Mùa mưa ở Singapore - Chương 27-28-29

Chương 27

Caleb lại đưa tôi đến khu Joo Chiat, đây là khu ẩm thực Việt của Singapore. Cả một con phố dài, hẹp, phải có đến gần chục nhà hàng Việt Nam. Chúng tôi đến khu này rất nhiều, và hầu như quán ăn nào cũng đã từng đặt chân đến, thậm chí thuộc luôn cả thực đơn của từng quán, có lẽ bởi thế nên con phố nhỏ này còn được đặt cho cái tên khá dễ thương: Tiểu Việt. Nhưng nhắc đến Joo Chiat, có lẽ điểm nổi bật nhất để người ta nói đến chính là tụ điểm của các cô gái “bán hoa” ở đây, phần nhiều là gái Việt. Các quán karaoke, bar nằm san sát nhau, nhộn nhịp bởi ánh đèn lấp lánh, và náo nhiệt bởi tiếng người đến kẻ đi. Trong các nhà hàng Việt, bao giờ cũng đập vào mắt hình ảnh các cô gái Việt, trang điểm sặc sỡ, váy ngắn cũn cỡn, đầu tóc được chải chuốt cẩn thận, vừa ngồi tán chuyện, vừa thăm dò tình hình những khách du lịch và địa phương qua lại. Họ thường nói với nhau bằng giọng điệu và thanh âm rất lạ, mặc dù những gì họ nói tôi đều hiểu được hết. Khác với mẹ ngày xưa, tôi vẫn nhớ giọng nói của mẹ, giọng mẹ trầm, ấm, không lanh lảnh như các cô gái Việt ở đây. Mẹ từng kể mẹ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tôi đã từng đến Hà Nội từ khi còn rất bé, giờ Hà Nội như thế nào tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ có những ngôi nhà lấp thấp, đường phố quạnh hiu, và có cái hồ to to. Cha bảo đừng bao giờ nghĩ đến cái nơi đó nữa, luôn bảo rằng tôi phải nhớ mình là người Singapore, gốc Hoa. Sau ngày mẹ mất, nhiều lúc ông đi uống rượu say về, và cứ lèm nhèm lặp đi lặp lại câu nói, nghe như dao đâm vào tim: “Tao không biết mày có đúng là giọt máu của tao không. Nhiều lúc tao thấy mày chả giống gì tao cả. Khuôn mặt mày giống mẹ mày như đúc, tính cách mày chả được như thằng bố mày. Mà mày giống mẹ mày thì lại đi làm… đĩ thôi con ạ.”

Những khi như thế, tôi thường im lặng với vẻ lầm lì khó chịu nhất có thể. Cha lại càng bực bội, gay gắt hơn với hơi men trong người, ông lấy tay chỉ lên bàn thờ, nơi cái di ảnh đã được che phủ bởi một tấm vải lụa đen: “Đấy, mày không tin là mày giống mẹ mày à, mày giở cái vải lên mà xem. Chính tay mày vẽ lại nó lúc đấy mà mày không nhớ à.”

Tôi hét lên. Ông ta lại chạm vào nỗi đau khủng khiếp nhất mà tôi cố chôn vùi bao năm qua. Mỗi lần thế, nó lại bung ra trong tôi, đau buốt, nhức nhối. Tôi bỏ chạy. Những đèn lồng trong đêm đã tắt, như những đêm nào mẹ hay lén mở cửa bước ra khỏi nhà. Tôi hận cha. Và… tôi cũng trách mẹ. Trả lại tuổi thơ cho tôi đi.

- Này cậu!

Caleb lay nhẹ vai tôi, làm tôi giật mình như vừa thoát ra khỏi cơn mê sảng. Tôi nhìn cậu ấy ngơ ngác, giữa con phố nhộn nhịp, còn chưa định hình lại mình đang nghĩ cái gì trong đầu.

- Cậu làm sao thế? Sao tự nhiên lại thần người ra thế? – Caleb lại hỏi.

- Caleb, cậu có thấy mấy “em” xinh tươi đang ngồi trong quán đấy không?

Tôi đánh trống lảng, giả vờ rướn mắt về phía mấy cô gái Việt đang tranh luận sôi nổi trong một quán ăn mà chúng tôi định bước vào.

- Có. Mà làm sao hả cậu?

- “Gái” Việt đấy!

- Ừ, biết mà. Tớ còn lạ gì. Họ đang nói về cái gì thế.

- Đang than thở là mấy hôm nay không kiếm được đồng nào.

