lính vệ binh với những khuôn mặt hung dữ đi theo những hướng khác nhau, bầu trời phủ đầy mây đen, trời mưa nhỏ. Tôi dừng lại bên cầu Font Neuf, một tia chớp lóe lên từ sau đám mây đen, sấm rền vang liên tiếp và giữa lúc ấy vang lên tiếng chuông báo động đều đặn, kéo dài từ tháp chuông St. Sulpice, tiếng chuông mà người vô sản bị lừa dối một lần nữa kêu gọi các anh em của mình cầm lấy vũ khí. Nhà thờ và các ngôi nhà dọc bờ sông được chiếu sáng thật bất thường bởi vài tia nắng chói lọi ló ra từ sau đám mây; tiếng trống vang lên từ mọi phía, pháo binh đổ về quảng trường Vòng ngựa gỗ.
Tôi lắng nghe tiếng sấm, tiếng chuông báo động và nhìn không chán mắt toàn cảnh Paris, tựa như tôi đã giã từ với nó; vào giây phút ấy tôi yêu Paris thật say đắm; đây là dâng hiến cuối cùng cho thành phố vĩ đại - sau những ngày tháng Sáu nó trở nên đáng ghét đối với tôi.
Từ phía bên kia sông trên khắp các đường phố và góc phố các chiến lũy đã được dựng lên. Tôi cứ tưởng như lúc này đang còn nhìn thấy những khuôn mặt đăm chiêu ấy, những người đang vần những tảng đá; trẻ em, phụ nữ phụ giúp họ. Trên một chiến lũy có lẽ vừa hoàn tất xong, một chàng trai thợ kĩ thuật bước lên giương cao lá cờ và khẽ cất lên tiếng hát trang trọng u buồn bài Marseillaise; tất cả những người làm việc cùng hát theo, và tiếng đồng ca bài hát vĩ đại ấy vang lên từ sau những tảng đá của chiến lũy làm xúc động tâm hồn... tiếng chuông báo động vẫn vang rền. Trong lúc đó pháo binh đang lọc cọc qua cầu, và tướng Bédaux từ trên cầu chiếu ống nhòm nhìn vào vị trí quân thù...
Vào lúc đó vẫn còn có thể cứu được nền cộng hòa, cứu được tự do của toàn châu Âu, khi đó vẫn còn có thể hòa giải. Cái chính phủ đần độn và vụng về đã không biết làm được điều đó, Quốc hội đã không muốn, bọn phản động tìm cách trả thù, gây đổ máu, muốn đòi đền bù cho ngày 24 tháng Hai, những thức ăn của "National" đã đem lại cho chúng những kẻ thừa hành.[46]
Nào, các vị sẽ nói gì nhỉ, thưa ngài hầu tước đáng mến Radetzky[47] và bá tước Paskevich- Erivansky[48] đại nhân? Các vị thật chẳng đáng làm phụ tá cho Cavaignac[49]. Metternich[50] và tất cả các thành viên Ban thứ ba của văn phòng riêng đều chỉ là những chú bé hiền lành, những cậu bé dễ thương[51] nếu so sánh với bầy lũ chủ quán đang nổi giận.
Buổi tối ngày 26 tháng Sáu, sau chiến thắng của "National" trước Paris, chúng tôi đã nghe thấy những loạt súng bắn cách nhau đều đặn... Chúng tôi đã ngoảnh mặt nhìn vào nhau, tất cả các khuôn mặt đều xanh mét... "Vậy là chúng đang xử bắn", - chúng tôi đồng thanh nói và ngoảnh mặt đi. Tôi ép trán vào tấm kính cửa sổ. Vì những giây phút ấy người ta căm thù suốt mười năm, báo thù suốt cuộc đời. Khốn khổ thay cho những kẻ tha thứ những phút giây như thế!
