Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 38

CHƯƠNG 38

1927

- Hà Nội "Kinh đô trí thức" của Ðông Dương.

- Phong trào đi du học Hà Nội .

- 2 bài thơ cam kết của đôi bạn trẻ cùng chí hướng .

- Một Quan Huyện làm thơ ca ngợi chiếc xe lửa trên đường Hỏa – xa tốc hành Saigon-Hà Nội .

- Lần đầu tiên đến Hà Nội .

- Xe kéo Hà Nội

Hà Nội ! Thăng Long !

Ðối với Tuấn , chàng thư sinh 17 tuổi , quê quán ở một làng hẻo lánh , nhỏ bé , ở miền núi Trung Kỳ , đi Hà Nội là một việc trước kia không bao giờ chàng dám nghĩ đến .

Dù sao Huế cũng còn gần gũi hơn , Huế mới chỉ là Ðế Ðô của nhà Nguyễn , Huế hãy còn là một thủ đô của xứ Trung Kỳ mà thôi . Chứ Hà Nội ! Ồ ! Hà Nội , tên cũ là Thăng Long , đó là cái gì khác xa Huế , lớn hơn Huế , xưa hơn Huế , đồ sộ hơn Huế . Ðó là kinh đô của Lịch sử ! Ði Hà Nội , tức là đi về cái nguồn gốc của Lịch sử !

Cố cựu hơn Huế , mà tân tiến hơn Huế . Huế chỉ có ông Khâm Sứ , ông vua An Nam , Hà Nội có ông Toàn Quyền , có thành cũ Thăng Long , có trường Cao Ðẳng Ðông Dương , có cầu Doumer, có Hồ Hoàn Kiếm , có đền Bà Trưng , có tượng Paul Bert ! Tất cả bốn nghìn năm lịch sử “ An-nam-quốc “ đều có mặt ở Hànội , Thăng Long .

Tuấn , chàng trai nước Việt ở thế hệ giao thừa , mới 17 tuổi đã bị đuổi khỏi học đường quá sớm , đã phải tạm biệt thôn quê và tỉnh nhà để đi tìm hoài bão tương lai . Chàng trố mắt nhìn xã hội An-nam với tất cả tâm hồn ngây thơ mơ mộng , lại ngơ ngác trước những cái mới mẻ lạ kỳ , tò mò tìm hiểu bao nhiêu điều cần học hỏi . Tuấn đã thấy thật nhiều ở Huế , nhưng Huế chật hẹp quá , Tuấn mới ở đây một tuần lễ đã cảm nghĩ rằng mình đã biết gần hết Huế rồi .

Bây giờ lên đường đi Hànội , lòng Tuấn hồi hộp vô cùng . Tuấn rất buồn vì mình không phải con nhà giàu . Sinh trưởng trong một gia đình lao động , cha làm thợ mộc , mẹ không có buôn bán gì , được người anh học giỏi làm việc cho Tây - Trần Anh Tuấn , Phán Sự Tòa Sứ , thì lại bị bắt bỏ tù ! Anh bị bắt cùng một lúc với thầy Ðổng sĩ Bình , phán sự tòa sứ Qui Nhơn về tội “ tạo yêu thơ yêu ngôn “ . Theo bản án của triều đình Huế , tội tạo yêu thơ yêu ngôn nghĩa là sáng tạo ra văn chương và ngôn ngữ phi pháp , chống chính phủ .

Hôm ông Phán Tuấn bị bắt và đưa đi Ban-mê-thuột thì Tuấn không hay biết gì cả vì Tuấn đang học ở Qui Nhơn . Kỳ nghỉ hè về nhà , Tuấn nghe cha mẹ và hàng xóm kể lại , mới biết rằng ông Phán Tuấn có chân trong một hội kín gọi là “ Thanh niên cách mạng đảng “ và có góp tiền “ mua súng để đánh Tây “ . Tuy bề ngoài làm việc ở Tòa Sứ rất chăm chỉ , đối với người Pháp ông rất lịch sự , nhã nhặn , nhưng không ai ngờ ông Phán Tuấn lại là một đồng chí hăng hái nhất của một đảng cách mạng . Ông hoạt động bí mật trong tỉnh nhà đã hai ba năm rồi mà không ai biết cả , trừ những đảng viên .

