Đức Phật và Nàng p1 - Chương 43 - 44

Chương 43: Thức giấc

 

 Tôi ngồi bên giường lặng lẽ ngắm Ra­ji­va.

 

 Hôm qua là một ngày vô cùng mệt mỏi, nhưng tôi không sao ngon giấc vì có chàng nằm bên cạnh. Căn phòng không còn bất cứ thứ gì khác có thể ngả lưng nên tôi đành thu mình nằm cạnh chàng. Một đêm dài dằng dặc với những nỗi lo sợ mơ hồ, sợ xoay người sẽ khiến chàng tỉnh giấc, sợ vô tình chạm vào người chàng, sợ thức dậy muộn hơn chàng khiến chàng khó xử. Vì thế, tôi chỉ có thể nằm yên, không nhúc nhích, không động đậy, toàn thân tê dại, rã rời. Trời vừa hửng sáng tôi đã thức giấc, đi lại vận động trong căn phòng, nhưng cố gắng hết sức để không gây ra tiếng động.

 

 Chàng đang say giấc, dù đã ba mươi lăm tuổi và không còn trẻ trung như mười một năm về trước, nhưng chàng vẫn rất thuần khiết, vẫn rất hấp dẫn. Chàng trẻ hơn rất nhiều so với những nam giới cùng tuổi khác ở thời đại này, có lẽ vì ngày này qua tháng khác, chàng chuyên tâm tu tâm dưỡng tính nơi cửa Phật. Những nếp nhăn mờ ảo trên vầng trán và khóe mắt càng tôn thêm vẻ đẹp trưởng thành, già dặn. Sau một đêm nghỉ ngơi, khí sắc của chàng đã khá lên rất nhiều, không còn nét tiều tụy của ngày hôm qua nữa. Khóe môi thấp thoáng nụ cười, khiến cả khuôn mặt trở nên rạng rỡ, hình như, chàng đang mơ một giấc mơ đẹp.

 

 Tôi cứ ngồi mãi như thế mê mải ngắm nhìn thần tượng của mình. Đã về trưa mà chàng vẫn say trong giấc ngủ, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời chàng thức dậy muộn như vậy. Còn tôi, cơn buồn ngủ ập tới dữ dội, khiến tôi không sao kìm chế nổi, gục đầu xuống, thiếp đi.

 

 Ai đó đang khẽ vuốt tóc tôi, tôi giật mình mở mắt, trái tim đập rộn ràng khi bắt gặp đôi mắt màu xám nhạt long lanh như hồ nước mùa thu ấy, đôi mắt đã xuất hiện không biết bao nhiêu lần trong từng đêm mơ của tôi ấy, đang ở rất gần.

 

- Chàng… tỉnh rồi ư…

 

 Tôi vội đứng lên, hỏi chàng:

 

- Chàng có đói không? Em đã kêu họ mang đồ ăn tới…

 

 Tôi cầm chiếc bát đặt ở đầu giường.

 

- Ôi, nguội cả rồi. Để em bảo người hâm nóng lại…

 

 Tôi, ánh mắt ngập đầy thương nhớ. Điều đó quá đỗi ngọt ngào, tôi khẽ gọi tên chàng:

 

- Ra­ji­va…

 

- Quả là cứ sau mười năm, nàng sẽ quay lại.

 

 Chàng vẫn nằm trên giường, khẽ nhắm mắt, tiếng thở dài thoáng qua, khóe môi khẽ rung động:

 

- Nàng trở về là tốt rồi…!

 

- Tôi lại gần chàng, ngồi xuống, áp tay chàng lên má tôi, mỉm cười:

 

- Vâng, em đã trở về…

 

 Bàn tay chàng run rẩy cọ xát trên khuôn mặt tôi, từ từ dạo qua hai mắt, sống mũi, bờ môi, đáy mắt phơi phới hơn qua mỗi dịch chuyển nhẹ nhàng. Rồi chàng đột nhiên bật dậy, gi­am chặt tôi vào lòng, cằm chàng đặt trên đỉnh đầu tôi, những sợi râu lúm phún cọ vào da đầu ram ráp, tôi muốn bật cười nhưng chỉ cười ra nước mắt.

 

 - Phật tổ, Ngài thật từ tâm...

 

 Giọng nói nghẹn ngào trôi bên tai tôi:

 

 - Ngài đã đưa nàng trở về...

 

 Chàng đỡ hai vai tôi, ánh mắt da diết nhìn tôi:

 

 - Mười một năm rồi mà nàng không hề thay đổi...

 

 - Có chứ, em đã hai mươi lăm tuổi rồi...

 

 Tôi mỉm cười nhìn chàng, sống mũi cay cay.

 

 - Một năm trên trời bằng mười năm dưới hạ giới ư?

 

 Chàng vuốt nhẹ mái tóc tôi, động tác êm dịu như nâng niu một vật báu.

 

 - Lần đầu gặp nàng, nàng hơn ta mười tuổi. Lần thứ hai gặp nàng, nàng bằng tuổi ta. Bây giờ, ta đã hơn nàng mười tuổi.

 

 Bàn tay chàng nhẹ nhàng vuốt ve hai má tôi, ánh mắt dịu dàng:

 

 - Ngải Tình, nàng có biết con số “mười” ấy chính là biểu trưng của định mệnh trong cõi u minh không?...

 

 Tôi cười, đúng vậy, ông trời đã sắp đặt mọi thứ, phải không? Nhìn khuôn ngực để trần của chàng, bất giác nhớ lại chuyện đêm qua, mặt tôi đột nhiên nóng bừng như phát sốt, ngượng ngập nói với chàng:

 

 - À... chàng lau người đi rồi dậy ăn cơm... Chắc chàng nhức đầu lắm phải không? Em đã kêu người nấu canh giã rượu cho chàng rồi...

 

 Tờ mờ sáng tôi đã kêu người mang nước vào và lặng lẽ lau rửa sạch sẽ. Tôi cũng muốn giúp chàng, nhưng sợ làm chàng thức giấc, vả lại, tôi cũng không đủ can đảm để làm việc đó. Mặc dù mồ hôi đầm đìa trên người chàng, lại thêm mùi rượu nồng nặc suốt ba ngày ba đêm, quả thực rất khó ngửi.

 

 Nghe vậy, chàng giật mình, rời tôi ra. Tấm chăn được gạt sang một bên, để lộ vệt máu đã khô trên mặt chiếu. Không mảy may nghĩ đến tình trạng của bản thân, chàng kéo vội cánh tay phải của tôi ra trước mặt, vén tay áo, quan sát khuỷu tay tôi. Sau khi phẫu thuật, vết thương hầu như đã biến mất, chỉ lưu lại những dấu vết rất nhỏ.

 

 - Thần Phật trên trời quả nhiên có sức mạnh siêu phàm, tay nàng đã hoàn toàn lành lặn.

 

 Chàng ngước lên nhìn tôi, đôi mày nhíu lại, vẻ băn khoăn:

 

 - Vậy thì nàng lại bị thương ở chỗ nào?

