Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 33

Chương 33

1926

- Nghĩ Hè , học sinh góp tiền , nhờ giáo sư đem ra Huế tặng cụ Phan bội Châu .

- Một bà vợ Thành Thái bị Vua chém sứt mất vú .

Với mặt trời đã mọc lên cao trên mặt biển , chiếu ánh sáng ấm áp trên thành phố , đời sống rộn rịp lại tiếp tục như mọi ngày , không có gì thay đổi .

Ông Cò Tây với bộ râu cá trê , và một người lính “ phú lít “ An nam cỡi xe máy đi chầm chậm trên con đường lớn , mắt tròn xoe ngó hai bên hàng phố . Nhiều người đi đường cất nón hoặc dở mũ chào . Sáng nay là Chủ Nhật , trò Tuấn đi về nhà , lê đôi guốc cùn kêu lẹp kẹp …lẹp kẹp …, vừa đi vừa huýt gió . Trò dâú hai tờ báo trong lưng quần , dưới lớp áo trắng dài quá đầu gối độ 10 phân . Ông Cò râu cá trê xoe tròn hai con mắt nhình trò . Trò làm bộ cười và chào bằng tiếng Tây :

- Bonjour Monsieur le Commissaire de police ! ( Chào ông Cò )

Ông Tây gật đầu cười :

- Bonjour , jeune home ! ( chào cậu bé ! )

Tuấn mang lén hai tờ báo về nhà trọ , định xem lại một lần nữa rôì đem đến cho trò Quỳnhm trò Tố xem .

Muà hè 1925, học trò trường Qui-Nhơn xôn xao vì một cái tin đã gây ra nhiều tai tiếng cho một ông Ðốc ( Giáo sư An nam ) chung quanh một số tiền đóng góp gởi ra tặng cụ Phan Bội Châu ở Huế . Vụ góp tiền không hiểu do ai đề xướng ra , nhưng một tháng trước ngày nghỉ Hè , học trò các lớp lớn , nghĩa là Ðệ Nhất , Ðệ Nhị , Ðệ Tam niên , bảo nhau đem tiền đến góp tại nhà ông đốc Bính , người Bắc Kỳ .

Ông này , như đã có nhắc đến nhiêù lần ở mấy chương trước , vì có đầu óc cách mạng và đã nhiều lần tuyên truyền tư tưởng ái quốc trong đám học trò , nên rất được học trò tín cẩn và kính phục hơn hết các ông đốc khác . Học trò các lớp lớn cho rằng sự đóng góp tiền để giúp thầy Ðổng sĩ Bình bị tù ở ngục thất Ban Mê THuột và để gơỉ tặng cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự , Huế , đều là một bổn phận mà học trò phải hăng hái làm tròn .

Ai cũng biết rằng cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự là do tiền của đồng bào nuôi , tiền của những người ở khắp các tầng lớp xã hội , từ Bắc chí Nam , ai có tính yêu nước và có lòng sùng bái bậc anh hùng chí sĩ đều tự động gởi đến tặng cụ . Việc ấy dĩ nhiên , vì cụ Phan Bội Châu làm cách mạng ở hải ngoại về , làm gì có tiền .

Tuấn có nói việc ấy cho Trâm và Anh nghe , hai cô bạn lớp Nhất cũng tán thành :” Phải chớ ! Cụ làm cách mạng cho ai ! Cho Quốc Dân đồng bào , ( những danh từ này thường đúng nhất lúc bấy giờ ) . Cụ là bậc cha già của Quốc Dân phải có bổn phận phụng dưỡng cụ “ .

Nghe nói đồng bào ở tỉnh nào cũng có gởi tiền về tặng cụ . Thành phố Qui-Nhơn cũng đã có nhiều người góp tiền đem ra Huế tặng tận tay cụ , vì không dám gởi măng đa , sợ các quan Tây hay được sẽ bỏ tù .