Nghe các thầy thông thầy ký thuật lại , hôm có lính Tập vây nhà và bắt thầy phán Tuấn , rồi dẫn đến quan Công Sứ Pháp, ông này hết sức ngạc nhiên hỏi Tuấn là người cộng sự đắc lực nhất và quí nhất của ông :

- Taị sao anh vào đảng chống Pháp ?

Thầy Phán Tuấn đáp :

- Thưa ông Sứ , tôi chỉ làm bổn phận của một người dân vong quốc .

- Nhưng anh biết rằng người Pháp đem văn minh qua cho người An nam ?

- Người Pháp làm bổn phận của họ . Chúng tôi làm bổn phận của chúng tôi .

- Anh nghĩ sao khi chính tôi đây đã đối xử rất tốt đối với anh và đồng bào của anh ?

- Vâng , ông nói đúng và tôi xin cảm ơn ông. Nhưng tôi làm cách mạng không phải chống cá nhân của ông , mà chống nước Pháp , chống chế độ thực dân của Pháp .

Ông Sứ làm thinh . Một lúc, ông bắt tay phán Tuấn trước khi truyền lịnh đem giam Tuấn vào lao :

- Dù sao , anh cũng là một người có chí khí ( Quand même, vous êtes un brave ! )

Khi các quan An nam đem phán Tuấn ra xử theo luật Gia Long , tội của Tuấn là “ tạo yêu thơ yêu ngôn “ ( tạo ra thơ văn và lời nói phi pháp ) và kết án khổ sai chung thân . Ông Công sứ Pháp phản đối , đề nghị giảm xuống còn 9 năm tù , đày lên Ban-mê-thuột .

Lúc xét nhà phán Tuấn , lính có bắt được một tập thơ do ông phán Tuấn làm , nhan đề là “ Vần thơ nước mắt “ , trong đó có nhiều bài đả kích các quan và vua An Nam . Tập thơ này , chính Tuấn-anh cũng có đưa cho Tuấn-em xem . và Tuấn-em có chép riêng trong một quyển sổ con mấy bài như sau đây:

Quan đi lọng

Khéo trò võng lọng , khéo trò quan !

Chẳng biết hổ ngươi , chẳng ngỡ ngàng !

Mất nước muôn dân còn oán hận ,

Làm thân tôi mọi cũng nghêng ngang !

Làm vua thua bù nhìn

Biết nhục không , vua ? Vua hỡi vua !

Bù nhìn còn biết giữ bờ dưa

Ngai vàng chẳng hổ thân nô lệ ,

“ Hoàng đế An nam “ khéo vẽ bùa !

Khuyên cậu học trò

Trò ơi ! ôm sách đi đâu ?

Học bài toán đố , học câu vẹc-bờ

Ngày nay tuổi cậu còn khờ ,

Miếng cơm manh áo còn nhờ mẹ cha ,

Mai sau khôn lớn , đẩy đà

Làm trai phải nhớ Nước Nhà , mang ơn .

Hai vai gánh vác giang sơn

Bẻ dây xiềng xích , thoát cơn tôi đòi .

Khí thiêng nung đúc giống nòi

Rồng Thiêng muôn thuở muôn đời tự do !

14-7 ( cách-tót-duy-tê )

Cách-tót-duy-dê, đã tới đây

Là ngày Quốc Khánh của ông Tây

Tỉnh thành loe loét cờ ba sắc

Áo mão vêng vang khỉ một bầy

Ðại Pháp câu mồi , vui thích hỉ !

An nam liếm chảo , tức cười thay !

Làng quê kẻ chợ đi xem hội , Cờ bạc, rượu chè , lắm kẻ say !

Khóc cụ Phan Chu Trinh

Ôi cụ Tây Hồ , ới cụ ơi !

Nước nhà đau đớn , cụ buông xuôi !

Gông cùm nô lệ , dân còn oán

Quân chủ chuyên quyền , hận chửa nguôi !

Ðất nổi phong ba , trời thảm lụy

Dân không cha mẹ , Nước mồ côi !

