Tử Thần Sống Mãi - Chương 01
PHẦN THỨ NHẤT
* * *
Những chuyện xưa nằm ngoài dòng thời gian (trích)
LỜI TỰA
Những câu chữ này vốn dĩ nên gọi là lịch sử, song những điều mà người viết dựa vào chỉ có ký ức của chỉnh bản thân mình mà thôi, nên viết ra thiếu đi tính nghiêm cẩn của lịch sử.
Kỳ thực, gọi là chuyện xưa cũng không chính xác, vì tất thảy không phải xảy ra trong quá khứ, không phải xảy ra trong hiện tại, mà cũng không phải xảy ra trong tương lai.
Người viết không muốn đi vào chi tiết, chỉ muốn đưa ra một cái khung cho lịch sử hoặc chuyện xưa mà thôi. Vì những chi tiết được bảo tồn chắc chắn đã phong phú vô cùng rồi, hầu hết những thông tin này đều được lưu trữ trong các chai thông điệp, mong rằng có thể đến được vũ trụ mới và được giữ gìn lâu dài.
Bởi vậy, người viết chỉ vạch ra phần khung chính, để một ngày nào đó có thể đem tất cả thông tin và các chi tiết trám vào đó - tất nhiên, đấy không phải việc của chúng ta. Mong rằng ngày đó sẽ đến.
Điều khiến người viết lấy làm tiếc nuối là, ngày đó không ở trong quá khứ, không ở trong hiện tại, mà cũng không ở trong tương lai.
Tôi dời Mặt trời về phía Tây, khi ánh nắng thay đổi góc chiếu, những giọt nước trên lá mạ non ngoài cánh đồng bỗng chốc sáng lên lấp lánh, tựa hồ vô số con mắt đột nhiên mở bừng ra. Tôi cho ánh nắng tối đi một chút, mang hoàng hôn đến sớm hơn, sau đó dõi mắt nhìn bóng lưng chính mình trên đường chân trời. Tôi huơ tay, cái bóng trước vầng tịch dương kia cũng huơ tay. Ngắm nhìn bóng hình ấy, tôi có cảm giác mình vẫn còn rất trẻ.
Đây là một thời điểm tốt, rất thích hợp để hồi tưởng.
* * *
Tháng Năm năm 1453: Cái chết của mụ phù thủy
Hoàng đế Constantines XI tạm ngưng dòng suy tư, đẩy đống bản đồ hệ thống phòng ngự thành phố trước mặt ra xa, quấn chặt áo choàng tím, lặng lẽ chờ đợi.
Ước tính thời gian của ông ta rất chuẩn xác, chấn động quả nhiên ùa đến đúng giờ, tưởng chừng như đến từ một nơi sâu thẳm trong lòng đất, nặng nề mà dữ dội. Đế chân nến bằng bạc rung lên phát ra tiếng ong ong, một ít bụi trên trần nhà rơi xuống, những hạt bụi này có lẽ đã lặng lẽ ở trên nóc Đại Cung cả nghìn năm. Chúng rơi xuống ngọn lửa nến, làm tóe lên một đám hoa lửa. Chấn động này là do một quả đạn pháo bằng đá hoa cương nặng một nghìn hai trăm pound bắn trúng tường thành gây ra, mỗi lần cách nhau ba tiếng đồng hồ, đây là thời gian mà đại pháo Orbán của Đế quốc Ottoman cần để nạp đạn. Đạn pháo khổng lồ bắn vào tường thành kiên cố nhất thế giới do Hoàng đế Theodosius II xây dựng hồi thế kỷ thứ 5 Công nguyên, sau đó lại không ngừng được mở rộng và gia cố, nó chính là chỗ dựa chủ yếu của triều đình Byzantium trước những kẻ thù hùng mạnh. Nhưng lúc này, mỗi viên đạn pháo khổng lồ đều bắn thủng một lỗ lớn trên tường thành, giống như một miếng cắn của gã khổng lồ vô hình. Hoàng đế có thể hình dung ra cảnh tượng ấy: đá vụn trên không trung vẫn còn lơ lửng, binh lính và thường dân trong thành tràn về lỗ hổng như một đàn kiến anh dũng giữa bụi cát mù trời. Họ dùng đủ thứ lấp kín lỗ hổng, có gạch ngói, gỗ khối dỡ ra từ các tòa nhà trong thành, có những bao tải nhét đầy đất cát, còn có cả những tấm thảm Ả Rập đắt tiền... Ông ta thậm chí có thể hình dung ra cảnh tượng đám mây bụi mù mịt ngấm đẫm ánh vàng trong cảnh tà dương chầm chậm bay vào, trông như tấm vải liệm màu vàng nhẹ nhàng phủ lên thành Constantinopolis.
Trong năm tuần thành phố bị vây đánh, mỗi ngày tường thành chịu chấn động này bảy lượt, giãn cách rất đều đặn, như tiếng báo giờ của một cái đồng hồ khổng lồ sừng sững giữa đất trời... Đó là thời gian của một thế giới khác, là thời gian của những kẻ dị giáo; so với nó, tiếng chuông từ chiếc đồng hồ bằng đồng hình chim ưng hai đầu đánh dấu thời gian của thế giới Cơ Đốc nơi góc tường kia nghe thật yếu ớt, bất lực.
Chấn động đã lắng xuống được một lúc, Hoàng đế Constantinos XI mới khó nhọc bắt suy nghĩ của mình trở về với hiện thực, ra hiệu cho gã thị vệ trước cửa cho người đang đợi bên ngoài vào.
Viên đại thần Phrantzes dẫn một cô gái gầy gò lặng lẽ đi vào.
“Thưa bệ hạ, đây chính là Helena.” Viên đại thần chỉ vào cô gái phía sau mình, sau đó ra hiệu cho cô gái đang nấp sau lưng bước lên phía trước mặt.