Sau cuộc tàn sát kéo dài bốn ngày đêm là sự tĩnh lặng và nền hòa bình của tình trạng vây hãm; các đường phố vẫn còn bị vây chặn, người ta hiếm khi gặp đuợc cỗ xe ngựa ở đâu đó; đội vệ binh vênh váo với vẻ hằn thù dữ tợn và đần độn trên mặt, bảo vệ cho các quán, đe dọa bằng lưỡi lê và báng súng; những đám đông hân hoan của đội quân cơ giới đang say ruợu, đi khắp các đường phố, hát vang bài Chết vì tổ quốc[52], những cậu nhóc con mười sáu, mười bảy tuổi khoe khoang về máu của những người anh em của mình vấy trên tay bọn chúng; những cô gái thị dân chạy từ các quán ra ném hoa cho bọn chúng để chúc mừng những kẻ chiến thắng. Cavaignac ngồi trên xe chở theo một tên ác ôn nào đó đã giết được mười người Pháp. Tầng lớp tư sản hân hoan đắc thắng. Còn những căn nhà khu St. Antoine vẫn đang bốc khói, những bức tường bị đạn pháo bắn vỡ đổ xuống, nội thất các căn phòng phơi ra những vết thương, những bàn ghế gãy đang cháy âm ỉ, những mảnh gương vỡ lấp lánh phản chiếu... Thế những chủ nhân, những cư dân đang ở đâu? - Chẳng ai nghĩ về họ cả... đôi chỗ người ta đã đổ cát lên, nhưng vết máu vẫn lộ ra... Người ta ngăn không cho đến khu lăng danh nhân (Panthéon) bị đạn pháo bắn vỡ nát, các lán trại dựng lên theo các đại lộ, những con ngựa gặm nhấm các cây cỏ được chăm bón ở Champs Élysées, khắp nơi trên quảng trường Concorde lăn lóc những nắm cỏ khô, áo giáp binh, yên ngựa; trong vườn Tuileries binh lính đang nấu xúp bên hàng rào. Ngay cả vào năm 1814, Paris cũng chưa từng có cảnh tượng như thế.
Một vài ngày trôi qua - cảnh quan Paris có lại dáng vẻ xua quen thuộc, những đám đông lễ hội lại xuất hiện trên những đường phố, những quý bà bận trang phục lễ hội đi trên những cỗ xe ngựa lớn, nhỏ ngắm nhìn những căn nhà đổ nát và những dấu vết của trận chiến tuyệt vọng... chỉ có những đội tuần tiễu và những nhóm người bị bắt giữ là gợi lại những ngày kinh khủng, chỉ khi ấy những chuyện đã qua mới trở nên sáng tỏ. Byron có mô tả một trận chiến ban đêm; những chi tiết đẫm máu của nó bị màn đêm che phủ; lúc bình minh, khi trận chiến đã kết thúc, mới thấy rõ những tàn tích của nó, lưỡi dao, áo quần đầy máu[53]. Chính là cái bình minh ấy giờ đây đã đến trong tâm hồn, nó soi sáng sự trống rỗng khủng khiếp. Phân nửa những hi vọng, phân nửa những niềm tin đã bị giết chết, những ý tưởng phủ định, tuyệt vọng lởn vởn trong đầu óc, bén rễ ăn sâu vào đó. Không thể cho rằng trong tâm hồn chúng ta, đã trải qua biết bao thử thách như thế, được trải nghiệm bởi chủ nghĩa hoài nghi đương đại, mà lại vẫn còn thật nhiều thứ chưa bị hủy diệt.
Sau những chấn động như thế con người bằng xương bằng thịt không thể vẫn còn như trước nữa. Tâm hồn nó trở nên nhiều chất tôn giáo hơn, với sự ngoan cố đầy tuyệt vọng cố níu giữ lấy những niềm tin của mình, tìm thấy niềm an ủi ngay cả trong nỗi tuyệt vọng nhất, và con người xanh tươi trở lại, bị mê đắm bởi cơn dông tố, mang theo cái chết trong lòng, - hoặc là anh ta dũng cảm và kìm nén lòng mình lại để hiến dâng những trông đợi cuối cùng của mình, hoặc là anh ta trở nên tỉnh táo hơn nữa và không giữ lại những chiếc lá yếu ớt cuối cùng bị gió mùa thu dữ dội cuốn đi.
Điều nào là tốt hơn? Thật khó nói được.
Một thứ dẫn đến sự hoan lạc của mất trí.
Thứ kia dẫn đến nỗi bất hạnh của sự hiểu biết.
Hãy tự mình lựa chọn. Một thứ thật vô cùng vững chắc, bởi vì nó lấy đi hết thảy. Thứ kia chẳng có gì là đảm bảo, nhưng lại cho được rất nhiều. Tôi chọn lựa sự hiểu biết, và mặc cho nó lấy đi của tôi những niềm an ủi cuối cùng. Tôi sẽ như kẻ ăn mày đức hạnh đi khắp thế gian, - nhưng nhổ đi tận gốc rễ những niềm hi vọng ấu trĩ, những trông đợi lúc thiếu thời! - Lôi tất cả chúng ra trước phiên tòa xét xử của lí trí!
