Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 07
Chương 7
Phía sau nhà , mặt trăng sáng rực từ từ trồi trên mấy ngọn tre xao xác gió , dội ánh sáng mát dịu tràn ngập trên vườn cau. Mọi người đều nô nức hân hoan , nhưng vì sợ "Quý Quan" nên ai nấy đều im lặng... đi nhón gót , và nói thì thầm. Chỉ nghe tiếng nói tiếng cười xí lô xí la của "quý Quan Tây" và "quý bà đầm"...
Lê văn Thanh đứng hầu , thỉnh thoảng trả lời câu tiếng Tây "Uỷ , Mơ sừ lơ rê si đăng".
Quan Công Sứ vui cười bảo Lê văn Thanh :
- Vợ mày đâu ? Mầy không giới thiệu với chúng tao à !
Bà đầm cũng hỏi Thanh :
- Chắc vợ mầy đẹp lắm hả ?
Thanh không biết khiêm tốn , thật thà khoe với bà đầm bằng thứ tiếng "bồi ba rọi" :
- Oui, madame , ma femme est plus jolie , elle est la première plus jolie que dans cette province.
(Dạ , thưa bà , vợ tôi là đẹp hơn , đẹp thứ nhất trong tỉnh nầy ).
Các ông tây bà đầm đều cười rộ lên. Họ cười vì chàng nói chữ tây trật bậy , trật bạ , vì câu trả lời khoe khoang ngớ ngẩn. Nhưng Lê văn Thanh tưởng là họ khen , nên chàng tỏ vẻ hãnh diện. Chàng quay ra đám bà con, họ hàng , làng xã , dân chúng , đứng xúm xít chung quanh , đông nghẹt cả sân , cả hè , để coi ông tây bà đầm.
Chàng nói lớn với họ :
- Vô biểu vợ tôi ra đây để ra mắt cụ Sứ , các quan lớn bà lớn.
Tức thì có hai ba người chạy vào trong nhà , nói to :
- Cô Ký đâu ? Cụ Sứ và cụ lớn , bà lớn kêu cô ra để chào các quan ! Ra mau ! ra mau !
Tò mò nhất là bà đầm vợ viên công sứ , một thiếu phụ Pháp , trẻ đẹp , trạc 30 tuổi , bà muốn thấy lần đầu tiên một cô thiếu nữ Việt Nam con gái một nhà giàu nhất tỉnh mà bà nghe nói có học chữ Quốc Ngữ , lại là vợ một viên thư ký , nghĩa là vào hạng "văn minh" nhất thời bấy giờ, xem nhan sắc , lối ăn mặc , điểm trang , cử chỉ , ngôn ngữ của cô như thế nào.
Cô Ba Hợi từ trong nhà bước ra , cô vòng tay trước ngực , có vẻ thẹn thùng và rất sợ sệt. Cô ăn mặc ba lớp áo mầu dài đến đầu gối , quần đen , đi chân không , đầu búi tóc sức dầu dừa mặt đẹp tự nhiên không son phấn.
Trình diện với các quan khách , cô vòng tay trước ngực , luôn luôn cúi mặt xuống và không cử động nảo. Cô đứng yên như pho tượng. Viên Công Sứ cười bảo Thanh :
- Mầy bảo nó ngước mặt lên xem nào. Nó có vẻ đẹp lắm.
Thanh quen mồm đáp cụ Sứ :
- Uỷ mơ-sừ Lơ-rê si- đăng
Rồi chàng khẽ bảo vợ :
- Cụ Sứ bảo ngước mặt lên.
( Thời bấy giờ thanh niên nói với vợ mới cưới hay là nói với người yêu chưa biết gọi bằng "em" thường gọi trống không )
Cô Nguyễn thị Hợi ngượng nghịu , bẽn-lẽn , khẽ ngước mặt lên một tí thôi. Bà đầm gật đầu , nói nhỏ với chồng :
- Nó đẹp đấy nhi?
Ông Tây cũng gật đầu :
- Không xấu.
