Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 53

CHƯƠNG 53

1937

- Ðông Dương Ðại Hội

- "Nguyễn Văn Jeannin ", Công Sứ Nghệ An.

- Cuộc " tranh đấu " và đả kích giữa hai phái Ðệ Tam và Ðệ Tứ Quốc Tế ở Saigon.

- Huỳnh Văn Phương

Sau khi Mặt Trận Bình Dân Pháp lên nắm chính quyền được vài tháng, một số trí thức và báo chí Saigon phát động một phong trào gọi là Hội Nghị Ðông Dương tiếng Pháp là Congrès Indochinois.

Theo chủ trương của nhóm tổ chức thì hôị nghị sẽ có sự tham gia của tất cả đại diện của các giới dân chúng Nam, Trung, Bắc và Miên, Lào. Mục đích của hội nghị là mở một "Mặt Trận Bình Dân Ðông Dương “ (Front Populaire Indochinois), để đòi hỏi nhà cầm quyền Pháp ở thuộc địa phải thực hiện những nguyên tắc dân chủ của Mặt Trận Bình Dân Pháp : tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, phóng thích tù nhân chính trị v.v…

Phong trào được một số báo chí cách mạng ở Saigon khởi xướng, cổ xuý tuyên truyền rất mạnh, và cũng được một số báo chí Hà Nội nhiệt liệt hưởng ứng.

Nhưng ngay lúc đầu, nhà cầm quyền thực dân đã dùng đủ các biện pháp để cản trở sự thực hiện Hội nghị ấy. Họ rất khôn khéo, không công khai cấm đoán, không hăm dọa đàn áp, vì họ sợ phản ứng chống đối của dư luận báo chí và chánh giới ở “ Mẫu quốc “, danh từ nịnh bợ do bọn quan lại tôi tớ của Quan Thầy Ðại Pháp Lang Sa dịch nghĩa những chữ “ Métropole “, “ Mère Patrie “.

Nhưng họ vận dụng nhiêù thủ đoạn vặt để cho tổ chức “ Hôị Nghị Ðông Dương “ thất bại, và trên thực tế Hội nghị đã thất bại chua cay. Hôị nghị nhóm tại Hà Nộii, nơi câu lạc bộ thể thao của người Pháp, ở trung tâm khu cư xá của người Pháp. Ngay địa điểm này cũng đã là một sự bất ngờ.

Tuấn có tham gia hôị nghị nhưng không có trong ban tổ chức. Tuấn dọ hỏi một vài anh trong uỷ ban thì được biết rằng những nơi uỷ ban định nhóm họp, Nhà Hát Tây, Khu Hội Chợ, v.v…đều không được phép của viên Chánh mật thám Arnoux. Y viện lẽ rằng Khu Hội Chợ không có bàn ghế, còn Nhà Hát Tây của thành phố thì ông Ðốc Lý Hà Nội không cho mượn. Arnoux đề nghị sẽ mượn dùm Câu lạc bộ thể thao Pháp. Không có địa điểm nào khác, uỷ ban đành phải mượn tạm nơi này vậy.

Hội nghị nhóm họp không quá 50 người, toàn là An nam, Miên và Lào không tời dự. Ðại biểu Trung kỳ chỉ có vài ba người đi dự hội với tư cách cá nhân. Phái đoàn đại biểu Saigon khá đông với gần 20 người, phần đông là Nhà Báo. Còn bao nhiêu là người Bắc, hoặc người Nam, cư ngự ở Hà Nội, và hầu hết là giới nhà Văn, nhà Báo.

Ðóng vai trò hoạt động hăng hái nhất là các nhà báo có khuynh hướng mặt trận bình dân.

Tuấn và vaì người bạn trẻ khác ở Cao đẳng học đường Ðông Dương đứng riêng một nhóm thanh niên cách mạng, với danh hiệu “ Antifascistes indépendents (chống phát xít, và độc lập, không đảng phái).

