Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 57
CHƯƠNG 57
1937-38-39
- Tình hình chính trị tổng quát
- Các đảng phái cách mạng hoạt động trong bóng tối.
- Ðặng Xuân Khu nhảy vô Hội Truyền Bá Quốc Ngữ của ông Nguyễn Văn Tố, Võ Nguyên Giáp, Ðào Duy Anh .
- Phật giáo
Tình hình chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế của Việt Nam từ 1937 đến 1939, hình như ứ đọng lại . Sau cuộc sụp đổ của chính phủ Léon Blum (đảng S.F.I.O), Mặt trận Bình dân Pháp hoàn toàn tan vỡ . Các nhà cai trị cao cấp Ðông dương, do Mặt trận Bình dân Pháp đặt để, cũng dần dần trở cờ một cách nhẹ nhàng, êm thấm, không có gì xáo trộn lắm .
Nhưng người ta có cảm tưởng là ở trời Âu không khí ngột ngạt như sắp sửa có một trận giông tố trầm trọng sắp nổ bùng . Ở Việt Nam vẫn nhìn thấy thỉnh thoảng những làn chớp ngoằn ngoèo xẹt ra nơi chân trời mờ mịt mây đen …
Tình hình châu Âu bắt đầu căng thẳng vì chính sách quyết liệt của Hitler, tân quốc trưởng Ðức, lãnh tụ đảng Quốc xã ( Nazi ) . Dồn dập ba biến cố lớn làm rung động thế giới : Mặt trận Bình dân Pháp sụp đổ, quân đội Hitler chiếm đóng hạ Rhénanie, bất chấp hoà ước Versailles và mặt trận Antikomintern ra đời ( chống cộng sản đệ tam thế giới và Staline ), do Hitler chủ xướng, Mussoloni phụ hoạ (độc tài phát xít Ý ) và Nhật bổn hùa theo .
Trái lại, tình hình chính trị ở Việt Nam dần dần lắng dịu trong không khí ngột ngạt . Ðảng cộng sản Ðông dương rút vào trong bóng tối, hoạt động bí mật, hoàn toàn trở lại vị trí của một hội kín, bị mật thám Pháp dòm ngó hăm doạ .
Ở Hà Nội, nhóm Ðệ Tứ rất thiểu số của Huỳnh Văn Phương không còn tỏ dấu hiệu sinh tồn nữa . Phương biến đi đâu mất . Nhiều anh em cho rằng Trương Tửu là Ðệ Tứ, nhóm báo “ Tiến Bộ “ của Nguyễn Uyễn Diễm cũng là Ðệ Tứ . Nhưng Tuấn biết rõ các nhóm lẽ tẻ này, chỉ có cảm tình với Ðệ Tứ ghét Ðệ Tam, nhưng có tư tưởng xã hội lờ mờ, chưa dứt khoát . Cho nên họ sống riêng rẻ, không liên kết với nhau . Trương Tửu cho bọn
“Tiến Bộ “ của Uyễn Diễm là “ hủ nho “ vì bọn này học chủ nghĩa cộng sản qua các sách Tàu và hiểu biết thô sơ, tạp nhạp về lý thuyết mà thôi . Bùi Ngọc Ái thì quốc gia “ Ultra “ rất ghét Ðệ Tam .
Trương Tửu ở trong thời kỳ ham mê nghiên cứu, thích làm nhà “ học giả “ hơn là nhà cách mạng chính trị . Anh ta đọc Karl Marx, Lénine cũng hào hứng như đọc Nietzsche, Freud, Bergson và Nguyễn Du .
Các đảng chính trị khác như Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở Hà Nội, Việt Nam Phục Quốc hội ở Saigon, Tân Việt đảng ở Huế, không rục rịch từ lâu . Tất cả đều âm thầm ngay thời Mặt trận Bình dân. Ðảng viên hầu hết là trí thức tiêủ tư sản, đa số ở trong giới giáo học, trợ giáo, công chức văn nghệ, như Ðào Duy Anh ( Huế ), Lan Khai ( Hà Nội ), Nguyễn Văn Sâm ( Saigon ) v.v… Tinh thần cách mạng của quảng đại quần chúng hãy còn rụt rè, yếu ớt .
