Tục Tái Sanh Duyên - Chương 15

Tục Tái Sanh Duyên
Chương 15 - Hồi Thứ Năm (B)
gacsach.com

-Ô hay! Tại sao lại không thấy thượng hoàng đâu cả?

Nội giám tâu:

- Muôn tâu thái hậu! Kẻ hạ thần nghe thấy mọi người trong cung đều nhao nhao nghị luận, nói thượng hoàng vi phục cùng nội giám Quyền Xương đi xem hội hoa đăng, đến bây giờ chưa về cung. Hiện nay đuổi hết người xem ra ngoài, bốn phía cửa thành đều đóng kín cả. Hùng quốc trượng đã đem cấm binh đi nghênh giá mà chưa tìm thấy đâu.

Nội giám tâu dứt lời thì thái hậu đã lạnh ngắt cả người, mồ hôi toát ra như tắm. Người vừa yếu khỏi, lại bỗng gặp sự kinh khủng, cho nên ngất đi mà lăn ra. Các cung nữ xúm lại gọi. Gọi trong hồi lâu vẫn không thấy trả lời. Các cung nữ vội vàng đem nước gừng đổ cho thái hậu và một mặt phi báo vua Anh Tôn. Khi đổ nước gừng vào thì thái hậu mới dần dần hồi tỉnh, lại nức nở khóc, các cung nữ đều xúm lại khuyên giải. Một lúc, vua Anh Tôn đến, cũng quì ở bên cạnh khóc mà tâu rằng:

- Mẫu hậu ơi! Xin mẫu hậu chớ phiền lòng. Để con xin hết sức dò tìm, phụ hoàng con chắc cũng đi dạo chơi quanh đây, chẳng bao lâu rồi sẽ về cung thôi.

Thái hậu vừa khóc vừa xua tay mà bảo vua Anh Tôn rằng:

- Thượng hoàng không về nữa đâu, con chớ mơ tưởng hão.

Nói xong, liền đem những lời thượng hoàng dặn bảo khi trước mà thuật cho vua Anh Tôn nghe. Vua Anh Tôn nghe nói đứt từng khúc ruột, lại tìm lời khuyên giải, khóc mà nói với thái hậu:

- Mẫu hậu chớ nghi ngờ, con dám chắc không bao giờ có việc ấy. Xin mẫu hậu hãy cứ tịnh dưỡng, để con vời trăm quan vào hội nghị.

Nói xong, vội vàng vực thái hậu lên nằm trên giường, rồi truyền chỉ gọi Phi Giao hoàng hậu vào hầu hạ. Phi Giao hoàng hậu tới nơi trông thấy vua Anh Tôn, liền cúi đầu hô vạn tuế mà tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Chẳng hay thượng hoàng đã về cung chưa? Thần thiếp nghe nói thái hậu đã bình phục như thường, không biết vì cớ chi mà xảy ra việc này?

Vua Anh Tôn xua tay mà bảo rằng:

- Ái khanh ở đây hầu hạ thái hậu, để trẫm ra triều đường cùng trăm quan hội nghị, xem thượng hoàng đã đi đâu mà chưa thấy về.

Phi Giao hoàng hậu nghe nói cười nhạt mà rằng:

- Ngày nay bệ hạ cùng trăm quan hội nghị, chẳng lẽ lại lại yết bảng để tìm thượng hoàng hay sao! Thượng hoàng không về tất có ẩn tình. Thuở xưa vua Văn Đế đời Tùy nhân khi nổi giận, cưỡi ngựa đi chơi, đã toan không về, may nhờ có mấy người cận thần khuyên can, bấy giờ mới hồi tâm trở lại. Vậy bệ hạ nên hãy đợi xem sao, chứ tuyên bá việc này ra mà khiến cho thiên hạ thêm điều dị nghị.

Bỗng thấy nội giám quì xuống tâu với vua Anh Tôn rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Các quan văn võ đã họp đông cả, xin rước bệ hạ ra ngự triều.

Vua Anh Tôn tức khắc ra chốn triều đường, mấy viên lão thần quì xuống khóc mà tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Việc này thật là một việc biến dị lạ thường. Kẻ hạ thần thiết tưởng trăm quan còn mặt mũi nào đứng ở triều đường nữa. Ngày nay xin bệ hạ trách phạt thần đẳng trước, rồi sau bệ hạ cũng nên giáng chỉ mà cam nhận tội lỗi về việc này.