Hương lòng một nén , thơ năm vận ,

Khóc cụ Tây Hồ , ngấn lệ rơi !

Gởi Tuấn-em

Nhắn nhủ em trai , óc dại non

Ðôi lời mực thước , nhớ châm ngôn

Học làm nô lệ , thà đừng học

Khôn việc Nước Nhà , ấy mới khôn

Cam khổ không sờn , noi lý tưởng

Thanh bần cố giữ , vẹn tâm hồn

Công danh sự nghiệp do mình tạo

Khí khái anh hùng , để tiếng thơm .

TRẦN-ANH-TUẤN

(Vần thơ nước mắt )

1924-1926

Nhất là bài thơ sau đây , như bản chúc thư của người anh ruột yêu qúi , mỗi lần nhớ đến là Tuấn buồn và lo .

Buồn , vì Tuấn đã không làm được việc gì cho có tiền để phụng dưỡng mẹ cha , mà lại còn muốn trốn gia đình để đi Huế , đi Hà Nội thì thật là một đứa con bất hiếu , một đứa em không nhớ lời khuyên dạy của anh . Tuấn biết vậy , nhưng làm sao được khi tính phiêu lưu mạo hiểm , chí khao khát học hỏi , và lý tưởng cách mạng đã được nung đúc từ ba năm qua , như đa số học sinh thời bấy giờ , tất cả những yếu tố ấy mạnh hơn Tuấn , thúc đẩy Tuấn đi tìm một lẽ sống thích hợp cho tâm hồn của chàng trai đang say sưa với thời buổi mới .

Tuấn lại lo vì Tuấn không biết rồi đây tương lai của Tuấn sẽ như thế nào ? Có thể giữ được không những ý nguyện thầm kín của Tuấn , theo lời dạy bảo của anh ? Làm sao cho trở thành một Ðất Nước , với Giống Nòi ? Làm sao cho tâm hồn giữ được thanh cao , cho đạt được lý tưởng của đời sống khí khái anh hùng mặc dầu sẽ chịu nhiều cam khổ ?

Tuấn cảm thấy mình hãy còn bé quá , khờ dại quá . Anh cả của Tuấn , cột trụ của gia đình , bây giờ đã đi ở tù tại nhà lao Ban-mê-thuột chính vì lý tưởng cách mạng . Tuấn là con trai duy nhất còn lại với cha mẹ , thì đã bị nhà trường đuổi vì quá hăng say trong cuộc bãi khóa vừa rồi , từ nay làm sao tiếp tục học được nữa ? Ðành rằng anh cả nhắn nhủ :” Học làm nô lệ thà đừng học “ , Tuấn cũng quyết định sẽ không bao giờ làm nô lệ , nhưng Tuấn cần phải học giỏi để có căn bản văn hóa vững chắc mới thực hiện được lý tưởng của đời Tuấn , mới đạt được sự nghiệp tương lai .

Tuấn trằn trọc suốt đêm trước giờ ra ga xe lửa để đi Hà Nội , cứ nhớ lại mấy bài thơ của anh cả , từng chữ như những lời khuyên răn , mà cũng là những lời tâm huyết , vừa cảnh cáo , vừa khuyến khích …vừa đề phòng …Tâm sự của Tuấn đêm nay là tâm sự của một chàng trai của Ðất Nước , đang bơ vơ , ái ngại , lo sợ trên đường đời vô định .

Hầu hết những chàng trai nước Việt , cùng lứa tuổi của Tuấn , trong thời gian 1926-1927 cho đến 1931-1932 , tuy hoàn toàn mỗi người mỗi khác , nhưng tâm sự lo lắng cho tương lai , cho đất nước , đều như thế cả .

Bởi đó là thế hệ trai trẻ đang chịu ảnh hưởng sâu đậm của trào lưu cách mạng do hai nhà chí sĩ họ Phan đã gây ra , và do lớp trí thức đàn anh noi theo gương hai cụ , tiếp tục đề cao tinh thần cách mạng trong các giới sĩ phu …

Tuấn chỉ đủ tiền mua vé xe lửa từ Huế ra Hà Nội còn dư trong túi được vài chục tờ giấy bạc 1 đồng , do vài đứa bạn gom góp cho thêm , mỗi đứa cho mười giác , hoặc hơn nữa .

