Đức Phật và Nàng p1 - Chương 33 - 34

Chương 33: Ai nợ Ai?

 

Tỉnh dậy, thấy Pusyse­da đang ngồi trước mặt, ánh mắt đăm chiêu, chăm chú quan sát gương mặt tôi. Tôi lẳng lặng đứng lên. Hôm nay là ngày cuối của tôi ở Khâu Từ, sắp xếp đồ đạc xong xuôi, nhét chặt hai chiếc balô North­face, lát nữa tôi sẽ đến điểm hẹn để gia nhập đoàn thương nhân.

 

Khoác áo lên người, tôi đưa tay xuống dưới gối, không thấy gì cả. Kéo gối ra, cũng không thấy. Nhìn quanh xem có rơi đâu đó không, vẫn không thấy. Đâu rồi nhỉ?

 

- Đừng tìm nữa.

 

Giọng nói đượm vẻ mệt mỏi của Pusyse­da cất lên:

 

- Tôi giấu đi rồi.

 

- Cậu…

 

Tôi nổi giận:

 

- Sao cậu làm vậy? Trả lại cho tôi.

 

- Không có cái vòng bự tướng ấy, chị sẽ không bay được lên trời.

 

- Cậu!

 

Việc đó mà cậu ta cũng nghĩ ra, thật liều lĩnh!

 

- Trả chiếc đồng hồ, à không, trả chiếc vòng lại cho tôi. Nếu cậu bất cẩn ấn vào nút đó, hậu quả khôn lường.

 

- Hậu quả ư?

 

Cậu ta cười mỉa, thái độ bất cần.

 

- Hậu quả là tôi sẽ bay lên trời ư?

 

- Không.

 

Không có áo chống tia phóng xạ, cậu ta chẳng thể bay đi đâu.

 

- Khi đó sẽ có một luồng ánh sáng cực mạnh, nếu bị chiếu vào, chỉ vài ngày sau, thân thể cậu sẽ tan rữa, cạn máu mà chết.

 

Tôi tưởng tượng ra hậu quả khủng khiếp ấy để doạ cậu ta.

 

- Được thôi, tôi sẽ không động vào bất cứ thứ gì. Nhưng, cái vòng đó, tôi sẽ giữ.

 

Pusyse­da tỏ ra không biết sợ hãi là gì, thản nhiên đứng lên, cười với tôi.

 

- Nếu chị cho rằng vào phòng tôi có thể tìm thấy chiếc vòng thì xin mời tự nhiên!

 

- Pusyse­da, cậu muốn gì?

 

Tôi mệt mỏi tựa vào thành giường, sao cậu ta cứ gây chuyện vào lúc tâm tư tôi rối bời thế này?

 

- Muốn gì chị còn không hiểu hay sao?

 

Cậu ta sáp lại gần tôi, đấy mắt vằn lên những tia đỏ.

 

- Tôi biết bây giờ chị vẫn chưa yêu tôi, nên tôi phải tận dụng thời gi­an.

 

Tôi cắn môi, nghiêng đầu đi, không muốn nhìn cậu ấy.

 

- Vô ích thôi.

 

- Cứ mặc tôi!

 

Cậu ta đột nhiên nổi đoá, cáu gắt:

 

- Dậy mau, đến giờ phải đi rồi!

 

- Đi đâu?

 

- Thành cổ Taqian. Tôi và các anh em sẽ đưa chị đến đó.

 

Tôi gần như bị cậu ta nhấc lên xe. Không muốn nhưng tôi không lại được với sức mạnh của cậu ta, chỉ đành ngậm đắng nuốt cay ngồi yên trong xe. Pusyse­da cùng bốn người bạn trong đội cấm vệ quân hộ tống tôi ra khỏi thành Khâu Từ.

 

Cỗ xe lắc lư, tôi thẫn thở, cảm giác có thứ gì đó đang dồn tụ trong lòng, muốn đẩy ra không đẩy được, muốn nuốt vào không nuốt được. Sáng sớm hôm qua, tôi đứng nép vào một góc tường cách cổng chùa không xa, lén dõi theo cậu ấy. Rất nhiều người đã đến tiễn Bun­da­hat­ta, người dân trong thành Sub­ash cũng kéo đến rất đông, cả biển người nhấp nhô, chen chúc, kín hết khoảng không gi­an trước cổng chùa. Tôi không thấy Ra­ji­va đâu cả. Mải đến khi cậu ấy lên lưng lạc đà, tôi mới vội đưa tay xoa nhẹ chiếc cổ đã tê dại vì mỏi của mình và dặn lòng không được chớp mắt. Cách nhau cả biển người mênh mông, nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được nổi cô đơn trong mắt cậu ấy. Lúc Ra­ji­va đưa tay lên, để lộ chuỗi hạt bằng gỗ đàn hương đã sờn bạc, tôi bất giác nắm chặt vành khăn lụa Ata­la choàng trên cổ. Lục lạc vang lên lanh canh, Ra­ji­va dõi mắt kiếm tìm, nhưng vô vọng, cậu ấy cúi đầu, xoay người bước đi. Đoàn người dằng dặc nối nhau với những chiếc áo cà sa màu nâu sòng chầm chậm trôi xa, rồi mất hút ở một khúc quanh nơi hẻm núi Thiên Sơn heo hút. Tôi không nén nổi nước mắt.

