Trả lại cho nhà văn Thanh Tịnh 2 chữ hoang mang
Có lẽ khó có một đoạn Việt văn nào trong trẻo và hay đến thế khi viết về kỷ niệm buổi đầu đi học. Đó là đoạn văn của Thanh Tịnh trích trong tập Quê mẹ, viết từ thời tiền chiến, đã trở thành kỷ niệm của rất nhiều cô cậu học trò qua bao thế hệ. "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…"
Nhà văn Thanh Tịnh có lý do để dùng chữ "hoang mang". Ông giải thích 3 lý do: (1) Cậu trò nhỏ nép bên người thân, chỉ dám đi từng bước nhẹ, chốc nữa đây người thân về rồi thì sẽ ra sao? (2) Họ như con chim nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ. (3) Họ ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
Bất chấp 3 lý do đó, đùng một cái, đoản văn bất hủ này xuất hiện trong sách tập đọc những năm sau này đã bị các nhà biên soạn bỏ mất 2 chữ "hoang mang" và thay vào đó bằng từ "mơn man" thực vô nghĩa và hoàn toàn không phù hợp với văn cảnh và tâm trạng của cậu học trò lớp một. Sự thay đổi này không biết có được phép của nhà văn Thanh Tịnh hay chưa? Và làm như thế có tuỳ tiện với di sản văn chương và vi phạm luật bản quyền hay không?
Trở lên là chuyện văn chương. Nay không nói đến chuyện văn chương nữa. Trở về với cuộc sống. Trở về với ngày khai trường năm nay của những cô cậu học trò mới lớn, những người sẽ thành cô tú, cậu tú nay mai. Này tôi hỏi bạn, bạn có chút chi vương víu "hoang mang" không? Này là lớp mình có cùng nhau đi đến bờ đến bến không? Ai đỗ, ai trượt? Ai sẽ bị bỏ học giữa chừng vì cơm áo? Này là mẹ cha có đủ việc làm, có đủ thu nhập cho con yên tâm đến lớp? Này là thầy cô giáo, ai dữ, ai hiền? Có ai bắt học sinh phải liếm ghế, "thụt dầu"? Có ai đủ tình thương, có ai thô bạo "mày tao, lợn gà" với đám trò nhỏ? Thầy có đủ sức để dạy hay không, nhà trường có "mạnh dạn đổi mới" hay rụt rè thế thủ? Có đủ trường lớp hay phải học ca ba? Thi tốt nghiệp năm nay sẽ ú tim môn gì?…
Vậy là vẫn còn đó bao nhiêu điều để "hoang mang". Lựa chọn một thái độ tích cực là xã hội phải phấn đấu để cho mỗi ngày đến lớp của các em là một ngày vui, không còn một chút vương víu hoang mang. Là "ngành giáo dục - đào tạo phải cương quyết khắc phục những mặt hạn chế yếu kém, mạnh dạn đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục" như lời động viên của Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong thư gửi thầy trò nhân ngày khai giảng năm học mới 2004-2005.
Phải vậy thôi! Nếu có phải trả lại cho nhà văn Thanh Tịnh 2 chữ "hoang mang" thì cũng chỉ vì lý do văn chương mà thôi, không vì cuộc sống!