Hôị nghị khai mạc lúc 8 giờ tối ngay trên sân tennis ngoài trời, giữa một đám đông nhân viên mật thám Tây và An nam, đứng rải rác chung quanh sân, dò xét điệu bộ của từng người. Ban tổ chức ngồi dãy ghế chủ tịch đoàn. Sau bài diễn văn khai mạc của ban tổ chức trình bày lý do và mục đích của “ Hội Nghị Ðông Dương “, lần lượt bước lên diễn đàn những người ghi tên trước. Mỗi người chỉ được phép nói 15 phút. Người đầu tiên là Nguyễn Văn Chất, đảng viên cộng sản, nói con cà con kê không đâu vào đâu cả.

Trong bài đã viết sẳn, có một đoạn nhắc đến tên nhà kịch sĩ trứ danh của Anh Quốc là Shakespeare. Nhưng vì không có học Anh ngữ và thiếu căn bản văn hoá, thay vì đọc “ Sèk-s-pir “đúng theo tiếng Anh, Chất đọc :”Sakêts-pê-a-rơ “, khiến cho một số đông thính giả cười rộ lên. Không hiểu tại sao người ta cười, anh ta cũng bắt chước cười theo.

Diễn giả thứ nhì là Trương Tửu. Tửu nói chớ không đọc và thao thao bất tuyệt. Quá 15 phút, anh còn nói, mặc dầu bị ban tổ chức rung chuông “ tốp lại “. Tửu phớt tỉnh, cứ nói mãi, nói mãi, mỗi lúc mỗi hùng hồn. Thính giả càng vỗ tay nhiệt liệt, Trương Tửu càng hăng, cho đến đổi chính ban tổ chức và chủ tịch đoàn cũng bị thu hút, lôi cuốn, chìm đắm trong những đợt sóng hùng biện ào ạt ngập tràn cử toạ. Ba lần chuông rung, ba lần Trương Tửu vẫn không ngừng nói, cho đến khi anh chàng bước xuống diễn đàn, với một nụ cười bướng bỉnh trên môi, thì toàn thể hội nghị vỗ tay như pháo nổ. Trương Tửu đã nói đến 30 phút, không một miếng giấy trong tay, và không lúc nào ra ngoài đề tài mà anh đã tự lựa chọn : “ Tự do ngôn luận và tự do tư tưởng “.

Sau Trương Tửu, đến phiên Amédée Clémenti, một người Pháp có đầu óc cách mạng, chống chánh sách thực dân Pháp ở Ðông Dương, và chủ nhiệm tờ tuần báo Pháp thân Việt :" L’ Argus Indochinois" ở Hà Nội.

Ông nói bằng tiếng Pháp, và rất hăng say góp lời vào bản cáo trạng gay gắt chống chính sách áp chế của chính phủ thuộc địa đối với các dân tộc Ðông Dương. Nhiều diễn giả khác, đại diện của Trung kỳ và Nam kỳ, lần lượt lên diễn đàn. Tất cả đều nhắm vào một đề tài, và một mục phiêu : tấn công chế độ chuộc địa hiện hữu trên phương diện chính trị và báo chí. Mỗi diễn giả đều cố gắng vận dụng hết tài miệng lưỡi của mình nhưng vẫn không tránh khỏi lập đi lập lại các khẩu hiệu mà mọi người đều biết. Bữa tiệc đại hùng biện vô cùng hào hứng được chấm dứt vào lúc 11 giờ đêm, bằng một bản yêu sách (desiderata) gởi lên viên Toàn Quyền Pháp ở Hà Nội, đòi hoàn toàn tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bầu cử v.v…

“ Hội Nghị Ðông Dương “được một số báo chí tuyên truyền cổ võ khá rầm rộ từ Hà Nội đến Saigon trong gần nửa tháng, được kết thúc sau nhiều buổi hội họp bề ngoài có vẻ long trọng, sôi nổi, nhưng chấm dứt “ thành đuôi cá “ như một vài bạn trong hôị nghị đã nói theo một thành ngữ Pháp :” Le Congrès est terminé en queue de la poisson “.

“ Hội Nghị Ðông Dương “ danh từ vĩ đại, nhưng không có một trụ sở thường trực. Người ta tự hỏi giả sử viên Toàn Quyền Ðông Dương, đại diện tối cao của chính phủ Pháp, muốn trả lời các yêu sách của Hội Nghị, thì phải gởi văn kiện chính thức cho ai, và gởi đến đâu ?