 

 Bây giờ tôi mới hiểu chàng đang nói về vệt máu kia. Tôi ngượng ngùng giải thích:

 

 - Em không bị thương, cái đó... là... lần đầu của phụ nữ...

 

 Tôi chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ như vậy khi đứng trước mặt chàng.

 

 - Tóm lại, em không sao cả, chàng đừng lo...

 

 - Lần đầu ư?

 

 Vẻ băn khoăn ngày càng hiện rõ trên gương mặt chàng. Tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng, lẽ nào chàng không nhớ gì cả ư?

 

 Không muốn nghĩ nhiều về vấn đề này, phải làm việc gì đó mới được. Tôi đứng lên, định đi múc nước, nhưng cử động hơi mạnh khiến vết thương ở phần thân dưới nhói buốt. Tôi buột miệng xuýt xoa.

 

 - Rốt cuộc là đau ở đâu?

 

 Chàng vội kéo tôi lại, đôi mắt trong veo ấy chà xát khắp người tôi.

 

 - Em không sao mà!

 

 Tôi khẽ kéo tay chàng ra, nên đau, lê ra ngoài bưng chậu nước vào phòng, chiếc khăn mặt tôi đặt trong chậu là sản phẩm của thế kỷ XXI, vì khăn vải của thời đại này quá ư thô ráp. Tôi vắt kiệt nước, ngượng ngùng đưa cho chàng:

 

 - Chàng lau người đi.

 

 Chàng không đón lấy, mà lẳng lặng kéo chăn ra nhìn, khuôn mặt chàng đột nhiên đỏ bừng như mặt trời mùa hạ. Chàng bỗng trở nên thất thần, một lúc sau mới quay đầu lại hỏi tôi:

 

 - Ta đã khiến nàng bị đau phải không?

 

 Tôi vừa giận vừa buồn cười. Con người tuyệt đỉnh thông minh ấy sao lại có thể khù khờ trong chuyện này như vậy? Tôi phải giải thích thế nào với chàng đây?

 

 - Không phải chàng làm em đau, em tự nguyện mà!

 

 Chàng bần thần hồi lâu, đột nhiên quay lại nhìn tôi, vẻ mặt nghiêm trọng:

 

 - Ngải Tình, nàng trở về khi nào? Vì sao nàng tới được đây?

 

 - Hôm qua.

 

 Tôi nghĩ nên nói hết sự tình với chàng.

 

 - Tối qua Pusyse­da đưa em tới gặp Lữ Quang để thuyết phục ông ta đã đồng ý tráo đổi em và Ak­saya­mati...

 

 Chàng như run lên, sắc mặt tái đi, giọng nói nhẹ như gió:

 

 - Tối qua, ta đã gặp nàng thật ư?

 

 Tôi gật đầu.

 

 - Thì ra không phải là mơ... Trả trách ta cứ có cảm giác giấc mơ ấy sao mà hệt như thực vậy.

 

 Chàng lại gần tôi, định nói gì đó, nhưng không thốt ra lời.

 

 - Ta... đã... phá giới thật ư?

 

 - Ra­ji­va, chính em là người đã mê hoặc chàng.

 

 Tôi cắn môi, khẽ nắm tay chàng.

 

 - Phật tổ sẽ hiểu sự thành tâm của chàng. Chàng đã kiên cường chống chọi suốt ba ngày, đó là điều mà không một người bình thường nào có thể làm được. Bọn chúng còn ép chàng uống rượu đã bỏ xuân dược vào. Thế nên, xin chàng đừng nghĩ ngợi về chuyện xảy ra đêm qua nữa, đừng tự trách mình, chàng không có lỗi gì cả...

 

 Ra­ji­va cúi đầu thinh lặng, bàn tay nắm chặt tấm chăn đang run lên bần bật. Tôi biết trong phút chốc, chàng không thể chấp nhận sự thực này, nên chỉ biết thở dài, đặt chậu nước và quần áo lên tủ.

 

 - Em ra ngoài một lát, chàng lau người và thay quần áo đi.

 

 Đó là một bộ đồ lụa phổ biến mà bọn người ngoài kia trao cho tôi, bọn họ không chịu mang y phục của tăng sĩ tới.

 

 - Không tìm được y phục của tăng sĩ nên chàng chịu khó mặc bộ đồ này vậy.

 

 Tôi bưng khay đồ ăn đã nguội ra ngoài.

 

 Luôn luôn có người canh giữ ngoài cửa, tôi kêu bọn họ mang đồ ăn đi hâm nóng lại. Bọn họ không gây khó dễ, tỏ ra khá giữ lễ với tôi, yêu cầu thứ gì là mang đến thứ đó, chỉ không cho phép tôi đi lại tự do. Ánh nắng rực rỡ chiếu rọi cung điện, không thể tin nổi, dưới bầu trời xanh trong nhường này lại xảy ra cuộc chiến tranh khốc liệt và cảnh tượng loạn ly đẫm nước mắt. Nếu không có cuộc chiến tranh này, có lẽ Ra­ji­va cũng chỉ là một hạt cát nhỏ giữa dòng sông lịch sử, sẽ không có một đại pháp sư tiếng tăm lừng lẫy, lưu danh sử sách. Nhưng để có được danh tiếng ấy, chàng đã đánh đổi cả một đời khổ nạn, không biết, như thế là may mắn hay bất hạnh?

 

 Khi tôi mang canh thịt và bánh nướng đã hâm nóng vào phòng thì chàng đã mặc lên mình bộ đồ của dân thường và ngồi thiền tụng kinh. Thân hình cao lớn, chỉ khoác lên mình chiếc áo ngắn chít eo đặc trưng của đàn ông Khâu Từ trông đã rất nam tính rồi. Không tính đến cái đầu trọc lốc, nhìn từ phía sau vẫn có thể dùng từ “đẹp trai ngời ngời” để miêu tả về chàng.

 

 Tôi đặt khay đồ ăn lên bàn, nhìn chậu nước chuyển màu, biết là chàng đã lau rửa sạch sẽ. Gọi chàng tới ăn cơm, nhưng chàng không đáp lại, vẫn miệt mài tụng kinh. Không muốn làm phiền chàng, tôi ngồi yên lặng chờ đợi.

 

 Nhưng chàng đã tụng niệm gần hai giờ đồng hồ liên tục, không hề ngơi nghỉ. Càng lúc tôi càng buồn bã nhận ra rằng, không phải chàng đang giữ nếp tụng kinh buổi sáng, mà là đang tự trừng phạt. Chàng định sẽ tiếp tục tụng niệm đến bao giờ nữa?

 

 Không kìm chế nổi, tôi kéo tay chàng, cầu khẩn:

 

 - Ra­ji­va, xin chàng đừng tụng kinh nữa. Là lỗi của em, chính em đã mê hoặc chàng. Kẻ dụ dỗ người tu hành phạm giới mới là kẻ có tội lớn nhất. Xin hãy để mình em gánh chịu tội nghiệt này, chàng không có lỗi gì cả.

 

 Chàng mở mắt, nhìn tôi ai oán, khẽ lắc đầu, kéo tay tôi ra, tiếp tục lầm rầm tụng niệm.