Hoàng đế vừa liếc nhìn qua đã nhận ra thân phận của cô gái. Phong cách ăn mặc của tầng lớp quý tộc thượng lưu và bình dân Byzantium có sự khác biệt rất lớn, thông thường trang phục của phụ nữ quý tộc được gắn đầy các món trang sức hoa lệ, còn phụ nữ bình dân thì chỉ mặc áo dài rộng thùng thình màu trắng, cùng với áo khoác có tay trùm kín cả người, nhưng trang phục của Helena lại là sự kết hợp giữa xa hoa của giới thượng lưu lẫn bảo thủ của bình dân: bên trong cô ta mặc áo trắng liền tay, bên ngoài lại khoác một chiếc áo choàng có mũ đắt tiền, loại áo choàng này lẽ ra phải được khoác bên ngoài chiếc tunica thêu kim tuyến mới đúng. Đồng thời, cô ta không dám dùng màu tím và màu đỏ tượng trưng cho tầng lớp quý tộc, chiếc áo choàng có màu vàng. Gương mặt cô gái toát lên một vẻ đẹp đẽ dâm đãng, khiến người ta nghĩ đến một đóa hoa thà rằng xinh đẹp rồi thôi nát còn hơn ủ rũ héo khô - một ả kỹ nữ, lại còn là loại cao cấp. Hai mắt cô gái cụp xuống, toàn thân run rẩy, nhưng Hoàng đế Constantinos XI để ý thấy đôi mắt cô ta đang sáng lên như thể phát sốt, lộ ra vẻ hưng phấn và kỳ vọng hiếm khi thấy được ở lớp người đó.
“Ngươi có phép thuật?” Hoàng đế hỏi Helena, ông ta chỉ muốn nhanh chóng kết thúc chuyện này. Phrantzes làm việc luôn chắc chắn và ổn thỏa, trong hơn tám nghìn quân sĩ giữ thành hiện nay, ngoài đội quân thường trực không lấy gì làm đông đảo và hai nghìn lính đánh thuê Genoa, phần lớn đều do vị đại thần giỏi giang này trưng tập khẩn cấp từng tốp từng tốp một từ hơn trăm nghìn dân cư trong thành. Hoàng đế không có nhiều hứng thú với cô gái này, chỉ nề mặt vị đại thần mà thôi.
“Đúng vậy, thưa bệ hạ, tôi có thể giết chết Sultan.” Helena khom gối run rẩy trả lời, giọng nghe mỏng mảnh như một sợi tơ.
Năm ngày trước, Helena đến trước cổng cung điện xin gặp Hoàng đế, bị đám vệ binh ngăn cản, cô ta đột nhiên lấy từ trong ngực ra một vật giơ lên, đám vệ binh sững sờ, bọn chúng không biết đó là thứ gì, từ đâu mà có, nhưng đều biết chắc đó không phải vật tầm thường. Helena không gặp được Hoàng đế, cô bị bắt lại giao cho viên quan phụ trách trị an, và bị tra khảo xem cô ta trộm vật đó ở đâu. Helena đã khai nhận, họ cũng đã chứng thực, sau đó cô ta được đưa đến chỗ đại thần Phrantzes.
Phrantzes mở túi vải đay cầm trên tay ra, cẩn thận đặt vật bọc bên trong lên bàn đọc sách của Hoàng đế, ánh mắt Hoàng đế Constantinos XI chợt sững sờ giống hệt đám vệ binh khi trông thấy vật đó năm ngày trước - khác với bọn chúng, ông ta biết đây là thứ gì. Đây là một chiếc Chén Thánh bằng vàng ròng, bên trên khảm nạm đầy đá quý, sắc vàng óng ánh khiến tâm hồn người ta phải run rẩy. Chén Thánh này được đúc ra vào thời Justinian Đại Đế hồi chín trăm mười sáu năm trước, tổng cộng có một đôi, ngoài hình dạng và bố trí các viên đá quý trên đó thì hoàn toàn giống nhau. Một trong hai chiếc Chén Thánh được các đời hoàng đế gìn giữ đến ngày nay, chiếc còn lại được cất vào một gian mật thất nhỏ bị niêm phong tuyệt đối ở sâu dưới nền móng đại giáo đường Hagia Sophia cùng với các thánh vật khác, khi giáo đường này được xây xong vào năm 537 Công nguyên. Chiếc Chén Thánh đang ở trước mắt ông ta hiển nhiên là chiếc thứ hai, vì chiếc còn lại đã hằn lên dấu vết của thời gian, ảm đạm lu mờ - đương nhiên, phải so sánh với chiếc đó thì mới nhận ra được chiếc Chén Thánh này trông mới tinh khôi như thể vừa được đúc ngày hôm qua vậy.
Vốn dĩ không ai tin lời Helena, mọi người đều cho rằng đây là đồ cô ta trộm được của một khách làng chơi giàu có, vì tuy có rất nhiều người biết chuyện bên dưới đại giáo đường có phòng bí mật, nhưng biết được vị trí chính xác của căn phòng ấy lại rất ít; vả lại, giữa những khối đá khổng lồ bên dưới nền móng giáo đường không có cánh cửa nào, thậm chí cả đường hầm dẫn đến căn phòng bí mật ấy cũng không có, không hao tốn nhân lực và thời gian thì hoàn toàn không thể nào vào đó được. Bốn ngày trước, xét đến cục thế nguy nan của thành phố, Hoàng đế ra lệnh đem hết mọi văn kiện và thánh vật quý hiếm đóng gói lại để khi khẩn cấp có thể nhanh chóng chuyển đi, mặc dầu trong lòng ông ta biết rõ đường bộ, đường biển đều đã bị cắt đứt, tường thành mà bị phá thì không còn nơi nào có thể đi được nữa. Ba mươi người phu mất trọn ba ngày mới vào được mật thất, họ thấy các khối đá quây lại thành căn phòng này cơ hồ lớn ngang với đá xây kim tự tháp Kheops. Các thánh vật đều được đặt trong một quan tài đá nặng nề bên trong mật thất, chằng ngang dọc mười hai đai sắt to tướng, phải mất hồi lâu mới mở ra được. Khi tất cả các đai sắt đều đã bị cưa đứt, năm người phu bị đám lính vũ trang xung quanh giám sát chặt chẽ, dốc hết sức lực đẩy nắp quan tài nặng nề ra, thứ đầu tiên thu hút ánh mắt của mọi người không phải các thánh vật và châu báu đã bị niêm phong nghìn năm kia, mà là một chùm nho vẫn còn tươi đặt trên cùng! Helena nói, chùm nho là do cô ta để vào năm ngày trước, hơn nữa đúng như cô ta nói, chùm nho đang ăn dở, chỉ còn lại bảy quả. Sau khi vệ binh kiểm tra hết thánh vật, đối chiếu với danh sách khắc trên một tấm bảng đồng gắn dưới nắp quan tài, họ xác định quả có thiếu một chiếc Chén Thánh. Nếu không phải đã tìm được Chén Thánh ở chỗ Helena đồng thời có lời khai của cô ta, dù tất cả những người có mặt tại hiện trường đều chứng nhận trước đó mật thất và quan tài đá hoàn toàn lành lặn, e rằng cũng có người khó mà thoát chết.