Ở bên trong con người có tòa án thường trực, có một Fouquier-Tinville không biết thương xót[54], và điều chủ yếu là có máy chém. Đôi khi các quan tòa ngủ quên, máy chém bị han gỉ, những thứ giả dối, nhất thời, lãng mạn, yếu ớt ngóc đầu dậy, thích nghi với cuộc sống, rồi đột nhiên một đòn đánh man dại nào đó đánh thức vị quan tòa sơ suất, gã đao phủ đang lim dim ngủ, và khi ấy sẽ bắt đầu cuộc trừng phạt tàn khốc - một chút nhượng bộ, thương tiếc, xót xa nhỏ bé nhất dẫn đến quá khứ cũng bị xiềng xích lại. Không có lựa chọn: hoặc là xử tử và tiến lên phía trước, hoặc là khoan hồng và vấp ngã giữa đường.
Ai mà lại không nhớ cuốn tiểu thuyết logic của mình, ai mà lại không nhớ cái ý tưởng hoài nghi đầu tiên, sự dũng cảm đầu tiên của việc khảo cứu đã lọt vào tâm hồn mình ra sao - và nó đã lôi cuốn mỗi lúc một nhiều hơn, đã chạm tới những tài sản thiêng liêng nhất của tâm hồn ra sao? Đó chính là tòa án khủng khiếp của lí trí. Xử tử niềm tin thật không dễ dàng như người ta tưởng; thật khó khăn để giã từ với những ý tưởng mà chúng ta đã lớn lên cùng với chúng, đã nhập vào chúng và chúng đã từng âu yếm, an ủi chúng ta - hi sinh chúng đi thì có vẻ như thật vô ơn. Thế nhưng ở trong cái môi trường có tòa án đó, ở đấy không có sự biết ơn, ở đấy không có sự thiêng liêng, và nếu như cách mạng, giống như Cronos, ăn thịt những đứa con của mình, thì sự phủ định, giống như Neron, sẽ giết bà mẹ để đoạn tuyệt với quá khứ[55]. Người ta sợ hãi logic của mình và sau khỉ đã bộp chộp gọi giáo hội và nhà nước, gia đình và luân lí, cái thiện và cái ác ra trước tòa án của nó, - người ta lại cố cứu lấy những mảnh vụn, những trích đoạn của cái xưa cũ. Trong khi từ bỏ Kitô giáo, người ta lại cố giữ lấy sự bất tử của linh hồn, chủ nghĩa duy tâm, lời tiên tri. Những người trước đây đã đi cùng nhau, nay phân ngả, số này đi sang phải, số kia đi sang trái; một số chết ở giữa đường, giống như những cột mốc chỉ cho biết đã đi được bao xa, những người khác vứt bỏ gánh nặng quá khứ và sảng khoái tiến lên phía trước. Đi từ thế giới cũ sang thế giới mới thì không được mang theo cái gì hết.
Lí trí không biết thương xót, giống như Hội nghị Quốc ước, không nể nang và thật nghiêm khắc; nó không dừng lại trước bất cứ điều gì và đòi chính cái hiện hữu cao nhất lên ghế bị cáo, ngày 21 tháng Một đã đến với đức vua thánh thiện của nền thần học[56]. Vụ xét xử này, giống như vụ xét xử Louis XVI, là hòn đá thử vàng đối với phái Girondins; tất cả những gì yếu ớt, nửa vời, hoặc là bỏ chạy, hoặc là nói dối, không bỏ phiếu hoặc là bỏ phiếu mà không có lòng tin. Trong khi ấy những người tuyên đọc bản án cứ tưởng rằng sau khi xử tử nhà vua rồi thì chả còn gì để xử tử nữa, rằng ngày 22 tháng Một nền cộng hòa được làm xong rồi và hạnh phúc. Cứ tựa như là chỉ cần chủ nghĩa vô thần là đủ để khỏi phải có tôn giáo, cứ tựa như là chỉ cần giết chết Louis XVI là không còn nền quân chủ nữa. Hiện tượng khủng bố và logic có sự giống nhau thật lạ lùng. Sự khủng bố đúng là bắt đầu sau khi xử tử nhà vua, tiếp ông ta, bước lên đoạn đầu đài là những mái đầu xanh đầy cao thượng của cách mạng, những người xuất chúng, những nhà hùng biện, những người yếu đuối. Tiếc thương cho họ, nhưng không thể nào cứu được, và những cái đầu đã rơi xuống, sau chúng là cái đầu sư tử của Danton và cái đầu đứa con cưng của cách mạng Camille Desmoulins[57]. Thế bây giờ thì ít nhất cũng xong rồi chứ? Không, giờ đây thì đến lượt những đao phủ thanh liêm, họ sẽ bị xử tử vì đã tin vào khả năng dân chủ ở nước Pháp, vì họ đã xử tử [người khác] nhân danh sự bình đẳng, phải rồi, bị xử tử như Anacharsis Cloots[58], kẻ mơ ước về tình huynh đệ của dân chúng, chỉ cách thời kì Napoleon có vài năm thôi, chỉ cách đại hội Vienna có vài năm thôi.
