Mưa Ở Kiếp Sau - Chương 10

10. Sổ đoạn trường 

Về đến gian phòng nóng hâm hấp trong dãy nhà trọ, tôi mệt lả, để cả quần áo nằm ngủ thiếp đi trên chiếc giường nhỏ không có nệm. Đến đêm thức giấc, tôi thấy đói và lạnh. Tôi mặc vào chiếc áo dày nhất, rồi lại lên giường nằm, trùm lên người tất cả những tấm chăn và những chiếc khăn mà tôi tìm được. Cơn lạnh không rời bỏ tôi trong bốn ngày, chen vào đó là những cơn sốt đốt tôi từ bên trong, những ngọn lửa điêu linh đốt ý thức tôi thành tro, tôi không biết suy nghĩ hay đau buồn. Lúc nóng tôi nằm chờ băng tuyết và lúc rét tôi chờ đám cháy đến. Tôi không biết thứ nào sẽ giết tôi trước. 

Buổi tối, giữa những cơn sốt, tôi nằm mơ thấy Chi. Thân người của tôi, gương mặt của tôi, nhưng mái tóc và chiếc áo là của nó, mong manh và dài lướt thướt. Nó đi ở trên cao, bên trên những bức tường cao rào quanh những toà nhà lớn. Trên những bức tường đó có cắm những thanh sắt nhọn để ngăn kẻ trộm, nhưng chẳng hề làm vướng áo nó. Nó nhìn xuống tôi, bằng đôi môi tím ngắt, và trong cơn sốt tôi chợt nghe những ngọn gió lạ lành lạnh trong một bầu trời gần tắt nắng, vừa se sắt vừa êm ái. Tôi đi theo nó qua bao nhiêu con đường của thành phố, lúc nào cũng nhìn thấy nó từ một khoảng cách, chứ không ở gần. Thỉnh thoảng Chi biến mất, tôi nhìn quanh tìm không thấy, chợt nó lại đang bước những bước nhẹ hẫng ở một nơi khác, rồi lại mất, rồi lại hiện. Vào đoạn cuối, tôi đi một mình suốt một quãng đường dài, khi con đường đó hết, tôi thấy Chi ngồi ở nơi mặt đất như dừng lại. Cả bầu trời sắp tối buồn ngăn ngắt. Tôi đến đứng bờ vực nhìn xuống bên dưới, rất xa, nhìn như có một con suối. Tôi không thấy dòng suối chỉ thấy bóng tối và tiếng nước chảy. Chi gọi tôi đến gần. Nó đưa tôi đến nằm xuống một phiến đá hình chữ nhật nửa giống một chiếc quan tài nửa giống một bờ tường thấp. Hai tay tôi dang ra, Chi cúi xuống tôi thật gần, bàn tay của Chi chạm vào tôi, ở giữa vai và ngực. Bàn tay ấy từ đó vuốt dọc theo cánh tay tôi, cho đến khi những ngón tay của bàn tay nó nằm bên trên những ngón tay của tôi, hai cánh tay của chúng tôi nằm song song với nhau. Cánh tay nó màu tím và cánh tay tôi màu trắng. Rồi dường như hai cánh tay nhập lại làm một. Tôi nhìn lên, không thấy Chi đâu nữa, tôi còn có một mình. Tôi nhìn xuống thân mình, thấy tôi đang mặc chiếc áo của Chi, dài và mỏng. Tóc tôi cũng là tóc của Chi, mái tóc dài đến tận bìa của phiến đá tôi đang nằm và chảy xuống đất từ nó. 

Tôi không hiểu giấc mơ. Nhưng có lẽ nó không mang ý nghĩa nào, chỉ là những hình ảnh của những giấc mộng chập chùng tôi thấy hàng đêm, tôi là một đứa con gái thường chiêm bao. Nhưng giấc mơ đó không rời tôi nữa. Không phải ý nghĩa, mà là cảm giác của giấc mơ ấy theo tôi, tôi nhớ lại những ngọn gió vừa thân yêu vừa se sắt, nhớ những ngón tay Chi vuốt trên cánh tay tôi khi chúng nhỏ bé nằm dưới một bầu trời rộng sắp tối tím âm u. Cảm giác đó giống như một lời hứa của em tôi, rằng nó ở quanh đâu đây. Rồi tôi quên giấc mơ đó, những hình ảnh tan đi, chỉ còn lại cảm giác. Nó hiu hắt buồn, nhưng nó cũng có một chút gì thân ái rất giống như tình yêu. 

