Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 17

Chương 17

Ban ngày đường quan lộ cũng rất vắng người. Vì xe cộ không có, trừ thỉnh thoảng một vài chiếc xe kéo bánh sắt uể- oải, chậm chạp còn tệ hơn xe ngựa ngày nay . Xe hơi thì mỗi ngày chỉ có một chiếc từ trong Nam chạy ra, một chiếc từ "miệt ngoài" chạy vào : đó là hai chiếc "xe thơ" của một hãng Pháp, tên là S.T.A.C.A, chở hành khách sang, và chở thư bưu điện. Chiếc xe hơi chạy vùn vụt trên quan lộ, kêu như sấm dậy, mỗi ngày một lần, là cả một biến cố quan trọng hàng ngày. Hai bên đường dân chúng sợ sệt, lật đật tránh xa, hai bên đồng ruộng trâu bò hoảng kinh chạy tán loạn.

Ông Tuần Vũ ( tỉnh nhỏ ) hay là ông Thống Đốc ( tỉnh lớn ) là vị "Quan Lớn An Nam" đầu tỉnh, mỗi lần ngồi trên chiếc xe kéo bánh cao su, đi đâu xa ngoài tỉnh, cũng là cả một biến cố lớn lao vậy. Có lính lệ ( lính hầu trong dinh quan ) đi trước dẹp đường. Tay luôn luôn cầm chiếc roi mây, và thái độ hung hăng, hắn rất hách dịch, đối với hết thẩy mọi người hai bên hàng phố.

Nhửng người đi đường đều phải né tránh ra hai bên đường, để trống cả một quãng đường dài trước mặt Quan Lớn, không được có một người qua lại. Người lính kéo xe quan, bước chậm chậm ; như chở Quan đi dạo mát. Một người lính theo sau, giương cao một cái lọng che trên đầu Quan, mặc dầu trời đã gần tối.

Năm 1920, nhân dịp ngày giổ đức Khổng-tử, Quan Tuần có gửi giấy mời Quan Đốc học trường tỉnh và lần đầu tiên Quan yêu cầu cho học trò trường Nhà Nước đi dự lễ.

Tuấn-em về nhà thưa lại với anh Hai và cha mẹ, để được tụ họp với học trò cùng lớp tại nhà thầy giáo lớp Năm, đúng 7 giờ tối, theo lịnh của quan Đốc học. Học trò lớp nào phải tụ họp tại nhà thầy giáo lớp ấy. Tuấn-em ăn cơm vội vàng, rồi được mẹ thay cho quần trắng mới, áo dài đen mới, để đi dự lễ Đức Thánh Khổng.

Đến nhà thầy Trợ giáo, gặp đông đủ bạn bè, đợi thầy giáo ăn cơm xong rồi thầy dẫn học trò đi bộ đến Văn Miếu ( đền thờ đức Khổng Tử ), cách tỉnh lỵ 3 cây số. Phải đi đò qua con sông lớn. Sông thì rộng, nước chảy mạnh, trời thì tối, con đò thì nhỏ, mà học trò thì đông, phải qua đò một lượt với thầy, nên các em sợ té la khóc om sòm ! Thầy giáo rầy la bằng tiếng Tây :"Silence! "(im ) . Qua bên kia sông, còn phải đi bộ hơn hai cây số nữa mới tới Đền thờ Đức Khổng Tử. Đến đây, toàn thể học trò Nhà nước tụ họp lại 200 cậu và năm thầy Trợ giáo... Không có chỗ ngủ, tất cả phải nằm hai bên lề đường, và trong các đám mía kế cận, đợi đến 5 giờ sáng mới bắt đầu tế lễ.

Gà lối xóm mới gáy một hồi, trời còn tối mù tối mịt, nhưng nghe chuông trống nổi lên, các thầy giáo vội vàng thức dậy gọi học trò tụ họp trước cổng Đền. Lớp nào đứng sắp hàng riêng lớp ấy, dưới sự chỉ dẩn của giáo viên. Hầu hết học sinh còn buồn ngủ, vì không có nước rửa mặt nên nhiều cậu chưa tỉnh hẵn, vừa đứng vừa ngủ gật.

