Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 57+ Lời kết
Chương 57
Chả cần đến một tháng, sau một tuần tôi đã tìm ra được chỗ thích hợp, không cần phải di chuyển quá xa làm động thai khí, mà cũng rất yên tĩnh, chính là chỗ ở của Lễ nghi học sĩ Nguyễn thị Lộ thời xưa. Vì bà bị giết thảm, không ai thèm mua căn nhà ba gian điều hiu đó. Mua lại căn nhà với tiền của mình, kêu thợ sửa chữa hơn tuần, tôi đã có nhà để đến ở. Tôi đã lựa ngày để nói chuyện nghiêm túc với bọn trẻ. Tuyên bố với bọn chúng tôi có chuyện phải đến đấy ở một thời gian, lúc nào bọn chúng nhớ có thể nói với dì Quỳnh Dao đưa đến. Tôi cũng nói với bọn chúng giữ cha mẹ có ít quan điểm không đồng nhất, nên tạm thời không nên nhắc đến tôi với cha chúng nó. Trung và Triều tròn mắt có ý không hiểu, nhưng bé Mai đã nhanh chóng biết chuyện dỗ dành bọn chúng. Tội nghiệp con bé, mới có sáu tuổi đầu mà đã như bà cụ non, không cần phải hỏi thêm ý kiến của tôi.
Tôi dặn Mai phải chăm sóc các em, còn thêm cha bọn nó nữa, khuyên hắn không uống quá nhiều, lại còn phải luyện chữ tốt, cả quốc ngữ tôi dạy lẫn chữ nho mới học. Tôi cũng dặn hai anh em Trung và Triều phải ngoan, luyện thân thể cho tốt, rồi lúc nào học chữ từ chị gái. Cũng dặn bọn chúng không được để lộ chữ quốc ngữ ra ngoài, không được cho biết tôi đang ở đâu. Đêm đó nằm chung với bọn chúng mà nước mắt tôi cứ chảy ra, tôi là một người mẹ không tốt, phải không?
Hôm sau, viết mấy chữ quốc ngữ trên giấy: “Tôi đi đây, anh không cần phải tiếp tục đi sớm về muộn nữa. Giữ gìn sức khỏe cho chính mình và nhớ chú ý đến bọn trẻ.” Tôi dậy rất sớm, gần như không ngủ, khi nhìn thấy lưng của hắn tiến ra ngoài cổng, trái tim của tôi thắt lại. Bước vào phòng, tôi đặt tờ giấy lên bàn, dưới bộ ấm chén uống nước. Nhìn quanh phòng rồi đóng cửa lại. Sau đó vào bếp, tôi nấu cơm cùng trứng cuộn và ít giá xào thịt cho bọn trẻ ăn trước khi đi học. Đánh thức bọn chúng dậy, giúp chúng đi vệ sinh, dùng mấy bàn chải tự chế bằng xơ mướp giúp chúng đánh răng với nước muối. Sau đó ăn cơm, uống nước, thay đồ cho chúng, tôi đưa chúng đến trường, dặn chúng ngoan. Nhìn dáng lon ton của chúng, nước mắt tôi chảy ra như không cầm được, mặc dù mặt vẫn nở nụ cười.
Về đã thầy Quỳnh Dao ở đó, thu xếp ít đồ đạc giúp tôi cùng bà quản gia. Quỳnh Dao có cho tôi mượn một cô hầu để giúp việc bếp núc và thuốc thang, khi đến nơi, đã thấy cô này lau dọn nhà cửa. Vậy là từ nay tôi sẽ ở đây. Ở chỗ này cũng được, bên ngoài toàn là cây cỏ, rất xanh mát. Ở chỗ này lại rất yên tĩnh vì trong ngõ nhỏ. Đến nơi, việc đầu tiên là cả tháng trời tôi chẳng ăn được mấy, cứ ăn là lại muốn ộc ra hết. Tôi thích ăn những thứ rất quái dị như ô mai xào gừng, bèn chỉ cách rồi sai cô hầu làm. Nhưng rồi, tôi phát hiện là tại mình quan tâm nó quá, bèn tự tìm việc làm mà cố quên đi ốm nghén.