 

Xe ngựa lắc lư, nghiêng ngả. Tôi mê man, đắm chìm trong từng khoảnh khắc của hồi ức, cho đến khi Pusyse­da thông báo đoàn xe phải dừng lại để dựng trại. Tôi phớt lờ sự tức giận trào lên trong sóng mắt Pusyse­da, ăn uống qua loa, rồi nhanh chóng rút về lán trại của mình.

 

Cậu ta bướng bỉnh đi theo, tôi lẳng lặng xoay lưng lại, nằm xuống ngủ, xem cậu ta như không khí. Pusyse­da thở dài, buồn bã, bước ra.

 

Chúng tôi đến Ta­ian lúc chiều muộn ngày hôm sau, hoàng hôn đổ dài trên những bức tường loang lổ. Chứng kiến khung cảnh tiêu điều ấy, nỗi buồn như thuỷ triều dâng lên xâm chiếm. Tôi chưa bao giờ cảm thấy chán nản với công việc như lúc này. Đột nhiên băn khoăn, liệu việc tiến hành khảo sát, đo đạt, xác định vị trí của một thành trì đã hoang tàn sau gần hai nghìn năm bể bãi nương dâu có thực sự ý nghĩa hay không? Con người luôn vội vã tiến về phía trước, mọi thứ trong thế kỷ XXI thay đổi chỉ trong tích tắc, liệu ai có đủ kiên nhẫn dừng bước để chiêm nghiệm những thứ đã thuộc về quá khứ?

 

Ra­ji­va cũng vậy, ngoài những nhà nghiên cứu về Phật giáo và lịch sử, thử hỏi có bao nhiêu người biết đến sự tồn tại của cậu ấy? Hoạt hình Nhật Bản đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của giới trẻ, nhưng thử hỏi có bao nhiêu bạn trẻ biết rằng, các nhân vật quen thuộc với tên gọi thường khiến chúng ta níu lưỡi khi đọc như:

 

Asura, Drag­on, Yak­sha, Gand­har­va, Garu­da, Kin­na­va, … đều là thành quả dịch thuật của Ra­ji­va?

 

Tôi uể oải lôi đồ nghề ra, mặc lòng có thích hay không, lúc này tôi phải làm một việc gì đó mới được. Nếu không, đầu óc tôi sẽ nổ tung vì những suy nghĩ chất ngất, hỗn độn mất! Lúc đầu tôi một mực từ chối sự giúp đỡ của Pusyse­da, nhưng cậu ta nằng nặc giằng lấy thước cuộn nên tôi đành để mặc cho cậu ta giúp.

 

Buổi tối, chúng tôi dựng trại trên nền đất cũ hoang tàn, đổ nát của thành phố cổ. Ngồi bên đống lửa gặm bánh nướng Khâu Từ trệu trạo nhai, nuốt từng miếng, tôi nhanh chóng “bỏ cuộc”, đưa mắt về phía toà thành hoang phế trong đêm u tịch. Không biết giờ này cậu ấy đang ở đâu? Có đang ngồi trước đống lửa và bận lòng về “ai đó” như tôi không? Còn nhớ lần đầu tiên gặp Ra­ji­va, cũng vào một đêm tháng 10 giữa sa mạc mênh mông hoang vu. Khi ấy cậu vẫn là một thiếu niên, đôi mắt long lanh, chăm chú nhìn tôi đầy vẻ hiếu kỳ.

 

- Chị đang nghĩ gì thế?

 

Một cốc nước được đẩy đến trước mặt tôi, ánh lửa bập bùng trong mắt Pusyse­da, cậu ta giống Ra­ji­va quá!

 

Tôi đón lấy cốc nước, áp tay vào sưởi ấm.

 

- Nơi đây từng là Đô hộ phủ của Ban Siêu tại Tây Vực, 16 năm chinh chiến của cha con Ban Siêu đã làm thay đổi lịch sử Tây vực và cả lịch sử Khâu Từ.

 

Pusyse­da ngồi xuống bên cạnh tôi, hướng mắt vào đống lửa.

 

- Kể cho tôi nghe về ông ấy đi.

 

- Tôi rất ngưỡng mộ Ban Siêu. Cha ông là Ban Bưu, anh trai là Ban Cố, em gái là Ban Chiêu, họ đều là những nhà sử học và nhà văn nổi tiếng thời Hán. Bản thân ông lúc đầu cũng theo nghiệp văn chương nhưng sau đó đã bỏ bút để cầm gươm.

 

Tôi nhấp một ngụm nước, hồi tưởng lại gia đoạn lịch sử hào hùng ấy.

 

- Hán Vũ Đế hạ lệnh cho Trương Khiên “khai thông” Tây vực, thi hành chính sách kết gi­ao hoà hảo, chỉ cần các tiểu quốc Tây vực thuận theo nhà Hán, không những không phải cống nạp, mà còn được Hán triều ban thưởng và cấp cho các kỹ thuật tiên tiến của Trung Nguyên. Thái độ cầu hoà này khác hẳn với chính sách xâm chiếm tàn bạo của quân Hung Nô đối với Tây vực. Bởi vậy, trong một thời gi­an dài, Tây vực đã hoàn toàn quy thuận triều Hán, khiến quân Hung Nô vô cùng tức tối. Nhưng đến cuối đời Hán, Vương Mãng soán ngôi, thiên hạ đại loạn, quân Hung Nô được dịp ngóc đầu dậy, khống chế toàn bộ Tây vực. Đến khi Minh Đế, con trai của Quang Vũ Đế lên ngôi mới phải Đậu Cố điều binh tấn công quân Hung Nô ở phía Bắc. Từ đó, lịch sử đã viết những trang hào hùng về cuộc đời người anh hùng Ban Siêu.