Riêng lớp của Tuấn em, thầy giáo cầm cây đèn bạch lạp nhìn vào tờ giấy danh sách để gọi tên, thì thiếu mất bốn trò. Bốn em này còn ngủ trong đám mía, thầy bảo Tuấn em và hai trò nữa kiếm nhưng trời tối quá, không tìm thấy. Vừa có lịnh quan Đốc học truyền cho các thầy dẫn học trò sắp hàng hai đi vào trước đền. Chiêng trống lại nổi dậy, đèn đuốc sáng trưng. Cuộc tế lễ bắt đầu.

Các quan Tỉnh, quan Phủ, quan Huyện, các thầy Đề lại, tất cả các công chức Nam triều mặc triều phục đứng cúng, kẻ hàng trước, người hàng sau, tùy theo trật tự phẩm hàm của mỗi quan. Sau cùng đến các thầy giáo và học trò. Theo lời thầy dặn, hễ nghe tiếng hô :"Cúc cung hưng... bái" và tiếng chuông trống đệm theo, các quan đứng trước lạy, thì học trò cũng phải bắt chước sụp xuống lạy. Nghe tiếng hô :"Hưng thì đứng dậy, "Bái" thì sụp xuống lạy v.v... đến khi "Hưng bình thân", thì đứng thẳng người hết lạy.

Tuấn em còn đang giấc ngủ, chưa tỉnh hẳn, khi sụp xuống lạy lần đầu, Tuấn ngủ luôn. Mãi đến khi tế xong, thầy giáo lấy chân đá mạnh vào mông đít Tuấn, Tuấn mới giật mình, lóp ngóp bò dậy, theo đám đông ra về.

Thầy giáo và học trò lại kéo nhau đi bộ 3 cây số về tỉnh và đi đò sang sông.

Đến ngã tư cửa Tây, mặt trời đã lên cao "nữa chặn đòn gánh "( 7 giờ sáng ).Học trò nghe phía sau lưng có tiếng lính la hét dẹp đường và tiếng chuông, tiếng trống, tiếng kèn bát âm, liền đứng lại để coi "quan Tuần-Vũ".

"Quan Lớn" chủ tế lễ Đức Khổng Tử, trở về tỉnh, cũng đã gần đến ngã tư . Đường cái quan đã được hai chú "lính lệ" tiền phong xua đuổi, dọn dẹp trống rỗng, không có một người dân qua lại. Vài ba chú cu li xe kéo bánh sắt đã lật đật kéo xe chạy sang các ngả đường khác. Những người đàn bà đi chợ, đàn ông làm thợ, đi buôn bán, đi "làm việc" các sở, đều phải tránh sang một bên, để đường cho "Quan Lớn" đi.

Trước tiên là sáu người lính bận áo kẹp nẹp, cầm cờ đuôi nheo đi hai bên, rồi đến lính khiêng chuông, lính khiêng trống lớn, lính cầm trống nhỏ, tám người lính thổi nhạc bát âm... Quan lớn ngồi trên chiếc xe kéo bánh cao su, có lính che lọng, lính che tàn, lính cầm cờ, lính bưng hộp trầu ( vì quan lớn nhuộm răng đen và ăn trầu ), lính bưng điếu thuốc trà v.v... ( thuốc lào -tiếng Bắc, ở Huế và Trung gọi là thuốc trà ).

Thỉnh thoảng quan lớn truyền lịnh đem hộp trầu cau đã tiêm sẳn, hoặc đem bình điếu trà đến, để quan lớn ăn trầu hút thuốc, thì cả đoàn lính hầu hạ tùy tùng đều phải đứng lại một lát. Quan lớn ăn hút xong truyền lịnh đi, mới lại tiếp tục đi.

Xe kéo quan lớn đi qua các đường phố, hai dãy tiệm buôn "các chú" ở hai bên đường đều thi nhau đốt pháo mừng quan, và mặc áo rộng đứng trước cửa cúi đầu cung kính chào quan. Quan lớn ngồi trong xe kéo, làm nghiêm không chào lại.

Lúc xe quan Tuần vũ đi ngang qua mặt Tuấn em và một lũ học trò đứng xem trên lề đường. Tuấn chỉ vào mặt quan và nói to với mấy đứa bạn nó :

- Mặt ông lớn cũng có ghèn, tụi bây ơi !

Ông lớn quay lại trừng mắt ngó Tuấn, Tuấn và mấy đứa bạn sợ ông Lớn sai lính bắt, lật đật chạy biến mất trong đám đông người đứng coi chật ních trước các hè phố...

Chúng chạy về nhà lấy sách vở đến trường... Hôm ấy học trò đi trể khỏi bị phạt.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3