Chiếc xe lửa cũ kỹ , dơ bẩn từ ngoài đến trong , kéo gần hai chục cái toa , cái gòn

(wagon) , thành một đoàn dài đậu sừng sững từ đầu đến cuối sân ga , cao như một bức thành mầu nâu , bẩn thỉu .

Lần đầu tiên được đi Hà Nội mà đi trên chiếc tàu hỏa ghê tởm như thế kia , Tuấn không được vui lắm, Tuấn mua vé hạng tư , ngồi trong một toa đầy nghẹt hàng hoá , hành khách chen lấn nhau , đủ hạng người . Tuấn chỉ có một chiếc va li nhỏ bằng mây rất đơn giản , trong đó sắp xếp mấy bộ quần áo tây và An nam , toàn đồ cũ và năm bảy quyển sách Pháp , Tuấn đút va li dưới gầm ghế ngay chổ Tuấn ngồi để dể canh chừng , sợ thất lạc . Mấy đứa bạn của Tuấn có mua cho Tuấn để ăn dọc đường : một trái bưởi Huế , một khúc bánh mì và một gói kẹo thèo lèo để ăn tạm với bánh mì .

Nên nhớ rằng ở Huế và cả miền Trung vào khoảng đó ( 1926-1927) bánh mì vẫn chưa được thông dụng trong dân chúng An nam . Nó thuộc về các món ăn của Tây , và phần nhiều những người ở giới thân cận với Tây mới thỉnh thoảng dùng đến . Còn quần chúng An nam chỉ thích ăn các món bánh truyền thống như bánh bèo và bánh hỏi . Bánh mì là một thứ bánh lạ , người An nam ăn một vài lần cho biết thế thôi , chớ không ham chuộng lắm , cho nên nó không được bình dân , và các tiệm ăn An nam ít có bán . Mấy đứa bạn của Tuấn muốn cho Tuấn được món ăn đặc biệt trên xe lửa đi Hà Nội , đã phải đến nói riêng với anh bồi của nhà hàng Morin là nhà hàng độc nhất của Pháp ở Huế để nhờ anh mua dùm một khúc bánh mì chánh hiệu của Tây . Vì hình như bánh mì bán ra cho người An nam thì có pha bột khoai mì .

Anh bồi của nhà hàng Morin có lòng tốt , nhờ quen với một cậu học trò , bán cho mấy đứa bạn của Tuấn một chiếc bánh mì lớn bằng trái bắp với giá tiền 5 xu ( bằng 50 đồng bạc ngày nay ) . Quỳnh hãnh diện trao chiếc “ bánh mì Morin “ cho Tuấn với mấy lời trịnh trọng sau đây :

- Nè, chiếc bánh mì Morin , mầy cất kỹ trong vali để dành ăn trên tàu hỏa . Trên tàu có bánh mì để bán cho Tây chớ không có đủ để bán cho An nam đâu .

Tuấn nghe lời , cất kỹ khúc bánh mì bằng trái bắp trong va li quần áo . Bánh mì để ăn với …kẹo thèo lèo cũng do mấy đứa bạn mua cho .

Một việc không ngờ cho Tuấn là lúc tàu huýt còi sắp sửa chạy , Tuấn đứng thò đầu ra cửa ngoắc tay từ giã tụi bạn thì Quỳnh chồm lên nhét vào tay Tuấn một miếng giấy , với nụ cười cảm động :

- Ðể tàu chạy rồi hãy coi !

Tàu chạy xong ra khỏi ga Huế . Tuấn mở giấy ra xem , thì là một bài thơ của Quỳnh :

Tiễn Bạn Trần Tuấn

Tiển bạn ra đi , dạ thẫn thờ

Chút tình ghi lại mấy vần thơ

Học đường , nhắc bạn đừng xao lãng ,

Chí khí làm trai chớ bỏ ngơ

Tổ quốc đang mong bầy tuổi trẻ

Thân tằm phải nhả những dây tơ

Mấy lời tâm nguyện tôi cùng bạn

Non nước ngày mai …há hững hờ ?

