Đức Phật và Nàng p1 - Chương 01 - 02

Chương 1:

Cuộc thí nghiệm của tôi

 

Tôi ngồi ngẩn ngơ, thu vào tầm mắt mênh mông cồn cát. Xa xa, vài chú lạc đà hoang dã nhởn nhơ rong chơi, nhưng chưa kịp lại gần, đã co cẳng chạy biến, chúng còn khôn hơn cả lạc đà thuần. Bước thấp bước cao lê lết suốt mấy tiếng đồng hồ và không ngừng dõi mắt tìm kiếm xung quanh, quả thực là tôi đã quá mệt. Không thiết bị định vị GPS, không phương hướng, cứ lao đi như vậy chẳng giải quyết được vấn đề gì. May cho tôi, lúc này đang là giữa thu, thời tiết tuy khô hanh nhưng nhiệt độ sa mạc không quá thấp, nên vẫn chịu đựng được. Có điều, trời đang tối dần khiến tôi lo ngại. Khi mặt trời khuất bóng mà tôi lại không mang theo bất cứ vật dụng bảo vệ ngoài trời nào, lang thang trong đêm giữa hoang mạc thế này, không chết đói cũng sẽ chết rét.

 

Nhắm mắt lại vẫn thấy rùng mình, cảm giác quay cuồng lúc tiếp đất vẫn chưa tan. Uể oải nâng tay trái ngó chiếc đồng hồ vượt thời gi­an, không ngăn nổi tiếng thở dài. Vẫn là, lần thử nghiệm thứ ba lại thất bại, tuy có tiến bộ hơn hai lần trước, lần này tôi đã tiếp đất.

 

Tôi tham gia dự án thử nghiệm vượt thời gi­an này đã hơn một năm. Là nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử, nhiệm vụ ban đầu của tôi chỉ là cùng thầy hướng dẫn, một giáo sư lịch sử danh tiếng tham gia công tác chỉ đạo dự án. Nhưng sau khi gặp tôi, các nhà sinh vật học ấy cứ nằng nặc đòi tôi tiến hành xét nghiệm và kết luận của họ là thể lực của tôi hoàn toàn thích hợp để thực hiện thử nghiệm.

 

Mặc dù không thiếu người nhưng tất cả tình nguyện viên trước đó đều đã thất bại. Nhóm chuyên gia cho họ về nghỉ và quay ra “tâm lý chiến” với tôi. Với tư cách là một nghiên cứu sinh chuyên ngành, tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ vén bức màn bí ẩn, giải mã những nghi vấn, trả lại tính chân thực cho lịch sử. Trở về và trải nghiệm mọi thứ diễn ra trong thời kỳ cổ đại, mấy ai làm được điều đó? Và nếu thành công, tôi sẽ trở thành người đầu tiên, sẽ được vang danh trong sử sách.

 

Tôi là cô gái đam mê công việc, tiêu chí của đời tôi là: “sách vạn cuốn, đường vạn dặm, chuyện vạn người”. Tôi muốn gặt hái nhiều thành tích để “sếp” được tự hào, “sếp” chính là thầy hướng dẫn, đám sinh viên chúng tôi thường gọi thầy hướng dẫn của mình như vậy. Do đó, không đợi tôi chịu “thuận” hẳn, nhóm chuyên gia hừng hực nhiệt huyết kia đã nhanh chóng xua tôi lên bục thử nghiệm.

 

Lần thử nghiệm đầu, biến mất chưa đầy nửa phút, tôi đã ngã nhào trở lại. Tôi không nhớ gì ngoài cảm giác chóng mặt buồn nôn cực độ khi vượt không gi­an. Toàn bộ thiết bị mang theo gồm: máy dò tìm 14C, GPS định vị, lap­top, máy ảnh kỹ thuật số, … đều bị tia bức xạ tần số cao làm hỏng sạch. Nhóm chuyên gia rút ra kết luận: không thể mang theo thiết bị điện tử. Vậy là, sau nửa tháng trên giường bệnh, tôi lại được đào tạo cấp tốc cách sử dụng các dụng cụ thủ công, xẻng Lạc Dương (một loại xẻng nhỏ dùng trong khảo cổ) cũng nằm trong số đó.