Mấy viên lão thần tâu xong thì các hàng văn võ đều quì cả xuống. Vua Anh Tôn khóc mà phán:

- Việc này không phải lỗi tại các ngươi, chỉ bởi tội bất hiếu của trẫm đó. Nếu tìm không thấy thượng hoàng thì trẫm đây cũng chẳng thiết sống làm chi. Nhưng bay giờ không biết giáng chỉ thế nào, nhờ các ngươi bàn định giúp trẫm.

Vua Anh Tôn phán xong, bỗng thấy một vị đại thần quì xuống mà tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Kẻ hạ thần là Lại bộ thương thư tên gọi là Hoàng Kỷ, xin cúi tâu thánh thượng xét đoán: Nguyên thượng hoàng chán việc đời đã lâu, bởi vậy mới lui về nam nội. Hoặc giả có lòng mộ đạo, cho nên tạm lánh vào nơi rừng núi để tìm thú thanh tu. Kẻ hạ thần trộm nghĩ ngày nay chỉ nên tuyên bá là thượng hoàng tịnh dưỡng ở trong cung, khiến cho thiên hạ muôn dân khỏi nghi ngờ mà sinh lời dị nghị vậy.

Hoàng Kỷ vừa tâu dứt lời thì Lương thừa tướng bỗng khóc mà tâu rằng:

- Hoàng Kỷ tâu lầm! Thượng hoàng ta thuở trước làm vua trong hai mươi năm, công đức sánh bằng trời bể, khắp ngoài bốn cõi ai là người không ca tụng thánh quân. Vậy việc này kẻ hạ thần thiết nghĩ bất tất phải kiêng kỵ mà không dám nói ra, bệ hạ chỉ nên giáng chỉ cho quốc dân, tự trách lỗi mình, trước là tỏ đức cao thượng của thượng hoàng, sau là giải lòng ái luyến của bệ hạ đối với thượng hoàng vậy.

Lương thừa tướng vừa tâu xong, bỗng thấy Tề vương là một người trong tôn thất cũng vội quì xuống mà tâu rằng:

- Nếu giáng chỉ như thế thì bệ hạ còn ra thể thống nào nữa. Thiên hạ không biết, tất nghi là bệ hạ không khéo thờ phụng thượng hoàng, để đến nỗi thượng hoàng thất ý bỏ đi. Huống chi từ xưa đến nay,chưa thấy đời nào xảy ra một việc quái lạ như thế bao giờ. Nếu việc này tuyên bá ra thì chẳng những thần dân trong nước dị nghị mà thôi, dẫu các giống rợ mọi ở phương xa nghe thấy chuyện này, cũng phải lấy làm chê cười vậy. Bệ hạ chỉ nên giấu kín việc này, bất tất phải đi tìm cho thêm huyên náo.

Quan Nguyễn trung đô quì xuống tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! đạo làm con phải tận hiếu, ngày nay nếu không đi tìm thượng hoàng thì chẳng những bệ hạ không được yên lòng, mà các quan triều thần tự nghĩ cũng chẳng ra thể nào. Kẻ hạ thần thiết tưởng bệ hạ nên phái các viên lão thần, mỗi người đi một phương, dò khắp các danh lam thắng cảnh. Mà đi đến đâu cấm không được nhũng nhiễu, như thế thì tất có ngày đón được thượng hoàng về cung.

Vua Anh Tôn ngẫm nghĩ gật đầu. Bỗng thấy nội giám Uông Kim tay cầm tờ long liên đệ dâng, tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Thượng hoàng đi chuyến này có lẽ không về, vì người có viết một bài thơ để lại. Thái hậu xem xong, truyền kẻ hạ thần đệ trình ngự lãm.

Vua Anh Tôn mở xem thì là một bài thơ thất ngôn nói về sự chán đời mà đi tu hành.

"Hơn bốn mươi năm giấc mộng nồng,

Nghĩ mình thêm thẹn với ngôi rồng.

Vẫn chưa ân trạch đầm muôn họ,

Luống những ưu cần dối một lòng.

Bay bổng sá chi thân dã hạc,

Nỗi riêng bao quản chốn thâm cung.

Còn nhiều hưởng phúc về sau nhỉ,

Mây bạc xa trông cách mấy trùng.

