Bí mật tư duy triệu phú - Phần 02 - Tư duy triệu phú 10 - 11 - 12 - 13 - 14
TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 10
Người giàu biết đón nhận.
Người nghèo không biết đón nhận.
Nếu tôi phải nêu ra lý do hàng đầu khiến đã số mọi người không phát huy hết tiềm năng tài chính của họ, thì đó là: phần lớn trong số họ là những người không biết đón nhận. Bất kể họ có giỏi cho tặng hay không, nhưng nhất định họ là những “người đón nhận” tồi. Và vì họ không biết đón nhận, nên họ không nhận được gì.
Mọi người không mạnh dạn trong việc đón nhận vì một số lý do. Một là, nhiều người tự cảm thấy không xứng đáng. Hội chứng này rất phổ biến trong xã hội chúng ta. Tôi đoán có tới hơn 90% cá nhân trong thâm tâm nghĩ rằng mình không giỏi lắm.
Suy nghĩ tự ti đó xuất phát từ đâu? Thông thường là từ tâm thức. Đối với đa số chúng ta thì suy nghĩ đó xuất phát từ việc phải nghe hai mươi câu “Không!” cho mỗi câu “Được!”, mười câu “Bạn sai rồi!” cho mỗi câu “Bạn làm đúng!”, và năm câu “Bạn kém quá!” cho một câu “Bạn giỏi thế!”.
Cho dù cha mẹ hay người đỡ đầu luôn hết lòng giúp đỡ, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn thường có cảm giác không đủ khả năng đáp ứng liên tục những gửi gắm và kỳ vọng của họ. Thế nên chúng ta càng thấy mình chưa đủ giỏi.
Bên cạnh đó, rất nhiều người trưởng thành Trong môi trường giáo dục nghiêm khắc, thậm chí nghiệt ngã, và cảm giác bị quở trách hay trừng phạt vốn đã ăn sâu trong tâm trí họ. Từ đây hình thành một quy luật bất thành văn là nếu bạn làm sai điều gì, bạn sẽ bị hoặc đáng bị trừng phạt. Không ít người trong chúng ta đã có lần bị cha mẹ, thầy cô… phạt, thậm chí những người thuộc một tổ chức hay tôn giáo nào đó còn bị đe dọa bởi nhiều loại hình phạt, kể cả việc không được lên thiên đàng.
Tất nhiên, khi chúng ta lớn thì những chuyện đó cũng qua. Có đúng thế không? Sai rồi! Với phần lớn chúng ta, ấn tượng về sự trừng phạt đã ăn sâu vào tâm tưởng, đến nỗi nếu không ai trừng phạt khi họ mắc sai lầm hay chỉ vì chưa đạt đến độ hoàn hảo, họ sẽ tự phạt mình một cách vô thức. Khi bạn còn nhỏ, hình thức phạt có thể chỉ đơn giản là: “Còn hư quá, còn sẽ không được ăn kẹo”. Giờ đây, hình phạt có thể tồn tại dưới dạng: “Bạn kém quá, bạn sẽ không có tiền”. Điều này lý giải nguyên nhân khiến một số người tự giới hạn thu nhập của họ, và tại sao một số khác tự phá hoại thành công của mình một cách vô thức.
Việc nhiều người gặp khó khăn trong động tác đón nhận cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Chỉ cần một sai lầm nhỏ xảy ra là họ phải chịu gánh nặng khổ sở triền miên và cả đời nghèo khó. Tôi nhắc lại, tâm trí đã được định hình của họ là một ngăn hồ sơ chứa đầy những “chương trình” xưa cũ, với ý nghĩa đã bị cảm nhận chủ quan thay đổi ít nhiều, hòa trộn vào những câu chuyện đầy kịch tính và thảm họa.