Hàng ngày tôi thích mua vải may áo cho bọn trẻ, còn làm cho Phi Lộ một bộ quần áo cho mùa đông nữa. May xong cũng vừa đến mùa, tôi đưa cho bà quản gia sắp xếp vào trong tủ cho mọi người. Nếu có hỏi, cũng chỉ nói cho Phi Lộ là đồ mới mua. Tôi biết Phi Lộ rất bận bịu. Quần áo của hắn khi không có tôi thì vợ chồng quản gia lo, khi tôi đến, lo cho hắn hàng ngày, chắc hắn cũng không để ý lắm. Biết vậy nên đồ đạc cả năm nay có thêm cái mới, hắn chắc không để ý đâu. Quần áo của con, vốn do tôi lo, hắn chắc cũng không có thời gian quan tâm sự khác biệt.
Không có ai, lại bận may vá thường xuyên, mọi tình cảm đều đổ vào đó, tôi thấy rất vui vẻ. Thầy thuốc đến cũng nói tôi đã đỡ hơn nhiều. May hết mùa này, tôi bắt đầu lo khi bọn trẻ lớn lên, bắt đầu may các cỡ to hơn. Bụng cũng bắt đầu to ra, tôi cũng lâu lâu tập các động tác nhẹ nhàng thư giãn cơ thế. Tình yêu của tôi cũng đổ vào em bé trong bụng. Nhiều lúc tôi muốn viết cho Phi Lộ về đứa con, nhưng lời lẽ không ra được, cứ viết rồi xé. Đến gần khi sinh, nghĩ đây cũng chỉ là một biện pháp phòng trừ, nước đến chân mới nhảy, tôi viết cho hắn một lá thư, đại ý là đây là con hắn, bất kể hắn thấy như thế nào. Tôi yêu cầu trong trường hợp xấu nhất tôi không còn sống, hắn cần phải nuôi dưỡng nó cẩn thận, phải yêu thương nó, bảo vệ nó, dặn dò anh chị nó cũng phải thế. Kết thúc, tôi ghi lời yêu thương đến tất cả mọi người.
Nghĩ như vậy tôi cười gấp lá thư lại, cho vào phong bì, niêm lại, ghi tên gửi Phi Lộ bên ngoài. Lại nhớ đến đứa bé trong bụng cần tã lót, may ngay mấy tấm cho nó. Tôi cố gắng làm nhanh, nhưng may đồ dần dần chậm lại, chỉ thêm hai bộ nữa cho mọi người trong nhà. Cho các con thì có bộ thiếu niên và một bộ trưởng thành. Cho hắn thì có bộ mùa hè mát và một bộ mùa xuân/ thu.
Hắn vẫn chưa tái hôn. Gặp bà quản gia, bà cũng chỉ nói hắn rất bận. Ngoài trừ cố gắng về nhà sớm thăm bọn trẻ trước khi ngủ, hắn vẫn phải đi sớm. Năm nay lại hạn hán lâu ngày, mọi người đều rất lo lắng, đang tính chuyện cầu mưa, hắn có rất nhiều chuyện để giải quyết. Lâu lâu các con đến thăm, tôi cũng rất vui. Nhưng bụng tôi bự ra, bọn chúng hỏi. Nghĩ hắn cũng chả có thới gian nói chuyện với con, tôi thành thực trả lời là bọn chúng sắp có em, bọn chúng cũng vui vẻ nhận lời, còn nói tôi cho bọn chúng xem em bé sau này.