“Sao ngươi lấy nó ra được?” Hoàng đế chỉ vào chén Thánh hỏi.
Helena càng run rẩy hơn, hiển nhiên dù cho có phép thuật thật đi chăng nữa, ở nơi này cô ta cũng không có cảm giác an toàn. Cô ta hoảng sợ ngước nhìn Constantinos XI, hồi lâu sau mới trả lời: “Những nơi này, với tôi... Với tôi... đều là...” Cô ta vất vả chọn lựa từ ngữ, “đều mở ra cả.”
“Vậy ngươi có thể làm cho ta xem ngay tại đây không, không mở niêm phong mà lấy ra được đồ ở bên trong vật chứa?”
Helena hoảng hốt lắc đầu, không nói nên lời, chỉ biết nhìn sang đại thần Phrantzes cầu cứu.
Phrantzes trả lời thay: “Cô ta nói, phải đến một nơi nhất định mới thực hiện phép thuật được, cô ta không thể nói ra nơi đó, người khác cũng không được theo dõi cô ta, bằng không phép thuật sẽ mất hiệu lực, vĩnh viễn mất hiệu lực.”
Helena quay sang phía Hoàng đế gật đầu.
Hoàng đế hừ một tiếng, “Người như ả ta mà ở châu Âu thì đã bị thiêu chết từ lâu rồi.”
Helena ngồi phịch xuống đất, thân hình vốn đã gầy guộc co rút lại trông như một đứa trẻ.
“Ngươi giết người được không?” Constantinos XI quay sang hỏi Helena.
Helena chỉ biết ngồi đó, không ngừng run lẩy bẩy, viên đại thần phải thúc giục, cô ta mới khẽ gật đầu.
“Vậy thì tốt,” Constantinos XI nói với Phrantzes, “thử đi xem nào.”
Phrantzes dẫn Helena đi theo một cầu thang dài xuống phía dưới, cứ cách một đoạn lại có đuốc cắm trên tường, chiếu ra những quầng sáng nhỏ trong bóng tối, bên dưới mỗi cây đều có một đến hai tên lính vũ trang tận răng, áo giáp phản chiếu ánh lửa, hắt những vệt sáng nhảy nhót lên bức tường ở góc tối.
Cuối cùng, hai người đến một căn hầm tối tăm, cái lạnh khiến Helena phải quấn chặt áo choàng. Đây từng là nơi trữ nước đá vào mùa hè của cung điện, lúc này, trong hầm không có đá, dưới cây đuốc cắm ở góc là một người chồm hỗm. Hắn ta là tù binh, nhìn trang phục rách rưới trên người có thể nhận ra là sĩ quan trong đội quân Anatolia chủ lực của Đế quốc Ottoman. Hắn ta rất cường tráng, quắc mắt nhìn hai người mới đến như một con sói dưới ánh lửa. Phrantzes và Helena dừng lại trước chấn song sắt khóa chặt.
Viên đại thần chỉ vào tên tù binh bên trong, “Thấy chưa?”
Helena gật đầu.
Phrantzes đưa cho cô ta một cái túi da dê, chỉ lên trên: “Giờ ngươi đi đi, trước khi trời sáng mang đầu hắn đến cho ta.”
Helena lấy trong túi da dê ra một con dao quắm Thổ Nhĩ Kỳ, trông như một vầng trăng khuyết phát ra ánh sáng lạnh lẽo trong bóng đêm. Cô ta trả cây dao lại cho Phrantzes, “Đại nhân, tôi không cần thứ này.” Sau đó, cô ta kéo cổ áo choàng che đi nửa gương mặt, quay người đi lên bậc thang, bước chân lặng lẽ không phát ra âm thanh nào. Trong những vùng sáng tối luân phiên giữa hai hàng đuốc, ngoại hình cô ta như thể liên tục biến đổi, lúc thì giống người, lúc lại giống mèo, mãi đến khi biến mất hẳn vào bóng tối.
Phrantzes nhìn theo, đến khi cô ta hoàn toàn biến mất mới nói với một viên quan cấm vệ bên cạnh: “Nơi này phải canh phòng nghiêm ngặt. Hắn,” ông ta chỉ vào tên tù binh bên trong, “không được buông lỏng giám sát dù chỉ một giây!”
Sau khi viên quan đi khỏi, Phrantzes vẫy tay, một người từ trong bóng tối bước ra, khoác áo choàng tu sĩ màu thẫm, ban nãy gần như hòa làm một với bóng đêm.
“Giữ khoảng cách xa một chút, mất dấu cũng không sao hết, nhưng tuyệt đối không để cô ta phát giác.” Phrantzes hạ giọng dặn dò, kẻ theo dõi khẽ gật đầu, cũng âm thầm rời đi không một tiếng động.
Giống như mọi đêm từ khi cuộc chiến bắt đầu, đêm nay Constantinos XI cũng không ngủ ngon. Lần nào cũng như lần nào, chấn động do đại pháo của kẻ thù bắn vào tường thành đều khiến ông ta giật mình tỉnh giấc, lúc ngủ lại được, đợt chấn động tiếp theo đã sắp ập đến. Trời vẫn chưa sáng, ông ta đã khoác áo đi ra thư phòng, thấy Phrantzes đã đợi ở đó rồi. Ông ta dường như đã quên chuyện ả phù thủy kia, không giống với cha là Manouel II và anh trai là Hoàng đế Ioannes VIII, ông ta thực tế hơn, biết rằng hầu hết những kẻ trông cậy vào phép mầu đều rơi vào kết cục chết không có đất chôn thây.
