Phù thế phù thành - Chương 32

CHƯƠNG 32: SỰ NƯƠNG TỰA DUY NHẤT

Trì Trinh cảm thấy mình như đang trong một biển lửa, mỗi một phần trên cơ thể đều nóng rực, đau đớn tận cùng, trong cơn co giật nhìn về phía xa, ở bên kia là bờ biển yên tĩnh, Tuần Tuần đang đứng bên bãi cát, nghe thấy tiếng Trì Trinh gọi, quay đầu lại khẽ cười, chiếc lúm đồng tiền thoắt ẩn thoắt hiện. Trì Trinh bất chấp tất cả định chạy đến bên cô, phát hiện ra rằng một bên chân đã bị lửa bao bọc lấy, còn hình dáng và nụ cười của Tuần Tuần mỗi lúc một xa.

Trì Trinh tỉnh dậy trong tiếng kêu tuyệt vọng, thấy dưới người mình không còn là lớp cỏ hoang ẩm ướt, không còn những giọt mưa đá rơi xuống mặt đau rát, không còn những cơn gió núi lạnh buốt… Mặc dù cảm giác đau vẫn như cũ,  nhưng Trì Trinh nhanh chóng biết được rằng mình đã thoát khỏi nguy hiểm.

Trì Trinh dùng cánh tay còn cử động được nâng người dậy, nhưng thấy rằng nơi mình đang ở không phải là bệnh viện, cũng không phải trong khách sạn, mà là trong một căn nhà đơn sơ. Mặc dù nhìn qua cửa sổ có thể lờ mờ nhận thấy bên ngoài đang là ban ngày, thế nhưng trong căn phòng Trì Trinh đang nằm thì tối đen như trong động, trên bức tường đen loang lổ toả ra mùi ẩm mốc. Trì Trinh nằm trên chiếc giường gỗ có trải mền bông, đồ vật duy nhất có bên cạnh là chiếc ghế tre rách.

Trì Trinh nghi ngờ mình đang trong một giấc mơ khác, đưa tay sờ người. Lớp băng dính vết thương trên mặt đã được thay bằng lớp bông băng, cánh tay trái cũng được quấn một lớp băng dày, Trì Trinh định ngồi dậy, nhưng cơn đau ở chân dội lên tê buốt, anh ta vội vàng tung chăn ra, may quá, hai chân vẫn còn nguyên, tuy một chân được nẹp bằng những tấm ván thô sơ.

Bộ quần áo cũ đang mặc trên người Trì Trinh có vẻ không được vừa vặn lắm, không những hơi chật mà điều đáng sợ là trên đó có in hình những bông hoa… Trì Trinh kéo áo nhìn bốn xung quanh, Tuần Tuần không có ở bên cạnh. Trong đầu Trì Trinh chỉ có một ý nghĩ, đó là gọi to tên của Tuần Tuần, nhưng vừa há miệng ra thì đã thấy đau rát trong cổ họng, tiếng gọi to trong tưởng tượng của Trì Trinh còn là tiếng kêu yếu ớt.

Trì Trinh bỗng có một ý nghĩ kỳ quặc, liệu mình có vượt qua thời gian và không gian đến nơi xa lạ nào đó không? Đúng lúc đó thì anh nhìn thấy chiếc áo khoác màu cam đỏ phủ trên chăn, vì thế mới cảm thấy an tâm trở lại. Đó là trang bị cuối cùng của người ấy, nếu áo còn ở đây, thì dù có quay trở lại xã hội nguyên thuỷ, ít nhất cũng sẽ có Tuần Tuần đi cùng.

Trì Trinh đang suy nghĩ thì cánh cửa bị đẩy từ bên ngoài vào nghe “kẹt” một tiếng, Tuần Tuần ôm một đống quần áo bước vào, phía sau còn có một người phụ nữ trung tuổi quấn khăn trên đầu. Người phụ nữ ấy bưng bát, nhìn thấy Trì Trinh đã tỉnh dậy, cười và nói bằng thứ tiếng địa phương mà Trì Trinh không hiểu.

Trì Trinh không hiểu tình hình như thế nào, chỉ còn biết đưa mắt nhìn Tuần Tuần như muốn hỏi. Người phụ nữ kia đặt bát xuống, rồi hoa chân múa tay nói một hồi xong thì đóng cửa đi ra, chỉ còn lại Tuần Tuần và Trì Trinh ở lại trong phòng.

