Mưa Ở Kiếp Sau - Chương 17

17. Lá ngọn sầu đâu 

Ở phòng cấp cứu của bệnh viện người ta khâu các vết thương. Tôi được tiếp máu, rồi nằm lại để tiếp nước biển. Tôi nằm nhìn các giọt nhỏ chậm từ cái chai treo ngược và vì hình như bác sĩ có tiêm thuốc ngủ cho tôi, tôi ngủ thiếp đi trên chiếc giường sắt nhỏ kê ở giữa lối đi đông người qua lại. Họ để yên cho tôi ngủ đến gần tối mới gọi tôi dậy để đi về. Lúc ký phiếu nộp tiền, nhìn ngày tháng cô thu ngân ghi trên đó, tôi chợt nhớ rằng sáu ngày nữa là sinh nhật tôi. Tôi sẽ được hai mươi hai tuổi và bước qua năm thứ hai mươi ba. Số các vết thương được khâu trên cổ tay trái và bàn tay phải, cánh tay, ngực, cổ, bụng, đùi bên trái, cũng xấp xỉ tuổi tôi. Vào ngày sinh nhật tôi, những năm trước, mẹ tôi mang về nhà giò, bánh gối, ô mai, và một bó hoa nhỏ. Chúng tôi cắm hoa vào một cái ly, và ngồi ăn bánh cạnh tấm ván, nơi tôi viết, đọc, là quần áo, nơi tôi ngủ, nơi tôi nằm mơ. Sinh nhật trên chiếc thuyền bên cửa sổ, bốn bề là nước, dòng sông đen ngăn ngắt lúc đêm khuya và trắng xoá những ngày mưa bụi. Năm nay, mẹ tôi sẽ mang bánh gối và hoa về một căn nhà không có tôi. Con thuyền chỏng chơ, sông đã cạn khô rồi. Tuổi thơ của tôi đâu? Tuổi thơ của mẹ tôi đâu? Tôi đứng đón xe ở cổng bệnh viện, nghĩ đến chuyện đó và nó làm tôi khóc.

Tôi không muốn về phòng tôi bây giờ trên cao ốc, vì tôi sợ Chi đến đó. Cũng có thể cô Tâm cho người đến để lấy lại tiền, tiền cha tôi đã đưa trước để mua tôi. Tôi đã gửi gần hết số tiền tôi nhận được đi Hà Nội. 

Tôi lang thang ngoài đường, không có nơi nào để đến. Gần khuya, đuối sức, tôi mới nhớ ra tôi còn có người quen ở dãy nhà trọ tôi đã ở lúc còn đi làm cho các quán bia. 

Hai ba người tôi quen không còn ở đó nữa. Một cô gái làm công nhân chừng mười bảy tuổi, mười tám còn nhớ mặt tôi, tuy chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện. Nó tên Hạnh. Mặt nó xinh nhưng người nó nhỏ xíu, như một bé gái mười hai mười ba. Nó nhường cho tôi chiếc giường, tôi từ chối, nó nói người tôi đầy vết thương, tôi phải nằm trên giường. Nó trải một tấm vải mỏng nằm dưới đất, giữa chiếc giường tôi đang nằm và giường của cô bạn thuê chung phòng. 

"Vì sao mà người chị đến nỗi như vậy?" 

"Chị bị tai nạn." 

"Chị nói vậy không có ai tin chị đâu, người chị dao đâm tùm lum như vầy. Chị bị đánh ghen chứ gì. Ghê quá, may mà họ đâm chị không chết." 

Tôi không biết nói sao. Nó nói tiếp: 

"Chị may thiệt đó. Mặt không có vết nào hết. Đánh ghen là người ta đâm vào mặt trước để tàn phá sắc đẹp." 

Tôi nghe nó thở dài: 

"Đẹp càng khổ. Kiếm miếng ăn ở thành phố thiệt nguy hiểm." 

Tôi không muốn nói chuyện về tôi nữa. Tôi hỏi: 

"Em may ở xí nghiệp nào, xa không?" 

"Em không phải thợ may. Em làm thuỷ tinh ở Gò Vấp." 

Nó nói xong tắt đèn. Chúng tôi im lặng, một lúc sau con bé đã ngủ. Tôi nằm mãi. Những tiếng guốc dép, tiếng nói chuyện, tiếng ăn uống bên ngoài hành lang đã tắt. Đêm im lặng. Tôi sợ Chi về. Tôi sợ Chi. 