 

 Nhìn quanh căn phòng, thấy một chiếc phất trần cắm trong chiếc bình, tôi đi lấy, mang lại gần chàng.

 

 - Ra­ji­va, nếu chàng nghĩ rằng đã phạm phải tội lỗi tày trời, em có thể giúp chàng. Con người ở phương tây xa xôi tín theo một thứ tôn giáo. Tôn giáo ấy cho rằng, tội phá giới có thể được giảm nhẹ nếu người mắc tội tự quất roi lên người mình. Nỗi đau thể xác sẽ giúp thuyên giảm nỗi đau tinh thần và như thế sẽ nhận được sự tha thứ của đấng tối cao.

 

 Tôi ngồi xuống trước mặt chàng, khẽ hỏi:

 

 - Chàng muốn thử không?

 

 Ki- tô giáo rất thịnh hành phương pháp tự trừng phạt này. Giáo hội không ngừng nhồi nhét vào đầu các con chiên cảm giác tội lỗi về nhu cầu tình dục và nhấn mạnh, tình dục làm ô uế linh hồn con người và khiến họ không thể lên được thiên đàng. Bởi vậy, những người căm ghét hoặc sợ hãi việc hành lạc, bao gồm cả các tu sĩ nam và nữ đều chuộc tội bằng cách tự quất roi vào người, họ làm vậy, những mong dùng đau đớn của kiếp này đổi lấy hạnh phúc của kiếp sau. Trong thời gi­an bệnh dịch hạch hoành hành khắp châu Âu, người ta đã tổ chức những đoàn người hành xác, cả một thôn làng hoặc thị trấn cùng diễu hành qua khắp các nẻo đường, rồi tập trung tại một nơi công cộng, sau đó họ bắt đầu tự quất roi vào lưng mình, cho đến khi máu tươi chảy ra.

 

 Chàng nhìn tôi, vẻ đau khổ tột cùng, lặng lẽ buông áo trễ xuống thắt lưng, rồi nhắm mắt lại, tiếp tục tụng kinh.

 

 Tôi đứng ra sau lưng chàng, cầm ngược cây phất trần, hít một hơi thật sâu, giữ chặt tay, cắn răng vụt thật mạnh. Một âm thanh rùng rợn vang lên trong không gi­an, chàng rùng mình kinh ngạc, một vệt dài màu đỏ hằn lên rõ rệt trên lưng chàng. Tôi cắn chặt răng, quay cán phất trần lại, ra sức vụt vào lưng mình. Cơn đau buốt truyền đến não bộ, kích thích nước mắt xô nhau ra quanh viền mắt.

 

 - Nàng làm gì vậy?

 

 Cây phất trần bị giằng lấy, tôi ngã vào lòng chàng, trong đôi mắt ngấn lệ, tôi nhìn thấy nỗi kinh ngạc và xót thương của chàng.

 

 - Chàng muốn trừng phạt bản thân, em sẽ cùng chàng hứng chịu. Chàng không thiết ăn uống, em sẽ cùng chàng tuyệt thực. Nếu chàng không thể chấp nhận thân phận của em, em có thể xuống tóc làm ni cô.

 

 Những tiếng nức nở, nghẹn đắng nơi cuống họng, tôi dừng lại lấy hơi:

 

 - Nhưng, Ra­ji­va, lần này, dù có thế nào em cũng sẽ không ra đi. Dù phải đối mặt với bao nhiêu phong ba bão tố, hãy để em ở bên chàng, cùng chàng vượt qua, được không?

 

 Chàng xiết tôi chặt hơn, tôi vòng tay qua ôm riết lấy chàng. Nếu có thể nhờ vòng tay ôm riết ấy để được hòa tan vào lồng ngực của chàng, để hai người hợp lại thành một thì hạnh phúc biết bao. Gối đầu lên bờ vai để trần của chàng, những giọt nước mắt chảy xuống lằn roi đỏ in trên lưng chàng. Khuôn ngực chàng rung động mãnh liệt, nước mắt chàng thấm ướt vai áo tôi. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu chúng tôi khóc trong vòng tay nhau? Em không đành lòng thấy chàng khóc...

 

 - Ngải Tình, ta không trừng phạt bản thân vì đã phá giới. Thân xác, chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài. Giáo lý Phật giáo Đại Thừa không quy định ngặt nghèo về chuyện đó. Huống hồ, lần này là do ta bị ép buộc. Nhưng ta phải hối lỗi với Phật tổ, và trái tim ta đã “phá giới” theo thân xác ta rồi...

 

 Chàng khẽ đẩy tôi ra, những ngón tay nhẹ nhành lướt trên má tôi, nỗi đau khổ phủ một màu ảm đạm lên gương mặt thanh tú.

 

 - Không đúng. Trái tim ta không phải phá giới từ đêm qua, mà mười một năm trước, hai mươi năm trước đã phá giới rồi. Thuở thiếu thời gặp nàng, trái tim ta đã khôn nguôi thổn thức. Sau khi nàng ra đi, ta không hiểu vì sao mình lại lặng lẽ phác họa chân dung nàng, hết bức này đến bức khác. Rồi khi ngắm nhìn tượng Phật lại tưởng tượng ra gương mặt của nàng, thì ta biết mình đã sa vào lưới tình, chẳng thể thoát thân. Ái dục vốn là trở ngại lớn nhất đối với người tu hành. Ta vô cùng sợ hãi, nên mỗi lần nghĩ tới nàng là ta lại tụng kinh để sám hối. Nhưng khi nàng trở về, niềm vui được ở bên nàng lớn hơn cả việc nghiên cứu, tìm hiểu giáo lý Phật pháp và việc tụng niệm đã không thể giúp ta trừ bỏ những chướng ngại trong lòng được nữa. Sau khi hôn nàng, ta hiểu rằng mình đã không thể rời bỏ ái dục...

 

 Từng giọt lệ long lanh kết đọng trên khóe mắt chàng, nặng nhọc lăn dài trên gò má.

 

 - Mười một năm trước, không được gặp nàng lần cuối, ngày hôm đó, ta đã ngồi thiền trong phòng nàng ba ngày. Sau ba ngày, ta hiểu ra một điều: Nếu đã không thể quên được nàng, chi bằng ta biến nỗi nhớ nàng thành sự tu tập mỗi ngày. Nhờ vậy, tâm hồn ta bình lặng trở lại, ta chuyên tâm vào việc tu hành. Nếu mười năm sau nàng không quay về, ta sẽ thực hiện nguyện vọng của nàng, đến Trung Nguyên truyền bá Phật pháp. Nhưng đúng lúc ta chuẩn bị khởi hành đến đất Hán, thì Khâu Từ gặp phải kiếp nạn và ta phải chịu sự sỉ nhục này.

