Từ Bờ Bên Kia - Chương 10
Bức thư thứ hai
Các đại hội cộng nhân thế giới đang trở thành những tòa án hội thẩm đưa ra thẩm vấn hết vấn đề xã hội này tới vấn đề xã hội khác, các đại hội ngày càng có tính tổ chức nhiều hơn, và các thành viên đại hội - các chuyên gia và các điều tra viên. Họ cho rằng chính đình công và bãi công là sự tất yếu thật nặng nề, như là phương tiện cực đoan[216], như là phương tiện rà soát lại sức mạnh và tổ chức mang tính chiến đấu của mình. Tính cách nghiêm chỉnh của họ gây kinh ngạc cho những kẻ thù.
Những công nhân liên minh với nhau, tách mình thành một "nhà nước trong nhà nước" đặc biệt, đạt được một cơ cấu và các quyền cho mình bất chấp bọn tư bản và những kẻ tư hữu, bất chấp các ranh giới chính trị và các ranh giới của giáo hội, hợp thành một mạng lưới đầu tiên và một mầm mống đầu tiên cho cơ cấu kinh tế tương lai. Liên minh quốc tế có thể lớn lên thành ngọn đồi Aventin ở bên trong[217] - rút lui về ngọn đồi ấy, thế giới công nhân đoàn kết với nhau sẽ rời bỏ cái thế giới không có việc làm, không có sản xuất đem lại lợi nhuận... và thế giới bị rút phép thông công ấy, dù muốn hay không,[218] sẽ phải thỏa hiệp. Mà thỏa hiệp thì lại càng tệ hơn cho thế giới cũ, nó sẽ tự đặt mình ra ngoài vòng pháp luật - và sự tiêu vong của nó chỉ lui kì hạn lại, chừng nào thế giới mới còn chưa đủ sức mạnh. Nhưng lúc này sức mạnh ấy còn chưa có - cần phải lặng lẽ tập hợp các binh đoàn và đừng có đe dọa. Đe dọa lúc không có sức mạnh thì có hại. Sự bùng nổ bị đàn áp sẽ đẩy lùi trở lại. Sự thư nhàn cần thiết cho một công đôi việc - nghiên cứu nghiêm chỉnh và chiêu nạp bằng sự hiểu biết, - còn nếu kẻ thù cảnh giác, có sức mạnh trong tay, sẽ cầm lấy vũ khí để phòng vệ trước khi phe đối địch kịp chỉnh đốn hàng ngũ. Tiêu diệt các mầm mống dễ dàng hơn là thúc giục chúng mau lớn lên. Ai không muốn chờ đợi và làm việc, kẻ ấy sẽ đi theo lối mòn của những nhà tiên tri, các giáo phẩm truyền đạo, những kẻ cuồng tín, các nhà cách mạng bè phái... Phàm bất cứ chuyện gì được hoàn tất trong sự trợ giúp của các yếu tố điên rồ, huyền bí, hoang đường thì trong những kết cục cuối cùng của nó nhất định sẽ có những kết quả điên rồ bên cạnh những kết quả thiết thực. Hơn thế nữa, những con đường ấy đối với chúng ta ngày càng nhiều cỏ mọc ngăn lối, chỉ có sự hiểu biết và thảo luận là vũ khí duy nhất của chúng ta mà thôi. Những giáo điều thần học và chính trị không đòi hỏi phải hiểu biết, chúng thậm chí đứng vững chắc hơn dựa vào lòng tin, không có tinh thần phê phán và phân tích. "Phải xem giáo hoàng như người không bao giờ phạm lỗi, và phải kính trọng ông ta, phải nghe lời hoàng đế, phải bảo vệ tổ quốc, tuân thủ các luật lệ và quy định…” Toàn bộ quá khứ mà chúng ta đang muốn thoát ra khỏi, đã là như vậy. Các hình thức, các hình tượng, các trang phục, luôn thay đổi - nhưng thực chất thì vẫn thế. Con người cúi đầu trước cha cố cầm thánh giá thì cũng như con người cúi đầu trước phán quyết của tòa án, dù nó có phi lí thế nào đi nữa. Tôi xin nhắc lại, chính từ cái thế giới tôi đòi về đạo đức và khuất phục quyền uy mà chúng ta cố tranh đấu thoát ra khoảng trời rộng lớn của sự hiểu biết, đi vào thế giới của tự do trong lí trí.
