Bí mật tư duy triệu phú - Phần 01 - Quy tắc thịnh vượng 41 - 42 - 43

Quy Tắc Thịnh Vượng số 41:

 Bạn có thể đúng hoặc bạn có thể là người giàu, nhưng bạn không thể là cả hai.

 Câu nói yêu thích của diễn giả Jim Rohn hoàn toàn phù hợp với vấn đề mà chúng ta đang bàn luận ở đây: “Nếu cứ tiếp tục làm những việc mà bạn vẫn luôn làm, bạn sẽ nhận được những gì mà trước này bạn vẫn luôn nhận được”. Bạn đã biết cách “của bạn”, vậy điều bạn cần là học hỏi để biết những cách mới, cách “của người khác”. Đó là lý do tại sao tôi viết cuốn sách này. Mục đích của tôi là cung cấp cho bạn một số hồ sơ tâm thức mới để bổ sung vào những cái bạn đã có. “Hồ sơ mới” ở đây là cách suy nghĩ mới, hành động mới, và nhờ đó sẽ đem lại cho bạn những kết quả mới.

 Đó là lý do tại sao bạn phải liên tục học hỏi và phát triển bản thân.

 Các nhà khoa học phát hiện ra rằng không có loại vật chất nào ở trạng thái tĩnh. Mọi sinh vật đều biến đổi không ngừng. Bạn hãy quan sát cây cối xem. Nếu nó không phát triển, thì hẳn là nó sắp lụi tàn. Điều đó cũng đúng với con người chúng ta và tất cả những sinh vật sống khác: nếu bạn không phát triển nghĩa là bạn đang chết.

 Tôi thích câu nói của tác giả và nhà triết học Eric Hoffer rằng: “Những người học hỏi sẽ được thừa hưởng mọi tinh hoa của trái đất”. Nói cách khác, nếu bạn không liên tục học hỏi, chắc chắn bạn sẽ bị tụt hậu.

 Người nghèo ca thán rằng họ không đủ điều kiện để học hành và viện cớ là do thiếu thời gian hoặc tiền bạc. Ngược lại, người giàu luôn nhớ câu nói của nhà ngoại giao lỗi lạc Benjamin Franklin: “Nếu bạn nghĩ việc học hành là đắt đỏ, hãy thử phớt lờ nó xem nào”. Và hẳn là bạn đã nghe câu này: “Kiến thức là sức mạnh”, và sức mạnh đó sẽ đem lại cho bạn khả năng hành động.

 Mỗi lần giới thiệu chương trình Tư Duy Triệu Phú, tôi đều để ý một chi tiết thú vị là những người đang túng quẫn nhất chính là những người nói: “Tôi không cần khoá học đó”, “Tôi không có thời gian”, hay “Tôi không có tiền”. Trong khi đó, các nhà triệu phú lại háo hức tham gia. Họ còn nói: “Chỉ cần học được một điều mới hay cải thiện được một việc gì đó là đáng để bạn đến khoá học này rồi”. Nếu bạn không có thời gian để làm những việc bạn muốn làm hay cần làm, thì có lẽ bạn là một tên nô lệ hiện đại. Và nếu bạn không có tiền để học cách trở nên giàu có và thành công, thì bạn đúng là người cần khoá học đó hơn ai hết. Xin lỗi bạn, nhưng tôi phải nói rằng câu “Tôi không có tiền” chỉ là cái cớ nhằm thoái thác việc học hỏi để nâng cao kiến thức và mở rộng tầm nhìn. Liệu tình trạng tài chính của bạn có gì thay đổi sau một năm, hai năm hay năm năm nữa? Câu trả lời có lẽ là không. Và tới thời điểm đó bạn vẫn sẽ lặp lại câu nói kia một lần nữa.

 Biện pháp duy nhất tôi biết để bạn có số tiền bạn muốn là học cách chơi “cuộc chơi tiền bạc” một cách thành thạo. Bạn cần phải học các kỹ năng và chiến lược kiểm soát thu nhập để quản lý tiền bạc của bạn, đồng thời để có thể đầu tư chúng một cách hiệu quả nhất. Định nghĩa của từ “mất trí” là vẫn cứ làm theo cách cũ và mong ước những kết quả mới. Bạn nghĩ thử xem, nếu những việc bạn làm đem lại hiệu quả như bạn trông chờ, hẳn là bạn đã trở nên giàu có và hạnh phúc rồi mới phải chứ!