Vua Anh Tôn xem xong, trao cho các quan triều thần xem. Các quan triều thần ai nầy đều động lòng thương xót, chỉ có ba cha con Đồ Man Hưng Phục ngẫm nghĩ mừng thầm, mừng rằng thượng hoàng bỏ đi không về thì chúng càng dễ bề làm bậy.

Lương thừa tướng lại quì xuống tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Đã đành rằng thượng hoàng quyết định đi tu hành, nhưng kẻ hạ thần thiết tưởng cũng nên phải phái người đi dò tim bốn phương, có thể mới trọn vẹn được đạo thần tử đối với quân phụ. Thượng hoàng sở dĩ chán đời, cũng vì bệ hạ không khéo phụng thờ mà xui nên có sự buồn bực. Hán vương và Triêu vương bắt đi thụ phong, để hai bà Ôn phi và Mai phi phải đi theo con. Trong cung chỉ có thái hậu, lại đang đau yếu. Bọn thị ngự dẫu không thiếu người, nhưng cần phải có kẻ biết tiên thừa chí (là kẻ làm con khéo đón ý cha mẹ mà chiều chuộng hầu hạ). Bệ hạ không lượng tình ấy, khiến cho thượng hoàng tức giận bỏ đi. Bệ hạ làm vua trong một nước mà không khéo chiều chuộng thượng hoàng thì không biết sau này thiên hạ bảo bệ hạ là một ông vua thế nào vậy.

Vua Anh Tôn bãi triều vào cung, Phi Giao hoàng hậu cố làm ra ý không vui, vua Anh Tôn hết sức tìm lời khuyên giải sau phải truyền chỉ nói là có bệnh, không ra ngự triều cứ, cứ hàng ngày ở luôn trong cung với Phi Giao hoàng hậu, cũng chẳng vào thượng cung thăm thái hậu nữa.. Bấy giờ vua Anh Tôn không ra ngự triều, bao nhiêu bản tâu phải đệ vào hữu cung, thành ra quyền chính đều do tay Phi Giao hoàng hậu. Đồ Man Hưng Phục vào làm thừa tướng, nội giám Mã Thuận thế lực rất to, hắn thù nhau với Uông Kim, liền đánh chết tại cửa cung, rồi nói đổ là Uông Kim trúng phong mà chết. Chúng kết đảng làm bậy, Thái hậu ở trong cung chẳng biết tí gì. Trong bọn nội giám, chỉ có Lăng Mậu nguyên là người cũ, hắn giả cách xu nịnh Mã Thuận, nhưng thấy việc gì lạ lại vào cung mật tâu để thái hậu nghe.

Một hôm, thái hậu ngồi ở trong cung nhân lúc vắng người, mới thở dài mà than rằng:

- Thiên hạ còn ai khổ hơn ta nữa không! Một mình vò võ trong cung, con cái chẳng nhìn đến! Ta nghĩ từ khi ta được phong làm hoàng hậu đến nay, thượng hoàng vẫn riêng lòng âu yếm, Ôn phi và Mai phi cũng đều có ý kính trọng ta. Ngày nay thượng hoàng bỗng bỏ ra đi, ta trông thấy hai đứa con nhỏ ( Trỏ Chu vương và Hưng Bình công chúa) khóc lóc thương cha nhớ mẹ, ta càng thêm nỗi đau lòng. Thôi thì một thác cho rồi, chẳng nên thiết sống làm chi nữa!

Thái hậu nghĩ vậy, đã toan liều mình tự tử, nhưng lại thở dài mà than rằng:

- Khoan đã! Ta còn nhớ những lời thượng hoàng dặn bảo ta trong khi ra đi. Nếu ngày nay ta chết rồi, thiên tử nhu nhược, đến nỗi mất thiên hạ thì ta đây há chẳng phải là một người đại tội ở Nguyên triều này hay sao!

Thái hậu lại gạt thầm giọt lệ, rồi thở dài mà than rằng:

- Con ta khi trước cùng Hùng hậu cũng không phải là không biết hiếu thuận, chỉ tại có con Phi Giao vào cung mà gây nên nỗi đau đớn này. Con Phi Giao từ khi cha mẹ nó xa vắng càng thêm lộng quyền, làm nhiều điều trái phép. Cứ như lời Gia Tường công chúa nói thì nó lại độc ác hơn Ly Cơ thuở xưa. Ta lo cho nhà Hoàng Phủ ta, khó lòng mà bảo toàn được danh dự.