Tuấn xem lại bài thơ của Quỳnh hai ba lần và đã thuộc lòng .Từ đó , trên ghế dài của toa xe lửa phần thì bị lắc qua lắc lại với tiếng động rầm rầm của những bánh xe lăn trên đường sắt , phần bị ép chặt cứng giữa một bà lão ngồi ngủ gục luôn chạm mạnh đầu bà vào đầu chàng , và một ông cụ nhà nho miệng nhai trầu và hút thuốc không ngớt , chốc chốc rung đùi như cảm hứng một mình , Tuấn cũng nghĩ ra được một bài thơ để họa lại bài tiễn bạn của Quỳnh .

Mãi khi tàu hỏa ra khỏi Quảng Trị , khỏi ga Ðồng Hới , Tuấn mới nghiền ngẫm xong bài thơ họa , nhưng vẫn âm thầm trong trí óc , không chép ra được vì không có giấy , không có bút , trong lúc xe lửa chạy vùn vụt , rầm rầm , nhức đầu , ù tai , mũi Tuấn hít đầy than và khói .

Thơ của Tuấn họa như sau đây :

Gởi bạn Phan Quỳnh

Xa quê , lạ cảnh , óc bơ thờ

Thăm thẳm đường đời , ngại tuổi thơ

Văn học trau dồi tuy cố gắng

Non sông tủi nhục khó làm ngơ

Gọi hồn , chiếc hạc bay tung cánh ,

Vương kiếp con tằm nhả phím tơ .

Ðất rộng trời cao duyên cát bụi .

Biết đâu thân thế chỉ mong hờ !

Lúc ra Hà Nội , chép lại bài thơ gửi vào Huế cho Phan Quỳnh , Tuấn chứa ở dười bài thơ :

Câu đầu làm lúc tàu băng qua cầu Bạch Hổ , Huế . Câu cuối làm xong sau khi tàu ra khỏi ga Ðồng Hới .

Tuấn , 28 Septembre 1928

Chàng thiếu niên tự cho là thích thú , đọc thầm lại bài thơ của Quỳnh và bài họa của chàng . Ngâm mãi trong miệng một lát , chàng tủm tỉm cười một mình và quên những người ngồi chung quanh , chàng ngâm lớn lên hai câu mà chàng khoái nhất :

Gọi hồn , chiếc hạc bay tung cánh

Vương kiếp con tằm nhả phím tơ .

Ông cụ nhà nho ngồi sát cạnh , ngó chàng :

- Cậu ngâm thơ của ai đấy ?

Tuấn giựt mình , như sực tỉnh giấc mộng , lễ phép đáp :

- Dạ , thưa cụ , con ngâm hai câu thơ của thầy con dạy ở trường .

- À, tôi cũng làm thơ . Buồn ngủ quá . Làm thơ để khỏi ngủ gà ngủ gật như người ta. Thơ tôi là thơ Ðường luật , bát cú , cậu có nghe không ? Thơ tôi thì xuất sắc lắm . Tôi đọc cậu nghe nhé !

- Dạ.

Ông cụ nói tiếng Quảng Bình , hơi khó nghe một tí đối với Tuấn chưa quen nghe . Nhờ được cái là ông cụ khoái chí , rung đùi , ngâm đi ngâm lại hai ba lần nên Tuấn nghe rõ và nhớ được hết . Ðây là bài thơ cuả cụ :

Chiếc Tàu Hỏa

Khen thầy Ðại Pháp thật văn minh

Tàu hỏa bầy ra , ai cũng kinh

Sức mạnh ầm ầm ghê máy móc

Chạy nhanh vùn vụt , tựa cung tên !

Ăn mây , nuốt gió , tung trời đất ,

Trèo núi , băng sông , vượt thác ghềnh .

Huýt tiếng còi vang , rung vũ trụ ,

Ðến ga, kẻ xuống có người lên !

