Giấc mơ bay đi

Quỳnh dùng cây cọ nhỏ vẽ lên cổ tay trái của tôi một họa tiết hoa văn bí ẩn. Nó làm tôi liên tưởng đến hoa văn trên cây trủy thủ lấy ra từ một ngôi mộ cũ. Cô thì thầm đầy phấn khích:

- Và thế rồi cậu cứ việc ra đường, đi nghênh ngang và chìa hình xăm này ra. Bọn giang hồ vặt sẽ nhìn cậu đầy khiếp sợ. Ha ha ha…

Quỳnh cười từng tiếng một, nghe giòn giã nhưng không chứa một chút gì có thể ngộ nhận là niềm vui. Tôi có cảm giác như bị một mũi kim độc bay vào người và toàn thân tôi tê điếng khi bắt gặp ánh mắt hoang dại, lạnh lùng của Quỳnh.

oOo

Quỳnh học ngành mỹ thuật. Cô sống trong một căn phòng nhỏ trên gác thượng trong xóm trọ có nhiều sinh viên trường ấy. Rặt một bọn điên! Tôi lặp lại ý nghĩ đó mỗi lần ghé ngang nhà Quỳnh và chứng kiến dăm trò khác người của những anh chàng “nghệ sĩ nửa mùa” cùng khu. Tỉ dụ như một tên tóc dài xõa kín mặt, trên người vẽ vằn vện ngồi phệt ở cổng vào khu nhà như một vị thổ thần, rít thuốc lào sòng sọc và hát vống lên bài rock kinh điển bằng cái giọng nhừa nhựa khét khói. Hay một thằng cha trọc đầu chuyên mặc một cái áo bằng bao bố, cổ áo và tay được khoét với những nhát kéo tung tẩy, giữa trưa nắng ra khoảng sân chung ngồi kiết già. Tôi nói ý nghĩ đó cho Quỳnh. Quỳnh tỏ vẻ khó chịu với nhận xét của tôi: “Kệ bọn nó, chết ai đâu!”.

Phòng Quỳnh không hẹp lắm, tường treo một tấm hình John Lennon to kín, sàn ngập ngụa giấy vẽ, cọ màu và những tảng xốp vụn. Thường thì Quỳnh tót lên giường làm tiếp công việc dang dở sau khi bật nhạc, mặc kệ tôi tự xoay sở dọn dẹp đống hỗn loạn dưới sàn hòng kiếm một chỗ ngồi. “Trước đây mình ở chung với một cô bạn học điêu khắc – Quỳnh nói hôm đầu tiên dẫn tôi về chơi – Cô ấy có tài, mê John và hát rất hay, thi thoảng có đi hát ở một bar nhạc. Rồi cậu biết không, một buổi chiều tháng mười một vừa rồi, cô ấy nhảy từ tầng bảy của một tòa nhà xuống đất. Tự do. Như một con chim non rồ dại lần đầu tiên và cuối cùng được chạm vào bao la. Vậy mà trước đó cô ấy còn rủ mình đến chủ nhật hai đứa sẽ đi ra biển chụp ảnh hoặc vẽ vời gì đó cho qua một tháng mười một quá nhiều ngày trống rỗng”.

Giọng Quỳnh đều đều không biểu lộ quá nhiều xúc cảm. Nhưng cách Quỳnh nói làm tôi hiểu họ đã gắn bó với nhau như thế nào. Bỗng Quỳnh hỏi tôi, cậu nghĩ gì về những người tự tử? Mình nghĩ họ đang truy tầm một thứ cảm giác bình yên đầy hoang tưởng. Tôi thành thật. À ha – Quỳnh nhại lại tôi vẻ bất mãn – đầy hoang tưởng! Rồi suốt buổi hôm ấy cho đến tận lúc tôi về, cô ấy không nói gì thêm nữa. Tôi thấy được cái chết của người bạn cùng phòng đã tác động đến Quỳnh rất nhiều, và lời nhận xét của tôi làm tổn thương cô ấy.

