Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 41
Chương 41
1930
Sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Nguyễn thái Học.
- Tinh thần dân chúng Hà nội.
- Ðoạn đầu đài Yên Bái
- Nguyễn thị Giang
- Dư luận báo chí ở Huế và Saigon-Hà nội, "cuộc âm mưu của im lặng ".
Sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở vài ba tỉnh Bắc Kỳ, dân chúng Hà Nội lo sợ khi biết tin viên Toàn Quyền René Robin cho lịnh hai chiếc phi cơ Moranebay đi thả bom xuống làng Cổ Am chẳng còn một nóc nhà.
Một gia đình đang ăn giỗ, có đông người làng đến dự, nghe tiếng phi cơ bay rà trên các mái nhà tranh, tò mò chạy ra sân ngước cổ lên trời xem. Hai viên phi công tưởng đó là " loạn quân “đang tụ họp, liền thả bom và bắn súng liên thanh, giết chết không còn một mạng.
Ðây là một cuộc tàn sát đầu tiên bằng máy bay, mặc dầu lúc bấy giờ quân đội Pháp ở Ðông Dương chỉ có vài chiếc máy bay cũ kỹ kiểu 1918 mà thôi. Nạn nhân không phải là “ quân phiến loạn “ mà là những nông dân vô tội, có cả ông già, đàn bà, trẻ nít.
Tàn quân VNQDÐ đã chạy trốn vào rừng núi, tìm đường sang Tàu, về ngả Lào Kay, Lạng Sơn. Các báo Hà Nội đăng tin, nhưng không dám phê bình vụ tàn sát dã man kinh khủng trên kia, trừ một tờ báo L’ Argus Indochinois là có viết bài mạt sát viên toàn quyền René Robin thậm tệ. Vài tờ báo cách mạng ở Saigon cũng nổi lên đả kích kịch liệt vụ tàn sát làng Cổ Am bằng phi cơ.
Sau vụ này, Tuấn được nghe truyền tụng trong khắp các phố phường Hà Nội, một bài sấm mà người ta cho là rất linh ứng của Trạng Trình, Tuấn chép lại bài sấm để học thuộc lòng :
Kìa kìa gió thổi lá rung cây
Rung Bắc, rung Nam, rung tới Tây
Tan tác kiến kiều an đất nước
Xác xơ cổ thụ sạch am mây
Lâm giang nổi sóng mù thao cát
Hưng địa tràn dâng hóa nước đầy
Một ngựa một yên ai sùng bái
Nhắn con nhà Vĩnh bảo cho hay
(Trạng Trình NGUYỄN BỈNH KHIÊM)
Theo các cụ đồ Nho giảng dạy, thì trong bài sấm này, Trạng Trình ám chỉ rõ ràng cuộc khởi nghĩa của VNQDÐ ở Kiến An, Lâm thao, Hưng Hóa, Yên Bái và cuộc dội bom xuống làng Cổ Am. hai chữ Vĩnh Bảo là nói về Hoàng Gia Mô, cháu nội của Hoàng Cao Khải, làm tri huyện ở Vĩnh Bảo (tỉnh Hải Dương) bị quân VNQDÐ giết. Tuấn nhận thấy câu thơ thứ bảy bị chữ thứ sáu thất niêm, đáng lẽ phải là một chữ vần trắc, theo luật Ðường Thi, nhưng các cụ cho rằng đây là một lời Sấm, không cần phải niêm luật. Trừ một nhận xét nho nhỏ ấy về kỹ thuật thơ Ðường, Tuấn cũng như toàn thể sinh viên học sinh, giáo sư, và các tầng lớp dân chúng Bắc Kỳ, cả Trung và Nam kỳ, đều thán phục bài Sấm thần kỳ linh nghiệm của một bậc “Ðại Thánh “ Việt Nam.