Về phần trường Qui-Nhơn thì học trò biết rằng đến kỳ nghỉ hè có ông Ðốc Bính về thăm quê nhà ở Bắc kỳ , sẽ Huế thăm cụ Phan . Ðó là cơ hội rất tốt để học trò góp tiền nhờ ông Ðốc trao tận tay cụ . Bọn học trò con nhà giàu thì sẵn tiền , còn tụi nhà nghèo lo nghĩ ngày đêm không biết làm cách nào có tiền để tặng cụ Phan ? Tuy là người nào tuỳ tiện góp riêng người đó , chứ không phải góp chung và không ai bắt buộc ai cả , nhưng trò nào không có tiền thật là đau khổ , lương tâm cắn rứt , tự coi như là chính mình trốn tránh bổn phận đối với “ Quốc Dân Ðồng Bào “ !

Còn 7 ngày nữa , thì đến nghỉ Hè , mà trò Tuấn không có một xu trong túi , măng đa ở nhà cha mẹ gửi cho trước đó nửa tháng , trò đã lấy trả tiền cơm , và các món nợ vặt vãnh còn dư được một vài đồng trò mua kẹo thèo lèo đãi Trâm và Anh , hai cô bạn lớp Nhất cuối niên khóa đã thi đỗ “ri-me “ . Chợt đến vụ góp tiền tặng cụ Phan Bội Châu , Tuấn không còn một đồng xu . Tuấn nằm khóc thút thít một mình .

Bảy ngày liên tiếp , Tuấn tự lấy làm hổ thẹn , biệt có dám bước chân đến nhà hai cô bạn Trâm , Anh . Chờ mãi Tuấn không được , hai cô đến nhà trọ tìm Tuấn , nhưng Tuấn lánh mặt .

Ðến ngày phát phần thưởng cuối niên khóa , trò Tuấn vui mừng được lãnh thưởng 3 quyển sách mới thật đẹp . Tan buổi , Tuấn ôm sách đi gạ bán cho mấy thằng bạn nhà giàu . Trong số đó có thằng Nguyễn văn X. , con nhà bá hộ nhưng học kém , không được phần thưởng , Tuấn đến gạ nó :

- Tao bán cho mầy ba quyển sách này có đóng dấu của ông Ðìa-réc-tơ tặng thưởng . Mầy đem về khoe với cha mẹ mầy là chính sách phần thưởng của mầy , chắc ởng bả mừng lắm và cưng mầy lắm .

Con nhà bá hộ nghe bùi tai , bằng lòng lập tức . Tuấn theo giá sách đòi 10 đồng bạc , thằng bạn lấy trao Tuấn đủ số , không mặc cả . Tuấn mừng quýnh , chạy đến nhà ông Ðốc Bính , góp 9 đồng vào số tiền tặng cụ Phan Bôị Châu . Còn dư 1 đồng , Tuấn mua kẹo thèo lèo đãi Trâm và Anh . Hai cô cũng đã góp mỗi cô 4 đồng nhờ Tuấn trao lại ông Ðốc Bính .

Sau kỳ nghỉ Hè , xẩy ra chuyện tai tiếng rùm beng cả thành phố . Thầy trợ giáo lớp Ba cũng có đi Huế thăm cụ Phan . Khi trở về Qui-nhơn , thầy mét với học trò rằng ra Huế ông Ðốc Bính đã ăn xén bớt một nửa số tiền của học trò đóng góp , chỉ trao tặng cụ Phan một nửa số thôi . Mặc dầu Tuấn và đa số học trò không tin hành động bất lương ấy của ông Ðốc Bính , nhưng một số khác vẫn tin và nhất là mấy ông Ðốc và mấy thầy Trợ giáo không có cảm tình với ông Ðốc Bính .

Việc thứ hai là một thằng bạn xỏ-lá ở cùng làng với con nhà bá hộ , và cũng không được phần thưởng , đã mét với ông bá hộ là thằng con ông đã mua lại sách thưởng của thằng Tuấn . Ông bá hộ nghe lời trò kia , liền đè con xuống đánh một trận nên thân . Gần ngày tựu trường , trò Nguyễn văn X. trả ba quyển sách lại cho Tuấn và đòi lại số tiền 10 đồng …Tuấn phải bán sách cho đứa khác mới có tiền trả lại cho nó .

