Đức Phật và Nàng p1 - Chương 49 - 50

Chương 49: Ly Biệt

 

- Ngải Tình, nàng tư chất thông minh, nhân hậu, lương thiện, lại có những khả năng đặc biệt, khác lạ. Sao trên đời lại có người con gái toàn vẹn như nàng! Kể từ khi gặp nàng năm mười ba tuổi, ta luôn nghĩ rằng nàng là tiên nữ. Lần này, nàng xuất hiện khi ta bị ép buộc phá giới, khiến ta càng thêm chắc chắn rằng Phật tổ đã cử nàng đến giúp ta. Bởi vậy, ngày đêm quấn quít bên nàng, tuy phạm tội phá giới, nhưng trong lòng vẫn còn chút an ủi. Vì ta nghĩ nàng là đệ tử của Phật tổ.

 

Chàng xoay lưng về phía tôi, bờ vai xương xương rung động, ngừng lặng hồi lâu mới tiếp tục:

 

- Nhưng giờ đây, nàng lại cho ta biết nàng không phải tiên nữ. Mọi phép màu đều được giải thích bằng việc nàng đến từ tương lai. Thì ra nàng chỉ là một cô gái bình thường, không phải đệ tử của Phật tổ. Nếu vậy, lần đầu phá giới có thể viện cớ là ta bị ép buộc. Nhưng những lần phá giới tiếp theo, tự ta đã hủy hoại cuộc đời tu hành của mình. Ta đã gây nên nghiệp chướng, Phật tổ nhất định sẽ trị tội. Ta cảm thấy bội phần hổ thẹn và hối hận.

 

Như vừa nghe tiếng sét bên tai, toàn thân tê dại. Tôi không dám tin chàng có thể nói ra những lời đó. Tôi đứng bất động, mắt không rời khỏi bóng dáng gầy guộc ấy, quên cả khóc.

 

- Ra­ji­va, chàng hối hận vì đã yêu em, hối hận mỗi đêm ôm em trong lòng chàng đều vững tâm vì nghĩ rằng em là tiên nữ, phải không? Giờ đây, khi biết em chỉ là một cô gái bình thường, chàng không còn yêu em nữa, đúng không?

 

- Ta vốn một lòng hướng Phật, không tơ tưởng chuyện yêu đương nam nữ. Nhưng rủi thay ma xui quỷ khiến, ta đã có quan hệ vợ chồng với nàng. Nhưng phút chốc hoan lạc ngắn ngủi sao có thể khiến ta từ bỏ Đức Phật! Ta sẽ không để sắc dục mê hoặc nữa! Quãng đời còn lại, ta sẽ toàn tâm toàn ý phụng sự Phật tổ. Tội phá giới, dù phải chết ngàn vạn lần cũng chẳng thế chuộc lại, ta chỉ có thể sống với nỗi sám hối vô bờ trong những ngày tháng còn lại. Vậy nên, nàng hãy đi đi, ta không bỏ trốn cùng nàng đâu!...

 

Tôi gắng gượng đứng lên, lảo đảo lao đến trước mặt chàng, kéo tay áo chàng, nhìn vào đôi mắt đang tìm cách chạy trốn của chàng:

 

- Em không tin! Chàng muốn em ra đi nên mới nói những lời này, đúng không?

 

- Ngải Tình, cảm ơn nàng đã cho ta biết về tương lai và sứ mệnh của ta.

 

Chàng nhắm mắt lại, lầm rầm tụng niệm:

 

- Cội gốc của bể khổ.

 

Tham dục chính là nguồn cơn

 

Nếu diệt được tham dục

 

Khổ chẳng còn chốn nương

 

Dứt hết hẳn các khổ

 

Gọi là đế thứ ba[31]

 

Lìa hết thảy trói buộc

 

Chừng sẽ được giải thoát.

 

Ngải Tình, hãy sớm thoát khỏi bể khổ! Nếu đây là số mệnh, hà tất phải cố chấp!

 

- Ra­ji­va, em chỉ muốn chàng trả lời một câu thôi: chàng có yêu em không?

 

Ra­ji­va mở mắt, nỗi bi thương bất tận phủ trên gương mặt chàng, chàng cất giọng từ tốn:

 

- Ngày trước có kẻ phạm tội, tìm cách bỏ trốn, nhà vua hay tin, thả voi điên đuổi bắt. Người này chạy đến một giếng nước khô và nhảy xuống. May mắn thay, khi rơi đến lưng chừng, anh ta bám được vào một bụi cỏ đâm rễ từ bụng giếng, thân mình treo lơ lửng bên vách giếng. Dưới đáy giếng, những con rồng dữ đang thè lưỡi phun độc. Bên cạnh lại có rắn độc đang chầu chực, hòng nuốt chửng anh ta. Ngoài ra còn có một đôi chuột đen trắng đang gặm nhấm bụi cỏ níu giữ anh ta. Bụi cỏ sắp đứt. Kẻ phạm tội muốn trèo ra ngoài, nhưng sợ bị voi điên xéo nát, sợ rơi xuống đáy giếng bị rồng phun độc. Muốn bám chặt tại chỗ lại sợ đôi chuột đen trắng cắn đứt bụi cỏ, sợ rắn độc phục sẵn bên cạnh. Lúc đó trên mặt giếng có một cây cao, trên cây có một tổ ong mật, những giọt mật ong ngọt lữ tình cờ rơi vào miệng kẻ tội nhân. Kết quả, hắn đã đê mê với vị ngọt ngào của mật ong mà quên đi tất cả những nguy hiểm đang rình rập quanh mình.