Tôi ôm chăn xuống đất nằm cạnh Hạnh. Tất cả các lần Chi về, nó đều vì khi tôi có một mình. Tôi nắm cánh tay Hạnh để biết chắc có một người khác đang ở sát cạnh tôi. Hạnh mở mắt. Nó nói khẽ: 

"Chị nằm một mình chị sợ hả?" 

"Ừ!" 

"Mấy người đánh ghen có thấy chị vô đây không mà sợ?" 

"Không. Không phải chị sợ họ. Chị không sợ gì cả." 

Hạnh quá buồn ngủ, nó không hỏi thêm gì nữa. Tôi nằm hoài. Gần bốn giờ sáng cô bạn cùng phòng đi làm ca đêm về, tôi giả vờ ngủ, để cô gái khỏi hỏi chuyện tôi.

Lúc tôi thức dậy cô bạn đang ngủ còn Hạnh đã đi làm từ lúc nào. Nó để lại mẩu giấy trên bàn: Em nấu cháo cho chị ở ngoài bếp tập thể. Em không múc đem vô, sợ cháo nguội. Có bịch thịt chà bông ở trong ngăn dưới tủ đầu giường. Rồi nó viết thêm, cách một khoảng trống, ở bên dưới: Chị đừng đi ra ngoài nguy hiểm. Chiều tan tầm em đi mua bông băng và đi chợ về nấu cơm. 

Tôi nhìn quanh phòng, Hạnh không có gì, chỉ có vài bộ quần áo, một đôi dép, một cái thau đựng nước, chai nước gội đầu, vài cái khăn lông thưa. Trong cái tủ thấp ở đầu giường Hạnh có mấy viên thuốc cảm, trong một bao nilon có mấy túi nhựa đựng ruốc, muối vừng, mì gói. Cuộc đời Hạnh ở đây chỉ có thế. Hạnh nhỏ xíu,sẵn sàng bao bọc tôi. 

Phiếu tái khám của bệnh viện hẹn tôi trở lại cắt chỉ các vết khâu, nhưng tôi không thể ở lại thành phố này được nữa. Mười một giờ, đứa con gái ở chung phòng Hạnh thức dậy. Tôi rút cái thẻ sim từ điện thoại di động vứt đi. Tôi đưa điện thoại cho cô bạn cùng phòng, nói tôi thiếu tiền Hạnh, nhờ nó đưa Hạnh trừ nợ. Biết đâu tôi chết nay mai, tôi không muốn thiếu nợ ai, dù chỉ một bát cháo. Tôi cũng không còn cần điện thoại để nói chuyện với ai nữa. Hạnh được trả công, chắc sẽ giận tôi. Tôi ra phố mua mấy bộ quần áo, áo có tay dài để che cổ tay tôi, và găng tay, rồi tôi đi ra ga. Tôi mua vé, chờ tàu đi Huế. Tôi sẽ kể tất cả mọi chuyện với dì Lan, rồi tôi đi tu hay chết hay đi đến bất cứ nơi nào mà Chi không thể theo tôi. 

Tối, tàu đi trong mưa. Tôi nằm mộng thấy Chi. Tôi không biết có phải nó về trong giấc mộng hay không, vì tôi không còn nhớ là tôi thức hay ngủ. Nó không nói gì, mặt buồn vô hạn, nó giận tôi vô hạn. Không, tôi không thật sự thấy mặt Chi, nó luôn luôn quay lưng lại với tôi. Người nó mỏng như sương, lãng đãng chập chờn, nhạt đi mỗi khi tôi ngước nhìn, nhưng tôi luôn luôn biết rằng nó đang ở đó, nơi khung cửa sổ của toa tàu. Bên ngoài mưa cứ rơi mãi, âm thầm, dai dẳng và buồn rưng rức. Những hành khách trong toa đều ngủ, chỉ có hai chị em tôi thức. Thức trong giấc chiêm bao. Không nói với nhau một lời nào. 

Ở Huế, tôi đi tìm nhà của dì Lan theo địa chỉ trên những lá thư dì gửi cho tôi. Tôi đến một căn nhà ở một thôn nằm bên sông Hương, cách thành phố một chuyến xe và hai chuyến đò. Nhà phía trước có bán quán, phía trong có hai cái máy khâu. Nhưng đó không phải là nhà của dì Lan, mà của một dì bạn của dì Lan. Dì chỉ mượn địa chỉ đó để thư từ với tôi. Bạn dì đưa tôi đến nhà dì cách nhiều con đường. 