Caleb lại bật cười khanh khách. Chúng tôi gọi hai tô phở bò ngồi ăn ngon lành. Bỗng tôi nghe một giọng nói rất nhỏ, vang lên ngay sau lưng mình. Các câu nói cụt lủn, ngắn cũn, rời rạc, và nghe có vẻ khá mệt mỏi: “Đang ngồi ăn”, “Hôm nay mệt, không muốn đi”, “Mệt mỏi lắm rồi, dẹp mẹ cho xong. Đến đâu thì đến”… Tôi quay lại, cô gái có gương mặt trắng trẻo, dễ nhìn, lông mày đậm, tóc cột lại gọn gàng, vận quần jeans và một chiếc áo phông trắng. Trông cô khá giản dị so với mấy cô gái ngồi ở chiếc bàn to ở phía đối diện, mặc dù tôi biết cô cũng giống họ. Gương mặt cô ấy lộ rõ vẻ mệt mỏi thật, tay cầm điếu thuốc và ánh mắt buông chùng. Một lúc sau, nghe tiếng cô đứng dậy, gọi vọng vào trong:

- Chị Phụng, ghi nơ tiếp nhé.

Chị chủ quán trả lời vọng lại ra bên ngoài:

- Nợ nhiều lắm rồi đấy nhé.

Cô ta bỏ đi, không nói lại gì.

Một lúc sau, tôi và Caleb ăn xong, cũng chuẩn bị về, tôi bỗng thấy một chiếc thẻ nằm chổng chơ ở dưới một chiếc ghế nhựa đỏ, chỗ cô gái lúc nãy ngồi. Tôi bước đến và nhặt lên. Tấm thẻ màu xanh, ép plastic, đề là Chứng minh thư nhân dân, hình trong thẻ là gương mặt cô ấy, trông trẻ và trong sáng hơn nhiều. Tên cô gái là Trần Thúy Quỳnh, quê quán Bình Dương. Tôi lưỡng lự một lúc, lấy ra một tờ giấy nhỏ ghi lại số điện thoại của mình, và nhờ chị chủ quán đưa giúp, chắc cô ấy đến đây thường xuyên.

- Sao cậu giữa cái thẻ đấy làm gì? Không nhờ chị ta đưa lại luôn. – Caleb hỏi.

- Tại cô gái đó đang nợ tiền chị chủ quán. Tớ sợ đưa lại, biết đâu chị ta lại giữ nó, gây khó dễ cho cô ấy thì sao. – Tôi trả lời.

Caleb đưa tôi quay lại Chinatown, bóng chiều chìm dần vào hoàng hôn. Hôm nay tôi đội ngược một chiếc mũ bê rê màu xanh đậm. Caleb cứ cười tít mắt vì thích thú, cậu ấy bảo tôi đẹp một cách kỳ lạ.

Tôi bước đi về góc nhỏ của mình, đèn lồng sáng hồng lên cả con phố dài. Những gian hàng như các thiếu nữ Trung Hoa vận xiêm y, tô son điểm phấn lại, bắt đầu uyển chuyển cơ thể bằng những động tác duyên dáng. Bỗng thấy them những bàn chân đến của những vị khách lãng du vô tình ghé ngang đây.

Từ xa tôi thấy bác Cheng ngồi phe phẩy chiếc quạt nan, cười hóm hỉnh. Hôm nay, tôi biết mình sẽ làm rất tốt công việc hàng ngày.

 

Chương 28

Mẹ gọi điện với tâm trạng không vui, giọng lộ rõ sự lo lắng:

- Ở nhà có chuyện gì hả mẹ? – Tôi hỏi.

- Không có gì đâu con trai. Mẹ chỉ điện hỏi thăm thôi.

- Chắc chắn là có gì mà.

Gặng hỏi mãi, mẹ cũng buông một tiếng thở dài với thứ thanh âm héo hắt như một cánh đồng đang lụi khô mùa hạn hán. Mẹ đang lo lắng cho việc làm ăn của bố. Chú Đông, một thành viên trong Hội đồng quản trị của công ty đang có ý định rút cổ phần ra, mà vốn chú ta bỏ ra ban đầu cũng tương đối nhiều, chỉ sau bố tôi và một người nữa, đầu tư bao nhiêu năm cho đến bây giờ thì số tiền rút ra cũng sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến việc làm ăn của công ty, vì chú Đông là một trong những cổ đông quan trọng nhất. Thị trường thì đang tụt dốc, kinh tế khủng hoảng, công ty nào giữ vững được sự phát triển như hiện tại đã là khó. Phen này đúng là bố tôi phải lap đao thật rồi. Mẹ lại thở dài thường thượt, bảo còn bao nhiêu thứ phải lo nữa, mà chưa kịp làm, rồi lại nghĩ chẳng may công ty mà phá sản thật thì sao, rồi lại thút thít khóc. Tiếng khóc của mẹ trong điện thoại, nghe lại càng thêm não nề, và căng thẳng.