 

Đôi mắt màu xám nhạt thăm thẳm, tựa hồ thấy suốt mọi sự trên cõi đời này, ngước nhìn tôi:

 

- Ngải Tình, kẻ tội nhân ấy chính là chúng ta, voi điên kia tượng trưng cho lẽ vô thường, chuột trắng tượng trưng cho ban ngày, chuột đen là ban đêm. Bụi cỏ là sinh mạng của chúng ta. Rồng độc dưới đáy giếng tượng trưng cho sự sai trái, rắn độc tượng trưng cho “ngũ uẩn”[32] của chúng ta. Mật ngọt trên cây là biểu trưng của niềm vui khi ham muốn được thỏa mãn. Vì chúng ta đắm chìm trong hoan lạc, nên chúng ta đã quên đi tất cả: sinh mệnh, sự ràng buộc, thời gi­an, tất cả.

 

Chàng ngồi xuống trong tư thế thiền, mắt nhắm lại, không buồn nhìn tôi:

 

- Những ngày tháng còn lại, ta sẽ dành toàn tâm toàn ý cho thiền định, Phật pháp. Với ta, niềm vui tu hành mãi mãi vượt xa những ham muốn trần tục.

 

- Đừng nói nữa… Em sẽ ra đi…

 

Tôi đứng lên, toàn thân giá lạnh, chẳng còn một chút hơi ấm nào:

 

- Chàng đã quyết không ra đi, em ở lại, sẽ chỉ tạo thêm gánh nặng cho chàng. Nếu sự ra đi của em khiến chàng có thể dành trọn tâm trí cho việc phụng sự Đức phật, tu hành ngũ đạo; nếu sự ra đi của em có thể khiến chàng xóa bỏ mặc cảm của tội lỗi, vậy em sẽ đi.

 

Tôi khoác ba lô lên vai, thay bộ đồ màu đen mang từ thời hiện đại tới, lần chần đứng bên bậc cửa, thất thần nhìn chàng đang ngồi thiền tụng niệm. Đã nửa đêm, đêm khuya tắt lịm, chỉ có ánh trăng bàng bạc chếch nghiêng bên cửa sổ soi rọi bóng dáng cô độc của chàng. Chàng không ngừng tụng niệm, miệng chừng như không muốn khép lại, tuy chỉ lầm rầm, nhưng trong không gi­an tĩnh lặng này, thanh âm ấy trở nên trầm mặc, u sầu lạ thường. Chàng không chịu đi nghỉ, không chịu mở mắt, cũng không chịu nói với tôi một lời.

 

Trong lúc thay quần áo, tôi đã xác định kế hoạch của mình rất rõ ràng, ra khỏi cung sẽ đi đâu, làm gì. Ra­ji­va, chàng chấp nhận số mệnh vì chàng không biết ai có thể chống lại số mệnh. Nhưng em thì khác. Em đến từ thế kỉ XXI, em sẽ không dễ dàng từ bỏ tình yêu của mình như vậy. Chàng không muốn em ở bên cạnh chàng, vậy em sẽ lặng lẽ làm việc đó. Nếu chàng gặp nạn, em sẽ giúp chàng. Cho đến khi chàng thực sự không cần em nữa, em sẽ ra đi.

 

- Ra­ji­va, em đi đây. Chàng nhớ ăn uống đầy đủ, lúc rảnh rỗi, hãy tiếp tục dịch kinh Phật.

 

Muốn dặn dò thêm đôi câu, nhưng sống mũi cay cay, cổ họng nghẹn lại. Tôi ngừng lại lấy hơi, nuốt nước mắt vào trong. Tôi không thể rơi nước mắt tùy tiện như vậy, khóc than không giải quyết được vấn đề gì.

 

Chàng vẫn nhắm mắt, những âm thanh toát ra từ khóe môi dường như không phải là kinh Phật. Chàng ngẩng đầu, ánh trăng vằng vặc rọi lên gương mặt tựa điêu khắc nhưng cô độc và u buồn ấy…

 

- Ngải Tình…

 

Cuối cùng chàng cũng chịu mở lời, nhưng giọng nói mơ hồ như vọng lại từ cõi xa xôi miên viễn nào đó.

 

- Hãy trở về thời đại của nàng, hãy quên đi tất cả. Đối với nàng, ta chẳng qua chỉ là một cổ nhân thuộc về quá khứ.

 

Tôi cắn chặt môi, dặn lòng không được rơi lệ, tôi sẽ không tiếp tục để những giọt nước mắt rơi vô nghĩa nữa.

 

 “Tất cả các pháp hữu vi

 

Như bóng, bọt nước có gì khác đâu

 

Như sương như điện lóe mau

 

Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng.[33]

 

Biết chàng đang nhắm mắt, nhưng tôi vẫn nở nụ cười ngây ngô mang thương hiệu Ngải Tình mà thường ngày vẫn bị chàng trêu chọc:

 

- Ra­ji­va, đó là câu kinh em thích nhất trong cuốn kinh “Kinh kim cương” mà chàng dịch. Một tháng bên nhau, tựa như ảo ảnh, nhanh như chớp mắt. Kinh Phật dạy rằng, mọi sự hữu vi đều là kết quả của nhân duyên, em và chàng cũng vậy. Nhưng bất luận thế nào, những ngày qua em đã rất hạnh phúc, cám ơn chàng!