Ảnh hưởng thực dân Pháp còn sâu đậm trong dân chúng .
Học sinh Nam Trung Bắc cũng như sinh viên Cao đẳng Hà Nội tiếp tục chăm lo học hành, không tham gia chính trị nữa . Thời kỳ bãi khóa để kêu gọi ân xá cụ Phan Bôị Châu đã qua lâu rồi “Ông Già Bến Ngự “ nằm trong chiếc thuyền nan lơ lửng trên sông Hương, khóc mây, khóc gió . Nghèo hết người giúp đỡ, cụ với tên đầy tớ tên là Lãng, chèo ghe đi Cửa Thuận An, mỗi tháng mấy lần buôn gạo về bán ở ngay cái chòi lá nơi góc vườn nhà cụ, bên hông chùa Từ Ðàm .
Tuấn từ Hà Nội đi Saigon có ghé Huế vào đây thăm cụ . Hàng xóm đến mua gạo của cụ, kẻ một lon người hai lon, toàn là dân nghèo . Cụ kiếm lời mỗi lon một, hai xu .
Thỉnh thoảng cụ có làm một vài bài thơ khí khái, viết một vài câu chuyện đạo đức, như
“Dây và Dao “ đăng trong báo Tiếng Dân . Cụ Huỳnh Thúc Kháng tặng cụ chút tiền nhuận bút đủ cho cụ hút thuốc lào .
Một cuộc ẩu đả xuýt xẩy ra tại tòa soạn báo Tương Lai của Nguyễn Trọng Luật, phố Hàng Da, một buổi chiêù thứ Bảy . Nhà văn Lan Khai đi với Tuấn đến chơi tại toà báo này, gặp một người bạn của Chất, là Kính, đang ngồi hút thuốt lào với Nguyễn Triệu Luật . Kính cũng là cộng sản và thường đi đôi với Chất . Câu chuyện chính trị quốc tế một lúc chuyển về chính trị Việt Nam . Thừa dịp, Lan Khai rất điềm nhiên bảo Kính :
- Các cậu đ… phải là dân Annam !
Kính nổi quạu :
- Dân An nam thì nước mẹ gì ?
Nghe câu đó, Tuấn nổi nóng lên, nhưng làm thinh . Lan Khai nói tiếp :
- Thế là cậu chửi Nước Mẹ của cậu rồi đấy ! Cậu là dân vô tổ quốc rồi còn chó gì .
Kính tự biết mình hớ, nhưng vẫn ngoan cố, đả kích chủ nghĩa quốc gia, đề cao cộng sản và Staline . Câu chuyện dần dần đến Phan Bội Châu, Tuấn bảo :
- Thằng nào viết bài phỉ báng cụ Phan Bội Châu thằng đó tôi mà gặp nó, tôi đánh nó bể mặt .
Kính cười gằn, khiêu khích :
- Thằng này viết đây, thưa anh ạ .
Tuấn không thèm trả lời, vớ ngay điếu thuốc lào ở trên bàn (điếu cày, bằng tre ) ném vào mặt Kính . Kính né sang một bên, chiếc điếu cày bay đụng vào thành ghế, dội lại Kính, làm đổ cả điếu vào áo chàng.
Kính đứng dậy, nhảy chồm vào Tuấn, định đánh Tuấn . Nguyễn Triệu Luật vội vàng ôm chầm lấy Kính trong lúc Lan Khai làm bia đỡ Tuấn . Cuộc xô xát trầm trọng khỏi xẩy ra, nhưng hai bên còn đang hung hăng .
Vũ Trọng Phụng từ ngoài cửa bước vào, điềm nhiên :
- Ðứa nào có tiền, cho tao 3 xu trả tiền xe ?
