Tứ hoàng tử - Chương 45 - Phần 2
Cơ hội? Kẻ gian xảo như Tiểu Tam tốt bụng đột ngột, không thể không nghi ngờ anh ta có ý đồ. Tứ Thụy vẫn nhíu mày, miệng hỏi lại:
"Như thế nào?".
Tam vương gia tay trái nhấc nắp hộp gỗ bạch đàn, vốc một nắm quân rải lên bàn cờ phát ra âm thanh lạch cạch, ngước mi nhìn thẳng vào mắt Tứ Thụy:
"Dùng một ván cờ để giải quyết".
Cho rằng đối phương đang đùa bỡn mình, Tứ Thụy không vui chất vấn:
"Vừa mới nãy chính huynh đã bảo chúng ta và những thiếu gia công tử bình thường không giống nhau, chẳng thể dùng những thứ như một trận mã cầu để giải quyết mâu thuẫn. Hiện tại lại nói lấy thắng thua trên bàn cờ quyết định tất cả", hắn mỉa mai cười nhạo, "cờ vây và mã cầu thì có gì khác nhau".
"Tất nhiên không giống", tam vương gia vẻ mặt rất nghiêm túc bổ sung, "bởi vì ta chưa bao giờ thua cờ".
Thì ra không phải là đang nói đùa.
Cưỡi ngựa đánh cầu, không cần nghĩ cũng biết Tứ Thụy là kẻ thắng. Ngược lại, đánh cờ, hắn lại không giỏi. Đó là sở trường của Tiểu Tam. Nếu muốn thuyết phục anh ta, thì đây là cơ hội duy nhất. Chứng minh rằng cố gắng và niềm tin của hắn không phải là công toi. Nếu ngay cả một việc gần như chắc chắn kết quả là Tiểu Tam sẽ thắng trên bàn cờ cũng có thể thay đổi, thì anh ta sẽ tin vào mấy chữ "dĩ hòa vi quý" mà vốn dĩ anh ta cảm thấy rất nực cười. Nói cách khác, chỉ cần thắng ván cờ này, Tứ Thụy không cần phải tốn công lo nghĩ gì nữa. Ai đúng ai sai, cứ dựa vào việc thắng thua mà phân định.
Nhưng mà, hắn quả thật không giỏi chơi cờ. Nếu có thể Tứ Thụy rất muốn đổi sang thi đấu tửu. Hắn uống rượu, còn Tiểu Tam uống trà hay nước lã thì tùy. Ai uống nhiều hơn kẻ đó thắng. Như vậy rất công bằng, cũng rất đơn giản. Đáng tiếc, tam hoàng huynh của hắn không phải hoàng thượng thái hậu, cũng không phải sư phụ hắn. Chiêu trò dùng để đối phó với ba người kia không thể áp dụng lên Tiểu Tam. Thử tưởng tượng bản thân mè nheo với anh ta thôi cũng đủ khiến hắn nổi gai ốc khắp cả mình mẩy.
Một lần nữa Tứ Thụy liếc nhìn ấm trà và băn khoăn nghĩ đến việc thả mấy viên ba đậu vào đó. Như vậy đảm bảo phần thắng sẽ rất cao. Mặc dù có hơi không được quang minh chính đại, được rồi, là rất không quang minh chính đại. Nhưng những việc quan trọng nhường này, ảnh hưởng đến cả đại cục và tính mạng nhiều người như thế thì quang minh chính đại chỉ là yếu tố phụ. Người làm đại sự thường không nên câu nệ tiểu tiết.
Tứ Thụy khoanh tay suy nghĩ vô cùng nghiêm túc về việc có nên hạ dược vào trà để Tiểu Tam bị tiêu chảy mất tập trung lúc đánh cờ hay không...
Tam vương gia đã phân cờ xong, ngẩng lên thấy Tứ Thụy vẫn đang nhìn chăm chú vào ấm trà thì chân thành nói:
"Xem ra đệ thật sự rất thích trà của ta. Thấy đệ thích đến mức này, ta rất vui, nên tiền trà có thể giảm cho đệ hai phần".
Tứ Thụy cười khan:
"Không ngờ tam ca lại có khiếu kinh thương như vậy, đúng là khiến đệ bất ngờ".