 

Không chờ chàng đáp lại, tôi vội vã quay lưng bước đi, sợ nghe thấy tiếng chàng, quyết tâm ra đi sẽ tan biến. Bước tới hoa viên, giữa không gi­an thấm đẫm ánh trăng trong đêm giá lạnh, vẫn nghe tiếng lầm rầm tụng niệm của chàng tựa làn gió lướt nhẹ bên tai:

 

Tất cả các pháp hữu vi

 

Như bóng, bọt nước có gì khác đâu

 

Như sương như điện lóe mau

 

Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng

 

Vợ chồng Pusyse­da khoác áo choàng ra đón tôi vào nhà, kinh ngạc trước trang phục màu đen từ đầu đến chân của tôi. Trông tôi lúc này chẳng khác gì các nữ hiệp thường xuất hiện về đêm trong các bộ phim truyền hình cổ trang. Có điều, chiếc ba lô hiệu North­face trên vai đã làm hỏng phần nào hình tượng hiệp sĩ ấy. Nửa đêm gà gáy, bốn bề tịch mịch, khi bước tới cổng phủ quốc sư và đưa tay lên gõ cửa, tôi biết sẽ có rất nhiều câu hỏi đang chờ mình. Nếu không phải vì có việc phải nhờ đến Pusyse­da, tôi cũng chẳng muốn khuấy động cuộc sống yên bình của họ. Tôi kể vắn tắt quá trình bỏ trốn khỏi hoàng cung của mình, sau đó vội vã hỏi:

 

- Pusyse­da, ngày kia cậu sẽ cùng nhà vua đến chùa Cakra chứ?

 

Cậu ta gật đầu, ánh mắt thoáng chút khó hiểu. Tôi bật dậy khẩn cầu:

 

- Dù bằng bất cứ cách nào, xin hãy đưa tôi đi cùng.

 

- Ngải Tình!

 

Cậu ta cũng bật dậy, giọng nói nghiêm nghị:

 

- Chị trốn khỏi cung, Lữ Quang rất có thể sẽ cho người truy bắt chị. Lúc này chị không ngoan ngoãn ẩn mình mà còn muốn liều thân ư, chị thật dại dột!

 

- Pusyse­da, chính vì tôi bỏ trốn, nên chắc chắn Lữ Quang không thể ngờ được tôi dám đi theo đến chùa Cakra. Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Vả lại, trong mắt Lữ Quang, tôi chỉ là cô gái khiến Ra­ji­va phá giới, không có vai trò quan trọng gì cả. Ông ta có thể sẽ nghi ngờ không hiểu tôi đã bỏ trốn bằng cách nào, nhưng chắc chắn sẽ không cử cả một đội quân đi truy bắt một kẻ vô danh tiểu tốt như tôi đâu.

 

- Ông ta không cho rằng chị là một kẻ vô danh tiểu tốt đâu.

 

Cậu ta giậm chân, lắc đầu:

 

- Ông ta đưa đến cả tá mỹ nữ, vậy mà suốt bao nhiêu ngày, huynh ấy chẳng động đến ai cả. Nhưng khi ông ta mới tỏ ý muốn hại chị, huynh ấy đã lập tức lao đầu vào tự vẫn. Lữ Quang đâu có khờ, ông ta đã đoán ra chị quan trọng như thế nào đối với huynh ấy. Nếu để ông ta phát hiện ra chị, chẳng khác nào tự đến nộp mạng. Chị làm vậy sẽ khiến huynh ấy khó xử.

 

- Pusysede, tôi có thể trốn khỏi hoàng cung, tất nhiên tôi sẽ có cách tự bảo vệ mình, Lữ Quang không bắt được tôi đâu. Nếu phải gi­am mình ở đây chờ đợi, tôi sẽ hóa điên mất. Xin cậu, hãy đưa tôi đi. Chỉ cần được nhìn thấy chàng là tôi mãn nguyện rồi. Tôi sẽ không làm việc gì dại dột khiến cậu gặp phiền phức đâu.

 

Khóe mắt nóng ran, tôi ra sức kiềm chế, tôi đã tự hứa với lòng mình, sẽ không để những giọt nước măt vô nghĩa nhỏ xuống nữa.

 

- Ngải Tình, tôi không sợ phiền phức. Nhưng nếu đưa chị đi cùng, cũng đâu phải giải quyết được vấn đề gì?

 

Giọng nói của cậu ấy nhẹ nhàng hơn, bàn tay chực chìa về phía tôi, đến nửa chừng lại thu về.

 

- Tôi không biết có thể làm được điều gì cho chàng, nhưng tôi không thể bỏ mặc chàng. Tôi chỉ muốn lặng lẽ đi theo, để ít nhất được yên lòng về chàng.

 

Tôi hướng về Pusyse­da tất cả nỗi kỳ vọng và khẩn cầu tha thiết của mình:

 

- Nếu như Hiểu Huyên và bọn trẻ gặp nạn, cậu sẽ làm gì? Mong cậu hiểu cho tôi.

 

Ánh mắt Pusyse­da như đang trôi về miền ký ức xa xăm nào đó, nét mặt thoáng chút bi ai, cậu ta trầm ngâm nhìn tôi. Một lúc lâu sau mới thở dài ảo não:

 

- Ngải Tình, chị vẫn giống hệt mười một năm về trước…

 

- Lòng dũng cảm của cô Ngải Tình khiến người khác phải khâm phục. Thiếp xin chàng hãy giúp đỡ cô ấy.

 

Hiểu Huyên nãy giờ vẫn yên lặng ngồi bên, đột nhiên cất tiếng trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Hán:

 

- Hiểu Huyên…

 

Pusyse­da nhìn Hiểu Huyên cười buồn.

 

- Thiếp cũng từng trải qua nỗi khổ vì yêu, nên rất hiểu tâm tư của cô, Ngải Tình. Xin chàng hãy giúp đỡ đôi uyên ương tội nghiệp ấy!

 

- Không phải ta không muốn giúp, nhưng ta đưa chị ấy đi bằng cách nào? Lữ Quang và đám con cháu của ông ta đều từng gặp chị ấy, nếu để lộ tung tích thì phải làm sao?

 

- Thiếp nghe nói, đức vua đưa cả thê thiếp đến chùa lễ Phật, chàng đưa người thân đi cũng đâu có gì lạ. Chàng hãy để cô Ngải Tình đóng giả thiếp là được.

