Xin cạch đàn ông - Chương 26 - End
- 26 -
Như vậy mối tình vĩ đại của tôi đã chấm dứt. Một mối tình chín chắn. Một mối tình không thể vấp ngã trên bất kỳ lối rẽ nào nữa, bởi nó biết, cần phải tránh cái gì. Tosia bảo không ngờ nó lại có một người mẹ ngốc nghếch như vậy. Tôi khóc òa lên. Ula bảo tôi xử sự không bằng đứa trẻ con - tôi khóc òa lên. Mẹ tôi gọi điện và hỏi có gì mới không - tôi khóc òa lên. Mẹ tôi sốc. Bố tôi gọi điện và hỏi tại sao mẹ lại sốc, nhưng tôi không thể nói với bố, tôi khóc òa lên. Em tôi gọi điện, bố tôi đã gọi cho nó, để hỏi chuyện gì đã xảy ra. Tôi không thể nói với nó, tôi khóc òa lên. Em trai tôi sốc.
Adam không nói gì, vì có gọi điện đâu.
* * *
Tôi nằm bên cạnh con Borys, khóc mãi không thôi. Tại sao anh ta lại có thể hèn hạ như vậy nhỉ? Thậm chí không thèm gọi điện? Anh ta không yêu tôi. Đúng là không yêu tôi. Tôi đã biết ngay từ đầu mà.
Tosia bước vào phòng, nhìn thấy tôi đau khổ. Nó nói:
- Mẹ đừng đùa với con chó, làm nó cứ phe phẩy cái đuôi.
Tôi không hiểu.
* * *
Hôm nay tôi nhìn thấy xe của anh đỗ trước nhà Ula. Sau đó Ula bảo cô muốn nói chuyện với tôi, nhưng tôi bảo cô, nếu nói chuyện về Adam thì chúng ta chẳng có gì để mà nói cả. Và tôi khóc òa lên.
* * *
Tôi không ngủ nổi. Tôi không ăn nổi. Hễ bị phản bội là y như rằng tôi sút cân. Chưa có ai làm tôi đau khổ nhiều như Adam. Thôi thì thây kệ chuyện anh ta đọc trộm các file riêng tư của tôi, ít ra anh ta có thể được mãn nguyện. Nhưng bây giờ thì thấy rõ, anh ta kiếm cớ để cắt đứt. Anh ta sợ quan hệ. Đúng một ngày trước khi dọn nhà. Vậy xác suất là bao nhiêu!
Tôi căm thù đàn ông.
* * *
Tôi chống chếnh đến hai giờ sáng. Không ngủ được, tôi trở dậy, làm một ổ bánh mì kẹp thịt. Không chút ngon miệng. Tôi quẳng cho con Borys. Tôi không đọc nổi. Tôi bật máy tính, tôi chơi trò bật bóng. Một trò chơi tuyệt vời cho tâm trạng của tôi lúc này. Trò chơi duy nhất thích hợp. Lúc ba giờ sáng, tôi thử vào mạng. "Thư mới: bảy. Thư chưa đọc: bảy".
Lạy Chúa, tôi đã gây ra chuyện gì?
Thư đầu tiên: Xanh Lơ:
Quả tình là tôi rất cần gặp chị. Xin chị hồi âm.
Thư thứ hai, Xanh Lơ:
Thưa chị Judyta, tôi không muốn lạm dụng tính kiên nhẫn của chị, thế nhưng, có lẽ sẽ tốt cho cả hai chúng ta, nếu chúng ta quyết định gặp nhau.
Ôi, Xanh Lơ, thế giới quanh anh có lẽ là thế giơi khác. Cùng với bệnh đa nghi về chuyện vợ con, ít ra anh là một người có lương tâm. Ít ra đã là một kẻ trung thực.
Thư thứ ba, Xanh Lơ:
Tôi quen một người phụ nữ kỳ lạ. Tôi có thể chia sẻ với chị chuyện này được không? Nếu không, xin chị hồi âm.
Thư thứ tư, Xanh Lơ:
Tôi quen một người phụ nữ kỳ lạ có tên là Judyta.
Ô, giống tên tôi...
Tôi phải làm gì để không mất người phụ nữ này?