 

Thành quách tiêu điều ủ mình trong gió thu se sắt là chứng tích của những tháng năm huy hoàng ấy. Ban Siêu cùng với đội quân 36 người của mình đã chiến đấu và tiêu diệt 130 tên địch, từ chiến thắng đó, người đời mới có câu ngạn ngữ “không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con”. Khi Hán Chương Đế quyết định từ bỏ tây vực và hạ chiếu triệu hồi Ban Siêu về Trung Nguyên, ông đã kháng chỉ và cùng các tộc người Tây vực kiên trì trấn giữ Salaq suốt năm năm trời. Số binh lính người Hán dưới quyền chỉ huy của ông không nhiều, nhưng ông đã thuần phục được các tiểu quốc Tây vực bằng nhân cách và tài trí của mình.

 

Sau rất nhiều nỗ lực của cha con Ban Siêu, Khâu Từ đã quy thuận nhà Hán. Vương triều nhà Bạch do Ban Siêu dưng lên đã cai quản Khâu Từ gần tám trăm năm. Nhưng đến thời kì này, Khâu Từ không còn nghe theo hiệu lệnh của Trung Nguyên nữa, nên mới dấy lên cơn binh biến, để rồi mười một năm sau, Ra­ji­va sẽ phải đối diện với bước ngoặt lớn trong cuộc đời.

 

Trái tim như vỡ ra, rỉ máu, cảnh sắc trước mắt như cũng nhuốm một màu sẫm đỏ. Tôi nhắm mắt lại.

 

- Sao chị không kể tiếp?

 

- Cậu là người khâu Từ kia mà, sao lại không hay biết về gi­ai đoạn lịch sử này?

 

Mở mắt ra, sắc đỏ biến mất, chỉ thấy đôi mắt Pusyse­da long lanh, dò xét. Tôi cười buồn.

 

- Tôi không sao, không cần nghĩ cách làm thay đổi tâm trạng của tôi đâu.

 

Cậy ấy mỉm cười, rồi yên lặng.

 

- Quan hệ giữa cậu và Bạch Chấn thế nào?

 

Cậu ta nheo mày.

 

- Vẫn ổn, sao chị hỏi chuyện này?

 

Tôi do dự nhưng rồi vẫn quyết định nói ra:

 

- Cậu đừng làm quân nhân nữa, được không?

 

Pusyse­da tỏ ra kinh ngạc, nhìn tôi đầy nghi hoặc.

 

- Có thể cậu cho rằng lời nói của tôi là hàm hồ, nhưng hãy tin tôi, những gì tôi nói đều là sự thật.

 

Tôi nhìn thẳng vào mắt cậu ta, chậm rãi buông từng tiếng:

 

- Ngày sau, Khâu Từ sẽ trải qua biến cố rất lớn, gia nhập quân đội sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hãy kết thân với Bạch Chấn, người đó rất có thể sẽ là chỗ dựa của cậu trong tương lai.

 

Pusyse­da dường như quá đỗi kinh ngạc, trầm ngâm hồi lâu. Lúc sau mới nhếch môi cười rất khó khăn:

 

- Không ngờ, chị cũng đã tiết lộ cho tôi biết trước tương lai của mình.

 

Chưa hết ngạc nhiên, bàn tay tôi đã bị cậu ta nắm chặt, giọng nói dịu dàng đến bất ngờ.

 

- Ở lại bên tôi, cùng tôi vượt qua gi­ai đoạn khó khăn mà chị vừa nói, được không?

 

Cậu ta đặt tay tôi vào lòng mình.

 

- Chị là tiên nữ giàu lòng từ bi, chắc sẽ không để mặc tôi chịu khổ, đúng không?

 

Tôi gượng gạo vùng thoát, chạm phải vết thương, không chịu nổi tôi kêu đau Pusyse­da lập tức buông tay.

 

Cậu ta thở dài, vẻ đau buồn gợn trong đáy mắt, quay lại với ngọn lửa bập bùng.

 

- Ngải Tình, nếu tôi xuất gia, liệu chị có thích tôi không?

 

- Cậu!

 

Tôi giật mình:

 

- Cậu nói bậy cái gì thế!

 

Cậu ta cười vang:

 

- Đùa chị thôi. Tôi mà xuất gia, sẽ có không biết bao nhiêu cô nàng khóc sưng mắt lên mất! Rồi tôi lại phải phá giới để dỗ dành họ thôi! Người như tôi, chẳng thể thành Phật được.

 

Tôi bật cười:

 

- Pusyse­da, rốt cuộc cậu thích tôi ở điểm nào?

 

- Không biết. Chị có xinh lắm đâu, ngực lại nhỏ, không biết tôi thích chị ở điểm gì cơ chứ?

 

Cậu ta nhìn tôi, nụ cười vụt tắt, nhẹ nhàng cất giọng:

 

- Ngải Tình, chị rất thuần khiết.

 

Đôi mắt màu xám nhạt từ tốn chiêm ngưỡng khuôn mặt tôi.

