Xuyên Qua Ngàn Năm - Chương 015
Chương 15: Chợ Phủ
Hiện tại, hai cha con đang đứng trên đường cái quan, đường được lát đá rộng đến sửng sốt. Đủ loại xe kéo: người kéo, trâu kéo, ngựa kéo đang qua lại tấp nập.
Ngọc Mai đưa hai bàn tay lên dụi dụi hai mắt, sợ bản thân vừa trông gà hóa cuốc*! Cô vừa nhìn thấy một chiếc xe đạp chạy qua, thật không thể tin nổi! Quay đầu nhìn theo kỹ hơn, đích thị là xe đạp.
Thế quái nào mà cách ngàn năm trước đã có xe đạp, cái nồi thập cẩm nơi này cũng đủ hãi. Xe được làm chủ yếu là sắt và gỗ, nhìn từ xa, vòng bánh xe gỗ bọc sắt đang lóe lóe sáng dưới ánh mặt trời.
Ngọc Mai rất tò mò muốn biết, họ thắng lại bằng cách nào! Không lẽ chạy theo vịn lại để xem. Thật muốn làm quen với người đã thiết kế ra chiếc xe đạp này quá đi mất!
Hai cha con hưng phấn nhìn đông, ngó tây. Mọi người dập dìu trên đường đều mặc cùng một kiểu đồ, giống như những người trước đó cha con họ từng tiếp xúc, chỉ khác nhau chất liệu vải và màu sắc.
Điểm thú vị là đa số mọi người đều đi chân đất, rất ít người mang giày. Giày được làm từ chất liệu gì thì hai cha con nhìn không biết, mũi giày cong như mũi thuyền*, màu đen. Nam nữ đều để tóc ngắn, hiếm thấy phụ nữ để tóc dài, nếu có để tóc dài sẽ được buộc cao gọn gàng.
Trời đang nắng chói thế này nhưng cảm giác lại mát rượi, khí hậu thật đặc biệt! Không một ai ở nơi này đội gì trên đầu để che nắng, trừ Baba của cô ra.
Càng đi về phía trước sẽ thấy con đường cái quan càng rộng mở ra bốn hướng, ở giữa chính là trạm xá mà Bá An đã chỉ đường trước đó. Trạm xá ngay giữa giống như bùng binh ở hiện đại, trạm xá này là nơi truyền tin tức, có nhiều phu trạm chạy tin.
Từ trạm xá, rẽ trái sẽ là phố xá sầm uất với nhiều xưởng thủ công, hàng quán nổi tiếng nhất ở Phủ Tây. Nhìn từng dãy nhà cao tầng, được làm bằng vật liệu chủ yếu là gỗ kết hợp với gạch và đất nung, với từng hàng mái ngói cao có, thấp có san sát nhau, có đủ ban công, mái hiên, lầu gác. Các cửa hàng đều rộng mở, niên đại này mà nhìn như vầy cũng quá hoành tráng rồi.
Nhìn đủ, hai cha con quay ngược lại trạm xá. Từ trạm xá, hai người rẽ phải, hăm hở tìm đường đến chợ Phủ. Theo lời Bá An thì cảng Tây có tới hai cổng chào, đa số ngư dân ở biển sẽ đi cổng chào thứ hai nối thẳng đến khu chợ Phủ này. Cổng chào mà hai cha con Ngọc Mai từng đi qua, cách cổng chào thứ hai này một đoạn không xa lắm.
Chợ Phủ này là chợ lớn nhất và sầm uất nhất của Phủ Tây. Chợ họp mỗi ngày, buôn bán tấp nập từ sáng đến tối, đủ các loại mặt hàng. Chợ được chia làm hai khu vực, bên quầy hàng bán theo đăng ký có thể bán cả ngày, cả đêm. Và bên ngồi chồm hổm, hoặc có mái che làm bằng chòi lá, chen chút san sát nhau, chỉ họp bán buổi sáng, đến giờ ngọ sẽ dẹp quầy hàng.
Hàng quán hai bên đường trải dài, nhìn chỉ thấy người và người, nhộn nhịp còn hơn chợ ở hiện đại. Hai cha con cùng hòa mình bon chen theo dòng người qua lại.
“Baba! hộp quẹt diêm kìa! Ôi! thời này cái gì cũng có, con còn tưởng họ sẽ sử dụng nguyên lý lấy ánh mặt trời tạo lửa, hay cọ tre lấy lửa, thật không ngờ mà.”
