Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 10
Chương 10
Huế, nơi đế đô phong kiến nhất và thủ cựu nhất Việt Nam, lại chính là trung tâm điểm của các phong trào cách mạng sôi nổi nhất của thanh niên.
Trần anh Tuấn, cậu học trò con nít từ tỉnh ra học trường Quốc Học Huế, niên khóa
1915-1916, mấy tháng đầu còn ngơ ngác giữa cảnh hoa lệ hùng vĩ của đế đô, không dè rơi nhằm vào một địa điểm bí mật nhất của lịch sử. Vị chúa thượng, ngự trị trên đất này, chính là một chàng thanh niên mảnh khảnh chỉ hơn Tuấn 4 tuổi, là DUY-TÂN hoàng đế.
Ông chủ chiếc ghe bầu đưa Tuấn từ Thu Xà ra Hội An, có lòng thương mến Tuấn và viết thư gửi gấm Tuấn cho thầy thông Vinh, một người cháu gọi ông bằng cậu, làm việc ở ga xe lửa Huế.
Sự thực, với ông chủ ghe có đứa con gái 10 tuổi, vẫn đi theo ghe với. Trông thấy Tuấn là cậu học trò tuy con nhà nghèo mặt mũi khôi ngô, tính nết hiền lành, mới 12 tuổi mà học giỏi, chỉ học mấy năm nữa là đỗ đạt thành tài. Ông mong sẽ gã con gái ông cho Tuấn sau này. Ông cho Tuấn tiền và quần áo và viết một bức thư bằng chữ Nho dặn Tuấn ra đến ga xe lửa thì tìm thầy thông Vinh ở tại ga trao thư cho thầy.
Vì lời giới thiệu ấy mà thầy Thông Vinh ân cần đón tiếp Tuấn và đưa Tuấn về ở trọ nhà thầy, tại Bến Ngự, gần Ga . Tuấn có học bổng của ông Công Sứ tỉnh nhà đáng lẽ được ở nội trú, nhưng thầy Thông Vinh xin với ông Đốc học cho Tuấn ở nhà thầy để được gần gũi săn sóc cậu học trò còn niên thiếu, lại xa nhà, xa cha mẹ.
Tuấn ở nhà thầy Vinh ngày hai buổi đi bộ đến trường Quốc học, cách đấy không xa . Những ngày chủ nhật, nghỉ học, Tuấn được thầy Vinh cho nghe nhiều chuyện rất hay ở Huế, nhất là những chuyện thông minh phi thường của Vua Duy Tân 16 tuổi. Thầy Vinh, cũng như hầu hết những người ở Huế, đều kính phục Vua Duy Tân như một bậc thần đồng, lại đăng ngôi Thiên tử. Mỗi lần nói chuyện là thầy thích nói chuyện vua Duy Tân, những mẩu chuyện lặt vặt trong thâm cung của Hoàng Đế, không biết do ai lén lút truyền khẩu ra ngoài, àm hầu hết người ngoài đều biết rõ, nhất là trong đám học sinh. Tất cả thanh niên ở Huế, hồi đó, đều khâm phục vị Hoàng đế trẻ tuổi, vị Hoàng đế của thanh niên.
Nghe riết chuyện vua Duy Tân, rồi cậu học sinh Trần anh Tuấn đâm ra mê vua Duy Tân, ngày đêm cứ ao ước làm sao trông thấy long nhan của Ngài...
Một đêm vào khoảng 7 giờ, cung điện vua Duy Tân và tất cả Thành Nội Huế đang thắp đèn điện sáng choang, bổng nhiên bị chìm trong bóng tối đen mò. Các ông Hoàng bà Chúa trong Cung, Thượng thơ các Bộ, binh lính khố vàng, khố xanh đều hoảng hốt, lật đật thi hành những biện pháp đề phòng chuyện bất trắc. Ngoài thành phố dân chúng xôn xao lo ngại , nhưng chỉ một lúc thôi, rồi khoảng 8 giờ, đèn điện trong Nội lại bật lên sáng trưng như mọi đêm. Ai nấy đều vui mừng, yên ổn. Hai hôm sau, dư luận trong thành phố đồn đải về vụ đèn điện tắt như sau đây.