Nguyễn Triệu Luật nắm hai vai áo Kính, dằn mạnh y ngồi xuống ghế :
- Mày ngồi yên, nhúc nhích tao đánh bỏ xừ .
Luật móc trong túi áo ra 3 xu đưa Phụng để trả anh phu xe kéo .
Lan Khai đột ngột cười rộ lên một tiếng, và buông Tuấn ra, thuật chuyện lại cho Vũ Trọng Phụng nghe . Phụng bảo Kính :
- Các cậu muốn phê bình cụ Phan Bội Châu về lý thuyết chính trị, thì cứ phê bình . Nhưng các cậu mạt sát cụ, gọi cụ là “ Phản Bội “ Châu, thì quá lắm . Tuấn nó cáu sườn về bài đó đã một tuần nay chứ không phải mới hôm nay đâu . Thôi, Luật, toa lấy cái ống điếu khác cho mỗi thằng hút một điếu, huề cả làng !
Ðặng Xuân Khu nhẩy vô Hội “ Truyền Bá Quốc Ngữ “ mà hôị trưởng là ông Nguyễn Văn Tố, nhà học giả thuần tuý Việt Nam, luôn luôn mặc áo dài trắng, chít khăn đen, che dù . Ðặng Xuân Khu hoạt động mạnh trong khu vực Hà Nội, với tư cách giáo viên .
Tuổi 30, thấp như Trương Tửu, khuôn mặt na ná giống Võ Nguyên Giáp nhất là lúc anh cười . Khu chưa đổ bằng Thành Chung . Giáp tiếp tục dạy trường Thăng Long với Ðặng Thái Mai, Hoàng Minh Giám . Trần Huy Liệu viết báo lăng nhăng kiếm tiền nuôi cả một gia đình đông đúc, nghèo “ sát ván “ở phố Hàng Than, gồm một bà vợ “ nhà quê “ buôn thúng bán mẹt ở chợ Ðồng Xuân, và một bầy con 7,8 đứa, mũi dãi lòng thòng, áo quần rách rưới . Thường gặp Tuấn, Liệu than phiền tình cảnh gia đìnbh của anh, mà “đảng “ chả giúp được gì cả.
Các đảng quốc gia vẫn chìm trong bóng tối hoàn toàn . Nhược điểm của các phái Cách Mạng Quốc Gia là không có hậu thuẫn của quảng đại quần chúng . Một phần lớn thợ thuyền, bình dân lao công các giới, hoặc đã nghe theo lời tuyên truyền của cộng sản, làm đảng viên, hoặc cảm tình viên . Ða số thợ thuyền thích an phận thủ thường, không tham gia phong trào . Các đảng cách mạng quốc gia chỉ tìm đồng chí trong các giới trí thức tiểu tư sản, hoặc công tư chức trung lưu, nhưng rất ít . Và các giới này nhút nhát, sợ liên lụy, tù tội . Cuộc khởi nghĩa thất bại của Nguyễn Thái Học năm 1929-1930, và cuộc xử tử 13 đồng chí VNQDÐ ở Yên Bái có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần nhút nhát, cầu an của các lớp thượng lưu và trung lưu Bắc Trung Nam.
Sinh viên Cao đẳng Ðông dương thì không thành vấn đề . Lớp kế tiếp bây giờ hoàn toàn thụ động, chỉ lo cầu danh, đua nhau học thi, để ra làm “ Tham Tá “, “ Y sĩ Ðông dương “, “Ðốc học “, Tri huyện, v.v…để phục vụ Bảo hộ và Nam triều . Trừ một vài phần tử cách mạng thận trọng hoạt động ngoài phạm vi học đường, còn thì toàn thể xã hội trí thức, cũng như bình dân đều thích sống an bài, thụ hưởng, ân huệ của sự hiện diện của người Pháp ở Ðông Dương mà đại đa số còn theo nịnh bợ .