Những lần khác, nếu vui, Quỳnh mở Beatles rồi ngồi vẽ hoặc hì hụi cắt xốp làm mô hình bằng một con dao rọc giấy, thỉnh thoảng hỏi tôi dăm ba chuyện linh tinh ở công ty. Kin kít kin kít kin kít… Con dao sắc ngọt làm tảng xốp rên rỉ quằn quại. Tôi ớn lạnh mỗi khi nghe thấy âm thanh đó. Tôi cảm nhận rõ từng chân tóc sau gáy mình thảng thốt dựng lên. Thật không may nếu tôi sang nhằm lúc Quỳnh buồn. Cô ấy bật một đĩa nhạc kinh Tây Tạng rồi leo lên giường nằm thiểu não. Đôi lúc tôi loáng thoáng nghe Quỳnh lảm nhảm gì đó về một người cô ấy rất yêu, nhưng không nhớ rõ lắm. Tiếng nhạc kinh làm tôi cảm thấy buồn ngủ. Đến khi tôi tỉnh táo lại thì Quỳnh đã ngủ từ bao giờ, nước mắt chảy thành dòng ướt gối. Tôi đoán Quỳnh đang có một tình cảm tuyệt vọng. Nhưng không bao giờ tôi dám chạm đến.

Những lần viếng thăm ngồ ngộ cứ diễn ra như thế, chúng tôi ai làm việc nấy. Tôi lấy máy ra làm việc hoặc ngồi đọc dăm ba trang tiểu thuyết Quỳnh chất đống ở góc phòng. Những quyển sách của Camus, Kafka, Murakami… ấy có lẽ do cô bạn cùng phòng để lại bởi chữ ký trên trang đầu tiên mỗi cuốn sách không phải là chữ Quỳnh. Chỉ dăm ba trang mỗi lần thôi. Tôi nghĩ người ta sẽ bớt hoang mang hơn khi không gọi được tên trạng thái của chính mình. Và như thế, họ yên ấm trong thực tại. Đến khi có ca học hoặc hẹn với ai đó, tôi tự động đứng dậy ra về. Nhạc thì cứ vang suốt như đo đếm khoảng thời gian đông cứng. Một lần đánh bạo, tôi hỏi Quỳnh “Sao cậu cứ thấy mình qua là bật nhạc lên thế?”. Quỳnh nhìn tôi, trả lời thành thật bằng sự e dè hiếm hoi: “Vì mình không biết nói gì với cậu cả. Thế giới của chúng ta xa lạ với nhau quá!”.

Tôi thấy buồn.

Những năm học chung phổ thông, tất cả những gì tôi nhớ về Quỳnh chỉ là một cô bé học dở toán kinh khủng, lập dị đến nỗi có phần hơi… khùng khùng và ít giao tiếp. Đến năm tư đại học, tình cờ gặp lại, chúng tôi mới bắt đầu nói chuyện với nhau. Quỳnh làm freelance, thường nhận vẽ story board cho công ty quảng cáo mà tôi đang làm account tập sự. Và từ hôm ấy, tựa như có một sự mê hoặc lạ lùng nào đó, tôi trở thành cái bóng của Quỳnh, mặc kệ sự hờ hững rất đáng tổn thương của cô bạn cũ.

Tôi có yêu cô gái lập dị này hay không? Tôi không rõ. Nhưng không được nhìn thấy Quỳnh thường xuyên, tôi cảm thấy bất an vô cùng. Những lúc ngồi nhìn Quỳnh làm việc, hoặc khóc rồi ngủ vùi, tôi hạnh phúc. Rõ ràng, sự sáng tạo mê say đó, cảm xúc thực thà đó là những gì tuổi hai mươi của tôi thiếu vắng. Đến tận lúc gặp Quỳnh, tôi mới sực nhận ra TT của mình đang đi theo một thứ quy trình khốn nạn không hề có bóng dáng của đam mê.

Tôi cố nhớ lại ước mơ của mình ngày bé. Đó là điều hình như đứa trẻ nào cũng có. Có lẽ tôi đã từng ước thành một nghệ sĩ dương cầm tài ba như Horowitz hay một đầu bếp cũng nên, nhưng tôi quên rồi. Tôi cũng cố hình dung xem trước giờ mình có để ý đến cô bé nào không. Và tôi nhớ ra có một lần mình thích cô bạn tóc ngắn học cùng khoa. Tôi viết cho cô ấy một bài thơ nhỏ, nhưng mẹ tôi đọc được và bà không thích điều đó. Vậy là tôi quên ngay cô bé kia, không hề phản kháng.