 

 Chàng ngừng lại một lát, lấy hơi và tiếp tục:

 

 - Ba ngày bị gi­am cầm, ta vẫn một lòng hướng Phật, tâm thanh tịnh như nước, xem mỹ nữ trước mắt như không khí. Nhưng sau khi phá tửu giới, thì trước mắt ta, trong tâm tưởng ta lại luôn hiện lên hình bóng nàng. Không phải ta không nhớ chuyện gì xảy ra đêm qua, mà là ta không dám thừa nhận. Tuy chỉ là nhưng cảm giác mơ hồ, nhưng ta vẫn nhớ rõ khoảnh khắc ta có được niềm hoan lạc không thể diễn tả bằng lời. Bởi vậy, ta đã cố thuyết phục bản thân, rằng đó chẳng qua là một giấc mơ bí mật, một giấc mơ mà ta vẫn thường mơ. Nhưng nàng lại cho ta biết mọi thứ diễn ra trong giấc mơ đó đều là thật...

 

 Chàng ngẩng đầu hít một hơi dài, những đường gân trên cổ giật giật. Một lát, chàng cúi xuống nhìn tôi, rồi ảo não lắc đầu, những hạt nước mắt to tròn long lanh như những hạt ngọc đổ liên hồi xuống áo chàng.

 

 - Khi nãy biết ta đã có quan hệ... vợ chồng với nàng... Nếu không phải là do Lữ Quang sắp bày, ép buộc, Ra­ji­va sao dám “làm vậy” với nàng! Thế nên, cảm xúc đầu tiên đến với ta khi biết tin đó, không phải là sám hối, mà là niềm vui vô bờ tựa mạch nước ngầm len lỏi trong tim. Ta đã vô cùng hoảng sợ và hổ thẹn khi mình có ý nghĩ đó. Mấy mươi năm tu hành vẫn chẳng thể giúp ta chống lại khát khao yêu đương với nàng. Tội lỗi này, dù có đọc bao nhiêu kinh văn đi nữa cũng không thể xóa bỏ. Ta không xứng là đệ tử nhà Phật... Ta nhớ đến lời nói của vị cao tăng mà ta gặp hồi nhỏ: Nếu không tuân thủ giới luật một cách nghiêm khắc, ngày sau sẽ chỉ có thể là một pháp sư thông minh, sáng láng không hơn không kém. Khi nãy, vừa tụng kinh ta vừa nghĩ về điều này và không khỏi đau đớn. Ta đã phá giới vào đúng năm ba mươi lăm tuổi, lẽ nào ý trời đã định, kiếp này Ra­ji­va chỉ có thể trở thành một pháp sư thông minh, sáng láng, mà chẳng thể làm nên nghiệp lớn ư?

 

 Tôi đã khóc đến mềm cả tim gan, chưa bao giờ chàng thổ lộ với tôi nhiều đến vậy, mà mỗi câu mỗi tiếng thốt ra đều đau đớn đến xé lòng.

 

 - Xin lỗi chàng, em đã phá vỡ thế giới tĩnh tâm thiền định của chàng, đã khiến chàng khó xử. Nếu chàng muốn, em sẽ ra đi.

 

 - Không kịp nữa rồi...

 

 Chàng run rẩy hôn tôi, vị mặn chát nồng đượm nơi đầu lưỡi, không biết là nước mắt của chàng hay của tôi.

 

 - Nàng đã quay về thì sao ta có thể để nàng ra đi, để lại phải khổ sở chờ đợi mười năm nữa... Ngải Tình, một roi nàng tự quất vào người mình đã khiến ta bừng tỉnh. Nàng sẵn sàng san sẻ đau khổ với ta, bằng lòng cùng ta vượt qua phong ba bão tố, lẽ nào Ra­ji­va không dám thừa nhận tình cảm với nàng suốt hai mươi năm qua? Ta chỉ biết tự trách mình vì đã phá giới, vì không thể trở thành một bậc danh sư, mà quên rằng nỗi đau khổ mà nàng phải chịu đựng lớn hơn ta gấp bội phần. Nàng đã trở về khi ta cần có nàng nhất. Đêm qua nàng đã dùng tấm thân trinh trắng của mình giải cứu ta khỏi sự đày ải ấy. Tình yêu cao cả đó, ta biết lấy gì báo đáp. Ta quyết không để nàng lại tiếp tục phải chịu dày vò, đau khổ nữa. Nỗi nhớ nhung vò xé tâm can mười năm lại mười năm mòn mỏi, vò võ ấy, ta không muốn phải chịu đựng thêm nữa. Trở thành bậc danh sư, đạt đến đỉnh cao tu dưỡng, nhập Niết Bàn thì sao chứ, không có nàng ở bên, ta cũng chỉ như một thân xác vô cảm, không có linh hồn mà thôi. Đời sống ấy có gì đáng sống đâu!

 

 Chàng rời khỏi bờ vai tôi, nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi, nâng cằm tôi lên, để ánh mắt lạ kỳ của cháng phủ lên gương mặt tôi:

 

 - Có nàng ở bên, ta cam tâm tình nguyện bị đẩy xuống tầng địa ngục sâu nhất – địa ngục vô gián.

 

 - Chàng đừng quên, luôn có em bên chàng...

 

 Mười ngón tay đan vào nhau, chúng tôi ôm nhau và hôn nhau mãi miết, hôn cho nhau cạn những giọt lệ tràn mi, nhưng những nụ hôn ngọt ngào ấm áp ấy chỉ càng khiến những dòng nước mắt tuôn trào. Cuộc đời còn mấy lần mười năm nữa để uổng phí? Bắt đầu từ bây giờ, chúng tôi sẽ trân trọng mỗi giây mỗi phút...

 

 Không biết chúng tôi đã khóc với nhau bao lâu.

 

 Rồi chàng đột ngột buông tôi ra, ngẩng đầu thở dài:

 

 - Chàng sao vậy?

 

 - Không ngờ sau khi cởi bỏ được nỗi day dứt quyện chặt trong tim suốt hai mươi năm qua lại khiến ta đau đầu đến vậy?

 

 Tôi bật cười:

 

 - Đó là vì chàng bị ép uống rượu.

 

 Tôi đưa bát canh đặt trên tủ cho chàng.

 

 - Đây là canh giã rượu, chàng uống ngay lúc đầu thì đã không sao cả.

 

 

 

Chương 44: Sự thật

 

 Ra­ji­va kinh ngạc nhìn chiếc dao cạo râu Gillette trên tay tôi. Khi đi dạo phố với bạn bè và thấy họ mua tặng bạn trai mình, trong phút xúc động tôi đã mua nó. Cứ ngỡ sẽ chẳng còn cơ hội để tặng Ra­ji­va. Lẽ ra phải có kem bôi đi kèm với bộ dao cạo râu này, nhưng vì sợ nhiễm phóng xạ, tôi đã không mang theo.

 

 Cố nhiên là Ra­ji­va không biết sử dụng. Tôi để chàng ngồi xuống, thấm nước ấm vào khăn mặt rồi đắp lên cằm chàng để những sợi râu trở nên mềm hơn. Tôi dặn chàng ngửa cổ lên và không được động đậy, sau đó nhẹ nhàng kéo chiếc dao cạo lướt trên cằm chàng. Tôi đã học được “ngón nghề” này từ từ các chuyên gia nam ở khu vực thực nghiệm. Chàng nhìn tôi chăm chú, bóng tôi in trong đáy mắt sâu hun hút của chàng, tim đập rộn ràng. Làn da của chàng trơn mượt, mỗi lần chạm vào, tâm trí tôi bỗng trở nên bấn loạn. Sợ thiếu tập trung sẽ khiến chàng bị thương, tôi cố gắng định thần lại, giữ cho bàn tay vững vàng, xử lý gọn gàng đám râu ria mọc lởm chởm lâu ngày.

