Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 12
Chương 12
1916
-Người Pháp mộ lính sang Pháp đánh giặc Đức.
-Áp-phích Rồng Nam phun bạc của Phạm Quỳnh
-Một vụ ăn hối lộ đầu tiên của công chức làm việc cho Tây
-Có người ăn hối lộ và người bị hối lộ đều làm tiệc ăn mừng
-Ba chàng trai tráng tình nguyện đi lính qua Tây, kỳ Đệ Nhất Thế Chiến 1914-1918
-Ông Ách đi Tây về
-Đồng tiền kẻm của Vua An Nam. Đồng xu và đồng bạc của Bảo Hộ Pháp .
-Lính "Phú lít" An Nam. (Cảnh sát)
Tuấn đang học lại bài , nằm trên chiếc chiếu trải ngoài vườn , bên gốc cây mít. Lá mít rụng đầy chung quanh , lá úa đỏ. Trời vừa chạng vạng. Một con chim chìa vôi bay đậu trên sân , nhẩy hai ba bước , đuôi dựng lên , y như chiếc chìa vôi cắm trong miệng bình vôi. Gió mát. Tuy là cảnh phố phường , ở ngay tỉnh lỵ , mhưng yên lặng , vì không có tiếng xe , ít có tiếng người , không ồn ào náo nhiệt. Bổng con chó Vện nằm cạnh chân Tuấn sủa lên mấy tiếng. Tuấn ngó ra cổng. Chú Thập Điều từ ngoài bước vào , vừa đi vừa hỏi to :
- Có cậu Khoá ở nhà hông ?
Tuấn ngồi dậy lên tiếng :
- Gì đó chú Thập ?
- Chú với dượng gì ! Làng mời cậu ra đình , coi dùm tờ giấy của cụ Lớn trên tỉnh gởi về , bằng chữ Quốc ngữ. Không ai đọc được hết trọi hết trơn... Thầy Xã nói hoạ may có trò Chuột hiểu được cái thứ chữ đó , chớ ai mà hiểu. Thầy Xã sai tui vô mời trò ra coi giùm , gấp gấp !
Thím Ba từ trong nhà , bước ra sân , hỏi :
- Gì đó chú Thập ? Sao hổng vô nhà uống nước , ăn trầu đã ?
- Dạ thôi , thím Ba... Có việc gấp , thầy Xã biểu mời cậu Chuột ra đình coi giùm cái tờ giấy gì đó của tỉnh gởi về. Một tờ giấy in chữ Quốc ngữ thiệt lớn , có vẽ con Rồng...
Thím Ba gọi Tuấn :
- Con vô mặc áo dài , đi con.
- Dạ.
Đến đình làng , Tuấn đước mấy ông Hương chức niềm nở mời ngồi trên ghế tràng kỷ , và đưa "cậu Khoá" xem hai tờ giấy in to tướng. Một tờ in chữ quốc ngữ dầy đặc , có một tựa thật lớn và một giòng chữ Hán bên cạnh , nhan đề : "Trung Kỳ Bảo Hộ công báo" .
Một tờ in hình một con Rồng vàng phun những đồng bạc trắng , trên đầu bức vẽ có in hai giòng chữ quốc ngữ nét đậm màu đỏ : "Rồng Nam phun bạc , đánh đuổi Đức tặc".
( hai câu này của Phạm Quỳnh ở Hà Nội đặt ra .)
Tuấn đọc to lên cho cả làng nghe. Tờ "Trung Kỳ Bảo Hộ công báo " là một tờ báo của Toà Khâm Sứ ở Huế gởi đi các tỉnh , tỉnh gởi về Huyện , Huyện gởi về các làng. Tờ báo đăng tin Nhà nước bảo hộ Pháp-lang-sa đang đánh giặc với Đức , tức là nước Phổ-lô-si
( phiên âm chữ Prusse, Đức phiên âm chữ Deutsch ). Đức là một nước "dã man, tàn bạo", bị Pháp-lang-sa đánh thua liểng-xiểng , binh lính Đức chết vô số , có cả hàng ngàn , hàng vạn, v.v... Nhưng trận giặc còn lâu dài , cho nên "dân An Nam nhờ nước Pháp-lang-sa bảo hộ , phải quyên tiền và đem binh lính sang Pháp để đánh lũ giặc Đức mọi rợ... v.v... Quyên tiền bạc bằng cách mua "Phiếu Quốc Trái " , nghĩa là dân bỏ tiền ra mua Phiếu quốc trái , cũng như cho Nhà Nước Bảo Hộ vay , mỗi năm tính lời , v...v... Bức vẽ "Rồng Nam phun bạc" cổ động cho phiếu quốc trái , con Rồng "An Nam" phun bạc ra như thế để "đánh đuổi giặc Đức. Lúc bấy giờ Đức chiếm cứ cả miền Đông nước Pháp , gồm hai tỉnh Alsace - Lorraine , và hăm doạ tiến vào kinh đô Paris.