Và có lẽ tôi sẽ không bao giờ ý thức được để nhìn lại năm tháng tẻ nhạt của mình, cho đến khi có Quỳnh.

oOo

Tôi say sưa với Quỳnh và những cuộc hẹn hò kỳ dị trong một khoảng thời gian rất lâu, đến khi nhìn lại thì chỉ còn ba tháng cho bài luận văn ra trường mà lâu nay tôi chưa thèm ngó đến. Giảng viên hướng dẫn đã ngán ngẩm tôi đến tận cổ. Tôi như sực tỉnh, lao vào làm việc. Nó cướp hết sức lực và tinh thần của tôi, không chỉ vì cường độ tập trung căng thẳng, mà vì tôi không có thời gian gặp Quỳnh thường xuyên.

Hơn ai hết, tôi biết nếu chỉ mềm lòng đến thăm Quỳnh một lần thôi, công việc của tôi sẽ không bao giờ hoàn thành. Cô ấy như một thứ thuốc gây nghiện, làm người ta cần những lần sau và sau nữa, và tất cả những điều về cô ấy sẽ choán hết tâm trí bạn giữa những lần gặp. Tôi đã xin tạm nghỉ việc ở công ty để tập trung cho kỳ thi cuối cùng. Những đêm thức trắng dịch tài liệu, tôi nhớ Quỳnh tưởng phát điên. Những ngón tay run rẩy lần mò trên bàn phím rồi buông xuôi. Tôi nghĩ miên man về những gã khùng khùng cùng khu trọ với Quỳnh. Và tôi tự hỏi bọn hắn sẽ làm gì khi nhớ một người?! Có lẽ không bất lực tồi tệ như tôi.

Bài luận văn còn chương cuối. Huy, gã account làm cùng công ty gọi cho tôi. Tôi cảm thấy khó chịu, không muốn nhấc máy nhưng rồi cũng cầm điện thoại lên. “Tôi không muốn làm phiền cậu trong thời gian này, nhưng có một việc quan trọng. Cô Quỳnh bạn cậu ấy mà, dạo này hai người có liên lạc với nhau không? Cô ấy nhận làm một job, quá hạn đã hai ngày rồi mà vẫn chưa gửi. Gọi điện thì máy không liên lạc được”.

oOo

Tôi đến, thấy Quỳnh nằm bất động trên giường giữa những ly tách bẩn bám cặn cà phê và trà đặc, dăm ba ly mì ăn liền mốc meo lên. Cô ấy sống bừa bộn lâu nay, nhưng chưa bao giờ bừa bộn đến mức ấy.

- Quỳnh bệnh à?

- Ông Huy nhờ cậu “truy lùng” mình đúng không? – Quỳnh nhướng mắt mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng như một con cú mèo, trông thật bệ rạc và đáng thương.

- Chưa bàn đến thái độ vô trách nhiệm đó. Quỳnh ốm thế nào, uống thuốc chưa? – Nói xong, tôi thấy mình hơi gay gắt. Chưa bao giờ tôi nói nặng với Quỳnh.

- Dạo này cậu biến đi đâu? – Quỳnh làm như không nghe tôi nói, hỏi lơ mơ.

Tôi thấy cổ họng mình khô khốc.

- Mình bận làm luận văn.

- À, mình có nghe. Mình quên mất. Cũng không sao, chỉ vì mình đã quen nhìn thấy cậu rồi.

Quỳnh nhếch miệng cười châm chọc tôi, nói tiếp.

- Chứ thật ra, cậu biết không, thật trên đời mình chưa thấy ai tẻ nhạt hơn cậu.

Tôi nghe hụt hẫng vô chừng. Quỳnh giật mình sau câu nói từ đáy lòng mình. Cô ấy nhẹ nhàng xin lỗi tôi. Và cô ấy vẽ lên tay tôi hình xăm đó, cái làm tôi liên tưởng đến hoa văn trên cây trủy thủ lấy ra từ một ngôi mộ cũ. Rồi cô ấy cười lạnh lùng, đôi mắt vô hồn hướng về phía tôi như bắn ra một mũi kim độc.

Chợt đầu óc tôi mụ đi, nghe dâng lên trong lòng một nỗi thất vọng cùng tận. Bỗng nhiên tôi không muốn thấy Quỳnh lúc này. Không muốn chút nào. Cái cô gái bệ rạc và lạnh lùng trước mặt không phải là Quỳnh trước đây của tôi. Dù có bừa bộn, lập dị đến trăm ngàn lần, cô gái ấy vẫn mang lại cho tôi cảm giác đầy mê say khi nhìn vào cuộc sống.

