Tục Tái Sanh Duyên - Chương 54
Tục Tái Sanh Duyên
Chương 54 - Hồi Thứ Mười Sáu
gacsach.com
DỨT MỐI TÌNH VĂN CƠ QUI PHẬT
BÀY TIỆC VUI THÁI HẬU XEM TRANH
Lại nói chuyện Vệ Dũng Bưu về đến quê nhà, Vệ Ngọc đem vợ là Liễu thị và hai con ra lạy mừng, cùng nhau kể lể những nông nỗi sau khi tương biệt. Khi giải Lã thị và nàng Văn Cơ về tới nơi, Vệ Dũng Bưu trông thấy hầm hầm nổi giận, liền đứng ngay dậy quắt hai mắt lên, túm đầu Lã thị lôi tới trước linh sàng Từ di nương. Vệ Dũng Bưu vừa lôi vừa nói:
- Đứa tiện này mày làm hại nhà ta biết là dường nào! Ai ngờ lại có ngày nay.
Mọi người theo vào, Vệ Dũng Bưu truyền đem hình cụ ra để tra tấn Lã thị bắt phải thú thực hết đầu đuôi những thế nào. Xưa nay Lã thị vốn là một người lanh lợi, nói đâu ra đấy, thế mà bây giờ thì cứ ngây dại như người đã chết rồi. Lã thị bị tra tấn đau quá không thể chịu được, kều rầm lê, rồi nằm chết ngất đi, gia đinh lại lấy nước lã mà phun cho tỉnh. Khi Lã thị tỉnh dậy, khóc lóc kêu van. Vệ Dũng Bưu lại truyền tra tấn một hồi nữa. Nàng Văn Cơ cùng mọi người đều khiếp đảm kinh hồn. Vệ Ngọc can ngăn Vệ Dũng Bưu mà rằng:
- Thân phụ ơi! Xin thân phụ hãy nguôi cơn giận, khoan tay roi vọt, để cho hắn cứ thực cung xưng.
Vệ Dũng Bưu truyền bảo gia đinh hãy khoan tay cho Lã thị được nói, Lã thị đau đau quá nằm ngất đi, rồi lại hồi tinh. Hồi lâu mới gượng mà nói rằng:
- Lão gia ơi! Bây giờ lão gia bắt tôi phải cung xưng thì tôi biết cung xưng thế nào cho được. Số là hôm ấy tôi và tiểu thư đi thiêu hương vắng thì ở nhà Từ di nương đâm đầu xuống sông tự tử. Hoặc khi công tử về nhà, có sự gì ám muội mà nên thế chăng. Việc này nên tra hỏi vợ chồng hắn mới phải, cớ sao lại tra hỏi tôi.
Lã thị nói chưa dứt lời thì tự mình bỗng lại lấy tay mà vả vào miệng. Vừa vả vừa nói:
- Đứa tiện tỳ Lã thị kia! Này dám mở miệng nói càn! Mày định vu oan giá họa cho Vệ công tử phải Lã thị kia! Ta đã dung túng cho mày được sống sót trong mấy năm trời nay, bây giờ mày lại dám mở miệng nói càn! Ngày trước mày vu oan cho Hùng công tử có tư tình với ta, ta phải liều chết để tỏ tấm lòng trong sạch. Ta chắc rằng không lão gia ta xét đến thì nỗi oan tình sẽ giải được ra. Không ngờ đứa tiện tỳ gian ác kia ngày nay lại còn muốn đem miệng hùm nọc rắn mà hãm hại người ngay vậy.
Nói xong, cứ giơ hai tay mình lại đánh vào mình, đến nỗi máu tươi trong miệng chảy ra ràn rụa. Vệ Dũng Bưu cùng mọi người nghe nói đều biết là Từ di nương đã nhập vào Lã thị mà nói. Vệ Dũng Bưu nói:
- Từ di nương ơi! Nỗi oan tình của di nương, ta đã hiểu rõ. Ngày nay ta về triều tâu với thánh thượng xin lập một cái bia ở trước mộ di nương. Di nương hãy an tâm ở dưới suối vàng, rồi ta sẽ phanh thây đứa tiện tỳ này ra làm một trăm mảnh.
Lã thị sụp lạy, lại nức nở khóc mà rằng:
- Lão gia ơi! Bấy giờ tôi sắp đi đầu thai thì dẫu muốn gặp nhau trong giấc chiêm bao, cũng lấy làm khó lòng vậy. Các nghĩa nặng ơn sâu của lão gia, kể sao cho xiết, sự báo đền đành để kiếp sau!