Dân làng, bất luận giàu , nghèo , đều phải góp tiền để mua Phiếu Quốc Trái. Hơn nữa , làng phải mộ dân tình nguyện đi lính sang Pháp để "đánh đuổi giặc Đức ".
Sự thật , không có dân nào tình nguyện cả. Sau cùng làng xã phải bắt ép hai cậu thanh niên khoẻ mạnh , gọi là tráng đinh. Một người tên là Năm Xin , con Bà Trác goá chồng , nhà nghèo xác nghèo xơ , "không có miếng đất để cắm dùi". Người nữa là chàng nho sĩ , học trò cũ của ông Tú Phong , bấy giờ thôi học , lo làm ruộng.
Hầu hết lớp "lính tình nguyện" nầy ở khắp xứ Trung Kỳ , cũng như ở Bắc Kỳ , Nam Kỳ đều là thanh niên nho học từ 21, 22 đến 24, 25 tuổi.
Phong trào mộ thanh niên đi tùng chinh sang "Mẫu Quốc" là một dịp cho các quan An Nam từ quan tỉnh xuống quan huyện , cho đến các ông hương , ông xã trong làng , đòi ăn hối lộ. Một số đông các ông này chơi ác , cứ nhè bắt bọn thanh niên trai tráng con nhà giàu , đi tùng chinh. Thế là các bậc cha mẹ phú hộ phải đem của tiền lo lót , cho con khỏi đi. Phải lo lót Xã một phần , lên lo lót Huyện một phần , rồi lo lót các cụ lớn trên tỉnh nữa. Về thực tế , phải nhìn nhận rằng các quan lại người Pháp không bao giờ ăn hối lộ trong vụ này , và họ hoàn toàn không biết một tí gì về cái thói hối lộ của quan An Nam.
Hối lộ gần như công khai. Nhà giàu đua nhau nhờ cậy chổ này chổ nọ , chạy chọt ông này ông kia , bán cả ruộng đất , nhất là con trai trưởng trong gia đình , khỏi bị bắt "tình nguyện" đi lính sang Pháp.
Thầy Ký Thanh nhờ làm thư ký Toà Sứ , cũng biết chụp cơ hội để làm giàu một vố lớn. Thầy biết trong xóm Cửa Bắc , có một ông nhà giàu , chủ một chiếc ghe bầu thường đậu ở bến Tàm Thương , và tháng nào cũng đi buôn nước mắm và muối ở miệt Phan Thiết. Ông này có ba con trai , mà người con trưởng đã có vợ , lại đỡ đần hết mọi việc gia đình cho ông , vì ông đã già yếu. Ký Thanh cho người mời ông đến nhà , để bảo với ông :
- Cụ Lớn Công Sứ biết ông có ba người con , nên cụ lớn biểu tôi làm giấy bắt cậu Hai đi lính sang Mẫu Quốc đánh giặc.
Chỉ một câu thế thôi. Thế là ông chủ ghe bầu thì-thầm , thì-thụt , khóc lóc năn nỉ thầy Ký, "tay chưn của cụ Sứ ". Suốt nửa tháng trời , hai cha con điều đình , vận động với thầy Ký. Rốt cuộc có kết quả mỹ-mãn : - sẽ không có giấy của "cụ Sứ " bắt cậu Hai đi lính. Một buổi tối ông chủ ghe bầu và con trai của ông , khăn đen áo dài , bưng đến nhà thầy con gà mái tơ , một con gà chai rượu , một cặp trà , hai chục trứng vịt , một quả nếp , một trăm quan tiền , và một nén vàng !