Viên Công Sứ theo lễ độ của người Pháp , đứng dậy , nghiêm nghị nói với vợ chồng Lê văn Thanh :
- Chúng tôi thành thật cảm ơn cha mẹ anh và anh đã có lòng tốt mời chúng tôi đến dự buổi tiệc rất đẹp hôm nay , để mừng đám cưới của anh , và nhân dịp vui nầy chúng tôi có lời chúc anh và vợ anh một hạnh phúc lâu dài một trăm năm.
Lê văn Thanh tại vì không thông thạo chữ tây lắm , nên chỉ biêt đáp lại một câu cám ơn cụt ngủn :
- Mẹc xì , Mơ-sừ Lơ-rê-si- đăng.
Xong, chàng bảo vợ vái chào "cụ Sứ" và các quan. Nàng làm theo lời của thầy Ký Thanh.
Khi cô Nguyễn thị Hợi đi rồi, bà đầm hỏi Lê văn Thanh:
- Sao coi bộ nó buồn thế? Không có một tí nụ cười nào cả.
- Dạ thưa bà nó sợ lắm.
Bà đầm hỏi “tại sao?”, Thanh không biết trả lời.
Các quan đều phì cười, nhưng cũng khen Thanh cưới được vợ đẹp lắm và có vẻ hiền lành.
Buổi tiệc vui vẻ, kéo dài đến lúc trăng lên trên nóc nhà, vào buổi giờ Hợi (11 giờ khuya). Lê văn Thanh không ngồi bàn, luôn luôn vòng tay đứng bên cạnh “ông Sứ” để “hầu hạ” và đối đáp những lúc các ông tây bà đầm hỏi chuyện về phong tục Việt Nam.
Làng xã và dân đều chầu chực ngoài sân, ngoài vườn, ngoài ngõ, đông như buổi chợ. Họ phải đợi khi quan Sứ về, họ lại đánh trống, đánh chuông, và đốt ba chục bó đuốc, tiển các quan ra đến ngoài đường. Quan Sứ, quan phó Sứ, và hai bà đầm, lên ngồi xe hơi, chiếc xe hơi độc nhất hiệu Delahaye, cao ngồng, và kêu rầm rầm, mà dân chúng không dám đến gần, sợ nó “hút chết”. Quan Tuần vũ lên xe song mã, bánh sắt, hai con ngựa kéo. Các quan tây khác đều cưỡi ngựa, mỗi con ngựa đều có đeo lục lạc quanh cổ, kêu leng keng... leng keng khi ngựa chạy. Quan Phán Bích đầu Tòa ngồi trên chiếc xe kéo nhà của ông, do một người “cu-li” kéo, và một người dân làng đẩy phía sau, cho xe chạy êm. Còn các quan khác đều đi bộ về tỉnh, nhưng có dân làng cầm đuốc hộ tống về đến Cửa Bắc.
Tính ra tiệc cưới của Lê văn Thanh tốn hơn 300 quan tiền kẽm. Đám cưới, và nhất là bữa tiệc, vì bữa tiệc này quan trọng hơn đám cưới, được dân làng, dân tỉnh, và bà con cô bác xa gần, bình phẫm cả tháng chưa hết chuyện. Đại khái họ nói về cô Nguyễn thị Hợi và Lê văn Thanh:
- Cô Ký được bà Sứ khen là xinh.
Cô Hai Nghĩa, em họ của Thanh:
- Chị Ký mặc áo đẹp quá, răng đen bóng cũng đẹp quá.
Chú Trùm Trương tắc lưỡi:
- Thầy Ký nói tiếng tây hay ghê! Mình biết vậy, hồi đó mình học tiếng tây chơi, bây giờ cũng làm thầy Ký rồi.
- Thầy xổ tiếng tây đóp- đóp, quan Sứ, bà Sứ hỏi gì thầy cũng trả lời trôi chảy hết. Thiệt là giỏi!
Mấy bà già và mấy cô gái ưa phê bình bà Sứ không ngớt:
- Nè bà đầm có hai cái vú to bằng trái bưỡi lận, bà con ơi.
Cả đám đông phụ nử cười sặc sụa. Bà Hương Bộ nói chêm vào:
- To hơn trái bưỡi đó! To hơn cái đầu thằng Tý đây nè.