 

Hiểu Huyên suy nghĩ một lát, quan sát tôi một lượt, rồi tiếp tục thuyết phục chồng:

 

- Từ khi về làm dâu nhà chàng, thiếp ít khi ra ngoài, nhưng ai nấy đều hay thiếp là người Hán. Chàng có thể ứng đối với người ta rằng, kể từ sau lần sinh nở thứ hai, thiếp luôn muốn đến chùa lễ Phật tạ ơn. Chỉ cần nói dối rằng thiếp bị cảm lạnh, phải trùm khăn che mặt là ổn. Cô Ngải Tình có đôi mắt rất giống thiếp, vóc dáng cũng vậy, cô ấy đóng giả thiếp chắc chắn không ai nghi ngờ. Chàng lại là quốc sư một nước, lẽ nào có kẻ dám vén khăn che mặt của thiếp để kiểm chứng đúng hay sai?

 

Hay lắm! Quả là một phụ nữ thông minh, lanh lợi! Tôi vui như mở cờ trong bụng, nắm lấy tay Hiểu Huyên, xúc động:

 

- Tốt quá! Cảm ơn phu nhân!

 

- Cô Ngải Tình có quan hệ thân thiết với gia đình chúng tôi như vậy, xin đừng gọi tôi là phu nhân, nghe khách sáo và xa lạ. Chi bằng chúng ta gọi nhau là chị em. Tôi có lẽ hơn tuổi cô, tôi gọi cô là em gái, được không?

 

Giọng nói dịu dàng và chân thành của cô ấy khiến tôi càng thêm yêu cô ấy hơn.

 

- Được chứ! Được làm chị em với một phụ nữ thông minh, xin đẹp như phu nhân là diễm phúc cùa Ngải Tình! Có điều, hai chúng ta chưa biết ai là chị ai là em đâu!

 

Ta thật thà khai báo:

 

- Tôi đã hai mươi lăm tuổi rồi!

 

- Hiểu Huyên, xét về tuổi tác, nàng phải gọi chị ấy là chị đó. Chị ấy hơn nàng một tuổi.

 

Pusyse­da đứng bên bật cười.

 

- Nhưng, nhưng mà trông chị ấy giống như một thiếu nữ mới mười tám, mười chín tuổi vậy!

 

Hiểu Huyên nhấc tay tôi lên, cử chỉ nhã nhặn, không ngừng tán thưởng.

 

- Chị ấy còn rất nhiều điều khiến người ta phải ngạc nhiên nữa kia!

 

Tôi nháy mắt ra hiệu cho Pusyse­da, cậu ta thôi cười, dịu dàng nói với vợ:

 

- Đã khuya rồi, nàng đưa chị Ngải Tình đi nghỉ đi. Ngày mai chúng ta phải chuẩn bị mọi thứ để ngày kia lên đường.

 

Đêm đó, tôi trở về căn phòng quen thuộc của mình. Không ngoài dự đoán của tôi, mọi thứ vẫn được giữ nguyên, thậm chí cả những mảnh giấy viết chữ của Pusyse­da thuở nhỏ vẫn còn đó. Những năm tháng đã khiến chúng trở nên ố vàng, những nét chữ xiêu vẹo đã không còn rõ nét nữa. Đang chìm đắm trong xúc cảm được khơi gợi bởi ký ức, bỗng tôi nghe thấy tiếng ngâm nga phía sau. Gi­ai điệu quen thuộc làm sao, tuy có hơi lạc nốt nhưng chắc chắn đó là bài “Ngủ ngon con yêu”. Tôi giật mình, quay lại nhìn cô ấy:

 

- Tướng công tôi thường hát ru hai đứa nhỏ bằng bài hát này.

 

Cô ấy mỉm cười, đôi mắt trong trẻo chiếu thẳng về phía tôi, có ý thăm dò phản ứng của tôi.

 

- Tướng công có lần đã hỏi tôi về bài hát của người Hán này, nhưng tôi hiểu biết hạn chế chưa từng nghe bài hát này bao giờ.

 

Thì ra cô ấy vẫn băn khoăn chuyện đó.

 

- Hiểu Huyên, chính tôi đã hát cho cả hai anh em họ nghe bài hát này.

 

Tôi hiểu ý tứ của cô ấy và nghĩ rằng nên thành thực:

 

- Chuyện đó đã qua lâu lắm rồi, có lẽ chỉ còn là một chút ký ức mơ hồ mà thôi, quan trọng nhất vẫn là hiện tại… Hiện tại, cô và hai đứa trẻ mới là người thân thiết nhất của cậu ấy, là những người mà cậu ấy muốn chở che, bao bọc nhất.

 

Tôi nhẹ nhàng nắm lấy tay cô ấy, giải bày lòng mình:

 

- Tôi cũng có người mà tôi muốn bảo vệ. Mười năm trước tôi đã bỏ lỡ cơ hội, nhưng bây giờ, tôi quyết không từ bỏ.

 

Tôi ngước nhìn bầu trời đêm tịch mịch bên ngoài, nỗi buồn dâng ngập lòng.

 

- Trừ phi chàng không cần tôi nữa…

 

Tôi nghĩ Hiểu Huyên đã trở về với niềm hân hoan vì khúc mắc đã được giải tảo. Tôi ngồi ngơ ngẩn rất lâu trên giường, kỷ niệm về căn phòng này lần lượt ùa. về. Chuyện xưa tựa như mây khói, chớp măt đã hơn mười năm. Cậu nhóc ngày xưa sáng nào cũng ngồi xổm, chầu chực bên giường tôi nay đã xuất hiện không ít nếp nhăn trên trán, mọi suy nghĩ hành động đã chín chắn, chững chạc, già dặn hơn rất nhiều.