Ký Thanh khoe với vợ --Ba Hợi phu nhân , -- vợ nhoẻn miệng cười duyên :
- Đó là Thầy làm ơn làm phước cho người ta . Người ta đền ơn Thầy như vầy là ít đó.
Hôm chủ nhật , hai vợ chồng làm tiệc mời các bạn đồng liêu trong Toà Sứ đến ăn một bửa no say , nói là ngày giổ ông Nội.
Hai cha con ông chủ ghe bầu hú hồn hú vía ! Cha khỏi bị lìa con , con khỏi bị xa nhà , xa vợ , cũng lật đật làm bửa tiệc cúng Ông Bà và cúng cô hồn. Làng xã được mời đến dự tiệc, được một bửa say tuý-luý. Rốt cuộc ai cũng vui vẻ cả ! Chỉ có ông Sứ - cụ Lớn Sứ - hoàn toàn không biết một tí gì về vụ này , và không được ai mời uống rượu !
Trong làng sở tại của Trần anh Tuấn , lúc đầu tiên có hai người thanh niên khoẻ mạnh , gọi là tráng đinh , bị bắt "tình nguyện" tùng chinh sang Pháp. Sau, quan binh buộc làng phải bắt thêm một người nữa. Cả thảy là 3 người :
- Năm Xin , con bà Trác.
- Hai Ngoạn , con chú Đẹp.
- Hai Tạ , con ông Bằng.
Cả ba đều là nhà nghèo , nghèo rớt mồng tơi , nghèo sát đất , nghèo mạt tệ. Vì lớp thanh niên nhà giàu , hoặc nhà khá giả , hoặc con trai các vị hương chức , đều nhờ hối lộ , và nhờ có quyền thế , đã được miễn tùng chinh. Sót lại ba anh chàng này không có miếng đất cắm dùi , cho nên phải đi lính "tình nguyện" qua "mẫu quốc" đánh giặc "Phổ Lổ Sĩ ".
Nói là qua "mẫu quốc" đánh giặc , nhưng sự thật thì qua bên đó nhập vào một đơn vị gọi là "đoàn quân thuộc địa" chỉ dùng riêng vào việc vận tải lương thực ở hậu tuyến mà thôi. Một số bị bắt ra mặt trận , nhưng cũng chỉ là khiêng vác các khẩu súng lớn , đẩy các cổ đại bác và đào hầm trú ẩn. Chẳng có một người "lính thuộc địa" nào, nhất là lính "Tirailleurs Annamites" được cầm súng đánh giặc cả.
Gia đình của ba chàng thanh niên trong làng sở tại của Tuấn bị bắt đi tùng chinh bên Pháp đều có làm cơm cúng ông bà , và cúng ông Thần làng , trước hôm họ từ giã ra đi. Tội nghiệp nhứt là bà Trác. Bà khóc nức nở vì bà đã goá bụa , mà Năm Xin lại là con một của bà , "như hũ mắm treo giàn bí". Mấy ông hương chức bắt cậu đi tùng chinh qua Tây kể cũng thật là ác ! Họ chẳng thương hại cho hoàn cảnh của bà Trác một chút nào ! Nhưng Năm Xin nói với mẹ : "Mẹ đừng có lo , Nhờ Trời che chở cho con được bình an vô sự , con đi lính sẽ đóng lon Cai , lon Đội , con được hàm Bát Phẩm , Cửu Phẩm , rồi con về làng con được ăn trên ngồi trước , con sẽ bỏ tù hết cả làng cho mẹ coi ! "
Năm Xin không có học chữ Nho , dốt đặc như cán cuốc , cho nên chàng nói nôm na mánh qué như thế , vậy mà mấy ông làng nghe cũng hơi ơn ớn.