Bà chỉ cái đầu thằng Tý bà ẵm trong tay, con bà vừa mới thôi nôi. Mấy bà mấy cô cười nghiêng ngả.
Cô Bốn Định , con gái bà xã Bảy , hỏi :
- Sao đầm họ để vú tròn vo vậy mà họ không mắc cỡ thím Hương he !
- Ờ sao họ không mắc cỡ ! Người An Nam mình thì lo ép cái vú cho nhỏ bớt , đầm họ cứ để vậy , vậy mà văn minh gì đâu ?
- Họ để răng trắng nhờn , không nhuộm , coi cái miệng trơ quá há ?
Bà Xã Bảy khám phá một điều ghê gớm hơn nữa, nhưng bà nói nho nhỏ , sợ đàn ông nghe :
- Nè , đầm họ không mặc quần !
Cả đám phụ nữ cười lăn lộn , cô Hai Bình té ho sù sụ và cười sặc sụa. Thím Hương Kiểm vừa nhai trầu vừa hỏi :
- Sao chị biết họ không mặc quần ?
Câu hỏi không có câu trả lời , chỉ toàn là tiếng cười ồn ào , ầm ỹ cả nhà. Thím Hương Kiểm nhổ một bãi nước trầu đỏ ngòm trên hè , lấy tay chùi miệng rồi nói tiếp :
- Tui, thì tui thấy họ không biết ăn trầu. Hồi anh Ký nó bưng khay trầu ra mời , bà đầm hỏi gì đó rồi bả lắc đầu. Chỉ có Quan Tuần Vũ và các quuan khách An Nam ăn thôi. Tây với Đầm không ai ăn cả.
Cô Bốn Định hỏi :
- Thím xã có thấy đôi giày của bà Đầm không ? Giầy gì mà cái gót cao nghệu , vậy mà họ đi không té , tài thật !
Bà Xã làm ra vẻ thông thạo :
- Tại đầm họ bước đi thì hai cái mông đít lắc qua lắc lại , họ không té chớ sao !
Trong lúc phụ nữ phê bình bông lơn về y phục của bà đầm, thì đàn ông cũng phê bình ông tây. Hầu hết dư luận dân chúng , từ lão thành đến thanh thiếu niên đều có tính cách vừa sợ sệt , vừa khôi hài. Họ sợ sệt vì ông tây to lớn , lưc lưỡng "oằm xừ " và "Nhà Nước Đại Pháp văn minh ". Nhưng họ vẫn khôi hài , chế nhạo vì những cử chỉ phong tục của người tây phương không giống với người mình. Họ vẫn mỉa mai , đặt lên những câu ca dao và những bài vè trào phúng để ngạo ông tây. Nhưng đó là lén lút. Chứ giữa đời sống mới của nước nhà công khai đặt dưới quyền ông tây , thì Lê văn Thanh được dịp "oai" với làng xã , và bà con cô bác. Bây giờ ai cũng sợ chàng. Cô Ba Hợi cũng được dân làng kính nể. Cô đi ra phố , ai gặp mặt cũng cúi đầu , chấp tay chào "thưa cô Ký"... "thưa chị Ký" ... "thưa dì Ký". Cho đến ông Tú Phong , nhà Nho học lão thành , và được dân chúng kính phục , thầy học cũ của Lê văn Thanh , gặp hai vợ chồng Ký Thanh cũng chào hỏi niềm nở : "Thầy Ký ở tên toà về đấy à ? "... " thầy Ký lên toà đấy hả ? "... "cô Ký đi chợ hay đi đâu đó ? ".
Nhất là từ năm 1915, thì tất cả kỳ thi Hương , thi Hội và Nho học ở Trung Kỳ đều bị bãi bỏ hẳn , do sắc lệnh của "Hoàng Đế An Nam" tuân theo chính sách của Nhà Nước Bảo Hộ , ông Tú Phong coi bộ buồn bã , tức giận , nhưng không thốt ra một lời.