Rất tiếc là ông cụ không cho biết tôn danh , và Tuấn không dám hỏi . Nhờ nói chuyện một lúc , cụ mới cho cậu thiếu niên biết cụ làm Tri-huyện ở Do Linh . Tuấn không thuộc địa dư , không nhớ Huyện Do Linh ở tỉnh nào , nhưng Tuấn không dám hỏi nhiều , chỉ thích ngồi nghe. Cụ nói chuyện vui vui . Cụ giảng nghĩa bài thơ của Cụ , từng câu từng chữ cho cậu thiếu niên nghe , để cậu thưởng thức thi vị của bài thơ mà cụ cho là xuất sắc , là kiệt tác trong loại thơ Đường luật bát cú .

Tuấn hơi ngạc nhiên là ông cụ nhà nho làm đến chức quan Tri huyện thì đáng lẽ cụ mua vé hạng ba , hoặc hạng nhì , sao cụ lại mua vé hạng tư ! Có lẽ quan Huyện muốn tiết kiệm tiền , vì thời bấy giờ lương quan Huyện An nam không hơn lương một ông quan Phán đầu tòa .

Quan Huyện là nhà nho học , nhưng cũng biết tiếng Tây , nói được tiếng Tây tuy không đúng văn phạm lắm . Quan hỏi chàng thiếu niên một câu tiếng Tây :

- Vous savez pourquoi je parle le Francais comme les Francais, mais je chique toujours du bétel aussi ?

Tuấn thấy câu tiếng Pháp của quan không được Tây lắm , nhưng miễn chàng hiểu nghĩa :” Anh biết tại sao tôi nói tiếng Pháp như người Pháp , nhưng tôi vẫn ăn trầu ?” .

Tuấn cũng trả lời bằng tiếng Pháp :

- Non

- Parce que le bétel c’est le quốc hồn quốc túy des Annamites.

Tuấn không nhịn cười được nữa , vì cụ nói “ trầu là quốc hồn quốc tuý của người An nam “ . Có lẽ vì cụ không biết dịch bốn chữ “ quốc hồn quốc tuý “ ra tiếng Pháp như thế nào , nên cụ để nguyên tiếng Việt trong câu tiếng Pháp của cụ . Cụ còn nói thêm , vẫn nói tiếng Pháp , đại ý : người An nam phải giữ quốc hồn quốc tuý của mình , không nên bắt chước người Tây hết , như mặc áo dài , bịt khăn đóng , ăn trầu v.v… là những cái hay cái đẹp mà không nên bỏ …

Nhờ câu chuyện vui vui với quan Huyện Do Linh mà Tuấn không buồn ngủ và quên nỗi mệt nhọc trên tàu . Hình như quan cũng thấy Tuấn ngoan ngoãn , nên quan ưa nói chuyện . Ngồi một mình trên tàu không ai nói chuyện với ai , buồn chịu sao nỗi ? Nhưng nói mãi cũng chán , và Quan Huyện nói nhiều lắm , chắc cũng thấm mệt . Quan thiu thiu ngủ , gục đầu vào thành xe …

Tuấn ra hành lang đứng xem phong cảnh …

Tuấn hồi hộp vô cùng . Trái tim của Tuấn rung động mạnh , giống như chuyến tàu chuyển đi vùn vụt trong đêm khuya . Tuấn lo nghĩ lan man về cuộc viễn du cũng như cuộc đời vô mục đích mà không biết ngày mai sẽ ra thế nào ? Tuấn còn nhỏ , đường còn xa , năm tháng còn dài thăm thẳm , rồi đây Tuấn ra Hà Nội sẽ làm được gì ? Sẽ đạt được gì ?

Lơ lửng giữa một xã hội nửa cựu , nửa tân , tuổi của Tuấn chưa un đúc được cái cũ , chưa thấm nhuần được cái mới , Tuấn tự cảm thấy bơ vơ lạc lỏng không ai chỉ dẩn . Hầu hết những chàng trai đất Việt đồng lứa với Tuấn , của thế hệ 1925-1932, đều phân vân nơỉ ngã ba đường của Lịch sử . Ghét Tây mà sợ Tây , mà phải học chữ Tây , đọc sách Tây . Một số thi đậu ra làm việc cho Tây để kiếm tiền nuôi mình , nuôi vợ con , giúp cha mẹ để đền ơn sanh thành , báo đáp công ơn dưỡng dục , ôm chữ hiếu để thờ mẹ kính cha , lấy chữ an thường thủ phận để bảo vệ đời mình .