Nhà cầm quyền thuộc địa thì trên các bài diễn văn thường hay phô trương những danh từ thông dụng trong giai đoạn “ Mặt trận Bình dân “, nào là “ công lý “, “ tiến bộ “, nhân quyền v.v…và tuyên bố rầm rộ một chính sách “ bình dân “ hướng về hạnh phúc, và quyền lợi của quảng đại quần chúng, nào là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của giới thơ thuyền, nhưng thực tế càng tàn nhẫn, mỉa mai hơn trước.

Một thí dụ điển hình nhất, là viên Công Sứ Pháp chủ tỉnh Nghệ An, tên là Jeannin, người đảng Xã hội Pháp (SFIO). Chưong trình vĩ đại và “ nhân đạo “ của đảng này, là bênh vực quyền lợi của dân chúng, giúp đỡ dân chúng thoát khỏi ách bóc lột áp chế của tư bản đế quốc, v.v…

Từ ngày có phong trào Mặt Trận Bình Dân Pháp, ông Jeannin thường tuyên bố với các dân chúng Nghệ An rằng ông thương yêu người An nam cũng như anh em ruột thịt, và coi Nuớc An nam cũng như Mẫu Quốc của ông vậy, tuy ông là người Pháp trăm phần trăm. Ông lớn tiếng bảo trước hàng ngàn dân chúng tụ họp ở thành phố Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An : “ Thưa các bạn, tên của tôi là Nguyễn –văn – Jeannin, và tôi là người An nam trong tim (Annamite de Coeur) cũng như các bạn vậy “.

Dân chúng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, nhất là các “đồng bào “ở giới trí thức khen ngợi vô cùng tấm lòng yêu nước An nam, thương dân An nam của vị Quan cai trị Pháp bình dân, bình đẳng, huynh đệ. Không khí “thế giới đại đồng “ của Kác-Mác, do các “đồng chí “ cộng sản Pháp thổi phồng lên, thành những quả bong bóng bay qua vòm trời “Ấn-độ-chi-na “đầy màu sắc rực rỡ, làm mờ mắt người “ nhà quê anh em “ở Cửu Long Giang và Hồng Hà.

Dĩ nhiên, không bao lâu những quả bong bóng kia xì hơi xẹp lép, và “ thằng dân An nam “ sau những đêm liên hoan tưng bừng chào đón phong trào “ Mặt trận Bình Dân “ Pháp, lúc tỉnh dậy sờ vào mũi của Ông Tây Nguyễn – văn – Jeannin.

Chung quy, Mặt Trận Bình Dân Pháp không đem lại một cái gì thật mới mẻ cho toàn thể dân chúng An nam. Theo dõi các báo Pháp xuất bản ở Paris, người ta thấy một chuyển hướng rõ rệt trong chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Léon Blum (Mặt trận Bình dân). Nhưng ở Ðông dương kể cả Nam kỳ là “ nhượng địa Pháp “, nghĩa là một lãnh thổ do vua Tự Ðức đã “ nhường “ hẳn lại cho Pháp rồi, chế độ thuộc địa vẫn không được cải thiện gì bao nhiêu.

Bởi vì, chương trình hoạt động của chính phủ Mặt trận Bình dân dựa trên chương trình dung hòa của ba đảng lớn được liên hiệp lại để nắm chính quyền, là đảng Cộng sản, đảng Xã hội, và đảng Xã hội Cấp tiến, đã đi ngược lại chính nguyên tắc thực dân của đế quốc Pháp. Cho nên ở Pháp, ba đảng Tả phái (Parti de gauche) chiếm đa số trong Quốc Hội, đánh bạt được thiểu số Hữu phái (Parti de droite) để thực hiện một cuộc thống nhất chính trị, mặc dầu sự liên kết đó chỉ có tính cách giả tạo và lâm thời.