 

- Đôi mắt thuần khiết, nụ cười thuần khiết, tâm hồn thuần khiết. Ở bên chị, tôi thấy mình cũng trở nên thuần khiết, không muốn nghĩ đến những chuyện bậy bạ nữa.

 

Cậu ta nhắm mắt lại, lúc mở ra nhìn tôi, ánh mắt buồn xa xăm.

 

- Ngải Tình, chị nhất định phải về trời ư, không thể lưu lại nhân gi­an ư?

 

Tôi đứng lên.

 

- Khuya rồi, đi nghỉ thôi.

 

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lên đường quay về. Tôi vốn chẳng có hứng để làm việc, lại cũng không muốn ở cùng Pusyse­da, nên đã đề nghị về sớm. Nhất định phải lấy lại được chiếc đồng hồ vượt thời gi­an. Tôi đã ở Khâu Từ gần nửa năm, nếu không gấp rút lên đường, có khi vừa đặt chân tới kinh đô Trường An, thời hạn một năm đã hết, chưa gặp được Phù Kiên đã phải quay về thế kỷ XXI cũng nên.

 

Chúng tôi phải dựng trại qua đêm trên đường, lẽ ra chỉ tối hôm sau là có thể về đến thành Khâu Từ. Nào ngờ, trưa hôm đó khi chúng tôi đang nghỉ ngơi trong rừng dương thì đã xảy ra một biến cố lớn.

 

Khi ấy chúng tôi vừa nghỉ ngơi xong, đang chuẩn bị lên đường. Vừa bước vào xe, tôi bỗng nghe thấy những tiếng động lạ. Khẽ thò đầu ra ngoài thì một vật thể lạ đột ngột bay vút tới, cắm phật vào cửa xe, tôi lập tức nhận ra đó là một mũi tên. Tiếng Pusyse­da gào lên:

 

- Ngải Tình, vào xe, ngồi yên trong đó!

 

Vừa ngồi xuống, cỗ xe bỗng nghiêng về phía sau, bên ngoài, tiếng ngựa hí lên thảm thiết, cỗ xe lao đi như bay. Xe ngựa rung lắc dữ dội khiến tôi ngã lên ngã xuống đau điếng, tôi cố sức bò ra cửa xe. Vất vả lắm mới kéo nổi rèm cửa, tôi thấy một mũi tên cắm trên lưng ngựa còn phu xe thì đã mất tăm mất dạng từ bao giờ. Bốn bề là sa mạc hoang vắng, không thấy Pusyse­da. Tôi chao đảo, choáng váng, buồn nôn nhưng vẫn gắng gượng lết đến bên cánh cửa, cắn răng, co người nhảy xuống. Không biết tôi đã lăn trên mặt đất bao nhiêu vòng, chỉ thấy cánh tay bị thương truyền đến cơn tê buốt, rụng rời.

 

Sau đó, đầu tôi va phải một vật gì đó rất lạnh, trời đất tối sầm và tôi không thấy gì nữa cả.

 

 

 

Chương 34: Cách biệt phương trời

 

Mọi thứ trước mắt dần trở nên rõ ràng hơn, đôi mắt màu xám nhạt đang nhìn tôi đầy vẻ lo âu, chớp mắt, tôi nhận ra Pusyse­da.

 

- Ơn trời, chị tỉnh lại rồi!

 

Cậu ta muốn ôm tôi, nhưng cánh tay chạm phải vết thương của tôi, cơn đau dội về, mồ hôi đầm đìa trên trán tôi.

 

- Xin lỗi, tôi vụng về, thô lỗ quá!

 

Cậu ta vội buông tay tôi, chăm chú quan sát vết thương của tôi.

 

- Đừng lo, tôi nhất định sẽ chữa khỏi cho chị.

 

Đưa mắt nhìn quanh, vậy là tôi đã trở về căn phòng của mình ở phủ quốc sư. Cánh tay được phủ kín bởi không biết bao nhiêu lớp vải quấn, vết thương sưng lên thật đáng sợ.

 

Tôi hỏi Pusyse­da đã xảy ra chuyện gì qua làn hơi yếu ớt của mình. Thì ra là một vụ cướp bóc thường gặp ở vùng này. Đám cướp thấy đoàn chúng tôi, tính cả phu xe cũng chỉ vỏn vẹn sáu người đàn ông, nên đã tấn công trực diện. Nhưng Pusyse­da và bốn người bạn của cậu ta lại là những binh lính được đào tạo bài bản, một người có thể hạ gục bốn tên, đám cướp biết không thể làm bậy, đã bỏ chạy. Bọn họ không hề hấn gì cả, chỉ có tôi là kém may mắn nhất, đầu đập vào phiến đá, ngất đi, nhưng đó chưa phải là điều khiến tôi lo sợ, đáng ngại nhất là vết thương chưa lành, nay lại chịu thêm chấn thương nghiêm trọng. Các khớp xương ở khu vực nhạy cảm vốn đã rất khó liền, bây giờ lại càng nguy hiểm hơn.

 

Pusyse­da nổi trận lôi đình muốn trị tội tên phu xe nhát gan bỏ trốn, nhưng tôi đã ngăn lại. Dù sao đó là bản năng tự bảo vệ để có thể tiếp tục sinh tồn mà thôi.