Thái hậu nghĩ quanh nghĩ quẩn, nét mặt có ý buồn rầu. Gia Tường công chúa trông thấy, mới tìm lời khuyên giải mà rằng:

- Muôn tâu mẫu hậu! Xin mẫu hậu chớ quá nghĩ. Ngày hôm qua, Triệu Lân thuật cho con biết việc tòa Khâm Thiên giám đã tâu với thiên tử, nói cứ xem tượng yêu tinh hiện hình thì trong cung tất có kẻ nội phản. Vậy nay thiên tử đang truyền tra xét trong sáu cung đó.

Thái hậu than rằng:

- Yêu tinh hiện hình, quả có ứng nghiệm, nhưng chỉ sợ tra xét không ra được mà thôi.

Thái hậu nói chưa dứt lời thì bỗng thấy nội giám Lăng Mậu hoảng hốt quì xuống mà tâu rằng:

- Muôn tâu thái hậu! Thật là một việc không may!

Thái hậu cùng Gia Tường công chúa đều kinh ngạc hỏi:

- Việc chi vậy? Nhà ngươi mau mau nói cho ta nghe.

Lăng Mậu đứng thở một lúc mới tâu:

- Hữu hoàng hậu điểm lấy cấm binh đem vào trong cung ngày đêm luyện tập, thiên tử quá tin chẳng nghĩ chi đến chuyện làm gương cho thiên hạ noi theo. Lương thừa tướng thấy vậy bày tâu mọi lẽ thì thiên tử có ý hổ thẹn lại vừa tức giận rồi gạt nước mắt mà phán rằng “Tội trẫm như thế còn nói chi nữa! Nay một mặt y lời tâu, sai quan đi các tỉnh tìm thượng hoàng, và một mặt tâu với thái hậu xin nhường ngôi cho Hán vương hoặc Triệu vương để trẫm cũng bỏ đi mà cố tìm cho thấy thượng hoàng thì trẫm mới được hả dạ vậy? Các triều thần nghe lời chỉ phán, đều lấy làm kinh sợ mà phủ phục cả xuống.

Bấy giờ Tề vương tâu rằng:

- “Bệ hạ vốn là một ông vua nhân hiếu, xưa nay chưa có điều gì bất đức, mà sao Lương Trấn Lân dám tâu càn như vậy, dám xin triều đình phải nghiêm trị tội “Tiết mạn thánh thượng” ấy.”

Đồ Man Hưng Phục lại tâu rằng:

- “Lương Trấn Lân thật là tội đại bất kính. Cứ xem bài thơ của thượng hoàng để lại thì không có câu nào là không bằng lòng với thánh thượng cả, thế mà Lương Trấn Lân dám bày lời cưỡng lý, để tuyên bá tội bất hiếu của bệ hạ, và trái với ý cao thượng của thượng hoàng. Vậy xin triều đình nghiêm trị tội “Đại bất kính” ấy để răn bảo kẻ khác”. May nhờ có quan Nguyễn trung đô tâu can rằng:

- “Lương Trấn Lân vốn tính trung thực, không biết kiêng kỵ. Cũng vì bi thương quá mà mạo tội nói liều. Tuy vậy bệ hạ cũng không nên trách phạt một bậc lão thần, chỉ nên tự trách phạt mình, ngày đêm tu tỉnh, để đợi nghe tin tức của thượng hoàng. Lại nên tìm lời khuyên can, cho được yên lòng thái hậu, còn việc triều chính, điều gì nên cải thì cải, để khỏi phụ lòng thượng hoàng đã truyền ngôi cho, thế là toàn hiều đạo vậy”. Thiên tử nghe nói lẩm nhẩm gật đầu, rồi truyền sai quan đi bốn phương để dò la tin tức. Khi tan triều rồi, nhân dân lao nhao nghị luận về việc thượng hoàng chán đời bỏ đi tu. Chúng lại tiếc thay cho Quyền Xương đang được sung sướng mà sao cũng liều thân, chẳng thiết chi đến nhà cửa. Mỗi người bàn một cách, mà vẫn không ai hiểu rõ duyên cớ ra sao. Thiên tử âu sầu buồn bã, ứa hai hàng lệ, lại lui vào hữu cung. Phi Giao hoàng hậu đón hỏi đầu đuôi câu chuyện thì thiên tử thuật lời tâu của Lương thừa tướng cho nghe và lại hỏi rằng:

- Ái khanh nghĩ như thế thì trẫm còn mặt mũi nào mà ở lại ngôi vua nữa!.

