Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 24

Chương 24

Năm 1924, cả tỉnh chỉ có một trường Tiểu học duy nhất của Nhà Nước , không có một tư thục nào . Cả trường Tiểu học , chỉ có một lớp Nhất . Trong lớp chỉ có 40 học trò , thi đậu được 21 , rớt 19 . Riêng trong số 4 chị ngồi bàn đầu , có hai chị thi trợt vỏ dưa . Kết qủa ấy chứng tỏ rằng thi cử đã bắt đầu gắt gao , và thí sinh cần phải có một căn bản vững chắc mới hy vọng có tên trên "bảng vàng".

Đậu hay rớt , thi xong rồi toàn thể học sinh đều phải đi học một tuần lễ nữa , vì còn một tuần lễ nữa mới thật là mãn niên khóa . Phát phần thưởng cuối năm học , xong rồi mới chính thức bắt đầu nghỉ Hè.

Những học trò thi "Primaires" rớt , dù có hơi mắc cỡ với bạn bè , cũng ráng tiếp tục đi học cho hết mấy ngày cuối niên khóa , vì còn hy vọng được ông Đốc cho học lại một năm nữa . Trừ vài ba trò , vì lý do gia đình , hoặc vì lớn tuổi phải thôi học , buồn rầu từ giã mái học đường để về quê làm ruộng , hoặc đi buôn bán . Mấy trò thi đậu đáng lẽ được nghỉ chơi thỏa thích , nhưng ông Đốc vẫn bắt buộc phải cắp vở đến trường như thường lệ , tuy chỉ còn 7 ngày nữa là nghỉ hè . Tất cả đều phải tuân lệnh , vì tụi thi đỗ sợ rằng nếu khiếm diện mấy ngày ấy sẽ bị Ông Đốc cho chứng chỉ xấu rồi không được thi vào trường “Collège Quốc Học“ ở Huế hoặc "Collège Complémentaire" ở Qui-nhơn.

Nói đúng ra, mấy ngày cuối năm, có học hành gì nữa đâu ! Các học trò thi rớt thì vô lớp ngồi rầu-rĩ tỉ tê, chán cho đến nỗi một con ruồi bay đậu trên chóp mũi các trò cũng không buồn lấy tay xua đuổi. Ngày trước thi rớt không có nạn tự tử . Chỉ có sự cố gắng thêm để thi đậu khóa sau. Nhưng trông thấy một chị thi rớt ngồi trong lớp khóc sướt mướt vì bị bài Dictée 7 lổi. Tuấn trong lòng nao nao , thấy lòng rung cảm, thương xót người bạn gái đau khổ . Buổi trưa Tuấn đến nhà bạn an uỉ “Đừng khóc nữa chị Tuyết . Chị giỏi Toán , sang năm chị ráng học thêm các môn thế nào chị cũng đậu." . Tuyết đã 17 tuổi , sợ cha mẹ không cho đi học nữa . Nhưng năm sau Tuyết thi đỗ hạng ba , và được học trường Nữ Trung Học Đồng Khánh - Huế.

Các trò thi đậu thì dĩ nhiên sung sướng , vui vẻ , bàn tán không ngớt chuyện đi Qui-nhơn hay đi Huế . Trò nào trò nấy mặt tươi rói , miệng cười không ngớt . Phần thì được các Thầy khen ngợi , các bạn thèm thuồng , trìu mến , phần thì được cha mẹ cưng , muốn ăn gì cha mẹ cũng mua cho ăn, muốn mặc áo quần đẹp cha mẹ cũng sắm cho, lại được họ hàng , làng xóm o bế , nâng niu …

Câu chuyện thằng Tuấn-em đã thi đỗ "Ri-me" chỉ trong một buổi sớm cả tỉnh cả làng đều biết.

Mấy ngày cuối niên học , thầy giáo dạy ít mà nói chuyện nhiều . Lớp học tạm vui không đến nổi buồn tẻ lắm.

Nhưng khổ nhất là giờ tập thể thao ( gymnastique ).

Huấn luyện viên là một ông đội và ba người lính Khố xanh do bên đồn Lính Tập đưa sang . Họ tập thể thao cho học trò mà gắt gao không khác nào tập lính . Họ lại hô toàn những tiếng " bồi " khiến học trò không thể nào nín cười được.

Họ hét thật to , bảo :

-Đứng ngay thẳng : Ga-ra-vu !

Bảo :

-Bước đi , một hai …một hai…một hai …

-An-na-văng mạc ! …Ấc đơ…ấc đơ …ấc đơ …

-Xoay bên phải : a oách …oách …

Trò Bông nghe "a oách …oách …" liền cười to lên , bị thầy đội đến đánh một bạt tay nẩy lửa . Các trò khác liền chạy lại níu thầy đội và sừng sộ hỏi :"Sao thầy đánh nó" .