Một hôm khác, trong một giấc ngủ cạn chập chờn, tôi lại thấy Chi. Tôi thấy Chi nắm tay tôi dắt đến trước hai cánh cổng bằng gỗ lớn để vào một nơi có tên là Vườn Hoa, nhưng khi vào trong thì không thấy một bụi hoa nào, chỉ có những căn nhà Nhật bằng gỗ màu sậm cất không ngay hàng gì cả, và những lối đi hẹp và Chi nắm tay tôi, tay kia nó cầm một quyển sách. Tôi nhìn bìa, thấy những tựa sách viết bằng nét cọ ngoằn ngoèo mờ ẩn trên bìa sách màu vàng. Tôi hỏi Chi cuốn gì đó, nó nói quyển thơ của Đạm Tiên đây mà. 

Thức dậy, tôi lờ mờ nhớ lại hình ảnh của giấc mơ, và quyển thơ của Đạm Tiên trong mơ làm cho tôi nhớ tới cuốn sách tôi đã lấy ở nhà cha tôi, trên bàn học của Quỳnh. Nó vẫn còn nằm trong túi của tôi. 

Tôi mở cuốn Truyện Kiều ra. Quyển sách đầy chú thích. Tôi đọc những chú thích, vì thơ tôi đã biết rồi. Những điển tích mang những cái tên mơ màng của những nhân vật và những vùng đất lạ bên Tàu, những câu chuyện không có chi tiết, những con người trong đó là sự phản trắc, là sự trung trinh, là niềm thương nhớ..., chứ không phải là những con người. Tôi lật qua giở lại các trang, tự hỏi tại sao Nguyễn Du lại đi vào giấc mộng của tôi và Chi. Tôi định gấp sách lại và mang đi cất, chợt đâu đó giữa những trang giấy, tôi thấy có một tấm thiếp. Trên một mặt tôi thấy có in chữ Ruby Heart in bằng chữ nghiêng và hai số điện thoại. Mặt kia in một viên hồng ngọc cắt hình trái tim ở giữa, chung quanh viên ngọc có nhiều hoa và một dải lụa uốn qua những cánh hoa. Cũng có thể đó không phải là dải lụa mà là một đoạn phim. Có thể đây là logo của một hãng phim. 

Khỏi ốm, tôi đi làm lại. Tôi làm ở quán ăn, nơi mỗi tối người ta uống rất nhiều bia, và hầu hết khách là đàn ông. Công việc không nặng nhọc và chủ không khó tính. Chúng tôi làm những thứ được chỉ bảo, và trong những thứ được chỉ bảo đó không có những đòi hỏi quá đáng. Nhưng tôi thấm mệt vì mỗi ngày tôi phải thở thứ dưỡng khí trong một gian phòng máy lạnh kín đầy mùi thức ăn thừa, mùi mồ hôi người, mùi bia, mùi nước tiểu còn đủ độ nồng dù đã lẫn trong mù thơm hoá học găn gắt của thuốc tẩy loang ra từ cửa phòng vệ sinh. Khách uống rất nhiều bia, họ trả tiền bia, trong đó có tiền mua cái quyền được cắt đi một nửa nhân cách của chính họ, tự cho phép mình ồn ào bằng một thứ ngôn ngữ hỗn độn vô nghĩa nhất, và vài thứ nữa. 

Danh dự của đám con gái phục vụ cũng cắt đi một nửa, hoặc là hơn nửa. Tôi không thực sự nghĩ rằng công việc khó khăn hay cay đắng, con gái dạy nhau xem thường những bàn tay và những ánh mắt và những nụ cười thất học ném vào cơ thể chúng hàng ngày. Những nụ cười của đám con gái càng khuya càng tươi và váy càng ngày càng ngắn, ngắn hơn váy của lũ con gái phục vụ ở quán bên kia đường. Không có gì kinh khủng cả, và rồi thì một ngày cũng qua đi. Không có gì xảy ra. Nhưng chuyện bình thường đó cũng là một thứ tai ương. Nó âm thầm không màu sắc và không tiếng động, nó không phải là một cơn bão làm đổ cây, nhưng nó sẽ vùi dập tất cả những gì trinh nguyên của cuộc đời.