Tam vương gia đưa tay vuốt vuốt cằm: "Đó là bởi vì đệ luôn nghĩ xấu cho ta. Thật ra con người ta rất tốt", ngừng một chút cho rằng nên bổ sung thêm, "không những tính tình rất tốt, còn rất giỏi giang", ngừng thêm chút nữa, đưa mắt nhìn ra xa nghiêm túc suy nghĩ gì đó, một lát mới quay đầu lại, gật mạnh đầu vẻ chắc như đinh đóng cột, thốt thêm bốn chữ, "vô cùng giỏi giang".
Tứ Thụy cười khan cái nữa.
Cuối cùng hắn vẫn đưa tay kẹp lấy quân cờ, mặc dù trong bụng cảm thấy phần thắng không lớn. Nếu Tiểu Tam bị tiêu chảy thì may ra...
Vị nhân huynh áo trắng ngồi trước mặt hắn vẫn phong thái nho nhã, ung dung điềm tĩnh, tay nhấc quân cờ trắng nhẹ nhàng hạ cờ. Khác hẳn vẻ phóng khoáng vừa biếng nhác vừa tràn trề nhựa sống khiến người ta vô tình bị thu hút của Tứ Thụy, tam vương gia từ nhỏ đến lớn đều mang một dáng vẻ nghiêm túc, gương mặt như tạc, biểu cảm lúc nào cũng nhẹ nhàng bình ổn. Y chưa từng cười nói lớn tiếng, lúc nhỏ chưa một lần chạy nhảy vui đùa, đối với người khác đều rất dịu dàng khoan hậu. Nhưng trong dịu dàng là xa cách, đằng sau khoan hậu là thờ ơ. Dường như không có điều gì khiến y tức giận, cũng không có người nào khiến y đặt nặng tâm tư để mà chú ý. Tâm tình y chẳng ai nắm bắt hay thử dò đoán ra. Y luôn như vậy, hệt một nhà tu hành đã tu thành chánh quả, không có hỷ nộ ái ố để mà lộ ra. Tính cách đó bộc lộ rõ qua từng cử chỉ, từng ánh mắt. Hệt như lúc này, lúc nghĩ nước cờ hay lúc nhìn đối phương đi cờ, vẻ mặt y đều không biến hóa.
Tâm tình Tứ Thụy lại không bình ổn như thế. Trước kia, khi còn sống ở thời đại cũ, vì tính chất công việc mà cũng vì bản thân hắn có khiếu kinh doanh; nên việc nhìn xa trông rộng là khả năng nhất định phải có và luôn phải trau dồi. Hắn có thể đi nước cờ khiến hai vị thái sư phụ và Chu lão tiền bối hài lòng cho thấy trong việc chơi cờ hắn cũng có vài phần năng khiếu. Nhưng kỳ nghệ của hắn quả thật không đủ tinh. Mỗi một nước cờ đối phương hạ xuống, hắn cẩn thận thì đều có thể nhìn ra. Đọc vị trước được mười nước, hai mươi nước, thậm chí một trăm nước đi với hắn chẳng phải việc khó khăn gì. Cho dù không thường xuyên chơi cờ, nhưng nếu đối thủ là người khác, hắn tự tin chỉ cần dựa vào việc lấy tĩnh chế động, mô phỏng lối chơi của đối thủ cũng đủ để nắm chắc bảy phần thắng. Bởi vì hắn có thể quan sát, có thể đọc được thế cờ, còn có khả năng ứng biến nhanh nhạy. Nhưng những điều này hiện tại chỉ giúp hắn gắng gượng chống chọi. Đơn giản vì đối thủ của hắn lúc này không phải bất kì ai khác mà chính là kẻ hắn chưa từng đọc vị được thử một lần. Mỗi quân cờ trắng dù đặt ở vị trí quan trọng, hay nằm ở điểm nhìn qua có vẻ rất bất lợi thì đều ẩn giấu vai trò không dễ nhìn ra ngay tính toán trong đó. Tam vương gia không bao giờ đi nước cờ nào vô nghĩa, mỗi bước đi, mỗi quân cờ hạ xuống đều ảnh hưởng đến toàn thế cục trên bàn cờ. Mà ảnh hưởng thế nào, ảnh hưởng đến đâu, không chỉ cần nhìn trước trăm nước đi kế tiếp, còn phải nhìn ra được mối liên quan từng nước đi một trong một trăm nước đi đó giữa quân cờ vừa hạ và toàn bộ những quân nằm trên bàn cờ lần lượt biến hóa. Mà một điều vô cùng bất lợi là Tứ Thụy có thể nhìn trước, cố gắng còn có thể nhìn bao quát thế cờ, song khi đi quá một trăm nước thì không thể nhớ như in một trăm nước đã đi trong đó ẩn chứa những biến số gì. Khả năng tập trung của con người là có hạn. Hắn vừa phải đọc trước nước cờ, vừa quan sát thế cờ hiện tại, tất nhiên không thể lại phân tâm lục lọi ký ức để tránh hậu họa.