Còn ở thuộc địa nhất là ở Ðông Dương, phe đế quốc thực dân vẫn chiếm thế lực mạnh mẽ và bền chặt ở khắp các guồng máy hành chánh thuộc địa. Chính phủ Tam đảng của Pháp lại không có một chính sách cụ thể bãi bỏ truyền thống thực dân. Trái lại, các nhà cầm quyền Ðông dương, trong lúc thi hành những chỉ thị mới của Bộ Thuộc Ðịa, lừa gạt dân chúng An nam bằng những hành động mị dân, giả vờ công lý, bình đẳng, bình quyền, tựu trung vẫn mang nặng sằc thái thực dân chủ nghĩa.

Các quan cai trị cũ của Hành Chánh Dân Sự (Administrations des Services Civils) đeo chiêu bài mới của Mặt Trận Bình Dân, tìm cách gây cảm tình với dân chúng mà trước kia họ rẻ rúng khinh khi, như Yves Chatel, Thống sứ Bắc kỳ Grandjean, Khâm sứ Trung kỳ Jeannin, Công sứ Vinh Eckert, Ðốc lý thành phố Hà Nội v.v…

Nhưng đồng thời họ để cho bọn tư bản kếch sù ở thuộc địa công khai đả kích và phá hoại đường lối của Mặt Trân Bình Dân, như bọn Henri de La Chevrotière, chủ nhiệm tờ báo La Dépêche ở Saigon, Henri de Monpezat, chủ nhiệm tờ báo La Volonté Indochinois, ở Hà Nội Ernest Outrey, Ðại biểu Ðông dương tại Quốc Hội Pháp v.v… Bọn này có hậu thuẫn mạnh mẽ vô cùng, trong giới tài phiệt Pháp ở Ðông dương cũng như ở Paris.

Xét về đại cuộc trên chính trường thuộc địa, chính phủ Mặt Trận Bình Dân Pháp (le Gouvernement du Front Populaire) không đem lại sự giải phóng dân tộc dù trên một vài phương diện nào, như dân chúng An nam đã nôn nao hy vọng.

Tuy nhiên, đối với các đảng phái chính trị, chính phủ Mặt Trận Bình Dân đã tỏ ra khoan hồng và cởi mở hơn. Nhất là đảng Cộng sản Ðông dương, trong đó có Võ Nguyên Giáp và Ðặng Thái Mai, đã nhập đảng từ năm 1930.

Ðược nhiều cơ hội thân thiện với vài ba lãnh tụ của Ðảng Cộng Sản Ðông Dương, và vài cơ hội cộng sự với họ trong một vài công tác chung, Tuấn để ý thấy rõ rệt sự thay đổi chiến thuật của cộng sản An nam đối với thực dân Pháp, và đối với các đảng phái cách mạng quốc gia.

Ai đã đọc lịch sử của Ðảng Cộng sản Ðệ Tam Quốc Tế và riêng các đảng Cộng sản Nga xô, Pháp, Việt Nam, đều biết rằng “Nga xô vĩ đại “ kiểm soát tất cả các đảng cộng sản khắp thế giới, kể cả các đảng cộng sản “ lô can “ở các xứ thuộc địa của Tây phương.

Nguyễn Ái Quốc, suốt thời kỳ tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lê trong đám thanh niên An nam xuất dương sang Trung quốc, và hoạt động quy tụ lần đầu tiên, cuối năm 1925, một nhóm “ thanh niên cách mạng đồng chí hội “ tại tỉnh Quảng Ðông (phôi thai của Ðông Dương Cộng Sản Ðảng) với sự cộng tác đắc lực và trung kiên của Hồ Tùng Mậu, người đồng chí An nam của ông - cho đến vụ nổi dậy đẫm máu, nhưng thất bại, của nông dân Nghệ An (nhất là Ðô Lương), do cộng sản Nghệ An chỉ huy nhân ngày kỷ niệm lễ Lao động quốc tế 1.5.1930 - suốt thời kỳ 5 năm đầu tiên ấy của lịch sử đảng Cộng sản An nam, Nguyễn Ái Quốc vẫn chịu mệnh lệnh trực tiếp của Moscou (Nga sô), chứ không phải của đảng cộng sản Pháp, mặc dù Annam là thuộc địa của Pháp.

Do sự thất bại của “ Sô Viết Nghệ An “ 1930-1931, và kế tiếp, sự thất bại của cộng sản Quảng Ngãi cũng trong thơì gian ấy, Nguyễn Ái Quốc liền bị Staline triệu về Moscou và bị ông này đưa đi Sibérie trong 9 năm, 1932 – 1941.