Tình hình tổng quát của báo chí và văn nghệ cũng trầm lặng, nhưng vẫn theo dõi sát những biến chuyển khá sôi động ở Tây Âu . Một số người Pháp có tinh thần chống thực dân Pháp, và đả tỏ ra thân An nam một cách khí khái đáng khen, bây giờ cũng chấm dứt, hoặc giảm bớt những hành động báo chí của họ .
Amédée Clémenti, chủ nhiệm L’Argus Indochinois, một tờ báo hoàn toàn chống thực dân Pháp, đã đình bản tờ báo của ông . Sau khi thất bại việc đi tìm mỏ vàng ở Savannakhet với nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, chủ báo L‘Annam nouveu và ông Vĩnh chết trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm này, Clémenti thất vọng trở về Thái Bình sống nơi quê vợ, với người vợ “An nam “ của ông, một nữ giáo sư rất giỏi tiếng Pháp và cũng là một cộng sự viên rất đắc lực của ông .
Thỉnh thoảng Tuấn gặp Clémenti ở Hà Nội, người thấp, gầy, nghiện thuốc phiện, nhưng cặp mắt sáng quắt với nụ cười luôn luôn mĩa mai . Một hôm, thấy ông lết bộ trước chợ Hàng Da, Tuấn chưa kịp chào, ông đã nhanh bước đến bắt tay Tuấn :
- Ủa, anh ở nhà pha ra bao giờ ?
- Ra lâu rồi .
- Coi chừng, sẽ trở vào nhà pha nữa nhé .
Tuấn nhún vai :
- Bất cần, còn anh ? Dạo này con chim L ‘Argus không hồi sinh từ đống tro tàn của nó nữa à ? ( theo thần thoại Tây phương, L’ Argus là con chim Minh trĩ, bị đốt chết thành tro vẫn tái hiện từ đống tro ấy và sống lại )
Với một khoát tay thất vọng, ông bảo :
- Ðể nó chết yên tỉnh . Nó sống đã khá nhiều rồi .
- Bây giờ anh ở đâu ?
- Tôi cày ruộng ở quê vợ tôi .
Tuấn cười :
- Ðược mùa không ?
- Lúa nhiều, nhưng thuế cũng nhiều . Còn anh, sống được chứ ?
- Luôn luôn không có xu dính túi .
- Sao anh không về quê tạm một thời gian ?
- Tôi còn trẻ, còn thích sống phiêu lưu .
Clémenti tóc đã bạc, gần 50 tuổi, vỗ vai Tuấn và mĩm cười :
- Thôi chào anh, thi sĩ ! Anh cứ đi con đường của anh . ( Allez, adieu, poète ! Faites votre chemin ! )
Tuấn nhớ mãi câu vĩnh biệt và nụ cười chán đời của ông Tây già . Từ hôm đó, Tuấn không gặp ông Cựu chủ nhiệm báo L’ Argus Indochinois nữa . Sau Tuấn nghe nói ông bị giết ở Thái Bình, năm 1945, với người vợ của ông . Ðược tin, Tuấn buồn ghê . Tuấn phẫn uất không hiểu vì sao Amédée Clémenti bị giết ? Tuy là người Pháp, nhưng suốt một đời làm báo của ông, ông đã hy sinh tất cả để chống chánh sách đế quốc thực dân Pháp, chống áp chế, nô lệ, bất công, triệt để bênh vực các cuộc vận động độc lập của người Việt nam cách mạng . Yêu Nước, Việt Nam là quê hương của vợ ông, ông là người bênh vực hăng hái nhất và can đảm nhất cho Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Ái Quốc .
Một tờ báo khác, nguyệt san, tập Revue Franco – Annamite ( Pháp Việt tạp chí ) của ông Ernest Babut cũng đình bản . Ông này là người đảng Xã Hội S.F.I.O. Pháp , đồng chí với Marius Moutet, Léon Blum, v.v… nhưng ông vừa chống thực dân Pháp vừa lãnh tiền trợ cấp hàng tháng của Phủ Toàn Quyền ( chính phủ thuộc địa của thực dân ) .