Nhưng tam vương gia lại có thể. Y có khả năng ghi nhớ mọi thứ từng nhìn qua, chỉ cần y muốn là được. Huống chi là nhớ những nước cờ chính y hạ quân.
Thế nên, trong lúc Tứ Thụy tập trung cao độ, trán đổ mồ hôi thì tam vương gia hoàn toàn là dáng vẻ điềm nhiên như không. Trà đã được pha thêm hai ấm, trên bếp lò lúc này đang đặt một nồi đậu tương luộc đợi chín. Đáng nói là một tay nhón cờ, một tay quạt lửa mà phong thái vẫn ngút trời. Trên đời lại còn có người luộc đậu tương mà hình tượng vẫn uy nghiêm, khí độ bất phàm bậc này quả là hiếm thấy.
Mặt trời đã khuất dạng sau rặng núi đá, tam vương gia không châm đèn. Hai người họ từ chơi cờ dưới ánh nắng ban ngày, đến lúc hoàng hôn buông xuống vẫn tiếp tục dựa vào ánh lửa than, rồi đến tận khi trăng trên cao xuất hiện.
Những đốm sáng lập lòe nhấp nháy càng lúc càng dày, hàng nghìn hàng vạn con đom đóm bị thu hút bởi loài cỏ mọc trên những vách đá. Có lẽ vì số lượng quá nhiều, những con không còn cây để bám đập cánh dàn hàng trên mặt hồ. Cả điện Thanh La chìm trong ánh sáng xanh kỳ ảo. Trong nguồn ánh sáng đó, hai bóng người một trắng một đỏ vẫn đang nhập tâm vào bàn cờ, không hề chú ý xung quanh. Thứ đặt giữa họ là một ván cờ cược cả giang sơn, nhưng dường như chẳng ai trong hai người quan tâm đến vật cược. Đám cỏ trên vách đá rung rinh theo gió, đàn đom đóm con ngủ con bay, vài con giống như bị thu hút bởi ván cờ đập cánh bay đến, đậu lên mép tay vịn nhìn xuống những quân cờ đen, trắng, lại ngắm nghía dung nhan như tạc của hai nam nhân đang đấu cờ kia.
Ván cờ dù kéo dài rất lâu, nhưng cuối cùng vẫn phải kết thúc.
Kết quả không có gì bất ngờ, hắn đã thua, thua một cách triệt để.
Tứ Thụy trầm ngâm nhìn bàn cờ.
"Ta đã cho đệ cơ hội, là chính đệ không tận dụng tốt. Ngay từ đầu rõ ràng đệ đã biết rõ phần thắng của mình không lớn, sao lúc này còn mang dáng vẻ ủ rũ như vậy?", tam vương gia mân mê một quân cờ đen, chậm rãi nói tiếp: "Đã hiểu ra chưa? Không thể có hai người cùng thắng, cũng không có khả năng cả hai kẻ đều thua. Cờ có người thắng sẽ có kẻ thua. Giữa chúng ta cũng thế. Là ai trong ba người chúng ta còn sống thì cuối cùng vẫn sẽ có người sống kẻ chết. Không thể chỉ vì đệ mong muốn tất cả mọi người chung sống hòa bình thì sẽ chung sống hòa bình. Muốn có được thứ gì, nhất định phải hy sinh một thứ khác để đổi lại. Đệ có thể bảo vệ một người, hai người nhưng không có khả năng bảo vệ được tất cả. Nếu như vẫn còn có ý nghĩ hoang đường nhường nhịn, vậy hãy nghe cho rõ, đệ nương tay thì người chết đầu tiên không phải đệ mà sẽ là những người ở cạnh đệ".