Mùa xuân năm 1941, giữa Ðệ Nhị Thế Chiến, bổng nhiên Nguyễn Ái Quốc được Staline gọi về Moscou cùng một lúc với Nguyễn Khánh Toàn, lúc bấy giờ là giáo sư Việt ngữ tại Ðại học đường Moscou được đảng cộng sản Nga xô cho qua Trung quốc hoạt động dưới mệnh lệnh của Mao Trạch Ðông. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc lại đổi tên là Hồ Chí Minh và được giao phó nhiệm vụ tổ chức lại đảng cộng sản Việt Nam dưới quyền kiểm soát của Trung cộng (lúc bấy giờ còn ở Yennan (Diên An).

Ngày 1.10.1949, Mao Trạch Ðông hoàn toàn thắng lợi chiếm hết lãnh thổ Trung hoa và tuyên bố thành lập Nhân Dân Cộng Hòa Trung Quốc, thì lập tức tướng Trung cộng Lo Kwei Po được Mao phái qua Việt-Bắc làm cố vấn chính trị và quân sự cho Hồ Chí Minh.

Sau Hiệp định Genève 20.7.1954, chính phủ Hà Nôị vẫn còn theo đường lối chính trị của Trung Cộng và Nga xô. Ðến khi hai cường quốc lãnh tụ của cộng sản thế giới bắt đầu bất hòa với nhau, và dần dần trở nên thù địch nhau, thì đảng cộng sản Nhật và chính phủ cộng sản Bắc Hàn theo hẳn Trung quốc, rời bỏ Nga xô. Chỉ có Hồ Chí Minh, vì nhu cầu chiến tranh, vẫn không tránh được sự trực thuộc vào Trung cộng, đồng thời cố hết sức vận động duy trì sự bảo trợ tinh thần của Nga xô, viện trợ kinh tế và quân nhu (phi cơ Mig và súng đạn) của Nga cũng như các cố vấn Nga xô và Trung cộng.

Trở lại năm 1936-37, dưới thời Mặt trận Bình dân Pháp, vì Nguyễn Ái Quốc bị Nga xô đưa qua Sibérie, không còn ai là lãnh tụ đảng cộng sản An nam, nên Staline ra lệnh cho đảng cộng sản Pháp mà lãnh tụ là Maurice Thorez phải trực tiếp lãnh đạo Cộng sản An nam. Ðảng Cộng sản Pháp phái Maurice Honel qua “ kinh lý “ An nam năm 1936 và tiếp xúc với Cộng sản An nam, chính là để xác nhận trên thực tế sự trực thuộc của đảng cộng sản An nam vào hệ thống lãnh đạo của đảng cộng sản Pháp, theo mệnh lệnh của Nga xô.

Năm 1941, Pháp đã bị quân đội Ðức quốc xâm chiếm, Nga xô lo chiến tranh phòng thủ đất nước, Staline mới gọi Nguyễn Ái Quốc ở Sibérie trở về Moscou, và lập tức ngày hôm sau, Nguyễn Ái Quốc được lịnh lên chuyến xe lửa xuyên Tây Bá Lợi Á qua Diên An, tổng hành dinh của Mao Trạch Ðông.

Vì sự thay đổi đột ngột quyền lãnh đạo do Nga xô trao cho đảng cộng sản Pháp, dưới thời Mặt Trận Bình dân (1936-1937), mà Pháp lại là một nước thực dân đang đô hộ “ xứ An nam “ nên đảng cộng sản An nam phải theo mệnh lệnh của đảng cộng sản Pháp mà thay đổi cả chiến lược đấu tranh để hợp với hoàn cảnh lịch sử mới.

Lúc chưa nắm được chính quyền, và hãy còn là một đảng đối lập, thì Maurice Thorez, chủ tịch Ðảng cộng sản Pháp và các đồng chí của ông ở Hạ Nghị Viên, Thượng Nghị Viện, trên các cơ quan báo chí của đảng, không nhớ kêu gọi “ giải phóng các dân tộc bị nô lệ dưới chính sách dã man của bè lũ thực dân tư bản Pháp “.