Phrantzes hướng về phía cửa vẫy tay, Helena lặng lẽ bước vào. So với lần trước đến đây, cô ta trông không khác mấy, vẫn kinh hoảng và run rẩy, trên tay cầm cái túi da dê. Hoàng đế nhìn cái túi liền biết mình đã phí thời gian với chuyện này, cái túi xẹp lép, cũng không có máu rỉ ra, hiển nhiên bên trong không có đầu người. Nhưng vẻ mặt Phrantzes lại rõ ràng không cho thấy thất bại, ánh mắt ông ta có chút hoang mang đờ đẫn, như thể người mộng du.
“Cô ta không mang đến được thứ cần mang đến à?” Hoàng đế hỏi.
Phrantzes cầm túi trên tay Helena đặt lên bàn, mở ra, nhìn chằm chằm vào Constantinos XI tựa hồ nhìn một bóng ma: “Thưa bệ hạ, gần như là được rồi.”
Hoàng đế nhìn vào túi, chỉ thấy bên trong có một thứ màu xám mềm nhũn, trông như mỡ dê để lâu năm. Phrantzes dịch ngọn nến lại gần, Hoàng đế nhìn rõ hơn, đồng thời nhận ra đó là thứ gì.
“Bộ não, của tên người Anatolia kia.”
“Cô ta bổ đầu hắn ra ư?” Constantinos XI liếc mắt nhìn Helena sau lưng mình, cô ta đứng đó, khép chặt áo choàng, người run lẩy bẩy, ánh mắt tựa như con chuột sợ hãi.
“Không, thưa bệ hạ, đầu tên Anatolia sau khi chết vẫn nguyên vẹn, toàn thân cũng không có thương tích gì. Thần đã phái hai mươi tên lính giám sát hắn, mỗi lần năm tên thay phiên nhau giám sát hắn từ các góc độ khác nhau. Việc canh phòng trong hầm cũng cực kỳ nghiêm ngặt, một con muỗi cũng không thể bay lọt vào trong...” Phrantzes dừng lại, dường như bị những hồi ức của chính mình làm cho kinh hãi, Constantinos XI ra hiệu cho ông ta nói tiếp, “Chưa đến hai giờ sau khi cô ta đi khỏi, tên Anatolia đột nhiên co giật toàn thân, hai mắt trợn ngược, sau đó chết nằm thẳng cẳng ra đó. Trong những người giám sát tại hiện trường có một viên bác sĩ Hy Lạp dày dạn kinh nghiệm, ngoài ra còn có binh lính lão luyện đã đánh trận cả đời, chúng đều nói chưa bao giờ thấy có người nào chết kiểu như thế. Hơn một tiếng sau cô ta quay lại, cầm theo thứ này, bấy giờ bác sĩ mới nghĩ đến việc mổ đầu người chết, thấy bên trong không có bộ não, hoàn toàn trống rỗng.”
Constantinos XI cẩn thận quan sát bộ não trong túi một lần nữa, nhận ra nó hoàn chỉnh nguyên vẹn, không nát vỡ hay tổn thương gì. Đây là bộ phận mong manh nhất của cơ thể người, giữ được hoàn hảo như vậy nhất định là được gỡ ra hết sức cẩn thận. Hoàng đế nhìn bàn tay Helena lộ ra bên ngoài áo choàng, ngón tay thon dài thanh mảnh, tưởng tượng ra cảnh đôi bàn tay này gỡ lấy bộ não của người khác, thật cẩn thận, thật nhẹ nhàng như thể hái một cây nấm trong bãi cỏ, hay một đóa hoa trên cành cây...
Hoàng đế rời mắt khỏi cái túi da đựng bộ não, ngẩng đầu lên nhìn bức tường thành chênh chếch phía trên, dường như xuyên qua vách tường thấy thứ gì đó khổng lồ đang chầm chậm dâng lên nơi chân trời. Tường thành lại rung chuyển do đại pháo oanh kích, nhưng lần đầu tiên, ông ta không cảm thấy chấn động.
Nếu như phép mầu có thực, thì giờ là lúc nó cần xuất hiện rồi.
Thành Constantinopolis đang rơi vào tuyệt vọng, nhưng chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Trong cuộc huyết chiến kéo dài hơn năm tuần lễ, kẻ thù cũng bị tổn thất nặng nề, ở một số nơi, xác bọn Thổ Nhĩ Kỳ chất cao ngang các ụ thành, bọn chúng cũng đã mệt mỏi kiệt sức rồi. Mấy ngày trước, một đội thuyền Genoa anh dũng đã vượt qua phong tỏa của kẻ thù ngoài eo biển, tiến vào vịnh Sừng Vàng, mang đến viện binh và đồ tiếp tế quý giá, mọi người đều tin rằng đây là dấu hiệu báo trước một đợt tăng viện quy mô lớn từ Tây Âu. Bên phía doanh trại Đế quốc Ottoman cũng dày đặc bầu không khí chán ghét chiến tranh, phần lớn tướng lĩnh đều chủ trương chấp thuận điều kiện cuối cùng mà Đế quốc Byzantium đưa ra rồi rút quân. Sở dĩ Đế quốc Ottoman chưa rút quân về, chỉ vì có kẻ đó.
Con người đó là kẻ tinh thông tiếng Latinh, học thức uyên bác, đọc nhiều hiểu rộng các ngành khoa học và nghệ thuật; con người đó là kẻ biết rõ mình đã chắc chắn kế thừa ngôi vua, song chỉ vì muốn loại trừ mối họa ngầm liền dìm chết em trai ruột trong bồn tắm; con người đó là kẻ đem một nữ nô xinh đẹp ra chặt đầu trước mặt toàn thể quân sĩ vì muốn tỏ rõ mình không phải là người háo sắc - con người đó là trục bánh xe của cỗ chiến xa Đế quốc Ottoman khổng lồ hùng mạnh, thanh trục đó mà gãy, chiến xa sẽ sập xuống tức thì.