 

Lần thứ hai, tiến bộ hơn, tôi biết mất khoảng mười phút, nhưng khi mọi người đang rất hân hoan, chuẩn bị mở tiệc ăn mừng thì tôi lại rơi đánh bịch trên trảng cỏ ngoài phòng thí nghiệm. Lúc tỉnh dậy, hình ảnh của phố xá và dòng người mà tôi nhìn thấy khi bay trong không gi­an mơ hồ quệt qua trí nhớ, có vẻ như là khung cảnh và trang phục thời Hán. Nhưng chưa kịp tiếp đất, một lực hút cực mạnh đã kéo tôi lại. Dụng cụ thủ công mà tôi đeo trên lưng cũng vỡ tan tành.

 

Dựa trên báo cáo của tôi, nhóm chuyên gia nhận định thí nghiệm có thể đưa con người trở về không gi­an của hai nghìn năm trước, vì vậy, tôi đã phải ôn lại lịch sử thời chiến quốc và thời Tần Hán khi vẫn còn nằm trên giường bệnh. Vết thương chưa lành, tôi đã bị dựng dậy, bị bắt luyện tốc ký, luyện vẽ sơ đồ, biểu đồ, phác thảo công trình kiến trúc. Các chuyên gia quyết định không để tôi mang theo những dụng cụ nặng, chỉ đem theo những vật dụng nhỏ nhẹ, tiện dụng.

 

Học vẽ được nửa năm thì thiết bị thí nghiệm được cải tiến thành mô hình máy CT. Hành trang lần này của tôi bao gồm một tập lớn giấy viết vẽ tốc ký và bút chì. Trước lúc lên đường, sếp tôi còn dặn dò cẩn thận, không được phép để lại ở thời cổ đại bất cứ thứ rác rưởi khó tiêu hủy nào của thế kỉ XXI, vì như vậy sẽ gây khó dễ cho các nhà khảo cổ và các chuyên gia lịch sử sau này.

 

Và trong lần thử nghiệm thứ ba, tôi đã tiếp đất thành công, không thương tổn bầm dập, bởi vì tôi rơi xuống giữa một sa mạc cát. Nhưng tôi nhận ra tình trạng thảm hại của mình ngay sau đó. Không một bóng người, không một dấu hiệu của sự sống, sau vài giờ lang thang, tôi vẫn hoang mang không rõ mình đã đến được thế giới cổ đại hay chưa. Tôi chỉ khẳng định được duy nhất điều này: tôi đã rời khỏi phòng thí nghiệm.

 

Không nước uống, không đồ ăn, không thuốc men, vì nếu có mang theo thì khi vượt không gi­an cũng sẽ bị nhiễm xạ. Trong chiếc ba lô chuyên dụng hiệu North­face của tôi chỉ có một con dao Thụy Sĩ, một chiếc la bàn, quần áo, sổ ghi chép, dụng cụ khảo cổ, một tập giấy tốc ký, bút chì và một ít bạc vụn. Chẳng có thứ gì giúp được tôi lúc này. Có lẽ phải bỏ cuộc và trở về thôi. Các chuyên gia sẽ tiếp tục cải tiến thiết bị và hy vọng lần tới, tôi sẽ đến được nơi có con người. Không nén nổi, tôi buông một tiếng thở dài tiếc nuối. Nhưng trời đang tối dần, tôi phải tranh thủ thời gi­an, nếu không sẽ không đủ năng lượng mặt trời để khởi động thiết bị.

 

Tôi lôi chiếc mũ chống tia phóng xạ nhét trong bộ trang phục thời Hán ra và chụp kín đầu, đeo găng tay, kéo cao khóa, nghiêng chiếc đồng hồ vượt thời gi­an kềnh càng về hướng mặt trời, xoay chốt bảo hiểm, miệng nhẩm đếm: một, hai, ba…

 

Đếm đến mười vẫn không có động tĩnh gì. Tiếp tục đếm: hai mươi, năm mươi, một trăm…

 

Sao thế này, không lẽ lại xui xẻo đến vậy? Tôi kéo mũ, dán mắt vào chiếc đồng hồ dở chứng, vẫn không động đậy. Đập đập, không phản ứng. Giơ cao về phía mặt trời, tiếp tục im lặng. Tôi tháo đồng hồ, vung lắc hết sức, đèn báo hiệu vẫn không hiện màu xanh.

