Xuyên Qua Ngàn Năm - Chương 004
Chương 4: Thoát chết
Không biết trải qua bao lâu khi ông Ba dần tỉnh lại, đầu óc căng cứng kêu ong ong từ từ được thả lỏng. Phóng tầm mắt, ông nhìn thấy biển xanh ngắt, phối với bầu trời xanh thẳm điểm xuyết nhiều đám mây trắng trước mắt, có một loại xúc động không nói nên lời.
Tuyệt đẹp! Chưa bao giờ trong đời ông cảm thụ được một phong cảnh nào đẹp xao xuyến tâm hồn như thế. Kiên Giang có vùng biển còn giữ nguyên vẻ hoang sơ đẹp như thế này sao? Ông chưa từng nghe nói đến, chắc hẳn là chưa được ai khám phá. Ông Ba háo hức nghĩ: Phải tranh thủ chụp thật nhiều tấm hình để đem về khoe với mọi người.
Cựa quậy thân thể, ông đang nằm trên bãi cát được bao quanh là ghềnh đá nhấp nhô. Ông Ba nhíu nhíu mày, hình như ông quên mất điều gì? Đúng rồi! là con gái, ông vậy mà lại quên mất luôn con gái rượu của mình. Giựt giựt tay trái cảm thấy nặng, ông quay đầu nhìn thấy con gái đang nằm kế bên.
Ông Ba thở ra một hơi, cảm thấy thật may mắn, tự cho bản thân hai trăm điểm thông minh, khi chợt nảy ra sáng kiến cột chung tay với con gái. Tuy đây chỉ là con gái nuôi, nhưng ở chung với con bé cũng hơn mười năm, ông xem con bé như con gái ruột, bình thường quen có con gái bầu bạn nếu con bé có mệnh hệ gì ông biết sống sao đây.
“Ngọc Mai, Ngọc Mai…” Ông Ba vừa gọi, vừa lấy tay lay chuyển thân thể Ngọc Mai, không phản ứng. Ông lại lấy tay vỗ vỗ mạnh hơn xuống má con gái, cũng không xi nhê gì. Ông Ba đã làm sơ cấp cứu, nước cũng nôn ra và cũng đã kiểm tra quần áo không thấy vết máu hay tét rách gì. Chỉ có cánh tay sau khi bỏ dây nịt ra, một vết lằn bầm đen trên cánh tay trắng nõn, đã vậy còn bị sưng to như đoàn bánh tét, ông đau lòng sắp hỏng mất.
Kiểm tra lại mạch đập một lần nữa vẫn ổn, nhưng sau gọi mãi mà con bé vẫn chưa chịu tỉnh. Ông bậm môi, quyết định ra chiêu mạnh bạo hơn, ông lấy hai ngón tay kéo mạnh tóc mai con gái. Nhìn thấy mí mắt con gái giật giật, ông thở phào nhẹ nhõm.
Cảm giác toàn thân Ngọc Mai chỉ có một chữ: Đau…
Trong lúc mơ mơ màng màng, Ngọc Mai nghe như có tiếng Baba mình đang kêu, cảm giác thật hơn khi có ai đó vỗ má mình. Ý thức chưa kịp tụ lại thì một cơn đau rát quá sức chịu đựng, không còn hơi để hét ra tiếng, Ngọc Mai cố hết sức nhấc mí mắt lên, ánh sáng chói lòa lòa đau cả mắt. Thình lình xuất hiện một khuôn mặt đang giúp cô che bớt đi ánh sáng, Ngọc Mai híp híp mắt nhìn khuôn mặt tròn vo vượt qua chuẩn quy định của cái gọi là góc cạnh, bọng mắt đã xệ, không còn cái gọi là đôi mắt đào hoa, đuôi mắt hẹp dài bị sụp mất luôn cả mí mắt.
Đây đích thị là khuôn mặt của Baba không sai được. Ngọc Mai chớp mắt, rồi lại chớp mắt, sau khi ho sù sụ cô cất giọng khàn khàn hỏi “Con chết rồi hay chưa vậy Baba?”
Ông Ba nghe con gái hỏi mừng rỡ lên tiếng: “Chưa sống đủ mà chết gì, ngồi dậy nào. Con thấy trong người sao rồi?”
“Toàn thân đều đau” vừa nói Ngọc Mai vừa nhích nhích thân người để ngồi dậy.
“Do cả người con vùng vẫy quá sức đó mà, con tạm thời sẽ thấy khó chịu. Nghỉ ngơi tốt sẽ không sao nữa, uống miếng trà nóng cho ấm người.”