 

Ngự y trong cung đã đến, khi cánh tay được vén lên, tôi rụng rời. Nếu không phải là một phần thân thể mình, chắc chắn tôi sẽ cười phá lên và bảo rằng, cánh tay trông như chân giò ninh nhừ ấy! Vết thương đã bị vi khuẩn tấn công, rất có thể sẽ bị hoại tử. Trời ơi, sao lại như thế được! Vết thương này đã bám theo tôi gần nửa năm, tôi vẫn tích cực chữa trị kia mà, vì sao khả năng phục hồi lại kém như vậy?

 

- Ngải Tình, đừng sợ!

 

Pusyse­da nắm chặt cánh tay còn lại của tôi, cậu ta dường như còn sợ hãi hơn cả tôi.

 

- Chờ nhé, tôi sẽ vào cung tìm loại thuốc tốt nhất cho chị.

 

Pusyse­da vội vã rời phủ cùng ngự y, tôi nằm trên giường suy nghĩ mông lung. Rốt cuộc là vì sao? Lẽ nào, vì tôi sử dụng cỗ máy vượt thời gi­an quá nhiều lần, nên đã bị nhiễm phóng xạ? Cánh tay tôi, liệu có tàn phế?

 

Càng nghĩ càng sợ hãi, không chịu nổi nữa, tôi bèn ngồi dậy. Tôi nói với cô người rằng tôi muốn một mình yên tĩnh, sau đó tôi cắn răng chịu đau, lê bước đến phòng Pusyse­da. Chắc chắn cậu ta đã cất giấu chiếc đồng hồ ở một nơi nào đó rất kín đáo. Tôi gõ nhẹ vách tường, rồi lật tìm trong tủ sách. Chỉ dùng được một bên tay nên động tác rất chậm. Trong lòng bồn chồn, lo lắng, không biết khi nào cậu ta sẽ về?

 

Tôi bám vào thành giường, quỳ xuống, thò tay vào gầm giường tìm kiếm. Hình như tay tôi chạm phải một vật gì đó, tôi mừng rỡ, kéo ra ngoài. Đó là một chiếc hộp gỗ hình chữ nhật rất bình thường, chỉ rộng bằng tờ giấy A8. Tôi cuống quít mở hộp và toàn thân như hóa đá.

 

Chỉ vài ba nét phác họa nhưng đã tái hiện được hình ảnh một cô gái với nụ cười rạng rỡ, sống động, trang phục giản dị, gương mặt tươi tắn, người đó chính là tôi! Bức họa được vẽ bằng giấy nháp và bút chì của tôi.

 

Trang tiếp theo là một bức vẽ bán thân của tôi, đôi mắt trong sáng, lí lắc, nụ cười ngây ngô đậu trên khóe môi. Tiếp theo nữa là bức vẽ tôi cưỡi trên lưng lạc đà, vẻ mặt khổ sở vì ngồi không vững, suýt nữa thì ngã nhào xuống đất. Tiếp theo là bức vẽ tôi ngủ gục trên bàn, mái tóc dài xõa xuống, che khuất nửa khuôn mặt. Một bức vẻ mô tả động tác nghiêng đầu, há miệng kỳ quặc của tôi, hình như lúc tôi hát. Có cả bức vẽ khi tôi trầm ngâm, chăm chú đọc sách…

 

- Cảm động lắm hả?

 

Tôi giật bắn, chiếc hộp rơi xuống nền nhà, tập giấy vương vãi.

 

Pusyse­da ngồi xuống, lượm nhặt từng tờ, xếp gọn lại, nở nụ cười khó hiểu.

 

- Nếu tôi nói với chị đó là những bức tranh do tôi vẽ, chị sẽ yêu tôi chứ?

 

- Tôi…

 

Nước mắt lăn dài trên má.

 

- Pusyse­da…

 

Cậu ta lật mở từng trang, ánh mắt đổ dồn vào những bức vẽ, điệu cười buồn bã.

 

- Vẽ rất có hồn phải không?

 

Những bức về sau không đẹp lắm, nét vẽ thô lậu, xuất hiện nhiều dấu vết của sự tẩy xóa. Thần thái của tôi không sống động như những bức vẽ trước. Pusyse­da lật đến những trang cuối cùng, người trong hình không phải tôi. Đó là những bức chân dung Ra­ji­va do chính tôi vẽ. Nụ cười ấm áp, một bên vai để trần, thân hình gầy gò. Hình vẽ khá giống, có điều, chưa lột tả được hết thần thái của cậu ấy.

 

- Tôi cũng mong đây là những bức tranh do tôi vẽ.

 

Cậu ta vẫn không rời mắt khỏi những bức họa, bàn tay run run.