Trong Thành Nội có một nhà máy điện nhỏ và riêng biệt để lấy điện thắp riêng trong cung cấm và hoàng thành. Nhà máy điện do kỹ sư Pháp trông nom, tên là Paul Eberhart, ông này cũng là thầy dạy Pháp văn và cách trí cho Vua Duy Tân. Vua Duy Tân lúc bấy giờ chỉ có 16 tuổi, mà tỏ ra một chàng thanh niên rất ham học, và một trí óc thông minh phi thường, lại ưa chơi nghịch.
7 Giờ tối hôm ấy, ông Eberhart đã về nhà. Vua Duy Tân ngự xuống nhà máy đèn xem chơi, rồi thừa lúc không ai để ý, Ngài lén lấy kềm tháo một chiếc bù-lon nho nhỏ trong guồng máy, và bỏ nó vào một thùng nước kê gần đấy. Ngài làm công việc "phá hoại" ấy rất nhẹ nhàng và mau lẹ, vài ba người lính gác và thợ thuyền không ai trông thấy. Bỗng dưng máy điện ngưng chạy và đèn điện tắt hết. Vua Duy Tân cười tủm tỉm thong thả trở về Cung. Ngài truyền gọi ông Eberhart đến gấp, để thử tài ông này một phen. Viên kỹ sư Pháp, cử nhân khoa học, vừa là thẩy học của Ngài, cuống quít, lo sợ, không hiều vì sao máy điện trong hoàng thành đang chạy ngon trớn bỗng dưng lại hư.
Vua Duy Tân bảo : "ông phải sửa máy gấp rút lên nhé ! Đừng để cung điện của Trẩm không có ánh sáng như thế này !" Ông Eberhart chạy xuống nhà máy điện, cầm đèn bạch lạp đi rọi xem hết các máy móc. Ông rất thắc mắc không hiểu nguyên do vì sao máy không chạy. Ông lui cui gần một tiếng đồng hồ, xem xét từng bộ phận không tìm ra máy hư chổ nào. Bổng nghe tiếng Vua Duy-Tân đến. Bốn tên lính cận vệ cầm bốn đèn lồng theo hầu Ngài. Vị Hoàng đế thiếu niên hỏi : "Ông Eberhart, ông không làm sao cho máy chạy được ư ?... " Giáo sư lính quýnh đáp : "Tâu Bệ Ha... tôi chưa tìm ra... chổ máy hỏng." Vua Duy-Tân mỉm cười : "Ông cho phép Trẩm tìm giúp với ông nhé ? " Giáo sư Eberhart kính cẩn kêu lên : "Ơ, tâu bệ hạ, ngài sẽ bị dầu mỡ dính nhớp tay Ngài... " "Không hề chi ", vua Duy-Tân đáp. Thế rồi, trước cặp mắt kinh ngạc của ông giáo sư cử nhân khoa học, cậu học trò hoàng đế 16 tuổi thò tay vào thùng nước, lấy ra một cái bù-lon, đem gắn vào buồng máy, lấy kềm vặn chặt lại. Ngài tủm tỉm cười : "Trẩm tưởng bây giờ máy có thể chạy được rồi " . Quả nhiên máy chạy... Và đèn điện sáng rực trở lại.
Giai thoại trên kia, có chổ đáng ngờ, thực hư thế nào chúng ta không thể nào minh xác được.Nhưng chắc chắn là đúng một phần nào, vì hai hôm, sau đêm đèn điện vụt tắt trong dân chúng, khắp kinh đô Huế ai mà không biết, và không ai là không tin.
Trần anh Tuấn ở trường Quốc học đã được các bạn cùng lớp kể chuyện ấy trong giờ chơi ngoài sân trường, về nhà lại được thầy thông Vinh cũng thuật lại đầu đuôi đúng y như thế, và còn... hay hơn thế nữa. Thầy kết luận : Vua Duy-Tân thông minh lạ thường. Vua Duy-Tân học một biết mười, Ngài thông hiểu cả máy điện, Ngài hiểu còn hơn Tây nữa ! Vua Duy-Tân có kém gì Tây đâu !