“Cửa hàng bên đó còn có bán mắt kính nữa kìa, Baba mới hỏi thăm, con biết tấm bảng hiệu họ ghi là gì không? Mắt mờ, mắt nhòe, mắt không nhìn được gần, mắt nhìn xa không thấy rõ, đều có thể cải thiện. Bất ngờ chưa! Nếu họ ghi là cận thị, viễn thị, loạn thị thì thời đại này người dân sẽ không hiểu. Đồng chí xuyên không này thật thông minh, hay bây giờ cha con chúng ta đến chào hỏi, kết giao đi!”
Ngọc Mai liếc ông một cái không mặn không nhạt quăng một câu: “Con nghĩ là chúng ta nên đi tiếp.”
Để chặt đứt luôn ý niệm của ông Ba, Ngọc Mai kéo cánh tay ông cùng đi về phía trước: “Chúng ta đi dạo qua hàng ăn uống thử xem.”
“Thịt ngọc đây, thịt tươi ngon đây…”
Vừa rao người bán hàng vừa nhanh tay quét mỡ gà quanh thịt, rắc thêm bột gì đó đen đen, khói bay lan tỏa hương thơm hải sản nguyên thủy, không có mùi thơm như ở hiện đại, nhưng nhìn vẫn rất bắt mắt.
Hai cha con đứng nhìn cả buổi, nuốt nước miếng ừng ực. Ông chủ quầy hàng cứ nhìn hai cha con lom lom. Cảm thấy ngượng ngùng, hai cha con cùng nhau quay lưng lại bỏ đi không nhìn nữa.
“Thôi quay về đi! Chúng ta không có ngọc thể thì dạo kiểu gì đây, nhìn sơ sơ cũng hiểu được thêm cuộc sống nơi này rồi.”
“Dạ! Mà Baba có thấy mấy con ngọc này giống ngọc trai không? ngọc trai có thể nuôi cấy đấy, nếu chúng ta nuôi thì có được tác dụng tăng tuổi thọ không nhỉ?”
Ông Ba rờ rờ cái cằm không có lấy sợi râu nào, cảm thấy cũng có lý:
“Cái này để khi nào ổn định Baba sẽ nghiên cứu sau vậy. Việc trước mắt là tìm chỗ định cư đã, nơi này còn quá mới mẻ.”
Sau khi kết thúc buổi dạo chợ sáng, cả hai chậm rãi đi về. Ông Ba bỗng dưng xuống tinh thần lên tiếng:
“Những vật mà chúng ta đem đấu giá chưa chắc là đồ hiếm lạ gì, nơi này cái gì cũng có. Tuy vật phẩm nhìn thô sơ hơn hiện đại nhưng họ không thiếu, chỉ là họ muốn làm ra hay không mà thôi.
Tiền bối xuyên đến sợ có rất nhiều, thậm chí có thể từ tương lai xa hơn chúng ta cũng không chừng. Nên thu liễm lại mà thành thành, thật thật vào rừng khai hoang, sống dân dã xem chừng là quyết định đúng đấy.”
Chưa gì ông đã thấy khớp, viễn cảnh xông pha thấy hơi dao động. Ông chỉ giỏi xem bệnh bốc thuốc, mà thời đại này mọi người họ khỏe như voi, ông biết lăn lộn kiểu gì đây.
Ngọc Mai thấy ông bi quan, bèn an ủi:
“Baba của con một thân bản lĩnh, cả khu rừng lớn ở nơi này đang chờ Baba khai phá. Biết đâu Baba sẽ là đại nhân vật tiếng tăm được săn đón nhất sau này, mọi người sẽ đổ xô đi tìm Baba nhờ chữa bệnh đấy.”
Ông Ba bật cười vui vẻ, mắng yêu: “Chỉ được cái dẻo miệng!”
Người dân nơi này ít bệnh vặt, nên từ lâu các đại y không được trọng dụng đều đã chuyển ngành, những đại y như ông ba khá hiếm. Ông sẽ không biết câu nói an ủi của Ngọc Mai bây giờ lại được ứng nghiệm trong tương lai. Chính ông Ba là người tìm ra cách giải quyết vấn đề sinh sản của cả bốn nước. Còn hiện tại, tất nhiên là ông Ba vẫn còn rối lòng về tay nghề không có đất dụng võ này dài dài.
Cười xong, ông Ba lại càm ràm tiếp: “Tối qua và sáng nay đồ ăn họ nấu ăn không có ngon gì cả, cá thì hơi tanh, rau cải hầu như không thấy. Nơi này đồ ăn có vẻ không phong phú lắm.”