Hắn đứng lên, dường như vì ngồi một chỗ quá lâu, khi đứng lên có hơi loạng choạng. Lúc sắp rời khỏi, vẫn quay lưng lại, hắn hỏi:
"Vì sao? Vì sao nhất định phải bức ép ta?".
"Ta không bức ép đệ. Không có ai bức ép đệ. Nhưng nếu đệ vẫn nghĩ như thế, vậy cứ cho là thế đi".
Ánh sáng đom đóm vẫn lập lòe khắp hồ, rọi lên nửa gương mặt trông nghiêng của hắn, nhưng đôi mắt lại như mất dần ánh sáng. Ai cũng cảm thấy Tứ Thụy có đôi mắt sáng hơn cả vì tinh tú, chút ánh sáng nho nhỏ như đom đóm đêm sao có thể che lấp được? Thế nhưng đôi mắt lấp lánh hơn cả vì tinh tú kia lúc này lại như bị rút kiệt ánh sáng. Hắn muốn quay lưng lại đối mặt mà nói, hắn chưa từng muốn hại huynh đệ nào của mình dù chỉ là trong ý nghĩ, bởi vì trong mắt trong tim hắn bọn họ là người thân không dễ dàng có được; ngược lại trong mắt đối phương một lòng thành tâm đối đãi của hắn lại là thứ nực cười ấu trĩ chẳng đáng để tâm ư? Nhưng hắn đã không quay người lại, hắn cảm thấy cho dù có quay lại, cũng không có được kết quả hắn muốn.
Tứ Thụy bước xuống sân, đi qua gốc Bồ Đề đã không còn khiến người ta muốn buông cần thả câu, thẳng qua cầu rời khỏi Thanh La điện.
Bóng áo đỏ mất hút trong màn đêm.
Bếp than còn chưa tắt không biết vô tình bị ai va đổ hay cố ý ném đi, rơi tõm xuống mặt hồ. Đàn đom đóm giật mình vỗ cánh bay đi hết cả, bóng đêm phủ xuống mênh mang. Bên bàn gỗ, những quân cờ bị xáo trộn nằm lăn lóc, nam nhân áo trắng vẫn im lìm ngồi đó. Một bóng người ẩn sau những kệ sách trong thư phòng lặng lẽ xuất hiện, quỳ bên cạnh y.
"Tại sao không bẩm báo với ta chuyện hắn bị thương?", giọng nói vẫn đều đều nhưng người đang quỳ kia lại hoảng hốt cúi đầu thật thấp.
"Nô tỳ chưa kịp bẩm với gia, gia đã phát hiện trước".
"Bao nhiêu?".
Dường như người nghe còn chưa hiểu ra ý trong câu hỏi nên hơi ngẩng lên mà chưa đáp lời.
"Bao nhiêu kẻ?", giọng y lạnh lùng thêm mấy phần.
"Mười ba. Nhưng chỉ còn một kẻ sống sót, mười hai thích khách còn lại đều đã chết dưới kiếm của ngài ấy".
"Trong phủ nhà họ Tống già trẻ lớn bé vừa hay đúng mười ba mạng".
"... Vâng", người nọ nặng nề đáp, lại hỏi: "Vậy còn tên thích khách còn sống? Gia định...", chưa dứt câu đã im bặt, thân thể run lên, vội vàng nói: "Nô tỳ hiểu rồi".
"Đi đi".
Nàng thưa vâng rồi đạp lên mặt nước lao đi, đến khi đứng trên đỉnh vách đá, lại quay người nhìn xuống bóng áo trắng đang nhặt đám quân cờ vương vãi dưới chân. Nàng khe khẽ thở dài, đến giờ nàng vẫn không biết nguyên nhân tại sao gia lại hận người đó, càng không hiểu tại sao đã hận lại chưa ra tay lấy mạng, cũng không cho phép kẻ khác lấy mạng người đó. Nàng thôi nghĩ ngợi, nhảy xuống khỏi vách đá, hướng về phía đường Thanh Phong mà phóng đi.