Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 15

Chương 15

Chú Ba và thím Ba chỉ có hai con trai , Tuấn và đứa em của Tuấn. Cậu bé này từ khi sinh ra vẫn chưa có tên.

Thời bấy giờ không có Hộ-tịch, lấy chồng lấy vợ khỏi cần làm giấy hôn thú , miễn có mời làng xã đến ăn uống , chứng nhận cho thế là được rồi. Sinh con cũng khỏi có giấy khai sinh. Chính tên "Trần anh Tuấn" cũng do thầy giáo đặt cho thằng Chuột hồi nó bắt đầu bị nhà nước bắt phải đi học.

Vì chú Ba thím Ba hiếm con , sợ đặt tên tốt đẹp cho con sẽ bị ma quỷ bắt mất , nên chú thím theo tục lệ thông thường lúc bấy giờ , tục lệ này được áp dụng không phải riêng trong giới dân nghèo , mà cả trong gia đình quan lại , quí phái nữa -- cứ tìm những tên rất xấu-xí , để ma chê quỷ hờn , không thèm đụng chạm tới đứa nhỏ.

Em của Tuấn , được đặt tên lúc ra đời là thằng Bọ Hung. Nhưng bây giờ nó đã được 9 tuổi. Tuấn muốn cho nó đi học trường Nhà nước ở tỉnh , và bàn với cha mẹ , đặt tên chữ cho nó. Chú Ba bảo Tuấn :"Hai anh em mầy mặt mũi giống nhau như đúc. Vậy tên mầy là Tuấn , thì tao cũng đặt cho nó tên Tuấn."

Thím Ba cũng gật đầu. Thím vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa cười : "Ừ , sao mà thằng Bọ Hung nó giống mày như hai cái bánh in chung một khuôn vậy đó ! Nó giống từ cái mặt , cái tay , cái chưn , cho tới bộ đi , bộ đứng , giọng nói , giọng cười , giống hệt vậy hè ! Nhờ thầy giáo đã đặt tên cho mầy là Trần anh Tuấn , mầy mới làm nên danh giá , vậy thì cũng đặt tên cho em mầy là Trần anh Tuấn , để nó hưỡng cái lộc của mầy."

Tuấn cười bảo : "Thưa mẹ , như thế trùng tên sao được ?"

Chú Ba bảo : "Sợ trùng tên , thì mầy là Trần anh Tuấn , nó là Trần em Tuấn."

Thím Ba lại vồn vã tán thành ngay :

- Mầy là anh , thì tên mầy là Anh-Tuấn, nó là em thì tên nó là Em-Tuấn , phải đó.

Bọ Hung ngồi ngạch cửa , ở truồng trùng trục , với chỏm tóc trên đầu , cũng nhe răng cười :

- Con cũng muốn tên của con giống như tên anh Hai. Cái gì của con cũng giống anh Hai con mới chịu.

Cả nhà cười rộ lên. Trần anh Tuấn thấy thế , đành chìu theo ý muốn chung của cha mẹ và em.

Thế là thằng Bọ Hung từ đây được đặt tên chữ là Trần Tuấn. Nhưng về thực tế , người ta gọi nó là Tuấn-em.

Sáng hôm sau là ngày nhập học khởi đầu niên khoá 1919-1920, Phán Tuấn dắt Tuấn-em đến trường Pháp-Việt ( Ecole de Plein Exercice ) xin cho Tuấn-em vào lớp Năm.

Cũng kỳ nhận học này thầy ký Lê văn Thanh xin cho đứa em út của thầy vào học cùng lớp với Tuấn-em. Tên nó là Lê văn Lục , 7 tuổi , nhỏ hơn Tuấn em hai tuổi.

Trường Nhà Nước bây giờ đã đông học trò hơn mấy năm trước nhiều. Dân thành phố ở tỉnh , cũng như dân quê ở các phủ , huyện , các làng , đã lần lượt cho con đi học chữ Quốc ngữ và chữ Tây. Lý do thực tế là họ thấy uy quyền của chính phủ Bảo-hộ đã vững , cho con đi học , thi đỗ , làm việc ở các Toà , các sở , như Ký Thanh , Phán Tuấn ,v.v... vừa được tiền lương nhiều , lại vừa được danh vọng. Trái lại, họ cũng thấy rằng cựu-học đã tàn , chữ Hán đã bắt đầu bị chữ quốc ngữ và chữ Pháp thay thế.

Các ông Tú , ông Cử , ông Nghè , không được trọng dụng nữa.

Cùng năm 1919 , nhà Vua đã ban sắc-chỉ bãi bỏ các kỳ thi Hương , thi Hội ( Hán-học ) trong toàn cõi Trung Bắc kỳ. Hán học đã chính thức bị đào thải. Chính các quan Phủ , quan Huyện của cựu trào trước kia vẫn phản đối chữ Quốc-ngữ , chê nó không phải là chữ của Thánh-hiền , bây giờ cũng phải kiếm mời thầy giáo về nhà dạy cho các quan học A.B.C. Quan Huyện không những tự mình đi tỉnh mua bút , mực , giấy tây , để về nhà học và tập viết chữ quốc ngữ , mà quan còn bắt bà Huyện và các cậu con trai , các cô con gái của nhà Quan cũng phải học vần xuôi , vần ngược. Buổi sáng và buổi chiều , các Quan làm việc ở công đường , còn tiếp tục phê các đơn trương, giấy tờ bằng chữ Hán , nhưng buổi trưa , buổi tối , trong tư thất các quan phủ , quan huyện, vang lên tiếng bập bẹ đồng thanh , ồn ào , vui vẻ của các Quan và cả gia đình những chữ "dị kỳ" : Ba , bã , bâ , be, bê... ác , át , an, ang, áp , am...

Quan ông , quan bà , các cô ,các cậu , vừa tập đọc vừa cười rần-rộ. Các chú lính lệ đứng quạt hầu cho Quan Lớn và Bà Lớn , hoặc vòng tay đứng chờ lịnh Quan sai những công việc lặt-vặt , đều cười khúc-khích với nhau , ngơ ngơ ngác ngác chẳng hiểu chi cả.

Trong thời gian ấy , học trò lớp Năm các trường nhà nước đã thuộc vần chữ Quốc ngữ trong một tháng khai giảng đầu tiên , rồi tiếp đến học cửu chương bằng chữ Hán , để làm toán cộng , toán trừ , và học... "vocabulaire" tiếng Pháp !

Lên lớp Tư (lớp Dự Bị) đã học chữ Pháp nhiều hơn , ở lớp Ba (Sơ Đẳng) , học chữ Pháp nhiều hơn nữa , lên đến lớp Nhì và lớp Nhứt thì các môn học hoàn toàn bằng Pháp ngữ.

Song-song với phong trào học chữ quốc ngữ và chữ tây được thịnh hành và truyền bá rất nhanh chóng trong các từng lớp dân chúng , đời sống vật chất của xã hội Việt Nam , từ năm 1919 cũng đã thay đổi rất nhiều và rất mau lẹ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3