 

Tôi bất giác nhớ lại người cha của họ từng nói với tôi. Pusyse­da là người dám làm dám chịu, tính cách phóng khoáng, nhiệt thành, tuổi trẻ bốc đồng, phóng túng, nhưng sẽ trưởng thành theo thời gi­an. Còn Ra­ji­va, chàng quá ư thông minh, từ nhỏ lại chưa từng phải chịu khổ. Suy nghĩ đè nặng trong lòng nhưng chẳng chịu nói ra. Tính cách ấy sẽ phải đổi bằng một đời bất hạnh.

 

Tôi cười buồn. Mười năm sau, những lời của Ku­marayana đã được nghiệm chứng. Ra­ji­va, chàng có bao nhiêu điều kìm nén trong lòng không thể nói ra? Lúc này, chàng đang làm gì? Hay là cũng ngồi thẫn thờ ngắm nhìn bầu trời đêm ngàn sao, chờ trời sáng? Lúc ra đi, em đã kìm lòng không nhìn chàng. Em đã tự an ủi rằng, vì chàng muốn em bỏ trốn nên mới nói những lời nghiệt ngã ấy. Tuy chàng chưa một lần nói yêu em, nhưng em biết, chàng đã yêu em từ khoảnh khắc chàng cầm lên cây viết và họa lại hình em. Chàng yêu em, không phải vì em là tiên nữ, không phải vì em là đệ tử của Phật tổ, mà chỉ vì em là cô gái đầu tiên, cũng là cô gái duy nhất bước vào trái tim chàng.

 

Tôi thở dài, cố gắng đẩy những phiền muộn trong lòng ra ngoài. Lúc này tôi chỉ có thể dựa vào lí do ấy để tin tưởng và tự động viên. Nếu không tôi chẳng biết phải lấy cớ gì để đến được bên chàng.

 

 

 

Chương 50: Pusyse­da và lịch sử

 

Xe ngựa của phủ quốc sư dừng lại ở quảng trường phía trước hoàng cung, chúng tôi đứng đó chờ đợi đức vua Khâu Từ và đoàn tùy tùng của Lữ Quang. Ốc đảo Khâu Từ lúc này đã bước vào đầu tháng Chín, buổi sớm tinh mơ khí lạnh giăng giăng. Bạch Chấn và bầu đoàn thê tử của ngài đã đến và sắp xếp ổn thỏa đâu vào đấy, vậy mà vẫn chưa thấy Lữ Quang xuất hiện. Chờ tới tận khi mặt trời đã lên cao bằng ba con sào, ông ta mới đủng đỉnh từ trong cung tiến ra, vây quanh là hàng tá mỹ nữ Khâu Từ, cùng đội quân hộ tống đông đảo, so với Bạch Chấn, sự lấn lướt rất rõ nét.

 

Tôi chỉ dám đưa mắt nhìn trộm từ trong xe ngựa, tìm kiếm xung quanh Lữ Quang. Rất dễ nhận ra chàng, không phải vì khí khái bất phàm và vóc dáng nổi trội giữa đám quân lính người Hán, mà vì trang phục của chàng. Chàng khoác chiếc áo choàng rộng màu nâu sòng, một bên vai để trần, phục trang ấy hoàn toàn khác biệt so với đoàn tùy tùng rực rỡ, lấp lánh ngọc ngà châu báu của Lữ Quang. Trong những ngày chúng tôi bị gi­am lỏng, Lữ Quang ép chàng mặc trang phục của dân thường, nhưng hôm nay lại cho phép chàng khoác áo tăng lữ, ông ta hẳn có ý đồ đen tối gì đây.

 

Đoàn tùy tùng của Lữ Quang đã chuẩn bị xong xuôi. Một tên lính ra sức kéo một con ngựa đến bên Ra­ji­va. Con ngựa đó chỉ nhìn thoáng qua cũng biết là một con ngựa dữ, nó không ngừng hí lên dữ tợn và bất tuân lệnh chủ. Không nghe rõ họ nói gì với nhau, tôi chỉ thấy Ra­ji­va lặng lẽ đón lấy dây cương, chuẩn bị trèo lên.

 

Tôi nhắm chặt mắt lại, không dám chứng kiến những gì diễn ra tiếp theo. Trái tim như rỉ máu, đầu óc mê muội. Sự việc đã diễn ra như nó phải thế, dù tôi có cố gắng thay đổi thế nào đi nữa.

 

Những trận cười nhạo ác ý vang lên giữa đám đông. Đó là những kẻ ngu muội, xem tôn giáo như trò phù thủy, như một thứ mê tín dị đoan. Bọn họ chỉ biết lăm le cợt nhả, xem thường, hòng áp chế uy lực của thần quyền. Lịch sử đã chứng minh, Lữ Quang chẳng qua chỉ là một tên hề, Ra­ji­va mới là bậc danh sư được người đời tôn kính. Tôi không muốn phải chứng kiến cảnh chàng bị đem ra làm trò hề và chắc rằng chàng cũng không muốn để tôi phải thấy cảnh đó. Tôi nắm chặt chiếc khăn lụa Ata­la trong tay, thầm khích lệ: Ra­ji­va, cố gắng lên, hãy cố gắng lên!

 

Có tiếng xôn xao giữa đám đông, âm thanh của ai đó đang gào lên phẫn nộ. Kéo rèm cửa, ngó ra ngoài, Pusyse­da đang đứng chắn phía trước con ngựa hung hãn, cậu ta đỡ lấy Ra­ji­va mình lấm bụi đất, tay ôm đầu gối, vẻ mặt đau đớn.