Đây là những điều tôi thường dạy trong các khoá học, và có thể chúng sẽ làm các bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Trên thực tế, việc bạn cảm thấy xứng đáng hay không không phải là vấn đề, bạn vẫn có thể giàu lên theo một cách khác. Rất nhiều người giàu không cảm thấy xứng đáng lắm khi một Trong những động lực chính thúc đẩy họ làm giàu là muốn chứng tỏ khả năng và giá trị bản thân cho chính họ và những người khác. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc làm giàu nhằm chứng tỏ giá trị bản thân có thể không làm bạn cảm thấy hạnh phúc, nên tốt hơn cả là bạn hãy làm giàu vì những lý do khác. Tuy nhiên, ở đây có một chi tiết quan trọng bạn cần nhận thấy là cảm giác không xứng đáng của bạn không được ngăn cản bạn hướng đến mục tiêu làm giàu; bởi vì đây có thể là một động cơ thúc đẩy rất hiệu quả.
Nói như vậy để bạn hiểu điều tôi sẽ chia sẻ với các bạn sau đây một cách rõ ràng và mạch lạc. Đây có thể là một trong những thời điểm quan trọng trong cuộc sống của bạn. Bạn sẵn sàng chứ?
Hãy để ý rằng dù bạn có xứng đáng hay không thì đó cũng chỉ là câu chuyện do bạn tạo ra, thế nên nó sẽ không mang ý nghĩa gì, ngoại trừ cái ý nghĩa mà chúng ta gán ghép cho. Không biết bạn thì sao, chứ tôi chưa từng nghe nói về bất kỳ ai bị “đóng dấu” ngày lúc mới sinh ra. Xin lỗi, tôi không nghĩ lại có chuyện đó! Không ai đóng lên trán bạn chữ “Xứng đáng” hay “Không xứng đáng” cả! Chính bạn sẽ làm điều đó. Bạn là người duy nhất quyết định mình “xứng đáng” hay “không xứng đáng”. Tất cả tùy thuộc vào quan điểm của bạn. Nếu bạn nói bạn xứng đáng, nghĩa là bạn xứng đáng. Nếu bạn nói bạn không xứng đáng, bạn sẽ không xứng đáng. Dù chọn cách nào thì bạn cũng sẽ sống đúng theo câu chuyện cuộc đời mình. Đây là điểm mấu chốt, tôi nhắc lại: Bạn sẽ sống đúng theo câu chuyện của bạn. Đơn giản vậy thôi.
TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 11
Người giàu muốn được trả công theo kết quả.
Người nghèo muốn được trả công theo thời gian.
Chắc bạn đã có lần nghe lời khuyên này: “Hãy đến trường, giành điểm cao, sau đó hãy kiếm một công việc tốt, có đồng lương ổn định, hãy làm việc chăm chỉ và cố gắng, … thế nào bạn cũng sẽ có cuộc sống hạnh phúc lâu bền”? Không biết bạn nghĩ sao, chứ tôi thì muốn tận mắt nhìn thấy lời khẳng định như đinh đóng cột đó bằng văn bản. Tiếc rằng lời khuyên thông thái đó được trích dẫn từ cuốn Chuyện Cổ tích, Tập I, ngay sau những chuyện để đọc cho trẻ trước khi đi ngủ.
Bạn có thể tự kiểm chứng tuyên bố đó bằng kinh nghiệm của chính bạn và thông qua cuộc sống của mọi người xung quanh bạn. Điều tôi muốn bàn luận ở đây là ý tưởng đằng sâu khái niệm “đồng lương ổn định” kia. Không có gì xấu nếu bạn có đồng lương ổn định, trừ khi điều đó ngăn trở bạn đến với những cơ hội mang lại thu nhập cao hơn dựa trên những gì bạn xứng đáng được hưởng. Mấu chốt vấn đề nằm ở đó. Và thường là như vậy.
TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 12
Người giàu suy nghĩ “cả hai”.
Người nghèo nghĩ “một trong hai”.