 

Gió bắt đầu nổi, mặt trời bị giăng mờ bởi ngợp trời gió cát. Cái đồng hồ dựa dẫm vào năng lượng mặt trời chết tiệt này! Tôi sẽ phải bỏ mạng ở nơi không rõ là thời đại nào, hoang mạc nào này ư?

 

Tôi bật dậy, chỉ tay lên trời, nguyền rủa nhóm chuyên gia: không cho mang nước, không cho mang thức ăn, chỉ mấy đồng xu xù xì nặng trình trịch này thì ích gì chứ? Sớm biết cái đồng hồ phải gió kia sẽ dở chứng thì dù có phải chịu nhiễm xạ, tôi cũng kiên quyết mang theo đồ ăn thức uống đi. Ba lần bị đẩy vào cái máy vượt thời gi­an phải gió ấy, lẽ nào tôi chưa từng nhiễm xạ ư? Tôi thà chết vì nghẹn bánh mì bị nhiễm xạ còn hơn chết đói chết khát thế này!

 

Tôi kết thúc trận xỉ vả sau khi nuốt vào đầy một miệng cát, trời nhanh chóng tắt nắng, chỉ một lát nữa, sa mạc sẽ trở nên lạnh cóng. Chiếc áo chống tia phóng xạ của tôi còn có thể chống gió và rét, nhưng không chống nổi cơn đói khát đang ập đến với tôi. Co gập người lập cập bò lên một gò cát cao, nhìn ra xa, trong mịt mù đêm tối, tôi bắt gặp những đốm lửa bập bùng phía xa xăm. Tôi chưa bao giờ thấy thứ ánh sáng nào ấm áp đến thế!

 

Không còn nhớ phải mất bao nhiêu thời gi­an mới có thể thoát khỏi sa mạc tăm tối, gió cát mịt mù đáng sợ ấy, chỉ biết rằng khi tôi lảo đảo lại gần đống lửa thì mắt tôi hầu như không còn thấy gì và tôi khát đến mức cổ họng như cháy khô. Kịp nhận thấy xung quanh đống lửa có một số lều bạt, có tiếng người, có lạc đà, mắt sáng rực, tôi lao vào một trong những chiếc lều ấy, sau đó, lịm đi.

Chương 2: Hòa thượng và ni cô

 

Tỉnh lại, tôi thấy mình đang được vây bọc giữa một đám người hình hài kỳ lạ: mũi cao, mắt sâu, môi mỏng, mặt tròn, cổ ngắn, nước da trắng mịn, đáy mắt sẫm nâu. Đàn ông cao to lực lưỡng, đàn bà béo tốt khỏe mạnh, tất cả đều tóc xoăn thả lọn ngang vai và nhất loạt màu hung đỏ. Trang phục của họ lại càng đặc biệt hơn: đàn ông áo dài bẻ cổ, tay bó, thắt eo, đi ủng cao đến tận đầu gối, giắt kiếm sau lưng. Phụ nữ váy dài đến đầu gối, xẻ vai phải, tay bó, vai quàng khăn và cũng đi ủng cao.

 

Tôi thấy khâm phục bản thân, trong tình trạng đói khát mệt lả như vậy vẫn có thể mô tả và nhận xét vẻ ngoài và trang phục của những người xung quanh một cách chuyên nghiệp chỉ bằng vài cái đưa mắt quan sát. Nhưng những thông tin này không có nghĩa lý gì nữa khi tôi bắt đầu ngửi thấy mùi thơm của thức ăn.

 

Chỉ là vài miếng bánh và một bát mì nóng, nhưng thế cũng đủ để nước miếng tuôn ào ạt trong miệng tôi. Vội vã đón thức ăn từ tay một phụ nữ chừng bốn mươi, sau tiếng lắp bắp cảm ơn, tôi ngấu nghiến nhai nuốt, mấy miếng bánh nhanh chóng hết veo, bát mì nóng cũng sạch bong sau vài miếng soàn soạt, dạ dày đã có chút cảm giác. Nhưng tôi vẫn muốn ăn thêm, rụt rè cất lời xin xỏ, tôi bỗng nhận ra rằng: ngôn ngữ bất đồng.