 

Lữ Quang to nhỏ vài câu với thuộc hạ, con ngựa ác bị dắt đi, một chiếc xe bò lại được đưa đến trước mặt Ra­ji­va. Mọi người đều cưỡi ngựa hoặc ngồi xe ngựa, xe bò chỉ dành cho các gia đình nghèo khổ, thấp kém. Nhưng phô bày sự đãi ngộ tồi tệ chưa phải là mục đích chính của Lữ Quang. Con bò này chắc chắn không bình thường, có lẽ chính là loại bò điên được ghi chép trong sử sách.

 

Pusyse­da đầy vẻ lo lắng, không muốn để Ra­ji­va lên xe. Vẻ mặt Lữ Quang cũng không dễ chịu gì, ông ta quay sang to nhỏ vài câu với Bạch Chấn, ngay lập tức nhà vua phải đích thân kéo Pusyse­da ra ngoài.

 

Nhìn thấy Bạch Chấn kéo tay Pusyse­da đi về phía cỗ xe ngựa của mình, tôi vội vàng trùm khăn che mặt lại. Rèm cửa được vén ra, nhà vua gật đầu với tôi, vẻ ái ngại, tiếng Hán lơ lớ cất lên:

 

- Phu nhân hãy can ngăn quốc sư, đừng làm chuyến đi bị chậm lại.

 

Tôi đưa tay ra kéo Pusyse­da, khẽ cúi đầu đáp lễ với Bạch Chấn, hạ thấp giọng:

 

- Thần thiếp hiểu, xin tạ ơn đức vua!

 

Chờ Bạch Chấn đi khuất, tôi nói khẽ với Pusyse­da:

 

- Lên xe đi, đừng chọc giận Lữ Quang nữa.

 

Pusyse­da cau mày:

 

- Ngải Tình, chị nỡ lòng nào nhìn huynh ấy phải chịu như thế, chị không yêu huynh ấy sao?

 

- Pusyse­da, chính vì yêu Ra­ji­va, nên tôi mới phải nhẫn nhịn. Lữ Quang bày mưu hạ nhục Ra­ji­va bằng mọi cách, cậu đứng ra ngăn cản chẳng những không giải quyết được vấn đề gì, sẽ chỉ khiến hắn thêm tức giận mà trút hết lên đầu Ra­ji­va thôi.

 

Tôi buồn bã nhìn Pusyse­da, thở dài:

 

- Trong thời thế kẻ mạnh chà đạp kẻ yếu này, ngoài việc thản nhiên đối diện, chúng ta không còn cách nào khác.

 

Pusyse­da ngồi xuống phía đối diện với tôi, vẻ mặt vẫn nhuốm đầy uất hận. Cậu ta nặng nề buông tiếng giục phu xe.

 

- Đi thôi!

 

Cỗ xe từ từ lăn bánh, tiếng cười nhạo vẫn vang lên phía trước đoàn xe. Pusyse­da sa sầm mặt mày, vén rèm cửa nhìn ra ngoài.

 

Tôi nhìn cậu ta lại lắc đầu:

 

- Đừng nhìn nữa.

 

Rồi giữ giọng bình tĩnh nói với cậu ta:

 

- Dù Ra­ji­va có thể bình thản đối diện với mọi sự hành hạ, nhạo báng, nhưng chàng cũng có lòng tự trọng của chàng, chàng không muốn người thân của mình phải chứng kiến cảnh đó đâu. Chúng ra không nhìn, tức là chúng ta tôn trọng chàng, cậu hiểu chứ?

 

- Ngải Tình…

 

Vẻ mặt Pusyse­da đầy đau đớn, khóe mắt nhuốm đỏ:

 

- Chị có thể bình tĩnh thật ư? Nhưng sao sắc mặt lại trắng bệch và đôi mắt lại thâm quầng thế kia?

 

Tôi ngẩng người, nghiêm trọng vậy ư? Mấy ngày qua đều mất ngủ, tôi biết sắc mặt mình rất khó coi. Nhưng diện mạo này, vô tình lại rất khớp với lời nói dối: phu nhân của Pusyse­da đang bị cảm lạnh.

 

- Tôi đã truyền tin dặn dò chị khuyên nhủ huynh ấy kia mà! Huynh ấy không chịu nghe, hay chị không chịu nói?

 

Nhớ lại khoảnh khắc chia ly, tim tôi quặng thắt. Tôi phải hít một hơi thật sâu để lấy lại sự bình tĩnh:

 

- Chắc cậu biết Lữ Quang ép Ra­ji­va phải làm gì chứ?

 

- Lúc đầu thì không, nhưng bây giờ tôi có thể đoán ra được.

 

- Vậy theo cậu, Ra­ji­va có chấp nhận cầu cạnh Lữ Quang và ca tụng công đức của ông ta không?

 

- Dù không muốn, huynh ấy cũng nên nghĩ cách để kéo dài thời gi­an hoặc tạm thời chấp nhận, Tóm lại là phải tính kế lâu dài, việc gì huynh ấy phải một mực từ chối để bây giờ phải chịu sự đày đọa, sỉ nhục như vậy?

 

- Pusyse­da, Ra­ji­va có niềm tin của riêng chàng, đó là điều mà Lữ Quang không bao giờ khuất phục được. Sự đày đọa về thể xác dù sao cũng dễ chịu hơn nhiều sự dằn vặt về tinh thần. Chàng đã quyết định như vậy, cho nên dù xảy ra chuyện gì, tôi cũng sẽ đi theo và ủng hộ chàng. Thậm chí…

 

Tôi ngừng lại, giữ chặt bàn tay đang run lên bần bật, rồi mới tiếp tục:

 

- Nếu chàng không cần tôi nữa, tôi sẽ ra đi.