Có lẽ phép mầu đã thật sự xuất hiện.
“Tại sao ngươi đòi đảm nhận sứ mệnh này?” Hoàng đế hỏi, ánh mắt vẫn chếch lên trên.
“Tôi muốn làm Thánh nữ.” Helena trả lời rất nhanh, hiển nhiên, cô ta đã đợi câu hỏi này từ lâu.
Constantinos XI khẽ gật đầu. Lý do này tương đối đáng tin, đối với cô ta lúc này, tiền bạc hay của cải đều chẳng là gì cả, cô ta có thể thò tay lấy toàn bộ tiền bạc trên thế giới như lấy đổ trong túi, nhưng gái điếm lại là hạng đàn bà cách xa địa vị Thánh nữ nhất, đối với bọn họ, vinh dự này mới có sức hấp dẫn nhất.
“Ngươi là con cháu của quân Thập tự chinh à?”
“Vâng, thưa bệ hạ, tổ tiên tôi từng tham gia lần Đông chinh cuối cùng.” Ngập ngừng giây lát, Helena lại dè dặt bổ sung một câu: “Không phải lần thứ tư[1].”
Hoàng đế đặt tay lên trán Helena, cô ta mềm nhũn người quỳ xuống.
“Đi đi, cô bé, giết chết Mehmed II, ngươi sẽ cứu vớt thành Constantinopolis, ngươi sẽ trở thành Thánh nữ, được muôn người kính ngưỡng.”
Lúc hoàng hôn, Phrantzes dẫn Helena lên tường thành đoạn gần cổng Thánh Romanos. Đưa mắt nhìn ra xa, chiến trường lọt hết vào trong tầm mắt. Gần tường thành, trên một mảng đất cát đã bị máu nhuộm màu nâu đen, xác người nằm la liệt như thể trời vừa đổ một trận mưa người chết; hơi xa hơn một chút, khói thuốc súng bốc ra từ những khẩu pháo vừa nổ đang bay qua chiến trường, thứ duy nhất nhẹ nhàng ở chốn này; xa hơn nữa, dưới bầu trời xám xịt như chì, doanh trại quân đội Ottoman trải dài đến ngút tầm mắt, rừng cờ hình trăng non bay phần phật trong làn gió biển ẩm ướt; ở eo biển Bosporus phía bên kia, chiến hạm Đế quốc Ottoman phủ kín mặt biển, nhìn từ xa trông như một mảng đinh sắt màu đen, ghim chặt mặt biển màu xanh không cho phép nó dập dềnh trong gió.
Helena nhìn hết thảy những cảnh tượng ấy, say sưa nhắm mắt: Đây là chiến trường của mình, đây là cuộc chiến của mình. Truyền thuyết về tổ tiên mà cha vô số lần kể đi kể lại hồi cô ta còn nhỏ lại hiện lên trong tâm trí: Ở châu Âu bên kia eo biển Bosporus, tại một nông trang vùng Provence, một hôm nọ trên trời bỗng sà xuống một đám mây lành, trong đám mây ấy hiện ra một đội quân toàn trẻ con. Trên áo giáp uy vũ của bọn họ, chữ thập phát ra ánh sáng đỏ rực rỡ, một vị thiên sứ dẫn đầu đội ngũ ấy. Nghe lời kêu gọi, tổ phụ cô ta đã gia nhập đội quân. Họ băng thuyền qua Địa Trung Hải đến Đất Thánh, chiến đấu vì Thượng Đế, trong Thánh chiến, tổ phụ cô ta đã trở thành một Kỵ sĩ Đền Thánh, sau đó gặp được một kỵ sĩ Thánh nữ xinh đẹp ở thành Constantinopolis, hai người đắm đuối yêu nhau, từ đó sinh ra một gia tộc quang vinh...
Sau khi lớn lên, Helena dần dần biết được sự thực: các nét chính câu chuyện này về cơ bản là vậy, ông tổ cô ta quả thực đã gia nhập vào đạo quân Thập tự chinh trẻ em, lúc đó Cái chết Đen vừa tràn qua vùng Tây Âu, ruộng đồng bỏ hoang, gia nhập vào quân Thập tự chinh chẳng qua chỉ vì muốn khỏi chết đói. Có điều, ông tổ cô ta chưa từng tham gia cuộc Thánh chiến nào, vì vừa xuống khỏi tàu, ông cùng hơn mười nghìn đứa trẻ khác đều bị đóng cùm vào chân bán đi làm nô lệ, nhiều năm sau mới may mắn trốn thoát, lưu lạc đến thành Constantinopolis. Ở đó, ông quả cũng gặp được một nữ binh lớn hơn mình nhiều tuổi trong đoàn kỵ sĩ Thánh nữ, chỉ có điều, số phận bà cũng chẳng hơn ông được bao nhiêu. Lần đó, người Byzantium đang mong ngóng chờ đợi binh lính tinh nhuệ từ Tây Âu đến giúp họ đối phó với lũ tín đồ dị giáo, không ngờ lại là một đám phụ nữ chân yếu tay mềm trông như lũ ăn mày, bọn họ tức tối cắt luôn mọi nguồn trợ cấp, kết quả là các kỵ sĩ lần lượt trở thành gái điếm, một trong số đó đã trở thành bà tổ của Helena...
Hơn trăm năm qua, gia tộc quang vinh của Helena thực ra chưa bao giờ được ăn no, đến đời cha cô ta thì lại càng nghèo rớt mồng tơi. Cơn đói đã thúc đẩy Helena tự quyết tâm đi làm cái nghề của bà tổ nhà mình, sau khi biết chuyện, cha đã đánh cô ta một trận, nói rằng nếu phát hiện cô ta còn làm chuyện này nữa thì sẽ giết, trừ phi... trừ phi cô ta dẫn khách về nhà để ông ta thương lượng giá cả, thu tiền. Helena bỏ nhà ra đi, tiếp tục sống giang hồ, ngoài thành Constantinopolis, cô ta còn đến Jerusalem và Trabzon, thậm chí còn ngồi tàu đến cả Venice. Cô ta không còn phải chịu đói, có quần lượt áo là, nhưng cô ta biết mình chỉ là một cọng cỏ đổ rạp trong bùn đất, bị người đi đường không ngừng giẫm đạp lên, từ lâu đã hòa làm một với đất bùn rồi.