Trần anh Tuấn lại lấy ra một quyển vở đưa thầy thông Vinh xem. Lần này, chính Tuấn hãnh diện, là đã chép được một bài thơ bằng chữ Pháp, mà một thầy trợ giáo ở lớp Nhất có cho học trò học, bảo tác giả chính là Vua Duy-Tân.
Bài thơ nhan đề :
" Nocturne, sur la Rivière des Parfums ". Có thể dịch là "Hương Giang dạ khúc".
Bài thơ có 20 câu, chép vừa một trang vở, tuyệt hay, tuyệt đẹp, đọc lên nghe rất du dương, rất buồn, thích hợp với tâm hồn một thanh niên mơ mộng ở xứ Huế.
Thầy Vinh và cậu Trần anh Tuấn cùng nhau ngâm nga nhịp nhàng say sưa :
La barque obéit , endormie
Aux coups réguliers du rameur,
Mon âme tressaille , meurtrie
Au coup de la vie dans mon coeur ,
Et mon âme vogue , alanguie
Au rythme alenti de mon coeur,
Et la barque vogue , alentie
Au rythme alangui du rameur
( Etc.. )
Dịch :
Thuyền to thiu thiu ngủ , lênh đênh
Theo nhịp mái chèo bơi êm ái
Tâm hồn ta rên rỉ , buồn tênh ,
Theo cơn sóng trần duyên tê tái
Hồn ta bơi lướt qua , buồn tênh
Trên lớp sóng trần , duyên tê tái
Thuyền ta bơi lướt qua , lênh đênh
Theo nhịp mái chèo bơi êm ái.
... v.v...
Bài thơ diễm tuyệt đó , có phải thật của vua Duy-Tân làm ra không ? 16 tuổi , tâm hồn của nhà vua đã tế nhị đến thế ư ? 16 tuổi nhà vua đã giỏi Pháp văn đến thế ư ?
Tác giả bài thơ chỉ ký có ba mẫu tự F.G.H. Nhưng hầu hết các thầy trợ giáo ở trường Quốc Học Huế , và các thầy làm việc các sở nhà nước đều đồng thanh nói F.G.H chính là vua Duy-Tân. Ai nghi ngờ là không phải của vua Duy-Tân thì các thầy tức lắm , nhất định cãi lại cho kỳ được. Bởi vì vua Duy-Tân không phải là một thanh niên tầm thường như các thanh niên khác. Ngài là một vì Thiên Tử , Ngài là một vị Thần Thánh. Ngài là khí thiêng nung đúc cả giòng dõi Tiên Rồng.
Trần anh Tuấn , cậu thiếu niên 12 tuổi , năm 1915, được may mắn học tiếng Pháp từ thuở bé , đã bắt đầu ưa chuộng văn chương Pháp , thích lịch sử Pháp , phục khoa học Pháp nhưng sống giữa cố đô Huế trong không khí sùng bái vua Duy Tân , một vị Hoàng Đế thanh niên chỉ lớn hơn cậu 4 tuổi , làm cậu nhiệt liệt hoan hô vua Duy-Tân , mê vua Duy-Tân , chỉ thích nghe chuyện và nói chuyện về vua Duy-Tân... cũng như hầu hết thanh niên lúc bấy giờ , nhất là ở Trung Kỳ... Cho đến tháng năm 1916 , sắp sửa được nghỉ hè thì ngay kinh đô Huế xẩy ra vụ vua Duy-Tân bỏ cung điện một đêm tối trời , thoát ly ra ngoại thành để chỉ huy cuộc khởi nghĩa đánh Tây. Trần anh Tuấn , cũng như toàn thể thanh niên học sinh trường Quốc học nghe tin ấy như một tiếng sét đánh bên tai.