Tuần Tuần đặt đồ trên tay lên chăn của Trì Trinh, Trì Trinh nhìn, thì ra đó là quần áo vốn dĩ anh ta mặc trên người, mặc dù đã gấp gọn gàng, nhưng vẫn có thể nhìn thấy mấy chỗ bị xé rách lớn trên chiếc áo khoác, quần bò cũng bị rách, chỉ có điều chúng đã được giặt sạch sẽ.

Trì Trinh bị Tuần Tuần ấn trở lại giường, kéo chăn đắp lên.

“Anh đừng có để bị cảm gì nữa đấy. Tôi không có hơi sức để chăm sóc cho anh đâu”, Tuần Tuần nói.

Thì ra, sao khi họ mắc kẹt ở vách núi gần bốn tiếng đồng hồ thì được nhân viên tuần núi là người dân trong bản gần đó phát hiện ra, sau đó về gọi mọi người cùng hợp sức cứu hai người lên. Nhìn thì có thể thấy, họ đang ở trong nhà của người tuần núi, còn người phụ nữ vừa bưng bát vào là vợ của anh ta.

Trì Trinh được biết mình đã ngủ một ngày một đêm, cũng có nghĩa bây giờ đã là trưa mùng Hai Tết, Trì Trinh hỏi với vẻ hết sức ngạc nhiên rằng, vì sao Tuần Tuần lại không đưa anh ta tới bệnh viện dưới núi.

Tuần Tuần nói với Trì Trinh, chỉ riêng việc tìm bác sĩ cho anh thôi mà người chủ gia đình này đã phải đội mưa gió đi suốt một đêm vượt qua một ngọn núi, biết bao khó khăn mới mời được người của trạm y tế của bản kế bên tới. Bây giờ vết thương đã được xử lý, ngoài vết thương ngoài da, thì xương ống quyển chân trái của anh cũng bị rạn, như thế đã là trong cái rủi có cái may rồi. Mấy ngày hôm nay thời tiết rất tệ hại, suốt hai ngày vùng núi này liên tiếp chịu các trận mưa đá, đường lớn hầu như đã bị đóng băng, đường núi thì vừa khấp khểnh vừa trơn trượt, vì thế hầu như các loại xe đều không thể lưu thông được, cũng không thể dùng cáng mà khiêng Trì Trinh xuống bệnh viện dưới chân núi.

“Anh ấy nói với tôi, mỗi năm đến thời gian này thời tiết đều như vậy, ngoài một số nhiếp ảnh gia với ý định điên rồ phục lâu dài trên núi, còn lại hầu như chẳng có ai lại lựa chọn thời gian này để lên núi. Anh có dám nói là trước khi đi anh không hề biết chút gì về điều này không?”, Tuần Tuần ghé người xuống mép giường nói với Trì Trinh.

Sắc mặt của Trì Trinh tối lại, một lát sau mới lẩm bẩm: “Tôi đâu có biết là sẽ đen đủi thế này”.

Tuần Tuần cười chua chát, từ “đen đủi” mà Trì Trinh nhắc tới có lẽ là chỉ việc không lường trước rằng sẽ bị trượt xuống núi. Trong kế hoạch ban đầu của Trì Trinh chắc hẳn là mong cho tuyết và mưa bao trùm lấy vùng núi này, như vậy thì dù có bị ức hiếp thì Tuần Tuần cũng không thể rời khỏi và phải ở lại khách sạn để cho Trì Trinh thoả sức sỉ nhục. Đáng tiếc là người tính không bằng trời tính, kết quả là Trì Trinh đã phải chịu báo ứng!

Trì Trinh gạt quần áo được sấy khô sang một bên, chỉ vào bộ quần áo hoa mặc trên người, hỏi Tuần Tuần: “Những thứ quỷ quái gì trên người tôi đây?”.

Vì ánh sáng trong phòng không đủ, Trì Trinh không nhìn rõ vẻ mặt Tuần Tuần, chỉ nhìn thấy cô quay mặt đi.

“Đó là bộ quần áo tôi mang theo. Khắp người anh ướt đầm, không thay quần áo làm sao được? Nếu là quần áo của anh chủ nhà thì sợ anh không chịu mặc, rồi lại gây sự với tôi! Hơn nữa, đồ ngủ của tôi cũng rất rộng rãi.”