 

 Sau khi cạo rửa xong xuôi, khuôn mặt chàng sáng sủa hẳn lên. Khi tâm trí tôi còn đang mê mẩn với vẻ thanh tú của gương mặt chàng thì trống bụng bỗng đổ liên hồi. Đã ba giờ chiều và tôi chưa có một hạt cơm nào trong bụng từ tối qua đến giờ. Tôi đỏ mặt xấu hổ, nhưng chàng đã nắm tay tôi, cười dịu dàng:

 

- Chúng ta ăn cơm thôi…

 

 Chúng tôi ngồi đối diện nhau, cơm canh đã nguội ngắt nhưng tôi vẫn thấy ngon miệng lạ thường. Tôi vừa ăn vừa nhìn chàng, nụ cười ngây ngô không lúc nào tắt trên môi. Chàng mỉm cười rạng rỡ đáp lại, mười năm sương gió để lại vết dấu trên khóe mắt và vầng trán chàng, khi chàng cười, những nếp nhăn càng hiện rõ, tôi ước gì mình có thể xóa đi những dấu hiệu mỏi mòn của tuổi tác, tháng năm ấy. Tôi không muốn lại phải trải nghiệm mười năm đằng đẵng của chàng bằng vài tháng ngắn ngủi của mình nữa, lần này, tôi muốn được cùng chàng đi trọn con đường đời.

 

- Còn đau không?

 

 Xong bữa, chàng nhẹ nhàng vuốt ve vết thương trên lưng tôi, vẻ xót xa dâng lên trong mắt. Tôi lắc đầu, nếu không nhờ một roi ấy, có lẽ chàng chưa thể bước ra khỏi những trăn trở nội tâm. Vì vậy, tôi không hề thấy đau.

 

 Gương mặt chàng bỗng đỏ bừng, chàng cúi đầu khẽ hỏi:

 

- Để ta xem được không?

 

 Tôi sững người, mặt mũi nóng ran, một xúc cảm kỳ lạ len lỏi trong tim. Do dự một lát, vẫn thấy chàng nhìn tôi chăm chú, tôi xoay người ngồi xếp bằng trên nền nhà, vén mái tóc sang một bên, thả áo xuống thắt lưng.

 

 Chàng ngồi phía sau, nhìn hoài mà không lên tiếng. Tôi cảm thấy vô cùng bối rối khi phơi làn da trần trước mặt chàng, chỉ muốn nhanh chóng kéo váy lên, nhưng bàn tay chàng đã nhẹ nhàng giữ lại.

 

 Chợt một cảm giác lành lạnh, chộn rộn nơi sống lưng, là bàn tay chàng đang dịu dàng lướt trên vệt roi quất ấy. Theo sau đó là đường môi ướt át nhưng ấm nồng của chàng gắn trên lưng tôi, từ đầu đến cuối vết thương, nụ hôn dài miên man ấy khiến toàn thân tôi rung động.

 

- Ngải Tình…

 

 Bờ môi chàng kéo riết đến vành tai tôi, giọng nói trầm ấm, mê hồn cất lên:

 

- Ta sẽ không để nàng bị thương nữa.

 

 Không gi­an quanh tôi tràn ngập dư vị nồng nàn, tôi bỗng cảm thấy căng thẳng, mồ hôi lấm tấm trên cánh mũi.

 

 Cánh cửa phòng đột nhiên bật mở, tôi giật mình, vội vàng chỉnh lại y phục. Chúng tôi đã quên mất nơi này vốn là một nhà gi­am và người khác có thể ra vào bất cứ lúc nào. Nhưng thân hình cao lớn của Ra­ji­va đã che chắn cho tôi.

 

 Tên lính gác cửa người Đê thò đầu vào bẩm báo:

 

- Pháp sư, Lữ tướng quân mời ngài đến gặp.

 

 Lữ Quang không nói muốn gặp tôi, nhưng vì lo lắng cho Ra­ji­va, tôi chủ động đi theo chàng. Vẫn là đại điện to rộng ngày hôm qua, vẫn là đám con cháu bất nghĩa đang đứng vây quanh ông ta.

 

- Pháp sư, hương vị của đêm qua không tồi chứ? Thằng con ta đã tận mắt chứng kiến khoảnh khắc thăng hoa của ngài.

 

 Lữ Quang cất tiếng cười thỏa mãn, không giấu diếm, hắn có vẻ rất hài lòng.

 

- Làm người thì nên tận hưởng niềm hoan lạc ấy, tụng kinh niệm Phật nhiều có gì vui thú đâu! Nếu ta không ra sức tác hợp, e là kiếp này pháp sư chẳng thể được thưởng thức mùi vị của niềm vui sướng tột độ ấy!

 

 Vốn đã có sự chuẩn bị từ trước, rằng đến gặp ông ta là để nghe những lời nhục mạ chẳng kiêng nể gì ai, nhưng khi những lời ấy vang lên bên tai mình, tôi có cảm giác ghê tởm như ăn phải ruồi nhặng. Tôi lén quan sát Ra­ji­va, mặt chàng hơi biến sắc, nhưng dáng vẻ vẫn đạo mạo, điềm tĩnh. Tôi ngậm ngùi nuốt giận, ai bảo chúng tôi là những kẻ yếu thế cơ chứ!

 

 Lữ Quang đưa ánh mắt cú vọ sang phía tôi:

 

- Thì ra pháp sư cũng giống ta, chỉ thích những thiếu nữ yêu kiều, duyên dáng người Hán. Trong phủ đệ của ta ở Trường An đã thu nạp không ít phụ nữ Hán, ngày sau có dịp đến Trường An, ta nhất định sẽ tặng ngài vài nàng.

 

 Ra­ji­va vẫn lặng thinh không đáp, môi mím chặt, lưng vươn thẳng. Tuy khoác trên mình bộ y phục dân dã, nhưng vẻ ung dung, tĩnh tại trong mắt chàng, khí chất thanh cao, thoát tục của chàng khiến cho một kẻ thô thiển, kệch cỡm như Lữ Quang trở nên nhỏ bé hơn vài phần.

 

 Thấy Ra­ji­va lặng yên không đáp hồi lâu, chừng như bực tức, Lữ Quang đằng hắng vài tiếng:

 

- Mấy ngày tới pháp sư cứ an tâm nghỉ ngơi trong cung, ta sẽ cho người đến hầu hạ pháp sư chu đáo.

 

 Rồi ông ta lại giả bộ tử tế, quan tâm:

 

- Pháp sư có thiếu thốn gì không?

 

 Ra­ji­va khẽ cúi người, hai tay chắp lại, điềm tĩnh đáp lời:

 

- Tôi rời chùa đã lâu, lòng đầy lo lắng. Nếu tướng quân cho tôi trở về chùa Tsio – li hoặc chùa Cakra thì tôi rất cảm ơn.