Người giàu sống trong thế giới của sự sung túc, còn người nghèo sống trong thế giới của các giới hạn. Trên thực tế, cả hai vẫn cùng sống trong cùng một thế giới vật chất, nhưng sự khác biệt nằm trong cách nhìn của mỗi người. Người nghèo và đã số người thuộc tầng lớp trung lưu xuất thân từ cảnh khốn khó. Họ sống theo phương châm: “Của cải trên thế gian này chỉ có bấy nhiêu thôi, chừng đó không bao giờ đủ để chia cho tất cả mọi người, và bạn không thể có được mọi thứ bạn muốn”. Mặc dù bạn không có khả năng để có tất cả, nhưng tôi nghĩ bạn hoàn toàn có khả năng có “tất cả mọi thứ bạn thật sự mong muốn”. Bạn muốn một sự nghiệp thành công hay một gia đình hòa thuận, ấm êm? Cả hai! Bạn muốn tập trung vào công việc hay được vui chơi thỏa thích? Cả hai! Bạn muốn có nhiều tiền hay muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống? Cả hai! Bạn muốn tạo dựng cả gia tài lớn hay được làm công việc bạn thích? Cả hai! Thế nhưng người nghèo luôn chỉ chọn một trong hai, trong khi người giàu chọn cả hai.
Người giàu hiểu rằng chỉ cần một chút sáng tạo thôi, bạn đã có thể tìm ra giải pháp để đạt được kết quả hoàn hảo nhất của cả hai khái niệm tưởng như mâu thuẫn đó. Vậy thì từ thời điểm này đây, khi phải đối diện với khả năng lựa chọn “một trong hai”, bạn nên tự hỏi: “Tôi có thể làm gì để đạt được cả hai?”. Câu hỏi này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn, đưa bạn từ thế giới chật hẹp của các giới hạn sang vũ trụ rộng lớn của những khả năng bất tận và sự giàu có, sung túc.
Điều này không chỉ liên quan đến những thứ vật chất mà bạn muốn có, mà còn liên quan đến tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Ví dụ, tôi phải làm việc với một nhà cung cấp đang bực bội vì cho rằng công ty Peak Potentials của tôi phải thanh toán một số chi phí phát sinh không được thỏa thuận ngày từ ban đầu. Quan điểm của tôi rất rõ ràng: việc tính toán chi phí của anh ta là việc của anh ta, không phải của tôi; và nếu anh ta than phiền rằng các chi phí phát sinh quá cao, thì anh ta phải xem xét lại quy trình làm việc. Tôi phát ngán và chỉ muốn tìm một nhà cung cấp mới cho hợp đồng tiếp theo, nhưng tôi là người biết giữ chữ tín và bao giờ cũng thực hiện đầy đủ những điều khoản đã được cam kết. Lúc tôi túng quẫn và hết sức chật vật về tài chính, tôi sẽ ngồi xuống bàn luận với mục đích bày tỏ quan điểm của tôi và khẳng định rằng tôi không trả thêm cho gì đó dù chỉ một xu ngoài số tiền hai bên đã thỏa thuận. Và dù tôi vẫn muốn giữ anh ta làm nhà cung cấp, nhưng việc này có thể sẽ kết thúc bằng một vụ tranh chấp lớn. Tôi sẽ nghĩ rằng hoặc anh ta thắng, hoặc tôi thắng.
Giờ đây, nhờ đã tập luyện cách suy nghĩ “cả hai”, tôi sẽ tiến hành cuộc thảo luận này với một tâm thế hoàn toàn cởi mở để tìm ra tình huống “lưỡng toàn kỳ mỹ”, nghĩa là tôi không phải trả thêm tiền và anh ta cũng cảm thấy hài lòng với cách dàn xếp mà cả hai bên đều nhất trí. Nói cách khác, mục đích của tôi là có cả hai!