Đông qua, xuân đến, rồi những ngày cuối cùng của thai kì, tôi thấy rất vui khi thấy đứa trẻ trong bụng đạp, nhưng nhiều lúc cũng thấy khá kì cục. Vào một buổi sáng tháng năm, tỉnh dậy, đang ăn cơm, bỗng tôi thấy bục một phát, nước ối chảy ra. Cô hầu vội chạy đi tìm bà mụ cùng thấy thuốc, Quỳnh Dao cũng mau chóng đến sau khi được báo tin. Bụng tôi lâm râm đau rất lâu, mãi mới đến các cơn nhói đau của đứa trẻ thúc bụng mẹ muốn ra. Trời đã chiều tối, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, tự hỏi sao mình mất sức nhanh thế. Một lúc nào đó, tôi thiếp đi, thấy mình lâng lâng ở chỗ nào vậy, lại nghe như có giọng mẹ tôi êm ái gọi: “Thanh Tâm!” như thủa còn nhỏ.
Dòng không khí mát áp lên mặt khiến tôi tỉnh dậy, bên ngoài đang mưa. Tôi mỉm cười, xem ra không còn hạn hán nữa nhỉ. Thầy thuốc lo lắng gọi tôi: “Phu nhân, cứ như thế này thì nguy mất, lâu quá rồi mà bà chưa sinh nữa. Xin người hãy cố gắng chuyên tâm thúc đứa bé ra mau, máu ra cũng khá nhiều rồi.” Vậy là tôi cố gắng rặn cho đứa bé ra. Nhưng dần dần một cơn đau đến thật nhanh, khiến tôi như muốn đông cứng cả người: “A!!!…” Sao đau thế này? Tôi có cảm tưởng không chỉ có bụng mà toàn thân đều đau. Hít dốc từng ngụm khí, tôi cố gắng thêm nữa, đau chết người thôi.
Như muốn lả đi, tôi thấy mệt mỏi, nhưng đứa con vẫn phải ra, tôi vẫn phải cố gắng chứ? Không biết bao lâu sau, bà mụ hô lên: “Sắp ra rồi, phu nhân, thêm lần nữa, cố sức vào.” Tôi hít sâu, nắm chặt tay Quỳnh Dao, cứng người đẩy đứa bé ra. “Oa, oa…” Những tiếng khóc to phát ra nhanh chóng sau đó. Thầy thuốc nhanh chóng cắt rốn, bà mụ bế đứa bé đi rửa ráy ngay. Thầy thuốc cười: “Phu nhân, là một tiểu thư rất kháu khỉnh, chúc…” Tôi không nghe được nữa, mồ hôi đầm đề, tôi mệt quá, tôi muốn ngủ… Dường như có người lay động tôi rất mạnh, thanh âm tên tôi được léo nhéo nhắc đi nhắc lại, tôi như nghe thấy tiếng mẹ: “Thanh Tâm! Tỉnh đi con!” Tôi bập bẹ: “Mẹ ơi, con vẫn muốn ngủ mà.”
“Phu nhân, phu nhân tỉnh lại đi!” Tôi vừa được lau khăn ướt, vừa bị thôi thúc tỉnh dậy. “Phu nhân, đừng làm tôi sợ!” “Phu nhân, đại nhân đến rồi, người cố gắng lên!” Mắt tôi lờ mờ mở ra, Phi Lộ đang bên sát giường tôi, mùi máu tanh lẫn mồ hôi chua vẫn còn ở đây, sao hắn lại vào? À mà, sao hắn biết mà vào? “Bà xã, em cố gắng lên! Anh đã đến rồi!” Tôi cố gắng mở mắt nhìn hắn: “Anh đến rồi sao?” Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn, tôi thấy hắn, vẫn mặc quan phục, bây giờ là màu đỏ đậm của đại thần, mặt hắn có chút sợ hãi tỏ ra. Tôi không hiểu tại sao, cả người tê rần, đưa tay lên vuốt mặt hắn, ngạc nhiên vì mình phải cố gắng mới nặn ra từng chữ: “Anh thấy con chưa? Nó có xinh không?”