Ông đưa tay đỡ con gái dậy dựa vào vách đá, đưa bình giữ nhiệt còn tí xíu nước trà còn lại. Thường ngày nhìn thấy cô tung tăng bay nhảy, ít khi đau bệnh. Giờ thấy bộ dạng ốm yếu này ông đau lòng hết sức.
Ngồi nghỉ ngơi cả buổi, cơ thể cũng bớt đau nhức, cựa quậy chân tay Ngọc Mai đứng dậy dạng tay dạng chân hoạt động thân thể. Trời nắng gắt nhưng Ngọc Mai cảm thấy thật dễ chịu, gió thổi nhè nhẹ quần áo hầu như khô hẳn.
Nhìn con gái mới ỉu xìu đó giờ đã lấy lại được tinh thần, đang lượn qua lượn lại múa tay múa chân tập thể dục trước mặt, ông cực kỳ cao hứng. Ông quơ tay một vòng xung quanh nói với con gái:
“Baba chưa từng thấy bãi biển nào đẹp như thế này, con xem!”
Dừng lại động tác, uống thêm ngụm nước như được chết đi sống lại, Ngọc Mai nhìn theo cánh tay của ông. Phía trước mặt là biển xanh ngắt không thấy điểm cuối, phía sau là từng bãi cát dài thoai thoải, từ bãi cát đi vào đất liền là cánh rừng xanh hút tầm mắt, xa thiệt xa là núi cao chót vót trùng trùng điệp điệp bao quanh. Cảnh đẹp tuyệt vời! ngắm đã Ngọc Mai thắc mắc:
“Mọi người đâu Baba?”
“Không có một ai ngoài hai cha con chúng ta.”
Vừa nói ông vừa đưa tay lấy nón trong balo ra đội lên đầu, nghĩ nghĩ cảm thấy không vừa ý ông lấy cái còn lại ra đội lên, nhét vội cái đang cầm trong tay vô balo kéo cái rẹt như chứng tỏ đã quyết tâm không thay đổi nữa.
Ngọc Mai nhìn suýt bật cười, cái bệnh này thiệt cạn lời. Sửa soạn đâu đó xong xuôi, ông lên tiếng hối thúc:
“Chúng ta ra khỏi đây, tìm hiểu xung quanh nào.”
“Chờ con một chút, xong ngay đây.”
Bệnh nghề nghiệp, Ngọc Mai lấy máy ảnh trong túi chống ướt ra, chụp vài tấm ảnh bộ dạng thảm hại của hai cha con, để sau này đăng Facebook cho đám anh em thương cảm.
Ông Ba lúc đầu còn hối thúc, đến lúc Ngọc Mai lấy máy ảnh ra ông lại là người chụp nhiều nhất. Khi cất máy ảnh vào cô tiện tay lấy cái điện thoại ra nhìn nhìn, điện thoại đã 23 giờ cô cảm thấy lạ bật thốt:
“Ban ngày nắng thế này sao điện thoại lại là 23 giờ nhỉ, lạ quá đi?”
Ngọc Mai nhìn cột sóng điện thoại không có, tính hiệu gì cũng điều không có. Mạng quá kém! cô nhét trở vô bịch.
Ông Ba nhìn đồng hồ trên tay, đồng hồ đứng im. Ông lấy tay lắc lắc, rồi lại lắc lắc, đồng hồ nhích theo nhịp sống lại, nhưng nếu ông Ba nhớ không lầm đây là thời gian ông xem lần cuối trước khi bị rơi xuống biển. Ông hoang mang nhìn con gái, thấy vậy Ngọc Mai hỏi thẳng:
“Baba phát hiện gì lạ à?”
“Đồng hồ của Baba là thời gian khi chúng ta rơi xuống biển, điện thoại của con là thời gian múi giờ Việt Nam, có thể chúng ta bị sóng đánh trôi dạt đến nước nào khác nên bị lệch múi giờ.”
Ngọc Mai nhìn đồng hồ của Baba đang thể hiện 16 giờ 20 phút. Điện thoại của cô là 23 giờ. Theo lẽ thường thì giờ này trời phải tối khuya lơ khuya lắc, nhưng nhìn xung quanh nắng đang nhảy múa rực rỡ thế này, nếu như lời phỏng đoán của Baba là đúng thì xem như cô được đi du lịch nước ngoài nha, chỉ là không biết bây giờ ở đây đang là mấy giờ?
Nhưng nắng như vầy, sao cô cảm thấy không rát hay nóng làn da gì cả. Muốn giải đáp thắc mắc thì cũng chỉ còn cách đi tìm. Mang tâm trạng hưng phấn, cô khoát tay Baba kéo ông đi, vừa đi vừa nói:
“Chúng ta đi tìm hiểu thôi Baba.”