Tôi vào trường để hỏi về hồ sơ chuyển trường. Có thể tôi sẽ phải thi hai môn, dù điểm hai môn đó trong học bạ của tôi ở Hà Nội không kém. Mấy người sinh viên tôi gặp nói thi cho đủ lệ thôi mà, không có gì khó đâu. Tuy vậy tôi vẫn lo. Mới có mấy tháng mà bài vở đã lùi vào một nơi quá xa nơi tôi đứng, dù tôi không biết mình đang đứng ở đâu. 

Ra khỏi trường, tôi vào một quán cà phê sinh viên ở góc đường. Ở đó tôi nhìn thấy một mẩu quảng cáo tìm người mẫu của một công ty làm phim quảng cáo. Nó được ghim trên một tấm bảng rao vặt gắn trên tường. Mẩu quảng cáo làm tôi tò mò, không hẳn vì nó hứa hẹn công việc thú vị và tiền lương cao, mà vì cái hoa in ở góc dưới, dường như tôi đã trông thấy nó. Dường như trong một bộ phim hay trong một trang sách đã xem và đã quên, hoặc trong một giấc mơ. Tôi không bao giờ thực sự biết tại sao tôi muốn đến đó, để tìm một thứ gì tôi mơ hồ biết và không biết. 

Ở nhà trọ, tôi gội đầu trong phòng tắm tập thể rồi mượn máy sấy khô tóc. Tôi về phòng khoá cửa lại. Tôi cởi áo, mang một đôi giày hơi cao, xoã mớ tóc dài vừa gội cho chảy xuống vai và lưng. Tôi đứng trước tấm gương nhỏ, tự nhìn ngắm mình. Tôi có đủ đẹp để được nhận làm người mẫu không? Đôi mắt tôi cũng dài, mi cũng đen như mắt của dì Lan, và môi vừa vặn. Còn thân thể, dáng người? Gương nhỏ quá tôi loay hoay vẫn không thể nào nhìn thấy cả người, tôi chỉ đoán, hoặc ước mong, là tôi có thân hình trông được. 

Tôi gửi hồ sơ, chờ, rồi gọi điện thoại. Tôi nói chuyện với đôi ba người khác nhau trong phòng tuyển dụng. Họ cho tôi một cái hẹn vào chiều thứ sáu. Tôi mượn bàn là, là áo quần thật thẳng nếp. Tôi mang đôi giày cao mới mua. 

Khi đứng trước hai cánh cửa cổng bằng gỗ tôi chợt thấy sờ sợ. Hình như một cơn gió lạnh vừa quét qua con đường vắng. Tôi thấy nao nao như máu không chảy đến hết các đầu ngón tay. Cánh cổng này, tôi đã thấy rồi. Ở đâu? 

Trong cùng một khắc đó, tôi chợt biết công ty Muôn Hoa không phải là một hãng phim, cũng không phải hãng quảng cáo. Nó là một cái hội, nơi đàn ông thượng lưu đến chơi, nơi họ uống rất nhiều rượu và được các cô người mẫu giúp cho những cuộc rượu hào hứng hơn. Chi vừa nói vào tai cho tôi biết, không phải bằng tiếng nói, không một lời nào. Nó nói bằng một nụ cười mơ hồ khó hiểu, ngay cả nụ cười đó tôi cũng không nhìn thấy. Tôi không biết đây là linh cảm, hay là trí nhớ về một điều gì đó đã được báo trước rồi, một hôm nào đó, trong mơ. 

Tôi bấm chuông rồi đứng lùi ra một chút để chờ. Tôi ngước mắt nhìn, trên đỉnh trời, trời giăng kín mây bất động. Phía dưới thấp, có những đám mây mỏng đang trôi trên nền trời xám. 