Ở Saigon, tờ báo đầu tiên dám đăng bài Sấm của Trạng Trình và giảng nghĩa rõ ràng là tuần báo “ Phụ Nữ Tân Văn “ của bà Nguyễn Đức Nhuận, mà chủ bút là ông Phan Khôi.
Vụ khởi nghĩa Việt Nam Quốc Dân Ðảng bị đưa ra xử tại Hội Ðồng Ðề Hình ở toà án Hà Nội. Dân chúng không được vào xem. Lính canh gác cẩn mật chung quanh Nhà Hỏa Lò (danh từ thông dụng chỉ nhà lao Hà Nội) và toà án trên đại lộ Carreau.
Phải nói đúng sự thật rằng, trừ các giới cách mạng nằm trong bí mật là đặc biệt theo dõi vụ án này, còn ngoài ra, công chúng, cả thượng lưu, hạ lưu, cho đến các giới đồng bào bình dân, lao công, đều gần như lơ là, không xôn xao, xúc động.
Lý do, có lẽ một là vì Việt Nam Quốc Dân Ðảng chỉ hoạt động thầm lén trong một phạm vi quá nhỏ hẹp, quảng đại quần chúng chưa biết tới, hai là cuộc khở nghĩa bùng ra quá sớm chưa được chuẩn bị đầy đủ các yếu tố tuyên truyền và tâm lý để sách động quần chúng. Cho nên cái tin VNQDÐ nổi dậy đánh Yên Bái, Kiến An, Lâm Thao, hầu như không có ảnh hưởng sâu rộng ở Hà Nội là nơi trú đóng trung ương đảng bộ VNQDÐ mà lại là nơi tương đối yên tỉnh nhất. Các tỉnh khác như Nam Ðịnh, Hải Phòng, Thái Bình, Phủ Lý, Hà Ðông, Sơn Tây, Vĩnh Yên và các tỉnh ở thượng du Bắc kỳ hầu như hoàn toàn yên ổn, không mấy ai biết tới.
Mặt khác, sở Mật thám Ðông Dương tìm cách không cho tiếng vang của cuộc khởi nghĩa lan rộng ra. Các báo ở Hà Nội đều hầu hết tuân theo mệnh lệnh của Mật thám Ðông Dương và của phủ Thống sứ Bắc kỳ. Trên các tờ “ Hà thành ngọc báo, “Ðông Báo “, “Trung Bắc Tân văn “, “ Thực nghiệp dân báo “, người ta chỉ đọc được những cái tin vắn tắt, đúng 2 cột, hoặc 1 cột mà không có hình ảnh. Ngay tờ “ Tiếng Dân “ của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế, cũng không khai thác biến cố cực kỳ quan trọng ấy.
Những gì Tuấn biết được về vụ khởi nghĩa đều do tin tức truyền miệng của nhóm sinh viên, học sinh của Ðảng, một nhóm thiểu số mà sự tuyên truyền cách mạng thường gặp phải sự lãnh đạm sợ sệt rất đáng chán nản của giới sinh viên học sinh chỉ chăm lo học hành thi cử.
Tin anh Nguyễn thái Học, Ðảng trưởng và 12 Ðồng chí ở các cấp lãnh đạo, bị toà xử trảm, là một tiếng sét đánh vào tai những cậu học sinh và sinh viên của Ðảng, tuy ai cũng đoán trước cái định mệnh kinh hoàng đau đớn ấy.
Lúc đầu nghe nói sẽ xử bắn trong sân nhà Hỏa Lò, nhưng ngay hôm sau đã có tin 13 nhà cách mạng QDÐsẽ bị lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Làm sao đi xem được. Tuấn và mấy bạn học sinh, sinh viên đồng chí đều thiết tha mong muốn được chứng kiến cảnh tượng bi hùng duy nhất ấy, được chính mắt đọc trang Lịch Sử Việt Nam vẻ vang ấy.
Nhưng làm thế nào ? Một tin bí mật và chắc chắn cho Tuấn biết rằng ngày quyết 13 vị Liệt Sĩ VNQDÐ, sẽ là ngày 17.6.1930 tại Yên Bái.