 

- Như thế, sẽ khiến chị cảm động. Ngải Tình, lúc gặp chị tôi mới mười tuổi và chúng ta chỉ sống cùng nhau vẻn vẹn ba tháng. Khi trưởng thành, tôi chỉ nhớ mình từng gặp tiên nữ, nhưng dung mạo của cô tiên nữ đó thế nào, tôi không nhớ nữa. Trong ký ức của tôi, chỉ vương vấn lại những bài hát của chị, tiếng cười lảnh lót của chị lúc chơi đùa với tôi trong sân nhà và hơi ấm của chị mà thôi. Chắc chị đã đoán được những bức họa này do ai vẽ? Cô gái trong tranh có đôi mắt thuần khiết, trong sáng mà tôi không thấy được từ những người phụ nữ bên cạnh tôi những năm qua. Đôi mắt ấy đã đánh thức ký ức về chị trong tôi. Trong phút chốc những kỷ niệm thuở nhỏ hiện ra thật sống động. Chị dạy tôi trò oẳn tù tì, chị cùng tôi đóng kịch tướng quân và kẻ cướp, chị cùng tôi đắp người tuyết, chị dạy tôi học Hán ngữ cổ đại, chị vừa vỗ lưng vừa hát ru tôi ngủ. Mọi thứ đều mới mẻ như mới hôm qua. Từ lúc đó, tôi luôn mong mỏi được gặp lại chị.

 

- Tôi đã lấy trộm những bức vẽ này. Anh ta không dám đòi lại, nhưng tôi biết anh ta đã đến đây lục tìm rất nhiều lần. Một năm qua, tôi vẫn thường lật mở, ngắm nghía những bức vẽ này và sau đó thì rất tức giận. Vì sao anh ta vẽ được chân dung chị sống động, có hồn đến thế, khiến cho tôi mỗi lần nhìn ngắm lại khao khát được gặp chị. Anh ta chưa bao giờ nổi tiếng về tài vẽ tranh, điều đó chứng tỏ anh ta đã phác họa hình ảnh chị trong trái tim mình hàng ngàn hàng vạn lần, mới có thể vẽ được những bức chân dung tài hoa đến thế!

 

Tôi run rẩy đưa tay ra, muốn lấy lại những bức hình, Pusyse­da do dự giây lát, rồi trả cho tôi. Tôi chậm rãi lật mở từng trang, những nét vẽ từ gượng gạo, thô kệch đến bay bổng tinh tế và cuối cùng là sống động, hài hòa. Phải chăng vì thế mà cậu ta từng thú nhận: mười năm trước, mười năm qua vẫn luôn vi phạm giới luật. Không biết từ khi nào, tôi đã bước vào trái tim cậu ấy, đến tận nơi sâu thẳm nhất.

 

Tôi không khóc nổi, vết nứt trong trái tim ngày một khoét rộng ra, cảm giác như tôi đã hoàn toàn mất nó.

 

- Ngải Tình!

 

Pusyse­da ôm chặt lấy hai vai tôi, sợ hãi kêu lên.

 

- Chị sao vậy?

 

Tôi làm sao? Một giọt màu đỏ rơi xuống, thấm nhòe trên nụ cười ngây ngô của tôi. Một giọt khác che khuất ánh mắt sáng long lanh của tôi.

 

Một cánh tay vươn đến, cuống quít chặn trước mũi tôi, ngón tay dính đầy những giọt đỏ tươi. Tôi gắng gượng ngẩng đầu nhìn lên, bắt gặp vẻ mặt hoảng sợ của Pusyse­da. Tôi muốn nói rằng tôi không sao, nhưng vừa định mở miệng, dòng máu đỏ đã trào ra, nở bung như những bông hoa nhỏ, sắc đỏ vương lên những bức tranh chân dung của tôi. Cơ thể tôi ngày càng mệt mỏi, rã rời, đầu óc quay cuồng hỗn loạn, trong khoảnh khắc, mọi thứ bỗng trở nên tịch lặng.

 

Tôi gắng mở mắt, đây là căn phòng của tôi, Pusyse­da ngồi bên cạnh, hai mắt thâm quầng. Thấy tôi tỉnh lại, cậu ta cuống quýt hỏi han đủ thứ.

 

Tôi ra hiệu muốn uống nước, Pusyse­da vội mang đến một cốc nước nóng. Hơi ấm của nước lan tỏa khắp cơ thể, tôi đã lấy lại được một chút cảm giác. Tôi lặng nhìn cậu ta, không muốn nói năng gì, cũng không đủ sức để cất lời.

 

- Ngải Tình, đừng nhìn tôi như vậy!

 

Cậu ta nghiêng đầu tránh đi, giọng nói nghẹn ngào:

 

- Kể từ lúc chị ngắm nhìn những bức vẽ đó, tôi biết mình đã thua. Thực ra, tôi chưa bao giờ thắng. Chị luôn thuộc về anh ta, mười năm trước đã như vậy rồi.

 

Cậu ta hít một hơi rất sâu, gắng giữ cho hơi thở ở trạng thái bình thường.

 

- Anh ấy sắp về rồi. Tôi đã cử người đi thông báo.

 

Tôi kinh ngạc bật dậy, nhưng cơn đau khiến tôi đổ xuống. Pusyse­da vội lao đến giữ chặt lấy tôi, ánh mắt đau khổ xen lẫn lo âu nhìn tôi, giọng nói đầy xúc động:

 

- Khi nào Ra­ji­va về đây, tôi sẽ xin với đức vua cho phép anh ấy hoàn tục. Nếu anh ấy không đồng ý, tôi sẽ dần cho một trận.

 

- Không được!

 

Tôi thốt lên trong hơi thở cực nhọc.

 

- Vì sao?

 

Cậu ấy kề sát mặt tôi, nỗi bi ai hiển hiện trên nét mặt.

 

- Hai người yêu thương nhau kia mà? Vì sao phải đày đọa bản thân như vậy? Nếu thật lòng yêu chị, anh ấy nên từ bỏ thân phận tăng sĩ của mình.