 Đấy là cách tôi quan sát sự việc, bởi đây là công việc của tôi. Tôi tin một nhà huấn luyện tốt sẽ luôn đòi hỏi ở học viên nhiều hơn những gì họ tự đòi hỏi ở mình. Nếu không người ta cần đến nhà huấn luyện để làm gì? Với vai trò nhà huấn luyện, mục đích của tôi là rèn luyện bạn, khích lệ và động viên bạn, vỗ về bạn và mở cửa để trong ánh sáng của cuộc sống bao la, bạn có thể nhìn rõ những gì đang níu bạn lại phía sau. Tóm lại là làm tất cả những điều cần thiết để “di chuyển” bạn lên cấp bậc cao hơn trong cuộc sống của bạn. Nếu cần, tôi sẽ cắt bạn ra từng mảnh rồi ghép trở lại sao cho bạn có thể tự “vận hành” một cách tốt nhất. Tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bạn hạnh phúc hơn và giàu có hơn. Nếu bạn đang tìm kiếm một lời khuyên lạc quan suông, thì tôi không phải người bạn cần. Còn nếu bạn muốn tiến bộ nhanh chóng, thì mời bạn đọc tiếp.

 Quy Tắc Thịnh Vượng số 42:

 “Người thầy nào cũng từng có lúc kém cỏi.” – T. Harv Eker

 Cách đây không lâu có một vận động viên Olympic về trượt tuyết tham dự khoá học của tôi. Khi tôi nói câu này, anh ta đứng dậy và xin được trao đổi vài điều. Trông vẻ nghiêm nghị của anh ta, không hiểu sao tôi cứ nghĩ anh ta sẽ kịch liệt phản đối. Nhưng không, anh kể cho mọi người câu chuyện của chính mình. Khi còn bé, anh ta là người trượt tuyết kém nhất trong số bạn bè cùng trang lứa. Đôi khi họ không thèm rủ anh ta đi cùng vì anh ta chậm chạp quá đỗi. Để theo kịp bạn bè, ngày cuối tuần nào anh cũng lên núi thật sớm và tự luyện tập. Chỉ ít lâu sau, anh không chỉ theo kịp bạn bè, mà còn vượt xa họ. Rồi anh tham gia câu lạc bộ trượt tuyết và được một huấn luyện viên hàng đầu hướng dẫn. Anh ta nói nguyên văn thế này: “Hiện này, tôi có thể là bậc thầy về trượt tuyết, nhưng tôi đã từng có lúc rất kém cỏi. Harv hoàn toàn có lý. Bạn có thể học cách để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Tôi đã học cách để thành công Trong môn trượt tuyết, và mục đích tiếp theo của tôi là học cách để thành công Trong lĩnh vực tiền bạc!”. Không ai vừa sinh ra đã là một thiên tài về tài chính.

 Người giàu nào cũng phải học cách chiến thắng Trong cuộc chơi tiền bạc, và bạn cũng có thể làm như vậy. Hãy nhớ câu khẩu hiệu: Nếu họ có thể làm điều đó, tôi cũng có thể làm điều đó!

 Học cách làm giàu không chỉ đơn thuần là làm sao để có thật nhiều tiền của, mà bạn phải biết bạn cần trở thành người như thế nào về mặt tính cách và tư duy mới có thể trở nên giàu có. Tôi muốn chia sẻ với bạn một bí quyết mà rất ít người được biết: Con đường ngắn nhất để trở nên giàu có và giữ được của cải là làm việc để phát triển bản thân, nghĩa là học cách phát triển bản thân để trở thành một người thành công. Tuy nhiên, thế giới bên ngoài của bạn chỉ là hình ảnh phản chiếu thế giới bên trong của bạn. Bạn là gốc rễ, thành quả của bạn là trái ngọt.

 Có một câu ngạn ngữ mà tôi rất thích: “Dù đi bất cứ nơi đâu, bạn vẫn luôn chỉ là bạn”. Khi bạn đã phát triển bản thân thành một người thành công, mạnh mẽ cả về nhân cách lẫn trí tuệ, thì, một cách rất tự nhiên, bạn sẽ thành công trong bất cứ lĩnh vực nào và trong tất cả mọi công việc bạn làm. Bạn có toàn quyền lựa chọn. Bạn sẽ có nội lực và khả năng lựa chọn bất kỳ công việc, lĩnh vực kinh doanh hay lĩnh vực đầu tư nào, và bao giờ bạn cũng sẽ thành công gì đó là giá trị cốt lõi của cuốn sách này. Khi bạn đang ở cấp độ 5, bạn chỉ nhận được những kết quả dành cho cấp độ 5. Nhưng nếu bạn có thể phát triển bản thân lên cấp độ 10, bạn sẽ nhận được những kết quả ở cấp độ 10.