 

Không có gì lạ, vì chỉ nhìn thoáng qua cũng biết họ không phải người Hán và chính tôi cũng không rõ rốt cuộc mình có trở về thời kỳ cổ đại hay không. Chưa biết chừng, cuộc thí nghiệm này chỉ như một chuyến bay miễn phí, đưa tôi đến một sa mạc nào đó thuộc Trung Đông hoặc châu Phi, để rồi vô tình gặp một bộ lạc du mục lạc hậu nào đó cũng nên và biết đâu tôi vẫn đang ở thế kỷ XXI. Tôi thử dùng tiếng Anh, vẫn không ổn.

 

Đúng lúc tôi đang phiền muộn giữa những thanh âm lạ lùng thì trong lều xuất hiện thêm hai người, những người khác lập tức dừng bàn luận và tỏ ra hết sức cung kính. Tôi có thể nhận ra ngay thân phận khác thường của hai người đó, nhưng khi họ lại gần chỗ tôi nằm thì tôi ngạc nhiên đến mức hồi lâu vẫn há hốc miệng.

 

Đó là một ni cô chừng hơn ba mươi tuổi và một tiểu hòa thượng chừng mười lăm, mười sáu tuổi. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả thân phận khác thường là khí chất cao quý toát ra từ con người họ. Họ chỉ yên lặng đứng đó, nhưng vẻ bất phàm thoát tục của họ lan tỏa trong không gi­an quanh tôi.

 

Khuôn mặt ni cô giống hệt những người phụ nữ khác, nhưng làn da trắng mịn hơn, đôi mắt to, lông mày dài mượt và trong đôi mắt nâu nhìn tôi chăm chú thấp thoáng vẻ lo lắng mơ hồ nào đó. Một thân hình căng tròn, đầy đặn, chiếc áo cà sa màu nâu sòng giản dị không che lấp nổi vẻ đẹp của thân hình ấy. Có điều, hình như vầng trán của ni cô khác với những người khác, hình như nó bị nén xuống và đổ dần về phía sau gáy và vì trên đầu không có tóc, nên hình ảnh đó càng trở nên kỳ dị. Tôi nhớ rằng, người Ai Cập và Ba Tư cổ đại từng có tập tục nén vầng trán cho dẹp xuống ngay khi còn nhỏ, nhưng tập tục đó chỉ giới hạn trong các thành viên của hoàng thất. Không biết, trán của ni cô là do bị dẹp bẩm sinh hay đã được nén sau khi sinh. Tuy nhiên, vầng trán dẹt không làm mất đi vẻ đẹp mặn mà của ni cô.

 

Tiếp tục quan sát tiểu hòa thượng mười lăm tuổi, không thể không thốt lên, đó là một vẻ điển trai quyến rũ kỳ lạ! Cũng sống mũi cao, đôi mắt sâu, nhưng không thô lậu như những người khác. Khuôn mặt tiểu hòa thượng hệt như bức tượng thần Hy Lạp, với những đường nét ngời sáng như một khối lập thể được đúc tạc tỉ mỉ. Ngũ quan là một sự kết hợp hài hòa và tài tình, với đường lông mày dày và đậm, sống mũi cao thanh tú, đôi đồng tử màu xám nhạt như được khảm giữa một vùng nhãn thần rộng và sâu thẳm, thuần khiết tựa nền trời xanh trên sa mạc mênh mông. Tuy tuổi còn rất trẻ nhưng ở tiểu hòa thượng đã toát lên vẻ đạo mạo, sáng rỡ, khiến tôi vừa có cảm giác ấm áp vừa gợn chút tò mò.

 

Hòa thượng có làn môi rất mỏng nhưng đường nét đậm rõ, khi đôi môi khép lại, cánh môi uốn lên một đường cong thanh tú. Khuôn mặt thuôn dài, chiếc cằm nhọn đậu trên chiếc cổ cao gầy tựa thiên nga, từng nét thon dài sống động. Không giống những đàn ông khác trong lều, tiểu hòa thượng có nước da bánh mật. Khoác trên mình chiếc áo choàng dài, vai rộng phủ toàn thân, chiều cao một mét bảy càng tôn thêm dáng vẻ cao lớn, nhưng cũng khiến y phục trên người tiểu hòa thượng trở nên đơn sơ. Chắc chắn tiểu hòa thượng sẽ còn cao nữa, có thể đến một mét tám hoặc hơn.