Từ khi có sắc lệnh mới của Vua năm 1915, bãi bỏ khoa cử theo lối xưa , học trò ít đi học ông Tú Phong nữa. Một số đông thanh thiếu niên trong tỉnh bắt đầu nộp đơn xin học trường "Nhà Nước" , gọi theo danh từ là "Trường Pháp Việt " --- "Ecole Franco - Annamite , hay là Ecole Franco Indigène ".
Nhưng chúng ta hãy tạm gác lại những sự kiện lịch sử này , trong một chương sau tôi sẽ nói tiếp. Bây giờ chúng ta trở lại đêm tân hôn của Lê văn Thanh , chàng thanh niên mới cưới vợ , năm 1915.
Sau khi các quan khách ra về rồi. Ông Hương Cả , thân sinh của chàng , gọi chàng vào nhà trong để nói nhỏ với chàng một giọng rất nghiêm nghị :
- Cha đã chọn giờ tốt cho con "động phòng" trong đêm tân hôn của con. Con phải đợi đúng giờ Tý , ước chừng mặt trăng lên đến giữa sân , con mới được vô buồng làm lễ "hoa chúc" với vợ con.
Lê văn Thanh hí hởn sung sướng lắm. Chàng chạy ra sân ngó lên trời , thấy trăng lơ lửng trên nóc nhà còn một xí nữa mới lên đến giữa sân. Chàng vào nhà khách chờ đợi rất ngoan ngoãn.
Một lát sau trăng lên gần giữa sân. Thanh không kịp hỏi cha , mừng quýnh , len lén chạy trước cửa buồng của chàng và đẩy cửa bước vào. Chàng cài then lại. Cô Nguyễn thị Hợi bẽn-lẽn , đang ngồi trên một góc giường. Cô vẫn mặc y nguyên cả ba chiếc áo lụa dài , không cởi ra. Thanh thấy một chiếc bàn mà ai đã kê sẵn nơi đầu giường lúc nào chàng không được biết. Trên bàn đã để một dĩa trầu cau têm rồi , một bình rượu với hai cái chén nhỏ. Hai cây đèn bạch lạp cháy hiu hiu... Thanh đến trước mặt cô Hợi , nhưng không đứng gần. Với một giọng run run , gần như không ra tiếng , chàng nói ấp úng , nàng ngồi cúi mặt xuống nghe :
-... Ơ... Ơ... làm lễ động phòng... hoa chúc...
Nói mấy lời đó , chàng cũng rụt rè e lệ. Nàng khẽ đáp :
- Thầy (#1)... Ông lạy trước Nguyệt... hai... đứa... mình phải lạy một lượt chớ.
Nàng đứng dậy. Chàng bước đến bàn thờ Nguyệt lão (#2), lấy bình rượu rót ra hai chén , rồi thắp hai que nhang , đưa cô Hợi một que , chàng cầm một , Hai người đồng lạy. Xong chàng lấy một chén rượu đưa cô Hợi :
-... Ơ... Ơ... uống rượu...
Nàng đưa hai tay lễ phép nhận chén rượu , và nâng lên uống cạn một lượt với chàng. Chén rượu nhỏ thôi , chắc là uống không say lắm.
Chàng lại lấy một miếng trầu cau, trao nàng :
- Ơ... Ơ... ăn trầu...
Nàng cũng đưa hai tay lễ phép nhận miếng trầu tươi cau tươi và đưa vô miệng nhai. Nàng nhai nhỏ nhẹ chầm rãi , rất có duyên. Chàng vừa ăn trầu , vừa cởi chiếc áo gấm và áo dài trắng treo trên tường , chỉ còn mặc chiếc áo cụt. Chàng lên giường nằm , miệng còn nhai trầu mỏm mẻm. Cô Nguyễn thị Hợi vẫn cứ mặc nguyên ba áo hàng mầu , ngồi ghé một bên mép giường , cúi mặt xuống ra chiều bối rối , hai tay mân mê tà áo.
Tuy đã lên giường , nhưng Lê văn Thanh còn mắc cỡ nằm quay mặt vào vách đất , làm thinh, miệng cứ nhai trầu không ngớt. Một lát khá lâu , chàng cất tiếng nói , nhưng không dám ngoảnh mặt ra ngó cô vợ mới cưới :
- Cô Ba không cởi áo đi nằm , kẻo mệt ! Khuya rồi... bây giờ là giờ... Tý...