Phi Giao hoàng hậu vừa nghe nói, liền hầm hầm nổi giận cau đôi lông mày lại, quắc hai con mặ lên mà hỏi rằng:

- Đã như thế thì bệ hạ xử ra thế nào?

Thiên tử lại thuật cho nghe những lời tự trách lỗi của mình và muốn nhường ngôi vua, v. v...

Phi Giao hoàng hậu bỗng cười nhạt mấy tiếng mà rằng:

- “Bệ hạ đã nhu nhược vô quyền thì còn nói làm gì nữa. Tội đại bất kính như thế mà không đem chém đầu đi, lại còn tự trách lỗi mình và muốn nhường ngôi cho người khác. Lương Trấn Lân kia! Hắn cậy mình là bậc lão thần, mà dám nói năng càn dỡ, ta nên giết một người để cho nghìn người phải sợ, nếu không thì quốc pháp còn ra thể nào!” Phi Giao hoàng hậu căm hờn muôn phần, kêu gầm lên rằng: “Thế này thì tức chết mà thôi”, làm cho thiên tử hoảng hốt sợ hãi, lại phải tìm lời khuyê giải khiến được yên lòng.

Vừa rồi kẻ hạ thần vào tả cung, bỗng thấy giường ghế lổng chổng, các cung nữ huyên náo lạ thường mà không thấy Hùng hậu và bảo mẫu đâu cả. Hỏi ra mới biết rằng tòa Khâm Thiên giám tâu thiên tử cho đi tra xét trong hai cung thì hữu cung không tìm thấy gì, mà tả cung lại thấy dưới long sàng có nhiều bùa dấu, viết tên thiên tử và tên Phi Giao hoàng hậu.

Bấy giờ thiên tử nổi giận, nhất là Phi Giao hoàng hậu lại càng căm tức bội phần, nói rằng:

- “Không ngờ Hùng hậu ở trong cung, dám dùng bùa dấu để nguyền rủa thánh thượng. Việc này tất có ngoại thần lập mưu giao thông cùng các cung nữ”. Nói xong tức khắc bắt con Bàng Nguyệt Tố và con Lý hoa Quyên ra tra hỏi. Hai tên cung nữ ấy thú nhận là mưu khế tự Bình Giang vương Hùng Hiệu giao thông với nội giám Uông Kim.

Bấy giờ Phi Giao hoàng hậu nổi giận, sỉ mắng Hùng vương và Hùng hậu mà rằng:

- “Thế này thì thiên đạo thật là chí công, lập tâm hại người, thành ra hại mình trước!”

Muôn tâu thái hậu! Thái hậu thử nghĩ xem Phi Giao hoàng hậu như thế, có phải là một tay đại quỷ quyệt hay không! Bấy giờ Phi Giao hoàng hậu rút ngay thanh bảo kiếm ra, chém chết hai tên cung nữ, lại cưỡng bách thiên tử phải truyền chỉ tức khắc tịch phong nhà Hùng vương và nã bắt toàn gia để trị tội. Muôn tâu thái hậu! Không ngờ Hùng vương có ba trăm gia binh, chúng cãi là chủ nhân vẫn một lòng trung thành, cớ sao thiên tử lại nghe lời sàm báng mà trị tội. Chúng tuốt gươm ra để giữ lấy vợ chồng Hùng vương, không cho các tướng vào bắt. Sau Mã Thuận tâu với Phi Giao hoàng hậu, tức khắc sai hai con của Đồ Man Hưng Phục là Đồ Man Định Quốc và Đồ Man An Quốc đem quân đến hễ kẻ nào kháng cự thì cho phép chém giết mà vaà bắt lấy vợ chồng Hùng vương. Bấy giờ ba trăm gia binh khóc lóc tan chạy, toàn gia Hùng vương đã phải giam vào ngục rồi. Thiên tử quá tin lời Phi Giao hoàng hậu, cho là Hùng vương có lòng phản quốc, định toàn gia tru lục. Còn Hùng hậu thì cứ giam vào lãnh cung, thử xem bệnh điên rồ kia thực giả thế nào. Lương thừa tướng thấy vậy định vào tâu can thì cửa cung đóng chặt mà không cho vào.