Mọi mưu toan đi tắt, nhảy qua lập tức - do nóng ruột, lôi cuốn bằng quyền uy hay lòng khao khát - sẽ dẫn đến những va chạm kinh khủng nhất, và tệ hơn nữa là tới những thất bại không tránh khỏi. Bỏ qua quá trình thấu hiểu là không thể được, cũng y như bỏ qua vấn đề sức mạnh. Áp đặt quyết định trước đối với tất cả những gì đang là vấn đề phải giải đáp, là đối xử rất vô lễ đối với vật thể được giải phóng. Đột nhiên túm lấy một người còn đang mơ ngủ về mặt trí tuệ, gây sửng sốt cho anh ta ngay phút đầu tiên còn chưa tỉnh ngủ bằng hàng loạt những ý tưởng, gây lạc hướng toàn bộ các khái niệm đạo đức của anh ta mà chưa đặt cầu thang cho anh ta leo đến những ý tưởng ấy, - như thế thì thật khó mà giúp anh ta phát triển được! - nhiều khả năng là gây bối rối khiến cho anh ta không hiểu được gì hết, hoặc là gây phản tác dụng, đẩy anh ta sang chủ nghĩa bảo thủ hung bạo.
Tôi không e ngại từ ngữ "dần dần từng bước", vốn đã bị dung tục hóa bởi tính chao đảo và bước đi sai lầm của những nhà cầm quyền cải cách khác nhau. Tính dần dần từng bước, cũng giống như tính liên tục, không tách rời khỏi bất cứ quá trình nhận thức nào. Môn toán học chuyển giao từng bước một, nhờ vậy mà những kết luận cuối cùng của tư duy và xã hội học mới thâm nhập được vào bên trong, giống như chủng đậu mùa, chẳng lẽ phải trút nó vào trí não giống như đổ thuốc vào miệng những con ngựa hay sao?
Giữa những kết luận cuối cùng và tình trạng đương đại có những việc làm xoa dịu trong thực tiễn, những thỏa hiệp, những đường tắt, những lối đi ở trong một lộ trình đi từ tình trạng đương đại tiến tới những kết luận cuối cùng. Hiểu được những con đường nào trong số ấy là ngắn hơn, thuận tiện hơn, khả thi hơn, - ấy là chuyện tinh tế thực hành, là chuyện chiến lược cách mạng. Lao lên phía trước không cân nhắc thì có thể bị kẹt vào, giống như Napoleon bị kẹt vào Moscow, - bị tiêu vong vì nó... thậm chí không tới được cả Berezina.
Liên minh quốc tế của công nhân, mọi liên kết khả dĩ của họ, các cơ quan và các đại diện của họ phải cố hết sức không can thiệp vào công việc, cái công việc quản trị tư hữu mà chính quyền xưa nay vốn không làm, họ phải trở thành nghị viện tự do của trạng thái thứ tư và cố thiết lập nên tổ chức nội bộ của mình, một bộ khung tương lai mà không có bất cứ những cứu cánh luận và vũ trụ luận nào đi trước cả.
Những hình thức kìm giữ người ta trong gông cùm nửa bắt buộc, nửa tự nguyện, rốt cuộc[219] sẽ không chịu nổi sức ép của logic và sự phát triển của hiểu biết xã hội. Một số gông cùm đã mục ruỗng từ bên trong đến nỗi chỉ cần đá chân vào là đủ; những gông cùm khác, giống như khối ung thư, có gốc rễ trong máu bị bệnh. Bẻ gãy cả thứ này lẫn thứ kia có thể sẽ giết chết cơ thể và sẽ khiến cho rất nhiều người sẽ lảng tránh và không ủng hộ. Nổi dậy dữ dội bảo vệ cho "khối ung thư"... sẽ là những người vì ung thư mà chịu đau đớn nhiều hơn... Chuyện này thật ngu xuẩn, nhưng đã đến lúc phải tính đến sự ngu xuẩn như một sức mạnh rất lớn.