Trước nhà dì Lan có một khoảng sân, bên hông có một cái giếng. Sân rộng nhưng căn nhà rất nhỏ. Dì ở với chồng. Tôi ngạc nhiên vì dì chưa bao giờ nói với tôi là dì có chồng. Có lẽ vì ông lớn tuổi hơn dì quá nhiều. Dì nói với ông tôi là con của một người bạn. Tôi hơi ngạc nhiên sao dì không nói tôi là cháu, nhưng lúc đó tôi không hỏi, và sau này, lúc chỉ có hai dì cháu, tôi cũng không hỏi. Tôi chỉ hỏi dương làm gì, dì nói trước thì làm ruộng nhưng lâu rồi không làm gì cả. Tôi không biết gì thêm về dượng tôi. Họ không có con. 

Dượng tôi đi ra phía sau. Dì Lan hỏi tôi: 

"Mi ra bất ngờ quá. Mi đang đi học mà sao lại đi xa. Bao giờ mi quay lại trường? Cha có khoẻ không?" 

"Dì cho cháu ở đây vài hôm. Cháu ra đây là để nói chuyện với dì, chuyện dài, cháu không nói bằng thư được." 

Dì Lan đưa tôi trở lại nhà dì thợ may, căn nhà mà dì đã mượn địa chỉ để thư từ với tôi. 

"Mai con gái chị Liên đây. Kỳ Mai. Cho em gửi hắn ở nhà chị vài hôm." 

"Mai, hắn lớn chừng ni rồi sao?" 

Dì Thư đưa tôi ra sân sau rửa mặt. Bây giờ là mùa mưa, vườn nhà dì xanh mướt. Dì múc nước từ những vại nước mưa đặt dưới hiên đổ vào chậu sành. Dì đưa cho tôi chiếc khăn lông nhỏ và xà phòng. Dì nói tôi cởi áo ra mà lau mình, nhà chỉ đàn bà con gái, tôi không phải e thẹn. Tay tôi vẫn còn mang găng. Tôi không dám tháo chúng ra. Tôi không dám mở cúc, người tôi đầy vết thương. Tôi ngồi co ro trên chiếc ghế đẩu thấp, giả vở rửa mặt thật lâu. Dì Thư đi vào nhà rồi tôi vẫn không dám mở một chiếc cúc áo nào. 

Dì Lan phải về làm cơm cho chồng, tôi ăn cơm với dì Thư, cơm có cá kho, thân chuối xắt mỏng và nhiều loại rau tôi không biết. Ăn xong dì Thư bảo tôi vào nằm ở phòng trong, trên một bộ phản rộng kê cạnh một khung cửa sổ lớn. Trời bắt đầu mưa lâm râm. Dì Thư đội nón, bảo tôi cứ ngủ đi, dì đi một chút về ngay. Tôi nằm sát cửa sổ, nhìn ra bầu trời bên ngoài. Có một cây xoan, và mưa đang rơi trên những lá xoan và những trái xoan xanh mướt. Tôi ngủ trong tiếng mưa êm đềm. 

Lúc tôi thức dậy, dì Thư mang bông băng và thuốc đỏ vào để thay băng cho tôi. Dì biết người tôi nhiều vết thương, dù tôi vẫn còn mang găng, dù tôi chưa mở cái cúc áo nào trước khi ngủ. Tôi nói: 

"Con không sao hết, chỉ có vài vết xước. Con lo được." 

"Dì đoán các vết thương cũng sâu. Con cởi áo ra để dì thay băng cho." 

"Con tự làm được." 

"Hồi nhỏ đi thanh niên xung phong dì có học y tá. Con để dì." 

Dì Thư ngồi xuống phản, bảo tôi ngồi dậy rồi tháo găng cho tôi và mở từng chiếc cúc áo. Tôi không biết làm sao từ chối. 

"Ui cha, con làm chi mà để tấm thân ra nông nỗi này." 

Dì Thư bắt đầu mở từng vết thương ra. 

Tôi không trả lời, cắn răng để không khóc dù vì tủi thân hay vì đau.

Một lúc lâu sau, dì mới thay băng xong từng vết thương ở vai trái, ngực, bụng và đùi. Lúc dì chạm vào miếng băng ở cổ tay trái, tôi rút tay lại. Dì Thư lặng yên ngồi chờ một lúc, rồi dì lấy cây lược trong túi áo cẩn thận chải tóc cho tôi. Tóc tôi bẩn, và có máu khô lẫn trong đó. Dì nói: 

"Con chưa tắm được, để lát dì nấu nước gội đầu cho. Bây giờ thì đưa tay cho dì thay băng cho xong đi con. Con giấu thì dì cũng biết rồi. Con cầm lưỡi dao hay mảnh kính bằng tay phải, tự đâm cho nên các vết thương nằm bên phía trái." 

Tôi đành để cho dì tiếp tục mở băng. Cổ tay trái tôi nát hết, và bàn tay mặt cũng chồng chéo những vết cắt của mảnh gương. 