Phải nói rõ rằng nhóm học sinh VNQDÐ, đã được tổ chức riêng biệt thành một lực lượng trừ bị, theo chiến thuật của anh Hồ Văn Mịch, vì hình như Trung Ương Ðảng Bộ còn ngại sự trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm của lớp thanh niên làm cách mạng tập sự, và không trao cho lớp này những công tác bí mật quan trọng.
Học sinh của Ðảng chỉ biết nhau bằng bí danh, và tổ chức chưa được chặt chẻ, chưa có hệ thống, và thật sự chỉ mới bắt đầu họat động hăng hái thì Ðảng đã bị tan vỡ do cuộc khởi nghĩa đột ngột ở Yên Bái. Hồ Văn Mịch là linh hồn của tổ chức học sinh cách mạng của VNQDÐ và được nhóm trẻ của Tuấn coi như người anh cả. Mịch bị bắt, và nhờ bị bịnh ho lao nên được nằm nhà thương Phủ Doãn. Và không bị tra tấn nhiều. Vả lại anh có rất nhiều can đảm, không hề tiết lộ một bí mật nào của đảng. Ðó là một điều may mắn cho nhóm học sinh cách mạng không có một người nào bị tình nghi, và mật thám không biết một tí gì về tổ chức học sinh của Ðảng.
Tuấn và hai người bạn thân tín nhất rủ nhau đi Yên Bái ngày 15 tháng 6, hai ngày trước hôm Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài. Ðể tránh mọi sự nghi ngờ, ba chàng thanh niên đi bằng xe đò, chứ không đi xe lửa.
Ðến Yên Bái đã gần khuya, Tuấn và hai người bạn lặng lẽ đi đến nhà một cô bạn gái, con một công chức làm tham tá ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, ở gần chợ. Ðến đây, công việc đầu tiên của tụi trò Tuấn là nghe ngóng dư luận …
Mặc dầu nhà cầm quyền dấu kín, dân chúng tại tỉnh lỵ Yên Bái cũng đã thì thầm với nhau rằng “ những người Quốc Dân Đảng sẽ bị hành hình lúc 6 giờ sáng hôm sau. Nhưng số người tử tội thì không ai biết rõ. Kẻ bảo là 12 người, kẻ bảo 15 người. Có kẻ làm ra vẻ thông thạo quả quyết chỉ có 9 người tòng phạm thôi, còn hai người “ chủ mưu “, là Nguyễn Thái Học và Ký Con thì đã bị chém trong nhà Hỏa Lò ở Hà Nội ngay sau phiên toà. Toàn là những lời đồn đại trái ngược, những tin tức nhiều khi mâu thuẫn mà ai loan truyền ra cũng đảm bảo tin của mình là chính thức và đúng hơn cả.
Ðêm nay Tuấn và hai đứa bạn không ngủ được và không lúc nào thấy buồn ngủ. Ba cậu học sinh nằm trên bộ ván, trùm trong một chiếc khăn bông. Họ nói thầm thì với nhau những điều thầm thì với nhau những điều ước đoán theo những câu chuyện nghe lõm và những lời đồn đãi ngoài phố.
Yên Bái đêm ấy có cảnh tượng như một thành phố chết. Những ngọn đèn điện thưa thớt và lờ mờ đổ xuống đường những vũng ánh sáng leo lét hoang vu. Không một bóng người qua lại. Không có giới nghiêm, không thiết quân luật, nhưng dân chúng lặng lẽ ở nhà, không dám ra đường. Mới tám giờ tối, hầu hết các nhà và các tiệm buôn lớn của Hoa kiều đều đóng cửa kín mít. Năm ba nhà hàng lớn của Hoa kiều cũng để cửa hé thôi.