Ông đã gây được thiện cảm một phần nào của các giới cách mạng Việt Nam, nhưng họ vẫn dè dặt đối với ông . Các nhà ái quốc cách mạng chân chính đều biết rằng từ Léon Blum, Moutet, đến Babut, đảng Xã hôị Pháp vẫn luôn luôn đi hàng hai, vừa bắt tay Cộng sản vừa bắt tay Tư bản, vừa ủng hộ đế quốc thực dân vừa ủng hộ dân chúng thuộc địa .
Chính sách điển hình của Ðảng Xã hội Pháp được chứng minh rõ rệt nhất khi Hồ Chí Minh nắm chính quyền ở Hà Nội và Marius Moutet làm Tổng trưởng Pháp quốc Hải ngoại ( thuộc địa ) ở Paris - Một mặt Moutet ký tạm ước Modus-Vivendi cho Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp . Pháp vẫn còn bám lấy Liên Hiệp Pháp cho kỳ được, theo diễn văn Brazzaville của De Gaulle tháng 3-1945. Một mặt chủ trương đánh Hồ Chí Minh và chiếm lại Hà Nội ( 19-12-1946 ) .
Ông già Ernest Babut thường nói với Tuấn, và Tuấn không bao giờ quên được câu này :
- Nước An nam là một nước nhỏ và yếu, lại có hai người láng giềng to và mạnh : Trung Hoa và Nhật Bổn. Vậy giữa Trung Hoa và Pháp, các anh hãy chọn người Pháp . Nếu người An nam đuổi người Pháp ra khỏi xứ này, thì hai mươi bốn giờ sau, làn sóng Tàu, hay là làn sóng Nhật, sẽ tràn ngập An nam, và các anh sẽ bị chết chìm hết rồi .
Ðó là lời của một đảng viên có uy tín nhất của đảng Xã Hội Pháp ở Ðông Dương . Tuấn hỏi lại ông Babut :
- Nếu vậy thì theo ông, không bao giờ nước An nam được độc lập ?
Ông Babut gật đầu hai ba cái :
- Si si …Có chứ, có chứ, nhưng có là khi nào nước An nam sẽ có đủ điều kiện độc lập với sự giúp đỡ của Pháp . Vì các anh hãy coi chừng, kẻo các anh sẽ làm mồi hoặc là cho phát xít Nhật, Tàu, hoặc cho cộng sản Nga .
Tuấn không công khai phản đối ông Babut, nhưng trong thâm tâm cho là đó là chủ trương của thực dân. Tại tòa báo Franco Annamite, Tuấn cũng thường tiếp xúc với Vũ Ngọc Phan . Vũ Ngọc Phan là rể của ông Sở Cuồng Lê Dư . Ông này lùn và mập, sói đầu, quê ở Quảng Nam . Thời phong trào Ðông du, ông có sang Nhật bản theo cụ Phan Bôị Châu làm cách mạng . Nhưng ông lén trở về Hà Nôị đầu hàng Pháp, và được phủ Toàn Quyền Pháp cho giúp việc trong viện Viễn Ðông Bác Cổ ( Ecole Francaise d’ Extreme- Orient ) .
Vũ Ngọc Phan, đỗ tú tài xong, người ốm yếu, mảnh khảnh, được ông bố vợ Lê Dư giới thiêụ vào làm thư ký toà soạn Pháp - Việt tạp chí . Ông Babut giao cho Vũ Ngọc Phan phụ trách trang Việt ngữ .
Vũ ngọc Phan không thích chính trị, và tuyệt nhiên không có tham gia một phong trào cách mạng nào cả . Anh chuyên môn dịch một vài tác phẩm ngoại ngữ : Anna Karénine, Manon Lescaut, v.v… Anh cũng viết mục “ phê bình “ văn học, do nơi đây mà Tuấn quen biết Vũ Ngọc Phan . Anh có người vợ khá đẹp, con gái ông Lê Dư, thỉnh thoảng làm vài bài thơ cổ điển nhưng ít đăng báo . Có lần Tuấn hỏi :
- Sao chị không xuất bản tạp thơ của chị ?