 Tuy nhiên ở đây có một cảnh báo quan trọng. Nếu bạn không tác động bản thân từ bên trong, trong khi bạn vẫn kiếm được rất nhiều tiền, thì hẳn bạn là người may mắn. Nhưng hoàn toàn có khả năng là bạn sẽ đánh mất số tài sản đó. Nếu bạn luyện tập để trở thành người thành công cả bên trong lẫn bên ngoài, bạn sẽ không chỉ làm ra tiền, mà bạn sẽ giữ được tiền, gia tăng số tiền bạn có và quan trọng hơn cả là bạn sẽ thật sự hạnh phúc.

 Người giàu hiểu rằng thứ tự để đến thành công phải là: LÀ, LÀM, CÓ.

 Người nghèo và người trung lưu tin rằng thứ tự để đến thành công là: CÓ, LÀM, LÀ.

 Người nghèo và đa số những người thuộc tầng lớp trung lưu tin rằng: “Nếu tôi CÓ nhiều tiền, tôi có thể LÀM bất cứ việc gì tôi muốn và khi đó tôi sẽ LÀ người thành công”.

 Người giàu hiểu: “Nếu tôi LÀ người thành công, tôi sẽ có khả năng LÀM những gì cần thiết để CÓ được những gì tôi muốn, kể cả tiền bạc”.

 Còn một điểm khác nữa mà chỉ người giàu mới biết: Mục đích của việc làm giàu không phải là có thật nhiều tiền, mà là để giúp bạn phát triển bản thân trở thành một con người tốt nhất trong khả năng của bạn. Trên thực tế, đó cũng là mục đích của tất cả các mục đích khác, tức là phát triển nhân cách của bạn.

 Khi được hỏi vì sao cô liên tục thay đổi hình ảnh, âm nhạc và phong cách biểu diễn, nữ hoàng nhạc Pop và diễn viên điện ảnh Madonna đã trả lời rằng âm nhạc chính là nơi cô thể hiện cái tôi của mình, và việc làm mới mình đã tạo động lực cho cô phát triển và trở thành mẫu người mà cô mong muốn.

 Tóm lại, thành công không phải là một “cái gì”, mà là một “con người”. Thật thú vị là bạn hoàn toàn có thể tập luyện và học hỏi để trở thành “con người” đó. Tôi biết rõ điều đó. Tôi không phải người hoàn hảo và còn lâu mới được như thế, nhưng khi nhìn lại tôi của ngày hôm này tương phản với tôi của 20 năm trước, tôi có thể nhận ra mối tương quan trực tiếp giữa “tôi và tài sản của tôi” trước kia và hôm nay.

 Tôi đã tìm thấy còn đường đưa tôi đến thành công, và bạn cũng có thể tìm ra. Tôi đã được đào tạo để thành công, nên bây giờ tôi muốn đào tạo hàng trăm, hàng nghìn người khác và giúp họ thành côngì đó là lý do khiến tôi chọn ngành đào tạo.

 Tôi còn phát hiện ra một điểm khác biệt lớn nữa giữa người giàu với người nghèo và trung lưu. Đó là người giàu thường là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Những người ở tầng lớp trung lưu hiểu biết khá lơ mơ về lĩnh vực của họ, còn người nghèo thì gần như không có chút khái niệm nào về lĩnh vực mà họ đang hoạt động. Còn bạn, bạn hiểu biết đến mức nào đối với những việc bạn đang làm? Bạn thành thạo công việc của mình đến mức nào? Bạn có muốn biết cách tìm hiểu điều đó một cách khách quan không? Hãy nhìn vào thu nhập của bạn – nó sẽ nói cho bạn tất cả. Dù chỉ toàn những con số nhưng thu nhập của bạn đã nói rất rành mạch rằng: để có thu nhập ở mức cao nhất, bạn phải là người giỏi nhất.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 43:

 Để có thu nhập ở mức cao nhất, bạn phải là người giỏi nhất.

 Nguyên tắc này thể hiện rõ nhất trong thế giới của các vận động viên chuyên nghiệp, bởi các vận động viên giỏi nhất trong mọi môn thể thao bao giờ cũng kiếm được nhiều tiền nhất, chưa kể họ còn thu được rất nhiều tiền nhờ các hợp đồng quảng cáo. Nguyên tắc này cũng có thể áp dụng trong thế giới tài chính và kinh doanh. Dù bạn là chủ doanh nghiệp, một chuyên gia, một nhà phân phối theo kiểu mạng lưới, bạn đang bán hàng hưởng theo hoa hồng hay đang làm một công việc được trả lương hàng tháng, dù bạn là nhà đầu tư bất động sản, chứng khoán hay bất cứ lĩnh vực nào khác, thì nguyên tắc này vẫn đúng: bạn càng xuất sắc trong lĩnh vực của mình bao nhiêu, bạn càng kiếm được nhiều tiền bấy nhiêu. Đây cũng là lý do khác để bạn không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng Trong bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn đang tham gia.