Hay một ví dụ khác. Vài tháng trước, tôi quyết định mua ngôi nhà nghỉ ở Arizona. Tôi đã tìm kiếm khắp khu vực mà tôi yêu thích. Tất cả các đại lý môi giới bất động sản trong vùng đều nói với tôi rằng nếu tôi muốn một ngôi nhà có ba phòng ngủ và một phòng làm việc, tôi sẽ phải bỏ ra trên một triệu đô-la. Ý định của tôi là chỉ đầu tư vào đây số tiền dưới một triệu đô-la. Trong trường hợp này, phần lớn mọi người sẽ hạ thấp yêu cầu của mình hoặc nâng cao ngân sách đầu tư dự kiến. Tôi từ chối cả hai phương án đó. Mới đây, tôi vừa nhận được điện thoại rằng chủ một ngôi nhà trong đúng khu vực tôi cần với số phòng như tôi muốn, vừa giảm giá 200.000 đô-la, xuống dưới con số một triệu. Đó là một minh chứng nữa cho xu hướng muốn có cả hai! Đã không ít lần tôi nói với cha mẹ mình rằng tôi không muốn trở thành nô lệ cho công việc mà mình không hề hứng thú, và rằng tôi sẽ “làm giàu bằng những công việc tôi yêu thích”. Tôi nhớ câu trả lời của họ thường là: “Đừng có mơ tưởng hão huyền. Cuộc sống không phải nơi toàn là màu hồng đâu con ạ”. Họ còn nói: “Kinh doanh là kinh doanh, giải trí là giải trí. Trước hết còn phải lo kiếm sống đã, rồi sau đó nếu con có thời gian thì hãy nghĩ đến việc tận hưởng cuộc sống”.
Tôi còn nhớ mình đã tự nhủ: “Hừm, mình mà nghe theo lời cha mẹ thì rồi mình cũng sẽ có kết cục như họ thôi. Không. Mình phải có cả hai!”. Điều đó khó không? Chắc chắn rồi. Thỉnh thoảng, tôi vẫn phải làm những công việc chán ngấy trong một hay hai tuần để có tiền trang trải các khoản sinh hoạt phí như ăn uống, thuê nhà... Nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ ý chí “phải có cả hai”. Tôi không chấp nhận yên vị với công việc hay lĩnh vực kinh doanh mà mình không thích. Và cuối cùng, tôi đã trở nên giàu có khi làm những việc tôi yêu thích. Bây giờ, khi tôi biết rằng điều đó là hoàn toàn có thể thực hiện được, tôi tiếp tục chỉ theo đuổi những công việc và những dự án tôi yêu thích. Tuyệt vời hơn cả là giờ đây tôi có cơ hội hướng dẫn những người khác làm điều đó.
Không ở đâu mà cách suy nghĩ “cả hai” lại quan trọng như trong lĩnh vực tài chính. Người nghèo và nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu tin rằng họ phải lựa chọn giữa tiền bạc và những yếu tố khác trong cuộc sống. Kết quả là họ cho rằng tiền không quan trọng bằng những thứ khác. Tôi xin nhấn mạnh lần nữa: Tiền rất quan trọng! Thật lố bịch khi ai đó khẳng định rằng tiền bạc không quan trọng bằng bất kỳ thứ gì khác trong cuộc sống. Bạn nghĩ đối với con người chúng ta, cái gì quan trọng hơn, chân hay tay? Hay cả hai đều quan trọng như nhau?
Tiền bạc là chất bôi trơn cho phép bạn “trượt” đi trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng, êm ái, thay vì bị trầy xước liên miên. Tiền bạc mang cho bạn sự tự do – tự do mua những gì bạn muốn, tự do làm những công việc bạn yêu thích trong khoảng thời gian của mình. Tiền bạc cho phép bạn hưởng thụ những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, cũng như tạo cho bạn cơ hội giúp đỡ người khác có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Trên hết, tiền bạc cho phép bạn không phải tiêu hao năng lượng để lo lắng về việc không có tiền.
Hạnh phúc cũng quan trọng. Tuy nhiên, đây là điểm người nghèo và giới trung lưu ít khi phân biệt rõ ràng. Rất nhiều người tin rằng tiền bạc và hạnh phúc là hai phạm trù loại trừ lẫn nhau, rằng bạn chỉ có thể hoặc giàu, hoặc hạnh phúc. Cách nghĩ này là kết quả sự cài đặt và định hướng sai lầm của tâm thức vốn hình thành từ trong quá khứ. Những người giàu theo đúng nghĩa của từ này đều hiểu rằng bạn phải có cả hai. Tương tự như việc bạn phải có đủ hai chân và hai tay, bạn phải có cả tiền bạc và hạnh phúc.