Nhưng khi Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền, trong đó thành phần cộng sản Pháp chiếm đa số, và Maurice Thorez được làm phó Thủ tướng chính phủ, thì đảng cộng sản Pháp không nhắc lại những khẩu hiệu đấu tranh kia nữa ! Các dân tộc thuộc địa chờ mãi chẳng thấy “ giải phóng “đâu cả !

Trái lại, khẩu hiệu đấu tranh chống thực dân Pháp do cộng sản Ðệ Tam Quốc Tế vẫn thường nêu ra, bây giờ được đổi lại theo chiến thuật mới như sau :

“ Cương quyết chống bọn cá mập tư bản da trắng và da vàng bốc lột quần chúng vô sản “

Những khẩu hiệu :” Chống đế quốc thực dân Pháp" trên các cơ quan báo chí cộng sản, và trong các cuộc biểu tình đấu tranh của Lao Ðộng, đều bị xoá bỏ và không được nhắc lại.

Ðồng thời ở Saigon, cộng sản Ðệ Tứ Quốc tế ở Pháp mới về, quyết tranh đấu chống lại cộng sản Ðệ Tam mà Ðệ Tứ cho là nô lệ của Nga xô, và tay sai của thực dân tư bản, không còn thực tâm bênh vực giai cấp vô sản An nam. (Lúc bấy giờ đến cả cộng sản cũng dùng danh từ “ An nam “đã quen miệng).

Nhóm cộng sản Ðệ Tam lại cũng kết án nhóm cộng sản Ðệ Tứ là tay sai của đế quốc, phản bội giai cấp cần lao và vô sản thế giới.

Các giới thợ thuyền Saigon lại thích Ðệ Tứ hơn Ðệ Tam không phải vì lập trường đấu tranh của Ðệ Tứ hợp với quyền lợi của họ hơn, nhưng chỉ vì mấy anh lãnh tụ Ðệ Tứ “ nói hay “, nói giỏi “, quyến rũ được các giới bình dân, lao động hơn mấy anh bên Ðệ Tam.

Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, là những lãnh tụ Ðệ Tứ Quốc Tế An nam lúc bấy giờ, là những thần tượng thân yêu nhất của một số quần chúng vô sản An nam.

Bên Ðệ Tam Quốc Tế cũng có nhiều tay cừ, trong số đáng kể nhất có Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, nhưng Mai và Tạo không duyên dáng, hoạt bát, cởi mở, bằng Tạ Thu Thâu chẳng hạn, cho nên không lôi kéo quần chúng mấy.

Lối tuyên truyền của Cộng Sản Ðệ Tam (theo mệnh lệnh của Staline) cứng rắn quá, câu nệ quá, cố chấp quá, trong lúc miệng lưỡi của Cộng Sản Ðệ Tứ (theo tổ chức mới của Trotsky) thật là khôn ngoan, hoạt bát và lý luận mềm dẻo. Lý thuyết "trotskysme" do các anh hấp thụ được ở Pháp, đem nhập cảng về Saigon, được đem ra mổ xẻ, với tất cả tài hùng biện uyển chuyển, thích hợp với tâm lý dể dãi và vui vẻ của quần chúng lao động Nam kỳ. Do đó, phe cộng sản Ðệ Tứ gặt được nhiều thắng lợi hơn phe cộng sản Ðệ Tam.

Một lý do khác, cũng không kém thực tế, khiến cho cộng sản Ðệ Tam mất nhiều uy tín đối với quần chúng lao động cũng như trí thức (nói theo danh từ mới của cộng sản : lao động chân tay và lao động trí óc), là sự nắm chánh quyền của Mặt Trận Bình dân Pháp trong đó cộng sản Ðệ Tam chiếm ưu thế.

Cộng sản Ðệ Tứ không tham gia nên được dịp lớn tiếng đả kích Ðệ Tam lúc đứng về phe đối lập thì đòi “ giải phóng các dân tộc bị áp bức “ nay đã lên nắm chánh quyền lại chủ trương nô lệ hóa các dân tộc bị áp bức “ duy trì các thuộc địa, không đá động đến vấn đề giải phóng nữa. Ðệ Tứ khôn khéo vịn vào điểm đó để mạt sát Ðệ Tam là “ lừa gạt giai cấp vô sản bị trị “, “ bắt tay với đế quốc chủ nghĩa “để được hưởng quyền lợi, và tiếp tục chính sách thực dân, đàn áp nông dân và thợ thuyền.