Các vết thương đã băng lại xong, dì Thư đưa cho tôi một chiếc áo rộng và chiếc quần lụa trắng để thay. 

"Con buồn chuyện chi kể cho dì nghe được không?" 

"Con về đây, là để kể hết mọi chuyện từ ngày con vào Sài Gòn cho dì Lan con nghe. Mà sao không thấy dì ấy qua?" 

"Chồng hắn khó khăn, không muốn cho vợ đi đâu. Nhưng mà tối hay mai Lan cũng sẽ qua thôi. 

Sao con lại đâm mình như thế?" 

"Con muốn đâm người khác, nhưng không được. Lúc đó không có ai, nên con đâm con." 

"Người khác đó là ai mà làm con thù giận đến như vậy?" 

Tôi nhớ lại. Buổi tối đó tôi mang dao vào phòng để giết cha tôi rồi tự tử sau khi tội lỗi xảy ra. Nhưng tội lỗi đã không xảy ra. Khi nhìn thấy máu, tôi nghĩ đó là máu của Chi chảy ra từ những mạch máu của tôi. Tôi muốn máu nó chảy hết khỏi tim mình trước khi người ta mở được cửa. Tôi đâm vào ngực mình cho Chi không còn nơi cư trú, cho nó tan đi, biến đi. 

Tôi không nói được bất cứ điều gì của câu chuyện này cho bất cứ ai. Tôi hỏi dì Thư: 

"Con có một đứa em sinh đôi, dì có biết nó không?" 

Dì Thư ngạc nhiên: 

"Không. Dì Lan con không có kể cho dì. Mạ con thì từ lúc ra đi đến nay ai thăm hỏi cũng không có một lời một chữ đáp lại. Em con tên gì, ở đâu?"

"Em con tên Chi. Nó chết rồi, chết vì mẹ không đủ sữa để nuôi cả hai chị em. Con ước gì con chết, còn nó sống. Nó dũng cảm, còn con yếu đuối quá, không biết cách sống." 

"Sao con biết?" 

Tại sao tôi biết? Chi là đứa đã nhìn thấy tia chớp từ cái đuôi sao chổi đã rơi vào vũ trụ của chúng tôi. Nó là đứa giữ ngọn lửa đó. Tôi không biết tia chớp có màu của ánh sáng trên thiên đường, hay của lửa địa ngục. Tôi chưa nhìn thấy tia chớp ấy một lần. 

Sáng sớm, dì Lan ghé qua, nói dì phải về quê chồng làm đám giỗ ba hôm. Dì không bước vào nhà, vì sợ trễ đò. 

Tôi sống ba ngày êm đềm trong căn nhà của dì Thư. Ba ngày không có Chi, không có Muôn Hoa, và Hà Nội đã xa mờ. Mỗi sáng sớm dì dẫn tôi đi chợ quê họp ở gần bến sông. Về nhà dì Thư ngâm nếp, rọc lá chuối, gói bánh. Buổi chiều dì gom củi thổi lửa luộc bánh ở sân sau, để ngày mai bán trong cái quán nhỏ xíu lợp lá của dì ở khoảng sân trước. Tay tôi đau, không phụ giúp gì được cho dì. Tôi nằm ở võng trong quán đọc sách, cùng trông quán với cô thợ may. Rồi tôi ngủ quên trong tiếng đạp máy khâu, tiếng chó sủa, tiếng gà trưa, tiếng máy đò vẳng lại từ dưới bến sông, tiếng bọn trẻ tan trường hay đuổi bò ngang xóm. Và tiếng mưa, hoặc tiếng gió ở trên những ngọn cây xoan (ở đây gọi là cây sầu đâu). 

Dì Thư là bạn thân của mẹ tôi, đã hơn hai mươi năm rồi không gặp. Căn nhà này là nơi dì Lan đã đến may tã cho tôi và Chi, từ những mảnh vải vụn mà dì đã mua và xin ở chợ, ở nhà người quen. Dì đã may bằng chính chiếc máy khâu này, bây giờ đã quá cũ. Vậy là tôi cũng có một nơi chốn, một thứ gì như quê hương, nơi người ta đã tìm cách giúp mẹ, đã lo lắng cho sự ra đời của chúng tôi. 