“Ý của cô là, kể từ sau khi được khiêng về đây, tôi cứ mặc bộ quần áo này sao?” Trì Trinh tưởng tượng đến cảnh mình mặc bộ đồ ngủ này và để cho mọi người băng bó vết thương, nẹp chân, sau đó còn không biết có những ai ra vào căn phòng này nhìn thấy nữa, bất giác chỉ muốn đập đầu chết cho rồi.

Tiếng của Tuần Tuần nghe cứ như đang cố nén cười, “Mà anh mặc nó cũng đâu có xấu. Vừa rồi chị chủ nhà nói trông anh xinh hơn cả mấy cô gái trong bản”.

Trì Trinh tức giận: “Cô coi tôi là đồ ngốc à? Cô nghe hiểu được tiếng địa phương của chị ta?”.

“Mười câu thì cũng hiểu được một câu”, Tuần Tuần đáp.

“Cô chỉ nghe hiểu được những câu nói xấu tôi! Dù sao thì tôi cũng đã như thế này rồi, cô cứ việc cười đi.” Trì Trinh tức giận, dùng một tay cởi bộ quần áo đang mặc trên người, định thay bằng bộ quần áo của mình, nhưng đáng buồn là một tay rất khó làm, vết thương lại chưa lành, cử động mạnh một cái là đau tới mức méo cả mặt.

“Cô cười cái gì, nhìn thấy thế mà không đến giúp tôi à?”, Trì Trinh giận dữ nói.

Tuần Tuần kéo tay Trì Trinh xuống, khuyên: “Anh chịu khó một chút đi, chân anh bị thương như vậy, ai mà dám mặc quần vào bây giờ, chẳng may để lại di chứng thì làm sao?”.

“Cô sợ tôi bị què thì phải chăm sóc tôi cả đời chứ gì?”, Trì Trinh cướp lời.

“Ai mà sống suốt đời với anh?”

Trì Trinh nghe nói thế ngây người ra, ngẫm nghĩ một lát cười lạnh lùng: “Đúng thế, cô tính toán nhanh lắm, chỗ dựa lâu dài tìm đâu mà chẳng thấy, cần gì phải tìm đến một chỗ tạm thời, đấy là chưa kể còn thiếu một chân nữa chứ”.

Tuần Tuần nén cơn tức giận, “Giữa chúng ta như thế nào, anh là người rõ nhất, cho dù anh bị liệt hoàn toàn cũng chẳng liên quan gì đến tôi. Những chuyện trước đây tôi không muốn nhắc lại nữa, tôi thấy thương hại anh nên mới chăm sóc anh!”.

“Tôi mà cần đến sự thương hại của cô sao?” Trì Trinh thay đổi sắc mặt, kéo chăn nhìn bốn xung quanh, rồi lại nói với Tuần Tuần, “Đưa điện thoại di động của tôi đây. Tôi sẽ tìm người đưa tôi xuống núi bây giờ”.

Tuần Tuần tìm thấy chiếc điện thoại cuối giường, không nói không rằng ném nó tới cạnh tay Trì Trinh.

Quả nhiên, người đầu tiên mà Trì Trinh gọi là Chu Thuỵ Sinh, anh đưa máy ghé sát vào tai nghe một hồi lâu, mãi vẫn không liên lạc được với đối phương. Trì Trinh sực nhớ ra những chuyện mà Chu Thuỵ Sinh mới làm, chắc hẳn giờ này ông ta đã cuốn gói và ẩn kín ở một nơi nào đó rồi. Trì Trinh cũng chợt nhớ ra là mình còn để xe dưới chân núi, lập tức gọi tới phòng ban của khu danh thắng, chờ một hồi lâu thì nhận được câu trả lời rằng, chiếc xe ấy không còn ở đó nữa, vì sau khi hai người đến, Chu Thuỵ Sinh đã lái xe đi ngay lập tức.

Trì Trinh tức giận tới mức mắt như toé lửa, “Gã khốn đó đến tôi mà cũng còn chơi một vố”.