Hắn cầm lấy tay tôi áp vào mặt hắn: “Anh thấy rồi, con rất xinh.” “Em vẫn chưa được thấy, cho em nhìn con với!” Hắn quay lại, đẩy cô hầu ra, nhẹ nhàng cẩn thận bế đứa bé nhỏ nhắn đến, đặt cạnh giường tôi, cô bé nhỏ xíu, đỏ đỏ xinh xinh, luôn miệng ngớp ngáp. Tôi nói như thở ra: “Em muốn cho con bú, anh kêu bọn họ ra ngoài đi!” Mọi người như nghe được, đều đi ra ngoài trước, tôi chỉ nhìn em bé, không thèm quan tâm đến người khác. Phi Lộ giúp tôi ngồi dậy. Từng động tác khiến tôi thấy đau cứng người. Đặt con vào tay tôi, anh nói: “Anh không cần phải ra chứ? Cái gì trên người em mà anh chưa nhìn thấy đâu?” Tôi lườm anh, vạch áo cùng yếm ra cho con bú. Nhưng tuy con bé nút chặt núm vú, hình như tôi không có sữa, nút một hồi nó chán, không ngậm nữa. Tôi thả áo xuống, thở dài: “Xem ra em không có sữa rồi, lại phải thuê bà vú thôi.” Hắn nhẹ nhàng lấy con bé đi: “Có gì đâu? Ba đứa trước đều nhờ bà vú cả, anh sẽ tìm hiểu xem người nào có sữa tốt cho con bú!” Tôi mỉm cười, cảm thấy cơn buồn ngủ lại ập đến: “Anh nói cứ như mấy bà ấy là…”
Lại nghe thấy tiếng mẹ gọi trong giấc mộng, tôi thấy mình như trẻ con. Rồi đột nhiên có biết bao tiếng ồn ào, lại nghe có giọng nói choang choang chói chát: “Cô Tâm, cô có mở mắt ra được không?” Tôi như muốn mở mắt ra, nhưng có một ánh sáng chói lòa khiến tôi không mở được. Chẳng lẽ tôi sắp phải về rồi sao? Tôi phải bỏ lại các con và hắn sao? Chưa, chưa phải lúc chứ? Lại nghe thấy tiếng kêu nhí nhéo của bọn nhóc, một mực: “Mẹ ơi, mẹ ơi…” Mặc dù đầu tôi thấy trống toác, vẫn cố gắng níu giữ mở mắt ra: “Gì thế các con?” Phi Lộ, với sắc mặt cực kì tái, chồm lền nhìn tôi: “Bà xã, đừng bỏ anh với con. Xin em…” Cầm lấy tay tôi, hắn áp lên mặt hắn, từng giọt, từng giọt nước nóng hổi rơi xuống bàn tay của tôi. Giờ tôi mới biết tay mình lạnh như thế. Ông thầy thuốc, lắc đầu, tỏ ý đã sắp kết thúc rồi, rồi bỏ đi ra ngoài. Quỳnh Dao đang thút thít đứng im cũng đi theo.
Tôi hiểu ý bọn họ muốn cho chúng tôi chút thời gian riêng. Tôi thở ra, nhưng không còn sức mà hít sâu thở mạnh nữa, mọi thứ đều rất yếu đuối, nhẹ nhàng: “Các con,” tôi quay sang bọn nhóc, “em gái các con đã nhìn thấy chưa?” bọn chúng gật đầu. Tôi cười nhưng phát hiện cơ mặt không muốn chiều ý tôi: “Các con nhớ yêu quí, bảo vệ em nhé?” Một thanh “Vâng” vang lên, bọn chúng như con nhà binh vậy. Tôi muốn đưa tay còn lại cho bọn chúng nắm, Phi Lộ lập tức nhẹ nhàng đỡ tôi dậy, ngồi lên giường, đặt tôi vào lòng anh, giúp tôi đưa tay ra. Ba đứa trẻ nắm lấy, Mai như đã bắt đầu khóc. Những bàn tay bé nhỏ ấm áp kia đang cầm từng ngón tay như tê dại rồi của tôi, tôi thở ra từng tiếng: “Luôn nhớ, mẹ luôn yêu các con.” Lần này Trung và Triều chực khóc, Mai nhẹ nhàng bịt miệng chúng lại, nói: “Mẹ đang mệt, không thấy à? Đừng làm ồn nữa. Mẹ, con xin hứa, sẽ chăm sóc các em đàng hoàng.” Tôi cố gắng gật đầu.