Lã thị nói với vợ chồng Vệ Ngọc rằng:
- Tôi xin cám ơn vợ chồng công tử đối đãi với tôi thật là rất có lòng tử tế. Ai ngờ vì đứa tiện tỳ gian ác mà để đến nỗi tan cửa nát nhà. Công tử đã theo lời trong thư tôi dặn mà an táng tôi tại bên cạnh mộ bà Doãn phu nhân, nhưng thương xót cho vong hồn tôi ở đấy trong bấy nhiêu năm trời, trải bao gió thảm mưa sầu, không hề được một nén hương thăm viếng. Ngày nay oan đã giải thì vong hồn này ở nơi chín suối, cũng được ngậm cười.
Lã thị nói xong, nằm lăn ra đấy. Vệ Dũng Bưu biết là linh hồn Từ di nương đã siêu thăng rồi, mới rút thanh bảo kiếm quát to lên mà rằng:
- Đứa tiện tỳ gian ác kia! Bây giờ ta thư xem buồng gan mày thế nào!
Vệ Dũng Bưu vừa nói vừa giẫm chân mình lên Lã thị, rồi cầm thanh kiếm rạch bụng, cắt lấy quả tim để trước linh sàng thờ Từ di nương, máu tươi chảy ra lênh láng. Bấy giờ trong cuống họng Lã di nương vẫn còn khò khè. Nàng Văn Cơ thì sợ quá mà ngã lăn ra đấy, Vệ Dũng Bưu lại cầm lấy thanh kiếm chạy đến nắm đầu nàng Văn Cơ kéo dậy. Vệ Ngọc cùng mọi người đều quì xuống căn ngăn.
Vệ Dũng Bưu quát mắng rằng:
- Chúng bay còn thương gì nó nữa! Nó cũng là một đứa dâm đãng, không biết yên phận. Đã làm cho cửa nhà tan nát, lại đến nỗi thất thân với đứa giặc tặc kia!
Vệ Dũng Bưu nói chưa dứt lời Hùng Khởi Thần vừa ở cửa ngoài bước vào, vội vàng giật lấy thanh bảo kiếm mà thưa rằng:
- Dám thưa cữu phụ! Cữu phụ không nên giết nàng, vì nhờ có công nàng mới phá vỡ được thành Kim Lăng này. Khi trước tôi đã hứa lời xin bảo toàn tính mệnh cho nàng, nếu cữu phụ giết nàng thì khiến cho tôi thành một người thất tín. Vả nàng là một kẻ tội nhân trong đảng phản nghịch, còn phải tâu với thánh thượng để người định tội, chú cữu phụ cũng không có quyền được giết nàng.
Vệ Dũng Bưu nghe nói thở dài mà rằng:
- Đa tạ công tử đã chỉ bảo cho tôi được biết lẽ phải. Tôi đây là kẻ vũ phu, vậy nên chưa am hiểu pháp luật, nếu không nhờ có lời chỉ bảo của công tử thì trong khi nóng nảy chẳng khỏi đeo tội vào mình.
Nói xong, truyền gọi Vệ Ngọc bảo dắt nàng Văn Cơ đi chỗ khác, rồi đem giam vào một nơi. Vệ Dũng Bưu lại thuật chuyện vong hồn Từ di nương nhập vào Lã thị cho Hùng Khởi Thần nghe. Hùng Khởi Thần phàn nàn mà thưa rằng:
- Hoài của! Tôi đến chậm chân, thành ra không được xem lúc Từ di nương nhập hồn.
Vệ Dũng Bưu bảo Hùng Khởi Thần rằng:
- Hùng công tử ơi! Ngày nay tôi chỉ muốn chết, nhưng lại sợ thiên hạ nghi là tiếc người yêu. Tôi cũng không còn mặt mũi nào trở về kinh thành mà triều kiến thánh thượng nữa, nhờ công tử bẩm với tôn nghiêm đường tâu thay giúp tôi rằng hiện tôi bị bệnh thương hàn, xin cho Vệ Ngọc ở nhà trông nom thuốc thang để khiến tôi được di dưỡng trong khi tuổi thọ.
Hùng Khởi Thần lại khuyên giải mà rằng:
- Cữu phụ ơi! Xin cữu phụ chơ lo phiền! Hai chữ trung trinh từ xưa đến nay, hồ dễ đã mấy nhà giữ được trọn vẹn. Nay cữu phụ phụng mệnh triều đình lĩnh chức nguyên soái, đem quân đi đánh giặc. Đá đánh được giặc, tất phải về tâu với triều đình. Lệnh viên (trỏ nàng Văn Cơ) dẫu có thất thân với đứa phản nghịch, nhưng đem công chuộc tội, tất thánh thượng cũng lại cho lệnh viên sum họp ở dưới gối cữu phụ, để được chỗ nương thân vậy.