Trì Trinh xem nhật ký cuộc gọi, có hàng loạt các cuộc gọi nhỡ, có cuộc thì là của cha anh, có cuộc là của đồng nghiệp trong công ty, có cuộc là của khách hàng và có cả các cuộc gọi của đủ loại bạn. Nhưng nghĩ mãi cũng không thể tìm được ai là người có thể đội gió mưa đến đón và chăm sóc mình trong số đó! Trì Trinh buồn bã phát hiện ra rằng, trong những lúc thế này, những người mà Trì Trinh có thể nghĩ ra được thì trừ đồ vô sỉ Chu Thuỵ Sinh sẵn sàng làm mọi chuyện vì cái lợi ra thì chỉ còn lại người đang đứng bên nhìn anh với con mắt lạnh lùng, bàng quan. Xét theo một khía cạnh khác cũng có thể nói là, bây giờ Trì Trinh không thể trông cậy được bất cứ ai.

Trì Trinh ném điện thoại xuống cuối giường trước mặt Tuần Tuần, rồi nằm phịch xuống, vì không lường trước được độ cứng của tấm phản giường nên bị đau kêu toáng cả lên.

Tuần Tuần quay lưng về phía Trì Trinh, thu xếp những bộ quần áo được sấy khô, tưởng rằng Trì Trinh đã ngủ hoặc đã lịm đi, yên lặng một hồi lâu sau mới nghe thấy tiếng anh ta từ trong chăn: “Tôi muốn vào nhà vệ sinh”.

“Cái gì?”, Tuần Tuần không hiểu, quay đầu lại hỏi.

“Tôi nói là… tôi muốn đi tiểu!” Trì Trinh cao giọng, nhưng không có vẻ tức giận lấn át người như trước. Thấy Tuần Tuần vẫn không động đậy, Trì Trinh lại cố nhấc người lên, gằn từng tiếng: “Nhờ cô dìu tôi vào nhà vệ sinh!”.

Tuần Tuần lặng lẽ cầm từ dưới gầm giường lên một vật dụng trông giống như chiếc bô.

“Cái gì?” Trì Trinh bày tỏ phản ứng mạnh mẽ của mình bằng giọng nói theo kiểu “chắc hẳn là cô đang đùa”.

Tuần Tuần nói rõ cho Trì Trinh biết: “Lúc anh trong cơn mê man không phải là chưa dùng đến thứ này đâu, trước khi anh có thể xuống giường thì đây là biện pháp duy nhất để anh giải quyết mọi vấn đề của chuyện ấy”.

Trì Trinh nhìn chằm chằm vào mặt Tuần Tuần, cho đến khi xác định được đó là sự thật, đành cúi đầu rũ rũ nói: “Cô đi ra ngoài đi”.

“Anh chắc chắn rằng sẽ đi tiểu chính xác vào đó mà không để dây ra ngoài chứ?”

“Triệu Tuần Tuần…”

Tuần Tuần nói, mặt không chút biểu cảm: “Dù sao thì kể từ sau khi tới đây không có việc gì là tôi chưa làm. Và anh nữa, đến lúc này rồi thì chẳng việc gì phải xấu hổ, ngượng ngùng”.

Sau khi giải quyết vấn đề xong, Tuần Tuần đỡ Trì Trinh nằm xuống, rồi bước đến giường đối diện, chống chiếc cửa sổ bằng gỗ bé tẹo lên. Trì Trinh sửng sốt nhìn vào dãy núi trắng mênh mông ngoài cửa sổ, những cậy tuyết tùng ở Cốc Dương Sơn trong truyền thuyết cuối cùng cũng đã xuất hiện, nhưng Trì Trinh chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ cùng cô ngắm nhìn cảnh tượng ấy trong hoàn cảnh như lúc này.

Người tuần núi đã cứu Trì Trinh và Tuần Tuần họ Cổn, đó là đặc trưng của dân tộc Động trong vùng núi này. Trì Trinh gọi hai vợ chồng họ là “anh Cổn” và “chị Cổn” theo Tuần Tuần, lúc đầu cảm thấy cũng hơi ngượng, nhưng gọi mấy lần rồi cũng thấy quen.