 

- Pháp sư không cần phải vội, ta còn rất nhiều vấn đề về Phật pháp muốn thỉnh giáo Pháp sư mà!

 

- Những vấn đề Phật pháp của ngài, tôi đây không đủ sức giải đáp.

 

 Ra­ji­va tỏ ra cương quyết không nhượng bộ:

 

- Tôi là người xuất gia, không màng thế sự. Tướng quân gi­am giữ tôi cũng chỉ có thể ép tôi phá đi thân giới, tấm lòng hướng Phật của tôi, ngài chẳng thể lay động được. Những điều tướng quân kỳ vọng ở tôi, e là tôi chẳng thể giúp gì cho ngài, mong ngài sớm từ bỏ ý định đó đi.

 

 Tôi cảm thấy hết sức băn khoăn, lẽ nào Lữ Quang ép buộc Ra­ji­va phá giới chỉ vì một vụ cá cược? Nhưng tôi nhanh chóng xua đi mối nghi ngờ đó, để ngẩng lên nháy mắt với Ra­ji­va, ra hiệu cho chàng đừng kích động Lữ Quang.

 

 Ông ta quả nhiên nổi trận lội đình, gầm rít lên những tiếng ghê rợn:

 

- Người giỏi lắm! …

 

 Nhưng Lữ Soạn đã kịp kìm ông ta lại. Hắn thì thầm nhỏ to vài câu gì đó vào tai Lữ Quang, sắc mặt ông ta trở nên thâm hiểm khó đoán, lấy hơi một hồi lâu ông ta mới giữ được bình tĩnh.

 

- Mấy ngày qua chắc pháp sư đã thấm mệt, ngài nghỉ ngơi đi.

 

 Giọng nói của ông ta không có vẻ gì là thân thiện, tử tế.

 

Đêm qua pháp sư đã giúp ta thắng cược, giành được các mỹ nữ ở hậu cung Khâu Từ, lát nữa ta sẽ chọn vài cô xinh đẹp, mỹ miều để tặng pháp sư.

 

 Ra­ji­va liếc sang tôi, rồi quay ra cung kính nói:

 

- Tướng quân khỏi cần nhọc lòng, Ra­ji­va tu hành đã nhiều năm, nội tâm trong sạch, lòng ít ham muốn, tôi không cần mỹ nữ nào nữa cả.

 

 Chàng ngừng một lát, nói tiếp:

 

- Mong tướng quân đoái thương những người phụ nữ đó!

 

 Lữ Quang cười ha hả:

 

- Pháp sư quả là người giàu lòng từ bi.

 

 Rồi quay sang nhìn tôi.

 

- Thiếu nữ người Hán ở Khâu Từ không có nhiều, chờ khi ta tìm được nàng nào ưng mắt, sẽ tặng cho pháp sư.

 

 Ra­ji­va làm mặt nghiêm nghị, lặng thinh không đáp.

 

- Ra­ji­va, Lữ Quang đã thắng cuộc, vì sao vẫn muốn gi­am giữ chàng? Ông ta muốn gì ở chàng?

 

 Lựa lúc không có ai, tôi vội hỏi chàng câu hỏi quẩn quanh mãi trong đầu kể từ lúc gặp Lữ Quang đến khi trở về căn phòng gi­am giữ chúng tôi lúc trước.

 

- Ngải Tình, nàng có biết thất bại thảm hại của nước Tần trong cuộc đại chiến với nước Tấn không?

 

 Tôi biết chứ và tôi tin hầu hết người Trung Quốc đều thuộc làu lịch sử về trận chiến đó. Đêm trước cuộc chiến, Phù Kiên vẫn còn là một bậc quân vương thành công nhất trong thời kỳ Thập lục quốc. Luận về cương vực, về cơ bản, lần đầu tiên Phù Kiên đã thống nhất toàn miền bắc Trung Quốc (lãnh thổ rộng lớn hơn thời kỳ của Thạch Lặc rất nhiều). Luật về phẩm cách, có thể xem Phù Kiên là một vị vua nhân từ hiếm có trong thời đại loạn (mà hầu hết các đấng quân vương đều là hôn quân). Luận về chính sách dân tộc, trong thời kỳ “không chung dòng tộc, ắt sinh khác lòng”, phương châm của ông hết sức tiến bộ: hòa hợp dân tộc, không giết hại lẫn nhau. Nhưng trận đại chiến ở Phì Thủy đã làm thay đổi cục diện, thậm chí đã “đưa tang” nhà Tiền Tần vốn rất hùng mạnh trước đó.

 

 Cuộc chiến kỳ lạ ấy vừa mới xảy ra một năm trước thời điểm tôi có mặt ở đây, vào tháng Mười một năm 383. Mức độ chênh lệch về lực lượng quân sự hai bên trong cuộc chiến này được đánh giá là kỳ lạ nhất trong lịch sử Trung Quốc: 87:18. Tính chất hoang đường của toàn bộ quá trình diễn ra cuộc chiến khiến không ai có thể tin nổi. Bên giành thắng lợi không hề nắm chắc phần thắng, cũng không hiểu do đâu mà chiến thắng. Bên thua, thua trong nỗi ngỡ ngàng, bàng hoàng, đế quốc Tiền Tần hùng mạnh sụp đổ chỉ trong một sớm một chiều.

 

 Lữ Quang dẫn quân chinh phạt Tây vực vào tháng Giêng năm 383, trận Phì Thủy diễn ra vào đầu năm đó. Lữ Quang đánh chiếm Qarasahr (Yan­qi), rồi tấn công Khâu Từ năm 384. Thực ra kế hoạch Tây chinh từng làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt trong triều đình của Phù Kiên từ trước đó. Nhiều đại thần không tán đồng việc phân tán lực lượng quân sự cho việc chinh phạt Tây vực, vì nhà Tần đang phải tập trung binh lực để đối phó với Đông Tấn. Nhưng sự tự tin thái quá được tích lũy sau những thắng lợi liên tiếp, khiến Phù Kiên muốn nhanh chóng trở thành Tần Hoàng (Tần Thủy Hoàng), Hán Vũ (Hán Vũ Đế) và ông cũng tự tin cho rằng lực lượng còn lại dư sức đối phó với Đông Tấn. Nếu không có cuộc Tây chinh này, e là muốn gặp đại tướng quân Lữ Quang, bạn phải tham gia trận chiến tại Phì Thủy. Và như thế, có lẽ đã không tồn tại nhà Hậu Lương do Lữ Quang dựng lên trong thời kỳ Thập lục quốc.

 

 Nhưng trận chiến có ảnh hưởng to lớn đến lịch sử Trung Quốc ấy, đối với một quốc gia xa xôi tận miền Tây vực như Khâu Từ và bản thân Ra­ji­va có mối liên quan gì?

 

- Lữ Quang đã hay tin nhà Tần bại trận. Tình hình hiện nay vô cùng rối ren, người Yên phục quốc, người Khương làm phản, vua Phù Kiên đã không còn đủ sức để cứu vãn thời cuộc.