Mấy ngày đầu , người Pháp ở tại Huế muốn dấu kín vụ này không cho dân chúng trong thành phố và học sinh biết. Tuy số lính khố xanh và lính sơn đá ( lính sơn đá là soldat , lính Tây , phân biệt với lính Tập -khố xanh - của An Nam ) được tăng cường canh gác nhiều nơi , nhưng cuộc sống hàng ngày của đế đô Huế vẫn không thay đổi , như không có gì xảy ra . Học trò vẫn đi học , và đến trường các vị giáo sư Pháp cũng như các thầy trợ giáo An Nam , vẫn dạy học như thường lệ , không ai nói gì chạm tới "quốc sự".
Nhưng ngoài các giờ học , sau khi mãn lớp học , học trò về nhà lại được người nhà hoặc bà con hàng xóm , thầm thì về việc vua Duy-Tân khởi nghĩa đã bị tây bắt , giam ở đồn Mang Cá.
Thầy thông Vinh , trong lúc ngồi ăn cơm với Trần anh Tuấn trên bộ ván ngựa tong nhà , lặng lẽ trở đầu đũa viết trên chiếu "Cậu có nghe gì lạ không ? " Tuấn cũng trở đầu đũa viết đáp :" Dạ có ". Chỉ có thế thôi , rồi cả hai người ngó ra ngoài đường im lặng. Tự hôm đó , không những trong nhà thầy Vinh mà cả thành phố Huế không còn ai dám nói đến những giai thoại về vua Duy-Tân nữa. Cho đến bài thơ chữ Pháp Nocturne ( Hương Giang Dạ Khúc ) mà ai cũng nói là của vua Duy-Tân , bài thơ hoàn toàn mơ mộng , cũng không còn ai dám ngâm nga nữa.
Một hôm , gần ngày bãi trường nghỉ hè , chương trình niên khoá đã dạy hết rồi , một giáo sư Pháp lớp đệ Nhất niên của Tuấn lần đầu tiên đem vụ vua Duy-Tân ra nói cho học trò nghe. Ông mạt sát vị hoàng đế cách mạng , và chửi rủa Ngài :"Thằng con nít ấy nó tự cho mình là một Đại Hoàng Đế ! Nó dám chống lại nước Pháp , thì đấy , bây giờ nó đi ở tù ! " Trần anh Tuấn hầm hầm nét mặt , ngồi nghe , tức giận lắm. Đến giờ ra chơi , giáo sư và học sinh ra sân. Tuấn lén ở lại trong lớp , lấy phấn viết trên bảng đen hai câu thơ của Corneille trong kịch La Cid mà cả lớp đã học :
Je suis jeune, il est vrai , mais aux âmes bien nées,
La valeur n attend pas le nombre des années.
Dịch :
Tuổi ta trẻ nhưng hồn ta khảng khái
Giá trị người không đợi phải nhiều năm !
Ở dưới ký : Empereur Duy Tân ( Hoàng Đế Duy-Tân )
Hết giờ ra chơi , học trò vào lớp đông đủ. Viên giáo sư ban nãy cũng trở vào bàn của ông. Nhưng ông đỏ mặt , giận dữ , đọc hai câu thơ trên bảng đen , rồi hỏi :
- Ai viết đây ?
Trần anh Tuấn ngồi bàn dưới , can đảm giơ ngón tay lên. Giáo sư hằn học nhìn Tuấn :
- Mầy ngu như con lừa , mầy học trong sách nào đó rằng hai câu thơ kia của vua Duy-Tân?
Tuấn làm thinh. Viên giáo sư mắng tiếp :
- Tu es un mauvais esprit... Tu es partisan de Duy-Tân ? Attention à toi !
( Mầy là một đầu óc xấu xa... Mầy theo phe đảng của Duy-Tân hả ? Mầy liệu hồn nhé ! )
Cả lớp im lặng. Giáo sư Dubois đút tay trong túi quần đi qua đi lại trên kệ gỗ trước bảng đen. Ông đứng lại đột ngột , trừng mắt ngó Tuấn :
- Tao đi "xi-nha-lê " với ông Đốc học.
Ông chạy vụt ra cửa.