Thế giới sẽ không có tự do, chừng nào mà mọi thứ tôn giáo, chính trị chưa trở thành có nhân tính, đơn giản, có thể bị phê phán và phủ định. Logic trưởng thành căm ghét những chân lí được phong thánh, logic ấy sẽ gọt tóc chúng từ phẩm hàm thiên thần biến thành nhân tính, sẽ từ những huyền bí thiêng liêng tạo ra những chân lí rõ ràng, bất cứ thứ gì logic ấy cũng không cho là không thể đụng chạm đến được, và nếu như nền cộng hòa đoạt lấy chính những quyền năng như thế cho mình, giống như nền quân chủ, logic ấy sẽ khinh miệt nó giống như khinh miệt nền quân chủ, - không đâu, còn nhiều hơn thế. Nền quân chủ không có ý nghĩa, nó trụ được nhờ bạo lực, còn nhân danh "nền cộng hòa” thì làm trái tim đập mạnh hơn; nền quân chủ tự thân nó là tôn giáo, nền cộng hòa không có những viện cớ thần bí, không có quyền năng của Thượng Đế, nền cộng hòa đứng cùng chúng ta trên một nền tảng. Căm ghét vương miện còn chưa đủ, cần phải không còn kính trọng cả kiểu mũ Phrygie nữa; thừa nhận việc phỉ báng hoàng gia là không có tội thì chưa đủ, cần phải thừa nhận việc mị dân[59] là tội lỗi. Đã đến lúc con người cần đòi đưa ra tòa xét xử: nền cộng hòa, pháp luật, chế độ đại diện, tất cả những khái niệm về người công dân và quan hệ của anh ta với những người khác cũng như với nhà nước. Sẽ có nhiều án tử hình; phải hi sinh những thứ gần gũi, quý báu - hi sinh thứ đáng căm ghét thì có khó gì đâu? Chính vấn đề là ở chỗ phải hiến đi thứ quý giá, nếu chúng ta tin chắc rằng nó không đúng. Sự nghiệp thực sự của chúng ta là ở đó. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là gặt hái thành quả, mà làm đao phủ đối với quá khứ, xử tử, truy đuổi nó, nhận ra nó trong mọi trang phục và hiến tế nó cho tương lai. Quá khứ đang chiến thắng trên thực tế, chúng ta tiêu diệt nó trong ý tưởng, trong tín niệm, nhân danh tư tưởng con người. Chẳng có ai để ta nhượng bộ - lá cờ tam sắc là nhượng bộ bị làm ô uế[60], nó còn lâu mới khô được máu của tháng Sáu. Thực ra thì thương hại ai kia chứ? Tất cả các yếu tố của sự hủy hoại toàn thể đang hiện ra đầy phi lí, điên rồ. - Các vị kính trọng cái gì? Chính phủ nhân dân chăng? - Các vị thương tiếc ai? - Có lẽ, Paris chăng?