Muôn tâu thái hậu! Lương thừa tướng vốn là người trung trực và nóng nảy. Trong khi tức giận, liền sụp lạy ở trước cửa cung mà than rằng:

- “Ta làm thừa tướng, chỉ chịu ngồi nhìn trong nước biến loạn không thể can ngăn được, thế thì trên phụ lòng ủy thác của thượng hoàng, dưới phụ lòng ngưỡng vọng của quốc dân, phỏng còn mặt mũi nào đứng tại chốn triều đường nữa!” Nói xong, đập đầu ở cửa cung mà chết.

Phi Giao hoàng hậu truyền chỉ đem thi thể đi chôn, lại vu cho Lương thừa tướng là đồng mưu với đảng phản nghịch. Muôn tâu thái hậu! Phen này thật là trời nghiêng đất lở, xin thái hậu nghĩ kế mau mau.

Thái hậu nghe nói, ngồi ngẩn người ra. Gia Tường công chúa cũng ứa nước mắt khóc mà bảo Lăng Mậu rằng:

- Lăng Mậu! Nhà ngươi lại đi dò la xem có tin tức gì lạ nữa không? Mau mau về báo.

Khi Lăng Mậu đi khỏi rồi, Gia Tường công chúa gạt nước mắtmà tâu với thái hậu rằng:

- Muôn tâu thái hậu! Mậu hậu chớ quá nghĩ. Ngày nay xin thái hậu hãy đến khuyên bảo Phi Giao hoàng hậu xá tội cho Hùng vương, rồi sau sẽ liệu kế.

Thái hậu thở dài mà than rằng:

- Ta nghĩ càng thêm hổ thẹn, chẳng còn mặt mũi nào! Sinh phải đứa con ngu ngốc như thế, để đến nổi lòai yêu quái dám lộng quyền. Bây giờ cũng không còn kế gì, âu là ta hãy đến hữu cung mà xem hình dáng con yêu quái ấy ra thế nào.

Nói xong, truyền sắp loan xa đi sang hữu cung. Nội giám vào tâu trước với vua Anh Tôn. Vua Anh Tôn biết là thái hậu vì việc Hùng hậu mà đến, mới cùng Phi Giao hoàng hậu ra nghênh tiếp, mời thái hậu vào ngồi trong cung. Thái hậu nét mặt âu sầu, vua Anh Tôn và Phi Giao hoàng hậu đều sụp xuống lạy mà tâu rằng:

- Muôn tâu mẫu thậu! Thần nhi nhân bệnh, chưa kịp vào vấn an mẫu hậu, nay mẫu hậu tới đây, thần nhi thật đắc tội.

Thái hậu nói:

- Ta đến đây trước là thăm bệnh các con, sau là ta nghe một việc lạ, vậy phải thân hành đến để hỏi huyện.

Vua Anh Tôn nói:

-Muôn tâu mẫu hậu! Chẳng hay việc gì, sao mẫu hậu không truyền gọi con đến mà phán hỏi.

Thái hậu nói:

- Ta nghe tả cung có phát ra việc bùa dấu, con đã giam Hùng hậu vào lãnh cung và nã tróc toàn gia Hùng vương để giam ngục. Những việc kinh thiên động địa như thế, mà sao con không tâu cho mẹ nghe.

Vua Anh Tôn liền cúi đầu mà thưa rằng:

- Muôn tâu mẫu hậu! Không phải thần nhi dám giấu mẫu hậu, chỉ vì đảng võ hắn nhiều lắm, cho nên thần nhi chưa dám tâu trình.

Thái hậu thở dài mà than rằng:

- Con nói rất phải! Không những các quan triều thần là đảng võ họ Hùng, có khi ta đây cũng tức là đảng võ họ Hùng đó, vậy nên con phải giấu.

Vua Anh Tôn run sợ lại quì xuống mà tâu rằng:

- Mẫu hậu dạy như thế thì thần nhi còn biết nói thế nào!

Thái hậu nổi giận mà rằng:

- Ta mới hỏi thử có một câu mà con đã không biết nói thế nào, vậy thì sao con dám truất ngôi hoàng hậu, giết kẻ công thần, mà dám không bẩm mệnh ta. Ta hỏi con: Con cho việc ấy là việc triều đình quân quốc, ta đây không được quyền can thiệp đến phải không? Dẫu nhà thường dân thì làm con cũng phải bẩm mệnh cha mẹ, huống chi là hoàng gia. Có lẽ nào Hùng hậu kia đang làm mẫu nghi trong sáu năm nay, tội ác chưa rõ ra làm sao, mà đã vội đem bỏ vào lãnh cung giam cấm. Thôi, thôi! Nào ai là người lập kế giao thông? Nào ai là người đem bùa dấu vào yếm tại đấy? Con bắt cả ra đây, để ta tra xét xem đầu đuôi thế nào, rồi sẽ bá cáo thiên hạ thần dân đều biết.