Hôm bà Trác mua một con gà giò về làm thịt nấu cháo để cúng ông bà , cậu Năm Xin có nằn -nì mẹ mua cho cậu một tiền rượu , trước là để cúng sau là để cậu uống một bửa cho thoả thích. Uống rượu say , cậu la hét một mình , cả làng xóm đều nghe : "Rồi coi chừng thằng Năm này , nghe không. Tao đi đánh giặc cho Vua nước Đại Pháp , biết đâu chừng Vua Đại Pháp thăng cho tao chức Lãnh binh , Thống chế , rồi tao sẽ cho bà con giòng họ tụi bay đi ở tù hết ! Nghe chưa tụi bay ? Đó là tao nhơn đức đó , không thì tao giết hết không còn một mạng à ! "
Năm Xin mượn hơi rượu để hăm doạ các ông Hương Xã , trước hôm y ra đi tùng chinh , thế mà đã có kết quả ngay ngày hôm sau . Lúc giờ Mẹo , chàng xách gói ra đi , cả làng cả xóm đều đến vuốt ve , dua nịnh , sốt sắng chúc chàng : "thượng lộ bình an ". Ai nấy cũng nghĩ thầm : "biết đâu chừng sau này hết giặc , nó sẽ trở về làm tới Lãnh binh , Thống chế !"
Hai vợ chồng ông Bằng , thì bà khóc nhưng ông không khóc. Vì Hai Tạ tuy cũng là con một trong gia đình , nhưng cậu ngỗ nghịch quá xá , lại cờ bạc rượu chè , bỏ nhà đi chơi luôn. Ông ghét nó lắm. Ông muốn thằng con ông đi lính qua Tây cho khuất mắt ông. Qua bên đó đánh giặc thế nào nó cũng chết , ông nghĩ thế. Ông sẽ cưới bà vợ bé , sanh thằng con trai khác để nối giòng nối dõi.
Trong ba chàng thanh niên tùng chinh , chỉ có Hai Ngoạn là có chút ít học thức. Chàng là học trò của ông Tú Phong , dồi mài kinh sử đã lâu , nhưng số phận hẩm hiu, đi thi kỳ nào cũng hỏng , hoặc phạm trường quy bị đánh rớt. Sức học của cậu có kém gì mấy ông Tú Tài , Cử Nhân , nhưng lều chõng mấy phen mà bạch thủ vẫn hoàn bạch thủ , đành cu rú ở nhà , vô tích sự. Chàng có hơi thất chí , nhưng vẫn kiêu căng tự đắc , lúc nào cũng cho mình là một sĩ phu chưa gặp thời đó thôi. Bị làng bắt đi lính sang Pháp-lang-sa , Hai Ngoạn nghĩ rằng thời của chàng đã đến. Đây là cơ hội đễ chàng tiến thân. Chàng xổ một mớ chữ Nho , nhớ câu trong sách :
-"Đại trượng phu xử thế đương tảo trừ thiên hạ , an sự nhất thất ? " ( Người trai ở đời phải quét sạch cả thiên hạ , há lẽ chỉ quét một cái nhà thôi ư ! )
Kể ra chàng cũng có cái khí khái của con nhà Nho dở mùa , nhưng chàng rêu rao có hơi sớm.
Ba nhân vật trên đây có thể nói là điển hình. Họ tiêu biểu ba hiện tượng tâm lý của lớp thanh niên An Nam tùng chinh sang Pháp trong trận Đệ nhứt Thế chiến , 1914-1918.
Một hạng có mộng làm lớn để trở về hách dịch với đồng bào , và một hạng ưa phiêu lưu , cả hai đều là những kẻ ít học. Hạng thứ ba nuôi đầy triết lý Nho giáo nhưng áp dụng không đúng với tư tưởng , làm nô lệ cho người mà vẫn hãnh diện tưởng đóng vai trò anh hùng của thời thế.
Tất cả thanh niên tùng chinh ở Trung Kỳ, 21 đến 24 tuổi , đều được lịnh đến trình diện tại đồn lính Khố xanh ở các tỉnh , rồi từ tỉnh họ được chở đi tập trung tại Huế , đợi tầu sang Pháp. Đã có một lớp lính mới được đưa ra Huế đầu tiên , mấy tháng trước , và được huấn luyện rồi. Nhưng phần đông số lính này lại được nhà cách mạng Trần cao Vân tuyên truyền bí mật theo phong trào khởi nghĩa của Vua Duy-Tân , và đã sẵn sàng làm nội ứng. Cuộc khởi nghĩa DuyTân thất bại , các đoàn lính tình nguyện kế tiếp đều bị kiểm soát thật chặc chẽ , và bị đề phòng gắt gao.