Bốn giờ sáng, trời còn mù mịt, thành phố Yên Bái như tê lạnh dưới một vòm sương dầy đặc, trắng lều bều …
Ba cậu học sinh khẽ mở cửa ra đi, cố tình đi sớm một giờ để xem tận mặt tất cả những gì xẩy ra trước giờ hành quyết, tất cả cảnh tượng bi đát và oai hùng mà Tuấn và hai người bạn sẽ được chứng kiến trong một tiếng đồng hồ. Không được lại gần chỗ chiếc máy chém đứng lù lù, bí mật, nghêng ngang giữa khu đất trống. Tuấn dòm đăm đăm cái vật ghê tởm mầu xám xẩm phủ lên một lớp sương đêm làm tăng thêm mầu láng bóng hãi hùng ghê rợn.
Năm giờ hai mươi phút, một toán lính “ Khố Xanh “ do một viên giám binh Pháp dẫn đầu, và lính “ Khố Ðỏ “ dưới quyền chỉ huy của một trung uý Pháp lần lượt kéo đến, sắp hàng một, bao vây pháp trường. Công chúng hiếu kỳ kéo đến xem đông độ một trăm người, bị đuổi ra xa. Nhiều người chạy đi tìm chỗ đứng xem cho rõ. Tuấn và hai đứa bạn cũng bị lính đuổi đi, nhưng rồi cả ba cậu học trò vẫn tìm được một chỗ tạm nấp trong bóng tối nhưng ở đây được trông thấy tường tận.
Sau này, có vài quyển sách và bài báo chép rằng chị Nguyễn thị Giang, người vợ đồng chí của Nguyễn Thái Học, có đứng trong đám đông người để nhìn thấy mặt của đảng trưởng một lần cuối cùng. Nhưng Tuấn quả quyết rằng chị Nguyễn thị Giang không có đứng trong đám đông người, buổi sáng tinh sương mà nhà chí sĩ trẻ tuổi vĩnh biệt cuộc đời để bước vào lịch sử. Người ta không thấy chị Giang đâu cả. Sự thực, chị đã cải trang thành một người đàn ông, và đứng nép bên một gốc cây, chỉ 10 phút thôi, từ lúc chiếc xe sơn đen của nhà lao Yên Bái đưa anh Nguyễn Thái Học ra pháp trường cho đến lúc anh không còn nữa.
Nguyễn Thái Học bước lên đoạn đầu đài có hơi khác Nguyễn Thái Học lúc hoạt động cách mạng. Lần này đầu anh bị cạo trọc, đôi mắt anh sâu hóm như hai cái lổ thẳm. Má anh cóp và người anh gầy đi nhiều. Anh không ngó ai cả, đăm đăm bước rất mau lên bàn máy chém, hai tay bị trói còng ra sau lưng. Anh đứng trên bục sắt đen ngòm, la lên với một giọng run run mà những kẻ tò mò được chứng kiến đứng ngoài vòng lính, ít người được nghe rõ. Sương còn buông xuống nhiều, Tuấn cố lắng tai nghe tiếng anh “ Việt Nam vạn …vạn …tuế. Hai tiếng “ Việt Nam “ và tiếng “ tuế” sau cùng thì hét lớn lên, còn hai tiếng “ vạn …vạn “ rất nhỏ, chỉ nghe thoáng như hơi thở cuối cùng. Lưỡi dao sắc bén rơi mạnh xuống cổ anh, kêu một tiếng “phập“. Ðầu anh rơi xuống một chiếc thùng mạt cưa kê ở dưới bàn máy chém.
Chính trong phút đó, chị Nguyễn thị Giang dưới lớp áo đàn ông, chùm chiếc pardessus đen, biến đi đâu mất.
Tuấn và hai đứa bạn hình như bị nghẹn cổ, không thở được Tuấn lấy khăn tay lau sương và nước mắt chảy ướt đẩm trên đôi má tái mét rồi nhắm mắt đứng yên, không nhúc nhích, như một pho tượng, và không trông thấy gì nữa. Tuấn không thấy ngững người khác lần lượt chết sau anh Học, 6 giờ 20 phút, là xong. Tuấn và hai đứa bạn đi thật nhanh ra bến xe đò về Hà Nội.