Chị trả lời với một nụ cười hồn nhiên :
- Tôi làm thơ amateur ( thơ lối tài tử ) chơi cho vui, chớ đâu phải thi sĩ như các anh .
Thơ chị giống như món nữ trang của chị, óng ánh, duyên dáng, dễ thương, độ năm ba bài chớ không nhiều .
Vũ Ngọc Phan có người em trai, Vũ Minh Thiều, di cư vào Saigon năm 1954. Vũ Minh Thiều cũng mảnh khảnh, có gương mặt na ná giống Vũ Ngọc Phan, và cũng như Phan, Thiều sở trường về dịch sách và truyện ngoại quốc bằng Pháp văn .
Tháng 12 năm 1947, Tuấn rất ngạc nhiên gặp ông Ernest Babut tại Ðà Lạt, ông đã 80 tuổi . Ông kể lại tỉ mỉ cho Tuấn nghe ông ở với ông Hồ Chí Minh tại phủ Chủ tịch ( Phủ Thống Sứ cũ ) năm 1946, và bị lính của Sainteny bắt ông như thế nào lúc ông trốn dưới hầm … Ông thuật lại cho Tuấn nghe :
- Hôm 19-12-1946, quân lính của Sainteny kéo tới chiếm phủ Chủ tịch Hà Nôị, nhưng Hồ Chí Minh đã lén đi Thái Nguyên rồi . Hồ Chí Minh bảo tôi đi với ông, nhưng tôi đã 80 tuổi rồi, không có sức đi được nữa nên tôi ở lại . Tôi vẫn ở trong Phủ Chủ tịch cho đến 8 giờ tối . Súng bắn rát quá, Việt Minh và quân Pháp còn đang đánh nhau quanh Hồ Hoàn Kiếm và Phủ Chủ Tịch . Khi lính Pháp vào trong Phủ thì chúng bắt tôi dưới hầm trú ẩn . Chúng toan giết tôi, nhưng tôi xưng tên tôi là Ernest Babut và bảo chúng là tôi muốn gặp ông Sainteny . Họ còng tay tôi, dắt tôi đến Uỷ viên phủ đặt ở sở Radium đường Richaud, gần chùa Quán Sứ . Sainteny giam tôi trong một căn phòng và hôm sau họ đưa tôi đi máy bay nhà binh vào Saigon . Nơi đây họ hỏi tôi muốn hồi hương Pháp quốc hay muốn ở lại Việt Nam . Tôi tình nguyện ở lại Việt Nam . Can uỷ Bollact cho tôi lên ở Đà Lạt để dưỡng lão .
Ông Babut có mời Tuấn đến nơi ông ở . Ðây là một biệt thự rộng và sang, do Cao ủy phủ cấp cho ông . Cao uỷ phủ lại còn tiếp tục trợ cấp cho ông một số tiền hàng tháng, bằng ngân phiếu . Ông già “ Xã Hội “ Pháp, chống thực dân đế quốc Pháp, mà vẫn tiếp tục lãnh tiền dưỡng lão của chính phủ thực dân đài thọ!
Tuấn không hỏi chi tiết về sự giao thiệp giữa ông và Cao uỷ Pháp ở Việt Nam, nhưng sự ông lãnh lương hưu trí của Pháp trong khi ông không phải là công chức, chỉ chứng tỏ tất cả sự giả dối của đảng “ Xã hội “ Pháp S.F.I.O. đối với cuộc tranh đấu của các dân tộc bị thực dân đô hộ .
Trở lại tình hình Hà Nội năm 1938 – 39, một năm trước khi Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ . Tuấn đã sống trong không khí chính trị căng thẳng mà Hành chánh Thuộc địa Pháp cố tìm cách làm cho êm dịu, để nắm vững dân chúng .