- Phá thế nào được mà phá. Cả công ty lớn như thế. Làm ăn phát triển bao năm nay, giờ chỉ vì vốn của một, hai ông làm sao mà phá sản được. Mẹ cứ lo lắng quá lên làm gì, không giải quyết được gì hết. Bố là dân kinh doanh hơn chục năm nay, kinh nghiệm đầy mình, phải lường trước hết mọi tình huống rồi.

Tôi an ủi mẹ. Mẹ lại càng thút thít:

- Ông ấy còn tính bán đi mấy miếng đất để bù vào. Không khéo còn mỗi cái nhà này, bố con cũng tính bán nốt thôi.

- Mẹ thật là… mà con nghĩ đến lúc bố dẹp hết chuyện làm ăn lại được rồi. Tiền nhiều cũng chả để làm gì, cứ ham quá có ngày lại mang họa vào thân. Giờ đến lúc bố mẹ để thân an nhàn, hưởng thụ cuộc sống hậu vận được rồi.

- Còn em con, nó chưa học xong đại học, bố mẹ phải lo cho nó ra trường, xin việc cho nó nữa.

- Em nó lớn rồi, tự lo được mẹ ạ. Bố mẹ cứ chăm em như sinh vật trong lồng kính thì đến khi nào nó mới khá được.

- Sao con lại có thể nói như vậy được? Em nó là con gái… Con sống trong nhà thật quá bang quan và vô tâm. Nói chuyện với con, mẹ lại thấy buồn hơn.

Chúng tôi kết thúc cuộc nói chuyện trong tiếng khóc rấm rức và sự khó chịu của mẹ. Mẹ lúc nào cũng có lý do để lo, mà lo lắng nhất vẫn là chuyện kinh doanh của bố. Chuyện kinh doanh của bố, suy cho cùng cũng là lo về vấn đề tài chính. Cuộc sống như một quý phu nhân cao sang và quyền quý bấy lâu nay khiến mẹ luôn bất an mỗi khi xảy ra một vấn đề nào đấy của bố. Bất giác cảm thấy bố sống đầy áp lực, cô độc và thậm chí không còn được là chính mình. Bố xem kinh doanh là một sự đam mê, hơn là quan tâm đến khoản lợi nhuận từ nó. Nhưng những ràng buộc xung quanh khiến ông xem nó như một công cụ thiết yếu để được sống an nhàn, yên bình, và thực hiện được điều mình tâm đắc. Chẳng biết từ bao giờ, ông sợ sự thất bại từ sau tiếng thở dài cùng với ánh mắt hy vọng trong lo âu của mẹ. Ngày xưa, bố ưa phiêu lưu và rất ngông. Giờ ông khác nhiều rồi. Chẳng biết từ bao giờ, ông muốn uốn nắn tôi với sự uy nghi và những phép tắc được lấy ra từ sự thay đổi của chính mình. Kín đáo, đạo mạo, giả tạo và nguy hiểm. Mẹ hài lòng. Từ cái thời trẻ trai với hai bàn tay trắng, mẹ đã yêu bố vì điều gì? Chắc mẹ quên, hoặc cái nhìn của một phụ nữ ở vào cái tuổi này, với những thăng trầm đã đi qua, và cuộc sống khác hẳn xưa, nên cũng đã thay đổi?

Tôi khác biệt với những điều này. Và càng không muốn sống cuộc sống như gia đình mình. Tôi có lý tưởng, có mục đích cho cái sự nghiệp của một thằng trai trẻ. Và tất cả chỉ là phụ lục mà thôi. Tôi sẽ vẫn xoay đời mình với tất cả sương khói bụi trần. Và người phụ nữ của tôi, cô ấy sẽ ắt hẳn phải là người tôn thờ và nâng niu cái bản ngã của tôi suốt đời. Gió mưa và thời gian sẽ không thể làm chúng tat hay đổi.

 

Chương 29

Thúy Quỳnh gọi điện cho tôi vào lúc sớm, mới chỉ hơn tám giờ. Cô ấy hỏi địa chỉ và chịu khó xuống tận Chinatown tìm tôi. Trời bắt đầu nắng, cái nắng chói chang khiến người ta chỉ quanh quẩn với những lo toan thường ngày. Trong căn nhà bé nhỏ, phòng khách chỉ có một cái bàn và hai chiếc ghế, đã thấy hết diện tích. Quỳnh bước vào, vận một chiếc váy màu xanh dương nhẹ nhàng, xách chiếc túi LV khá to trên tay, gương mặt tươi tắn. Trông cô ấy khác lạ so với hình ảnh hôm nọ.

- Ngồi đi. – Tôi mỉm cười với cô ấy.