Nàng khẽ đáp : "dạ" nhưng không dám cởi áo , cứ để nguyên ba lớp áo hàng mầu , nằm ghé xuống bên lề giường.
Rồi mạnh ai nấy ngủ.
Gà gáy hết canh năm ( vào khoảng 5 giờ sáng ) , chàng chợt tỉnh dậy, thấy vợ nằm sát cạnh giường sắp té xuống đất , mới nằm lại gần nàng , nắm tay lung lay :
- Cô Ba... cô Ba... nằm xít vô , kẻo té... nằm xít vô...
Nàng vẫn nhắm mắt như ngủ mê , nhưng cũng nghe lời chàng , nằm xít vào một tí , một tí thôi. Chàng hồi hộp sung sướng , khẽ đặt bàn tay lên cánh tay cô vợ trẻ mà chàng nhìn thấy xinh đẹp như nàng Tiên giáng thế...
Lê văn Thanh hồi hộp khẽ đặt bàn tay lên cánh tay áo hàng mầu lục của cô vợ trẻ... cô Ba để yên , không nói gì nhưng khi chàng bạo tay hơn một tí , khẽ đưa bàn tay dần dần lên ngực cô , thì cô Ba hất tay ra , rồi co cánh tay của cô lên để che ngực , mặc dầu cô đã mặc ba lớp áo hàng mầu , chưa kể áo cụt trắng ở trong cùng chiếc yếm đen của cô cột chặt vào cổ và lưng.
Thấy cô vợ mới cưới còn giữ gìn e lệ , Lê văn Thanh không dám làm ẩu , vội vàng rút bàn tay , nằm im phăng phắc.
Gà gáy lần thứ hai... rồi lần thứ ba , vào khoảng 6 giờ sáng. Trong cảnh vật còn mơ màng lặng lẽ , mọi vật như còn ngái ngủ , tuy trời đã hừng sáng , tiếng kèn rạng đông ở trại lính khố xanh bổng vang lên thánh thót , cả tỉnh thành đều nghe :
tò te tí tò tí te
tí tò tí te, tí tò te tí
te tò te tí , tò tí te
tí tò tí te , tí tò tò te...
Cô Nguyễn thị Hợi vội vàng ngồi dậy , không nói năng một lời , ra mờ cửa buồng , đi thẳng xuống bếp. Cô đến chum nước lạnh , lấy gáo dừa múc một gáo nước , trút nước ra bàn tay đưa lên rửa mặt. Rửa xong , cô đưa vạt áo dài lên lau. Cô hớp một hớp nước để súc miệng. Lúc bấy giờ không có thuốc đánh răng. Vả lại , răng các bà , các cô đã nhuộm đen ( cả một số đàn ông theo Nho giáo cũng nhuộm răng đen ) thì làm sao đánh răng được ?
Trái lại , lâu lâu cách năm bảy tháng , cô Nguyễn thị Hợi còn phải nhuộm lại hàm răng cho đen thêm , đen ánh như hột mãng cầu ( tiếng bắc : hạt na ). Trong mấy ngày nhuộm răng , để cho thuốc nhuộm thật khô , cô Ba Hợi phải nhịn ăn các đồ nóng và các đồ cứng rắn , chỉ ăn cơm nguội hoặc cháo nguội , và các món ăn mềm.
Cô Ba Hợi -- từ nay người ta gọi là cô Ký Thanh -- vào nhúm bếp nấu nước sôi để pha trà. Thầy Ký đã thức dậy , ngồi ghế tràng kỷ ở nhà trên , uống trà với ông Hương Cả , thân phụ của chàng.