Vợ chồng anh Cổn là những người thật thà, chất phác và tốt bụng. Chưa nói tới chuyện anh Cổn chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm thầy thuốc cho Trì Trinh, còn thu xếp cho Trì Trinh và Tuần Tuần ở trong nhà của họ, bảo cứ ở đây cho đến khi nào vết thương của Trì Trinh đỡ hẳn, hoặc thời tiết tốt lên. Anh Cổn còn tìm tam thất tự nhiên hầm với xương lợn rừng cho Trì Trinh uống, nghe nói đó là một bài thuốc rất tốt cho xương cốt. Chị Cổn đúng là điển hình của phụ nữ dân tộc Động, chị không biết nhiều từ phổ thông, khi nói chuyện với Tuần Tuần và Trì Trinh đều phải dùng động tác của chân tay, mọi sinh hoạt đều trông nhờ vào sự chăm sóc chu đáo của chị, thậm chí hầu như cơm nước chị đều mang đến tận giường.

Tuần Tuần biết, cuộc sống của anh chị Cổn cũng rất khó khăn, con trai của ang chị đi làm ở bên ngoài vẫn chưa về, tuy là ngày Tết, nhưng bữa nào mang ra cũng đều là những thứ ngon nhất có được trong nhà. Tuần Tuần hiểu những phiền phức mà hai người mang lại cho gia đình anh chị Cổn, vì thế, ngoài việc chăm sóc Trì Trinh, những khi rỗi rãi cô đều ở bên chị Cổn, giúp chị làm những việc có thể làm được.

Vì nhà anh chị Cổn chỉ có hai phòng có thể ở được, thêm vào đó khi phát hiện thấy Tuần Tuần và Trì Trinh, thấy hai người dựa bên nhau, nên ngay lập tức anh Cổn nghĩ rằng họ là một đôi yêu nhau gặp nạn trên đường đi du lịch. Tuần Tuần không biết phải giải thích về mối quan hệ giữa cô và Trì Trinh như thế nào, bởi chính cô cũng có lúc không hiểu rõ và cũng không muốn làm cho rõ. Để tránh gây phiền hà cho người khác, buổi tối cô và Trì Trinh cùng ngủ trong phòng của con trai anh chị Cổn, như thế cũng tiện cho việc chăm sóc người bị thương. Trì Trinh cũng không có ý kiến gì về chuyện này.

Đến đêm, hai người ngủ trên một chiếc giường. Mặc dù trước đó không lâu, cả hai đã cùng chia sẻ niềm sung sướng về những bí mật sâu kín trên cơ thể của nhau, nhưng lúc này mỗi người có một tâm sự riêng, tuy cùng đắp chung một chiếc chăn, nhưng cả hai đều thấy ngượng ngùng. Buổi tối hôm Trì Trinh vừa tỉnh lại, Tuần Tuần làm xong mọi việc, nhìn thấy Trì Trinh có vẻ ngủ say rồi, mới khẽ khàng nằm ghé vào một bên. Không biết Trì Trinh có bị đánh thức hay không, vì trên người có vết thương nên anh nằm dang tay dang chân ra, một mình chiếm gần hết cả chiếc giường, Tuần Tuần chỉ còn cách nằm ép sát vào tường.

Trước khi Trì Trinh tỉnh lại, Tuần Tuần và thầy thuốc của trạm y tế bận túi bụi, vết thương nhỏ trên tay chân của cô cũng chẳng kịp xử lý, tiếp sau đó vì không muốn làm phiền chị Cổn, cô giặt hết quần áo mà hai người thay ra, rồi lại cầm trên tay hong khô trên bếp lò, sau khi Trì Trinh tỉnh lại thì lại càng không có lúc nào ngơi tay, nên vừa đặt lưng xuống giường lập tức cảm thấy toàn thân rã rời, dù là ở một nơi xa lạ rất khó thích nghi, nhưng cô vẫn ngủ mê mệt ngay.

Chiếc chăn bông thủ công người nhà nông, nhìn thì dày và nặng, nhưng lại không dính vào người, nửa đêm Tuần Tuần tỉnh dậy một lần, cảm thấy vai lạnh cóng, gió lùa vào qua khe hở giữa hai người.