 

 Ánh mắt chàng rực sáng, chàng bóp mạnh tay tôi:

 

- Ngải Tình, theo nàng, vì sao nước Tần đang khốn đốn và cần viện binh như vậy, Lữ Quang lại ghìm giữ binh lính ở Khâu Từ dài ngày, không chịu quay về?

 

 Suy nghĩ giây lát, tôi chợt hiểu ra:

 

- Ông ta muốn làm vua Tây vực?

 

 Vào thời Thập lục quốc, hầu hết những kẻ nắm giữ trong tay chút ít binh quyền đều muốn cát cứ, xưng vương xưng bá. Luận về dũng mãnh, Lữ Quang không bằng Thạch Lặc, luận về độ gi­an xảo, ông ta không bằng Diêu Trường, luận về mưu lược, cũng không bằng Mộ Dung Thùy. Nếu không có trận Phì Thủy, ông ta sao dám sinh lòng bội phản với triều đình Phù Kiên. Nhưng tình thế hiện nay đã khác, ông ta cầm quân ở nơi xa xôi, Phù Kiên lại đang đau đầu với quân phản loạn khắp nơi, chẳng còn hơi sức và tâm trí đâu mà nhớ tới Lữ Quang, bởi vậy, Lữ Quang nảy sinh tham vọng xưng bá cũng là dễ hiểu. Giữa vòm trời cao rộng, ở nơi khuất bóng hoàng đế này, ông ta có thể làm mưa làm gió mà không ai động đến.

 

 Ra­ji­va gật đầu:

 

- Đúng vậy! Lữ Quang có dã tâm rất lớn, những chức tước mà vua Tần phong cho ông ta: Tán kỵ thường thị, An Tây tướng quân, Tây vực hiệu úy đều không thỏa mãn tham vọng bành trướng và xưng bá của ông ta.

 

Có câu: “Đầu gà còn hơn đuôi phượng” mà!

 

 Tôi chợt nhớ đến một chuyện cười có thật ở nước Nam Yên thời Thập lục quốc: Một người có tên là Vương thủy tập hợp được mấy vạn người trên núi Thái Sơn, tự xưng là hoàng đế Thái Bình, tôn cha mình làm Thái thượng hoàng, các anh em trai lần lượt là Chinh Đông, Chinh Tây tướng quân và hàng trăm chức quan khác. Sau khi bị quân đội Nam Yên đánh bại, lúc đưa ra hành quyết, có người hỏi ông ta: “Cha và các anh em của ngươi ở đâu?” Ông ta đáp: “Thái thượng hoàng lánh nạn ở nơi xa, các tướng Chinh Đông, Chinh Tây đã bị giết hại”. Vợ ông ta tức giận mắng: “Xảy ra cơ sự ngày hôm nay chính là tại cái miệng tai bay vạ gió của ông đó! Ông còn chưa chịu tỉnh ngộ hay sao?”. Ông ta đáp: “Hoàng hậu ơi, từ cổ chí kim, có gia đình nào không suy vi, có quốc gia nào không diệt vong. Đến ngày suy vi, trẫm cũng đành ngậm đắng nuốt cay, nhưng quyết không đổi quốc hiệu!”.

 

 Thật nực cười! Thực ra trong một trăm ba mươi năm lịch sử ấy, Trung Quốc không chỉ tồn tại mười sáu nước, mười sáu nước này chỉ là những tiểu quốc có quốc hiệu chính thức và có sự kế thừa ngôi báu. Nếu tính chính xác, thì gi­ai đoạn lịch sử đó phải có đến hai, ba chục quốc gia tồn tại. Vương Thủy tuy ngu muội, nhưng ông ta đã phát biểu chính xác tham vọng của các tiểu bá thời bấy giờ. Không ai khi sinh ra đã là một bậc đế vương! Vả lại, gia đình nào rồi cũng đến lúc suy vi, quốc gia nào rồi cũng đến hồi sụp đổ, vậy thì cứ đăng cơ làm hoàng đế cái đã, rồi tính sau. Lữ Quang nắm trong tay cả một đội quân, lẽ nào ông ta không có tham vọng bá vương đó.

 

 Nhưng điều này có liên quan gì đến việc gi­am giữ Ra­ji­va?

 

 Thấy tôi vẫn đầy vẻ thắc mắc, Ra­ji­va tiếp tục giải thích:

 

- Lữ Quang vốn là người nơi khác đến, quân đội của ông ta cũng chỉ có bảy vạn quân. Ông ta chỉ dựng lên một vương triều bù nhìn thì sao có thể duy trì lâu dài?

 

 Vậy là tôi đã hiểu! Đó là mối quan hệ giữa chính quyền và tôn giáo. Lữ Quang muốn bám rễ ở nơi đây với binh lực nhỏ bé như vậy, chẳng thể đủ sức trấn áp và cai quản miền Tây vực rộng lớn với hàng mấy chục tiểu quốc. Thế nên, ông ta buộc phải dựa vào sức mạnh của tôn giáo, để công nhận quyền lực chính thống của ông ta ở Tây vực – vùng đất vốn hết sức sùng bái đạo Phật. Và Ra­ji­va lại là đại diện của thần quyền ở đây, Nếu Ra­ji­va công khai công nhận tính hợp pháp của chính quyền Lữ Quang, ông ta sẽ không chỉ có được Khâu Từ, mà còn có thể có được sự quy thuận của mấy chục vạn dân khắp vùng Tây vực rộng lớn. Như vậy, đại nghiệp xưng bá ở Tây vực của ông ta sẽ không cần phải dựa vào sức mạnh vũ trang nữa.

 

- Ra­ji­va, Lữ Quang muốn xưng bá Tây vực, nhưng sức mạnh quân sự không đủ, nên mới phải cầu đến sự trợ giúp của chàng. Nhưng chàng không chịu khuất phục, chàng không muốn thừa nhận quyền lực của ông ta, đúng không?

 

 Ánh mắt Ra­ji­va lộ vẻ tán thưởng, chàng khẽ cúi đầu, nắm chặt hai vai tôi:

 

Nàng luôn là người hiểu ta nhất. Lữ Quang muốn ta đi tuyên truyền rằng ông ta là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, được Bồ Tát sai phái đến để cứu độ người dân Tây vực.

 

 Tôi lắc đầu. Phàm những kẻ có dã tâm cướp đoạt vương vị đều nghĩ ra một cái cớ mang tên “điềm lành” và đều tự xưng mình là háo thân của một vị thần tiên nào đó. Nhưng những điều thuộc về tâm linh này phải dựa vào một người nắm giữ thần quyền giúp hắn thực hiện mưu đồ. Lữ Quang đâu biết rằng, Ra­ji­va không phải là Bud­dhasimha (Phật Đồ Trừng), nhà sư người Ấn Độ sống ở thời đại Thạch Lặc, Thạch Hổ, chịu khuất phục nhà cầm quyền đương thời. Ra­ji­va cũng không giống Huyền Trang, hết lời ca tụng công đức của hoàng tộc và ra sức thiết lập mối quan hệ mật thiết với hoàng đế. Ra­ji­va xuất thân cao quý, từ nhỏ đã vang danh khắp chốn, chàng coi sự tôn trọng và kính trọng của nhà cầm quyền đối với chàng là điều hiển nhiên, bởi vậy, chàng chưa bao giờ nghĩ rằng, chính trị có thể lấn lướt và áp đặt thần quyền như thế.