 

Ngày sau chàng sẽ theo Lữ Quang đến Lương Châu. Mười bảy năm đằng đẵng, vậy mà trong truyện kí về chàng chỉ lưu lại một và lời dự đoán lạ lùng, không đáng tin cậy. Từ việc này, có thể khẳng định, chàng không chịu thuận theo Lữ Quang. Mười bảy năm trời chàng còn không chịu khuất phục, nói chi bây giờ.

 

Pusyse­da nhìn tôi rất lâu, ánh mắt ngập đầy tình thương và nỗi bi ai:

 

- Ngải Tình, chỉ có chị là người hiểu huynh ấy nhất, chả trách mười năm lại mười năm, huynh ấy vẫn một lòng chờ đợi chị. So với huynh ấy, tình yêu năm xưa của tôi dành cho chị, chẳng đáng kể gì. Tôi không giành được trái tim chị, cũng là điều dễ hiểu.

 

Tôi mỉm cười nhớ lại Pusyse­da thời trẻ bồng bột, bướng bỉnh, tôi không khỏi xúc động:

 

- Vậy là, cậu đã chịu từ bỏ sự cố chấp của tuổi trẻ.

 

Ánh mắt Pusyse­da như trôi đến tận phương nào, sau một hồi trầm ngâm, đột nhiên cậu ta cất tiếng:

 

- Huynh ấy gặp nạn cũng một phần do lỗi của tôi.

 

Tôi không khỏi ngạc nhiên.

 

- Trước khi ra đi, chị từng nói, ngày sau Khâu Từ sẽ trải qua một biến cố rất lớn. Nếu tôi tiếp tục theo nghiệp binh đao, sẽ khó bảo toàn tính mạng. Chị còn khuyên tôi nên tạo dựng mối quan hệ mật thiết với cậu út, cậu ấy sẽ là chỗ dựa của tôi sau này. Chị nhớ chứ?

 

Tôi gật đầu, trong lòng không khỏi thấp thỏm:

 

- Cậu đã làm gì?

 

- Tôi cố ý chọc giận đức vua Bạch Thuần, giờ thì nên gọi ông ta là Tiên Vương mới phải, nên đã bị đuổi khỏi đội cấm vệ quân. Tôi và ông ấy vốn có ân oán từ trước, nên ông ấy không coi tôi ra gì. Sau khi cha mẹ tôi qua đời, ông ấy chẳng cần phải nể nang nữa… Rời đội cấm vệ quân, tôi quyết định buôn tơ lụa, kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng Bạch Thuần không chịu trao quyền kinh doanh mỏ đồng cho tôi, lại trao cho hoàng tử thứ tư – một kẻ ngu muội. Hắn kinh doanh thua lỗ, lại đổ tội cho tôi ngăn cản thương nhân Shan­shan mua đồng của Khâu Từ. Bạch Thuần tức giận xung công rất nhiều cửa hiệu tơ lụa của tôi. Thời gi­an đó, tôi sống rất khổ sở.

 

Nhớ lại chuyện cũ, nỗi tức giận dâng lên trong giọng kể của Pusyse­da:

 

- Một tên vua tàn bạo, xa hoa như vậy, lật đổ ông ta sẽ tạo phúc cho trăm họ. Thêm nữa, tôi cũng muốn trả thù, nên đã kích động cậu út tạo phản. Cậu út bản tính hèn nhát, không có dã tâm, mọi việc trù bị cho cuộc soán ngôi đều do một mình tôi lo liệu. Chúng tôi vốn không có thực lực, lại không nắm giữ quân đội trong tay, nên trong chuyến cống nạp cho triều đình nhà Hán sáu năm trước, tôi đã theo cậu út đến Trường An. Năm đó được diện kiến Vua Tần – Phù Kiên, ông ta tự xưng mình là bậc anh hùng cái thế, trong cuộc chuyện trò, tôi nhận ra dã tâm muốn thu phục Tây vực của Phù Kiên… nên sau khi quay về, tôi liên lạc với Shan­shan, Chirsh – các tiểu quốc từ lâu đã bất mãn với việc Bạch Thuần xưng bá ở Tây vực, cùng nhau tập hợp lực lượng. Ba năm trước, vua của ba tiểu quốc Tây vực đã cùng nhau đến Trường An tiến cống. Dưới sự chỉ đạo của tôi, họ đã cùng thỉnh cầu Phù Kiên Tây chinh, đồng thời tình nguyện làm “người dẫn đường” cho quân đội Tây chinh của Phù Kiên.

 

Tôi tròn xoe mắt nhìn Pusyse­da. Thật không ngờ, những diễn biến lịch sử mà tôi thuộc làu làu về gi­ai thoại này, lại do cậu ta sắp bày tất cả.

 

- Từ lâu tôi đã nể phục Phù Kiên, tôi muốn dựa vào sức mạnh của ông ta để trừ bỏ Bạch Thuần. Phù Kiên hứa hẹn sẽ đối xử với Khâu Từ như nhà Hán, cho phép Khâu Từ tự trị, chỉ cần hàng năm cống nạp đầy đủ là được. Tôi biết anh trai mình lúc nào cũng đăm đắm hướng về đất Hán, muốn đến đó tìm chị, lại lo huynh ấy gắn bó quá mật thiết với Bạch Thuần thì sau này sẽ bị vạ lây, nên trước mặt Phù Kiên, tôi đã hết lời ca ngợi tài trí của huynh ấy và khuyên Phù Kiên mời huynh ấy đến Trường An truyền pháp. Phù Kiên vốn nghe danh anh tôi đã lâu, nên đã hạ lệnh cho Lữ Quang nhất định phải công phá Khâu Từ, sau đó lập tức đưa anh tôi về Trường An.