Còn một số khác vẫn âm thầm óan hận , kết bạn kết bè , lê la những bước sống phiêu lưu ở ngoài rìa xã hội . Họ là thanh niên trí thức , học rộng biết nhiều . Ngoài những sách vở của nhà trường, họ còn tìm hiểu thêm trong các ngưỡng cửa của trí óc , mở rộng nhãn tuyến của học vấn vô biên , của tư tưởng bao la , của kiến văn vô tận . Tuấn thèm thuồng đời sống tự do bay nhảy của hạng trẻ tài hoa tuấn tú ấy . Nhưng làm sao đây ? Tuấn sợ rằng mình bé nhỏ quá . Mình vô tài ? Mình bất lực ? Mình không có khả năng gì quán xuyến hơn người ? Nên rời ghế học đường , Tuấn đi phiêu lưu nơi “ nghìn năm văn vật” mà lòng ái ngại , trí lan man , chưa có gì ổn định cả .

Tàu hỏa đã qua nhiều ga , đã ghé nhiều tỉnh , nhiều thành phố mà Tuấn đã học thuộc lòng trong sách địa dư của nhà trường : Quảng Trị, Quảng Bình , Hà Tĩnh , Nghệ An , Vinh , Thanh Hóa , Ninh Bình , Nam Ðịnh …

Người ta cho biết 6 giờ chiều tàu sẽ đến Hà Nội . Khỏi ga Văn Ðiển là ga gần Hà Nội , Tuấn đã thấy những trụ “ giây thép gió “ cao ngòng lố nhố tận nơi xa . “ Hà Nội đấy ! Giây thép gió Bạch Mai đấy ! “ . Một ông cụ người Bắc trả lời cho Tuấn , khi Tuấn hỏi cụ .

Trên tầu, hành khách nhộn nhịp , sửa soạn hành lý , khỏi phải dọn dẹp gì cả , nhưng chàng cũng lo sợ , lỡ trong lúc lộn xộn xuống tầu , ai xách chiếc va li của chàng thì nguy… Chàng xách va li đứng nơi cửa sổ , nhìn phong cảnh đất Bắc , gần đến ngoại ô Thăng Long .

Tầu vùn vụt chạy ngang qua một cánh đồng , rồi bắt đầu chầm chậm , rú lên một hồi còi thánh thót …Một ao sen trắng …một ao sen hồng …rồi một dãy phố …một dãy phố …Tàu chầm chậm …chầm chậm …nhả khói …phịch…phịch…phịch…như một người thở hổn hển sau khi đã chạy hết một đường trường xa lắc xa lơ , hết hơi , mệt đứ đừ , vừa đến đích .

Ðối với Tuấn , thiếu niên 17 tuổi, quê ở một tỉnh nhỏ miền Trung , ga Hà Nội to lớn “ ghê hồn “ , kiến trúc đồ sộ hơn ga Huế , mặt văn minh hùng vĩ hơn . Ga Hà Nội làm cho Tuấn sợ , Tuấn thấy mình bé bỏng quá .

Chàng xách va li đứng yên trên bến tàu một lát để ghi vào trí nhớ những giây phút đầu tiên chàng để chân trên đất Thăng Long .

Rồi chàng len lỏi theo sóng người hành khách tay xách , tay cầm , chảy ào ạt ra cửa "sortie”.

Ồ Hà Nội ! Hà Nội ! Giấc mộng say mê của chàng trai phiêu lãng đã hiện ra trong thực tế rồi đây ! Hà Nội rồi đây !

Tuấn đủng đỉnh bước xuống mấy bực thềm xi-măng của nền hè ga cao rộng . Xuống đến sân , chàng gọi chiếc xe kéo , hỏi người phu xe một câu ngớ ngẩn :

- Bác ơi bác , bác biết đường Général Bichot không ?

Người phu xe nhanh miệng đáp :

- Phố nào lại chả biết . Mời cậu lên xe , tôi đưa cậu đến nơi ngay .