Tuần Tuần đã ngủ say, hơi thở nặng nề. Điều kiện y tế ở vùng núi kém, vết thương trên người khiến Trì Trinh rất khó chịu, điều đó Tuần Tuần rất hiểu, khi Trì Trinh bị ngấm lạnh, lúc đó Tuần Tuần đã ôm anh, có những lúc Tuần Tuần gần như không cảm thấy chút hơi ấm nào trên cơ thể Trì Trinh. Thầy thuốc của trạm y tế nói, nếu Trì Trinh không phải là người có sức khoẻ thì có lẽ đã nguy hiểm đến tính mạng rồi. Nghĩ đến đây, Tuần Tuần đẩy chiếc chăn về phía Trì Trinh, trùm kín vai cho Trì Trinh, rồi lấy cả áo khoác của hai người trùm lên trên.

Tiếp đó, Tuần Tuần lại mơ màng ngủ một giấc, chân tay lạnh cóng mà trời vẫn chẳng thấy sáng. Cô cứ co ro, nhưng chăn không đủ, việc thay đổi tư thế khiến cho một phần cơ thể lộ ra ngoài không khí dường như đang ngưng đọng lại. Hình như Trì Trinh bị đánh thức, khẽ cựa mình, chiếc áo khoác rơi xuống người Tuần Tuần, Tuần Tuần đắp lại cho Trì Trinh, Trì Trinh đẩy chăn ra vẻ thiếc kiên nhẫn.

“Có để cho người khác ngủ hay không nữa, cô có thể không động đậy được không?”

Tuần Tuần không đáp, Trì Trinh càng được thể, nói tiếp: “Chiếc giường rộng như vậy, liệu cô có thể co người đến chân trời được không? Ai người ta thèm cơ chứ, mà cũng có phải là chưa ngủ với nhau đâu”.

Tuần Tuần nhắm mắt giả vờ ngủ say. Trì Trinh lại nằm xuống, một hồi lâu sau lại lẩm bẩm: “Tôi không dịch người lại được, cô nhích lại gần hơn đi, cẩn thận kẻo đè vào chân tôi đấy. Cô mà bị lạnh thì lấy ai là người chăm tôi?”.

“Tôi đâu có kêu lạnh”, Tuần Tuần đáp cố giữ vẻ cứng cỏi.

Trì Trinh tức giận nói: “Nhưng mà tôi lạnh!”.

Trì Trinh nằm chờ một lúc, tới khi gần như sắp mất hết kiên nhẫn thì Tuần Tuần mới dịch người tới sát bên Trì Trinh. Khi cô chỉnh lại tư thế, không cẩn thận đã chạm vào chân có nẹp của Trì Trinh, biết chắc như vậy sẽ rất đau, Tuần Tuần định xin lỗi nhưng không nghe thấy Trì Trinh nói câu nào.

Khi hai cơ thể sát lại bên nhau, chiếc chăn dường như rộng hẳn ra. Tuần Tuần nghiêng mặt lại, lần đâu tiên cố nhìn gương mặt Trì Trinh trong bóng tối. Dường như cô chưa bao giờ nhìn thẳng vào Trì Trinh trong trạng thái tỉnh táo và ở cự ly gần như vậy, cũng chưa bao giờ nằm yên lặng bên cạnh anh. Gạt bỏ những ham muốn xác thịt như cuồng phong bão táp và những toan tính giữa cái được, cái mất, dường như họ đều trở nên yếu ớt hơn hẳn. Không nhìn thấy rõ vẻ mặt và đường nét trên khuôn mặt của người nằm bên cạnh, nhưng cảm giác về sự tồn tại trở nên mạnh mẽ hẳn lên, hơi ấm truyền cho nhau và sự nương tựa vào nhau sao mà hiển hiện và quan trọng đến thế. Tuần Tuần nhắm mắt lại, hơi thở của Trì Trinh làm ấm cả khoang cổ của cô.

Đối với phụ nữ, thế nào thì gọi là sự yên ổn? Ngoài thứ cần cân nhắc như vật chất, thì có lẽ chỉ còn lại là những tiếng thở đều đều của người đàn ông bên cạnh những lúc nửa đêm. Không cần người ấy phải làm gì, chỉ cần người ấy ở đó, để khi giơ tay ra là có thể chạm vào thì con người ta sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa.

Một lúc sau đó, cả hai đều nhanh chóng đi vào giấc ngủ say nồng, hình như Tuần Tuần còn mơ nữa, nhưng khi tỉnh dậy thì không nhớ rằng đã mơ thấy chuyện gì, cô cứ thấy tiêng tiếc, nhất định đã có thứ gì đó quý giá bị đánh mất trong giấc mơ.