Phi Giao hoàng hậu không đợi cho vua Anh Tôn kịp trrả lời, liền khép vạt áo quì xuống mà tâu rằng:

- Muôn tâu mẫu hậu! Nguyên trước con có sai hai tên cung nữ sang hầu chánh cung hoàng hậu, con vẫn khuyên bảo chúng nó phải chăm chỉ phục dịch, cấm không được đem lời sàm báng mà làm cho hai cung thất hòa. Không ngờ hai tên cung nữ ấy lại táng tận lương tâm, dám giao thông với bọn gian tà, đem bùa dấu vào trong cung yến. Chúng nguyền rủa con thì còn có thể tha thứ được, chứ ai lại dám cả gan mà nguyền rủa thiên tử. Bấy giờ con nghĩ quá giận, đã trót rút gươm chém chết hai tên cung nữ ấy. Muôn tâu mẫu hậu! Hai tên cung nữ ấy lại có thú nhận là mưu này tự nội giám Uông Kim. Thảo nào Uông Kim hôm trước bỗng nhiên ngộ cảm mà chết, thế mới biết lòng trời không dung kẻ gian. Ngày nay dẫu chúng chết cả rồi, không lấy ai làm chứng cớ, nhưng tội phản nghịch ấy thật đã rành rành.

Phi Giao hoàng hậu tâu xong thì thái hậu cười nhạt mấy tiếng mà phán rằng:

- Không đủ chứng cứ mà ghép tội cho người ta thì dẫu đối với thường dân cũng không nên, huống chi đối với một bà chánh cung hoàng hậu! Hai tên cung nữ kia, tự ngươi sai sang, chẳng lẽ chúng lại phản chủ mà vào đảng với tả cung vậy. Xem thế có phải quả là mưu gian thuở xưa của Triệu Cao trỏ hươu làm ngựa đó không? Hứa hậu thuở xưa bị oan cũng vì kế ấy. Ta nực cười thay cho con ta làm vua mà không biết xét đoán, để đến nỗi bị dối lừa. Sao con không nghĩ tình ân ái vợ chồng trong sáu năm trời nay! Sao con không nghĩ khi trước tự ai tâu xin lập hữu hoàng hậu! Huống chi chánh cung hoàng hậu vốn là người hiền thục, ngày nay lại đang có thai, con nỡ lòng nào! Vả vợ chồng Hùng vương vốn có ơn to với nhà Hoàng Phủ ta, ta và thân mẫu ta thuở xưa nhờ tay Vệ vương phi mà sống. Hùng vương lại tận trung báo quốc trong bấy nhiêu năm trời không một tội lỗi gì, thật là trụ đá vững vàng của triều đình đó. Dẫu có tội lỗi cũng nên phải xét đoán cho minh, cớ sao lại nã tróc tức thì mà định ngày mai xử tử? Vậy thì con tránh sao cho khỏi tiếng hôn quân! Việc khác ta không nói làm chi vội, ngày nay ta chỉ xin xon hãy xá tội cho nhà họ Hùng. Nếu không thì con phải đem Uông Kim và hai tên cung nữ ra đây đối chứng cho ta coi!

Thái hậu vừa nói vừa hầm hầm nổi giận. Phi Giao hoàng hậu cười nhạt tâu:

-Muôn tâu mẫu hậu! Chẳng hay mẫu hậu trỏ ai là Triệu Cao, ai là kẻ bày mưu hại Hứa hậu? Từ khi con vào cung đến nay, chưa hề dám thất lễ với chánh cung hoàng hậu bao giờ. Con vẫn ngày đêm chăm chỉ, thay chánh cung mà trông nom các việc ở trong cung. Con đối đãi chánh cung hoàng hậu thật đã hết đạo thần thiếp. Chánh cung hoàng hậu nghe lời sàm báng có ý nghi con, con vẫn tưởng lâu ngày rồi cũng nguôi lòng. Ai ngờ lại lấy làm thâm thù mà dùng đến cách bùa dấu. Nguyền rủa con chẳng kể làm chi, nhưng nguyền rủa thiên tử thì thật là đáng tội. Hai tên cung nữ kia thông mưu hại chủ, giết chết cũng chẳng còn thương. Còn như cách con đối đãi với chánh cung hoàng hậu như thế nào thiết tưởng mẫu hậu đã thường trông thấy. Chẳng qua chỉ vì chánh cung hoàng hậu còn trẻ tuổi, chưa có định kiến. Mà tội vợ chồng Hùng vương dẫu bị toàn gia tru lục, cũng chẳng có oan! Thiên tử cũng nghĩ là bậc công thần, định bắt bỏ ngục rồi sẽ tâu trình mẫu hậu. Nhưng đến khi bắt thì hắn là đảng phản nghịch, cho nên gia binh mới dám tuốt gươm mà kháng cự với quan khâm sai. Muôn tâu mẫu hậu! Việc này bỏ đi làm sao cho được!

Một nhà thường dân dám kháng cư triều đình, tội còn gia đẳng, huống chi thân làm quốc trượng, chức trọng phiên vương, giả sử có biến cố nào thì nguy cho xã tắc. Vả đường đường thánh chỉ mà dám coi thường thì sao đáng làm gương cho triều thần vậy. Mẫu hậu bảo rằng Hùng vương có công lao với nước, con thiết tưởng triều đình báo đền cũng quá hậu lắm tay! Cha được phong vương, hai trai đều làm quan to, con gái lập làm chánh cung hoàng hậu. Toàn gia phú quý, nỡ nào còn mưu phản triều đình. May mà thiên tử có hồng phúc, khiến cho bùa dấu không ứng nghiệm. Một tội phản nghịch như thế, mẫu hậu còn bênh vực làm chi. Nay mẫu hậu xét đoán không minh, chỉ biết ơn riêng mà không nghĩ đến phép công việc nước, cưỡng lời trái lý, vì họ Hùng mà sỉ mắng thiên tử, còn chẳng ra thể thống nào.

Phi Giao hoàng hậu nói xong thì đứng phắt dậy mà quay mặt đi, làm cho thái hậu căm tức không biết dường nào. Thái hậu lại lôi đình nổi giận, rồi đập bàn quát mắng:

- Phi Giao kia! Mày không biết mình lại còn dám nói càn! Mày khinh miệt chánh cung hoàng hậu mà lộng quyền làm bậy, dám mượn uy thiên tử, chực giết oan kẻ công thần. Mày dùng Mã Thuận làm kẻ phúc tâm, để giao thông với bọn tôn thất, trong ngoài ai cũng biết cả. Ta nghĩ tình cô cháu mà ẩn nhẫn cho mày trong bấy nhiêu lâu. Ai ngờ mày mỗi ngày một tệ, mày dẫn dụ con ta làm điều thất đức.. Việc gì cũng mặc, nhưng ngày nay mày phải tha Hùng hậu và không giết nhà họ Hùng. Ta nhắm mắt đi thì thôi, chứ còn ta đây thì mày chớ nên làm bậy quá. Dẫu làm vua một nước thì cũng phải biết vâng lời mẹ cha. Phi Giao kia! Mày chớ hiểu lầm! Ta đây cũng là một tay nữ tướng, thế mà trong hai mươi năm nay ta ở trong cung, không hề trái lễ một tý gì. Mày chớ thấy ta nhân từ mà dám hỗn láo!

Thái hậu càng nói, lại càng căm tức muôn phần. Vua Anh Tôn run sợ quì ở trước mặt thái hậu mà tâu rằng:

- Muôn tâu mẫu hậu! Xin mẫu hậu bớt giận, con xin giáng chỉ xá tội cho nhà họ Hùng.

Thái hậu nói:

- Thả cả Hùng hậu nữa! Nếu không thì đem cả Phi Giao giam vào lãnh cung.

Phi Giao hoàng hậu cười nhạt:

- Mẫu hậu định giam con đó chăng! Vị tất đã giam nổi! Mẫu hậu ơi! Mẫu hậu có biết tự ai lập con làm hữu hoàng hậu, có phải tự thượng hoàng giáng chiếu cho khắp thần dân trong mười ba tỉnh đều biết đó không? Ngày nay mẫu hậu muốn biếm truất con sao cho được, nếu muốn biếm truất con tất phải đợi có lệnh thượng hoàng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3