 

 Tôi không thốt nổi nên lời, sao lại có chuyện như vậy…

 

- Ngải Tình, tôi đâu ngờ Phù Kiên lại bị nước Tấn đánh bại vào lúc này, nước Tần của ông ra vốn hung mạnh nhất Trung Nguyên kia mà! Tôi lại càng không thể tin được, Lữ Quang nhân dịp này mưu đồ xưng bá Tây vực, đã gi­am cầm anh tôi. Nguyên nhân sâu xa những bất hạnh của huynh ấy đều do tôi gây nên.

 

Khuôn mặt Pusyse­da đầy vẻ hổ thẹn, bàn tay đan chặt vào nhau như muốn vò nát nỗi bi phẫn.

 

- Nếu được, tôi sẵn sàng chịu tội thay huynh ấy. Mỗi lần nhìn huynh ấy rơi từ trên lưng ngựa xuống, tôi cảm thấy vô cùng đau đớn.

 

Bên ngoài cửa xe lại rộ lên những tràng cười, âm thanh ấy tựa như những mũi tên từ bốn phương tám hướng bắn thẳng vào tôi, tôi như muốn ngã quỵ, phải vịn vào cánh tay của Pusyse­da.

 

- Không, không phải lỗi của cậu. Lỗi ở tôi, ngày ấy, chính tôi đã tiết lộ chuyện tương lai cho cậu. Nếu muốn truy xét, thì chính tôi đã hại chàng…

 

Vì sao lại như vậy? Rốt cuộc tôi là ai? Tôi là một phần tử của gi­ai đoạn lịch sử này ư? Vì sao không hề có ghi chép nào về tôi? Rốt cuộc, tôi đóng vai trò gì giữa dòng sông lịch sử đang cuồn cuộn chảy trôi này? Chính tôi đã chuyển động bánh xe lịch sử vĩ đại ư? Hay là, ngay cả khi không có tôi, kết cục vẫn như vậy? Rốt cuộc là ai, là ai đang bày trò chơi số phận này với chúng tôi?

 

Nếu theo thuyết duy tâm, thì việc tôi vượt thời gi­an và gặp gỡ Ra­ji­va cũng không phải là chuyện tình cờ. Và chàng không chịu bỏ trốn cùng tôi là quyết định đúng đắn. Bởi vì, cho dù thế nào, lịch sử vẫn sẽ diễn ra theo hướng đã định sẵn, Ra­ji­va chắc chắn sẽ trở thành một vị cao tăng danh tiếng lẫy lừng trong lịch sử. Vậy nên, suy cho cùng, tôi chẳng thể thay đổi được bất cứ điều gì…

 

Sách sử ghi chép rằng “Lữ Quang bày trò hạ nhục Ku­mara­ji­va, ép nhà sư thành thân với công chúa Khâu Từ”. Tôi đã cố tình bỏ qua chi tiết lịch sử này, thậm chí xóa khỏi bộ nhớ. Tôi tự nhủ rằng, những ghi chép về Ra­ji­va có quá nhiều điểm không đáng tin cậy và điều này chắc chắn cũng là một dạng “tin đồn thất thiệt”. Vả lại, tôi đã thay thế Ak­saya­mati, trở thành “đối tượng” phá giới của Ra­ji­va, tức là đã thay đổi lịch sử. Đối với hậu thế, điều này sẽ trở thành một ẩn số. Nhưng, câu nói của Pusyse­da khiến tôi thấp thỏm không yên. Nếu lịch sử vẫn lăn bánh theo hướng đã định sẵn, nếu ghi chép trên kia là sự thực, thì dù tôi có làm gì, Ak­saya­mati vẫn sẽ trở thành vợ của Ra­ji­va.

 

- Ngải Tình, chị sao thế?

 

Một cánh tay vòng qua đỡ lấy tôi.

 

Tôi ngước nhìn Pusyse­da, đầu óc choáng váng, toàn thân chao đảo. Không được, tôi không thể gục ngã, không thể yếu đuối trong lúc này. “Thành thân với công chúa Khâu Từ”, “thành thân với công chúa Khâu Từ”, không nghĩ ngợi nhiều nữa, mặc cho con đường phía trước sẽ ra sao, tôi nhất định phải giữ vững tinh thần để ứng phó với tất cả.

 

- Tôi không sao, chỉ hơi chóng mặt thôi, chợp mắt một lát sẽ ổn.

 

Tôi dựa lưng về phía sau, đầu óc trống rỗng. Dường như có ai đó đang gọi tên tôi. Tôi không cất nổi tiếng đáp lại, tôi thật sự rất mệt…

 

Lúc lờ mờ tỉnh lại, tôi mới nhận ra mình đang nằm trong vòng tay Pusyse­da. Tôi ngượng ngùng ngồi dậy, nhìn thấy sự quan tâm, lo lắng hiển hiện trên gương mặt cậu ấy.

 

- Sao chị lại ngất đi thế?

 

- Không sao đâu, chỉ tại mấy hôm nay tôi bị mất ngủ, nên hơi mệt thôi.

 

Không muốn nói thêm nữa, nhận thấy xe ngựa đã dừng lại, tôi bèn hỏi cậu ấy:

 

- Vì sao dừng lại?

 

- Lữ Quang muốn nghỉ ngơi.

 

Vẫn là ánh mắt lo lắng nhìn tôi đăm đăm, Pusyse­da thở dài:

 

- Tôi đi xem anh tôi thế nào.

 

Tôi lên tiếng giữ cậu ấy lại, Pusyse­da mỉm cười lắc đầu:

 

- Yên tâm, tôi sẽ giữ bình tĩnh.

 

- Đưa vật này cho chàng giùm tôi…

 

Đón chiếc khăn lụa Ata­la từ tay tôi, Pusyse­da trầm ngâm giây lát rồi nhìn tôi gật đầu.