- Tôi nhớ bạn rồi. Hôm đó bạn ghé vào quán cùng một anh bạn nữa, tôi vẫn còn nhớ. Hai người ngồi phía trên tôi. Tôi cứ tưởng bạn là người Tàu, vì nghe các bạn nói tiếng Hoa với nhau. – Quỳnh vừa nói, vừa nhìn quanh khắp căn phòng. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện như vậy. Quỳnh khá dễ mến, cởi mở, và cũng hiểu biết nhiều. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất chính là việc cô ấy bảo mình đang là sinh viên đại học ở đây.

- Thế mà tôi cứ tưởng bạn là… - Tôi hơi ngập ngừng.

- Là “gái” chứ gì?

Tôi gật đầu. Quỳnh tiếp lời:

- Thì tôi đúng là “gái” mà. Có điều tôi khác họ. Tôi sẽ là người chọn khách hàng, chứ không phải người ta chọn tôi. – Quỳnh mỉm cười bình thản, uống hai ngụm nước liên tục.

- Nghĩa là sao…? – Tôi ngạc nhiên.

- Nghĩa là tôi là gái bao cao cấp ở đây. Tôi không chơi kiểu một đêm. Tôi khá có tiếng trong hội sinh viên Việt Nam ở Singapore này. Người này giới thiệu người kia, ai cảm thấy có hứng thú sẽ nhờ một người quen biết đánh tiếng và đến hỏi ý tôi. Lúc đó tôi sẽ có quyền đồng ý hoặc từ chối. Thường thì tôi tính giá trọn gói một tháng, hai tháng, hoặc ba tháng, tùy theo nhu cầu và sự thoải mái của cả hai bên. Và tất nhiên cái giá của tôi cũng khá là cao. Người nào có thiện chí thì gọi tôi là “tình hờ”, sòng phẳng thì gọi đúng là “gái bao cao cấp”, ghét thì bảo là “đĩ”. Sao cũng được, không quan trọng. Vậy thôi.

Quỳnh vẫn giữ cái giọng bình thản vậy, nói rành rọt và không hề chớp mắt, thậm chí cô ấy còn hơi khẽ bật cười nhẹ nhàng khi kể lại. Không có chút ngượng ngập và né tránh.

- Sao bạn lại lao theo cái nghề này? Vì tiền sao?

- Chắc cũng một phần. Tiền thì ai chẳng thích. Có được một cách dễ dàng lại càng thích hơn nhỉ? Tôi cũng chả phải làm gì nhiều. Ban ngày đi học, và tối về thì cặp kè với “đối tác” thôi.

- Cái gì cũng cũng có cái giá của nó, Quỳnh ạ.

Quỳnh bật cười, cô ấy giơ ngón tay trỏ đưa qua đưa lại trước mặt tôi như một kiểu phản đối hay lảng tránh điều gì đó. Thật sự, Quỳnh cũng đang giấu một điều gì đó.

- Bạn khác với bọn “gái” Việt ở đây. Sao lại sống ở khu Joo Chiat? – Tôi hỏi.

- Ồ không. Tôi không sống Joo Chiat. Nhưng tôi có chơi với mấy đứa “hoạt động” ở đấy, thỉnh thoảng hay xuống dưới đấy ở cùng bọn nó cho vui. Bạn có tưởng tượng ra được là tất cả chúng nó hâm mộ tôi như thế nào, và ao ước được trở thành một loại “gái” đẳng cấp như vậy.

- So với chúng nó thì cậu đáng mơ ước thật. – Tôi mỉm cười.

Tôi đưa lại Quỳnh cái Chứng minh nhân dân. Cô ấy bảo thật ra mất luôn cũng được, cô ấy có hộ chiếu rồi nên cũng không cần lắm.

- Chẳng qua đó là một cái cớ để biết bạn là ai. Khi nghe chị Phụng chủ quán nói lại, tôi cảm thấy hơi thích thú một chút vì cảm giác bạn hơi kỳ lạ, khác với những đứa bạn trong trường đại học của tôi.

Quỳnh nói xong, tạm biệt tôi ra về. Tôi đưa cô ấy ra tận trạm xe bus. Cô ấy bắt xe số 143 để đến khu Orchard. Cô ấy bảo cần mua một số thứ trên đấy. Đợi xe đi xa hẳn, tôi cứ đứng ngẩn ngơ một lúc, rồi mới quay về. Cuộc sống thật lắm chuyện kỳ cục và khôi hài. Quỳnh cho tôi cái cảm giác dễ chịu. Và chắc chắn là tôi không có chút ái ngại về cô. Tôi lạ gì đâu những câu chuyện này. Nó quen thuộc với tôi như muối xát trong lòng mỗi khi nhớ đến. Và lại nhớ mẹ quay quắt.

Mỗi một con người, một số phận, một câu chuyện. Gặp nhau giữa đời, rồi lại lặng lẽ bước qua. Sự đồng cảm khiến tôi thêm u sầu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3