Tội nghiệp cho chàng thanh niên mới cưới vợ ! Đêm tân hôn đáng lẽ là đêm thơ mộng xiết bao , là đêm tràn trề hạnh phúc của tình yêu son trẻ , mà sau khi làm lễ hợp cẩn với vợ , chàng vẫn chưa được gần vợ , bởi cô còn quá thẹn thuồng chua dám gần chàng ! Cho đến đêm thứ hai , nàng vẫn còn xa cách... chàng phải rủ rĩ bên tai nàng vài câu chuyện bâng quơ,gợi nói chuyện sao cho nàng mỉm cười , nàng vui vẻ , bạo dạn , hết còn bẽn-lẽn , sợ sệt như đêm đầu. Ký Thanh không quên xử dụng vài câu chữ Nho trong các sách Khổng giáo để quyến dụ người đẹp đêm tân hôn. Chống tay trên chiếc gối gỗ , nửa nằm nửa ngồi khép nép bên lề giường , chàng run đùi khẻ nói , cố gắng giọng hùng hồ như Thầy Đồ dạy học :
- Đức Thánh , Ngài nói rằng :"Thiên hạ chi đạt đạo ngũ viết quân thần giã , phụ tử giã , phu phụ giã , môn đệ giã , bằng hữu chi giao giã , ngũ giã , thiên hạ chi đạt đạo gĩa... " ( ở đời có 5 đạo : đạo vua tôi , đạo cha con, đạo vợ chồng , đạo anh em , đạo bạn bè giao hảo : ấy là 5 đạo thiên hạ phải thực hành ). Tôi tự xét tôi đi làm việc Nhà Nước , ấy là tôi đạt được quân thần chi đạo. Tôi ăn ở có hiếu với cha, ấy là tôi đạt được phụ tử chi đạo... Nay tôi đã gá nghiã cùng cô Ba , thì tôi trộm xét cái thân bảy thước này không đến nổi vô ích với đời , tôi đã thành đạt cái nam nhi chi khí. Tôi thương cô Ba bao nhiêu , tôi lại nhớ câu trong Kinh Thi bấy nhiêu : "thê tử hảo hợp , như cổ sắt sắc cầm , nghi nhĩ thất gia lạc nhĩ thê noa... Phụ mẫu kỷ thuận hỹ hồ" (vợ con hoà hợp như tiếng đàn sắt đàn cầm, nhà cửa đoàn tụ vợ con vui vẻ... cha mẹ được hoan hỷ lắm thay... )
Ký Thanh ngâm mấy câu sách Nho , khoái chí gật đầu , rồi cao hứng xổ một mớ tiếng tây ba rọi :
- Tục ngữ An Nam mình nói : "Thuận vợ thuân chồng , tát biển đông cũng cạn". Tây thì nói "Unis la femme et le mari , puisser de l eau... dans le mer de l Est... est vidé aussi... ".
Thanh vừa nói vừa nhai trầu mỏm mẻm , vừa cười tủm tỉm. Chàng nuốt nước trầu một cách ngon lành, trong lúc cô Ba ngồi nghe như vịt nghe sấm , thầm phục ông chồng tài hoa cùa cô . Chàng khẻ bảo :
- Cô Ba nằm xuống nghỉ , kẻo khuya rồi , cô Ba . Đã quá giờ Tý rồi đó.
- Dạ thầy ngủ trước đi.
Lê văn Thanh nằm xuống giả vờ ngủ và ngáy khò khò... Chàng chỉ giả vờ thôi , sự thực thì chàng vẫn thức , để rình lúc cô Ba ngủ.
Một lúc sau , cô Ba đứng dậy nhẹ nhàng , cởi áo dài ra , chỉ còn mặc áo cụt trắng. Cô nằm xuống , nhưng vẫn nằm riêng bên lề giường. Cô không dám đụng chạm vào da thịt người đàn ông , chồng của cô . Một lúc khá lâu , cô nghe ở nhà trên , nhà cầu , nhà bếp , ngoài hè toàn những tiếng ngáy của những người đã ngủ say , mệt mỏi. Trên đất , tiếng thằn lằn chặc lưởi. Tiếng ếch nhái kêu ột... uệch... ngoài sân..Cô nằm lim dim một lúc , không cựa quậy. Thanh tưởng cô đã ngủ rồi , mới len lén nằm kề bên cô.