Cho đến khi phép mầu xuất hiện, hoặc có thể nói là cô ta đụng phải phép mầu.
Helena xem thường vị Thánh nữ xuất hiện trong cuộc chiến tranh châu Âu hai mươi mấy năm trước - Jeanne xứ Arc, Joan chẳng qua chỉ nhận được một thanh kiếm từ trên trời rơi xuống, còn Thượng Đế đã ban cho Helena một thứ có thể khiến cô ta chỉ đứng sau Đức Mẹ Maria mà thôi.
“Nhìn xem, đó chính là lều của el-Fātih[2].” Phrantzes chỉ về phía đối diện với cổng thành Thánh Romanos.
Helena chỉ liếc nhìn về phía đó, khẽ gật đầu.
Phrantzes đưa cho cô ta một chiếc túi da dê, “Trong này có ba bức hình của hắn ta, từ các góc độ khác nhau, mặc trang phục khác nhau. Ngoài ra, cần phải mang theo dao, lần này không chỉ cần bộ não của hắn, mà phải có nguyên cái đầu. Tốt nhất là ngươi ra tay vào ban đêm, ban ngày hầu hết thời gian hắn ta đều không có trong lều.”
Helena nhận lấy túi da dê, “Tôi cũng xin ngài hãy nhớ kỹ lời tôi nói.”
“Đương nhiên, chuyện này ngươi yên tâm.”
Helena muốn nói đến lời cảnh cáo lúc đầu: không được phép theo dõi cô ta, càng không được đặt chân vào nơi cô ta đến, bằng không phép thuật sẽ vĩnh viễn mất đi hiệu lực.
Kẻ theo dõi lần trước đã báo cáo với Phrantzes, sau khi Helena rời khỏi hầm, hắn đã bám theo cô ta từ đằng xa. Cô ta rất cẩn trọng, vòng vèo bảy tám lượt cuối cùng mới đến khu Blachernae ở phía Bắc đoạn tường thành do Theodosius II xây dựng. Phrantzes nghe vậy hơi ngạc nhiên, đó là khu vực mà kẻ địch pháo kích dữ dội nhất, ngoài các binh lính đang chiến đấu, không ai dám đến đó cả. Kẻ theo dõi cuối cùng trông thấy cô ta đi vào một ngôi tháp sập, trước đây ở đó có thánh đường Hồi giáo, đã thoát khỏi lần Constantinos XI ra lệnh dỡ bỏ các nhà thờ Hồi giáo trong thành vì trong đợt dịch hạch hoành hành lần trước, có mấy người bệnh vào chết ở đó, vì vậy không ai muốn đến gần. Sau khi cuộc chiến nổ ra, ngôi tháp bị sập mất một nửa trong đợt pháo kích nào đó. Theo chỉ thị của viên đại thần, kẻ theo dõi không vào trong tháp, nhưng đã điều tra hai tên lính lúc trước từng vào tháp. Trước khi ngôi tháp bị đạn pháo phá sập, bọn họ từng có ý định lập tháp canh ở đây, nhưng phát hiện độ cao không đủ bèn bỏ cuộc. Theo lời bọn họ, ở đó ngoài mấy cái xác đã biến thành xương khô ra thì chẳng có gì cả.
Lần này, Phrantzes không phái người theo dõi. Ông ta nhìn theo Helena, mới đầu đi giữa đội ngũ binh sĩ trên tường thành, giữa những áo giáp phủ đầy bụi đất và vết máu, chiếc áo choàng trùm đầu của cô ta trông rất nổi bật, nhưng những binh sĩ đã mệt lả trong cuộc huyết chiến kéo dài nhiều ngày không ai chú ý đến cô ta. Cô ta nhanh chóng xuống khỏi tường thành, đi qua cánh cổng vòng tường thành thứ hai, lần này không tìm cách cắt đuôi những kẻ có khả năng theo dõi mình nữa, mà đi thẳng về phía khu Blachernae lần trước, biến mất trong màn đêm vừa buông xuống.
Constantinos XI nhìn vũng nước đang khô dần trên nền nhà, như thể đối diện với hy vọng đang biến mất. Vũng nước là do mười hai dũng sĩ trên biển vừa rời khỏi đây để lại. Thứ Hai tuần trước, bọn họ khoác trên mình quân phục màu đỏ sẫm của Đế quốc Ottoman, đầu chít khăn theo kiểu Hồi giáo, lái một thuyền buồm nhỏ xuyên qua hàng rào phong tỏa nghiêm ngặt của quân thù, đi đón hạm đội châu Âu đến tiếp viện, đồng thời thông báo tình hình quân địch cho hạm đội biết. Nhưng họ chỉ thấy mỗi biển Aegea trống trải, thậm chí còn không thấy nổi cái bóng của hạm đội Tây Âu trong lời đồn. Các dũng sĩ lòng đã nguội lạnh vẫn làm tròn chức trách của mình, một lần nữa vượt hàng rào phong tỏa, báo tin xấu về cho Hoàng đế. Lúc này, Constantinos XI rốt cuộc đã thừa nhận, tăng viện từ châu Âu chẳng qua chỉ là mộng tưởng đơn phương, thế giới Cơ Đốc đã từ bỏ Byzantium, thực sự trơ mắt ra nhìn tòa thành thánh nghìn năm rơi vào tay tín đồ dị giáo rồi.
Bên ngoài vang lên tiếng ồn ào bất an, vệ binh báo cáo có nguyệt thực. Đây là điềm xấu cực kỳ, vì trong mưa gió nghìn năm đã có một câu cách ngôn thế này: chỉ cần trăng sáng chiếu rọi, thành Constantinopolis sẽ không thất thủ. Qua ô cửa sổ dài, Hoàng đế nhìn vầng trăng nay đã biến thành lỗ đen, một huyệt mộ ở trên trời. Ông ta có dự cảm Helena sẽ không trở về, ông ta cũng không thể lấy được cái đầu kẻ đó nữa.