Thư thứ năm, Xanh Lơ:
Jutka, anh không hiểu tại sao em không muốn nói chuyện với anh, anh không muốn giữa chúng mình với nhau có những chuyện không rõ ràng. Hay là như vậy sẽ dễ hơn. Những bức thư về chuyện bội tình là do anh viết.
Đồ ngốc. Đương nhiên ta biết là không phải ta, chỉ có nhà ngươi, Xanh Lơ, kẻ Hoang Tưởng.
Anh đã tiến hành một cuộc thăm dò để xem dư luận xã hội tán thành tới mức nào, chẳng hạn chuyện ly dị. Và kết quả là đàn bà và đàn ông phản ứng khác nhau. Anh viết thư gửi ba mươi hai tòa soạn. Với tư cách là một người đàn ông bị phản bội và một người đàn bà bị phản bội. Đó là một thí nghiệm lý thú. Thay mặt tòa soạn, em đã trả lời hoàn toàn khác đối với thư của đàn ông và đối với thư của đàn bà. Ngoài ra, điều này thật lý thú, tùy thuộc vào giới tính, nam giới và nữ giới phản ứng khác nhau như thế nào trước những thái độ khác nhau.
Anh thích những bức thư của em. Anh rất muốn làm quen với em. Tiếc rằng anh không có cơ hội trở thành phóng viên cho tòa báo của em. Anh tìm cách bắt liên lạc với em, rốt cuộc anh kiếm được một hợp đồng tại tòa soạn của em - anh bạn nhà tâm lý học, người tư vấn cho bạn đọc của báo em, đã giúp anh.
Anh đã tốn khá nhiều công sức trong chuyện này. Liệu bây giờ em có hiểu anh rất cần em hay không? Anh không hiểu tại sao em cắt cầu anh, khi anh muốn nói với em chuyện đó. Anh hy vọng chúng mình sẽ có thể kết bạn với nhau. Thực ra anh không đến nỗi khủng khiếp đâu. Thậm chí vợ cũ của anh cũng có thể khẳng định điều này. Hay là em mụ mị đầu óc do đã gửi nhầm bức thư cho anh. Nhưng như thế lại hóa hay. Anh cảm thấy mình như một người đàn bà. Và có lẽ anh đã yêu em. Nhưng không phải như một người đàn bà.
Thư thứ sáu, Xanh Lơ:
Anh yêu em, anh yêu em, anh yêu em. Ngày mai anh quay lại.
Thư thứ bảy, Xanh Lơ:
Anh hiểu, tạm thời em không muốn nói chuyện đó. Vậy khi anh chuyển máy tính của anh tới nhà Em, thì anh có thể thi thoảng gửi cho Em một cái gì đó rất đáng yêu được không? Chẳng hạn, lên kế hoạch tối nay anh sẽ cùng em làm gì? Một điều gì đó thật kích thích! Anh gửi lời chào Tosia, Borys, Zaraz, Potem, Znajda và anh không biết từ hôm qua liệu em có kiếm thêm được con vật nào nữa không, cho nên nói tóm gọn, anh gửi lời chào cả nhà.
* * *
Tôi mụ mẫm đầu óc. Tôi chẳng hiểu gì cả, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi rót một ly cô nhắc. Sau đó tôi rót một ly Ouzo mang từ Cyprus về. Tôi không hiểu!
Nhưng tôi đúng là một con ngốc! Mất sạch rồi. Anh ta biết tôi vô vọng như thế nào. Và tôi dối trá. Anh ta đúng. Lúc nào anh ta cũng đúng. Tôi thích con ngựa trắng, ngoài ra tôi không thấy gì khác nữa! Tôi không thể viết thư cho anh ta. Tôi không thể gọi điện cho anh ta. Đổ xuống sông xuống biển hết cả rồi. Thế là chấm hết. Anh ta sẽ không tha thứ cho cái sự ngu ngốc này của tôi. Và tôi lại còn xúc phạm anh ta. Và tôi đã đuổi anh ta. Và tôi đã nói là tôi không yêu anh ta. Ôi, mẹ ơi, và đó là Xanh Lơ! Xanh Lơ chính là Adam. Adam Xanh Lơ, em sẽ làm cho anh món gà đêm Giáng sinh và tặng anh cả triệu quả chuông con, và tất cả... nhưng mà em sẽ không gọi điện đâu.