Quay lại, tôi nhìn anh: “Ông xã, anh tha thứ cho em chứ!” Anh ôm lấy tôi, tôi có thể cảm nhận hơi ấm của anh lan tỏa qua cơ thế lạnh lẽo của mình: “Không, anh mới là người cần tha thứ!” Mắt tôi bắt đầu nặng trĩu, tôi vẫn cố tập trung tinh thần, thì thầm: “Mẹ em đang kêu em về, em nghĩ sắp đến lúc rồi…” “Đừng đi, ở lại với anh.” Tôi nuốt nước miếng, miệng khô khốc: “Em cũng muốn… nhưng hình như không được. Con còn chưa kịp đặt tên…” Bên tai tôi bắt đầu nghe những tiếng kim loại, tiếng bánh xe trên sàn gạch, tiếng người xa lạ: “Nhịp tim đang giảm, thưa bác sĩ…” “Làm hô hấp nhân tạo, chuẩn bị máy…” ngày càng to hơn. Tôi như người vật vờ giữa hai cõi. “Ông xã,…” Tôi như phải cô gắng lắm từng tiếng mới ra: “Anh phải cẩn thận… số của Nhân Tông… không lâu đâu,… hãy vì các con,… mà sau khi nó đã tự quản nước được… xin nghỉ đi. Em, em…” “Bà xã, từ từ…” Tôi nhìn hắn âu yếm, đây mới thật là lần cuối cùng sao? Tôi thở hắt ra: “…yêu anh…”
Mắt tôi không nghe theo lời tôi nữa, đã nhắm lại, mặc cho tôi muốn như thế nào. Tôi vẫn có cảm giác thân thể mình vì lắc động dữ dội, nghe được tiếng gào của anh: “Không!!! Đừng đi mà, bà xã!” cũng như tiếng khóc của ba mẹ tôi: “Cô gắng lên con, Tâm ơi!” ngày càng to dần. Tôi tự hỏi: sao tôi lại không có chủ quyền gì thế này? Không cử động được thề này? Đột nhiên tôi thấy mệt mỏi làm sao, như muốn bỏ qua tất cả. Các tiếng nói đột nhiên im bặt. Tôi như đang thả mình trôi dạt. Tôi đang ở đâu? Tôi cần phải đi đâu? Nhưng giờ, tôi đang thấy rất thoải mái. Tôi vẫn đang nhẹ trôi, cảm giác nhẹ tênh, như lông vũ bay trong gió, cứ tiếp tục bay cao, bay mãi…
- Kết thúc -
Lời Kết
Cánh ruộng rộng lớn, màu xanh mơn mởn dập dìu từng làn sóng theo gió. Cách cánh đồng một chút là con đường đất rộng, Sáng sớm, đường vẫn còn khá vắng, một cỗ kiệu nhỏ xuất hiện, lần theo con đường, đến một gốc cây đa rất to, rồi dừng lại. Một cô gái ăn mặc theo lối con cái nhà quan bước ra. Cô dặn phu kiệu ở nguyên chỗ, rồi bước đến gần phía cánh đồng.
Ở giữa cánh đồng và con đường, có một ngôi mộ nhỏ. Tuy nhỏ, nhưng ngôi mộ luôn được làm sạch cỏ, còn có một tấm bia đá khắc chữ cùng cái lư hương nghi ngút khói. “Mới sáng sớm mà đã có người thắp hương rồi sao?” Cô gái nghĩ, tay lần theo từng nét khắc đậm trên phiến đá: “Hoa Dung Công Chúa Ngô Thị Ngọc Xuân Chi Mộ.”