Quả nhiên, một ngày một đêm trôi qua, lại thêm một ngày nữa, Helena vẫn không có tin tức.
Đoàn người do Phrantzes dẫn đầu thúc ngựa đến trước ngôi tháp ở khu Blachernae, vừa trông thấy ngôi tháp, tất cả đều ngẩn người: dưới ánh sáng lành lạnh nhợt nhạt của vầng trăng mới nhú, ngôi tháp còn nguyên vẹn không chút suy suyển, đỉnh tháp nhọn hoắt chỉ thẳng lên bầu trời đêm vừa hiện ra những vì sao lấp lánh. Kẻ theo dõi dẫn đường thế rằng lần trước hắn đến đây ngôi tháp quả thực bị gãy mất một nửa, trong đoàn đi cùng còn có mấy viên sĩ quan và binh sĩ chiến đấu ở khu vực này, bọn họ cũng nhao nhao chứng thực. Đại thần lạnh lùng lừ mắt nhìn kẻ theo dõi, dù có bao nhiêu người làm chứng, chắc chắn kẻ này vẫn nói dối, vì đỉnh tháp nhọn hoắt nguyên vẹn kia vượt trên hết thảy lời chứng. Nhưng lúc này Phrantzes không có tâm tư trừng phạt ai cả, ngày tàn của ngôi thành sắp sửa ập đến, tất cả bọn họ đều khó mà thoát khỏi sự trừng phạt của quân thù. Đồng thời, một tên binh sĩ bên cạnh cũng có điều che giấu, hắn biết nửa trên ngôi tháp biến mất không phải do đạn pháo, vào cái đêm hai tuần trước đó, không có đợt pháo kích nào cả, sáng sớm ra đỉnh tháp đã biến mất rồi. Khi ấy, hắn còn để ý thấy mặt đất xung quanh tháp không có tí gạch ngói vỡ nào. Khúc tường thành này là khu vực trọng điểm oanh kích của đại pháo Orbán, viên đạn đá khổng lồ ấy bất cứ lúc nào cũng có thể xuyên qua tường thành rơi xuống nơi này, có lần còn giết chết mười mấy binh sĩ, ngôi tháp còn một nửa ấy bất cứ lúc nào cũng có khả năng bị phá hủy, vì vậy không ai bước chân vào trong đó nữa. Hai người cùng chứng kiến sự việc này với hẳn đều đã tử trận, hắn không muốn lắm chuyện, vì có nói ra cũng chẳng ai chịu tin.
Phrantzes và đám người cùng vào tầng thấp nhất của ngôi tháp, thấy xương cốt của những kẻ chết vì bệnh dịch hạch kia đã bị lũ chó hoang bới loạn lên vung vãi khắp mặt đất, không có người sống nào. Kế đó, bọn họ men theo cầu thang xoắn ốc sát bờ tường lên tầng thứ hai, dưới ánh sáng của ngọn đuốc, thoáng liếc qua đã thấy Helena nằm cuộn dưới cửa sổ, rõ ràng là cô ta đang ngủ, nhưng hai mắt vẫn phản chiếu ánh lửa bên dưới mí mắt khép hờ. Quần áo cô ta rách bươm, bên trên bám đầy bụi đất, đầu tóc rối bù, trên mặt có hai ba vết máu trông như bị chính mình cào rách. Viên đại thần đưa mắt nhìn quanh, đây là tầng cao nhất của ngôi tháp, không gian bên trong hình chóp nhọn, hoàn toàn không có gì. Ông ta để ý thấy khắp nơi chỗ nào cũng phủ một lớp bụi dày, chạm nhẹ vào là để lại dấu vết rõ ràng, nhưng dấu vết thực tế lại rất ít, dường như Helena cũng như bọn họ, đều đến đây lần đầu tiên vậy. Ngay lúc đó cô ta giật mình tỉnh giấc, hai bàn tay khua khoắng loạn xạ, dựa vào bức tường đứng dậy, ánh trăng hắt vào qua cửa sổ làm mái tóc rối bù trông như một đám sương bạc bao quanh đầu; cô ta trợn tròn hai mắt, hồi lâu sau ý thức mới gắng gượng trở về với hiện thực, sau đó lại đột nhiên nhắm hờ mắt lại, rơi vào hồi tưởng, dường như vẫn còn lưu luyến giấc mộng mình vừa đi ra.
“Ngươi làm cái gì ở đây?!” Phrantzes gằn giọng hỏi.
“Đại nhân, tôi... tôi không thể đến đó được nữa!”
“Đến đâu?”
Helena vẫn nhắm hờ hai mắt, ngây ngất say sưa trong hồi ức tựa như đứa trẻ giằng co không chịu để người lớn kéo khỏi tay món đồ chơi yêu thích. “Nơi đó rất lớn, rất tốt, rất dễ chịu. Ở đây...” Cô ta đột nhiên trợn trừng hai mắt kinh hoảng đảo một vòng xung quanh: “Ở đây chật hẹp như trong quan tài vậy, bên ngoài... Cũng chật hẹp như trong quan tài. Tôi muốn đến đó!”
“Sứ mệnh của ngươi thì sao?” Viên đại thần hỏi.
“Đại nhân, xin hãy đợi,” Helena gắng sức làm dấu thánh, “xin hãy đợi.”
Phrantzes chỉ ra ngoài cửa sổ, “Giờ còn có thể đợi được cái gì nữa?”
Từng đợt sóng âm từ bên ngoài truyền vào, lắng nghe thật kỹ sẽ thấy sóng âm chia thành hai phần rõ rệt.
Một phần âm thanh từ ngoài thành vẳng vào. Mehmed II đã quyết định ngày mai sẽ phát động đợt tổng tấn công vào Constantinopolis, lúc này, vị Hồi vương trẻ tuổi đang thúc ngựa đi qua lều trại của quân Ottoman, hứa với tướng sĩ: Ta chỉ cần thành Constantinopolis, của cải và đàn bà trong thành đều là của các ngươi, sau khi phá thành, các ngươi có thể cướp bóc ba ngày trong thành phố. Toàn quân hoan hô vang dội, trong tiếng hoan hô vừa lắng xuống nơi này đã vang lên ở nơi khác còn xen lẫn cả tiếng tù và và tiếng trống quân, làn sóng âm này cùng với khói mù và hoa lửa từ vô số đống lửa trong doanh trại bốc lên cao, biến thành một bầu sát khí dày đặc phía trên thành phố.