Làm sao tôi có thể gọi điện lúc bốn giờ sáng được. Nhưng lúc bốn giờ sáng tôi có thể uống Ouzo. Ngon. Rất rất ngon. Con người ta hễ uống một chút Ouzo thì thậm chí có thể gửi e-mail. Lúc năm giờ sáng, tôi nhận ra dòng chữ ở bên trên màn hình: "thư trả lại". Ê, biết làm sao, làm một chút Ouzo nữa, thế là lại bình thường, như không có chuyện gì xảy ra. Tôi sẽ gửi, thế nhưng chỉ một câu ngắn gọn, câu sẽ làm tôi mãi mãi hổ thẹn, anh ta sẽ không bao giờ quay lại, bởi đó không phải là người đàn ông đang làm bạn với người đàn bà giả dối thừa cân, gặp phiền toái với thợ chữa nước và với lông trên vú chó, trên vú chó, hẳn là như vậy. Đây phải là câu cực kỳ thông minh và hay:
Adam Xanh Lơ ơi, anh chớ có hòa tan trong mưa...
Lúc bốn giờ rưỡi sáng, tôi thấy trên màn hình dòng chữ: "Nếu bạn gửi e-mail thì thư đó sẽ nằm trong thư mục 'Hộp thư gửi' và sẽ được gửi đi sau khi bạn chọn lệnh 'gửi và nhận' ". Tôi ấn OK. Và tôi uống một chút Ouzo. Bây giờ trên màn hình của tôi có dòng chữ dài gấp đôi: "Trong 'Hộp thư gửi' của bạn đang có những thư chưa gửi, bây giờ bạn có muốn gửi những thư đó đi không?"
Ô, cái này tôi không biết. Tôi không nên gửi những thư đó đi. Tôi đã hủy tất cả. Tôi luôn hủy tất cả. Tốt thôi, khi Cựu chồng đã đến với Jola. Đến nhà người đàn bà không béo. Anh ta đã làm đúng, anh ta không phải là thằng ngu đâu. Anh ta chẳng ngu chút nào. Tôi có thể uống một chút Ouzo. Rượu thơm mùi hoa hồi và mùi đảo Cyprus. Tôi yêu đảo Cyprus. Tôi yêu Xanh Lơ. Tôi sẽ yêu anh mãi mãi, yêu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay và rồi anh sẽ biết, rằng tôi yêu anh đến nỗi tôi ngu ngốc như thế này.
Tôi ấn OK. Tôi vào mạng được ngay. Tôi thật tinh ranh... Vì đang năm giờ sáng. Thêm một ngụm Ouzo nữa là tôi có thể ngủ luôn. Vì ngày mai là Chủ nhật. Ouzo uống trước Chủ nhật không hại gì...
* * *
Lạy Chúa, ai gọi chuông to như vậy? Ôi mẹ ơi, con không bao giờ uống rượu hồi nữa đâu, ai gọi sớm như vậy? Đó không phải là chuông điện thoại! Tôi nhào ra khỏi giường. Căn phòng chao đảo về bên trái rồi lại về bên phải. Đó là chuông gọi cổng. Lúc trời tờ mờ sáng ư? Vào Chủ nhật ư? Tôi nhìn đồng hồ. Đã một giờ chiều. Tôi vào bếp. Tại sao Tosia không ra mở cổng và bảo rằng tôi đã chết rồi?
Nhưng hôm nay Tosia có trận đấu bóng chuyền lúc mười một giờ. Nó đi rồi.
Tôi say. Tôi say bí tỉ. Tôi đang say, tôi đang say. Tôi nấp sau tủ. Tôi nhìn lại một lần nữa. Adam đang ngồi trên yên ngựa. Một cô gái đầu đội mũ không vành, một tay giữ dây cương và một tay cầm roi.