Ít lâu sau hôm xử tử anh Nguyễn thái Học, Tuấn được tin chị Nguyễn thị Giang tự tử bằng súng lục ở ngay làng quê của người yêu.
Hai biến cố ấy làm đảo lộn tinh thần của đám thanh niên học sinh có theo dõi và tham gia chút ít hoạt động của VNQDÐ. Dư luận dân chúng Bắc Kỳ rất xôn xao, nhất là ở Hà Nội. Nhưng người ta chỉ bàn tán thầm thì với nhau trong gia đình chớ không dám nói lớn. Các báo Việt ở Hà Nội chỉ làm nhiệm vụ thông tin hoàn toàn khách quan. Không có một tờ báo nào viết ca ngợi các liệt sĩ VNQDÐ hoặc tỏ tình trong lúc viết tin tức, hay bình luận thời cuộc. Thỉnh thoảng một đôi tờ báo có đăng một bài thơ của một cụ nhà nho, nói về Nguyễn Thái Học và Nguyễn thị Giang, nhưng đại ý cũng chỉ tỏ lòng thương hại, hay trách móc, chứ không có bài nào tán dương hay khâm phục việc làm VNQDÐ và Nguyễn Thái Học, lãnh tụ cuả đảng.
Ở Trung Kỳ có hai luồng dư luận trái ngược nhau : đa số trong giới quan lại của triều đình Huế, dĩ nhiên là mạt sát Nguyễn Thái Học và VNQDÐ, lại còn cười chế nhạo là “ trẻ lòng non dạ “, “ châu chấu đá voi “. Giới thanh niên trí thức và trung học thì rất cảm phục lòng ái quốc hăng say và hy sinh cao cả của Nguyễn Thái Học và Nguyễn thị Giang. Hầu hết dân chúng miền trung chỉ nghe tin tức qua báo “ Tiếng Dân “ của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng chính cơ quan tranh đấu độc nhất ở Trung kỳ, do nhà cách mạng nổi danh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, vẫn hết sức dè dặt không hăng say mấy.
Duy có Saigon, cả báo Tây lẫn báo Việt đều nói đến nhiều nhất. Nhưng ở đâu dư luận báo chí và dân chúng chia làm 3 phe : một phe gồm toàn các báo thực dân Pháp và một số báo Việt của các nhà tư bản, điền chủ, đốc phủ sứ, công kích việc “phiến loạn“ của VNQDÐ. Một phu trung lập như báo Phụ Nữ Tân Văn, do Phan Khôi làm chủ bút, thì chỉ nhận xét vụ VNQDÐ theo bài Sấm của Trạng Trình. Tờ tuần báo Phụ nữ tân văn cho rằng biến cố VNQDÐ chỉ là một sự kiện tiền định của Lịch Sử, là không khen không chê.
Trái lại, có một số báo chính trị bằng Pháp văn của những người thanh niên trí thức, thì nhiệt liệt tán thưởng cuộc Khởi Nghĩa của VNQDÐ.
Giới học sinh Hà Nội, phần đông ở hai tư thục lớn nhất, Thăng Long (của người Việt), Gia Long (của người Pháp) và trường (trung học bảo hộ) của Nhà Nước, xôn xao khá nhiều trong một tháng đầu. Nhưng rồi người ta thấy thấy có nhiều tụi học sinh làm dọ thám, chuyên môn đi nghe ngóng các câu chuyện thì thầm của bạn bè hoặc thường đi xe đạp rảo qua các nhà trọ của học sinh, hay vờ vĩnh đến nhà bạn chơi để lục soát sách vở vì thế mà dần dần có một cuộc “âm mưu của im lặng” theo chữ Pháp thông dụng lúc bấy giờ trong trường hợp đó “ une conspiration du silence”.