 

Nước mắt lăn dài trên má.

 

- Pusyse­da, không kịp nữa rồi…

 

Vết thương lâu lành, hai lần chảy máu cam và một lần thổ huyết, tôi biết sức khỏe của mình đã chịu tổn thương khá nghiêm trọng qua những lần vượt thời gi­an, mặc dù không biết đã mắc bệnh gì, nhưng tôi hiểu rằng mình không thể tiếp tục ở lại, tôi phải nhanh chóng quay về. Tôi nghĩ vết thương của tôi không chỉ đơn giản là cánh tay sắp gãy kia. Tôi cay đắng nhận ra rằng, thay đổi lịch sử thì phải trả giá.

 

- Hãy trả lại tôi chiếc vòng đó…

 

Tôi thốt lên từng tiếng khó khăn

 

- …Nếu cậu không muốn tôi chết…

 

- Ngải Tình!

 

Cậu ta ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào:

 

- Là lỗi của tôi, tôi đã ép chị ở lại, mà quên rằng, tiên nữ không thuộc về nơi này…

 

Pusyse­da nhẹ nhàng ngả đầu tôi xuống gối, những giọt đau thương đọng trên khóe mắt, vành môi run run.

 

- Tôi trả chị về trời.

 

Khâu Từ vốn ít mưa, mùa thu lại càng khô nẻ. Nhưng vào ngày cuối cùng tôi ở đây, cơn mưa giăng giăng ngoài cửa sổ, bầu trời u ám, lạnh lẽo và thê lương như tâm trạng của tôi lúc này. Pusyse­da cho mọi người trong phủ nghỉ làm một ngày, để không ai bị choáng váng trước sự biến mất kỳ lạ của tôi. Sức khỏe yếu ớt, nên chỉ với một bên tay trái, tôi không thể tự mặc áo chống phóng xạ, Pusyse­da đón lấy chiếc áo, giúp tôi.

 

Nếu không bị ốm, chắc chắn khuôn mặt tôi đã đỏ gay đỏ gắt. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi để một người con trai mặc áo cho mình và người đó lại áp sát thân mình vào người tôi thế này. Tôi tựa vào khuôn ngực vạm vỡ của Pusyse­da, hai má nóng bừng, vừa hướng dẫn cậu ta kéo những chốt khóa phức tạp. Tuy hơi vụng về nhưng cậu ta rất tập trung, thận trọng và tỉ mỉ, vừa thao tác vừa không ngừng hỏi tôi, có đau không.

 

Khuôn mặt cậu ấy cũng ửng đỏ, nhưng đôi mắt ắp đầy nỗi buồn thương vô hạn, khiến tôi không dám nhìn. Cánh tay bị thương của tôi sưng tấy nghiêm trọng, không sao đút vừa tay áo, mồ hôi ướt đầm vầng trán. Cậu ta lập tức dừng lại, nâng cánh tay của tôi lên ngắm nghía với vẻ xót xa. Tôi ra hiệu cho cậu ta tiếp tục. Pusyse­da cắn răng, dường như phải tốn sức lắm để có thể luồn tay áo qua cánh tay tôi. Khi lớp vải cọ vào vết thương, tôi như muốn ngất đi vì nhức buốt.

 

- Tôi chưa bao giờ mất nhiều thời gi­an để mặc quần áo như thế này.

 

Tôi nén cơn đau, mỉm cười với cậu ta.

 

Pusyse­da có chút ngạc nhiên, miễn cưỡng nở một nụ cười méo mó.

 

- Đây cũng là lần đầu tiên tôi giúp phụ nữ mặc quần áo.

 

Ánh mắt cậu ta dừng lại nơi miếng ngọc hình sư tử trên cổ tay tôi, với tay chạm khẽ:

 

- Hứa với tôi, chị sẽ luôn đeo nó bên mình, để thỉnh thoảng còn nhớ đến tôi.

 

Tôi gật đầu, cảm giác như sắp nghẹt thở trong bầu không khí ngậm ngùi này, tôi gắng sức diễn một nụ cười ngô nghê “thương hiệu” Ngải Tình.

 

- Pusyse­da, tiết lộ cho cậu biết “định luật ba không” mà các bạn nam trường tôi khi theo đuổi các bạn nữ luôn ghi nhớ.

 

Pusyse­da quả nhiên rất tò mò.

 

- “Định luật ba không” ư?

 

Tôi cười.

 

- Bụt chùa nhà không thiêng. Chia tay rồi là không vương vấn. Con gái không phải lá mùa thu.

 

Cậu ta lẩm nhẩm đọc đi đọc lại, điệu bộ rất mắc cười, sau đó quay ra chọc tôi:

 

- Cho chị thêm một cơ hội cuối cùng, đừng để đến khi đám phụ nữ xinh đẹp vây lấy tôi mới lại hối hận.

 

Tôi cười vang, mặc cho cánh tay bị thương truyền đến cơn nhức nhối. Đã rất lâu rồi mới lại được thấy Pusyse­da vui vẻ như vậy.

 

Cậu ta giúp tôi khoác bộ Hán phục ra bên ngoài lớp áo chống phóng xạ, rồi xách hai chiếc ba lô North­face đến trước mặt tôi.

 

- Tôi không muốn chị vác theo hai cái ba lô khổng lồ này. Chị yếu như vậy…

 

- Không sao, cậu cứ đeo lên vai giúp tôi.