Một trò lớn nhất toan đánh lại thầy đội để trả thù cho bạn , nhưng cả lớp cùng bảo nhau :"Đừng đánh ổng , mà cũng đừng thèm tập nữa . Tụi mình vào thưa với Quan Đốc. Mấy lớp dưới , từ lớp Nhì A, Nhì B đến lớp Năm , đều một loạt bắt chước lớp Nhất , tức giận không tập thể thao nữa mặc dầu không có ai xúi giục cả . Ông Đốc đã về nhà , chỉ còn lại một thầy trợ và anh tùy phái.

Thầy trợ vội vàng chạy đến nhà quan Đốc học để tường trình mọi việc . Một lát sau, quan Đốc đi xe kéo nhà đến , nét mặt hầm hầm , gọi trò B, người gây chuyện , đến trước mặt ông . Ông đã không bênh vực danh dự học đường lại còn đánh B một bạt tay nữa . Toàn thể học sinh đều uất ức , nhưng không dám nói gì , oai danh hung hăng của quan Đốc học đã từng làm đám học trò và cả thầy giáo khiếp đởm nhiều phen.

Nhưng đây là buổi tập thể thao cuối cùng trong niên khóa . Năm sau môn thể dục do chính các thầy phụ trách huấn luyện học trò.

21 trò đậu “ Ri-me " tự ý rủ nhau hùn tiền thuê thợ thuê một bức trướng tặng thầy làm kỷ niệm trước khi vĩnh biệt nhà trường .

Bức trướng thuê bằng kim tuyến bốn chữ Nho "Ngưởng Chi Như Sơn" ( ngước lên nhìn Thầy ơn cao như núi ) . Bốn chữ này do ông Tú Phong đặt giùm cho và chính tay ông Tú viết , nét chữ tuyệt đẹp . Tại tỉnh không có thợ thuê , nên học trò phải xuống tận Thu-xà , nơi đây có mấy tiệm thuê của người Bắc Kỳ . Bên trái 4 chữ lớn , có giòng chữ nhỏ : " Quảng Ngãi tỉnh , Pháp-Việt học đường , sĩ tử Nguyễn …Lê …Trần …( vv… tên họ của 21 học trò thi đậu ) đồng bái tặng "

Thầy cảm động nhận bức trướng long lanh các mặt kiếng nhỏ , rực rỡ các sắc màu , và thầy treo ngay tại phòng khách của thầy.

Nhưng cảm động hơn nữa là 10 năm sau , Tuấn-em trở lại thăm thầy , vẫn còn thấy nơi phòng khách gió phất phơ trìu mến bức trướng xưa , tuy hàng vãi đã nhạt màu , các viền trướng đã rách xác xơ , màu kim tuyến đã đen , mấy mặt kiếng đã vỡ nát hoặc đã rơi mất cả.

Toàn thể học trò lớp Nhất cũng chung tiền nhau lại mỗi trò góp 5 xu , để thuê thợ ảnh đến chụp với Thầy một bức ảnh lớn , ngoài sân trường để làm kỷ niệm . Thầy ngồi ghế giữa , hàng đầu , mặc áo xuyến đen , đầu chít khăn đen , chân mang giầy bốt tin , trông thầy thật đạo mạo . Trò Tuấn cặp vào nách một chiếc mũ trắng , tay cầm mấy quyển sách , mặc áo dài đen , mang guốc , đứng tít ngoài bìa , vì tuy nghịch ngợm nhất lớp , nhưng lại phải cái tính nhút nhát , vào chỗ đông người thì ưa đứng ngoài xa.

Cuộc chụp hình này đánh dấu buổi học cuối cùng niên khóa , thầy trò đều vui vẻ.

Sáng hôm sau, bắt đầu nghỉ Hè , Tuấn được cha mẹ cho phép tắm sông với một lũ bạn gần mười đứa đến nhà Tuấn rủ đi . Đứa nào cũng ôm theo một gói quần áo bẩn để ra song giặt , và một cục xà bông Marseilles là loại xà bông duy nhất được thông dụng lúc bấy giờ khắp từ tỉnh đến quê.

Mẹ Tuấn căn dặn :

- Con tắm trong cạn , đừng ra ngoài chỗ sông sâu , nghe con ? Con coi chừng kẻo ma-da níu cẳng chết đấy !