Trên khắp châu Âu tất cả đều nổi lên bảo vệ cho trật tự cũ, thậm chí cả toàn bộ nông dân. Nhưng lẽ nào chúng ta không biết rõ nông dân là thế nào hay sao? Sức mạnh ngoan cố của họ và sự hủ lậu bền bỉ của họ? Đoạt lấy đất đai của các kiều dân từ tay cách mạng, chính họ đã chơi khăm nền cộng hòa và cách mạng. Tất nhiên họ lảng tránh và lăn xả vào do thiếu hiểu biết và ngu dốt... nhưng toàn bộ tính nghiêm trọng chính là ở đó.
Toàn bộ sự vững chắc của trật tự hiện nay dựa trên sự thiếu hiểu biết và ngu dốt, những hình thức giáo dục lỗi thời xưa cũ yên vị dựa trên chúng, và trong những hình thức giáo dục ấy người ta đã trưởng thành lên từ tuổi niên thiếu, và giờ đây một thiểu số đang gây áp lực lên chúng - nhưng đa số vẫn còn chưa hiểu được sự vô ích đầy tác hại của chúng. Chúng ta biết rõ sai lầm trong lứa tuổi và trong cấp độ hiểu biết có ý nghĩa thế nào. Phổ thông đầu phiếu áp đặt cho một dân chúng chưa được chuẩn bị thì cũng như trao cho họ lưỡi dao cạo khiến họ bị đứt thịt.
Nhưng nếu như các khái niệm nhà nước, tòa án còn mạnh mẽ và vững chắc, thì các khái niệm về gia đình, về tư hữu, về thừa hưởng di sản còn có gốc rễ vững chắc hơn nữa... Phủ định quyền sở hữu - tự thân nó là điều vô nghĩa. "Quyền sở hữu sẽ không tiêu vong", tôi nhại lại câu nói nổi tiếng của Louis Philippe, việc biến cải nó đại loại như chuyển từ sở hữu tư nhân sang tập thể, thật không rõ ràng và không xác định. Cũng cần phải gây dựng tình yêu đất đai của mình cho nông dân ở phương Tây, cũng giống như thật dễ dàng nâng cao sở hữu công xã ở nước Nga. Chẳng hề có gì phi lí ở đây cả. Quyền sở hữu, nhất là sở hữu ruộng đất, đối với con người phương Tây là sự giải phóng, là tính độc đáo của anh ta, là phẩm giá của anh ta và có ý nghĩa công dân vĩ đại nhất. Rất có thể, anh ta sẽ tin vào sự bất lợi của những thửa đất manh mún và bị chia nhỏ ra, cũng như lợi ích của việc quản lí phối hợp, cày xới tập thể công xã cho những cánh đồng... thế nhưng làm sao thuyết phục được anh ta "không thiên vị" để thoạt tiên khước từ mộng ước ấp ủ từ bao đời nay, mộng ước mà anh ta đã vui buồn với nó và nó đã giúp anh ta đứng dậy - nó gắn bó mảnh đất với anh ta - nhờ nó mà anh ta cho đến nay vẫn được mạnh mẽ?
Vấn đề đi tiếp theo sau, - vấn đề thừa kế - lại còn khó khăn hơn nữa. Ngoài những kẻ cuồng tín độc thân, đại loại như các thầy tu, những kẻ theo giáo phái li khai, theo cộng đoàn Cabet v.v., thì chẳng có đám quần chúng nào lại chịu đồng ý tự nguyện chối bỏ quyền di chúc lại một phần nào đó tài sản của mình cho những người thừa kế. Tôi không biết được có lí lẽ nào để có thể dựa vào đó mà phản đối chống lại hình thức ấy của tình yêu mang tính lựa chọn hay theo huyết thống, chống lại việc chuyển giao những đồ vật từng phục vụ cho mình như công cụ, cùng với cuộc đời và những nét riêng của mình, thậm chí cả bệnh tật của mình [cho những người thừa kế]. Chẳng lẽ nhân danh tình huynh đệ và yêu thương bắt buộc đối với tất cả mọi người. Ở vị thế tồi tệ nhất của những người làm kẻ nô lệ, thì cũng có áo quần rách để lại cho người thân mà các địa chủ hầu như không khi nào cướp đoạt của họ. Hãy lấy đi của người nông dân nghèo quyền di chúc - anh ta sẽ nắm lấy cây gậy và đi bảo vệ "người thân của mình, gia đình mình và ý chí của mình", tức là nhất định sẽ đứng về phía cha cố, lí trưởng và quan lại, tức là ba kẻ kìm kẹp hung ác nhất vẫn hằng bóc lột họ và ngăn không cho họ có gì để lại cho người thân... nhưng không xúc phạm đến tình cảm của họ đối với gia đình theo cách họ hiểu.