1924-1927, ba năm …Biết bao nhiêu là thay đổi trong đầu óc người thanh niên Việt Nam ! Cũng như đại đa số , có thể nói là hầu hết thanh niên học sinh Trung kỳ , Bắc kỳ và Nam kỳ , Tuấn năm 1927 đã khác hẳn Tuấn 1924.

Chàng trai nước Việt 1927 không còn vô tư , ngớ ngẩn , khờ khạo , như chàng trai 1924. Hắn không còn say mê điệu quốc ca La Marseillaise của Pháp nữa . Hắn đã ghét lá cờ tam tài xanh-trắng-đỏ . Hắn đã hết sợ ông Tây bà Ðầm , và đã tức giận Tây là kẻ lấy quyền thế , ỷ văn minh , ỷ mạnh , dày xéo trên đất nước An nam , bốc lột dân An nam , khinh khi nòi giống An nam .

Tuy vậy , tâm hồn các bạn trẻ này hãy còn chất phác , ngây thơ chưa hiểu biết gì nhiều về chính trị trong nước cũng như chưa có ý thức rõ rệt về vai trò của thanh niên đối với chế độ thuộc địa . Ðại khái là thù Tây , ghét Tây ! Nhưng vẫn thích học và thích nói tiếng Tây , viết chữ Tây . Ghét chế độ quân chủ , nhưng lại vẫn tôn sùng các ông Vua ghét Tây và đã chống lại Tây . Những vị Hoàng đế như Hàm Nghi , Thành Thái , Duy Tân đều được bọn học trò và toàn thể thanh niên chiêm ngưỡng . Những chuyện gì dính líu đến các vì Vua ấy đều được kể cho nhau nghe , và ai nấy đều tin , nhất là những chuyện hoang đường để chứng minh rằng các vua ấy là minh quân , quả có cái mạng “Ðế vương của Trời ban cho để cứu nước An nam “.

Một ông tú tài Nho học kể cho Tuấn nghe rằng vua Tự Ðức đi tiêu , ể ra cục c. .. vuông , chứ không phải cục tròn như người phàm tục . Tuấn tin ngay và vội vàng đi kể lại cho nhiều người nghe . Học trò đứa nào cũng tin . Nhiều thầy Trợ giáo cũng tin . Dân chúng thành phố thì ai cũng tin cả . Tất cả đều tin . Chẳng ai cần biết rằng lính vua Tự Ðức đánh Tây ở cửa Hàng , ở Hà Nội , ở Lục Tỉnh trận nào trận nấy đều thua liểng xiểng , rốt cuộc để Tây lấy mất cả nước An nam . Nhưng điều đó không quan hệ. Chỉ một việc đánh Tây , cũng đã là một hành động minh quân rồi , có mạng Ðế vương , đáng “ vì thiên tử “.

Tuấn khoái đem câu chuyện cục c…vuông của vua Tự Ðức đi nói cùng cả cho mọi người nghe . Ai cũng cười xòa lên cho đến anh “ cu li “ xe kéo và chú thợ nề cũng biết và trầm trồ kính phục vua Tự Ðức .

Một hôm , ở trường , trong giờ ra chơi , ông giáo sư Pháp văn , tên là Arago, tính ưa khôi hài và thích chọc trò Tuấn , vừa cười vừa hỏi Tuấn :

-Có phải ông Vua An nam ể cục c..vuông không Tuấn ?

Tuấn hết sức ngạc nhiên , không dè các ông giáo sư Pháp cũng nghe chuyện đó , và Tuấn tự thấy hơi lố bịch đối với người Pháp , nên Tuấn trả lời :

- Ai bảo với ông thế ? Những ông vua nước Pháp hồi trước như Louis XIV , có ể cục c.. vuông không ?

Ông giáo sư cười hà hà , cú nhẹ trên đầu Tuấn một cái .