Dĩ nhiên, các lãnh tụ Ðệ Tam Quốc Tế ở Ðông Dương, nói riêng ở ba “ xứ An nam “, hành động theo mệnh lệnh của “ Nga xô vĩ đại “ (dưới quyền độc tài của Staline), không thể nào bào chữa cho trôi chảy chánh sách mâu thuẫn của Ðảng đối với dân thuộc địa.

Nhóm Ðệ Tứ (cơ quan tranh đấu ở Saigon là báo La Lutte, ở đường Lagrandière, Gia Long hiện nay) tiếp tục đả kích Ðệ Tam chung quanh quan điểm trên và tố cáo Mặt Trận Bình dân Pháp là tay sai của thực dân, đế quốc.

Suốt thời gian tranh đấu, hai phe cộng sản, bên nào cũng tự xưng là theo đúng lập trường Mác-Lê (Marxisme-Léninisme). Nhưng trừ các phần tử đã gia nhập vào Ðệ Tam, còn đa số thợ thuyền lao động đều theo nhóm Ðệ Tứ. Uy tín của Tạ Thu Thâu nổi dậy như cồn.

Trái với Saigon, Hà Nội không có Ðệ Tứ Quốc Tế. Thấy vậy, nhân kỳ Hội Nghị Ðông Dương, nhóm Ðệ Tứ ở Saigon phái một cán bộ nồng cốt ra hoạt động ở Hà Nôi. Tên anh này là Huỳnh Văn Phương, tự xưng là sinh viên cao đẳng Luật khoa, nhưng chỉ là “ amateur libre “, thính giả tự do.

Bắt đầu, Huỳnh Văn Phương hợp tác với nhóm Ðệ Tam của Võ Nguyên Giáp, làm báo Le Travail, bằng Pháp ngữ. Chỉ một thời gian ngắn, Le Travail bị đình bản. Nhóm Võ Nguyên Giáp ra riêng một tờ báo khác, Le Rassemblement.

Lần này Huỳnh Văn Phương bị bỏ rơi. Tuấn có quen biết Huỳnh Văn Phương trong vài cuộc gặp gỡ về báo chí và các cuộc vận động tranh đấu chống phát xít. Tuấn thấy rằng trong lúc Hà Nôị và các tỉnh Bắc kỳ chưa có một người nào của Ðệ Tứ Quốc Tế mà Tạ Thu Thâu phái ra một cán bộ như Huỳnh Văn Phương để chơi lại nhóm Ðệ Tam, là một điều hớ hênh, sơ sót rất quan trọng.

Huỳnh Văn Phương thiếu rất nhiều đức tính của một thuyết lý gia và một chiến sĩ Ðệ Tứ Quốc Tế, về taì hùng biện, về học thuyết Các-Mác, Lênin, Staline, Trostky. Anh ta thua xa Ðặng Xuân Khu, lý thuyết gia của nhóm Ðệ Tam, Hà Nôị. Người ta gọi Khu là “ théoricien rouge “ lý thuyết gia đỏ. Về lập luận, Huỳnh Văn Phương kém Võ Nguyên Giáp. Tuấn nghĩ rằng nếu Tạ Thu Thâu ra Hà Nộị hoạt động một thời gian, có lẽ Thâu sẽ gây được một phong trào Trotkysme khá mạnh, đủ sức đương đầu với nhóm Ðệ Tam. Tạ Thu Thâu lại gởi Huỳnh Văn Phương ra Bắc, một tên “ em út “ chưa có kinh nghiệmn tranh đấu, không thế nào xây dựng một cơ sở cho phong trào.

Huỳnh Văn Phương còn trẻ tuổi, rất hăng say, nhưng anh ta không đủ tư cách và thiếu phương tiện. Anh ta không tạo ra được một tiếng vang nào đáng kể. Một thời gian sau, anh bị chìm trong quên lãng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3