 

Tôi chăm chú quan sát hai con người kỳ lạ đó, trí óc quay cuồng. Cho đến khi, thật bất ngờ, họ bắt đầu trò chuyện với tôi bằng tiếng Hán lơ lớ.

 

Rất lâu sau tôi mới hiểu được rằng họ đang cố hỏi xem tôi từ đâu tới và vì sao lại lưu lạc đến chốn này. Ngước nhìn họ với vẻ đau khổ, tôi đáp:

 

- Làm ơn cho tôi biết, đây là đâu, nơi này thuộc nước nào vậy?

 

Vẻ băn khoăn không hiểu rõ trên nét mặt ni cô, nhưng hình như tiểu hòa thượng đã nắm bắt được đôi điều, đột ngột ngồi xuống cạnh tôi, khuôn mặt tuấn tú, thuần khiết của tiểu hòa thượng bừng sáng. Bị hút hồn bởi vẻ đẹp ấy, tim đập mạnh khiến tôi choáng váng trong giây lát.

 

- Chúng tôi đến Wen­su, sắp rồi. Cố là ngươi Han?

 

Đang chưa hết băn khoăn vì trái tim lỗi nhịp đập nhanh vô cớ, tôi bỗng phì cười trước điệu bộ hết sức nghiêm túc nhưng phát âm tiếng Hán lơ lớ và trật tự chủ ngữ vị ngữ đảo lộn hết cả của tiểu hòa thượng.

 

Đôi chút ngượng ngùng và khuôn mặt hơi ửng đỏ:

 

- Tiếng Hán, tôi, nói không giỏi.

 

Hòa thượng quay lại thao thao bất tuyệt một hồi với ni cô xinh đẹp. Tôi vội nín cười, cố lí giải xem địa danh mà hòa thượng vừa nhắc đến là nơi nào. Căn cứ phát âm của tiểu hòa thượng thì hình như đó không phải một địa danh ở Trung Nguyên.

 

Hòa thượng quay đầu tiếp tục hỏi chuyện tôi:

 

- Cố, đi, đâu?

 

Tôi hăm hở:

 

- Trường An, biết chứ?

 

Thấy hòa thượng gật đầu, tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy là địa danh này tồn tại và được biết đến ở nơi đây.

 

- Nhưng…

 

Hòa thượng nhìn tôi do dự:

 

- Xa lắm, một mình, cô?

 

Tôi uể oải gật đầu, trong lúc này, ngoài Trường An, tôi chẳng thể nghĩ ra được nơi nào khác, dù thế nào, đến đó tôi cũng không gặp trở ngại về ngôn ngữ.

 

- Chúng tôi, đi Kuchi, cô, tiện đường.

 

Vất vả lắm hòa thượng mới phát âm được một tiếng, tôi cứ định buột miệng cười lại gắng sức kìm chế. Cứu mạng tôi, lại có thể trò chuyện với tôi, như vậy đã đáng quý lắm rồi. Không biết Kuchi là nơi nào nhỉ? Tôi đã tiếp đất được bảy, tám tiếng rồi cũng nên, vậy mà vẫn chưa xác định được địa điểm và thời đại lịch sử. Đường đường là nghiên cứu sinh khoa lịch sử một trường đại học danh tiếng, xấu hổ quá đi mất!

 

- Cô, tên gì?

 

- Hả?

 

Mải suy nghĩ, chưa kịp định thần, phải nhờ đến lần thứ hai tôi mới hiểu tiểu hòa thượng muốn hỏi tên mình.

 

- Tôi tên Ngải Tình[1].

 

Tên gọi của tôi từ lâu đã là chủ đề gây cười của mọi người. Từ nhỏ tôi đã được gắn biệt danh: Love. Bọn con trai thích thú chọc ghẹo, gào thét tên tôi: Oh, my love!

 

Tôi đã đấu tranh đòi đổi tên, nhưng bố mẹ không chịu. Lâu dần thành quen. Gọi “tình yêu” thì cũng có sao, chỉ tiếc, bao nhiêu năm mang tên “tình yêu” mà vẫn chẳng thấy bóng dáng thần tình yêu của tôi đâu.