Ở Trung kỳ, Toà Khâm Sứ Pháp o bế Bảo Ðại, vừa nâng niu chiều chuộng vị Hoàng đế trẻ tuổi và ham chơi, vừa tăng cường biện pháp bao vây kín đáo, để tránh mọi sự tuyên truyền và áp lực của mọi phần tử cách mạng quốc gia . Người đóng vai trò quan hệ nhất trong chính sách ru ngủ của thực dân Pháp đối với Bảo Ðại, trong giai đoạn tiền chiến này là Phạm Quỳnh . Ðể được theo dõi sát cạnh Bảo Ðại, viên Khâm sứ Huế đã khuyên bảo vị quốc vương bù nhìn đưa Phạm Quỳnh, từ chức vị Thượng thư bộ Giáo dục, bộ Lại, lên địa vị tối cao : Ngự Tiền Văn phòng của Hoàng đế .
Thật ra, đối với Phạm Quỳnh cũng như với tòa Khâm sứ, với Bảo Đại, lực lượng cách mạng, cộng sản hay quốc gia, ở Trung kỳ và Bắc kỳ đều không đáng kể . Hầu hết các phần tử có thành tích đấu tranh cộng sản từ 1930 ( Sô viết Ðô Lương, Nghệ An, và Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi ) đều bị bắt, bị tù ở các lao tỉnh, hoặc bị lưu đày đi Côn Lôn ( Côn Ðảo ), và Ban Mê Thuột, Lao Bảo, ba ngục thất ghê gớm nhất, nổi tiếng là rùng rợn dã man nhất .
Các nhà Cách mạng quốc gia thì một số đã ngã theo Cộng sản Ðệ Tam, một số nghiêng về Cộng sản Ðệ tứ, chẳng còn lại được bao nhiêu. Hầu hết đã vô Saigon, hoặc ở Hà Nội, tiếp tực hoạt động, tương đối dể dàng hơn ở Trung kỳ.
Võ Nguyên Giáp, Ðặng Thái Mai, đều là người miền Trung, ở Hà Tỉnh, Quảng Bình, nguyên là đảng viên Ðảng Tân Việt, ( quốc gia ) chỉ mới nhảy qua cộng sản từ 1932 – 33, còn lại Ðào Duy Anh với vợ là Trần thị Như Mân, và Tạ Quang Bửu, cả ba đều là Trợ giáo với bằng cấp Thành Chung . “ Cao đẳng Tiểu Học Pháp - Việt ( primaire Supérieur Franco-Annamite ) .
Ðào Duy Anh cũng là cựu trợ bút báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Quang Bửu chính là người sẽ ký vào hiệp định Genève 1954 với danh nghĩa đại diện Bộ quốc phòng Việt Minh, tuy lúc bấy giờ Bửu không phải là đảng viên cộng sản .
Tình hình tổng quát ở Ba kỳ Trung Nam Bắc rất yên tỉnh . Guồng máy hành chánh chạy đều đều, không có gì trục trặc . Sự hợp tác của Nam triều với Bảo hộ rất hoàn toàn, sự trung thành và phục tòng của quan An nam và các lớp trưởng giả phong kiến “Thượng Lưu Trí thức “đối với Nhà nước Bảo Hộ rất tích cực . Cho đến Làng, Xã, cũng triệt để tuân theo trật tự đã an bài khắp nơi .
Không ai đếm xiả tới “ Thằng Dân “ . Thuế má vẫn phải đóng đầy đủ cho Nhà nước, không ai dám yêu sách điều gì . Ðến mùa thuế, thường là mùa Hè, trống đánh thu thuế treo trước nhà ông Lý trưởng, thúc dục dân làng mau mau đến nạp thuế . Nhà ông Lý trưởng tấp nập kẻ ra người vào, đóng “ thuế thân “, ngoài các thứ thuế ruộng đất và hoa lợi . Thuế thân - impôt personnel – là thuế cá nhân mà mỗi người dân phải đóng đồng đều, bất luận giầu nghèo, chức vị .