Vệ Dũng Bưu nhất định không nghe, Hùng Khởi Thần động lòng xót thương, cũng không nỡ bỏ đi. Vệ Dũng Bưu và Vệ Ngọc cứ giục giã Hùng Khởi Thần nên mau mau trở về kinh địa. Hùng Khởi Thần bất đắc dĩ mới cáo từ xin đi. Trước sụp lạy Vệ Dũng Bưu, sau lại đến sụp lạy ở trước linh sàng Từ di nương mà sụt sùi khóc than và làm lễ bái biệt. Vệ Ngọc khẽ rỉ tai mà bảo Hùng Khởi Thần rằng:
- Hùng công tử ơi! Tính mệnh xá muội, trông cậy ở nơi công tử đó! Khi nào tới kinh, công tử nên tâu triều đình cho nó được xuất gia tu hành là hơn, chứ nếu về ở nhà này thì thân phụ tôi không thể nào mà nguôi cơn giận.
Hùng Khởi Thần gật đầu xin vâng mệnh, rồi tức khắc lên ngựa đi ngay. Vệ Ngọc vội vàng thu xếp các việc trong nhà. Trước hết hãy đem thi thể Lã thị ra mai táng tại phía sau núi. Khi mai táng xong, mới đưa tờ cáo phó cho thân thích họ hàng biết. Lại đem việc Từ di nương thủ tiết thuật lại rõ cho mọi người nghe. Lân lý ra vào, ai cũng lấy làm khen ngợi. Chúng đều bảo nhau rằng:
- Từ di nương biết liều mình thủ tiết, thật không hổ gia thanh nhà họ Vệ vậy. Còn mụ đàn bà điêu ngoa kia thì ngày bị mổ, tưởng cũng đáng đời.
Từ đó Vệ Dũng Bưu không hề bước chân đi đâu. Vệ Ngọc thì ở nhà hầu hạ thân phụ và đón thầy về dạy cho con học.
Lại nói chuyện Hùng vương rút quân về kinh thành. Các quan văn võ tại Kim Lăng thành đều phải thay đổi cả. Lưu Quí tổng trấn ở đấy, Trương Vĩnh và Sĩ Quí thì chưởng binh quyền để phòng dư đảng của Đồ Man Định Quốc. Khi Hùng vương kéo đại binh về kinh thành, các địa phương quan đều bày hương án ở hai bên đường để bái vọng. Hùng Khởi Phượng ra cửa thành đón, hai cha con gặp nhau, mừng mừng rỡ rỡ, xiết bao là tình. Hùng Khởi Phượng nói với Hùng vương rằng:
- Thân phụ ơi! Thái hậu đã giáng chỉ bắt phải chọn ngày để làm lễ hoàn hôn cho thân đệ con là Hùng Khởi Thần kết duyên với Phi Loan quận chúa. Thái hậu nói là hai bên đều đã trưởng thành, trai tài gái sắc, xuân đang gặp thời, không nên để chậm trễ. Hiện nay các việc trong nhà đều sửa soạn sẵn sàng, chỉ đợi thân phụ về thì làm lễ hoàn hôn mà thôi.
Hùng vương cười mà bảo rằng:
- Cần chi phải vội như thế!
Nói chưa dứt lời thì bỗng thấy phò mã Triệu Câu đến, lại có các quan văn võ triều thần theo sau, đều nói là phụng chỉ thánh thượng cho ra nghênh tiếp Hùng vương. Hùng vương xuống ngựa cùng các quan văn võ triều thần làm lễ tương kiến. Bỗng nghe báo có Doãn Thượng Khanh tướng công đến. Hùng vương vội vàng đón chào. Doãn Thượng Khanh tướng công trông thấy Hùng vương, vỗ tay cười mà bảo rằng:
- Thế mới khỏi phụ là một đại trượng phu! Danh thơm ấy sẽ ghi chép nghìn năm ở trong sử sách. Từ xưa đến nay, các nhà quốc thích, hồ dễ mấy nhà được như nhà Hoàng Phủ và nhà họ Hùng ta vậy.
Doãn Thượng Khanh tướng công lại nói:
- Tôi dẫu chưa phụng chỉ triều đình, nhưng cũng xin ra đây để cởi áo giáp hầu đại vương.