Buổi chiều rảnh, dì Thư kêu tôi ngồi cho dì chải tóc. Dì luồn những ngón tay mềm mại vào chân tóc tôi, giữ từng lọn tóc để gỡ những sợi rối, sự thân ái làm cho tôi nao nao. Tôi ước gì căn nhà này, hàng sầu đâu này, những cơn mưa này là quê tôi, cái quán nhỏ, những tàu lá chuối rọc ra để gói bánh, lũ gà vịt trong sân là cuộc đời tôi, người đàn bà này là mẹ tôi. Cùng lúc đó tôi cảm thấy tôi có tội với mẹ của tôi ghê gớm, người mẹ lưu lạc vì con, mẹ còn bao nhiêu sức lực và đời còn bao nhiêu điều phản trắc mẹ phải đi qua? 

Tôi nói với dì Thư: 

"Dì đừng chải đầu cho con nữa." 

"Hai bàn tay con thế kia có cầm nổi cây lược không?" 

"Thì cứ để tóc rối." 

"Tóc rối trông như ma." 

"Thì như ma. Hay là thôi để con cắt phứt mái tóc cho xong. Con cũng sắp đi tu rồi." 

Tôi không biết sao tôi lại nói những lời đó. Tôi không biết mình nói gì, chỉ biết chút thời khắc ngắn ngủi ở thiên đường đã qua rồi. Tôi không thuộc về nơi đây. Tôi không có quê hương. Tôi lưu lạc từ ngày mới sinh, lưu lạc với chính mẹ mình, với chính đời mình. Tôi cũng không thể nằm đây, nghe mưa và quên nỗi lưu lạc đó.

Ngày thứ ba dì Lan về. Dì đưa tôi đi chơi đền Chén. Dì mặc chiếc áo lụa mỡ gà dì đã mặc ở Hà Nội, áo vẫn còn mới, có lẽ không thường mặc. Tôi nhớ lại ngực và vai dì cũng trắng như áo lúc dì cởi áo lau mình ở nhà mẹ tôi, trắng như hoa ngọc lan. Chúng tôi lên đền thờ thắp hương rồi đi bộ ra ngoài, ngồi trên khoảnh đồi thấp ở mé sông, nhìn dải sông Hương mênh mang mờ nhạt trong một ngày không nắng và không gió. 

Dì Lan nói giọng buồn rầu: 

"Mi ngồi xuống đây nói cho dì biết tại sao mà mi lấy dao đâm vào người như vậy?" 

"Chuyện dài lắm. Con cũng không biết bắt đầu từ đâu. Chuyện bắt đầu từ ngày dì ra thăm mẹ. Dì cho con địa chỉ của cha, để con vào gặp cha, để cha lo cho con đi học." 

Tôi kể cho dì Lan mọi chuyện từ ngày tôi đi tàu vào Nam. Tôi đến nhà cha tôi. Khi đứng ở cổng, biết cha tôi có vợ và con gái bằng tuổi tôi, tôi bỏ đi. Tôi không biết tôi không bước vào căn nhà ấy được vì nó quá to hay vi cha có con gái. Tôi thuê phòng trọ, đi bưng nước ở quán bia. Tôi nhận được thư của dì gửi vào hộp thư ở bưu điện, dì nhờ tôi hỏi Chi chết như thế nào. Tôi đến nhà cha tôi. Vợ ông ấy nói họ không biết gì, chối hết mọi chuyện, hăm doạ và xua đuổi tôi. 

"Sau hôm đó con nghĩ đến Chi hoài. Không phải con nghĩ đến Chi, con gặp Chi. Chi đến với con trong mơ. Rồi Chi đến với con không phải trong mơ. Chi luôn luôn ở đâu đây, trong thân thể và hồn trí con. Dì hiểu không?" 

Dì Ngọc Lan úp mặt vào hai đầu gối khóc. Tôi thấy thương dì vô hạn. Tôi muốn ôm lấy dì, dì là đứa con gái nhỏ chứ không phải tôi. Tôi muốn nói, muốn chạm được nỗi ấm ức và cơn run rẩy của dì, nhưng miệng tôi không nói được, tay tôi không ôm lấy người dì được. 

Một lúc lâu sau dì Lan mới hỏi: 

"Chi có nói với con sao mà nó chết không?" 

Tôi không thể nói với dì một lời nào về Muôn Hoa, về những bức thư Chi viết cho tôi, về những chuyện nó muốn tôi làm. 

"Chi không nói nó chết thế nào. Chi chỉ nói cha giết nó." 

Dì Lan oà khóc, khóc thẫn thờ, u uất. Và dì cố gắng nói từng chữ một, giữa những tiếng nấc. 

"Chính dì ẵm nó đến trao cho cha mà. Tội lỗi của dì... Nói cho dì biết, có phải dì đã giết Chi không hả Mai? Mà dì có biết gì đâu... mới mười lăm tuổi, có biết đâu lòng người."

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3