Tôi nhìn lại hình vẽ trên cổ tay mình thêm lần nữa rồi khó khăn nói với Quỳnh:

- Quỳnh không sao là ổn rồi, mình về đây.

Quỳnh không nhìn tôi, gật đầu. Cô ấy chợt gọi khi tôi ra đến cửa:

- Minh này!

- Gì thế?! – tôi giật mình quay lại.

- Đừng có mà yêu mình đấy! Nhưng cũng đừng bỏ mặc mình một mình, được không?!

Tôi gượng cười, quay đi không trả lời. Tôi muốn nói với Quỳnh, rằng trong hai điều đó, tôi chỉ làm được một mà thôi.

oOo

Tôi trở về, làm nốt công việc còn lại, không mảy may nghĩ về Quỳnh nữa. Ngày phai mờ rất nhanh theo hình xăm Quỳnh vẽ lên tay tôi, dù tôi cố giữ. Rốt cục cũng đến ngày tôi bảo vệ luận văn. May sao, nó diễn ra không quá tồi. Ngày hôm ấy tôi thầm mong Quỳnh đến, dù chỉ thoáng qua thôi. Nhưng tôi không thấy cô ấy đâu. Cuối buổi, tôi mới biết tin nhắn của mình vẫn còn nằm trong hộp thư lưu, chưa gửi được. Tôi thấy mình bải hoải. Dường như từ lần gặp cuối, nỗi nhớ đã dồn nén lại cho đến ngày hôm nay. Nó bung ra như một con sóng lớn, bọt mù tung lên trời cao.

oOo

Thằng cha tóc dài xõa xượi vẫn ngồi rít thuốc lào sòng sọc trước cổng khu nhà ấy như một vị thổ thần, nhưng hôm nay hắn hát một bài nghe sến sến buồn buồn. Gã đầu trọc đang trồng cây chuối thông báo với tôi rằng Quỳnh đã dọn đi rồi.

- Lâu chưa? – tôi thẫn thờ.

- Gần cả tháng.

- Đi đâu?

- Ai biết! Mà đ.m, hỏi cho đàng hoàng nghe mày?! – gã đầu trọc nhìn tôi lộn ngược, hất mặt.

Tôi nắm tay thật chặt, nhìn hắn, sẵn sàng liều mạng lao vào đánh nhau để nguôi đi một nỗi buồn đến quá bất ngờ. Tôi nghĩ lúc ấy mình trông buồn cười lắm. Hắn thôi trồng cây chuối, nhìn tôi lạ lùng. Rồi hắn tiến đến đặt bàn tay cáu bẩn lên vai tôi.

- Thôi đừng buồn. Gái ấy mà! Ai biết được trong đầu tụi nó nghĩ gì khi chọn cửa khó mà đi.

Tôi nghe choáng váng.

- Anh nói sao?!

- Nó cặp với ông giảng viên bên Điêu khắc, tháng rồi bị vợ ổng phục đánh ghen um sùm cả xóm này. – Tên trọc đầu bỗng nhiên nhỏ giọng, nghe cay đắng gì đâu.

Đêm đầu tiên khi vừa rời khỏi trường đại học của tôi là một đêm tràn rượu. Thằng đầu trọc xỉn lên bèn trồng cây chuối, ê a đọc một bài kinh tiếng Phạn rồi bỗng nhiên bật khóc tu tu. Gã thổ thần tóc dài xõa xượi khề khà với tôi: Chú mày không biết à, thằng này cũng mê con Quỳnh như điếu đổ.

Tôi muốn ra khỏi cái chỗ điên rồ đó. Tôi gượng dậy bước vài bước nhưng rồi mau chóng đổ vật xuống khoảng sân ximăng. Trong cơn choáng váng, tôi cảm thấy những hoa văn bí ẩn Quỳnh vẽ trên cổ tay mình ngày nào giờ cựa quậy rồi mọc vào bóng đêm như một dây leo màu bạc lấp lánh. Bỗng nhiên tôi run bần bật. Rồi tôi thấy mình chìm vào bóng tối, bơ vơ như cây trủy thủ trong ngôi mộ ngàn năm, hơi thở buốt lạnh hơi đá…

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3