Người mở cửa dẫn tôi băng qua một khu vườn kiểu Nhật, chỉ có đá và nước chứ không có hoa, đi qua một hành lang dọc bức tường phía trái, đến một căn phòng khách nhỏ. Ông ta bảo tôi chờ ở đó. Tôi ngồi ngay ngắn trên một chiếc ghế nhỏ ở gần cửa phòng. Tôi chờ rất lâu, trời tối đi, mà không có ai vào bật đèn. Có lẽ quá bẩy giờ mới có một người đàn bà bước vào. Đó là cô Tâm. 

Cô bảo tôi đứng dậy. Cô dùng lưng bàn tay vuốt dọc cánh tay phải của tôi, từ vai xuống đến những ngón tay. Trong lúc tôi vẫn đứng, cô ngồi xuống chiếc ghế nệm thấp. 

"Em cởi quần áo ra hết di, cho cô xem." 

Tôi nhìn quanh phòng. 

"Em thay quần áo ở đâu hở cô?" 

"Ở đây, ngay trước mặt cô đây. Và cô nói em cởi quần áo chứ không phải thay." 

Tôi ngần ngừ, rồi tôi bắt đầu mở từng cúc áo bằng tay trái. Cánh tay phải mà cô Tâm đã vuốt nó, tôi để thỏng. Tôi nhìn vào mắt cô Tâm cố hiểu cô muốn gì ở tôi. 

Cô Tâm nói: 

"Cô khuyên em nên nhìn xuống đất. Em ngồi mẫu, người ta trả tiền em để nhìn em, chứ không phải để em nhìn họ." 

Tôi nói nhỏ: 

"Em chưa bắt đầu mà." 

Cô Tâm nhìn tôi nghiêm khắc: 

"Em vâng lời cô, sẽ thấy mọi chuyện dễ dàng hơn." 

Tôi vẫn nhìn cô Tâm, nhưng chỉ được nửa giây. Tôi thua cuộc, quay đầu nhìn ra phía một khung cửa sổ nhỏ. Tôi cố giữ gương mặt mình bất động. Tay tôi vẫn tiếp tục mở hàng cúc áo. 

Quần áo cởi ra hết, tôi đứng trước mặt cô Tâm, ánh mắt tôi tuyệt vọng hướng vào khung cửa sổ nhỏ, cố nhìn thấy một chút bầu trời bên ngoài. Nhưng bên ngoài trời đã tối đen. Cô Tâm nhìn tôi, chậm rãi đánh giá thân thể tôi. 

Chợt cô đứng dậy, luồn tay dưới tóc tôi. Cô kéo nhẹ những lọn tóc lên hôn. Rồi cô ngồi xuống, giọng cô dịu dàng:

"Cô bảo em nhìn xuống đất là để bảo vệ cho em thôi. Em không nhìn thấy khách thì tốt cho em hơn." 

"Nếu làm ở đây thì công việc của em như thế nào? Em phải làm gì?" 

"Em không phải làm gì hết, chỉ cần ngồi thật yên, thật đẹp. Em ngồi mẫu, mà không biết ngồi yên, thì không được lãnh lương. Cô dặn gì đừng bao giờ quên. Người ta sẽ nhìn em, nhưng trong phòng sẽ không bao giờ đủ ánh sáng để thấy trọn cả người em".

Cô Tâm đứng dậy: 

"À, cô quên hỏi em tên gì?" 

Tôi nói dối: 

"Anh Đào." 

"Gì Anh Đào?" 

"Thưa Trịnh Anh Đào". 

"Ở đây tôi có Anh Đào rồi. Tên em sẽ là Kiều Lan. Đoá hoa lan xinh đẹp." 

"Thưa cô..." 

"Gì?" 

"Em xin cô cho em một cái tên khác. Em không thích tên đó". 

Cô Tâm mỉm cười, và giữ nụ cười đó thật lâu trên gương mặt điềm tĩnh. Cô nói:

"Em xin tên khác để làm gì? Em hãy tập vâng lời cô, tập nghe bất cứ điều gì cô định đoạt cho em." 

Cô Tâm gọi người đàn ông lúc nãy đến dẫn tôi ra ngoài. Tôi mặc quần áo vào xong cô vẫn không ra hiệu cho tôi ngồi xuống. 

Lúc đóng cổng cho tôi, người đàn ông hỏi: 

"Cô có được nhận không?" 

"Thưa có. Nhưng cháu không đi làm được."