Ảo ảnh rồi. Không có những con ngựa trắng. Có những con chuột bạch. Sẽ không bao giờ tôi uống rượu nữa đâu. Tôi chậm rãi đi ra tiền sảnh. Chuông reo. Tôi bị ảo thính. Bởi ảo ảnh không thể gọi chuông cửa. Tôi quay vào bếp.
Cả ba đứng ngoài kia. Con ngựa trắng, cô gái một tay cầm roi và một tay giữ dây cương, anh. Ba ảo ảnh.
Tôi ấn nút mở cổng. Họ bước vào. Cả ba. Tôi mở cửa.
Adam xuống ngựa. Có lẽ lần đầu tiên trong đời anh cưỡi ngựa. Con Borys mừng rỡ nhảy chồm vào cửa, đuôi cuộn tròn, lao thẳng vào chân tôi khi tôi đang kiếm tìm sự trợ giúp trong cuộc tháo chạy hốt hoảng. Tôi ngã xuống cỏ. Mặc áo ngủ. Vào lúc một giờ chiều. Cạnh người phụ nữ không quen biết. Một ít đất thơm mùi rượu hồi rơi vào người tôi.
Adam nâng tôi dậy, rồi hôn. Lạy Chúa, anh đừng hôn tôi, kể cả khi tôi đánh răng tám mưoi lần. Cô gái cầm cương cười. Cô gái xinh!
- Nào, bây giờ thì em có con ngựa trắng của mình rồi đó. Cô chủ lịch thiệp đến nỗi đã đồng ý cho mượn con ngựa một lúc. Nhưng đây là lần cuối cùng, anh thề, anh vô cùng cảm ơn, cô chủ cười, có lẽ cô ta nghĩ mình đang tiếp xúc với những kẻ ngớ ngẩn.
Tôi giữ chặt Adam, anh đừng có định lịch thiệp với cô chủ này, không đâu, càng mừng tôi càng muốn uống, lạy Chúa, tôi ngu ngốc biết nhường nào.
Con ngựa đi ra. Con Borys bắt đầu sủa, chưa bao giờ nó sủa to như vậy, tôi cần phải uống một chút nước ngọt, Adam ôm ngang thắt lưng tôi, rất may, tôi đã gầy đi chút ít, và anh nói:
- Một cô gái thật dễ thương, đúng không?
Hai mắt anh như đang cười.
Cô gái dễ thương nào! Nhất định không dễ thương đâu, thậm chí có thể đã bị mắc bệnh đậu mùa, hay tốt hơn hết cô ta hãy bị bệnh hủi, và nói tóm lại đừng có xinh như thế nữa, và tôi cầu chúc cho cô ta bảy điều phúc, bảy điều phúc vĩ đại nhất.
* * *
Giáng sinh. Mẹ và bố đến chỗ em trai tôi, hẳn hai người yêu quý nó lắm. Bố mẹ tôi đi vì cho rằng không cần phải lo cho tôi nữa, và nghĩ một khi tôi tự lo cho mình được rồi thì bố mẹ tập trung cho con trai. Đời vốn không công bằng.
Chúng tôi đã ăn xong bữa tối - đây là bữa tiệc Giáng sinh chung đầu tiên của chúng tôi. Bây giờ Ula cùng Krzys và hai cô con gái của họ kéo sang nhà tôi. Mang theo cả đàn ghi ta nữa. Chúng tôi sẽ ngồi bên cây thông Noel và chiếc bánh phomát, hát thánh ca. Căn phòng ấm áp, lò sưởi rực hồng, chiếc bánh phomát đặt trên bàn. Một chiếc bánh ngon lành - làm bằng bơ tươi nguyên, trứng gà quê, phomát béo v.v...
Adam say sưa. Krzys chơi ghi ta. Adam mở chai vang đỏ.
Ula đi theo tôi vào bếp và nói:
- Thế mà cậu đã thề là xin cạch đàn ông, và rằng tất cả đàn ông đều cùng một giuộc!
Cô bạn có ngốc không nhỉ?
Anh ấy khác tất cả mọi đàn ông cơ mà.