Ðaị khái có một chuyện lạ nữa mà ai cũng tin , là chuyện Vua Thành Thái ra thăm núi Ngũ Hành Sơn ở Ðà Nẵng . Nơi đây , trong một động núi có hai cái vú đá thiên nhiên rất đẹp , giống hệt như đôi vú vun vén đầy đặn của đàn bà . Nguồn nước trong veo từ đôi vú ấy chảy ra thường xuyên từng giọt , nhỏ xuống hai chậu đá cũng thiên nhiên đặt ngay dưới vú . Các vị tu sĩ ở Ngũ Hành Sơn thay phiên nhau ra múc nước thiêng âý đem vào cúng Phật . Bỗng một hôm đức Vua Thành Thái ngự du ra xem thắng cảnh , trông thấy đôi “vú thần “đẹp quá . Ngài tinh nghịch đưa tay ra bóp một cái , tự nhiên vú tịt ngòi không chảy nữa . Mãi cho đến sau này , cái vú ấy vẫn cứ câm luôn . Chỉ còn một cái tiếp tục thường xuyên chảy nước là cái vú vô duyên không có vinh hạnh được bàn tay đế vương rờ bóp . Lúc mới nghe , Tuấn cho câu chuyện ấy là hoang đường , phi lý , nhưng mấy cậu học trò quê ở Quảng Nam , đều quả quyết là chuyện thật 100 phần 100 . Hâù hết , những bạn này đều nói có đi xem núi Ngũ Hành Sơn và xác nhận sự kiện lịch sử ấy . Việc Vua Thành Thái bóp vú đá ở Ngũ Hành Sơn cũng được truyền tụng khắp cả thành phố , và cũng do đám học sinh Ðệ Nhất , Ðệ Nhị , và Ðệ Tam niên loan ra .

Một hôm anh Phạm Ðào Nguyên , thư ký hãng Descours et Cabaud, mét riêng cho trò Tuấn biết rằng người vợ An nam hiện tại của ông Tây Delorme, ở cạnh nhà thờ Thiên chúa , trước kia chính là một trong những bà vợ của Vua Thành Thái , và bà này hiện chỉ có một cái vú độc nhất ở bên trái , vì cái vú bên phải đã bị Vua Thành Thái cầm gươm chém đứt , Phạm Đào Nguyên nói và cười , nhưng quả quyết là đúng sự thật . Thấy Tuấn lắc đầu không tin , thầy thư ký hãng Descours et Cabaud bảo Tuấn :

- Nếu anh không tin , cứ việc đến hỏi thẳng bà Delorme , Bả sẽ nói chuyện cho nghe .

Tuấn cho là một chuyện khôi hài , nhưng nó vẫn bị ám ảnh kinh khủng bở cái vú “ lịch sử “ của bà vợ Tây mà Phạm Đào Nguyên qủa quyết bảo trước kia là vợ của Vua Thành Thái . Óc tưởng tượng của tuổi thanh niên , và thêm vào đấy cái tính tò mò học hỏi sẵn có của Tuấn , bị căng thẳng đến tột độ , khiến Tuấn cả đêm không sao ngủ được . Ðến khi ngủ mê , Tuấn chiêm bao thấy cái vú của bà vợ Tây bị Vua Thành Thái cầm gươm chém một nhát phun cả máu ra . Tuấn ú ớ hét lên một tiếng kinh khủng rồi giật mình thức giấc . Cả nhà trọ đều hoảng hốt thức dậy hết . Họ thắp đèn lên và hỏi Tuấn . Cậu học trò ướt đẩm mồ hôi điềm nhiên kể lại :

- Tui thấy bà Delorme có hai cái vú thiệt đẹp , bị vua Thành Thái cầm gươm chém một cái đứt ra chảy đẩm cả máu me . Tui sợ quá hồn vía bay đâu mất !