Bạn có thể vừa có bánh ngọt, lại vừa được ăn bánh!
Đây là sự khác biệt cơ bản giữa người giàu, giới trung lưu và người nghèo:
Người giàu tin rằng: “Bạn có thể vừa có chiếc bánh ngọt, lại vừa được ăn chiếc bánh đó”.
Người trung lưu nói: “Bánh ngọt quá đắt, nên tôi sẽ chỉ có một miếng nhỏ thôi”.
Người nghèo không tin rằng họ xứng đáng có chiếc bánh ngọt, nên họ gọi một chiếc bánh rán rỗng ruột rồi cứ nhìn vào lỗ thủng đó mà thắc mắc tại sao họ “không có gì”.
TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 13
Người giàu chú trọng vào tổng tài sản.
Người nghèo chú trọng vào thu nhập từ việc làm.
Khi nhắc đến tiền bạc, mọi người Trong xã hội chúng ta thường có chúng một câu hỏi: “Bạn kiếm được bao nhiêu tiền?”. Rất hiếm khi bạn nghe câu: “Tổng tài sản của bạn là bao nhiêu?”. Rất ít người hỏi kiểu này, có lẽ chỉ trừ ở các câu lạc bộ thể thao ngoài trời.
Trong các câu lạc bộ đó, chủ đề thảo luận tài chính luôn xoay quanh còn số tổng tài sản: “Jim vừa bán cổ phần của anh ta và hiện này anh ta có hơn ba triệu. Công ty của Paul vừa được chuyển đổi thành công ty cổ phần và tổng tài sản của anh ta giờ trị giá tám triệu. Sue vừa bán doanh nghiệp của cô ấy; bây giờ tổng tài sản của cô ấy đáng giá 12 triệu”. Ở các câu lạc bộ thể thao ngoài trời, bạn sẽ không nghe những câu hỏi đại loại như: “Này, bạn có biết Joe vừa được tăng lương không? Chà chà, và tăng hai phần trăm trợ cấp sinh hoạt nữa chứ”. Nếu bạn nghe thấy câu đó, bạn phải hiểu rằng bạn đang nghe một người khách vãng lai chỉ tình cờ ghé qua.
TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 14
Người giàu quản lý tiền của họ rất giỏi. Người nghèo không biết quản lý tiền của họ.
Trong cuốn sách bán chạy nhất của mình có tên Triệu Phú bên cạnh nhà, tác giả Thomas Stanley đã khảo sát các triệu phú ở khắp nơi thuộc khu vực Bắc Mỹ, sau đó công bố họ là ai và họ đã làm giàu như thế nào. Toàn bộ kết quả có thể được tóm tắt trong một câu ngắn gọn: “Người giàu quản lý tiền bạc của họ rất giỏi”.
Người giàu không có gì khôn ngoan hơn người nghèo. Chỉ những thói quen của họ đối với tiền bạc là khác biệt và có tác dụng hỗ trợ họ hơn mà thôi. Như chúng ta đã thảo luận trong Phần I cuốn sách, thói quen được hình thành chủ yếu dựa trên cách nghĩ đã hình thành trước đây. Vậy nên, nếu bạn không biết cách quản lý tiền bạc của mình, có lẽ bạn đã không được lập trình để quản lý tiền bạc. Ngoài ra, nhiều khả năng là bạn chưa biết cách quản lý tiền bạc của mình sao cho đơn giản và hiệu quả. Không biết bạn thế nào, chứ tôi không được học môn Quản lý Tiền tệ 101 trong trường phổ thông, mà thay vào đó chúng tôi tìm hiểu về Cuộc chiến tranh 1812.
Đây có thể không phải chủ đề thu hút nhất, nhưng nó dẫn đến kết luận sau: sự khác biệt lớn nhất giữa thành công và thất bại tài chính là cách thức bạn quản lý tiền bạc của mình. Đơn giản thôi. Để làm chủ đồng tiền, trước hết bạn phải quản lý được nó.