“Mẹ, con gái lớn đến thăm mẹ đây!” Cô nhỏ nhẹ nói. “Tuy cha vì an toàn cho con đã gửi con làm con gái Điện tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung, tên lại đổi thành Nguyễn Thị Hằng. Nhưng con vẫn mãi mãi là con gái của cha mẹ, tên là Mai.” Cô cười nhẹ, làn da hồng trong ánh ban mai rực lên tươi tắn: “Mẹ cứ an tâm, cha cũng đã gửi Trung và Triều cho hoàng thất nhà Lê trông coi, trong lúc triều đình có biến, bọn nó cũng không có hại gì. Cha đã an bài mọi thứ một cách thần kì.”
“Chỉ là, con không biết cha và Lan đang ở đâu. Họ mất tích cũng đã nhiều năm rồi sau vụ biến loạn trong cung ấy. Không ai tìm được xác họ, cũng như khôn thấy họ ở đâu cả. Mẹ, mẹ có biết họ đã đi đâu không?” Cô ngừng lẩm bẩm khi người hầu đưa cho cô ba nén nhang đã thắp. Cô nhận xong là cô hầu cúi đầu đi ngay lập tức.
Cắm ba nén nhang to chắc chắn xuống nền đất trong lư hương đá trước mộ, cô nói tiếp: “Cả đời mẹ và cha làm vợ chồng gần cả chục năm, lại có với nhau đến những bốn mặt con. Nhưng rút cục khi mất đi thì mẹ vẫn là công chúa Hoa Dung, vợ người khác. Cha vẫn là người không danh tiếng lẳng lặng biệt tích. Cha nói cho con biết, mẹ là dòng dõi của Tả tướng quân trước kia bị giết vì chính trị, con thật sự ra là con gái của em gái ruột của mẹ. Vì thế, nên tốt nhất con nên tránh xa cái chốn triều đình kia. Cha đã cố gắng hết sức xóa tên con trong cái gia phả của hoàng tộc, cha vì con đã trái lệnh Thái Tông hoàng đế. Nhưng Trung và Triều, cha lại vì muốn cứu bọn nó nên mới gửi nó làm con nhà họ Lê. Còn Lan, nó sinh ra là cha đã xóa hết dấu tích của nó, không bất cứ chứng cứ nào tồn tại cả. Lý do mẹ mất đi, cũng chỉ ghi là bệnh tật…”
“Nhưng mà mẹ ơi! Con chắc không theo được lời khuyên của cha rồi. Hạo đã lên ngôi vua gần một tháng. Đã có thánh chỉ, ba ngày sau con sẽ tiến cung làm vợ hoàng thượng. Lần này là con tình nguyện đi theo cậu ta. Lời hứa trước đây ở cái am nhỏ, con và cậu ta sẽ thực hiện, bọn con sẽ lấy nhau. Tuy biết cha mẹ sẽ giận, nhưng con yêu cậu ta. Cha mẹ, hãy chúc phúc cho bọn con!”
“Lần này con đến đây, có khi là lần cuối cùng rồi. Con biết, cung cấm là một đi không trở lại được nữa. Đó là địa ngục trần gian. Trong số thê thiếp mấy đời vua, chắc chỉ có mẹ là người thoát ra được chốn đó. Nhưng mẹ yên tâm, Hạo đã nhận lời yêu thương con, chăm sóc con suốt đời. Con vì cậu ta, suốt đời này có bị giam vào địa ngục đó cũng không sao!”
Người trên đường đã bắt đầu đông dần lên. Cô gái cúi lạy ngôi mộ ba lạy, rồi từ tốn đi vào trong kiệu ngồi. Bốn vị phu kiện đứng lên, cùng mấy vị hầu gái theo sau, đi chầm chậm hòa vào dòng người.