Bỗng thấy hai tên nội giám dâng một bộ cẩm bào, Doãn Thượng Khanh tướng công mời Hùng vương thay áo, rồi vào trong một cái nhà rạp để dự yến tiệc. Khi vào tới nơi, ba vị vương tử đã đứng ở đấy. Hùng vương cùng các tướng trông thấy đều kinh hãi, vội vàng cúi đầu sụp lạy. Hùng vương nói:
- Chút công khuyển mã, chưa đủ báo đền ơn triều đình, nay ba vị vương tử giáng lâm như thế này, khiến cho tôi càng thêm áy náy.
Ba vị vương tử đỡ dậy mà rằng:
- Hùng quốc trượng ơi! Chúng tôi phụng mệnh thánh thượng ra đây để nghênh tiếp quốc trượng và dâng quốc trượng ba ly rượu mừng.
Hùng vương tạ ân bước vào chiếu rượu, ba vị vương tử rót ba ly rượu mời Hùng vương uống. Các tướng có công thắng trận cũng đều được uống rượu cả. Khi uống rượu xong, ba vị vương tử cáo từ về trước. Hùng vương lại đem các tướng vào bái mạnh thiên tử ở chốn triều đường. Vua Anh Tôn hủy lạo mấy câu rồi cho về nghĩ. Đợi hôm khác sẽ ban thưởng cho các tướng sĩ. Hùng vương và các tướng lạy tạ lui ra. Khi cha con Hùng vương về đến vương phủ, Vệ Dũng Nga vương phi và Lương Cẩm Hà phu nhân đều mừng rỡ bội phần. Cốt nhục đoàn viên, tiệc gia yến vui vẻ kể sao cho xiết! Bỗng nghe báo có mấy anh em phò mã Triệu Câu đến, người họ Hùng chưa kịp nghênh tiếp thì mấy anh em phò mã Triệu Câu vào tới nơi, ai nấy đều tươi cười hớn hở. Phò mã Triệu Câu nói:
- Dám bẩm cô phụ và cô mẫu! Ngày hôm nay chúng con kéo sang đây là cốt để uống rượu mừng cô phụ và cô mẫu đó!
Vệ Dũng Nga vương phi cùng mọi người đều đứng dậy mời ngồi. Khi nói chuyện nàng Văn Cơ thì Hùng Khởi Phượng bảo Hùng Khởi Thần rằng:
- Em chớ nên như thế! Ngày nay em lập nên công nghiệp để làm vẻ vang cho nhà họ Hùng ta. Nếu em đã có ước hẹn ới nàng, thì cũng nên xử trí thế nào cho nàng được chốn yên thân mới phải.
Hùng vương nói:
- Việc ấy nên xử thế nào cho tiện, âu là lại bảo nó trở về quê nhà.
Hùng Khởi Thần nói:
- Không thế được! Bởi vì cữu phụ con nóng tính quá, quyết không khi nào chịu nguôi cơn giận mà để cho sum họp một nhà. Cứ như ý con thi việc ấy cũng chẳng khó gì, thân mẫu chỉ nên bảo nàng quyết chí tu hành là tiện hơn cả.
Anh em phò mã Triệu Câu nghe nói, đều lẩm nhẩm gật đầu. Hùng Khởi Phượng nói với Vệ Dũng Nga vương phi rằng:
- Thân mẫu ơi! Thân mẫu nên theo cách ấy mà thi hành!
Vệ Dũng Nga vương phi nổi giận mà rằng:
- Con vật ô uế ấy, ngày nay ta không muốn trông thấy mặt nói làm chi!
Hùng vương nói với phò mã Triệu Câu rằng:
- Ta hãy tạm cho Văn Cơ ở một cái chùa nào, để khi làm lễ cưới Phi Loan quận chúa rồi, bấy giờ sẽ thương nghị.
Phò mã Triệu Câu lại nói:
- Cô phụ nghĩ như thế là chí phải! Lại còn một điều này nữa, con xin nói để cô phụ nghe:
“Số là thân phụ con đã tâu cùng thánh thượng, hễ khi cô phụ về đây thì xin đem binh quyền giao phó cho trưởng huynh con, tất cũng có thể giữ yên bốn phương, mà cô phụ trong khi tuổi già này, sẽ được cùng thượng hoàng sớm khuya sum họp, cùng hưởng phúc thanh nhàn vậy.
Hùng vương nghe nói mừng lòng cười mà bảo Vệ Dũng Nga vương phi rằng:
- Nếu vậy thì tôi cùng vương phi sẽ được hưởng phúc thanh nhàn, trong khi tuổi già cùng nhau hầu hạ thánh quân cũng là một sự “Thiên cổ ky phùng” vậy; còn việc Văn Cơ hà tất phải nghĩ ngợi đến.. Những cái tư tình của đàn con trẻ, ta cứ phó mặc cho chúng nó là hơn.