Cả nhà đều cười xòa mà chế nhạo trò Tuấn là mê đôi vú của bà me Tây. Mắc cỡ , nhưng muốn biết rỏ sự thật , sáng Chủ Nhật , mặc áo dài trắng của học trò , đội mũ trắng , lê đôi guốc cùn đến nhà bà Dolerme. Ông Tây chồng bà đi Saigon , bà đang dạo vườn bắt sâu cho mấy khóm hoa . Cái cổng bằng gỗ mở một cánh . Tuấn đi qua đi lại hai ba vòng , mắt cứ lấm lét ngó vào vườn hoa nhưng không dám vào . May thay bà vợ Tây dừng lại nhìn trò Tuấn rồi mĩm cười nói bằng tiếng Huế :

- Câu kia đi mô rứa ? Ngó chi rứa ? Muốn xin bông hỉ ?

Tuấn cười :

- Dạ, bông gì đẹp quá , bà cho tui một cành được không ?

- Ðược , vô trong ni tui cho .

Thế là Tuấn vào . Ðôi mắt tò mò của Tuấn cứ ngó ngay lên bộ ngực bà , vun vèn đầy đặn cả đôi dưới lờp sơ mi mỏng bằng hàng ngoại quốc . Bà trạc độ 40 tuổi , rất đẹp . Tuấn hồi đó 16 tuổi thôi . Bà cười rất tự nhiên hỏi :

- Răng cậu cứ nhìn cái ngực của tui dữ rứa ?

Tuấn bẽn-lẽn hỏi :

- Thưa bà,phải hồi trước bà là vợ vua Thành Thái không ?

- Phải , trước tê tui là cung phi của đức ngài Thành Thái .

- Tui nghe họ đồn là nhà Vua chặt mất một cái vú của Bà , có đúng không Bà ?

- Ðúng như , như rứa đó .

Xong , bà vui vẻ cởi nút áo ra ,phanh một nửa chiếc áo sơ mi để hở một nửa ngực cho Tuấn xem . Bà chỉ cái chỗ vú bên phải :

- Cái ni này .

Tuấn thấy không có cái vú ở chỗ đó nữa , da ngực bằng phẳng chỉ còn một vết thẹo lớn mà thôi . Vú bên trái còn nguyên vẹn thì bà vẫn cầm nữa áo che kín , không cho Tuấn xem . Vã lại , trò Tuấn đâu có đòi xem cái vú còn nguyên vẹn . Xong , bà cựu Cung Phi cài khuy áo lại . Tuấn hỏi :

- Sao Vua Thành Thái lại chém cái vú của bà chi rứa ?

- Tại ri nè . Ngài lo việc đánh Tây . Cho nên sáng mô Ngài cũng bắt Cung Phi Cung Nữ ra vườn tập trận . Ngài ra lịnh trồng chuối chung quanh vườn , cứ cách một khoảng trồng một cây chuối . Ngài truyền Cung phi cưỡi ngựa , cầm gươm , rôì phi ngựa chạy ngang qua giây chuối . Ngài Ngự ngồi ghế truyền lịnh chém cây mô thì phải chém cây nớ . Taị con ngựa của tui nó sợ quá , đến gần chỗ Ngài ngôì là nó nhảy vồ lên , làm tui cũng thiếu điều bổ xuống đất , tui đưa gươm ra chém cây chuối mà không trúng . Ngài Ngự nổi giận liền chạy tới đưa gươm chém vô người tui một phát lại trúng cái ngực , đứt cái vú .Tui bổ xuống đất , máu chảy ra lai láng mà tui không dám kêu .Rôì tui chết giấc luôn . Sau đó nhờ dán thuốc dán lâu ngày cũng khỏi , bây giờ thành thẹo như rứa đó .

Tuấn đứng nghe choáng váng cả mặt mày , muốn té xỉu luôn bên bồn hoa của bà Cựu Cung phi …Bà bẻ cho Tuấn một cành hoa , bảo Tuấn vô nhà chơi , bà cho coi nhiều đồ Tây đẹp lắm . Nhưng Tuấn mắc cỡ , cất mũ chào bà rôì chạy biến ra đường .

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3