Âm thanh từ phía trong thành Constantinopolis lại thấp trầm, bi thống. Dưới sự dẫn dắt của Thượng phụ, dân chúng toàn thành đã diễu hành một vòng. Lúc này, tất cả mọi người đều tập trung ở đại giáo đường Hagia Sophia, tham gia buổi lễ Misa cuối cùng. Đây là cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử Cơ Đốc giáo, và cũng sẽ không bao giờ tái diễn: Trong tiếng Thánh ca trang nghiêm, dưới ánh nến u ám, Hoàng đế và Thượng phụ Byzantium, các tín đồ Chính Thống giáo phương Đông và tín đồ Công giáo từ Ý, các binh sĩ giữ thành vũ trang từ đầu tới chân, các thương nhân và thủy thủ từ Venice và Genoa, cùng vô số cư dân thành phố, tất cả đều tụ tập trước mặt Thượng Đế, chuẩn bị đem sinh mạng mình đi nghênh đón trận huyết chiến cuối cùng.
Phrantzes biết chuyện này thế là hỏng, có lẽ Helena chỉ là một tên bịp bợm tài cao, cô ta hoàn toàn không có phép thuật gì, song như vậy còn tốt chán. Nhưng mặt khác, ông ta lại đối diện với nguy cơ vô cùng lớn: cô ta thực sự có phép thuật, và còn đến trận địa của quân địch, nhận lệnh của người Ottoman và trở về đây. Xét cho cùng, triều đình Byzantium nay chỉ còn thoi thóp chẳng thể mang lại gì cho cô ta cả, thậm chí ngay cả cái danh hiệu Thánh nữ vinh dự kia cũng khó lòng thành sự thật - Giáo hội Chính Thống giáo phương Đông và Công giáo La Mã đều khó thể nào chấp nhận tuyên thánh cho một gái điếm và nữ phù thủy. Lần này, cô ta trở về, mục tiêu rất có thể là Hoàng đế Constantinos XI hoặc chính bản thân ông ta. Vết xe đổ Orbán vẫn còn ngay đó[3].
Viên đại thần ra hiệu cho kẻ theo dõi, người này rút kiếm ra đâm vào Helena, mũi kiếm xuyên qua lồng ngực mềm mại rồi lút vào kẽ tường phía sau. Hắn muốn rút kiếm ra nhưng không được, bàn tay Helena cũng nắm lấy chuôi kiếm, hắn không muốn chạm vào đôi tay đó, bèn buông tay ra, cùng Phrantzes vội vàng bỏ đi. Từ đầu đến cuối, Helena không phát ra tiếng nào, đầu cô ta chầm chậm ngoẹo xuống. Đám sương màu bạc kia rời khỏi ánh trăng, chìm vào bóng tối. Trong tháp tối sầm lại, ở khoảng sáng nhỏ nơi ánh trăng nhợt nhạt chiếu vào mặt đất, dòng máu như thể một con rắn đen ngoằn ngoèo bò qua.
Lúc Phrantzes ra khỏi cửa tháp, âm thanh bên trong và bên ngoài thành đều đã im bặt, trong sự tĩnh mịch trước trận chiến lớn bao trùm mặt đất và biển cả nơi Âu-Á giao nhau này, Đế quốc La Mã phương Đông chuẩn bị đón buổi bình minh cuối cùng của nó.
Trên tầng hai của ngôi tháp, mụ phù thủy bị thanh kiếm ghim vào tường đã chết, có lẽ cô ta là phù thủy thực sự duy nhất trong lịch sử nhân loại. Khoảng mười giờ đồng hồ trước, thời đại phép thuật ngắn ngủi cũng đã kết thúc. Thời đại phép thuật bắt đầu vào 16 giờ ngày 3 tháng Năm năm 1453 Công nguyên, khi đó mảnh vỡ của không gian chiều cao hơn lần đầu tiên tiếp xúc với Trái đất; kết thúc vào 21 giờ ngày 28 tháng Năm năm 1453 Công nguyên, lúc này mảnh vỡ đã hoàn toàn rời khỏi Trái đất; tổng cộng hai mươi lăm ngày năm giờ đồng hồ. Sau đó, thế giới này lại trở về với quỹ đạo bình thường của nó.
Chập tối ngày 29, thành Constantinopolis bị công phá.
Khi cuộc chiến thảm khốc ngày hôm đó gần đi đến tàn cục, Constantinos XI đối mặt với quân đội Ottoman tràn vào như ong vỡ tổ, hét lớn: “Thành đã đổ mà ta vẫn còn chưa chết!” Sau đó, Hoàng đế cởi bỏ áo bào tím, rút kiếm xông vào giữa kẻ thù, giáp trụ màu bạc của ông ta như thể miếng giấy thiếc bị ném vào nước cường toan đỏ sậm, chớp mắt đã biến mất không còn dấu tích...
Rất lâu về sau, ý nghĩa lịch sử của sự kiện thành Constantinopolis bị công phá mới hiển hiện ra, khi sự việc xảy ra, điều đầu tiên người ta nghĩ đến chính là Đế quốc La Mã rốt cuộc đã hoàn toàn biến mất. Byzantium là vệt xe kéo dài nghìn năm của Đế quốc La Mã cổ, tuy cũng có độ huy hoàng, song cuối cùng vẫn phải bốc hơi như vũng nước dưới ánh Mặt trời nóng rực. Đã có thời người La Mã cổ từng huýt sáo trong nhà tắm hoa lệ hùng vĩ của mình, cho rằng Đế quốc sẽ như bồn tắm bên dưới, được xây bằng một khối đá hoa cương duy nhất, trường tồn vĩnh viễn.
Giờ đây người ta đã biết, không có bữa tiệc nào không tàn, mọi thứ đều có kết thúc.