Chàng khẻ đặt mũi lên đôi má âm ấm của nàng mịn và thơm như hai cánh hoa đào , chàng say sưa hít liên tiếp hai ba hơi. Đó là những nụ hôn đầu tiên của cặp thanh niên âu yếm hồi đầu thế kỷ này. Nàng làm bộ ngủ mê để chàng muốn làm gì thì làm. Đêm nay, nàng không chống cự , từ chối một tí gì cả.
Một buổi sáng , trong lúc Ký Thanh ngồi uống nước trà trên tràng kỷ với ông Hương Cả , ông bảo chàng :
- Tiệc cưới của con , tất cả bà con cô bác trong tỉnh ai cũng có tới dự vui vẻ. Nhưng cha không thấy mặt chú thợ Ba , cha thằng Chuột. Tại sao vậy kìa ?
- Chú thợ mộc ấy không ưa nhà mình.
- Cha nghĩ chắc rằng có lẽ thằng Chuột được Nhà Nước cho học bổng đi học trường Quốc Học ở Huế , nên chi chú thợ Ba làm phách , không thèm tới dự tiệc cưới của con đó.
Ký Thanh nổi giận :
- Tiệc cưới của con , trên có cụ Sứ , cụ Phó Sứ , cụ Tuần , dưới có làng xã đông đủ hết , như vậy đã danh giá biết bao. Chú thợ Ba làm phách với ai , chớ làm phách với nhà mình sao được ?
- Chắc có lẽ chú ỷ thằng Chuột học giỏi hơn con ?
Ký Thanh làm thinh , ganh ghét thằng Chuột nhưng không làm sao được.
Ông Hương Cả đoán như có phần đúng hẳn. Thằng Chuột -- từ nay chúng ta gọi tên chính thức của chính nó là Trần Anh Tuấn -- đã cắp vỡ đi học trường Nhà Nước sớm hơn Lê văn Thanh hai năm. Các bạn còn nhớ hồi đó nó mới 8 tuổi chưa biết mặc áo quần , vì thầy giáo quen với cha nó , doạ nạt nếu nó không đi học trường Nhà Nước thì cha mẹ nó sẽ bị quan tây bỏ tù , cho nên nó phải cắp vở đi học A, B,C...
Hai năm sau , Lê văn Thanh nhờ thằng Chuột dạy lại A, B , C... cho chàng , rồi chàng xin vào học lớp Năm "Trường Nhà Nước" , thì giờ bà con trong tỉnh và ở cửa Bắc , không gọi nó là thằng Chuột nữa , mà gọi nó đỗ bằng "ri-me" , vì Trần Anh Tuấn là người học trò đầu tiên ở cửa Bắc học chữ tây đã thi đổ cấp bằng ấy. Đáng lý ra , Tuấn được danh vị mới là "Tân Học Khoá Sanh ". Nhưng theo lệ làng đã có từ thời Nho học , người nào thi đỗ một cấp bằng mới , được chức mới , phải giết bò giết heo "khao làng" ( đãi làng ) thì dân chúng trong làng cũng như trong tỉnh , mới chính thức gọi kẻ tân khoa bằng chức vị mới. Không phải thi đỗ Tú Tài , Cử Nhân là được người ta gọi "ông Tú ", "ông Cử" đâu. Phải làm tiệc khao làng , đãi toàn thể dân làng ăn uống rồi mới được dân làng gọi "ông Tú ", "ông Cử". Tục lệ "xôi thịt" ấy có từ thời khoa cử cựu học , thời đại phong kiến của chế độ quân chủ , vẫn cứ duy trì với trào lưu tân học.
Vì Tuấn con nhà nghèo , gia đình chú thợ mộc không có tiền để khao làng xã , cho nên Trần Anh Tuấn thi đỗ "ri-me" , vẫn bị dân làng gọi là "trò Chuột" , chớ không ai gọi là "cậu Khoá". Vả lại , Tuấn, mới 12 tuổi , nên bị coi như là con nít , không được người ta trọng vọng.