Tuấn mừng quá , xách va li lên ngồi trên chiếc xe kéo không khác gì xe kéo ở Huế hay ở Quảng Ngãi , Qui nhơn . Nhưng bác “cu li “ Bắc kỳ lanh lợi hơn và có vẻ sốt sắng hơn . Xe chạy qua mấy đường phố rộng thênh thang , và chạy mãi …Tuấn hỏi :

- Bác ơi , đường Général Bichot tới chưa ?

- Ðường gì cơ ?

- Général Bichot .

- Ở đây có phố Ni-Sô , tiếng An nam tức nà phố Quán Sứ ấy , chứ nàm gì có phố Bi-Sô .

Tuấn rất ngạc nhiên . Ðúng theo địa chỉ trong thư người bạn , thì anh ấy ở Général Bichot , mà sao bác phu xe bảo không có . Bác ấy kéo đến đường Richaud ( phố Quán Sứ ) hỏi số nhà 27 thì không đúng . Tuấn bắt đầu phân vân lo sợ . Nhưng bác phu xe vẫn bình tỉnh , điềm nhiên bảo cậu khách trẻ tuổi ở quê xa :

- Cậu đừng có no …Tôi đưa cậu đến phố gì Sô ấy , chả việc gì mà no !

Tuấn cố hiểu lời nói của bác phu xe mà lần đầu tiên chàng nghe nói tiếng “ L” thành ra “ N” . Ngồi trên xe , Tuấn vẫn không yên lòng . Chàng suy nghĩ mãi làm sao cái bác “cu li xe kéo“ này không biết đường Général Bichot ở đâu mà cứ bảo chàng đừng lo , thế nào bác ấy cũng đưa chàng đến nơi đến chốn ?

Bác “cu li xe “ chạy ba hồi bảy chập , loanh quanh các đường trong thành phố , rồi rốt cuộc , đến một ngã tư đại lộ , bác đặt gọng xe xuống lề đường , để Tuấn ngồi đấy . Bác chạy đến chỗ có hai ông “đội xếp “đứng gác đường , nói gì với họ . Một ông đội xếp tiến đến gần Tuấn :

- Cậu tìm phố nào ?

- Dạ thưa ông , đường Général Bichot .

Ông đội xếp trố mắt nạt bác cu li :

- Bichot , tức là phố Cửa Ðông , không biết à ?

Bác cu li khúm núm trả lời :

- Vâng , thưa thầy con biết ạ .

- Biết sao còn hỏi vớ vẩn ?

Ông đội xếp bỏ đi . Bác cu li kéo Tuấn đến một đại lộ ngắn nhưng rộng lớn . Tuấn ngó lên tấm bảng xanh đề chữ trắng tên đường đóng trên lưng chừng một cột đèn điện nơi góc phố : “ Avenue Général Bichot “ . Tuấn mừng quýnh , tìm số nhà 27 . Ðúng là nhà trọ của anh bạn của Tuấn . Tuấn hỏi phải trả bao nhiêu tiền xe , người bạn nói ngay :

- Từ ga xe hỏa về đây đúng tariff 3 xu .

Bác cu li không bằng lòng :

- Sao nại 3 xu ? Tôi đưa cậu ấy đi chơi mát xuống tận mãi dưới Chợ Hôm , nên đến Yên Phụ rồi về đây , mà 3 xu nà thế nào ?

Bạn Tuấn cãi nhau với bác ấy một lúc khá lâu , dĩ nhiên là bác cu li cãi bướng và dùng rất nhiều lời thô tục . Trẻ con hàng xóm, cả người lớn nữa , bu đến thật đông để nghe câu chuyện . Rốt cuộc bạn của Tuấn lấy trả cho bác ấy năm hào . Bác vứt tiền xuống đất quát lên :

- Chạy khắp 36 phố Hànội mà bố thí cho người ta dăm hào ?

Tuấn sực nhớ có đọc trong tác phẩm của một văn hào Pháp chuyện một người Ba Tư tới Paris. Tuấn , cậu học trò ở tỉnh , lần đầu tiên đến Hà Nội , tay xách chiếc va li mây của nhà quê , đứng ngơ ngác trước đám đông người , y như chàng Ba Tư đến kinh đô Paris vậy …

Sau cùng người bạn phải trả cho bác cu li xe một đồng bạc y như lời bác ấy đòi .

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3