Cũng như hầu hết con nít lúc bấy giờ -- cả người lớn nữa – nghe nói đến” ma-da “ là Tuấn sợ hết hồn . Lúc tắm sông , Tuấn vẫn nhớ lời mẹ dặn , chỉ lội quanh quẩn trong cạn , chổ nước trong , nhìn thấy rõ lớp cát và sỏi dưới đáy sông . Tuấn theo bắt một bầy cá lia thia con , đưa hai tai hứng bầy cá đang bơi tung tăng trong nước , nhưng hễ sắp bắt được cá thì cá lại thoát ra ngoài , rất nhanh . Tuấn đuổi theo ra xa xa một chút . Cứ như thế , Tuấn vô ý đi từ trong cạn ra đến chổ sông sâu , mực nước lên đến gần cổ . Bổng Tuấn dẫm dưới chân một vật gì nhơn nhớt , hoảng hốt la lên :

- Ma da níu tao ! Ma da níu tao ! Cứu tao với , tụi bây ơi !

Tuấn sụp xuống chỗ nước hơi sâu , bị giòng nước cuốn mạnh , Tuấn la khóc ần ỉ :” Ma da bắt tao ! “ . Trò Diển , lớn tuổi và biết bơi , vội vàng bơi ra kịp , nắm tay Tuấn ì-ạch lôi vào . Diển kéo Tuấn chạy lẽ lên bờ , cùng lúc tất cả mấy đứa học trò đang tắm đều hoảng hốt chạy toán loạn . Tuấn nín khóc , lượm ba bốn cục đá quăng mạng xuống sông , và la lên với vẻ mặt giận dữ :” Mẹ cha con ma da , tao ném cho mầy bể đầu . Mầy giỏi lên đây bắt tao ? " Con ma-da biến đâu mất , không thấy nó thó đầu lên . Nhưng tụi học trò vẫn còn hơi sợ sợ , ôm áo quần còn ướt kéo nhau đi về hết.

Tuấn-em bị mẹ rầy một mẻ nên thân . Buổi trưa , đi làm ở Toà Sứ về, Phán Tuấn nghe Tuấn-em mét :” Anh Hai ơi , sáng nay em đi tắm sông , suýt bị con ma-da bắt . Nó níu chân em rồi , nhưng có trò Diển bơi ra kéo em thoát chết.

Phán Tuấn cười bảo :” Không có ma-da đâu em" .Phán Tuấn giảng cho em nghe . Dù sao, mẹ Tuấn cũng vội vàng đi thắp hương đèn trên bàn thờ ông bà và cúng vái tạ ơn ông bà đã cưú cho thằng Tuấn vừa thi đỗ “ Ri-me “ , khỏi bị chết đuối.

Chiều tối , Tuấn đến nhà Tuyết , thấy Tuyết nằm võng , mặc áo cụt , gác tay trên mặt, khóc thút-thít. Tuấn đến gần võng . Tuyết nghe tiếng guốc bước nhè nhẹ , lấy tay ra , trông thấy Tuấn . Tuấn bảo :

- Sao chị khóc hoài vậy , chị Tuyết ? Sang năm chắc chắn chị đậu mà . Chị cứ vui đi !

Tuyết lau nước mắt , ngồi dậy , đứng dựa vào cột nhà :

- Anh thi đỗ , sung sướng , tôi đâu có đỗ mà tôi vui ?

- Tôi thấy chị rớt , tôi cũng buồn chứ tôi vui gì ? Tôi đến để chào chị , sáng mai tôi về thăm bà ngoại tôi và ở nghỉ Hè trong làng bà ngoại.

Tuyết không nói gì , nhưng òa ra khóc . Nghĩ cũng kỳ ! Tuấn-em 16 tuổi và Tuyết 17 tuổi chỉ là đôi bạn cùng lớp . Trong lớp , Tuấn ngồi bàn thứ nhì , ngay sau lưng Tuyết , và thỉnh thoảng Tuyết xoay lại mượn Tuấn một cục tẩy , hoặc cây bút chì màu , hoặc hỏi bài toán , hay một vài chữ Tây khó hiểu . Thế thôi .

Có lần trong giờ chơi , Tuấn lại ra sân bắt một con cóc , rồi thừa lúc bốn chị đi uống nước , Tuấn lẻn vào lớp bỏ con cóc trong cạc-táp của Tuyết , làm trò tinh nghịch để cười chơi . Ấy thế mà không hiểu sao từ hôm Tuyết thi hỏng , ngồi khóc trong lớp , Tuấn tự nhiên thương xót , cứ theo an ủi Tuyết mãi . Còn Tuyết có mến Tuấn hay không , Tuấn đâu có biết ? Nhưng thấy Tuấn đến thăm và từ giã Tuyết để hôm sau đi về quê ngoại . Tuyết lại tỉ-tê, nỉ-non , buồn rười-rượi . Tình bạn giữa đôi trai gái học sinh cũng có khi thật cảm động ! Tuyết nhìn Tuấn với đôi mắt hiền lành :

- Sao anh không ở tỉnh cho vui ?