Lời người dịch
Xin cạch đàn ông! Nghe câu này chắc giới mày râu rủ nhau ngất xỉu. Thế mà Judyta đã tuyên bố xanh rờn như vậy đó. Mà đâu chỉ có vậy. Người đàn bà này còn chua thêm một câu nghe rởn cả tóc gáy: Tất cả đàn ông đều cùng một giuộc. Cô Judyta là ai mà dám bạo mồm tuyên bố như vậy? Xin thưa: Cô Judyta là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết bạn đang cầm trên tay.
Judyta 37 tuổi, bị chồng bỏ. Chồng cô, Tomasz, đi theo một người đàn bà khác có tên là Jola. Judyta là biên tập viên của một tờ tạp chí phụ nữ, phụ trách chuyên mục trả lời thư bạn đọc. Sau khi chồng bỏ, Judyta mua đất, làm nhà tại một làng quê cách Warszawa chừng ba mươi cây số. Ngôi nhà mới xây đã trở thành tổ ấm cho hai mẹ con Judyta và Tosia. Cô bắt đầu cuộc sống mới.
Trong tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! nữ nhà văn Katarzyna Grochola đã đề cập đến một vấn đề xã hội cực kỳ quan trọng - vấn đề hạnh phúc gia đình, được cấu thành chủ yếu bởi quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Đặc biệt tác giả đã dám đối mặt với một vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay - vấn đề ly dị, mà ở Ba Lan (và có lẽ không chỉ ở Ba Lan) đã lên tới con số mười phần trăm, một con số thật đáng lo ngại. Có thể nói, mỗi vụ ly dị là một trận cuồng phong phá tan ngôi nhà hạnh phúc. Nguyên do ly dị thì muôn màu muôn vẻ, nhưng thường là tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Có điều đáng tiếc, lắm khi những luồng gió hợp thành trận cuồng phong nói trên chỉ là những chuyện vặt vãnh thường ngày, chẳng đâu vào đâu, do cố chấp, do thiếu cảm thông, không biết nhường nhịn, không biết mình biết ta trong cuộc sống vợ chồng. Chúng ta hãy nghe cô Judyta nói: "Tại sao tôi lại vớ phải một ông chồng thích ngủ trong phòng lạnh? Cấm hút thuốc trên giường? Cả đọc sách nữa? Tại sao ánh đèn lại làm phiền anh ta?" "Cuộc sống vợ chồng của tôi chủ yếu bao gồm: không hút thuốc trên giường, không ăn trên giường, không uống trên giường, không đốt lò sưởi trong phòng ngủ, vì như vậy khỏe người. Những chuyện chúng tôi đã không làm nhiều hơn cả những chuyện đã làm. Tôi chẳng nên lấy làm lạ đến thế khi cuộc sống vợ chồng của tôi có kết cục như vậy."
Tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! chứng tỏ nghị lực của một người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ. Chồng ruồng bỏ, đau khổ thật đấy, khốn khó thật đấy, nhưng không phải vì thế mà đời nát tan, trái lại một cuộc sống mới bắt đầu. Song để vượt lên chính mình, để có cuộc sống mới, người phụ nữ phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", phải tự mình cáng đáng hết thảy mọi việc, kể cả việc xây nhà, vốn là công việc nặng nhọc của đàn ông. Sau mỗi lần thất bại "quả bom nghị lực" của Judyta lại bùng nổ, đem tới cho cô sức mạnh mới. Cô không sợ thất bại, vẫn không từ bỏ giấc mơ hoàng tử cưỡi ngựa trắng sẽ có ngày xuất hiện trước cửa nhà mình. Tại sao không? Con người ta ai cũng có quyền mơ ước, bởi chính ước mơ cho ta thêm nghị lực, làm cho đời đẹp hơn và thi vị hơn. Nhưng điều quan trọng là phải biết nắm lấy vận mệnh của mình và dám đương đầu với thử thách, cam go. Judyta đã dám làm như vậy và cô đã được đền đáp. Cô xây được nhà mới, lo được cho con gái học hành tử tế, cô thành công trong công tác với tư cách là một biên tập viên, thậm chí còn được khen thưởng, và cô lại làm đẹp, lại yêu... Judyta đã không "cạch đàn ông", cô "nói dzậy mà không phải dzậy". Cuộc tình với Hieronim đầy rủi ro, nhưng cuộc tình với Adam thì lại như là trời cho. Lần này xác suất vận may rơi trúng vào cô. Adam là một nhân vật khá thú vị. Một người đàn ông kỹ tính và rất "chịu chơi" trong tình yêu, người đã biến giấc mơ về "chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng" của Judyta thành hiện thực. Chính Adam đã khiến Judyta ngỡ ngàng và cũng chính người đàn ông này đã khiến Judyta phải tự bao biện: Anh ta khác tất cả mọi đàn ông cơ mà. Cuộc tình của Judyta và Adam là cuộc tình "rổ rá cạp lại", nhưng vẫn lãng mạn, nhiều nhung nhớ, lắm đợi chờ và có cả giận hờn, tựa mối tình đầu...