“Con cũng thấy vậy!”
Ở vùng đất này, nguyên liệu nấu ăn rất phong phú và dồi dào, rừng rộng bao la bát ngát, thứ gì cũng có. Nhưng đa số người dân bốn nước đều không quan tâm lắm đến rừng, vì mọi người thiên về cuộc sống gần biển, để có thể tìm ngọc thể dễ dàng.
Quan niệm từ thời tổ tiên, mọi người đều cho rằng sống ở gần biển là tốt nhất và an toàn nhất. Không bị thú dữ hay các động vật hoang dã và côn trùng tập kích, không uống hoặc ăn trúng phải những thứ độc hại, không bị cây gãy đổ hay bị hỏa hoạn. Nếp sống không thích rừng này, đa số tất cả mọi tầng lớp người dân đều bị ảnh hưởng, vẫn không thay đổi cho đến ngày nay.
Chỉ có một số người sống ở khu vực Châu và Trại là thiên về khám phá rừng rậm. Nghề chính của họ là săn bắt thú rừng, hay đốn cây bán theo nhu cầu của người dân. Khi vào rừng họ sẽ để ý các con vật ăn thứ gì, họ sẽ hái hoặc mang chúng về trồng tại nơi họ định cư. Dần dà bổ sung thêm một số thực phẩm mới lạ cho người dân.
Lâu lâu, cũng có các nhóm người trí thức đi vào khám phá và tìm thứ họ cần, những lúc đó thì người dân khu vực Châu, Trại sẽ kiêm thêm công việc là dẫn đường.
Thức ăn đối với người dân nơi này không được chú trọng nhiều, chỉ cần qua loa sống qua ngày, miễn no là được. Với những người bình dân, họ ít khi tiêu xài về vấn đề ăn uống, thức ăn của họ chưa bao giờ thiếu, luôn dư dả cái ăn nên đa số cũng không muốn tìm tòi làm chi.
Đối tượng thân sĩ, võ sĩ cuộc sống của họ đều trải qua ào ào căng thẳng, ít được vui chơi hay thư giãn nhiều. Ăn uống tuy có nhiều món cầu kỳ hơn chút, nhưng vẫn không có gì hấp dẫn họ hơn tri thức, phấn đấu.
Mặc dù họ cũng đi ăn uống gặp gỡ, xã giao, nhưng nhìn qua nhìn lại cũng chỉ có mấy món đó, chủ yếu ăn con ngọc để duy trì sức khỏe mỗi ngày là chính. Họ cũng không có yêu cầu hay đòi hỏi gì, vì họ cũng không biết như thế nào gọi là ngon để đòi hỏi.
Riêng đối với quý tộc thì ảnh hưởng bởi những cuộc thi Cấp, và tìm kiếm người tài hàng năm, nên bản thân rất chú trọng đến sức khỏe. Luôn có đội ngũ chuyên biệt nghiên cứu thức ăn cho riêng họ. Đội ngũ này cũng không dám khám phá hay sáng tạo ra thực đơn mới, sợ không hợp làm ảnh hưởng đến cơ thể họ.
Còn nhóm người xuyên không, họ đã giúp nơi này bổ sung thêm khá nhiều món mới và lạ. Nhưng mọi người dù có lòng cũng không có nhiều cách để giúp. Vì đa số thực vật nơi này không giống thời không mà họ sống, khác xa so với sự hiểu biết trước đó của họ.
Cây trái, rau, củ, quả nhìn khác hoàn toàn. Biến thể thành to hơn hoặc nhỏ hơn, nếu không am hiểu nhìn sẽ khó phân biệt. Có người nhiệt tình vẽ cả tranh phổ biến cho người dân biết loại nào ăn được, loại nào không. Để có ai đi rừng trông thấy thì hái hoặc đem về trồng.
Thế nhưng, dù có người bỏ công đi tìm vẫn không tìm được, có những loại hao hao giống thì không ai dám chắc, nếu đề nghị thử thì cũng không ai dám thử cả.
Cho nên có thể nói người dân vùng đất này đang phí của trời, họ ăn để sống chứ không phải sống để ăn.
*Trông gà hóa cuốc: Lầm lẫn vật này ra vật kia. Nguồn: vtudien.com
*Giày được làm từ bông vải hoặc lụa, đế bằng da, mũi giày cong như mũi thuyền, màu đen hoặc sáng màu thêu hoa.
Nguồn: https://www.facebook.com/notes/san-nguy%E1%BB%85n/trang-ph%E1%BB%A5c-v%C...