 

Pusyse­da nhẹ nhàng ôm lấy tôi, cử chỉ dịu dàng khác hẳn thường ngày.

 

Rất lâu không thấy cậu ấy buông ra, tôi đành chủ động lên tiếng:

 

- Tôi đi đây!

 

Pusyse­da ngoảnh đầu đi, khẽ hỏi:

 

- Không chờ anh ấy về sao? Chắc là sắp đến nơi rồi.

 

Tôi lắc đầu. Còn nhớ, buổi tối ở Sub­ash, Ra­ji­va từng hỏi tôi có muốn cậu ấy hoàn tục không. Giả dụ tôi bất chấp lịch sử, khiến cho dịch giả Phật học lừng danh Ku­mara­ji­va biến mất, rồi cậu ấy sẽ ra sao? Cậu ấy có lí tưởng vĩ đại, có nhân sinh quan của riêng mình. Nếu phải xa rời nơi cậu ấy đã gắn bó từ thuở nhỏ để đến thế giới hiện đại làm một người bình thường, liệu cậu ấy có thể chấp nhận được không, có thể thích ứng được không?

 

Kết thúc truyện cổ tích luôn là hoàng tử và công chúa sống bên nhau hạnh phúc. Nhưng cuộc sống chung ấy sẽ ra sao? Những lo toan thường nhật sẽ bào mòn nỗi háo hức ban đầu của cậu ấy. Cậu ấy sẽ trở nên hụt hẫng, hoang mang, mất đi phương hướng trong cuộc sống. Tình yêu dù có đẹp đẽ đến đâu cũng không thể bù đắp những dày vò về tinh thần khi lý tưởng bị đánh cắp. Bởi vậy, tôi không thể nhẫn tâm ép buộc cậu ấy phải lựa chọn.

 

Tôi là người rất thực tế, tôi trở về để giữ mạng sống. Nếu nhất định phải ra đi và không muốn cậu ấy phải khó xử, chi bằng không gặp, gặp nhau chỉ thêm đau lòng! Hơn nữa, gặp cậu ấy, tôi không dám đảm bảo sẽ vẫn giữ vững được lập trường của mình. Lặng lẽ ra đi, đối với cả hai chúng tôi, có lẽ là cách từ biệt tốt nhất…

 

- Khi nào chị trở lại?

 

- Tôi không biết.

 

Tôi gượng cười, đúng là tôi không biết. Sau khi quay về, tôi không biết mình có mắc bệnh gì không. Tôi không biết nhóm nghiên cứu có tiếp tục để tôi vượt thời gi­an lần nữa không. Nếu tiếp tục vượt, tôi không biết có quay lại không gi­an và thời gi­an này không. Có quá nhiều điều tôi chưa thể biết, nhiều chuyện sẽ xảy ra ngẫu nhiên, nếu tính theo phương pháp xác suất, thì cơ hội là bằng không. Vậy nên, có lẽ chúng tôi không còn cơ hội gặp lại nữa…

 

- Nếu ta không gặp gỡ

 

Ta đã chẳng yêu nhau.

 

Nếu ta không thấu hiểu

 

Ta đã chẳng thương nhau… [22]

 

Tôi lẩm nhẩm những câu thơ của Tsangyang Gy­at­so, vị Đạt Lai đời thứ sáu của Tây Tạng, nỗi bi thương, phút chốc như khiến tôi già đi mấy chục tuổi. Tôi đã lưu lại nơi này cả tâm hồn mình! Thứ tôi mang theo chỉ là một cơ thể suy nhược, không trái tim… mà thôi…

 

- Ngải Tình…

 

Pusyse­da xiết chặt lấy tôi thêm một lần nữa, cúi đầu hôn nhẹ lên trán tôi. Nụ hôn của cậu ấy nóng ran, chất chứa nỗi lòng sinh ly tử biệt. Rất lâu mới nhẹ nhàng thả tôi ra, giúp tôi đội mũ chống phóng xạ lên đầu, kéo khóa lại, chậm chạp bước ra ngoài, nhưng đến cửa vẫn lưu luyến quay lại nhìn tôi.

 

- Pusyse­da!

 

Tôi hét to khi cánh cửa đóng lại,

 

- Hãy sống thật hạnh phúc! Hãy tìm một người phụ nữ thật lòng yêu cậu!

 

- Tôi hứa…

 

Giọng nói nghẹn ngào của cậu ta lướt qua khe cửa.

 

- Khi trở lại, chị sẽ được thấy tôi sống vui vẻ như thế nào…

 

Tôi bật công tắc, đèn tín hiệu nhấp nháy, đồng hồ bắt đầu đếm ngược. Tôi đưa mắt nhìn lại căn phòng một lần nữa, những chữ viết siêu vẹo của Pusyse­da trên tường, những bức tranh Ra­ji­va vẽ chân dung tôi, Pusyse­da đã hứa sẽ trả lại cho cậu ấy. Thế giới này sẽ biến mất trong vòng chưa đầy một phút nữa. Ra đi, mong là tôi có thể quên tất cả…

 

Giây phút vút bay lên không trung, hình như tôi nghe thấy tiếng gọi xé lòng của ai đó, là ai? Ai gọi tên tôi thương tâm nhường vậy? Sao tôi không thể thấy…

 

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3