 Đáng lưu ý là người giàu không chỉ liên tục học hỏi, mà họ còn luôn tìm kiếm và học hỏi từ chính những người xuất sắc trong lĩnh vực mà họ muốn tham gia. Tôi luôn đặt ra nguyên tắc là phải học hỏi từ những bậc thầy thật sự trong lĩnh vực của họ – không phải những người tự xưng là chuyên gia, mà là những người có thể dùng kết quả để chứng minh lời nói của họ.

 Người giàu lắng nghe lời khuyên từ những người giàu hơn họ. Người nghèo nghe lời khuyên từ những người cũng túng quẫn như họ.

 Mới đây, tôi có cuộc gặp với một nhà đầu tư ngân hàng. Ông ta đề nghị tôi bỏ ra vài trăm nghìn đô-la để cùng ông khởi động một dự án kinh doanh mà theo ông là rất khả thi. Ông ta còn bảo tôi gửi cho ông bản kê khai tài chính để ông xem và tư vấn cho tôi cách quản lý tiền bạc. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta và nói: “Xin lỗi, nhưng ông không làm ngược đấy chứ? Nếu ông muốn tôi thuê ông quản lý tiền cho tôi, thì ông phải gửi cho tôi bản kê khai tài chính của ông chứ? Và nếu ông không giàu lắm cũng không sao!”. Người đàn ông đó gìật mình và không nói được gì. Tôi đoán là chưa ai yêu cầu ông ta cho xem bản kê khai tài chính như một điều kiện để đầu tư cùng với ông ta.

 Buồn cười thật, nếu bạn muốn chính phục đỉnh Everest, liệu bạn có thuê một hướng dẫn viên chưa hề lên đến đỉnh núi không, hay bạn tìm một người đã leo lên vài lần và biết tường tận chính xác từng mét đường? Tôi đề nghị bạn quan tâm một cách nghiêm túc và dồn toàn bộ năng lượng vào việc học hỏi không ngừng, đồng thời phải thận trọng khi chọn người để “thọ giáo” hay xin lời khuyên. Nếu bạn học hỏi từ những người đang bị khó khăn tài chính dồn đến cảnh khốn cùng, thì dù họ là nhà tư vấn, nhà huấn luyện hay nhà hoạch định tài chính, thì họ cũng chỉ có một điều để dạy bạn. Đó là cách để phá sản! Nhân đây, tôi khuyên bạn nên cân nhắc việc thuê một nhà huấn luyện về thành công cá nhân. Một nhà huấn luyện giỏi sẽ giúp bạn đi đúng hướng trong quá trình thực hiện những gì bạn đã nói bạn muốn làm. Một số nhà huấn luyện được mệnh danh là nhà huấn luyện “phong cách sống”, nghĩa là họ có khả năng xử lý hàng loạt vấn đề liên quan đến cuộc sống của bạn, trong khi một số nhà huấn luyện khác chỉ đi sâu vào một chuyên ngành nào đó, chẳng hạn thành tích cá nhân hay thành tích nghề nghiệp, tài chính, kinh doanh, các mối quan hệ xã hội, sức khỏe, thậm chí cả tinh thần. Tuy nhiên, trước tiên bạn hãy tìm hiểu rõ tiểu sử của nhà huấn luyện mà bạn muốn thuê để đảm bảo rằng họ đã thật sự thành công trong lĩnh vực mà bạn quan tâm.

 Như việc luôn tồn tại những còn đường chắc chắn sẽ dẫn bạn leo đến đỉnh Everest, bao giờ cũng có những phương thức và chiến lược hữu hiệu giúp bạn có thu nhập cao, đạt được tự do tài chính và tạo ra của cải một cách nhanh nhất. Vấn đề còn lại là bạn phải quyết tâm học hỏi và sử dụng những phương thức đó.

 Đến đây bạn đã hiểu vì sao tôi tha thiết đề nghị bạn dành 10% thu nhập cho Tài khoản Đào tạo. Hãy chỉ sử dụng số tiền này cho các khoá học, mua sách, băng đĩa hay những chương trình đào tạo khác nhau, có thể thông qua các hệ thống giáo dục chính quy, các trung tâm huấn luyện tư nhân, hay thuê nhà huấn luyện riêng... Bất kể bạn chọn phương pháp nào, thì Tài khoản Đào tạo này cũng luôn có đủ tiền để bạn học hỏi và phát triển. Bạn sẽ không còn lặp lại điệp khúc của người nghèo “Tôi biết rồi” nữa. Bạn càng học hỏi được nhiều, bạn sẽ càng có thu nhập cao, và bạn càng có nhiều tiền để gửi vào tài khoản của mình tại ngân hàng!

 TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói...

 “Tôi cam kết không ngừng học hỏi và phát triển bản thân!”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3