Từ trên cây đa bỗng nhảy xuống một người đàn ông, trên tay còn bế một đứa con gái khoảng mười tuổi. Hai người ăn mặc rất bình thường, như kiểu nhà nông. Người đàn ông nhìn cỗ kiệu đang từ từ lặn khỏi tầm mắt trong biển người. Hôm nay là lễ Vu Lan, mới đó mà đường đã đông nghẹt, cũng chẳng ai để ý đến hai cha con bình thường đó làm gì, tại sao có thể tự nhiên xuất hiện.
Người đàn ông thả cô bé con xuống, dắt đến bên ngôi mộ kia. Ông không nói gì, chỉ yên lặng nhìn ngôi mộ đó với một đôi mắt phức tạp. Cô bé con thả một chùm hoa dại vẫn cầm ở tay xuống trước bia mộ, sau đó quay lại nhìn ông. Hồi lâu, thấy ông không có động tĩnh gì, cô bé buồn chán nhìn quanh quẩn.
Giữa đồng, hình như có một bóng người phụ nữ, mờ nhạt vẫy tay về phía bọn họ. Cô bé con dụi mắt, chẳng biết là thật hay mơ. Cái bóng hình kia đã biến mất. Cô bé tỏ ra rất tò mò, kéo kéo người cha bên cạnh, chỉ về hướng đó. Ông nông dân nọ thở dài, cũng đành đi theo cô bé. Trên những dải đất ngang dọc ruộng, cô bé dắt người đàn ông, lúc thì quẹo trái, lúc lại rẽ phải. Hai người, một nhỏ kéo một lớn đi giữa ruộng xanh tươi đẹp như là một bức tranh thật sống động. Tiếng cười khanh khách của cô bé vang vọng, như tiếng chuông nhỏ lanh canh trong gió. Khuôn mặt nhỏ nhắn kia tràn ngập sức sống, tươi xinh bừng sáng dưới ánh mặt trời khiến người cha bị kéo đi cũng không khỏi nở một nụ cười đáp trả, khuôn mặt dãn ra.
Tại sao nói là bức tranh? Bởi vì tranh là một vật thể tĩnh, chỉ có thể diễn tả lại thời điểm đó, tuy ngắn ngủi nhưng như thể là vô tận. Tại sao nói là sống động? Bởi vì nó tràn đầy sự sống, cũng bởi vì người vẽ như đã từng trải qua cảm giác đó, sống trong khoảnh khắc đó. Chà, chỉ mới đó thôi mà đã là khoảnh khắc khác, hai cha con vừa đang ở giữa cánh đồng xanh kia đã tự nhiên biết mất, giờ không còn vết tích.
Có khi vì võ công của người cha cao cường, phát hiện có người, đã nhanh chóng cắp cô bé chạy mất? Có khi người vẽ đã tốn quá nhiều thời gian để diễn tả bức tranh, nhấc mắt quá lâu khỏi cảnh thật, để cho đến khi hai cha con họ đi xa rồi mới biết chăng? Hay có khi, ở giữa cánh đồng kia, có một lỗ sâu vô đáy bao nhiêu lâu mới xuất hiện một lần, đã khiến hai cha con vô tình ngã xuống, đi đến một thời đại khác?
——————————————-
Ôiiii, cuối cùng đã muốn kết! Đã viết chương cuối lại chưa thấy thỏa, viết thêm cái lời kết này nữa cho mình quyết tâm đóng bút, hì hì. Lại mới đó mà đã cuối năm rồi!
Một mình lạch cạch gõ, lại không đưa ai kiểm tra cả. Mới hôm trước mình đọc lại thấy sai chính tả từa lưa cả ra, nhưng mà chưa có thời gian sửa. Xin người đọc đừng giận mình nha! Lúc nào ai đọc phát hiện ra lỗi cứ nhắn mình nhé? Qua cái bảng lời nhắn bên trên hay ít lời nhắn trong trang mục lục cũng được. Mọi ý kiến đóng góp xin được tác giả non nớt này trân trọng cảm tạ. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến mục cuối cùng của cuốn truyện đầu tay này.
Thân,
Teruhyuu