Lúc ấy thì sao nào? ... Hoặc là cuốn lại lá cờ của mình và rút lui, bởi vì. hiển nhiên sức mạnh là ở phía bọn chúng, hoặc là lao vào trận đánh và nếu đạt được thắng lợi cục bộ, tạm thời thì bắt đầu đưa trật tự mới vào - một cuộc giải phóng mới... bằng đánh đập!
Arakcheev vào lúc cay đắng đã đưa ra những không tưởng kinh tế-trại lính của mình, vì có trong tay quân đội và cảnh sát để đánh đập, có Nga hoàng, có Nghị viện và Nghị viếc, vậy mà cũng chẳng làm được chuyện gì. Còn nếu giải thể Nhà nước thì lấy ai để "hành hình", lấy đâu ra đao phủ, và nhất là bọn chỉ điểm - sẽ phải cần đến bọn này rất nhiều? Liệu có nên bắt đầu cuộc đời mới bằng cách giữ lại đoàn quân cảnh sát xã hội?
Không lẽ nền văn minh roi vọt, cuộc giải phóng bằng máy chém là tất yếu vĩnh cửu của mọi bước tiến lên phía trước hay sao?
Tôi sẽ không đi xa hơn nữa. Nhưng tôi sẽ nói điều này để kết luận. Trong khi đứng bên những thây người chết, những tòa nhà đổ nát vì đạn pháo, trong cơn mê sốt xúc động lắng nghe người ta bắn các tù binh thế nào, tôi hết sức thật lòng đã cầu khẩn những thế lực hoang dã đến trả thù và phá hủy toàn bộ cái cũ đầy tội lỗi, - cầu khẩn mà thậm chí chẳng nghĩ nhiều đến chuyện cái cũ sẽ thay bằng cái gì.
Từ đó đến nay đã hai mươi năm trôi qua.
Sự trả thù đã đến từ phía khác, sự trả thù đến từ bên trên...
Dân chúng đã chịu đựng hết thảy, bởi vì họ đã chẳng hiểu gì hết, cả hồi ấy lẫn sau đó; tất cả khoảng ở giữa đều bị tan nát và nhấn chìm vào dơ bẩn... Thời gian nặng nề kéo dài đã cho những thư nhàn để các khát vọng được lặng yên trở lại, để cho các tư tưởng lắng đọng, để suy tưởng và quan sát.
Cả anh lẫn tôi, chúng ta đều không thay đổi chính kiến của mình, nhưng trở nên khác nhau trong cách tiếp cận với vấn đề. Anh vẫn lao lên phía trước như cũ với khát vọng phá hủy mà anh xem như khát vọng sáng tạo... cố bẻ gãy các trở ngại và chỉ tôn trọng lịch sử trong tương lai. Tôi không tin vào những con đường cách mạng trước đây và đang cố gắng hiểu thấu bước đi nhân bản thời xưa và thời nay để biết được làm cách nào đi cùng nhịp bước với nó, không tụt lại sau cũng không chạy lên trước quá xa đến nỗi người ta sẽ không đi theo tôi - người ta không thể nào đi được.
Nói thêm một lời. Nói ra chuyện này trong giới mà chúng ta đang sống, đòi hỏi nếu không nhiều hơn, thì tất nhiên cũng không ít hơn, lòng dũng cảm và tính độc lập, như là lựa chọn trong mọi vấn đề sẽ đứng ở phía cực đoan nhất. Tôi cho rằng anh đồng ý với tôi về điểm này.
Nice, 25 tháng 01 năm 1869