Trong giờ Sử ký Pháp , và là giờ chót của niên khoá 1915-16, chương trình học đã hết rồi , còn hai hôm nữa là nghỉ hè , học trò lớp đệ Nhất niên đang ngồi nghe một giáo sư Pháp kể chuyện Pháp- Đức chiến tranh... Ông công kích nước Đức thậm tệ , chửi nước Đức là một nước thù địch của cả Âu châu và thế giới , dân Đức là một giống người dã man , tàn bạo , cho nên các nước văn minh không gọi là Allemands , mà gọi là Boches , một danh từ khinh miệt , nguyền rủa... Rồi ông chê quân lính Boches đánh giặc thua Pháp , bị quân đội Pháp giết chết vô số. Ông khoe dân tộc Pháp anh hùng , ái quốc , nhưng vẫn bác ái , nhân đạo v.v...
Bổng có tiếng giày tây đi đọp đọp gần đến lớp Đệ Nhất niên... Giáo sư và cả học trò đã quen tiếng giầy của ông Đốc học Pháp. Đúng là của ông. Nét mặt hầm hầm , ông bước vào lớp. Giáo sư và toàn thể học trò đều đứng dậy. Ông bảo ngồi xuống. Bổng ông lớn tiếng hỏi :
- Đứa nào là Tra-an-Tu-an ?
Trần anh Tuấn tái mặt , đứng dậy. Ông đưa một ngón tay ngoắc Tuấn lên :
- Viens ! ( lên đây )
Cả lớp im phăng phắc , ai nấy đều sợ run , cúi mặt xuống bàn , không dám ngó nét mặt sắc đá của ông Directeur ( Đốc học ). Tuấn rụt rè dưới bàn bước lên đứng trước mặt ông. Ông trợn trắng đôi mắt dữ tợn nhìn Tuấn :
- Mày là phe đảng của Duy Tân phải không ? Hả ?
Tuấn bối rối không kịp trả lời thì bị Ông đưa bàn tay đầy lông đen xì đánh vào má Tuấn một cái tát nẩy lửa. Tuấn xiểng liểng muốn ngã.
Ông directeur chỉ vào mặt Tuấn :
- Mầy coi chừng ! Nếu mầy nghe lời dụ dỗ của tụi côn đồ , tao sẽ cho mầy đi ở nhà pha
(ở tù) , mầy nghe không ? Tao sẽ viết thư cho ông Công Sứ tỉnh mầy để báo cho ông ấy biết rằng mầy là một cái đầu óc xấu xa ( un mauvais esprit - có tư tưởng chống Pháp).
Ông đuổi Trần anh Tuấn xuống chỗ ngồi. Xong ông diễn thuyết một hồi cho cả lớp nghe :
- Tụi mầy biết Duy-Tân là ai không ? Nó là một thằng con nít ranh , một nhãi con kém giáo dục. Nó nhờ nước Pháp đặt nó lên chiếc ngai vàng của ông bà nó, thế mà nó không biết ơn nước Pháp , nó toan làm giặc đánh lại nước Pháp...
Ông nói nhiều lắm , nhiều lắm. Ông chửi hoàng đế Duy-Tân rồi kể công ơn nước Pháp, ông khoe nước Pháp là nhân đạo , là bác ái , là bình đẵng là một trong những nước văn minh bậc nhất trên hoàn cầu v.v...
Học trò ngồi im lặng , cúi đầu nghe. Vừa có trống trường đánh một hồi "Thùng thùng thùng thùng... " , mãn buổi học sáng ,11 giờ. Ông còn dừng lại , nói ráng thêm mấy câu hùng hổ, rồi bước ra đi. Cả lớp đứng dậy chào ông.
Ông giáo sư chỉ mặt Trần anh Tuấn :
- Mầy đã hiểu bài học ấy chưa ?
Tuấn làm thinh. Ra về , có năm bảy trò cùng lớp đi theo bên cạnh Tuấn , nói nhỏ bên tai như an ủi Tuấn một phần nào :
- Mầy đừng sợ. Ông directeur doạ mày đó , chứ ông không gửi thư cho ông Công sứ tỉnh mày đâu. Ông không bỏ tù mày đâu.