 

- Tên tôi là…

 

Hòa thượng phát ra một tràng dài những âm lạ mà tôi không sao nhớ nổi, chỉ cười trừ đáp lại. Hòa thượng kiên nhẫn lặp đi lặp lại ba lần. Căn cứ vào phát âm, tôi tìm ra những tiếng tương ứng trong Hán ngữ: Ku- ma- la- ji- ba, quả thực rất khó đọc. Tôi gắng sức: Ku- ma- la- ji- ba, Ku- ma- la- ji- ba, Ku- ma- la- ji- ba, …

 

Cánh môi hòa thượng lên xuống theo từng chuỗi phát âm của tôi và ngừng lại với một điệu cười sảng khoái, giọng cười cao vút, trong veo và vang xa như tiếng suối reo giữa đại ngàn. Chợt nhớ đến, mới đây thôi tôi còn cười cậu ta phát âm tiếng Hán không chuẩn, bây giờ thì đến lượt tôi rồi nhé, má tôi nóng bừng.

 

Hòa thượng chỉ cười một lát rồi dừng lại, có lẽ vì nhận ra vẻ mặt ngượng ngùng của tôi, chỉ tay về phía ni cô xinh đẹp đứng phía sau:

 

- Của tôi, me, Ji­ba.

 

Tôi đã bắt đầu thích ứng với khẩu âm của hòa thượng, nên tự động chuyển ngữ “me” bằng “mẹ”.

 

Ni cô xinh đẹp này là mẹ của hòa thượng? Họ đều là người xuất gia? Cậu ta còn trẻ như vậy, chắc là được mẹ đưa đến nơi cửa Phật? Thoáng chút tiếc nuối len lỏi trong tim, nhưng đã nhanh chóng bị tôi đá bay. Ji­ba? Không biết đó là tên gọi hay là một kính từ? Tôi cất giọng thử một tiếng Ji­ba, ni cô điềm đạm gật đầu.

 

- Cô, nghí ngơi, chúng ta, ngày mai, lến đương.

 

(Dịch: Cô nghỉ ngơi đi, ngày mai chúng ta lên đường)

 

Sau khi hòa thượng và ni cô đi khỏi, tôi ở lại trong lều cùng bốn phụ nữ khác. Tuy không hiểu họ nói gì, nhưng thái độ của họ rất thân thiện. Ngại xin xỏ thêm đồ ăn, tôi khoan khoái ngả mình trên tấm đệm ấm áp họ dành riêng cho tôi.

 

Vậy là tôi đang ở một nơi xa lạ, ngôn ngữ bất đồng. Ngoài kia, tiếng gió rít trên sa mạc sao mà thảm thiết, hệt như tiếng khóc than não nề trong đêm vắng. Lòng tôi chùng xuống, hễ nhắm mắt là lại nhớ nhà kinh khủng, nước mắt không ngăn nổi, rơi lã chã trên gối. Tôi cố gắng ngăn chặn cảm xúc yếu đuối đó bằng phép thôi miên thông dụng nhất.

 

Tôi bắt đầu phân tích hình ảnh những thứ ở xung quanh mà tôi quan sát được trước lúc đi ngủ, sau đó, đặt tên cho từng thứ một: tôi nằm trên một tấm đệm thêu hoa văn hình thoi, gối trên một chiếc gối bông hoa văn vằn hươu xen hình những nén bạc nhỏ và đắp lên mình một chiếc chăn lông thêu hoa văn hình tam giác. Vật dụng chứa nước là một chiếc bình gốm một quai, in hoa văn lưới, còn chiếc bát đựng bánh màu xám khi nãy là một chiếc bát nung từ đất sét.

 

Tôi phán đoán mình đã đến được thời cổ đại, bởi vì kỹ thuật chế tác những đồ dùng bằng gốm này vẫn rất nguyên thủy. Nếu căn cứ vào trình độ chế tác gốm sứ ở Trung Nguyên thì kỹ thuật chế tác đơn giản này có lẽ đã tồn tại từ hơn hai ngàn năm trước. Nhưng không biết ở đây thì thế nào.

 

Tiếng gió gầm gào bên ngoài cùng với tiếng thở đều đều trong lều không ngăn nổi nỗi mệt nhoài cùng cơn buồn ngủ xâm chiếm. Tôi cuộn mình trong lớp chăn ấm và chìm dần vào giấc ngủ.