 

- Chàng từ chối, nên không còn cách nào khác, ông ta đã ép chàng phá giới hòng uy hiếp chàng?

 

 Chàng gật đầu, vẻ mặt nghiêm nghị:

 

- Ông ta đâu biết rằng, ta có thể phá giới, nhưng quyết không phục tùng. Ta làm vậy không phải vì ông ta là người ngoại tộc. Nếu Lữ Quang là một bậc minh quân, biết quan tâm chăm lo cho lẽ dân, ta nhất định sẽ ủng hộ ông ta. Nhưng ông ta lại là một kẻ tàn bạo, hoang dâm, ngu muội, lòng dạ ích kỷ, hẹp hòi, chưa bao giờ biết mưu lợi cho dân. Nếu ta công nhận quyền lực của Lữ Quang, sẽ gây hại không chỉ cho hơn mười vạn dân Khâu Từ, mà thậm chí cả mấy chục vạn dân Tây vực… Ngải Tình, nàng biết không, ông ta đã chôn sống hai vạn binh sĩ người Khoái Hồ ngay cả khi họ đã đầu hàng.

 

 Nỗi bi phẫn khiến gương mặt chàng trở nên ảm đậm, chàng giận dữ nắm chặt tay lại:

 

- Chém giết lẫn nhau trong chiến tranh đã là tội lỗi tày trời, vậy mà ông ta còn chôn sống cả những người đã giơ tay chịu trói. Ông ta đã tước đoạt mạng sống của hai vạn người. Loại người như ông ta đời đời kiếp kiếp cũng không thể được siêu thoát. Nếu ta lại đi tiếp tay cho giặc, hại đến muôn dân, thì sao xứng là đệ tử nhà Phật?

 

 Đào hố chôn người là thủ đoạn phổ biến nhất sau mỗi cuộc chiến tranh trong thời kỳ Thập lục quốc. Số lượng binh sĩ bị chôn sống thường lên đến vài chục ngàn người. Bởi vì các cuộc chiến tranh xảy ra trong thời kỳ này, hầu hết đều là cuộc chiến giữa các tộc người khác nhau.

 

 “Không cùng dòng tộc, ắt sinh khác lòng”, đào hố chôn người có thể làm hao tổn nghiêm trọng lực lượng của đối phương, lại vừa có thể trừ hậu họa. Sự kiện chôn sống người thảm khốc nhất diễn ra trong trận chiến ở dốc Tham Hợp, quân Bắc Ngụy đã chôn sống năm vạn binh sĩ Hậu Yên. Năm thứ hai sau trận chiến dốc Tham Hợp, người anh hùng Mộ Dung Thùy đã thân chinh cầm quân đi báo thù, khi ngang qua hố chôn người ở dốc Tham Hợp, ông cùng tướng sĩ đã khóc thương thảm thiết, sau đó ông bị nôn ra máu, bệnh tình ngày càng nguy kịch và không lâu sau thì mất, kết thúc cuộc đời oanh liệt, đồng thời kết thúc vương triều Hậu Yên hùng mạnh.

 

 Ngày trước đọc sách sử, mỗi khi đến đoạn thảm khốc, tôi thường rơi nước mắt, nhưng chẳng thể so sánh với nỗi sợ hãi của ngày hôm qua, khi tôi được tận mắt chứng kiến hố chôn người khủng khiếp ấy. Khi những con số biến thành hàng chồng thi thể đẫm máu, tôi mới cảm nhận được sự khốc liệt, khủng khiếp của chiến tranh đằng sau những con chữ vô cảm. Những gì tôi trải qua ngày hôm qua khiến tôi hạ quyết tâm sẽ không thờ ơ trước mọi sự. Nếu có thể ngăn chặn thảm kịch, tôi sẽ không ngại thay đổi lịch sử. Làn sóng nhiệt huyết trào dâng trong tôi, tôi đưa mắt ngước nhìn người đàn ông cương nghị, nho nhã trước mặt mình. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến một Ra­ji­va kiên cường như vậy khi đối mặt với quyền lực. Người tôi yêu, giờ đây, cũng là người mà tôi kính phục nhất.

 

 Tôi nắm lấy bàn tay chàng, nhìn chàng, nở một nụ cười rạng rỡ:

 

- Chàng nhớ nhé, dù chàng quyết định thế nào, em sẽ luôn ủng hộ chàng.

 

 Chàng đặt tay mình lên tay tôi, truyền cảm xúc cho tôi:

 

- Trước khi nàng xuất hiện, ta chẳng sợ gì cả. Ta thậm chí đã nghĩ, nếu bị dồn đến chân tường, ta sẽ tự vẫn…

 

- Đừng!

 

 Tôi hoảng hốt đặt tay lên môi chàng:

 

- Xin chàng đừng nói những lời như vậy. Em sẽ bảo vệ chàng.

 

 Nụ cười ngọt ngào tỏa rạng gương mặt chàng, chàng đặt tay tôi vào lòng bàn tay ấm áp của mình, dịu dàng nói:

 

- Nhưng nàng đã trở về, ta không còn ý nghĩ đó nữa... Nàng còn nhớ bài giảng của nàng về “Mạnh Tử” không? “Vậy nên khi muốn trao trọng trách cho một người, ông trời sẽ tạo ra muôn vàn thử thách, khiến anh ta đau khổ, khiến anh ta mệt mỏi, khiến anh ta đói khát, gầy mòn, khiến anh ta cơ cực, làm rối loạn hành vi của anh ta, khiến anh ta không được như ý. Thông qua những khổ nạn đó, rèn luyện sự tỉnh táo, tính kiên cường và bồi đắp tài năng của anh ta”. Những gi­an nguy mà ta phải trải qua là sự khảo nghiệm của Phật tổ đối với Ra­ji­va. Chí lớn của ta, sao có thể bị mai một bởi một kẻ ngang ngược như Lữ Quang?

 

 - Nhưng Lữ Quang sẽ không dừng lại ở việc ép chàng phá giới, ông ta sẽ còn dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo hơn để ép buộc chàng.

 

 Sử sách chép rằng, Lữ Quang đã ép Ra­ji­va cưỡi ngựa ác, bò điên để làm trò cười cho thiên hạ. Nhưng đó chỉ là những ghi chép vắn tắt trong sách, hành vi sỉ nhục và sự đày đọa trên thực tế thê thảm hơn rất nhiều.

 

 - Ta không sợ.

 

 Chàng dịu dàng vuốt má tôi, khẽ thở dài, ánh mắt do dự:

 

 - Nhưng, sẽ khổ cho nàng...

 

 - Chàng đừng bận tâm về em, em có thể tự lo cho mình.

 

 Chúng tôi chìm trong mắt nhau, vòng tay khép chặt. Bóng tịch dương xuyên qua khung cửa sổ, tỏa rạng vầng trán cao rộng của chàng. Hạnh phúc như hoa nở trên môi tôi. Dù chông gai đang chờ ta phía trước, em vẫn nguyện được theo chàng.