Nhưng đa số học sinh khác trong lớp Đệ Nhất Niên , bạn thân hay không thân của Tuấn , đều lánh xa , sợ đến nỗi không dám đi gần Tuấn , sợ ông directeur để ý , sợ nói chuyện với Tuấn sẽ bị liên can , sợ sẽ đi ở tù , sợ , sợ ... không biết sợ cái gì nữa.
Xét ra tinh thần thanh niên Việt Nam -- lấy thanh niên học sinh và trí thức làm điển hình , vì thời bấy giờ , chỉ có lớp thanh niên học sinh và trí thức là đáng chú ý hơn cả , -- thì có thể chia làm ba hạng , ở Trung Kỳ , cũng như ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.
Một hạng , thiểu số như Trần anh Tuấn , cũng học chữ Pháp , hấp thụ say mê văn hoá Pháp , khâm phục văn minh khoa học rất kỳ tài của Pháp , nhưng lòng ham mến và kính phục ấy không bao giờ đè át được tinh thần bất khuất truyền thống của giống nòi. Tuấn , con trai một anh dân nghèo , làm thợ mộc, được theo đòi văn hoá Pháp , nói tiếng Tây đã thông thạo , viết chữ Tây đã trôi chảy , đọc sách Tây đã nghiền ngấm say sưa , thế mà chỉ một hình ảnh của vua Duy-Tân đã in sâu vào đầu óc , chí khí quật cường của vị hoàng đế còn nhỏ tuổi , đủ gợi dậy truyền thống Dân Tộc trong dòng máu , trong tư tưởng , thế cũng đủ thấy rằng tinh thần dân tộc là yếu tố bất diệt của Lịch sử , bất cứ ở thời đại nào.
Nhưng trong thời kỳ người Pháp mới đô hộ xứ ta , nói rõ hơn là từ năm 1900 đến 1924-1925 , hạng thanh niên ái quốc có tinh thần dân tộc , học sinh như Trần anh Tuấn , công chức như thầy thông Vinh ở sở Hoả Xa , hãy còn ít lắm , ít lắm...
Trái lại , đông nhất là hạng thanh niên ham danh vọng , ham chức tước , thích phẫm hàm , theo Tây, lạy Tây , bợ đỡ Tây , " liếm gót giầy cho Tây " , suy tôn Tây là bậc "thầy Đại Pháp " , là bậc "Quý Quan" , "Quý Mẫu Quốc" -- Nước Mẹ -- Hoặc là hạng thanh niên nhút nhát , sợ chuyện "Quốc Sự" , sợ bỏ tù , chỉ lo sống yên thân , ngày hai buổi đi học hay " làm việc nhà nước ", sáng xách ô đi , tối xách về. Hai hạng thanh niên trên chiếm đại đa số trong nhân dân.
Cho nên , vụ vua DuyTân hồi tháng 5 năm 1916, ngay thời bấy giờ không có một tiếng vang sâu rộng. Cũng như các vụ Phan đình Phùng , Hàm Nghi v.v... ngay sau thời gian đã trôi qua . Lịch sử đã lắng xuống , các nhà viết sử mới bắt đầu tham khảo biên chép , chúng ta mới đọc lại được những đoạn sử oanh liệt trước đây năm sáu chục năm. Chớ ngay hồi đó , lúc xảy ra các vụ quan trọng của Lịch Sử nào ai dám viết công khai ? Dám in thành sách ? Dám nói ? Dám bàn tán , phê bình ? Tất cả đều ngậm câm , kín mồm kín miệng , nào ai dám hở môi ? Từ trên xuống dưới , từ Triều Đình đến Hương Thôn , đều im lặng. Không khác gì dưới thời Neron của La Mã , một nhà thơ chỉ thở ra ba tiếng : "Roma Vasta Silentio ! " ( La Mã mênh mông im lặng ). Họ sợ gì dữ vậy ?Thì đây , vua Duy-Tân bị tây bắt , bị giam trong đồn Mang Cá , rồi bị đưa xuống tàu thủy của Pháp đi Ô Cấp ( Vũng Tàu ) để gặp vua Thành Thái đang bị giam lỏng tạm tại đây , rồi vua Duy-Tân bị đảy ra đảo La Réunion , thuộc địa Pháp ở gần Madagascar, Phi Châu.