Người nghèo thường tỏ ra vụng về, lúng túng trong việc quản lý tiền bạc, thậm chí họ e ngại hoặc trốn tránh mọi vấn đề liên quan đến tiền bạc nói chung. Nhiều người thú nhận rằng họ không thích quản lý tiền bạc bởi vì, thứ nhất, họ cho rằng việc đó hạn chế tự do của họ, và thứ hai, họ nói họ không có nhiều tiền đến mức phải quản lý.
Trên thực tế, việc quản lý tiền không hề lấy đi phần tự do nào của bạn, mà ngược lại còn khiến bạn tự do hơn. Việc quản lý tiền cho phép bạn được tự do về mặt tài chính để bạn không bao giờ phải làm việc nữa. Tôi tin rằng đó chính là tự do thật sự.
Với những ai dùng lý lẽ “Tôi không có nhiều tiền đến mức cần phải quản lý” để biện minh, thì quả là họ đang có cái nhìn sai lệch về vấn đề này. Họ đang quan sát các vì sao từ đầu bên kia của kính viễn vọng. Thay vì “Khi nào có nhiều tiền, tôi sẽ bắt đầu quản lý chúng”, họ nên nói: “Khi tôi bắt đầu biết quản lý tiền, tôi sẽ có rất nhiều tiền”. Câu: “Tôi sẽ bắt đầu quản lý tiền của mình ngày khi tôi giàu lên” không khác mấy so với cam kết của người thừa cân rằng: “Tôi sẽ bắt đầu luyện tập và ăn kiêng ngày khi tôi giảm được mười cân”. Nếu bạn buộc cỗ xe trước con ngựa, cỗ xe sẽ không thể di chuyển được, hoặc có khi còn đi giật lùi! Vậy trước tiên bạn hãy quản lý tiền của bạn cho hiệu quả, rồi bạn sẽ có nhiều tiền hơn để quản lý. Trong các khoá học Tư Duy Triệu Phú, tôi thường kể một câu chuyện khiến mọi người đều phải suy ngẫm. Hãy hình dùng bạn đang đi bộ trên phố với đứa trẻ lên năm. Bạn dừng trước một tiệm bán kem và mua cho đứa trẻ cây kem ốc quế với một viên kem tròn. Chỉ vài phút sâu, viên kem tan dần và chảy xuống bàn tay nhỏ nhắn của em bé, rồi bất chợt rơi xuống vỉa hè.
Đứa trẻ khóc lóc đai bạn quay lại cửa tiệm để mua cây kem khác. Và ngày lúc đó, đứa trẻ nhìn thấy bức ảnh quảng cáo rực rỡ chụp cây kem ốc quế với ba viên kem trông thật hấp dẫn. Đứa trẻ chỉ vào bức tranh và sung sướng reo lên: “Con muốn cây kem đó cơ!”.
Đến đây có một câu hỏi. Là một người tốt bụng, yêu trẻ và hào phóng như bạn, liệu bạn có mua cho đứa trẻ cây kem có tới ba viên tròn ngọt lịm kia không? Phản ứng đầu tiên của bạn có thể là “Chắc chắn rồi”. Tuy nhiên, khi nghĩ lại một chút, phần lớn những người tham dự các khoá học của chúng tôi đã trả lời là: “Không”. Bởi vì tại sao bạn lại muốn đưa đứa trẻ đến với một thất bại chắc chắn? Đứa trẻ đã không giữ nổi cây kem ốc quế một viên, thì làm sao nó có thể cầm chắc cây kem có tới ba viên?
Ví dụ này rất thích hợp để nói về vũ trụ và bạn. Chúng ta sống trong một vũ trụ tử tế và giàu tình thương, và nguyên tắc bất di bất dịch của vũ trụ là: “Chỉ trừ khi bạn chứng tỏ mình có thể quản lý những gì đang có, bằng không bạn sẽ chẳng có thêm chút gì!”.