Cái cách tác giả xây dựng nhân vật Xanh Lơ thật là vô tiền khoáng hậu. Một người vợ bị chồng bỏ đi tư vấn cho một người chồng bị vợ bỏ. Những cuộc tranh luận giữa hai người lắm khi gay cấn, căng thẳng, nhưng những vấn đề họ đề cập lại rất tinh tế và lý thú. Xanh Lơ là ai vậy? Một ẩn số mãi tới cuối sách bạn đọc mới có được câu trả lời.
Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng cần có bạn bè, và không thể sống thiếu bạn bè. Nhưng tình bạn như tình bạn của Ula với Judyta thì có lẽ ai cũng thèm muốn. Một tình bạn cao cả, vô tư, trong sáng, và chính nhờ tình bạn này mà Judyta thêm tự tin vượt qua cơn sóng gió của cuộc đời, cảm thấy mình không bị cô đơn. Thông qua nhân vật Ula và một vài nhân vật khác nữa trong tác phẩm, phải chăng tác giả muốn chứng minh một điều rằng, gì thì gì, trên đời này lúc nào cũng không thiếu những người tốt. Đó là cái rất cần cho cuộc sống của chúng ta.
Katarzyna Grochola nhiều lần đề cập đến vấn đề giáo dục con cái, quan hệ giữa bố mẹ và con cái ở các lứa tuổi khác nhau. Bố mẹ xử lý ra sao khi con cái bướng bỉnh, cãi nhau, đánh nhau, không biết nhường nhịn, không thật thà, bỏ học, yêu đương, xăm mình, đòi hỏi vô lý...? Bố mẹ xử lý ra sao khi con mình không đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông? Những gì tác giả viết trong tác phẩm này cho thấy, bố mẹ phải hiểu kỹ con mình, rèn tính tự lập cho con cái. Hãy để con cái được "sở hữu" chính mình, được tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm và tự chịu hậu quả. Không nên bao biện, cái gì cũng làm thay con, tưởng là thương con, nhưng không phải vậy. Nói cho cùng, bố mẹ phải đổi mới chính mình, phải mạnh dạn thay đổi quan hệ giữa mình và con cái, thay đổi tư duy giáo dục và yêu thương con cái, phải có kỹ năng làm cha, làm mẹ, thậm chí phải học làm cha, làm mẹ. Bức thư của Judyta tư vấn cho người cha có con gái bị trượt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học khiến chúng ta, các bậc cha mẹ, phải suy nghĩ: "Tuy vậy, có những chuyện cần phải cân nhắc, để tiện cho cuộc sống của mình và không gây khó cho cuộc sống của con... Anh hãy để cháu sống cuộc sống của mình! Không đỗ tốt nghiệp chưa phải là ngày tận thế đâu. Nhưng ngày tận thế có thể lại là ý muốn kiểm soát sinh hoạt và hành vi của cô con gái đã lớn. Ý muốn bảo bọc tất cả mọi thứ trong cuộc sống và điều khiển hành vi của con, như thể nó vẫn còn là một cô bé năm tuổi. Theo tâm lý học và kinh nghiệm thực tế, con cái chỉ chịu ảnh hưởng của bố mẹ cho đến khi chúng khoảng mười lăm tuổi. Sau đó ta chỉ có thể hỗ trợ và yêu thương con, cho phép chúng sai lầm và trả giá cho những sai lầm đó... Anh có thể giúp con mình bằng cách thay đổi chính mình và thay đổi quan hệ cha con. Vì tình yêu không xuất hiện được trong vòng kiểm soát. Con gái của anh đang trưởng thành - thất bại đầu tiên đã ở phía sau nó. Phải làm gì sau thất bại đó, hãy để cho cháu lựa chọn."