Những kẻ cùng đinh phải bán những gì có chút ít giá trị trong gia đình mới có tiền để đóng thuế thân . Cũng có những kẻ “ trốn xâu lậu thuế “ với sự đồng lõa của Lý trưởng do lòng nhân đạo thương xót những kẻ vô sản mà trong làng ai cũng biết . Các ông “thầy chùa “ cũng khỏi đóng thuế .
Chùa chiền không đông đảo “ Phật tử “ như ngày nay . Nói tổng quát, trừ số ít người theo đạo Thiên Chúa còn tất cả đều tôn kính Phật, nhưng không phải là tín đồ chân chính . Họ thờ đức Phật như họ thờ đức Khổng Tử, đức Quan Công, một vị Thần, hay là một Thánh Mẫu nào đó, không phân biệt rõ ràng, không thấu hiểu giáo lý.
Họ coi Phật như những vị Thánh Thần, những bậc linh thiêng, che chở cho họ, hoặc có thể trừng phạt họ, tuỳ theo trường hợp và hành vi của mỗi người . Ngay số đông người trí thức, ở các giới thượng lưu, trung lưu có xem sách Phật, Kinh Phật, cũng hiểu Phật giáo một cách khái quát, sơ sài, nhiều khi sai lầm nữa .
Mặc dầu trong mấy năm Tiền chiến, nhất là từ 1930 trở về sau, phong trào “ Chấn hưng Phật giáo “được thịnh hành một phần nào, nhờ một số người trí thức hợp tác với một số Hoà thượng có uy tín, cổ suý lập ra các hội Phật học, nhưng các hoạt động Phật giáo vẫn không được tiến triển mạnh .
Lúc bấy giờ cũng chưa có các chức vị Thượng Tọa, Ðại Ðức, Học Tăng, v.v… Dân chúng gọi các vị Sư bằng những danh từ bình dân hơn, như Sư Chú, Sư Bác, Sư Ông, Sư Cụ .
Danh từ Hoà thượng được xưng với các Sư Cụ mà thôị .
Ở Nam kỳ sự xưng hô cũng không khác mấy . Ở các chùa chỉ có Thầy trụ trì, và các chú tiểu ( chú Ðạo, chú Ðiệu ) . Hầu hết các bậc tăng ni đều sống theo tôn chỉ và giáo lý, luật pháp, giới pháp của Phật . Ðời sống của các Thầy rất giản dị, chưn chính, đúng theo giới luật của Phật . Họ không bao giờ sắm xe hơi, không bao giờ giao du thân mật với đàn bà con gái, không giao thiệp với các nhà quyền quý, không ham của cải .
Thỉnh thoảng, có một vị nào không tôn trọng giới luật nhà Phật và có những hành động trái với Ðạo giáo, như Sư Muỗng ở Nam kỳ, thì dư luận dân chúng sôi nổi, náo động và triệt để kết án giả danh “ thầy chùa “ làm việc tồi bại . Danh từ “ Sư Hổ Mang “được áp dụng ngay đối với vị Hoà thượng nào không xứng đáng với đức vị tu hành . Nhờ vậy Phật giáo tuy không bành trướng mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ được uy tín tôn nghiêm đối với toàn thể dân chúng .
Hạng Sư sân si, dối trá, kiêu căng, phách lối, trụy lạc, ham giao du thân mật với đàn bà con gái, ham đi xe hơi, ham ăn ngon, ở sang, tha thiết với đời, lơ là kinh kệ, đều chưa xuất hiện trong thời Chánh Pháp của Ánh Ðạo Vàng .
Vì nhận thấy đạo Phật thời Tiền chiến rất tốt đẹp, rất cao quý, Tuấn mới tìm hiểu giáo lý của đạo Phật, nghiên cứu kinh sách Phật, và theo đạo Phật .