- Mẹ tôi bảo về nghỉ hè ở nhà bà ngoại cho khỏe-khoắn , để rồi tháng 8 về đây sửa soạn đi Qui-nhơn thi vô Collège.

- Anh ở tỉnh , mỗi buổi sáng anh tới đọc dictée cho tôi viết …

- Mẹ tôi không cho … Hay là để tôi xin anh Hai tôi …Tôi cũng muốn ở tỉnh chứ không muốn về bà ngoại tôi . Tôi nghe mẹ tôi nói ở gần nhà bà ngoại tôi, có nhà ông Hương Cảnh có con gái học lớp Ba trường Huyện , ông Hương muốn gả cô đó cho tôi , nhưng tôi mắc cỡ , tôi đâu có chịu.

Tuyết cúi mặt xuống , hỏi khẻ :

- Sao anh không chịu ?

- Tôi muốn ở tỉnh , mỗi buổi sáng đến đọc dictée cho chị viết.

Tuyết bổng dưng vui cười , chạy vào nhà lấy một trái mãng cầu chín đem ra cho Tuấn . Vừa lúc mẹ Tuyết trong nhà đi ra . Tuyết giới thiệu :

- Thưa mẹ , anh Tuấn , học trò lớp con, ảnh mới thi đỗ Primaire đấy.

Mẹ Tuyết cười :

- Mầy học giỏi quá vậy ? Con Tuyết , nó thi rớt mấy bữa rày , nó khóc hoài , nó không ăn uống gì hết trọi.

Tuyết khẽ đánh yêu cánh tay mẹ :

- Mẹ cứ nói !

Bà hỏi Tuấn :

- Mầy năm nay mấy tuổi ?

- Dạ thưa bác , con 14 tuổi.

- Chu-cha giỏi qúa , 14 tuổi mà đỗ “ri-me” rồi hả !

- Dạ thưa bác , con nhớ lộn , chớ tuổi thiệt của con là 15.

Mẹ Tuyết và Tuyết cười rùm lên . Mẹ Tuyết hỏi :

- Chớ tuổi thiệt của mầy là bao nhiêu mà mầy nhớ lộn ?

- Dạ tuổi con 16 , mà hồi xin vô học , anh Hai con biểu làm giấy khai sinh rút xuống hai tuôi? , thành ra trong giấy khai sinh con mới 14.

- Mầy con ai ?

- Dạ …bẩm bác , cha con làm thợ mộc . Anh Hai của con đi làm việc nhà nước.

- Anh mầy làm gì ?

- Dạ , bẩm bác , anh Hai con là thầy Phán Tuấn làm trong Tòa Sứ.

- Ủa , vậy he ? Mầy là em thầy Phán Tuấn he ?

- Dạ.

- Hèn chi mầy học giỏi . Ở nhà có thầy Phán dạy thêm cho mầy . Chớ con Tuyết , ổng làm quan Kinh lịch không biết chữ Tây , tao cũng không biết chữ , có ai dạy thêm cho con Tuyết đâu , hèn chi nó thi rớt.

Tuyết quay sang thưa mẹ :

- Con nhờ anh Tuấn mấy tháng nghỉ hè , mỗi buổi đến đọc dictée cho con viết để con tập cho quen , sang năm con thi chắc đỗ.

Mẹ của Tuyết gật đầu , bảo Tuấn :

- Ừ …Mầy tới đọc đít-tê cho nó viết rồi tao may cho mày cái áo cụt để thưởng công cho mầy . Mầy chịu không ?

Tuyết vội ngắt lời :

- Ảnh tới đọc dictée dùm cho con , chớ đâu phải ảnh đi làm thuê mà mẹ may áo để trả công cho ảnh ?

Nhưng Tuấn cũng vui vẻ đáp :

- Dạ , thưa bác , để con về xin phép cha mẹ của con và anh Hai con…

Kỳ nghỉ hè ấy , Tuấn được gia đình cho ở lại tỉnh , và mỗi sáng , đến giờ ông Kinh-lịch đi làm việc trong dinh cụ Tuần , bà Kinh-lịch đi chợ , hoặc đi đánh bài tứ-sắc , thì Tuấn đội mũ trắng , mang đôi guốc cùn , đến nhà cô Ánh-Tuyết đọc dictée …

Đôi bạn trẻ học chung với nhau , viết dictée , làm toán , vẽ bản đồ Địa dư v.v… và trao đổi cùng nhau những chuyện ngây thơ êm đẹp . Mãi đến 11 giờ Tuấn mới về nhà.

2 tháng rưỡi sau , trước hôm Tuấn lên xe đi Qui-nhơn thi vào Trung học , Tuyết trao tặng Tuấn 10 chiếc khăn “mu-soa” do tự tay Tuyết thêu mỗi góc một chữ T và Tuyết khóc sướt mướt tiễn Tuấn lên đường...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3