Các bức thư trả lời bạn đọc của biên tập viên Judyta thật là đa dạng, bao gồm những vấn đề "thượng vàng hạ cám" của cuộc sống thường ngày, nhiều câu hỏi của bạn đọc rất thực tế, tế nhị, lắm khi hóc búa, nêu lên những vấn đề bức xúc của cuộc sống đương đại, song cũng lắm câu hỏi rất hồn nhiên, thậm chí ngây thơ và buồn cười, những cũng rất đời: Làm thế nào để vú to thêm, để nó nhỏ đi, da đầu nên bôi loại kem gì, trên ba mươi tuổi nên đắp loại mặt nạ nào. Phải làm gì khi con gái hư và khi bị chồng phản bội. Tìm việc làm ra sao và làm sao để không bị coi thường. Kêu cứu ai khi chồng nát rượu. Ăn vận thế nào khi có thân hình tròn xoay như quả táo. Giấu đôi chân ngắn ngủn cách nào? Phải làm gì để chồng không bỏ đi với người đàn bà khác?
Xin cạch đàn ông! để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm về cuộc sống vợ chồng, cuộc sống gia đình. Bức thông điệp mà cuốn sách muốn gửi đến chúng ta là: Hạnh phúc luôn luôn nằm trong tầm tay của chúng ta, có điều chúng ta phải biết nắm bắt và khi đã nắm bắt được thì đừng để nó tuột khỏi tay mình. Người ta so sánh tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! với Nhật ký tiểu thư Jones của Fielding Helen, người ta coi Judyta là tiểu thư Jones của Ba Lan. Judyta cũng là người phụ nữ thời nay ở Ba Lan - dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm, không sợ thất bại. Với giọng văn khá độc đáo, giàu tính hài hước, với những triết lý sống thú vị, với những nhân vật đầy tính cách, câu chuyện mà Judyta kể cho chúng ta có sức cuốn hút mạnh mẽ từ đầu đến cuối. Trả lời câu hỏi: "Trong nhân vật Judyta có bao nhiêu phần trăm là Katarzyna Grochola?" cô nói: "Nhiều, rất nhiều là đằng khác, chỉ có điều Judyta 37 tuổi". Như ta biết, cũng giống như nhân vật Judyta của mình, Grochola đã ly dị chồng, tự mua đất làm nhà ở ngoại ô Warszawa, nuôi dạy con gái, và vui thú với các vật nuôi trong nhà...
Ngay sau khi ấn hành, tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! đã được bạn đọc toàn Ba Lan háo hức tìm đọc, 200 nghìn bản đã đến tay bạn đọc trong một thời gian ngắn và từ đó đến nay cuốn tiểu thuyết vẫn liên tục được tái bản nhiều lần với số lượng bản in rất lớn. Năm 2001 tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! đã được tặng giải thưởng "AS" EMPiK-u dành cho cuốn sách best-seller số một trong năm ở Ba Lan. Tác phẩm văn học này đã được dịch sang nhiều thứ tiếng nước ngoài như Nga, Đức, Litva, Bungari, Hunggari, Séc, Italia v.v... Năm 2004, tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! được dựng thành phim do Ryszard Zatorski đạo diễn, nữ diễn viên điện ảnh Danuta Stenka đã thể hiện vai Judyta rất thành công.
Sau Hoang thai của Dorota Terakowska, tôi vô cùng hạnh phúc lại có cơ hội được tặng bạn đọc Việt Nam một tác phẩm nữa của nền văn học đương đại Ba Lan, lần này là cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn nổi tiếng Ba Lan, Katarzyna Grochola. Mong được lượng thứ đối với những khiếm khuyết không tránh khỏi, và hy vọng bạn đọc sẽ hài lòng và có nhiều ấn tượng đẹp sau khi thưởng thức tác phẩm dịch này.
LÊ BÁ THỰ
Hà Nội, mùa thu 2007