Trái lại , hai năm sau Tuấn , Lê văn Thanh thi đỗ bằng "ri-me", nhờ nhà nước hạ lệnh "đón rước tân khoa" và nhờ ông Xã Quý giết bò , giết heo , để đãi làng ăn uống phủ phê suốt hai ba ngày , cho nên Thanh được dân làng tâng bốc. Kế đó , Thanh được bổ làm thông ngôn ký lục ở toà Sứ , lại khao lần nữa , mới được làng gọi là thầy "Ký".
Trần anh Tuấn , con chú thợ mộc , nghèo , không có ruộng đất , tuy học giỏi hơn Thanh , thi đỗ sớm hơn Thanh hai năm , và được nhà nước bảo hộ cấp học bổng cho đi học trường Quốc Học ở Huế , vẫn cứ bị làng xã gọi là "trò Chuột" , cái tên ấy không vinh dự tí nào.
Chính ông Hương Cả cũng khinh miệt thằng Chuột là con nít và coi rẻ chú thợ mộc là dân nghèo. Tức giận vì sự cách biệt khinh khi ấy , nhưng hãnh diện vì con mình được đi học ở Huế , sẽ đỗ đạt cao hơn và sẽ làm chức tước lớn hơn , nên cha "trò Chuột" không thèm đến dự tiệc cưới, nhưng chú thợ mộc Ba cũng đến mừng xã giao ông Hương Cả và " thầy Ký ". Chú mặc bộ quần áo vải ta , thứ vải thô sơ rẽ tiền nhất do người trong xóm dệt bán , mà chú thường mặc thường ngày , một chiếc khăn vắt vai , chú đi lửng thửng đến nhà ông Hương Cả. Trong câu chuyện bãi buôi, ông Hương Cả mời chú Ba thợ mộc ăn trầu , rồi hỏi :
- Thằng Chuột bây giờ học lên lớp mấy , chú Ba ?
- Dạ , thưa ông Cả , nó mới học lớp đệ nhị niên.
- Mấy năm nữa mới thi lận ?
- Dạ thưa , nó nói còn hai năm , đệ tam niên , đệ tứ niên , rồi thi đít-lôm.
- Tôi cũng muốn cho thằng Ký ra Huế học đít-lôm , nhưng cụ Sứ thương nó , biểu nó đi làm việc ở toà , nên nó vâng lệnh cụ Sứ... Thiệt cụ Sứ thương thằng Ký lắm... Cụ khen nó giỏi chữ Tây.
- Dạ , thưa ông Hương Cả , bửa trước tôi cũng tính đến mừng thầy Ký , nhưng tôi nghe nói cụ Sứ tới , tôi sợ cụ Sứ , nên tôi không dám đến.
- Cụ Sứ thương thằng Ký , cụ mới tới dự tiệc cưới của nó , chớ đời nào cụ tới nhà An Nam. Có bà lớn Sứ nữa. Cụ lớn ông và cụ lớn bà đều có bắt tay "bỏ sua" (bonjour) tôi.
- Dạ , tôi có nghe nói .
-Sao chú không cho thằng Chuột đi làm việc như thằng Ký của tôi , có phải danh giá không ! Nhà chú nghèo mà cho nó đi học Quốc Học ở Huế làm chi vậy ? Chữ tây khó lắm , thằng Chuột nó còn nhỏ nó học sao nổi ?
- Dạ thưa ông Cả , cũng vì con tôi còn nhỏ tuổi , nên ra làm việc sao được. Với lại, nó có học bổng của Nhà Nước , chớ tôi làm gì có tiền cho nó đi Huế... Ôi , thưa ông, tôi để thây kệ nó , nó muốn học gì thì nó học. Phận tôi nghèo hèn dốt nát , tôi đâu dám nghĩ chuyện cao xa...
- Ừ , chú nói phải , châu chấu đá voi sao nổi.
Chú thợ mộc nói qua loa vài câu chuyện nữa , rồi đứng dậy lễ phép xin cáo từ. Bề ngoài , cha "trò Chuột" làm ra vẻ khiêm nhường , ti tiện trước mặt ông Hương Cả, nhưng trong thâm tâm chú cười thầm , tự bảo : "Hai năm nữa , thằng Chuột thi đậu bằng đít lôm, rồi hai cha con ông sẽ biết hai cha con tôi."