Suốt ba tháng trời, những người được bầu ra bởi cuộc bỏ phiếu toàn thể, những người được lựa chọn từ toàn lãnh thổ nước Pháp, đã chẳng làm gì hết, rồi đột nhiên đứng thẳng dậy phô bày cho thế giới một cảnh tượng chưa từng có - tám trăm người cùng hành động như một kẻ hung tàn, như một tên ác ôn[61]. Máu đã chảy thành sông, mà bọn họ không có một lời nói thương yêu, hòa giải; tất cả sự khoan dung nhân bản đã bị tiếng gào thét trả thù và căm phẫn bao phủ lên, tiếng nói của ông Affre đang hấp hối[62] không thể làm cảm động con quái vật nhiều đầu Caligula[63], cái tên Bourbon không đáng một xu ấy; chúng đã ôm ấp Quân vệ quốc bắn giết những người không có vũ khí trong tay, Senat tán thành Cavaignac, và Cavaignac sụt sùi nước mắt hoàn tất mọi tội ác, được chỉ dẫn bởi ngón tay trạng sư của các đại biểu Quốc hội. Còn phe thiểu số đầy hăm dọa thì trốn lủi đi mất, Phái Trên núi lẩn vào sau đám mây, cảm thấy hài lòng vì đã không bị xử bắn, không bị rục xác dưới hầm giam[64]; họ đã im lặng đứng nhìn người ta tước đoạt vũ khí của các công dân, ra nghị định trục xuất, tống giam người ta vì đủ mọi thứ tội trên đời - vì người ta đã không chịu bắn vào những người anh em của mình.
Vào những ngày kinh khủng ấy việc giết người trở thành nghĩa vụ; người nào không nhúng tay vào máu của những người vô sản thì trở thành kẻ khả nghi đối với bọn thị dân... ít nhất thì đa số đã quyết tâm làm ác nhân. Rồi còn những vị bạn bè nhân dân thảm hại, những kẻ khoa trương, những trái tim trống rỗng ấy nữa! Một tiếng khóc dũng cảm, một sự căm phẫn vĩ đại rồi cũng đã vang lên, nhưng nó ở ngoài Phòng giam. Lời nguyền u ám của Ông già Lamennais sẽ còn mãi trong đầu óc những kẻ ăn thịt người không có tâm hồn[65], và sẽ lộ thật rõ hơn nữa trên trán của những kẻ hèn nhát sau khi đã thốt ra từ "cộng hòa" đã hoảng sợ vì ý nghĩa của từ đó.
Paris! Đã thật lâu rồi tên gọi ấy đã rực sáng như ngôi sao chỉ đường cho các dân tộc; còn ai mà không yêu mến nó, còn ai mà không ngưỡng mộ nó? - nhưng thời của nó đã qua mất rồi, hãy để cho nó xuống khỏi vũ đài. Trong những ngày tháng Sáu nó đã mở đầu cuộc đấu tranh vĩ đại. Paris đã già hẳn đi - và những mộng mơ thanh xuân không còn hợp với nó nữa; để làm cho nó hồi sinh thì nó cần đến những chấn động mạnh mẽ, những đêm Barthélemy[66], những ngày tháng Chín[67]. Thế nhưng những nỗi khủng khiếp tháng Sáu đã không làm nó sống lại; kiếm đâu ra được con ma cà rồng già nua, lại còn máu nữa chứ, máu của những chân nhân, máu mà ngày 27 tháng Sáu đã phản chiếu ánh lửa trên các đĩa dầu, đốt lên bởi lũ thị dân đang hân hoan ăn mừng[68]? Paris thích đánh trận giả, nó đặt một anh lính may mắn lên ngôi hoàng đế, hắn ta đã hoan hô những tội ác được gọi là chiến thắng, Paris đã dựng tượng, sau mười lăm năm nó lại đặt hình ảnh thị dân của viên cai đội bé nhỏ lên tượng đài[69], Paris thành kính đưa về di hài của kẻ lập lại chế độ nô lệ[70], ngay bây giờ Paris vẫn hi vọng tìm được trong đám lính tráng cái neo cứu thoát khỏi tự do và bình đẳng, nó đã gọi tới cả bầy man rợ người châu Phi hoang dã chống lại những anh em của mình và cắt cổ họ bằng bàn tay vô hồn của lũ sát nhân chuyên nghiệp. Hãy để cho Paris gánh lấy hậu quả của những việc nó đã làm, của những lỗi lầm của nó... Paris đã bắn bỏ không xét xử... Cái gì sẽ sinh ra từ máu ấy? - ai mà biết được; nhưng dù sao đi nữa thì trong cơn ác liệt nhất ấy của sự hung bạo, của sự trả thù, của sự bất hòa, của sự trừng phạt, cũng có cái được là thế giới cũ sẽ tiêu vong, cái thế giới chèn ép con người mới, ngăn cản anh ta sống, ngăn cản tương lai đến, - và điều này thật tuyệt vời, vì vậy - hỗn loạn và tàn phá muôn năm!
Cái chết muôn năm![71]
Tương lai sẽ được dựng lên muôn năm!
Paris, 24 tháng 06 năm 1848